Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 6386/KH-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 08 tháng 12 năm 2012

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 2166/QĐ-TTG NGÀY 30 THÁNG 11 NĂM 2010 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ VỀ PHÁT TRIỂN Y, DƯỢC HỌC CỔ TRUYỀN ĐẾN NĂM 2020 TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

I. TÌNH HÌNH HOẠT ĐỘNG Y HỌC CỔ TRUYỀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Trong những năm qua, thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều hoạt động về y học cổ truyền, đạt được những kết quả và đã có những bước phát triển tích cực:

- Củng cố và hoàn thiện hệ thống y dược học cổ truyền, hệ thống khám chữa bệnh y học cổ truyền do Nhà nước quản lý với hai cơ sở chuyên khoa y học cổ truyền: Viện Y dược học dân tộc, Bệnh viện Y học cổ truyền (trực thuộc Sở Y tế); khoa y học cổ truyền trong các Bệnh viện đa khoa; hệ thống y dược học cổ truyền tư nhân với 1.007 phòng chẩn trị y học cổ truyền, 306 cơ sở kinh doanh thuốc, 105 cơ sở sản xuất thuốc y học cổ truyền, 40 phòng chẩn trị từ thiện góp phần điều trị và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

- Thực hiện tốt việc kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại trong chẩn đoán và điều trị, nghiên cứu khoa học, giảng dạy, sản xuất đông dược, truyền bá y học cổ truyền Việt Nam trong và ngoài nước.

- Phát triển các phương pháp điều trị dùng thuốc và không dùng thuốc, điều trị có hiệu quả một số bệnh mạn tính, bệnh ở người lớn tuổi, bệnh khó cho bệnh nhân trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.

- Hội Đông y thành phố Hồ Chí Minh với hơn 5.000 hội viên, 23/24 quận - huyện hội, 113/312 Chi hội Đông y Phường - xã, thị trấn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, sự phát triển y học cổ truyền thành phố Hồ Chí Minh còn có những mặt hạn chế cần củng cố và phát triển một số mặt như:

- Chưa chú trọng phát triển nguồn nhân lực y học cổ truyền; Cơ sở vật chất của hai bệnh viện chuyên khoa y học cổ truyền (Viện Y dược học dân tộc và Bệnh viện Y học cổ truyền) chưa được quan tâm đầu tư nâng cấp; Chưa khai thác hết tiềm năng vốn có của y học cổ truyền, chậm triển khai mô hình du lịch-chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng khám và điều trị bằng y học cổ truyền

- Công tác quản lý hành nghề y dược học cổ truyền tư nhân, quản lý nguồn thuốc y học cổ truyền sản xuất trong nước và nhập từ nước ngoài còn có những bất cập.

II. KẾ HOẠCH THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 2166/QĐ-TTg NGÀY 30 THÁNG 11 NĂM 2010 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ VỀ PHÁT TRIỂN Y, DƯỢC HỌC CỔ TRUYỀN ĐẾN NĂM 2020

1. Quan điểm chỉ đạo:

Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW ngày 04 tháng 7 năm 2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới, Thông tri số 20-TT/TU, ngày 30 tháng 01 năm 2009 của Ban Thường vụ Thành ủy, Kế hoạch số 3379/KH-UBND ngày 09 tháng 7 năm 2009 của Ủy ban nhân dân thành phố về phát triển nền Đông Y và Hội Đông y thành phố.

Triển khai thực hiện Quyết định số 2166/QĐ-TTg ngày 30 tháng 11 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động của Chính phủ về phát triển y, dược cổ truyền Việt Nam đến năm 2020.

2. Mục tiêu:

a) Mục tiêu chung:

- Kiện toàn công tác quản lý y dược học cổ truyền thành phố Hồ Chí Minh, phát triển y dược cổ truyền theo chủ trương của Đảng và Nhà nước: “Kế thừa, phát huy phát triển y dược học cổ truyền, kết hợp y học hiện đại, xây dựng nền y học Việt Nam hiện đại khoa học và đại chúng”.

- Phát triển ngành y dược học cổ truyền như một ngành trọng tâm của thành phố, ngang tầm với khu vực để mang lại hiệu quả về kinh tế, đồng thời giới thiệu một nét văn hóa của thành phố.

- Hiện đại hóa và phát triển y, dược cổ truyền trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, củng cố và phát triển tổ chức mạng lưới y, dược cổ truyền.

b) Mục tiêu cụ thể:

- Về tổ chức quản lý:

Kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý y, dược cổ truyền từ thành phố đến quận - huyện, phường - xã, thị trấn: Sở Y tế, Phòng Quản lý Y dược học cổ truyền thuộc Sở Y tế; Phòng Y tế quận - huyện có cán bộ chuyên trách Y học cổ truyền, Trung tâm Y tế dự phòng triển khai bộ phận khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền tại các trạm y tế phường - xã, thị trấn.

- Cơ sở khám chữa bệnh:

Các Bệnh viện đa khoa của thành phố, bệnh viện quận - huyện xây dựng khoa y học cổ truyền; trạm y tế xã - phường, thị trấn có bộ phận y, dược cổ truyền do thầy thuốc y dược cổ truyền phụ trách.

- Khám chữa bệnh bằng y, dược cổ truyền:

+ Đến năm 2015 bệnh viện tuyến thành phố đạt 15%; tuyến quận - huyện đạt 20% và tuyến xã - thị trấn đạt 30%.

+ Đến năm 2020 bệnh viện tuyến thành phố 20%; tuyến quận - huyện đạt 25% và tuyến phường - xã, thị trấn đạt 40%.

- Hiện đại hóa, y dược cổ truyền và kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại:

Đến năm 2015 Viện Y dược học dân tộc và Bệnh viện Y học cổ truyền được đầu tư nâng cấp và đầu tư các thiết bị y tế hiện đại trong chẩn đoán, điều trị theo tiêu chuẩn các hạng bệnh viện của Bộ Y tế.

- Đáp ứng nhu cầu thiết yếu về dược liệu, thuốc đông y, thuốc từ dược liệu đảm bảo chất lượng cho các cơ sở khám chữa bệnh bằng y dược cổ truyền.

- Đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhân lực y, dược cổ truyền ở trình độ trung học vào năm 2015 và trình độ đại học vào năm 2020.

- Chuẩn hóa trình độ chuyên môn đội ngũ lương y, lương dược, tăng cường vai trò của Hội Đông y Thành phố Hồ Chí Minh trong bồi dưỡng chuyên môn, kế thừa, bảo tồn và phát triển y, dược cổ truyền Việt Nam.

3. Nhiệm vụ chủ yếu:

a) Về tổ chức, quản lý:

Nâng cao vai trò quản lý của Phòng Quản lý y dược học cổ truyền thuộc Sở Y tế; Phòng y tế quận - huyện có cán bộ Y học cổ truyền trong biên chế phụ trách công tác y, dược học cổ truyền: Năm 2012 đạt 40%; đến 2015 đạt 100%.

b) Cơ sở khám chữa bệnh:

Bệnh viện Y học cổ truyền và Viện Y dược học dân tộc được nâng cấp và xây dựng theo hướng đa khoa y học cổ truyền và đầu tư từ ngân sách của thành phố, thành hai bệnh viện đầu ngành về y dược học cổ truyền để thực hiện tốt công tác chỉ đạo tuyến về y dược học cổ truyền của thành phố Hồ Chí Minh.

Đến năm 2015 hai bệnh viện trên sẽ là hai trung tâm chuyên sâu về y học cổ truyền đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, điều trị, giảng dạy, chỉ đạo tuyến, hội nghị, hội thảo, hợp tác quốc tế.

Viện Y dược học dân tộc và Bệnh viện y học cổ truyền chịu trách nhiệm hỗ trợ cho các khoa y học cổ truyền của 10 bệnh viện đa khoa và 23 bệnh viện quận - huyện về chuyên môn y dược cổ truyền.

Khoa y học cổ truyền trong các bệnh viện đa khoa, bệnh viện quận - huyện:

- Đến cuối năm 2015: 100% bệnh viện đa khoa và bệnh viện quận - huyện đều có khoa y học cổ truyền. Khám chữa bệnh bằng y, dược học cổ truyền đạt tỷ lệ như sau: bệnh viện đa khoa thành phố đạt15%; bệnh viện quận - huyện đạt 20%.

- Năm 2015 - 2020: các bệnh viện đa khoa và bệnh viện quận - huyện hoàn thiện Khoa y học cổ truyền, góp phần vào việc điều trị kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại của bệnh viện; khám chữa bệnh bằng y, dược học cổ truyền đạt tỷ lệ như sau: bệnh viện đa khoa thành phố đạt 20%; bệnh viện quận - huyện đạt 25%.

Trạm y tế phường - xã, thị trấn:

- Đến cuối năm 2015 đạt 100% Trạm Y tế xã - phường, thị trấn có bộ phận khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền do thầy thuốc y học cổ truyền (y sĩ y học cổ truyền hoặc lương y trở lên) trong định biên của trạm y tế phụ trách; khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền tại trạm y tế xã - phường, thị trấn đạt 30%.

- Năm 2015 - 2020: Hoàn thiện bộ phận khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền tại trạm y tế; khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền tại trạm y tế xã - phường, thị trấn 40%.

c) Hiện đại hóa y, dược cổ truyền và kết hợp y, dược cổ truyền với y dược hiện đại:

Phát triển các phương pháp khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại trong việc chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân; chú trọng đến việc chăm sóc sức khỏe bằng phương pháp không dùng thuốc như tập luyện dưỡng sinh, xây dựng khu điều trị, điều dưỡng cho người lớn tuổi, câu lạc bộ sức khỏe, câu lạc bộ dưỡng sinh; châm cứu, xoa bóp day ấn huyệt bằng phương pháp y học cổ truyền.

d) Bảo đảm chất lượng dược liệu, thuốc đông y, thuốc từ dược liệu:

Khuyến khích phát triển thị trường kinh doanh dược liệu và thuốc đông y, thuốc từ dược liệu để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh bằng y, dược cổ truyền.

Đảm bảo chất lượng thuốc y học cổ truyền, thuốc có nguồn gốc nhập khẩu chính ngạch, tăng cường giám sát chất lượng thuốc nhập khẩu:

Chấn chỉnh các cơ sở kinh doanh, sản xuất thuốc đông y, thuốc từ dược liệu theo Thông tư số 16/2011/TT-BYT ngày 19 tháng 4 năm 2011 của Bộ Y tế về quy định nguyên tắc sản xuất thuốc từ dược liệu và lộ trình áp dụng nguyên tắc tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP) đối với cơ sở sản xuất thuốc từ dược liệu và Công văn số 10638/QLD-KD ngày 04 tháng 8 năm 2011 của Cục Quản lý Dược về ban hành Danh mục kiểm tra điều kiện sản xuất thuốc từ dược liệu.

Tuyên truyền vận động các cơ sở kinh doanh và sản xuất đông y, thuốc từ dược liệu chủ động nguồn dược liệu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Tiến tới thu mua nguồn dược liệu theo mùa, sơ chế dự trữ, đóng gói bảo quản, có hạn dùng, đảm bảo cung ứng đủ dược liệu cho kinh doanh và sản xuất, khi cần sản xuất có ngay. Sở Y tế hỗ trợ Hội Đông y, Viện Y dược học dân tộc, Bệnh viện Y học cổ truyền xây dựng kế hoạch liên kết hợp tác với các tỉnh, thành khác trong việc nuôi, trồng dược liệu.

Khuyến khích nghiên cứu ứng dụng thuốc nam, thuốc dân gian, thuốc gia truyền để đưa vào sản xuất thuốc y học cổ truyền với công nghệ và kỹ thuật hiện đại, đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và xuất khẩu.

đ) Về phát triển nguồn nhân lực và đào tạo:

Xây dựng và triển khai Đề án đào tạo nguồn nhân lực y, dược cổ truyền đáp ứng đủ số lượng và chất lượng cán bộ cho ngành y dược cổ truyền thành phố:

- Cán bộ làm công tác y học cổ truyền tại trạm y tế phường - xã, thị trấn phải là lương y hoặc y sĩ y học cổ truyền trở lên.

- Cán bộ y học cổ truyền của tuyến quận - huyện là các bác sĩ, dược sĩ được đào tạo từ các Trường Đại học Y dược.

Nhân sự cho Bệnh viện Y học cổ truyền và Viện Y dược học dân tộc đáp ứng yêu cầu phát triển y, dược cổ truyền theo quy định của Bộ Y tế.

e) Tăng cường vai trò của Hội Đông y thành phố Hồ Chí Minh:

- Hội Đông y thành phố đóng vai trò nòng cốt trong sự nghiệp phát triển nền đông y thành phố, góp phần vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.

- Hội Đông y thành phố chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động, củng cố tổ chức, ổn định cơ sở vật chất cho hoạt động Hội, phát triển hội viên, kết hợp với ngành y tế thành phố trong quản lý hành nghề của hội viên; hoạt động của Hội gắn liền với hoạt động quản lý và phát triển của ngành y dược học cổ truyền tại thành phố.

- Hội Đông y thành phố phối hợp với Sở Y tế tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố trên các lĩnh vực thừa kế và phát triển y dược học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại.

- Hội Đông y chủ động phối hợp với Sở Y tế tổ chức các Lễ hội truyền thống của y học cổ truyền như ngày giỗ cụ Hải Thượng Lãn Ông; cụ Tuệ Tĩnh; Hội Tết y học cổ truyền hàng năm….

g) Nghiên cứu khoa học:

Nghiên cứu khoa học dựa trên cơ sở giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật của khoa học hiện đại làm nền tảng cho việc phát triển y học cổ truyền kết hợp y, dược cổ truyền với y, dược hiện đại. Sở Y tế, Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học về y dược học cổ truyền cho các đơn vị: Viện Y dược học dân tộc, Bệnh viện Y học cổ truyền, Khoa Y học cổ truyền trong các bệnh viện, Hội Đông y, Hội Châm cứu trong các lĩnh vực.

- Nghiên cứu ứng dụng thuốc y học cổ truyền.

- Nghiên cứu ứng dụng các phương pháp của y học cổ truyền.

- Nghiên cứu ứng dụng lý luận cơ bản của y học cổ truyền.

- Nghiên cứu các giáo trình giảng dạy y học cổ truyền.

- Nghiên cứu kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại trong chẩn đoán và điều trị các bệnh mạn tính, bệnh khó.

- Tổ chức hội nghị, hội thảo về chuyên đề y dược học cổ truyền.

h) Đảm bảo tài chính:

Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn cho yêu cầu phát triển y, dược học cổ truyền:

- Nguồn ngân sách nhà nước.

- Nguồn vốn vay.

- Nguồn viện trợ.

- Nguồn thu hợp pháp khác (nếu có).

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế:

- Triển khai thực hiện Quyết định số 2166/QĐ-TTg ngày 30 tháng 11 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch này trên địa bàn thành phố;

- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền và các tầng lớp nhân dân về vai trò của y, dược cổ truyền trong phòng và chữa bệnh;

- Phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, các Sở - ngành có liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố về cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y, dược cổ truyền; đẩy mạnh xã hội hóa ngành y, dược cổ truyền;

- Thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật, các quy chế chuyên môn trong các cơ sở khám chữa bệnh và sản xuất kinh doanh dược liệu, thuốc đông y, thuốc từ dược liệu để không ngừng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh;

- Phối hợp với các Sở - ngành có liên quan hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án xây dựng và nâng cấp Viện Y dược học dân tộc và Bệnh viện y học cổ truyền;

- Sở Y tế phối hợp Hội Đông y, Hội Châm cứu, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch liên kết phối hợp xây dựng và hoàn thiện hệ thống tổ chức, chương trình đào tạo các loại hình cán bộ chuyên ngành đông y, trong đó có lương y, lương dược theo các quy định của pháp luật;

- Mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế về y, dược cổ truyền.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Phối hợp với Sở Tài chính bố trí kế hoạch vốn hàng năm cho các đề án, dự án để triển khai kế hoạch này.

- Phối hợp với Sở Y tế cải tiến thủ tục hành chính trong việc xét cấp giấy phép hành nghề y, dược học cổ truyền, tạo hành lang pháp lý về đăng ký kinh doanh cho các doanh nghiệp hành nghề y, dược cổ truyền, phát triển hệ thống hành nghề y, dược tư nhân hành nghề theo đúng pháp luật.

3. Sở Tài chính: Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Y tế căn cứ vào kế hoạch này, đề xuất, tham mưu trình Ủy ban nhân dân thành phố quyết định bố trí nguồn kinh phí để thực hiện.

4. Sở Nội vụ:

Phối hợp với Sở Y tế có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực cán bộ y, dược cổ truyền; xem xét phân bổ nguồn nhân lực y, dược cổ truyền chuyên trách cho các Phòng y tế quận - huyện; các Bệnh viện chưa có khoa y học cổ truyền; các trạm y tế xã - phường, thị trấn chưa có bộ phận y học cổ truyền.

5. Sở Khoa học và Công nghệ:

Hỗ trợ Viện Y dược dân tộc, Bệnh viện Y học cổ truyền, Khoa y học cổ truyền trong các bệnh viện, Hội Đông y, Hội châm cứu trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học về y dược học cổ truyền.

Ưu tiên triển khai những đề tài nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực y, dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế về nghiên cứu, đào tạo, điều trị, sản xuất thuốc và trang thiết bị trong lĩnh vực y dược cổ truyền.

6. Hội Đông y thành phố:

- Tiếp tục củng cố và phát triển tổ chức Hội, chú trọng nâng cao y đức và chất lượng chuyên môn cho hội viên, vận động hội viên tích cực tham gia công tác kế thừa, bảo tồn và phát triển y, dược cổ truyền, chấp hành đúng các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về y, dược cổ truyền;

- Nghiên cứu đổi mới cơ chế hoạt động, chủ động, sáng tạo phát huy tiềm năng chuyên môn của các hội viên, đẩy mạnh công tác xã hội hóa để tham gia công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân;

- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế xây dựng Đề án tăng cường vai trò của Hội Đông y trong bồi dưỡng chuyên môn, kế thừa, bảo tồn và phát triển y, dược cổ truyền Việt Nam.

7. Ủy ban nhân dân các quận - huyện:

Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với việc phát triển y, dược cổ truyền tại địa phương. Tạo điều kiện thuận lợi cho Hội Đông Y quận - huyện hoạt động và phát triển, góp phần tích cực vào sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Căn cứ vào kế hoạch này, Thủ trưởng các sở - ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các quận - huyện xây dựng kế hoạch cụ thể để chỉ đạo ngành y tế địa phương phối hợp với các ngành, tổ chức xã hội có liên quan quán triệt và triển khai đầy đủ nội dung của Quyết định số 2166/QĐ-TTg ngày 30 tháng 11 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố. Hàng năm báo cáo kết quả thực hiện cho Sở Y tế để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố, Bộ Y tế và Thủ tướng Chính phủ./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ “để b/c”;
- Bộ Y tế;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND. TP;
- TTUB: CT, các PCT;
- Các Sở - ngành thành phố;
- Ủy ban nhân dân các quận - huyện;
- Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch;
- Viện Y Dược học Dân tộc;
- Bệnh viện Y học cổ truyền;
- Hội Đông y thành phố;
- VPUB: CPVP;
- Phòng VX, THKH;
- Lưu:VT, (VX/P) H.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hứa Ngọc Thuận

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 6386/KH-UBND năm 2012 thực hiện Quyết định 2166/QĐ-TTg về Kế hoạch hành động của Chính phủ về phát triển y, dược học cổ truyền đến năm 2020 tại thành phố Hồ Chí Minh

  • Số hiệu: 6386/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 08/12/2012
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Hứa Ngọc Thuận
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 08/12/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản