Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ Y TẾ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 614/KH-BYT | Hà Nội, ngày 13 tháng 5 năm 2025 |
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN CÔNG ĐIỆN SỐ 41/CĐ-TTG NGÀY 17/4/2025 VÀ CÔNG ĐIỆN SỐ 55/CĐ-TTG NGÀY 02/05/2025 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ LIÊN QUAN ĐẾN XỬ LÝ CÁC VỤ VIỆC SẢN XUẤT, BUÔN BÁN THUỐC CHỮA BỆNH GIẢ, SỮA GIẢ VÀ THỰC PHẨM BẢO VỆ SỨC KHỎE GIẢ
Trong những năm qua, Bộ Y tế đã tích cực triển khai nhiều hoạt động trong công tác đấu tranh phòng chống thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, kém chất lượng và đã đạt được nhiều tiến bộ (tỷ lệ thuốc giả, thuốc kém chất lượng có xu hướng giảm thấp), tuy nhiên, các hành vi vi phạm liên quan đến sản xuất, buôn bán thuốc giả, sữa giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả vẫn diễn ra bất chấp nỗ lực của ngành y tế. Mới đây, Bộ Công an, các cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện, điều tra các vụ việc sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả, sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả với quy mô lớn, trong thời gian dài và đang được cơ quan chức năng xử lý theo quy định.
Thực hiện các Công điện số 41/CĐ-TTg ngày 17/04/2025 và Công điện số 55/CĐ-TTg ngày 02/05/2025 Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các Công điện cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong Công điện số 41/CĐ-TTg ngày 17/4/2025 và Công điện số 55/CĐ-TTg ngay 02/05/2025, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, buôn bán thuốc giả, mỹ phẩm giả, sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả.
2. Đảm bảo chất lượng các sản phẩm do ngành y tế quản lý (thuốc, mỹ phẩm, sữa và thực phẩm bảo vệ sức khỏe) khi lưu hành trên thị trường.
3. Tăng cường phối hợp liên ngành, hoàn thiện khung pháp lý và nâng cao nhận thức cộng đồng về nguy cơ, tác hại của thuốc giả, mỹ phẩm và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả.
4. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông về nguy cơ, tác hại của việc sử dụng thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, không rõ nguồn gốc; thúc đẩy hoạt động mua bán thuốc theo đơn và sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả; kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.
II. NỘI DUNG
1. Phối hợp điều tra và thu hồi sản phẩm giả: Phối hợp chặt chẽ với cơ quan Công an đẩy nhanh tiến độ điều tra vụ việc sản xuất, buôn bán thuốc giả, sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả; thu hồi triệt để các sản phẩm giả đã lưu hành trên thị trường.
2. Tăng cường công tác quản lý nhà nước, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm: Đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về dược, mỹ phẩm và an toàn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh dược, mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, đặc biệt tại các địa bàn trọng điểm (Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Hà Nam, Hà Nội, An Giang, Thành phố Hồ Chí Minh).
3. Hoàn thiện khung pháp lý: Đánh giá tình trạng vi phạm liên quan đến sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, mỹ phẩm, sữa, thực phẩm bảo vệ sức khỏe; đồng thời, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để sửa đổi hoặc đề xuất cơ quan thẩm quyền sửa đổi văn bản pháp luật liên quan nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và xử lý vi phạm liên quan đến việc sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh, mỹ phẩm, sữa, thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
4. Tăng cường truyền thông và nâng cao nhận thức cộng đồng: Đẩy mạnh hoạt động thông tin, truyền thông về nguy cơ, tác hại của việc sử dụng thuốc giả, mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả; khuyến khích mua bán thuốc theo đơn và sử dụng thuốc an toàn.
5. Tăng cường hợp tác liên ngành: Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương để nâng cao hiệu quả quản lý và phòng chống thuốc giả, mỹ phẩm giả, sữa giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả.
(Nội dung cụ thể tại Phụ lục đính kèm Kế hoạch này).
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Thủ trưởng các đơn vị có trách nhiệm triển khai thực hiện cụ thể theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị để triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời nội dung theo Phụ lục đính kèm Kế hoạch này.
2. Phân công trách nhiệm
2.1- Đơn vị được giao đầu mối Ban chỉ đạo 389 Bộ Y tế: chịu trách nhiệm giám sát, phối hợp với các đơn vị liên quan và các địa phương trong việc chấp hành quy định pháp luật về dược và an toàn thực phẩm; báo cáo tiến độ thực hiện kế hoạch; chịu trách nhiệm kiểm tra, xử lý vi phạm và giám sát việc thực hiện tại các địa phương.
2.2- Cục Quản lý Dược, Cục Quản lý Y, dược cổ truyền, Cục An toàn thực phẩm phối hợp Ban chỉ đạo 389 Bộ Y tế khẩn trương tổ chức triển khai các hoạt động ban hành kèm theo Kế hoạch này.
2.3- Các Vụ, Cục liên quan (Vụ Pháp chế, Cục Hạ tầng và Thiết bị y tế, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Văn phòng Bộ), Báo Sức khỏe và Đời sống phối hợp thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
2.4- Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đầu mối và chủ động phối hợp các cơ quan trên địa bàn triển khai nội dung liên quan nêu trong Kế hoạch này.
2.5- Các Viện: Kiểm nghiệm Vệ sinh an toàn thực phẩm Quốc gia, Dinh dưỡng, Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, Kiểm nghiệm thuốc Tp. Hồ Chí Minh, Pasteur Tp. Chí Minh, Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, Pasteur Nha Trang, Kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế phối hợp với các Vụ/Cục triển khai công tác lấy mẫu, giám sát chất lượng và chịu trách nhiệm kiểm nghiệm các mẫu.
3. Chế độ báo cáo: Các đơn vị được giao phân công đầu mối thực hiện (tại Phụ lục ban hành kèm theo Kế hoạch này) báo cáo tiến độ thực hiện về Ban chỉ đạo 389 Bộ Y tế trước ngày 15 của tháng cuối mỗi quý (15/6, 15/9,15/12/2025). Bộ Y tế tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả triển khai trước ngày 31/12/2025 và định kỳ hàng năm.
4. Kinh phí: Vụ Kế hoạch Tài chính tham mưu Bộ Y tế đảm bảo kinh phí phục vụ công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả thuộc phạm vi của Bộ Y tế theo quy định. Việc sử dụng kinh phí theo quy định.
Trên đây là Kế hoạch thực hiện Công điện số 41/CĐ-TTg ngày 17/4/2025 và và Công điện số 55/CĐ-TTg ngày 02/05/2025 của Thủ tướng Chính phủ của Bộ Y tế. Đề nghị các đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện./.
| BỘ TRƯỞNG |
PHỤ LỤC
TRỌNG TÂM CÔNG TÁC ĐẤU TRANH CHỐNG SẢN XUẤT, BUÔN BÁN HÀNG GIẢ LÀ THUỐC CHỮA BỆNH, MỸ PHẨM, SỮA VÀ THỰC PHẨM BẢO VỆ SỨC KHỎE
(Đính kèm Kế hoạch số 614/KH-BYT ngày 13 tháng 5 năm 2025 của Bộ Y tế)
STT | Nội dung thực hiện | Đơn vị đầu mối | Đơn vị phối hợp | Thời gian triển khai | Kết quả đầu ra |
I. Công tác thu hồi và xử lý vi phạm | |||||
1 | Phối hợp điều tra các vụ việc sản xuất, buôn bán thuốc giả, sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả | - Cục ATTP - Cục QLD - Cục YDCT | - Các đơn vị chuyên môn của Bộ Công an - Sở Y tế các tỉnh/TP | Khi có thông tin hoặc yêu cầu của cơ quan chức năng | Văn bản trao đổi, chia sẻ thông tin |
2 | Phối hợp điều tra và thu hồi sản phẩm giả trên địa bàn | Sở Y tế các tỉnh/TP | - Các đơn vị chuyên môn của Bộ Công an - Cục ATTP, Cục QLD, Cục YDCT | Ngay khi phát hiện vụ việc | Thu hồi triệt để sản phẩm giả |
3 | Tăng cường công tác quản lý nhà nước về dược, mỹ phẩm; Chỉ đạo các địa phương tăng cường biện pháp quản lý cơ sở bán buôn, bán lẻ thuốc gắn với yêu cầu kết nối cơ sở cung ứng thuốc | - Cục QLD - Cục YDCT | Sở Y tế các tỉnh/TP | Năm 2025 | Văn bản chỉ đạo, điều hành |
4 | Kiểm tra việc chấp hành pháp luật về chất lượng thuốc, mỹ phẩm. | - Cục QLD - Cục YDCT | - Viện kiểm nghiệm - Sở Y tế các tỉnh/TP - Ban chỉ đạo 389 BYT | Định kỳ hàng quý | Phát hiện và xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật về chất lượng thuốc, mỹ phẩm |
5 | Kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm. | Cục ATTP | - Sở Y tế các tỉnh/TP - Viện kiểm nghiệm ATTP | Định kỳ hàng quý | Phát hiện và xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm |
6 | Mở đợt cao điểm hậu kiểm, kiểm tra, giám sát quản lý sản phẩm tự công bố, đăng ký bản công bố và quảng cáo sữa, thực phẩm bảo vệ sức khỏe | Cục ATTP | - Sở Y tế các tỉnh/TP - Viện kiểm nghiệm ATTP | Tháng 5 và các quý tiếp theo | Đảm bảo chất lượng sản phẩm lưu hành trên thị trường. |
7 | Kiểm tra nguồn gốc dược liệu, thuốc cổ truyền | Cục YDCT | - Cục QLD - Cục ATTP - Bộ Công Thương | Định kỳ hàng quý | Phát hiện và xử lý vi phạm về nguồn gốc dược liệu (dược liệu giả, dược liệu kém chất lượng) |
8 | Lấy mẫu, kiểm nghiệm sản phẩm thuốc, mỹ phẩm (tập trung các sản phẩm có nguy cơ cao) | Hệ thống kiểm nghiệm | Sở Y tế | Tháng 5 và các quý tiếp theo | Kịp thời phát hiện sản phẩm giả, kém chất lượng. |
9 | Tăng cường việc rà soát, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dược, mỹ phẩm trên địa bàn liên quan đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là kinh doanh trực tuyến, bán buôn, bán lẻ | - Sở Y tế Hà Nội, Hồ Chí Minh, An Giang - Sở Y tế các tỉnh/TP |
| Tháng 5 và các quý tiếp theo | Giảm thiểu thuốc giả, mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả lưu thông trên thị trường. |
II. Hoàn thiện pháp lý và quản lý thị trường | |||||
10 | Rà soát vướng mắc, bất cập quy định pháp luật liên quan đến sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thuốc, mỹ phẩm (đăng ký, công bố, kiểm tra chất lượng, trách nhiệm các cơ quan quản lý liên quan, chế tài xử lý vi phạm) nhằm nâng cao trách nhiệm, hiệu quả quản lý của các cơ quan liên quan và chính quyền địa phương | - Cục ATTP - Cục QLD - Cục YDCT | Vụ Pháp chế | Hoàn thành trước 31/12/2025 | Văn bản sửa đổi hoặc đề xuất cơ quan thẩm quyền bổ sung/sửa đổi văn bản pháp luật liên quan. |
11 | Rà soát quy trình mua, cung ứng thuốc tại cơ sở y tế | - Vụ KHTC - Cục KCB | - Cục QLD - Cục YDCT | Hoàn thành trước 31/9/2025 | Đảm bảo thuốc sử dụng tại cơ sở y tế có nguồn gốc rõ ràng. |
12 | Rà soát các quy định về quản lý sản phẩm giáp ranh giữa thuốc và thiết bị y tế | - Cục HT&TBYT - Cục QLD | Vụ Pháp chế | Hoàn thành trước 31/12/2025 | Đảm bảo các sản phẩm được quản lý đúng theo bản chất và mục đích sử dụng, tránh việc lách luật. |
III. Kiểm soát hoạt động trực tuyến và truyền thông | |||||
13 | Rà soát hoạt động quảng cáo, kinh doanh thuốc/thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên mạng | - Cục QLD - Cục YDCT - Cục ATTP | Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số (Bộ CT), Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ CA), Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) | Tháng 9/2025 | Văn bản xử lý các trường hợp vi phạm |
14 | Tuyên truyền, cảnh báo về thuốc giả, mỹ phẩm giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả | - Báo SKĐS - Văn phòng Bộ | - Cục QLD - Cục ATTP - Sở Y tế các tỉnh/TP | Liên tục | Nâng cao nhận thức cộng đồng. |
15 | Truyền thông sử dụng thuốc an toàn; thúc đẩy hoạt động mua bán thuốc theo đơn và sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả | - Báo SKĐS - Văn phòng Bộ | - Cục QLD - Cục YDCT - Cục KCB | Liên tục | Khuyến khích mua thuốc theo đơn, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. |
IV. Phối hợp liên ngành | |||||
16 | Tăng cường hợp tác liên ngành | - Cục QLD - Cục YDCT - Cục ATTP | - Các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ KHCN, Bộ NN&MT - Sở Y tế các tỉnh/TP | Liên tục | Nâng cao hiệu quả quản lý và phòng chống hàng giả. |
Ghi chú: Căn cứ việc triển khai, tình hình thực tế và báo cáo của các đơn vị, Bộ Y tế sẽ xem xét điều chỉnh Kế hoạch này các năm tiếp theo.
- 1Công điện 41/CĐ-TTg năm 2025 xử lý vụ việc sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe do Thủ tướng Chính phủ điện
- 2Công điện 55/CĐ-TTg năm 2025 về tăng cường phối hợp, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân liên quan đến sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả, sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả do Thủ tướng Chính phủ điện
Kế hoạch 614/KH-BYT năm 2025 thực hiện Công điện 41/CĐ-TTg và 55/CĐ-TTg liên quan đến xử lý các vụ việc sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả, sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả do Bộ Y tế ban hành
- Số hiệu: 614/KH-BYT
- Loại văn bản: Kế hoạch
- Ngày ban hành: 13/05/2025
- Nơi ban hành: Bộ Y tế
- Người ký: Đào Hồng Lan
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 13/05/2025
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra