Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 6695/KH-UBND

Ninh Thuận, ngày 09 tháng 12 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI TIÊM VẮC XIN PHÒNG COVID-19 LIỀU BỔ SUNG VÀ LIỀU NHẮC LẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN

Căn cứ Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng; Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ về mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19;

Căn cứ Quyết định số 3043/QĐ-BYT ngày 24/6/2021 của Bộ Y tế về thành lập Ban chỉ đạo triển khai Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 toàn quốc; Quyết định 3355/QĐ-BYT ngày 08/7/2021 của Bộ Y tế về việc ban hành Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 năm 2021 - 2022;

Căn cứ Công văn số 10225/BYT-DP ngày 01/12/2021 của Bộ Y tế về việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 liều cơ bản và nhắc lại;

Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận ban hành Kế hoạch tiêm vắc xin phòng COVID-19 liều bổ sung và liều nhắc lại trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, như sau:

I. MỤC ĐÍCH

Tăng cường miễn dịch cộng đồng và ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh bằng việc tiêm liều bổ sung và liều nhắc lại (gọi tắt là mũi 3) vắc xin phòng COVID-19 cho những đối tượng được tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 đủ 2 liều cơ bản.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung:

Phòng, chống dịch chủ động bằng việc sử dụng vắc xin phòng COVID-19 cho các đối tượng nguy cơ và cho cộng đồng.

2. Mục tiêu cụ thể:

- Đảm bảo đối tượng là người từ 50 tuổi trở lên có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng như người cấy ghép tạng, ung thư, HIV, đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc đã điều trị trong vòng 6 tháng,…đã tiêm đủ 2 liều cơ bản, được tiêm mũi 3 vắc xin phòng COVID-19 (mũi bổ sung).

- Đảm bảo đối tượng từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ 02 mũi vắc xin phòng COVID-19 được tiêm mũi 3 (mũi nhắc lại).

- Đảm bảo an toàn và hiệu quả khi sử dụng vắc xin phòng COVID-19.

III. THỜI GIAN, ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI TRIỂN KHAI

1. Nguyên tắc

- Triển khai tại tất cả các xã, phường, thị trấn trên phạm vi toàn tỉnh.

- Sử dụng tất cả các loại vắc xin được Bộ Y tế phê duyệt.

- Đảm bảo tiêm hết số lượng vắc xin trước khi hết hạn sử dụng, tránh để lãng phí.

- Huy động tối đa các lực lượng trong và ngoài ngành y tế, lực lượng công an, quân đội, các tổ chức chính trị - xã hội, các ban, ngành, đoàn thể... hỗ trợ triển khai tiêm chủng.

- Đảm bảo tối đa an toàn tiêm chủng.

2. Thời gian: Từ tháng 12/2021 (tùy theo tiến độ cung ứng vắc xin của Bộ Y tế đảm bảo vắc xin được phân bổ đến đâu tiêm ngay đến đó).

3. Đối tượng triển khai:

Thực hiện triển khai tiêm mũi 3 vắc xin phòng COVID-19 cho đối tượng đã tiêm đủ 02 mũi, ưu tiên theo thứ tự thời gian đã tiêm từ xa nhất đến tiêm gần nhất, cụ thể như sau:

3.1. Tiêm liều bổ sung vắc xin phòng COVID-19

- Đối tượng: người từ 18 tuổi trở lên, ưu tiên tiêm trước cho người từ 50 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản (2 mũi) có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng như người cấy ghép tạng, ung thư, HIV, đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc đã điều trị trong vòng 6 tháng,…

- Loại vắc xin: cùng loại với liều cơ bản hoặc vắc xin mRNA.

- Khoảng cách: tiêm 01 mũi bổ sung sau mũi cuối cùng của liều cơ bản ít nhất 28 ngày nếu có đủ vắc xin.

* Lưu ý: Trong quá trình khám sàng lọc trước tiêm chủng cần có hồ sơ bệnh án hoặc giấy tờ hợp lệ chứng minh bệnh lý.

3.2. Tiêm liều nhắc lại vắc xin phòng COVID-19

- Đối tượng: người từ đủ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản hoặc liều bổ sung, ưu tiên người có bệnh nền, người cần được chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế, người từ 50 tuổi trở lên, người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19, nhân viên y tế.

- Loại vắc xin: nếu các mũi tiêm cơ bản hoặc bổ sung cùng loại vắc xin thì tiêm mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vắc xin mRNA; nếu trước đó đã tiêm các loại vắc xin khác nhau thì tiêm mũi nhắc lại bằng vắc xin mRNA. Nếu tiêm liều cơ bản hoặc bổ sung là vắc xin của hãng Sinopharm thì có thể tiêm mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vắc xin mRNA hoặc vắc xin véc tơ vi rút (vắc xin Astrazeneca).

- Khoảng cách: tiêm 01 mũi nhắc lại ít nhất 6 tháng sau mũi cuối cùng của liều cơ bản hoặc liều bổ sung.

4. Phạm vi triển khai:

Triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 trên phạm vi toàn tỉnh, trong đó mức độ ưu tiên trước:

- Người có chỉ định tiêm liều bổ sung theo mục 3.1.

- Người có chỉ định tiêm liều nhắc lại theo mục 3.2: Người có bệnh nền, người cần được chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế; Người từ 50 tuổi trở lên, người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19; Người làm việc trong các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập; Người tham gia phòng chống dịch.

5. Hình thức triển khai

Tổ chức tiêm chủng chiến dịch tại các các cơ sở tiêm chủng đủ điều kiện ở tất cả các tuyến (tại các điểm tiêm chủng cố định và tiêm chủng lưu động).

IV. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG

1. Điều tra, lập danh sách các đối tượng tiêm:

- Lập danh sách cụ thể các đối tượng từ đủ 18 tuổi trở lên đã tiêm 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 đủ thời gian để tiêm mũi 3 theo quy định của Bộ Y tế.

- Danh sách phải đủ các thông tin: Họ và tên, địa chỉ, nghề nghiệp, số điện thoại, số thẻ căn cước công dân, mã nhóm, danh sách đối tượng phải được địa phương xác minh thông tin đúng quy trình của Bộ Y tế và Ủy ban nhân dân tỉnh, đồng thời rà soát và lọc kỹ các đối tượng để tránh trùng lặp, bỏ sót đối tượng.

Lưu ý: Khoảng cách tiêm mũi 3 cách mũi 2 ít nhất là 28 ngày nếu tiêm bổ sung và 6 tháng nếu tiêm nhắc lại.

2. Tiếp nhận và bảo quản vắc xin, vật tư tiêm chủng

2.1. Tiếp nhận vắc xin, vật tư tiêm chủng

Việc tiếp nhận, bảo quản vắc xin, vật tư tiêm chủng thực hiện theo hướng dẫn tại các văn bản:

- Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng.

- Quyết định số 1345/QĐ-BYT ngày 19/02/2021 của Bộ Y tế về việc mua và tổ chức tiếp nhận, bảo quản, phân phối vắc xin, vật tư tiêm chủng phòng COVID-19.

- Quyết định số 2566/QĐ-BYT ngày 26/5/2021 của Bộ Y tế về việc mua, tiếp nhận viện trợ vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

- Sử dụng trang thiết bị, vật tư trong TCMR thường xuyên để tiếp nhận, bảo quản, vận chuyển vắc xin phòng COVID-19 tại tất cả các tuyến.

- Việc vận chuyển vắc xin phải được thực hiện bởi cán bộ được đào tạo hướng dẫn bảo quản vắc xin.

- Trong quá trình vận chuyển bảo quản vắc xin tại các tuyến phải có thiết bị theo dõi nhiệt độ.

2.2. Bảo quản vắc xin

Thực hiện bảo quản ở nhiệt độ từ 2°C đến 8°C trong toàn bộ quá trình tiếp nhận, bảo quản, vận chuyển tại tất cả các tuyến.

3. Tổ chức tiêm chủng

3.1. Tăng cường năng lực hệ thống tiêm chủng

- Tiến hành rà soát, chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư, dây chuyền lạnh, nhân lực...cho các cơ sở tiêm chủng cố định và lưu động.

- Lập danh sách các cơ sở tiêm chủng đủ điều kiện kể cả nhà nước và tư nhân trong và ngoài ngành y tế; huy động toàn bộ cơ sở tiêm chủng dịch vụ trên địa bàn để phối hợp thực hiện tiêm chủng (trong trường hợp cần thiết).

- Phối hợp các đơn vị xây dựng tài liệu, chương trình, kế hoạch tập huấn cho cán bộ y tế về bảo quản, vận chuyển, sử dụng, theo dõi sự cố bất lợi và sau tiêm chủng cho từng loại vắc xin.

3.2. Tổ chức buổi tiêm chủng

- Huy động hệ thống chính trị tham gia chiến dịch tiêm chủng; huy động tối đa các lực lượng bao gồm các cơ sở trong và ngoài ngành Y tế, lực lượng công an, quân đội, các ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội hỗ trợ triển khai tiêm chủng theo Quyết định số 1973/QĐ-BYT ngày 21/10/2021 của Ủy ban nhân dân dân tỉnh về việc ban hành Quy trình tổ chức buổi tiêm vắc xin phòng Covid-19 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

- Sử dụng hệ thống tiêm chủng mở rộng sẵn có, các cơ sở tiêm chủng dịch vụ của nhà nước, tư nhân và các cơ sở khác đủ điều kiện tiêm chủng.

- Trong trường hợp cần đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng thì bố trí các cụm điểm tiêm chủng lưu động tại các nhà máy, khu công nghiệp để tiêm cho nhiều đối tượng cùng thời điểm.

- Cơ sở tiêm chủng bố trí tiêm chủng theo khung giờ, chia thành nhiều bàn, điểm tiêm chủng bảo đảm giãn cách phòng chống dịch; phải sử dụng tối đa công nghệ thông tin trong tiêm chủng, bố trí cán bộ hỗ trợ sử dụng công nghệ thông tin trong việc triển khai tiêm chủng.

- Các cơ sở điều trị tiêm cho các đối tượng cần được theo dõi đặc biệt theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

3.3. Đảm bảo an toàn tiêm chủng

- Tổ chức buổi tiêm chủng theo đúng quy định tại Nghị định số 104/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ và Thông tư số 34/2018/TT-BYT, triển khai đồng bộ, đáp ứng đầy đủ yêu cầu về tiêm chủng và đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19.

- Thực hiện nghiêm túc hoạt động khám sàng lọc và tư vấn trước tiêm chủng theo Quyết định số 4355/QĐ-BYT ngày 10/9/2021 của Bộ Y tế về về việc ban hành Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19; Quyết định số 3588/QĐ-BYT ngày 26/7/2021 của Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn tổ chức buổi tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

- Kiểm soát lại toàn bộ quy trình tiếp nhận, khám sàng lọc và tiêm vắc xin đảm bảo tuân thủ nghiêm quy định của Bộ Y tế; nghiên cứu sắp xếp lịch hẹn thời gian đến điểm tiêm cho các trường hợp được tiêm (theo đơn vị, tổ chức….) theo các khung giờ cách nhau, đảm bảo phù hợp với năng lực tiêm nhằm hạn chế tối đa việc tập trung đông người tại một thời điểm. Đồng thời, bố trí lực lượng hướng dẫn, quản lý tại khu vực xếp hàng, chờ tiêm, khu vực tiêm để đảm bảo giãn cách và an toàn phòng, chống dịch trong quá trình tiêm vắc xin cho Nhân dân.

- Trong trường hợp phát hiện người đi tiêm chủng là trường hợp nghi nhiễm SARS-CoV2 (F0) hoặc tiếp xúc gần với trường hợp F0 (F1) trong vòng 14 ngày, cần dừng ngay buổi tiêm chủng và thực hiện quản lý các trường hợp này theo quy định.

- Chỉ thực hiện việc tiêm vắc xin tại các đơn vị đủ điều kiện tổ chức tiêm chủng theo quy định. Lập danh sách các cơ sở tiêm chủng đủ điều kiện kể cả nhà nước, tư nhân trong và ngoài ngành y tế; huy động toàn bộ cơ sở tiêm chủng dịch vụ trên địa bàn để phối hợp thực hiện tiêm chủng.

4. Ứng dụng công nghệ thông tin quản lý tiêm chủng

4.1. Quản lý đối tượng tiêm chủng

- Thông tin về đăng ký tiêm chủng, kế hoạch tiêm chủng, lịch tiêm chủng được thông báo, cập nhật liên tục cho người dân trên cổng thông tin của chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19.

- Khai báo y tế, cập nhật phản ứng sau tiêm được thực hiện qua các hình thức: ứng dụng “sổ sức khỏe điện tử”, “PC-Covid” trên di động, cổng thông tin.

- Trong trường hợp nguồn vắc xin phân bổ hạn chế, việc lập danh sách đối tượng tiêm chủng, xếp lịch tiêm chủng theo giờ phải được thực hiện trước khi thông báo cho người dân đăng ký tiêm.

- Trong trường hợp đảm bảo đủ vắc xin, việc lập danh sách đối tượng tiêm chủng được thực hiện sau khi thông báo cho người dân đăng ký tiêm trong trường hợp đủ số lượng liều vắc xin cho tiêm chủng đại trà.

4.2. Quản lý cơ sở tiêm chủng

Để công khai minh bạch thông tin và tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức, đơn vị và địa phương trong quá trình triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19, các cơ sở tiêm chủng cần thực hiện:

- Công khai cập nhật thường xuyên thông tin vị trí, số bàn tiêm, thông tin người phụ trách trên cổng thông tin của chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại địa chỉ https://tiemchungcovid19.moh.gov.vn.

- Cập nhật thông tin số lượng liều vắc xin được nhập, số lượng tiêm được, số liệu tồn theo ngày và số liệu này phải được cập nhật trên trang thông tin chỉ đạo điều hành của Ban chỉ đạo chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19.

- Hệ thống phục vụ chỉ đạo điều hành của Ban chỉ đạo chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 cập nhật trực tuyến tra cứu theo cơ sở tiêm về kết quả số lượng người dân được tiêm, số lượng hoãn tiêm và số lượng được cấp chứng nhận tiêm chủng.

4.3. Quản lý tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản vắc xin

- Báo cáo và cập nhật báo cáo kế hoạch phân bổ số lượng liều vắc xin đối với từng đợt của Ban chỉ đạo chiến dịch về số liều vắc xin được phân bổ.

- Hệ thống cập nhật trực tuyến thông tin về số lượng, số lô và thời điểm nhập, xuất, nhập lại các liều vắc xin phòng COVID-19 trong hệ thống theo quy định.

- Các bệnh viện, TTYT huyện, thành phố và cơ sở y tế liên quan đến tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản thực hiện cập nhật thông tin, số lượng, báo cáo trên hệ thống tiêm chủng COVID-19.

4.4. Quản lý buổi tiêm chủng

Trong quá trình thực hiện, thông tin liên quan đến các bước cần được cập nhật trực tiếp lên phân hệ Hệ thống hỗ trợ công tác tiêm chủng của Hệ thống quản lý tiêm chủng COVID-19 theo các bước:

5. Truyền thông

5.1. Thời gian: thực hiện trước, trong và sau khi triển khai chiến dịch.

5.2. Nội dung truyền thông

- Truyền thông chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ về công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

- Mục đích, ý nghĩa, hiệu quả của việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 và thực hiện tốt “Thông điệp 5K” của Bộ Y tế.

- Truyền thông cho người dân và cộng đồng về loại vắc xin phòng COVID-19, lợi ích của vắc xin, tính an toàn của vắc xin, các sự cố bất lợi có thể xảy ra sau tiêm, theo dõi phát hiện và xử lý phản ứng sau tiêm chủng.

- Những điều cần lưu ý trước và sau khi đi tiêm vắc xin phòng COVID-19.

- Truyền thông vận động người dân ủng hộ công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 theo tinh thần “Tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 là quyền lợi đối với cá nhân, là trách nhiệm đối với cộng đồng”; vận động người dân đi tiêm chủng khi đến lượt.

- Phát hiện, nêu gương những cá nhân điển hình trong phong trào thi đua hoàn thành kế hoạch tiêm chủng an toàn.

5.3. Các hình thức truyền thông

- Sở Y tế phối hợp với Đài phát thanh và truyền hình tỉnh, Báo Ninh Thuận tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về kế hoạch triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19.

- Truyền thông kịp thời, chính xác trên các phương tiện thông tin đại chúng về tiêm chủng vắc xin phong COVID-19, vận động người dân đi tiêm chủng khi đến lượt mình, các thông điệp, khuyến cáo tiêm chủng an toàn, theo dõi phản ứng sau tiêm chủng,…

- Phối hợp với các ban, ngành, cơ quan, tổ chức truyền thông mạnh mẽ, đồng bộ, hiệu quả về hoạt động Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

- Cung cấp các thông điệp, tài liệu truyền thông về tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho các điểm tiêm chủng để sử dụng truyền thông đến người dân đi tiêm chủng.

- Truyền thông về các tấm gương điển hình trong công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

- Tập huấn truyền thông tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 và truyền thông về sự cố bất lợi sau tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho các cơ quan báo chí, cán bộ y tế và các lực lượng tham gia chiến dịch tiêm chủng.

6. Quản lý bơm kim tiêm và rác thải y tế sau tiêm chủng

- Xử lý bơm kim tiêm và rác thải y tế sau buổi tiêm chủng theo quy định tại Thông tư liên tịch 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất thải y tế Y tế về việc hướng dẫn quản lý chất thải y tế trong tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 và Văn bản số 102/MT-YT ngày 04/3/2021 về việc hướng dẫn quản lý chất thải y tế trong tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

- Các cơ sở tiêm chủng, có phương án thu gom và xử lý bơm kim tiêm, rác thải y tế tại điểm tiêm theo quy định của Bộ Y tế. Lọ vắc xin sau khi sử dụng phải được hủy bỏ và ghi chép, báo cáo.

7. Giám sát hoạt động tiêm chủng

- Kiểm tra, giám sát trước, trong và sau chiến dịch.

- Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và các địa phương, đơn vị liên quan tiến hành theo dõi, giám sát các hoạt động tiêm vắc xin phòng chống COVID-19.

8. Báo cáo kết quả tiêm chủng

- Báo cáo kết quả tiêm chủng: báo cáo hàng ngày và báo cáo kết thúc chiến dịch về tình hình tiếp nhận vắc xin, sử dụng vắc xin cùng với báo cáo kết quả tiêm chủng theo đúng quy định.

- Sử dụng ứng dụng hồ sơ sức khỏe của Bộ Y tế để thực hiện báo cáo.

- Báo cáo tình hình phản ứng sau tiêm theo quy định.

V. Kinh phí thực hiện

1. Ngân sách Trung ương

Vắc xin, vật tư tiêm chủng như bơm kim tiêm vắc xin, pha vắc xin, hộp an toàn.

2. Ngân sách địa phương

- Chi phí vận chuyển vắc xin và bảo quản vắc xin theo quy định.

- Chi phí tổ chức chiến dịch tiêm chủng, bao gồm: chi bồi dưỡng cho các kíp tiêm chủng, công tiêm, các dụng cụ, vật tư phục vụ tiêm chủng, kiểm tra giám sát chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19,...

- Các hoạt động tập huấn cho các tuyến.

- Các hoạt động truyền thông về tiêm vắc xin phòng COVID-19.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế

- Tham mưu kịp thời cho UBND tỉnh chỉ đạo triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 liều bổ sung và nhắc lại cho các đối tượng trong phạm vi toàn tỉnh.

- Tổ chức tập huấn chuyên môn cho cán bộ y tế các tuyến để tổ chức tốt chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19.

- Cung cấp tài liệu chuyên môn cho các cơ quan thông tin đại chúng, các ban ngành, đoàn thể phục vụ cho công tác truyền thông, tuyên truyền về ý nghĩa, mục đích, lợi ích của chiến dịch.

- Chỉ đạo tiếp nhận và bảo quản, cấp phát đủ vắc xin, vật tư, phương tiện tiêm chủng, đáp ứng cho Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại các đơn vị, địa phương trong tỉnh.

- Thiết lập các bàn tiêm, điểm tiêm chủng phù hợp (có thể huy động nhân lực từ các cơ sở y tế tư nhân), đảm bảo cho việc triển khai chiến dịch thuận lợi, đúng quy định và đạt mục tiêu.

- Chỉ đạo các điểm tiêm chuẩn bị phương án sẵn sàng cấp cứu, xử lý các tai biến, biến chứng nặng sau tiêm vắc xin, bố trí bác sĩ hoặc nhân viên y tế có đủ năng lực thực hiện việc đặt nội khí quản để xử trí cấp cứu phản vệ thường trực tại các điểm tiêm, đảm bảo an toàn cho các đối tượng tiêm chủng trong chiến dịch.

- Chỉ đạo điều động các cán bộ y tế từ các bệnh viện, TTYT tuyến huyện, thành phố tăng cường hỗ trợ các điểm tiêm tuyến xã, phường trong những ngày tiêm chủng nhằm hỗ trợ năng lực hồi sức cấp cứu, xử trí phản vệ.

- Chủ trì, phối hợp Sở Tài chính xây dựng kinh phí chi tiết phục vụ công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19.

- Thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát quá trình triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Tỉnh đoàn Thanh Niên, Hội Thầy thuốc trẻ và các đơn vị có liên quan triển khai, hướng dẫn cài đặt, cập nhật số liệu tình trạng sức khỏe và theo dõi mũi tiêm trên ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử” và PC Covid.

- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung huy động lực lượng y tế và các lực lượng khác tham gia triển khai hoàn thành sớm công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19 đảm bảo chặt chẽ, an toàn, đúng đối tượng theo quy định.

- Tổng hợp, báo cáo tiến độ, kết quả chiến dịch tiêm chủng về Ủy ban nhân dân tỉnh; đánh giá, rút kinh nghiệm và đề xuất khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong chiến dịch.

2. Sở Tài chính

Phối hợp với Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ các hoạt động triển khai chiến dịch và hướng dẫn sử dụng, thanh quyết toán kinh phí theo các quy định hiện hành.

3. Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh

- Kích hoạt, vận hành văn phòng thường trực Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tại tỉnh, đảm bảo kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn tỉnh an toàn, hiệu quả.

- Chỉ đạo các đơn vị quân đội phối hợp với các đơn vị liên quan (công an, y tế…) trong việc triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

4. Công an tỉnh

- Phối hợp với Sở Y tế xây dựng kế hoạch, tổ chức tiêm chủng cho các đối tượng trên địa bàn quản lý đúng theo công văn số 8939/BYT-DP ngày 21/10/2021 của Bộ Y tế về “Hướng dẫn quy trình xác minh thông tin và tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19” và Quyết định số 2224/QĐ-UBND ngày 24/11/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về Quy trình xác minh thông tin và tổ chức buổi tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi trên địa bàn tỉnh.

- Đảm bảo an ninh trật tự tại các điểm tiêm vắc xin phòng COVID-19.

5. Sở Thông tin và Truyền thông

- Đăng tải các tài liệu tuyên truyền của Bộ Y tế, UBND tỉnh, Sở Y tế và các đơn vị có liên quan cung cấp lên các trang mạng, cổng thông tin điện tử nhằm vận động người dân sử dụng các ứng dụng “sổ sức khỏe điện tử”, “PC-Covid” để quản lý hoạt động tiêm chủng của cá nhân; các khuyến cáo, các thông điệp về tiêm chủng an toàn vắc xin phòng COVID-19.

- Chỉ đạo hệ thống thông tin tuyên truyền vận động người dân đi tiêm chủng khi đến lượt; ủng hộ, hỗ trợ tham gia chiến dịch tiêm chủng tại địa phương.

- Phối hợp với các ngành liên quan rà soát các thông tin trên nền tảng mạng xã hội phát hiện, xử lý kịp thời các tin đồn, tin giả, tin sai sự thật liên quan đến triển khai chiến dịch tiêm chủng trên địa bàn tỉnh.

6. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Ninh Thuận

- Hướng dẫn các đơn vị, địa phương tăng cường tuyên truyền trước và trong thời gian tổ chức chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19.

- Tăng thời lượng phát sóng, tin bài tuyên truyền về mục tiêu, lợi ích của chiến dịch.

- Cử phóng viên tiếp cận và đưa tin kịp thời các hoạt động triển khai tại các đơn vị, địa phương trong thời gian triển khai chiến dịch.

- Tuyên truyền đến cá nhân, tổ chức và mọi người dân trên địa bàn tỉnh hiểu biết về lợi ích, hiệu quả của chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 để người dân tin tưởng, an tâm và ủng hộ.

7. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Giao Chủ tịch UBND các huyện, thành phố căn cứ Kế hoạch của UBND tỉnh chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch cụ thể phù hợp với tình hình dịch của địa phương, bố trí kinh phí và tổ chức thực hiện kế hoạch tiêm vắc xin phòng COVID-19 của địa phương an toàn, hiệu quả.

- Huy động hệ thống chính trị, các lực lượng hỗ trợ triển khai tiêm chủng theo Quyết định số 1973/QĐ-BYT ngày 21/10/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Quy trình tổ chức buổi tiêm vắc xin phòng Covid-19 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

- Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch triển khai, làm đầu mối điều tra lập danh sách đối tượng tiêm và tiến hành tiêm vắc xin phòng COVID-19 liều bổ sung và nhắc lại trên địa bàn đúng theo Kế hoạch này.

- Tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động tại các đơn vị, địa phương.

- Tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện khi kết thúc đợt tiêm chủng và báo cáo về Ban chỉ đạo tỉnh.

Trên đây là Kế hoạch tiêm vắc xin phòng COVID-19 liều bổ sung và nhắc lại trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Giao Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh hướng dẫn và đôn đốc việc triển khai thực hiện, báo cáo kết quả cho Ủy ban nhân dân tỉnh./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Y tế (b/c);
- TT Tỉnh ủy; TT HĐND tỉnh (b/c);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Viện Pasteur Nha Trang;
- Như phần VI (để thực hiện);
- BCĐ phòng chống dịch Covid-19;
- Tỉnh đoàn TN;
- Hội Thầy thuốc trẻ;
- Viettel tỉnh Ninh Thuận;
- VPUB: LĐ, CV;
- Lưu: VT, VXNV. NNN

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Long Biên

 

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 6695/KH-UBND năm 2021 về triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 liều bổ sung và liều nhắc lại trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận

  • Số hiệu: 6695/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 09/12/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Thuận
  • Người ký: Nguyễn Long Biên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 09/12/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản