ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 64/KH-UBND | Cần Thơ, ngày 23 tháng 05 năm 2016 |
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH BÌNH ỔN THỊ TRƯỜNG NĂM 2016 VÀ DỊP TẾT NGUYÊN ĐÁN NĂM 2017
Căn cứ Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016; Kế hoạch số 17/KH-UBND ngày 17 tháng 02 năm 2016 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, Thành ủy và Hội đồng nhân dân thành phố về các giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội năm 2016; nhằm đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa, bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu chăm lo đời sống nhân dân trên địa bàn thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình bình ổn thị trường năm 2016 và dịp Tết Nguyên đán năm 2017 như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích:
a) Chương trình bình ổn thị trường năm 2016 và dịp Tết Nguyên đán năm 2017 (viết tắt là Chương trình) gắn với việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; góp phần cân đối cung cầu hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của người dân, nhất là các mặt hàng thiết yếu, từ đó góp phần hạn chế tăng giá, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh phát triển, kích cầu tiêu dùng, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân trên địa bàn thành phố;
b) Đối tượng phục vụ của Chương trình là nhân dân tham gia mua sắm trên địa bàn thành phố.
2. Yêu cầu:
a) Hàng hóa phục vụ trong Chương trình phải đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm; lượng hàng hóa phục vụ Chương trình có khả năng đáp ứng đủ một phần nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn thành phố, kể cả trong trường hợp có xảy ra biến động thị trường.
b) Giá bán các mặt hàng trong Chương trình bình ổn phải đảm bảo luôn thấp hơn giá bán các mặt hàng cùng chủng loại, chất lượng và cùng thời điểm trên thị trường ít nhất là 5% trong thời gian thực hiện Chương trình.
c) Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất - chăn nuôi, phát huy tốt các phương thức bán hàng truyền thống với các phương thức bán hàng hiện đại như: thương mại điện tử, bán hàng qua điện thoại,… phát triển đa dạng hóa hệ thống phân phối bán hàng bình ổn, nhất là tại các quận, huyện ngoại thành, các khu chế xuất, công nghiệp, khu dân cư, đặc biệt quan tâm phát triển tại các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố.
II. KẾ HOẠCH THỰC HIỆN
1. Số lượng và các mặt hàng tham gia bình ổn:
a) Số lượng và các mặt hàng tham gia bình ổn những tháng thường trong năm 2016 (từ ngày 01 tháng 7 năm 2016 đến ngày 31 tháng 12 năm 2016):
- Các mặt hàng tham gia bình ổn: Lương thực (gạo thường, gạo thơm sản xuất trong nước), thực phẩm (bao gồm: thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thủy hải sản, dầu ăn, đường, thực phẩm chế biến, rau củ quả), dụng cụ học tập cơ bản của học sinh (bao gồm: cặp, tập, viết,…).
- Qua rà soát cung cầu thị trường và số lượng hàng hóa dự trữ tham gia bình ổn thị trường các năm qua, dự kiến lượng hàng tham gia bình ổn năm 2016, tính bình quân cho một tháng, cụ thể như sau:
STT | Tên mặt hàng | Đơn vị | Số lượng |
1 | Gạo thường, gạo thơm nội địa | tấn/tháng | 490 |
2 | Thịt heo | tấn/tháng | 113 |
3 | Thịt gia cầm | tấn/tháng | 36 |
4 | Trứng gia cầm | 1.000 trứng/tháng | 105 |
5 | Thủy hải sản | tấn/tháng | 334 |
6 | Thực phẩm chế biến | tấn/tháng | 14 |
7 | Rau củ quả | tấn/tháng | 158 |
8 | Đường các loại | tấn/tháng | 34 |
9 | Dầu ăn các loại | tấn/tháng | 156 |
10 | Tập học sinh các loại | 1.000 quyển/tháng | 295 |
11 | Viết bi các loại | 1.000 cây/tháng | 515 |
12 | Cặp, ba lô học sinh các loại | 1.000 cặp/tháng | 205 |
b) Số lượng và các mặt hàng tham gia bình ổn vào dịp Tết Nguyên đán (từ ngày 01 tháng 01 năm 2017 đến ngày 31 tháng 3 năm 2017):
- Các mặt hàng tham gia bình ổn: Lương thực (gạo thường, gạo thơm sản xuất trong nước), thực phẩm (bao gồm: thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thủy hải sản, dầu ăn, đường, thực phẩm chế biến, rau củ quả).
STT | Tên mặt hàng | Đơn vị | Số lượng |
1 | Gạo thường, gạo thơm nội địa | tấn/tháng | 588 |
2 | Thịt heo | tấn/tháng | 135 |
3 | Thịt gia cầm | tấn/tháng | 43 |
4 | Trứng gia cầm | 1.000 trứng/tháng | 140 |
5 | Thủy hải sản | tấn/tháng | 400 |
6 | Thực phẩm chế biến | tấn/tháng | 17 |
7 | Rau củ quả | tấn/tháng | 189 |
8 | Đường các loại | tấn/tháng | 42 |
9 | Dầu ăn các loại | tấn/tháng | 190 |
- Số lượng hàng hóa tham gia bình ổn (tăng bình quân khoảng 20% so với tháng trong năm), tính bình quân cho một tháng, cụ thể như sau:
* Ước tính số vòng quay vốn bình quân: 01 vòng/tháng
2. Đối tượng tham gia chương trình:
a) Các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, được thành lập, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, có trụ sở tại thành phố Cần Thơ; các Liên hiệp Hợp tác xã, Hợp tác xã trên địa bàn thành phố (gọi tắt là doanh nghiệp).
b) Các Ngân hàng thương mại tham gia Chương trình thực hiện đăng ký hạn mức tín dụng và mức lãi suất phù hợp cho doanh nghiệp trong Chương trình vay vốn sản xuất kinh doanh, dự trữ hàng hóa cung ứng thị trường, đầu tư mở rộng, phát triển sản xuất kinh doanh.
3. Điều kiện, quyền lợi và nghĩa vụ của các đơn vị tham gia chương trình:
a) Đối với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh:
- Có chức năng sản xuất, kinh doanh cung ứng bán buôn và bán lẻ hàng hóa phù hợp với các nhóm mặt hàng tham gia Chương trình; có uy tín, năng lực, kinh nghiệm kinh doanh các mặt hàng thuộc Chương trình bình ổn; đáp ứng lượng hàng hóa cung ứng cho thị trường với số lượng lớn và xuyên suốt trong thời gian thực hiện Chương trình.
- Có kế hoạch sản xuất, kinh doanh tạo nguồn hàng khả thi và năng lực tài chính lành mạnh (thể hiện qua báo cáo tài chính hoặc báo cáo kiểm toán của năm gần nhất, không có nợ xấu, nợ quá hạn,…).
- Hệ thống nhà xưởng, kho bãi, trang thiết bị, công nghệ sản xuất, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; phương tiện vận chuyển hàng hóa cho việc phân phối và bán hàng lưu động theo yêu cầu của Chương trình.
- Có ít nhất 05 điểm bán lẻ bình ổn (trực thuộc đơn vị hoặc liên doanh liên kết làm đại lý của đơn vị) hoạt động ổn định, thường xuyên trên địa bàn thành phố. Nếu siêu thị không tổ chức điểm bán lẻ, phải tổ chức bán hàng lưu động thường xuyên ít nhất 01 đợt/tháng để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Doanh nghiệp phải đăng ký danh sách các điểm bán lẻ bình ổn hiện có và kế hoạch phát triển hệ thống phân phối bán lẻ bình ổn trong thời gian thực hiện chương trình, cụ thể: Chi nhánh, cửa hàng, đại lý, siêu thị; qui mô, địa điểm và số điện thoại;
- Cam kết hàng hóa tham gia chương trình bình ổn đúng chủng loại, đủ số lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và đăng ký giá, kê khai giá và bán đúng giá đăng ký đã được phê duyệt, thấp hơn giá thị trường cùng chủng loại, cùng thời điểm ít nhất là 5%.
b) Đối với các Ngân hàng thương mại tham gia chương trình:
- Các Ngân hàng thương mại tham gia chương trình tự nguyện đăng ký hạn mức tín dụng, mức lãi suất cho vay phù hợp.
- Xây dựng phương án cho vay, quy trình thẩm định cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi, giải quyết nhanh chóng thủ tục vay vốn đảm bảo giải ngân kịp thời cho doanh nghiệp
- Thực hiện các chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp tham gia Chương trình.
c) Quyền lợi và nghĩa vụ:
- Quyền lợi:
+ Doanh nghiệp được hỗ trợ vay vốn thông qua các Ngân hàng thương mại tham gia chương trình với mức lãi xuất ưu đãi nhằm thực hiện đầu tư chăn nuôi, sản xuất và thực hiện tạo nguồn hàng, dự trữ hàng hóa, đảm bảo cung ứng ra thị trường đầy đủ, xuyên suốt thời gian thực hiện Chương trình hạn mức vay tương ứng lượng hàng hóa được giao theo kế hoạch.
+ Hỗ trợ doanh nghiệp công tác truyền thông, quảng bá thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm đối với những sản phẩm và các điểm bán lẻ tham gia bình ổn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng thị trường nội địa.
+ Được ưu tiên tham gia các phiên chợ hàng Việt do Trung tâm xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ, Sở Công Thương và Ủy ban nhân dân quận, huyện tổ chức trên địa bàn thành phố Cần Thơ.
- Nghĩa vụ:
+ Tổ chức sản xuất, kinh doanh theo đúng kế hoạch sản xuất, kinh doanh tạo nguồn hàng đã đăng ký, đảm bảo hàng hóa tham gia chương trình đạt tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.
+ Trong thời gian thực hiện Chương trình phải phát triển thêm ít nhất 10% số điểm bán lẻ bình ổn so với thời điểm ban đầu đăng ký tham gia Chương trình này; phát triển đa dạng hóa hệ thống phân phối bán hàng bình ổn của đơn vị bằng nhiều phương thức như: liên kết, hợp tác giữa các đơn vị tham gia Chương trình bình ổn với nhau, với các tiểu thương, hộ bán lẻ tại các chợ truyền thống, cửa hàng tiện ích, hợp tác xã, siêu thị,… trên địa bàn các quận, huyện hoặc tự đầu tư xây dựng mới điểm bán lẻ bình ổn của đơn vị thực hiện theo đúng các quy định trong kế hoạch.
+ Thực hiện bán hàng lưu động trên địa bàn các quận, huyện ngoại thành, khu công nghiệp, khu dân cư ít nhất mỗi tháng/lần; đăng ký tham gia các “Phiên chợ hàng Việt về nông thôn” tại các huyện do Sở Công Thương phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ tổ chức.
+ Điểm bán hàng bình ổn phải treo băng rôn, bảng hiệu tại điểm bán lẻ bình ổn theo đúng nội dung của Sở Công Thương hướng dẫn “Điểm bán hàng bình ổn thị trường năm 2016 và Tết Nguyên đán năm 2017”; bố trí hàng hóa, trưng bày ở khu riêng biệt, vị trí thuận tiện, để người dân dễ nhận biết và mua sắm;
+ Chấp hành sự điều động của Sở Công Thương về cung ứng hàng hóa để điều tiết, bình ổn thị trường khi có xảy ra biến động bất thường; thực hiện đúng các cam kết và các quy định của chương trình bình ổn theo kế hoạch này;
+ Có nghĩa vụ sử dụng vốn vay đúng mục đích, hoàn trả vốn vay và lãi suất vay đúng quy định theo hợp đồng đã ký kết với các Ngân hàng thương mại tham gia Chương trình; trường hợp đơn vị sử dụng vốn vay không đúng mục đích, không thực hiện đúng cam kết về cung ứng lượng hàng hóa theo kế hoạch, đơn vị phải hoàn trả toàn bộ phần vốn vay và chịu phạt lãi suất theo quy định hiện hành.
4. Cơ chế thực hiện chương trình:
a) Thời gian thực hiện chương trình bình ổn: 8 tháng (từ ngày 01 tháng 7 năm 2016 đến ngày 31 tháng 3 năm 2017. Riêng dụng cụ học sinh, thời gian thực hiện chương trình bình ổn từ ngày 15 tháng 7 năm 2016 đến ngày 30 tháng 11 năm 2016.
b) Nguồn vốn thực hiện Chương trình:
- Doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn, thực hiện đăng ký và vay vốn tại các Ngân hàng thương mại cụ thể, hạn mức và lãi suất ưu đãi cho các doanh nghiệp tham gia bình ổn sẽ do ngân hàng, tổ chức tín dụng và doanh nghiệp thỏa thuận trong hợp đồng vay vốn.
Các doanh nghiệp vay vốn và giải ngân theo hướng dẫn cụ thể về qui trình thủ tục của các ngân hàng.
- Ngân sách thành phố tham gia hỗ trợ khi cần thiết, tùy theo mặt hàng bình ổn biến động, khan hiếm thực sự, không có mặt hàng thay thế. Mức vốn hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp giao Sở Tài chính phối hợp với Sở Công Thương căn cứ vào nhu cầu thực tế và khả năng cân đối của ngân sách để trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định.
c) Giá bán hàng bình ổn thị trường:
Doanh nghiệp tham gia Chương trình tự xây dựng và đăng ký với Sở Tài chính theo nguyên tắc xác định đầy đủ, chính xác cơ cấu tính giá theo các yếu tố hình thành giá và phải thấp hơn giá trị trường của sản phẩm cùng quy cách, chủng loại, chất lượng và cùng thời điểm ít nhất là 5%. Trường hợp thị trường biến động tăng hoặc giảm đối với giá nguyên vật liệu đầu vào làm ảnh hưởng đến cơ cấu giá thành sản xuất, đơn vị thực hiện điều chỉnh giá bán bình ổn như sau:
- Trường hợp giá nguyên vật liệu, chi phí đầu vào biến động tăng từ 5% trở lên so với thời điểm đơn vị đăng ký giá bán bình ổn thì các đơn vị được điều chỉnh tăng giá bán và lập biểu mẫu đăng ký giá nộp Sở Tài chính. Hết thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận Biểu mẫu quy định, nếu Sở Tài chính không có ý kiến yêu cầu doanh nghiệp giải trình về các nội dung Biểu mẫu thì các doanh nghiệp được bán theo mức đăng ký.
- Trường hợp giá thị trường biến động giảm từ 5% trở lên (nghĩa là giá bán bình ổn tại thời điểm này bằng với giá thị trường) thì các đơn vị phải đăng ký điều chỉnh giảm giá bán tương ứng. Đơn vị chủ động điều chỉnh giảm giá bán khi giá thị trường giảm và gửi thông báo về Sở Tài chính;
- Giá thị trường là giá do Cục Thống kê công bố tại thời điểm đơn vị thực hiện đăng ký giá;
- Doanh nghiệp có trách nhiệm xây dựng kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng dự trữ ổn định để cung ứng góp phần cùng chính quyền thành phố ổn định thị trường, đảm bảo an sinh xã hội cho nhân dân trên địa bàn thành phố.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Công Thương:
a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành, đơn vị liên quan, Ủy ban nhân dân quận, huyện tổ chức triển khai thực hiện Chương trình theo Kế hoạch này; kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị nguồn hàng, cung ứng hàng hóa và các điểm bán lẻ phục vụ Chương trình.
b) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan theo dõi lượng hàng bình ổn bán ra hàng tháng của đơn vị và nắm tình hình diễn biến cung cầu trên địa bàn thành phố.
c) Tổng hợp, cung cấp danh sách những điểm bán lẻ bình ổn, các mặt hàng bình ổn của đơn vị tham gia chương trình bình ổn cho các ngành, đơn vị chức năng liên quan, Ủy ban nhân dân quận, huyện và cơ quan báo, đài để công bố rộng rãi cho nhân dân trên địa bàn thành phố biết đến tham gia mua sắm và đồng thời thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát.
d) Phối hợp với Sở Tài chính theo dõi, đánh giá và đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố khen thưởng các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện chương trình bình ổn thị trường.
đ) Kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của các đơn vị tham gia chương trình bình ổn thị trường, đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố các biện pháp giải quyết và xử lý những trường hợp vi phạm quy định theo Kế hoạch này; tổng hợp kết quả thực hiện chương trình bình ổn thị trường của các đơn vị hàng tháng, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố. Kết thúc chương trình bình ổn thị trường hàng năm phải có báo cáo sơ kết, đánh giá rút kinh nghiệm để triển khai thực hiện chương trình bình ổn cho năm tiếp theo.
e) Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường thực hiện:
- Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật như: đầu cơ, găm hàng, kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng gian, hàng giả, hàng không hóa đơn, chứng từ, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không nhãn mác, gian lận thương mại,…
- Phối hợp với sở, ngành chức năng kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá liên quan đến Chương trình.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
a) Tăng cường công tác chỉ đạo sản xuất tạo nguồn hàng hóa nông thủy sản ổn định, đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm (truy xuất được nguồn gốc và xuất xứ hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp đưa ra thị trường tiêu thụ hạn chế tốt đa việc sử dụng kháng sinh hoặc tồn dư lượng kháng sinh), cung ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn thành phố.
b) Giới thiệu các doanh nghiệp, đơn vị, hợp tác xã,… chăn nuôi, sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch, có nguồn gốc xuất xứ và sản lượng ổn định tham gia hoặc cung ứng các sản phẩm nông nghiệp sạch vào thực hiện bình ổn thị trường.
c) Phối hợp với Sở Công Thương và các đơn vị có liên quan xúc tiến thương mại cho các sản phẩm hàng hóa nông sản chủ lực của thành phố như: lương thực, thực phẩm,… tham gia Chương trình; đồng thời, đẩy mạnh sản xuất chăn nuôi trên địa bàn.
d) Tập trung kiểm tra, kiểm soát, thanh tra để kịp thời phát hiện xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng hóa chất không đúng quy định trong sản xuất nông nghiệp, chất cấm trong chăn nuôi gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, môi trường sinh thái, như chất tạo nạc, chất tăng trọng nhanh, chất tạo màu sắc hấp dẫn của thực phẩm…
đ) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền và hướng dẫn nông dân, doanh nghiệp… không sử dụng hoặc sử dụng đúng quy trình các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân hóa học. Phối hợp với Sở Công Thương hướng dẫn người tiêu dùng cách thức ngăn ngừa, phát hiện những hàng hóa nhiễm chất độc hại.
3. Sở Tài chính:
a) Hướng dẫn và thực hiện tiếp nhận, rà soát Biểu mẫu đăng ký giá đối với các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn.
b) Chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương kiểm tra việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết của các đơn vị tham gia Chương trình bình ổn.
c) Thường xuyên theo dõi, nắm bắt diễn biến thị trường, giá cả của các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu. Chủ động tổ chức kiểm tra các trường hợp biến động giá (nếu có); báo cáo kết quả kiểm tra về Ủy ban nhân dân thành phố.
4. Sở Thông tin và Truyền thông :
Chỉ đạo Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố, Báo Cần Thơ; Đài Truyền thanh quận, huyện thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật về các nội dung có liên quan đến Kế hoạch thực hiện Chương trình này nhằm chuyển thông tin rộng rãi đến Nhân dân trên địa bàn.
5. Sở Giao thông vận tải:
Hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị vận tải trực tiếp tham gia Chương trình bình ổn về thủ tục cấp phép cho các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (theo danh sách phương tiện thông qua Sở Giao thông vận tải thẩm định và chấp thuận) được dừng, đỗ xe để lên xuống hàng hóa; cấp phép lưu thông vào đường quá tải trọng; cấp phép vận chuyển hàng hóa quá khổ giới hạn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển, phân phối hàng hóa đến siêu thị, điểm bán lẻ hàng hóa bình ổn vào các giờ cao điểm và vận chuyển hàng hóa lưu động trên địa bàn quận, huyện.
6. Công an thành phố:
Chỉ đạo các phòng chức năng và Công an quận, huyện phối hợp chặt chẽ với lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra, kiểm soát thị trường thường xuyên; áp dụng các biện pháp nghiệp vụ xác minh, điều tra và xử lý nghiêm đối với các hành vi tung tin đồn thất thiệt, gây hoang mang trong nhân dân; tham gia kiểm tra, giám sát các đơn vị thực hiện chương trình bình ổn thị trường.
7. Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ:
Tạo điều kiện thuận lợi và chủ động liên hệ với các đơn vị tham gia Chương trình tổ chức bán hàng lưu động phục vụ cho công nhân tại các khu chế xuất và công nghiệp trên địa bàn thành phố.
8. Ủy ban nhân dân quận, huyện:
a) Tổ chức thông tin, tuyên truyền về các điểm bán bán lẻ bình ổn để người dân trên địa bàn biết, tham gia mua sắm.
b) Chỉ đạo lực lượng chức năng của quận, huyện tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, hàng cấm, gian lận thương mại, việc niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết,…kiểm tra, giám sát công tác bình ổn thị trường của các đơn vị tham gia bình ổn trên địa bàn.
c) Rà soát, bố trí các điểm phù hợp và hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị tham gia Chương trình phát triển mới nhiều điểm bán lẻ bình ổn, bán hàng lưu động phục vụ Nhân dân trên địa bàn.
d) Thường xuyên theo dõi diễn biến cung cầu, giá cả thị trường; thông tin kịp thời về Sở Công Thương khi thị trường có biến động bất thường.
đ) Chỉ đạo Ban Quản lý chợ, doanh nghiệp đầu tư quản lý chợ tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các đơn vị tham Chương trình khi có yêu cầu đăng ký điểm bán lẻ bình ổn tại các chợ truyền thống phục vụ nhân dân mua sắm. Ban Quản lý chợ, doanh nghiệp quản lý chợ phải thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở việc niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết tại các chợ trên địa bàn và chấp hành quy định về giá của tiểu thương kinh doanh trong chợ; sắp xếp, phân lô cho các hộ kinh doanh tham gia buôn bán các mặt hàng phục vụ Tết Nguyên đán năm 2017.
9. Đề nghị Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh thành phố Cần Thơ:
Làm đầu mối giữa Ngân hàng thương mại với các doanh nghiệp tham gia Chương trình để cung ứng tín dụng với lãi suất ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi trong thủ tục vay vốn và giải ngân kịp thời cho doanh nghiệp.
10. Các sở, ngành, đơn vị liên quan, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể thành phố:
Theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, tích cực tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến nhân dân trên địa bàn thành phố biết chủ trương của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội; tham gia giám sát thị trường, nhất là việc thực hiện Chương trình, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2016 của Chính phủ, quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng thành phố Cần Thơ lần thứ XIII đi vào cuộc sống người dân.
Trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch, trường hợp có khó khăn, vướng mắc, phản ánh kịp thời về Sở Công Thương để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, giải quyết./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Quyết định 1770/QĐ-UBND năm 2013 về Chương trình Bình ổn thị trường trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2013 - 2015
- 2Quyết định 1347/QĐ-UBND năm 2015 về Kế hoạch thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường các mặt hàng sữa trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh năm 2015 - 2016
- 3Chỉ thị 04/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý điều hành, thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu nhằm bình ổn thị trường dịp Tết nguyên đán Bính Thân 2016 do tỉnh Thừa Thiên Huế
- 4Quyết định 93/QĐ-UBND Kế hoạch thực hiện Chương trình bình ổn thị trường năm 2016 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long
- 1Quyết định 1770/QĐ-UBND năm 2013 về Chương trình Bình ổn thị trường trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2013 - 2015
- 2Luật Doanh nghiệp 2014
- 3Quyết định 1347/QĐ-UBND năm 2015 về Kế hoạch thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường các mặt hàng sữa trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh năm 2015 - 2016
- 4Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 do Chính phủ ban hành
- 5Chỉ thị 04/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý điều hành, thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu nhằm bình ổn thị trường dịp Tết nguyên đán Bính Thân 2016 do tỉnh Thừa Thiên Huế
- 6Quyết định 93/QĐ-UBND Kế hoạch thực hiện Chương trình bình ổn thị trường năm 2016 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long
Kế hoạch 64/KH-UBND về thực hiện Chương trình bình ổn thị trường năm 2016 và dịp Tết nguyên đán 2017 do Ủy ban nhân dân Thành phố Cần Thơ ban hành
- Số hiệu: 64/KH-UBND
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 23/05/2016
- Nơi ban hành: Thành phố Cần Thơ
- Người ký: Trương Quang Hoài Nam
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 23/05/2016
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định