Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 681/KH-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 10 tháng 3 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH “CHUYỂN ĐỔI SỐ CỦA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH” NĂM 2021

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

- Tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định số 2393/QĐ-UBND ngày 03 tháng 7 năm 2020 của Ủy ban nhân dân thành phố về phê duyệt Chương trình “Chuyển đổi số của Thành phố Hồ Chí Minh”; Quyết định số 1726/QĐ- BTTTT ngày 12 tháng 10 năm 2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông về phê duyệt đề án “Xác định bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và của quốc gia”.

- Xác định nhiệm vụ cụ thể của từng cá nhân, đơn vị để tổ chức triển khai, kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện. Tăng cường sự tương tác với người dân, tổ chức, doanh nghiệp, cùng tham gia thực hiện Chương trình, cũng như tham gia giám sát quá trình thực hiện, tạo sự đồng thuận trong xã hội.

- Tạo tiền đề quan trọng để thúc đẩy xây dựng chính quyền số; thực hiện chuyển đổi số toàn diện, phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số.

II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Đổi mới tư duy và thống nhất nhận thức về chuyển đổi số

a) Tổ chức các khóa đào tạo, giới thiệu kiến thức cơ bản về chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

b) Tổ chức các Hội nghị, Hội thảo, Tọa đàm về chuyển đổi số nhằm trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số.

c) Xây dựng các chuyên mục tuyên truyền về kế hoạch và kết quả thực hiện chuyển đổi số của thành phố trên báo chí và phương tiện truyền thông của thành phố

2. Phát triển hạ tầng số, nền tảng số

a) Hạ tầng viễn thông - công nghệ thông tin

- Xây dựng phương án hình thành trung tâm dữ liệu thứ 2 của thành phố để phục vụ các hệ thống thông tin của thành phố tin cậy, ổn định, dựa trên công nghệ điện toán đám mây.

- Phát triển mạng truyền số liệu chuyên dùng thành phố thống nhất, đồng bộ và tin cậy phục vụ cho chuyển đổi số và phát triển đô thị thông minh.

- Khuyến khích các doanh nghiệp thí điểm và nhân rộng việc xây dựng và phát triển mạng 5G tại Thành phố.

b) Phát triển nền tảng số

- Tiếp tục triển khai mở rộng, hoàn thiện Nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu của thành phố (HCM LGSP).

- Nghiên cứu phương án triển khai một số nền tảng số cơ bản: nền tảng Internet vạn vật (IoT); nền tảng kết nối dịch vụ số hóa; nền tảng trí tuệ nhân tạo (theo Chương trình “Nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tại Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2030); nền tảng định danh điện tử làm tiền đề phát triển chính quyền sổ và kinh tế số.

3. Phát triển chính quyền số

Thực hiện theo kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng năm 2021. Trong đó, tập trung các nhiệm vụ trọng tâm sau:

- Phát triển các nền tảng cơ bản xây dựng chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số theo Kiến trúc Chính quyền điện tử thành phố.

- Tăng cường kết nối giữa các ứng dụng phục vụ người dân và doanh nghiệp.

- Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng Kho dữ liệu dùng chung và phát triển Hệ sinh thái dữ liệu mở.

- Xây dựng kế hoạch số hóa hồ sơ và khai thác dữ liệu số phục vụ hoạt động của các cơ quan nhà nước.

4. Phát triển kinh tế số

a) Thúc đẩy chuyển đổi số tại các doanh nghiệp

- Phát huy vai trò tích cực, chủ động của các hiệp hội trong việc tổ chức các chương trình phổ biến kiến thức về sử dụng các công nghệ số, các loại mô hình kinh tế số đổi mới sáng tạo, chia sẻ kinh nghiệm của những doanh nghiệp trong từng lĩnh vực đang thành công nhờ các mô hình kinh doanh sáng tạo với công nghệ số.

- Triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm Công nghệ thông tin - Truyền thông giai đoạn 2020 - 2030; phát huy vài trò của Hội đồng Phát triển ngành Công nghệ thông tin - Điện tử - Viễn thông thành phố theo Quyết định số 1790/QĐ-UBND ngày 22 tháng 5 năm 2020 của Ủy ban nhân dân Thành phố.

- Thúc đẩy các hiệp hội, tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ lớn tập trung phát triển các công nghệ số nền tảng, đầu tư nghiên cứu và phát triển các công nghệ lõi, tư vấn, đào tạo nguồn nhân lực chuyển đổi số trong các doanh nghiệp hoạt động trong ở các lĩnh vực khác.

- Tập trung triển khai hiệu quả các giải pháp theo Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó có giải pháp về nguồn vốn, quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong đó, quan trọng nhất là chính sách cho phép doanh nghiệp sử dụng quỹ khoa học công nghệ của mình thuận lợi để thực hiện chuyển đổi số.

- Các doanh nghiệp nhà nước thành phố phải xây dựng kế hoạch chuyển đổi số tăng cường áp dụng các giải pháp công nghệ số, các mô hình sản xuất mới hiệu quả hơn và từng bước chuyển dịch sang phương thức sản xuất mới.

b) Hoàn chỉnh hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Tập trung xây dựng Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo Thành phố Hồ Chí Minh với mục tiêu hoàn chỉnh hệ sinh thái khởi nghiệp nhằm thúc đẩy nâng cao hiệu quả sản xuất, kiến tạo các mô hình sản xuất chất lượng cao, năng suất lao động cao.

c) Nghiên cứu, đề xuất để phát triển thành phố thành trung tâm công nghệ tài chính (Fintech hub) với các nhiệm vụ chính như sau:

- Xây dựng Để án phát triển công nghệ tài chính (Fintech) cho Thành phố Hồ Chí Minh.

- Xây dựng thí điểm Mô hình không gian Fintech (Fintech space).

- Tổ chức Cuộc thi khởi nghiệp ứng dụng giải pháp công nghệ tài chính và Chương trình tăng tốc khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ tài chính.

d) Hỗ trợ phát triển thương mại điện tử:

Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 4328/QĐ-UBND ngày 24 tháng 11 năm 2020 của Ủy ban nhân dân Thành phố về phê duyệt Đề án Phát triển thương mại điện tử trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm:

- Thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp và người tiêu dùng; phát huy vai trò chủ lực của Thành phố Hồ Chí Minh trong phát triển thương mại điện tử Việt Nam.

- Mở rộng thị trường tiêu thụ cho doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt là thị trường quốc tế.

- Phối hợp điều hành thị trường thương mại điện tử phát triển lành mạnh, có tính cạnh tranh để hướng đến phát triển bền vững.

- Góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia có thị trường thương mại điện tử phát triển thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á.

5. Chuyển đổi số trong một số ngành, lĩnh vực

Các sở, ngành, thành phố Thủ Đức và các quận huyện cần khẩn trương xây dựng kế hoạch chuyển đổi số theo từng ngành, lĩnh vực phụ trách: y tế, giáo dục, giao thông vận tải, tài chính, du lịch, nông nghiệp, logistics, môi trường, năng lượng.

6. Hợp tác quốc tế trong chuyển đổi số

Tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm, tổ chức các hội thảo, đào tạo về chuyển đổi số và định hướng xây dựng chính quyền số với các nước tiên tiến trên thế giới.

III. TRIỂN KHAI XÁC ĐỊNH CHỈ SỐ ĐÁNH GIÁ CHUYỂN ĐỔI SỐ CỦA THÀNH PHỐ

1. Mục đích, yêu cầu

- Xác định được chỉ số đánh giá chuyển đổi số của Thành phố theo Quyết định số 1726/QĐ-BTTTT ngày 12 tháng 10 năm 2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông về phê duyệt đề án “Xác định bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và của quốc gia”.

- Đảm bảo việc thực hiện công tác theo dõi, đánh giá chuyển đổi số thường xuyên, liên tục, bảo đảm trung thực, khách quan, kịp thời trong việc điều tra, tổng hợp, thống kê, báo cáo các kết quả chuyển đổi số, thông tin, số liệu phục vụ xác định chỉ số chuyển đổi số của Thành phố.

2. Giải pháp thực hiện

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến về mục tiêu, nội dung Bộ chỉ số chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh và kết quả chuyển đổi số hàng năm dưới nhiều hình thức khác nhau (hội nghị, hội thảo, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng...).

- Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc tổ chức điều tra để xác định chỉ số, đánh giá chuyển đổi số của Thành phố.

- Việc đánh giá được thực hiện thường xuyên, liên tục, phản ánh khách quan, trung thực kết quả chuyển đổi số đạt được hàng năm theo các trụ cột, chỉ số chính, chỉ số thành phần, tiêu chí quy định trong Bộ chỉ số chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh.

- Xây dựng, hoàn thiện phần mềm đánh giá chuyển đổi số để đánh giá chính xác, khách quan.

- Kinh phí triển khai xác định Chỉ số chuyển đổi số hàng năm được bảo đảm bằng nguồn ngân sách nhà nước các nguồn tài trợ hợp pháp khác (nếu có) và nguồn xã hội hóa (nếu có).

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện, doanh nghiệp nhà nước thành phố chịu trách nhiệm:

a) Phân công lãnh đạo đơn vị phụ trách và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được phân công tại Phụ lục 1 và Phụ lục 2.

b) Xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong ngành, lĩnh vực phụ trách. Hoàn thành trong quý 01 năm 2021

c) Lập danh mục các công trình, dự án chuyển đổi số, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình Ủy ban nhân dân Thành phố bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của thành phố.

d) Lập danh mục các hoạt động, hạng mục sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp thông tin và truyền thông, gửi Sở Thông tin và Truyền thông để phối hợp Sở Tài chính tổng hợp trình Ủy ban nhân dân Thành phố.

e) Định kỳ hàng quý báo cáo tiến độ về Sở Thông tin và Truyền thông để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố.

2. Sở Thông tin và Truyền thông

a) Xây dựng kế hoạch truyền thông cho Chương trình chuyển đổi số.

b) Xây dựng, hoàn thiện phần mềm tổng hợp kết quả đánh giá chuyển đổi số để đánh giá chính xác, khách quan.

c) Theo dõi, tổng hợp tình hình triển khai của các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện, doanh nghiệp nhà nước thành phố; chủ động nắm bắt các khó khăn, vướng mắc có khả năng ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ của Kế hoạch và phối hợp với các đơn vị tìm phương án giải quyết, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định.

d) Chủ trì, phối hợp chặt chẽ Cục Thống kê, Sở Công thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố, Cục Thuế, Cục Hải quan và các đơn vị liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố xác định chỉ số đánh giá chuyển đổi số của thành phố, trước mắt ưu tiên xác định các chỉ số hoạt động kinh tế số.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

a) Bổ sung các công trình, dự án thuộc Chương trình chuyển đổi số vào Chương trình kích cầu đầu tư của thành phố.

b) Lập danh mục các công trình, dự án thuộc Chương trình chuyển đổi số để triển khai chương trình xúc tiến đầu tư.

4. Các doanh nghiệp nhà nước thành phố xây dựng và triển khai kế hoạch chuyển đổi số, nhất là chuyển đổi sang cung cấp sản phẩm, dịch vụ dựa trên công nghệ số.

5. Đề nghị các hiệp hội tăng cường kết nối, hỗ trợ lẫn nhau để các doanh nghiệp cùng phát triển, kết nối các doanh nghiệp để chia sẻ kinh nghiệm chuyển đôi số, đề xuất cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số.

6. Sở Tài chính và Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố quyết định, bố trí nguồn kinh phí để các đơn vị thực hiện kế hoạch này./.

 


Nơi nhận:
- Bộ TTTT;
- Ban Thường vụ Thành ủy;
- Các sở, ban, ngành;
- UBND TP. Thủ Đức
- UBND 21 quận, huyện;
- Các hiệp hội, hội Thành phố;
- Các DNNN Thành phố;
- VPUB: CVP, PCVP/KT;
- Phòng KT;
- Lưu: VT (KT-P.Loan).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Dương Anh Đức