Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 69/KH-UBND

Hà Nội, ngày 18 tháng 3 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

ĐẨY MẠNH XUẤT KHẨU TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI NĂM 2019

Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, Quyết định số 08/QĐ-BCT ngày 04/01/2019 của Bộ Công Thương ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Công Thương thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ; Nghị quyết số 11/2018/NQ-HĐND ngày 05/12/2018 của Hội đồng nhân dân Thành phố về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 của thành phố Hà Nội; Các văn bản của UBND Thành phố: Quyết định số 6688/QĐ-UBND ngày 07/12/2018 về việc giao chỉ tiêu Kế hoạch kinh tế - xã hội và dự toán thu, chi ngân sách năm 2019 của thành phố Hà Nội; Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 2500/QĐ-UBND ngày 10/4/2013; Đề án: “Đẩy mạnh xuất khẩu của Thành phố Hà Nội thời kỳ hội nhập đến năm 2020, định hướng đến 2025” ban hành kèm theo Quyết định số 2913/QĐ-UBND ngày 22/5/2017, Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2019 như sau:

I. DỰ BÁO TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG THẾ GIỚI VÀ TRONG NƯỚC TÁC ĐỘNG ĐẾN HOẠT ĐỘNG XUẤT KHẨU NĂM 2019:

1. Thuận lợi:

Kinh tế trong nước tiếp tục xu hướng tăng trưởng tích cực; Chính phủ và Thành phố tiếp tục thực hiện các giải pháp quyết liệt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế: Triển khai cải cách cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước... Thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng dự báo nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng trưởng.

2. Khó khăn:

Thị trường tài chính, tiền tệ toàn cầu có biến động mạnh. Các định chế kinh tế thế giới1 đều có dự báo hạ thấp triển vọng kinh tế thế giới. Tình hình thế giới, khu vực dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp; cạnh tranh chiến lược, thương mại giữa các nước lớn ngày càng căng thẳng. Thách thức an ninh phi truyền thống, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh ngày càng gia tăng. Tiềm lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn hạn chế; năng suất lao động còn thấp; tính tự chủ của nền kinh tế chưa đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ mới; áp lực ngày càng tăng từ việc thực hiện các cam kết quốc tế.

II. MỤC ĐÍCH VÀ CHỈ TIÊU

1. Mục đích:

- Góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội của Thành phố; Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; Nâng cao chỉ số PCI và PAPI; Khuyến khích khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Tái cơ cấu các ngành kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

- Đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức, ứng dụng công nghệ cao, vận dụng kết quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để nâng cao năng suất lao động. Quan tâm huy động mọi nguồn vốn, trong đó có ngân sách để tạo quỹ đất sạch đấu thầu, đấu giá xây dựng các khu, cụm công nghiệp tập trung theo quy hoạch.

- Các Sở, ban, ngành coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn hiện nay nhằm giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa; phân công rõ trách nhiệm cho các Sở, ban, ngành để chủ động triển khai và kiểm tra đánh giá việc tổ chức thực hiện các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu trên địa bàn Thành phố.

2. Chỉ tiêu tăng trưởng: Thực hiện chỉ tiêu kế hoạch do Hội đồng nhân dân thành phố giao, mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2019 trên địa bàn Thành phố tăng 7,5-8% so với thực hiện năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 15.350 triệu USD.

III. GIẢI PHÁP CHỦ YẾU:

1. Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, trong đó chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính.

2. Xây dựng cơ chế chính sách đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu.

3. Thực hiện tốt chính sách tiền tệ theo chỉ đạo của Chính phủ và các cơ quan trung ương trên địa bàn.

4. Nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, nhà sản xuất.

5. Tiếp tục thực hiện kết nối cung - cầu lao động để tạo nguồn lao động đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu.

6. Tăng cường thu hút đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ phục vụ hoạt động kinh doanh xuất khẩu.

7. Nâng cao hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Công tác cải cách hành chính:

a) Giao Cục Thuế thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan: Thực hiện các đề án hiện đại hóa công tác quản lý thuế; ứng dụng công nghệ thông tin vào tất cả các khâu, các bước trong công tác quản lý thuế để tạo thuận lợi, đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng giảm chi phí tuân thủ cho các doanh nghiệp thực hiện các chính sách pháp luật thuế.

b) Giao Cục Hải quan Hà Nội chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan:

Hoàn thiện việc triển khai hệ thống quản lý, giám sát hàng hóa đường không tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài; thực hiện kết nối hải quan với các doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng trên địa bàn Hà Nội; chủ động phối hợp với Cục Thuế thành phố Hà Nội thực hiện các đề án hiện đại hóa công tác quản lý thuế và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế.

c) Giao Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan: Thực hiện cấp các loại giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) ưu đãi qua hệ thống điện tử cấp độ 3, cấp độ 4. Tham gia cơ chế cấp chứng nhận xuất xứ một cửa quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN theo cam kết của Chính phủ với các nước ASEAN; triển khai cấp chứng nhận xuất xứ ưu đãi theo văn bản pháp quy của Chính phủ thực hiện các Hiệp định thương mại: EVFTA (Việt Nam - Liên minh châu Âu), EFTAVN (Việt Nam - khối thương mại tự do châu Âu) và CPTTP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương).

2. Xây dựng, thực hiện các cơ chế, chính sách đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu:

a) Giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Hà Nội chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan: Chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tích cực triển khai các giải pháp thúc đẩy mở rộng tín dụng đảm bảo an toàn; dành vốn cho vay phát triển sản xuất kinh doanh xuất khẩu; nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ ngân hàng. Đẩy mạnh chương trình Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tại một số ngân hàng, quận, huyện, thị xã; hỗ trợ tín dụng với lãi suất hợp lý nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

b) Giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan: Triển khai thực hiện Kế hoạch số 66/KH-UBND ngày 14/3/2019 về thực hiện Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trên địa bàn thành phố Hà Nội; Triển khai Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2019; Triển khai Đề án quản lý và phát triển hoạt động logistics trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2025; Hỗ trợ 10 làng nghề và các doanh nghiệp trên địa bàn xây dựng và phát triển thương hiệu.

c) Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan: Tổ chức thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thành phố Hà Nội (chú trọng các lĩnh vực sản xuất rau, hoa, cây ăn quả, chè, phát triển chăn nuôi, phát triển thủy sản); Tăng cường hướng dẫn các doanh nghiệp, hộ sản xuất áp dụng các quy định về quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm phục vụ xuất khẩu.

3. Nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, nhà sản xuất:

Ủy ban nhân dân Thành phố giao các sở, ngành, cơ quan, đơn vị:

a) Sở Công Thương, Cục Hải quan Hà Nội, Cục Thuế thành phố Hà Nội, Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội, Hiệp Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội: Tổ chức thông tin, tuyên truyền về thị trường xuất khẩu mới, tiềm năng, đồng thời mở rộng thị trường hàng hóa Việt Nam tại thị trường các nước là đối tác của Hiệp định thương mại tự do (FTA); Phổ biến các quy tắc xuất xứ trong các FTA mà Việt Nam là thành viên; Tổ chức các chương trình tập huấn cho các doanh nghiệp về: Thông tin thị trường nước ngoài, các hiệp định thương mại tự do, chính sách pháp luật mới liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh xuất nhập khẩu...

b) Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội: Thu thập, cung cấp thông tin, hình ảnh của các sự kiện; liên quan tới các chủ trương, chính sách, hội nhập kinh tế quốc tế,... để hỗ trợ doanh nghiệp. Xây dựng các thông tin, bài viết phổ biến các thông tin liên quan đến các chính sách, hỗ trợ của Thành phố với doanh nghiệp, thông tin về hoạt động xúc tiến; số hóa, đăng tải lên Cổng thông tin Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Thành phố. Phổ biến, triển khai các quy định tại các văn bản pháp luật mới hướng dẫn thực hiện Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp..., các điều ước Quốc tế mà Việt Nam là thành viên mới ký kết tới các doanh nghiệp. Tập trung triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại giúp doanh nghiệp nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp về tư vấn, thiết kế mẫu mã sản phẩm, công nghệ, phổ biến kiến thức, đào tạo, tập huấn về thị trường, quảng bá phát triển thương hiệu, truy suất nguồn gốc xuất xứ; Tăng cường hoạt động xúc tiến hỗ trợ doanh nghiệp, tiếp cận, chuyển giao công nghệ tiên tiến.

c) Sở Kế hoạch và Đầu tư: Tiếp tục triển khai các chương trình: Vườn ươm doanh nghiệp; hỗ trợ giúp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, tập trung giai đoạn khởi nghiệp, đào tạo giám đốc điều hành doanh nghiệp; Tăng cường xúc tiến đầu tư tại các nước có thị trường xuất khẩu.

d) Sở Lao động Thương binh và Xã hội: Tổ chức các phiên giao dịch việc làm để tạo nguồn lao động có chất lượng; thực hiện 86 phiên giao dịch định kỳ vào thứ 3 và thứ 5 hàng tuần, 05 phiên giao dịch lưu động, 04 phiên giao dịch lồng ghép, 06 phiên giao dịch chuyên đề, 05 phiên giao dịch trực tuyến khu vực; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hoạt động của sàn giao dịch việc làm Hà Nội đến các trường Đại học, Cao đẳng, trường đào tạo nghề trên địa bàn thành phố; Tổ chức các chương trình tọa đàm sâu rộng để giải đáp cho doanh nghiệp về vấn đề tuyển dụng và sử dụng nhân sự, đồng thời giúp người lao động nắm bắt, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, có vị trí việc làm phù hợp.

e) Sở Công Thương tổ chức cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ và vinh danh các nghệ nhân tiêu biểu ngành thủ công mỹ nghệ thành phố Hà Nội năm 2019; Hỗ trợ 30 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu thuê tư vấn thiết kế mẫu sản phẩm mới.

g) Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan: Khảo sát, cập nhật số liệu về ngành công nghệ thông tin; giới thiệu sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh tại thị trường trong và ngoài nước.

h) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Tiếp tục thực hiện các chương trình tập huấn về sản xuất an toàn, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho nông dân Hà Nội.

i) Hội Nông dân Thành phố: Tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho nông dân về chính sách, pháp luật về thương mại; thông tin thị trường, mô hình kinh doanh giỏi; khu sản xuất chuyên canh; xây dựng hình ảnh, quảng bá sản phẩm, giá trị văn hóa làng nghề ... Đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu sản phẩm... Tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân về kỹ năng thương mại và phát triển thương hiệu nông sản Việt.

4. Tăng cường thu hút đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, các khu, cụm công nghiệp tập trung, cơ sở hạ tầng logistics, hệ thống dịch vụ; xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin phục vụ hoạt động kinh doanh, xuất khẩu:

a) Giao Sở Công Thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư: Hướng dẫn đầu tư xây dựng các dự án hạ tầng dịch vụ logistic trên địa bàn thành phố Hà Nội.

b) Giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan: Kiểm tra tiến độ triển khai các dự án khu công nghệ thông tin tập trung, nghiên cứu, đề xuất các cơ chế chính sách nhằm hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ các dự án khu công nghệ thông tin tập trung và các doanh nghiệp công nghệ thông tin hoạt động trong Khu.

c) Giao Ban quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội: Hướng dẫn, giám sát tiến độ xây dựng các Khu công nghiệp trên địa bàn thành phố.

d) Giao Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp cơ quan liên quan:

- Hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ hoạt động xuất khẩu trong cả 4 lĩnh vực: Đầu tư, thương mại, du lịch và nông nghiệp, trong đó tập trung cho công tác thu thập, xây dựng thông tin, dữ liệu ngành hàng, dữ liệu về các doanh nghiệp, các thông tin hữu ích doanh nghiệp quan tâm để nâng cao hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp.

- Thu thập phản hồi từ các nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp, phối hợp với các Sở, Ngành để xuất, tham mưu UBND Thành phố chỉ đạo kịp thời, ban hành các cơ chế, chính sách để đẩy mạnh xuất khẩu trên địa bàn Thành phố.

- Nghiên cứu, đánh giá tổng thể các khu vực lân cận Hà Nội để Thành phố có cơ chế hỗ trợ giá thuê đất trong các khu công nghiệp phù hợp, hấp dẫn nhà đầu tư; tăng tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp hiện có và đang hoàn thiện.

5. Đổi mới, nâng cao hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư:

a) Giao Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện Chương trình Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Thành phố năm 2019, trong đó tập trung các hoạt động sau:

- Các công tác xúc tiến đầu tư gồm: (1). Xúc tiến đầu tư tại chỗ: Tăng cường các hoạt động tiếp xúc đối với các Nhà đầu tư lớn được Thành phố quan tâm, các nhà đầu tư đang hoạt động trên địa bàn Thành phố để xúc tiến đầu tư các dự án theo định hướng thu hút FDI của Thành phố. (2). Tổ chức Đoàn công tác Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch tại Đức, Anh. (3). Tổ chức Hội nghị Xúc tiến Đầu tư, Du lịch tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Italia. (4). Tham mưu tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2019; Hội nghị Đối thoại doanh nghiệp năm 2019.

- Thực hiện công tác xúc tiến thương mại: (1). Tổ chức đoàn doanh nghiệp tham gia hội chợ, giao thương tại nước ngoài tại Đức, Nhật Bản, Nam Phi, Angola theo các chuyên ngành thủ công mỹ nghệ, cơ khí chế tạo và công nghiệp hỗ trợ, sách. (2). Tổ chức các Tuần hàng Việt Nam-Hà Nội tại Trung tâm Thương mại Aeon (Nhật Bản), Kết hợp quảng bá xúc tiến du lịch, văn hóa, ẩm thực Hà Nội-Việt Nam tại Nhật Bản. (3). Tổ chức Tuần hàng Nông sản Việt Nam tại chợ Đầu mối Rungis-Paris; giao dịch kết nối với hệ thống Siêu thị, Kết hợp quảng bá xúc tiến du lịch, văn hóa, ẩm thực tại Pháp. (4). Tổ chức Tuần hàng Việt Nam-Hà Nội tại hệ thống siêu thị của Tập đoàn Lotte, Kết hợp quảng bá xúc tiến du lịch, văn hóa, ẩm thực Hà Nội-Việt Nam tại Hàn Quốc. (5). Tham gia Chương trình “Tuần hàng và du lịch Việt Nam 2019 tại hệ thống phân phối Central Group (Thái Lan). (6). Tổ chức đoàn tham dự Triển lãm quốc tế tại Việt Nam (Triển lãm định hướng xuất khẩu tại Việt Nam): Triển lãm Quốc tế công nghiệp thực phẩm; Triển lãm quốc tế Da và Giày tại thành phố Hồ Chí Minh.

b) Giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan:

- Tổ chức đoàn doanh nghiệp xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ tham gia hội chợ quốc tế chuyên ngành thủ công mỹ nghệ tại nước ngoài: Singapore, UAE, Mỹ và Hồng Kông;

- Tổ chức và mời nhà nhập khẩu nước ngoài đến tham quan, giao dịch tại Hội chợ quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội 2019 (Hanoi Gift Show 2019)

6. Các giải pháp khác: Các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trên địa bàn chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa và không ngừng tự đào tạo hoặc tham gia các khóa đào tạo do các Sở, ngành Thành phố tổ chức nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Chế độ thông tin, báo cáo: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, các Sở, ngành, đơn vị có trách nhiệm xây dựng Kế hoạch chi tiết triển khai các nhiệm vụ năm 2019; báo cáo UBND Thành phố đột xuất hoặc định kỳ kết quả thực hiện (gửi Sở Công Thương để tổng hợp chung trước ngày 15/12/2019)./.

 


Nơi nhận:
- Chủ tịch UBND Thành phố;
- Bộ Công Thương;
- PCT UBND TP Nguyễn Doãn Toản;
- Các Sở, ban, ngành Thành phố;
- Các Hội, Hiệp hội DN Thành phố; (giao Sở Công Thương gửi)
- VPUB: CVP, PCVPV.A.Tuấn, KT, TKBT;
- Lưu VT, KT Ngân.
(428)

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Doãn Toản

 



1 Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Tổ chức thương mại thế giới (WTO)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 69/KH-UBND về Đẩy mạnh xuất khẩu trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2019

  • Số hiệu: 69/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 18/03/2019
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Nguyễn Doãn Toản
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản