Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 606/KH-UBND

Phú Thọ, ngày 27 tháng 02 năm 2015

 

KẾ HOẠCH

ĐÀO TẠO NGHỀ CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN NĂM 2015

Thực hiện Quyết định số 2535/QĐ-UBND ngày 05/8/2011 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Phú Thọ đến năm 2020”; Quyết định số 3168/QĐ-UBND ngày 15/12/2014 của UBND tỉnh về việc giao chỉ tiêu kế hoạch nhà nước năm 2015; Quyết định số 3169/QĐ-UBND ngày 15/12/2013 của UBND tỉnh về việc giao dự toán thu, chi ngân sách địa phương năm 2015; Quyết định số 31/QĐ-UBND ngày 13/01/2015 của UBND tỉnh về việc giao vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2015; Trên cơ sở đề xuất kế hoạch dạy nghề cho lao động nông thôn năm 2015 của UBND các huyện, thành, thị và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Văn bản số 86/BC-SNN&PTNT ngày 11/02/2015; Xét đề nghị của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tại Văn bản số 176/SLĐTBXH-DN ngày 14/02/2015, UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch Đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2015, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:

1. Mục đích:

- Tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn của tỉnh. Nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, góp phần nâng cao chất lượng lao động khu vực nông thôn nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

- Nâng cao nhận thức của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành về vai trò, vị trí và trách nhiệm của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đảm bảo mọi người dân, nhất là lao động nông thôn được tiếp cận các chính sách của Đề án.

- Bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dạy nghề, kỹ năng nghề cho giáo viên và người dạy nghề; bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý cho cán bộ quản lý dạy nghề các cấp và các cơ sở dạy nghề để nâng cao chất lượng đào tạo, hiệu quả trong chỉ đạo, quản lý thực hiện Đề án. Bồi dưỡng nâng cao trình độ, kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức xã.

2. Yêu cầu: Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn cần được xác định là nhiệm vụ quan trọng. Thực hiện đúng sự phân công, phân cấp về trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở. Việc phân bổ kinh phí hỗ trợ lao động nông thôn học nghề đảm bảo phù hợp với số lao động nông thôn của từng địa phương, đề xuất nhu cầu đào tạo của cấp huyện.

II. MỤC TIÊU:

1. Hỗ trợ đào tạo nghề cho 6.120 lao động nông thôn, trong đó: Nghề nông nghiệp: 3.330 người (chiếm 55%); Nghề phi nông nghiệp: 2.790 người (chiếm 45%).

2. Hỗ trợ đào tạo nghề cho 100 người khuyết tật.

3. Đào tạo nghiệp vụ sư phạm dạy nghề cho 40 giáo viên; bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ quản lý dạy nghề cho 250 người (Cán bộ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thành, thị; cán bộ quản lý dạy nghề của các cơ sở dạy nghề; Lãnh đạo và cán bộ chuyên quản công tác dạy nghề cấp xã).

4. 100% xã, thị trấn trong tỉnh thực hiện tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm đối với lao động nông thôn.

5. Đào tạo, bồi dưỡng cho 200 cán bộ, công chức xã, chức danh Tư pháp - Hộ tịch.

6. Tăng cường kiểm tra, giám sát theo phân cấp. Ban chỉ đạo cấp tỉnh thực hiện kiểm tra, giám sát đối với tất cả các huyện; Ban chỉ đạo cấp huyện thực hiện kiểm tra, giám sát đối với tất cả các xã. Cấp xã kiểm tra, giám sát các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN:

Tổng nguồn kinh phí thực hiện: 17.880 triệu đồng, trong đó:

1. Ngân sách Trung ương: 15.590 triệu đồng, cụ thể:

- Hỗ trợ lao động nông thôn học nghề: 12.965 triệu đồng, trong đó:

+ Hỗ trợ lao động nông thôn học nghề nông nghiệp: 6.965 triệu đồng;

+ Hỗ trợ lao động nông thôn học nghề phi nông nghiệp: 6.000 triệu đồng

- Bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý dạy nghề: 800 triệu đồng.

- Hỗ trợ người khuyết tật: 600 triệu đồng.

- Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức xã: 1.035 triệu đồng.

- Nâng cao năng lực, truyền thông và giám sát đánh giá: 190 triệu đồng, trong đó:

+ Sở Lao động Thương binh và Xã hội: 140 triệu đồng.

+ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: 50 triệu đồng.

2. Ngân sách địa phương và huy động các nguồn hợp pháp khác (Quyết định số 3168/QĐ-UBND ngày 15/12/2014, Quyết định số 3169/QĐ-UBND ngày 15/12/2014 của UBND tỉnh):

- Hỗ trợ tư vấn dạy nghề, tìm việc làm: 2.290 triệu đồng.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Các thành viên Ban chỉ đạo triển khai Đề án 1956 của tỉnh:

- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ quản lý của ngành và nội dung được phân công phụ trách, tích cực chỉ đạo địa phương, ngành tham gia thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh.

- Định kỳ 6 tháng, hàng năm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (Qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) tình hình triển khai và kết quả thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn của địa phương được phân công theo dõi, phụ trách.

2. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (Cơ quan Thường trực Đề án 1956 của tỉnh):

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch này;

- Trực tiếp làm chủ đầu tư và chỉ đạo thực hiện đào tạo nghề phi nông nghiệp cho lao động nông thôn (giao kế hoạch dạy nghề phi nông nghiệp cho tất cả các cơ sở dạy nghề đủ điều kiện dạy nghề cho lao động nông thôn đã đăng ký trên địa bàn, không phân biệt cơ sở dạy nghề do Bộ, ngành hay tỉnh quản lý); dạy nghề cho người khuyết tật; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý và giáo viên các cơ sở dạy nghề; - Chủ trì, phối hợp với các cơ quan trong công tác truyền thông, tư vấn dạy nghề và việc làm.

- Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về dạy nghề, việc làm; kiểm tra, giám sát các đơn vị được giao nhiệm vụ dạy nghề cho lao động nông thôn.

Tổng hợp kết quả, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Trực tiếp làm chủ đầu tư và chỉ đạo thực hiện việc đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn (giao kế hoạch dạy nghề nông nghiệp cho tất cả các cơ sở dạy nghề đủ điều kiện dạy nghề cho lao động nông thôn đã đăng ký trên địa bàn, không phân biệt cơ sở dạy nghề do Bộ, ngành hay tỉnh quản lý).

- Hướng dẫn Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (hoặc Phòng Kinh tế) cấp huyện phối hợp với Phòng Lao động Thương binh và Xã hội, các cơ sở dạy nghề thực hiện công tác tư vấn, tuyển sinh, giám sát đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

- Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng kế hoạch dạy nghề hàng năm.

- Tham gia kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện dạy nghề cho lao động nông thôn.

- Định kỳ 6 tháng, hàng năm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (Qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) tình hình triển khai và kết quả thực hiện đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh.

4. Sở Nội vụ:

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã; lựa chọn các cơ sở giáo dục, đào tạo có đủ điều kiện theo quy định tham gia bồi dưỡng cán bộ, công chức xã trên địa bàn tỉnh theo quy định; Tham gia kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã.

- Định kỳ 6 tháng, hàng năm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (Qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) tình hình thực hiện Kế hoạch đối với nội dung được phân công phụ trách.

5. Các sở, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và Kho bạc Nhà nước tỉnh: Giám sát giao kế hoạch, phân bổ kinh phí, hướng dẫn quản lý, sử dụng nguồn kinh phí, cấp phát, thanh quyết toán đảm bảo kịp thời, đúng mục tiêu, đúng chính sách và nội dung của Đề án, kiểm soát chi đúng đối tượng và định mức được phê duyệt.

6. Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tin, tuyên truyền của tỉnh: Tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền về đào tạo nghề cho lao động nông thôn; cung cấp thông tin về các cơ sở có đủ điều kiện tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn, các nghề đào tạo, các mô hình dạy nghề gắn với việc làm hiệu quả tại địa phương để lao động nông thôn biết, có điều kiện tìm hiểu và lựa chọn.

7. Sở Công Thương:

- Chủ trì, phối hợp với cơ quan thông tin, truyền thông cung cấp thông tin thị trường hàng hóa; hỗ trợ việc tiêu thụ sản phẩm cho lao động nông thôn.

- Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan có liên quan kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện Đề án tại địa phương.

8. Cục Thống kê: Chỉ đạo Chi cục thống kê huyện phối hợp với Phòng Lao động Thương binh và Xã hội, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các huyện, thành, thị tiến hành rà soát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn.

9. Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị:

- Chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (hoặc Phòng Kinh tế), UBND các xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn.

- Đề xuất nhu cầu học nghề của lao động nông thôn trên địa bàn (số lượng đào tạo, nghề đào tạo), nhu cầu tuyển dụng lao động qua đào tạo nghề của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn.

- Tuyên truyền, tư vấn cho lao động nông thôn lựa chọn nghề học phù hợp. Phối hợp và tạo điều kiện cho các cơ sở dạy nghề tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn. Tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn.

- Bố trí bổ sung 01 biên chế chuyên trách theo dõi công tác dạy nghề cho Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội theo Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân tỉnh và Quyết định số 1404/QĐ-UBND ngày 30/5/2012 của UBND tỉnh về việc giao bổ sung biên chế công chức năm 2012 (đối với huyện chưa bố trí biên chế).

- Xây dựng Kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2016 trên địa bàn gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn trước ngày 10/11/2015 để có cơ sở xây dựng kế hoạch, phân bổ kinh phí đào tạo nghề cho lao động nông thôn của tỉnh năm 2016.

- Định kỳ 6 tháng, hàng năm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (Qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) tình hình thực hiện Kế hoạch dạy nghề cho lao động nông thôn.

10. Ủy ban nhân dân cấp xã:

- Thống kê lao động nông thôn có nhu cầu học nghề trên địa bàn, xây dựng kế hoạch dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn, gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, trình UBND cấp huyện.

- Tổng hợp nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã, gửi UBND cấp huyện để tổng hợp, báo cáo Sở Nội vụ trình UBND tỉnh phê duyệt.

- Tổng hợp nhu cầu tuyển dụng lao động qua đào tạo nghề của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn.

- Tuyên truyền, tư vấn cho lao động nông thôn lựa chọn học nghề phù hợp.

- Xác nhận đơn xin học nghề của lao động nông thôn trong xã theo đối tượng được hỗ trợ theo quy định và khả năng tạo việc làm theo nghề đăng ký học; Phối hợp với các cơ sở được giao nhiệm vụ dạy nghề cho lao động nông thôn để tuyển lao động nông thôn học nghề đủ điều kiện.

- Tạo điều kiện cho người học nghề tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng tại địa phương theo quy định; giúp lao động nông thôn tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hoặc tạo việc làm sau học nghề.

- Chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức đoàn thể của xã, khu dân cư tham gia vào việc tuyên truyền, tư vấn học nghề cho lao động nông thôn và tổ chức kiểm tra, giám sát việc dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn.

- Lập danh sách theo dõi, thống kê số người đã học nghề, số người có việc làm sau học nghề theo từng lĩnh vực, số hộ thoát nghèo, số hộ trở thành hộ khá, số người chuyển sang làm công nghiệp, dịch vụ sau học nghề trên địa bàn.

- Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ (6 tháng, cả năm) về việc triển khai kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn, gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, trình UBND cấp huyện.

11. Các cơ sở dạy nghề cho lao động nông thôn:

- Phối hợp với UBND cấp xã tổ chức tuyển lao động nông thôn học đúng nghề đào tạo, đúng đối tượng.

- Theo dõi, thống kê tình trạng việc làm, thu nhập của lao động nông thôn sau học nghề do cơ sở đào tạo.

- Tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn theo đúng chương trình đào tạo, kế hoạch dạy nghề đã được phê duyệt. Lập các biểu mẫu, sổ sách quản lý dạy và học, tổ chức kiểm tra, công nhận tốt nghiệp đối với người học nghề trình độ sơ cấp nghề đúng quy định hiện hành.

- Thực hiện đầy đủ cam kết trong hợp đồng dạy nghề và quản lý, sử dụng, thanh quyết toán kinh phí theo đúng quy định hiện hành, đảm bảo đúng tiến độ, báo cáo tình hình, kết quả tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn theo quy định.

- Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ (6 tháng, hàng năm) về thực hiện kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn của đơn vị, gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trước ngày 05/7 (đối với báo cáo 6 tháng) và trước ngày 30/11 hàng năm (đối với báo cáo năm).

UBND tỉnh yêu cầu: Các sở, ban, ngành của tỉnh; Thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 1956 các cấp; UBND các huyện, thành, thị; các cơ dạy nghề và các cơ quan liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc kế hoạch này./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ LĐTBXH (để báo cáo);
- TT: TU, HĐND (để báo cáo);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- UBMTTQ tỉnh;
- Ban VHXH/HĐND tỉnh;
- TVBCĐ Đề án 1956 tỉnh;
- UBND các huyện, thành, thị;
- CPVP; NCTH;
- Các CSDN cho LĐNT (30b);
- Lưu: VT, VX3 (Đ 70b);

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hà Kế San

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 606/KH-UBND đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2015 do tỉnh Phú Thọ ban hành

  • Số hiệu: 606/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 27/02/2015
  • Nơi ban hành: Tỉnh Phú Thọ
  • Người ký: Hà Kế San
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 27/02/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản