- 1Luật Ngân sách Nhà nước 2002
- 2Chỉ thị 20/CT-TTg năm 2017 về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Quyết định 10/2019/QĐ-UBND quy định về chính sách khuyến khích xã hội hóa các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, môi trường, giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh Bến Tre
- 4Luật Bảo vệ môi trường 2020
- 5Kế hoạch 551/KH-UBND năm 2020 về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020-2030
- 6Thông tư 02/2022/TT-BTNMT hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 7Luật Thanh tra 2022
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 5696/KH-UBND | Bến Tre, ngày 18 tháng 9 năm 2023 |
KẾ HOẠCH
CẢI THIỆN, NÂNG CAO CHỈ SỐ XANH CẤP TỈNH TỈNH BẾN TRE ĐẾN NĂM 2025
Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) được đánh giá thông qua việc tập hợp ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp về chất lượng quản trị môi trường tới chính quyền các cấp. Đây là bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng địa phương thân thiện với môi trường dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh như: Mức độ ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường của các doanh nghiệp tại địa phương, trình độ quản trị và ứng xử với môi trường của doanh nghiệp, mức độ quan tâm, sẵn sàng đầu tư về vấn đề môi trường của chính quyền địa phương và nhiều vấn đề môi trường quan trọng khác. Năm 2022, qua khảo sát và kết quả công bố của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh Bến Tre được xếp thứ 13/63 tỉnh, thành cả nước, trong đó PGI tỉnh Bến Tre ở vị trí rất thấp so với cả nước, xếp thứ 62/63 tỉnh, thành với 12,72 điểm.
Nhằm tạo sự chuyển biến tích cực, cải thiện và nâng cao kết quả đánh giá PGI tỉnh Bến Tre, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch cải thiện và nâng cao PGI như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Nhằm thúc đẩy xây dựng hệ sinh thái đầu tư kinh doanh thân thiện môi trường; thu hút đầu tư, phát triển kinh tế gắn với việc bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển bền vững trong thời gian tới.
- Định hướng nhà đầu tư nâng cao năng lực và trách nhiệm bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy nhiều dự án xanh hơn tại tỉnh Bến Tre.
- Thực hiện quyết tâm cải thiện, bứt phá mạnh mẽ về thứ hạng PGI những năm tiếp theo.
2. Yêu cầu
- Tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức và hành động của cán bộ, công chức, viên chức về ý nghĩa, tầm quan trọng của PGI; về trách nhiệm của các sở, ban, ngành, địa phương trong việc nâng cao thứ bậc xếp hạng PGI của tỉnh.
- Thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu.
II. CÁC NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CẢI THIỆN PGI (04 CHỈ SỐ THÀNH PHẦN)
1. Chỉ số thành phần 1: Giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu
1.1. Nội dung đánh giá: Đo lường cơ sở hạ tầng cơ bản và các dịch vụ công do chính quyền tỉnh cung cấp nhằm giảm thiểu rủi ro gây ra bởi thiên tai và biến đổi khí hậu cho hoạt động của doanh nghiệp.
1.2. Nhiệm vụ và giải pháp
a) Giảm thiểu môi trường, phòng chống thiên tai
- Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và địa phương tổ chức thực hiện tuyên truyền, tập huấn, triển khai đến doanh nghiệp các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường; tăng cường đăng bài viết phổ biến các kết quả nghiên cứu, quan trắc chất lượng môi trường định kỳ của tỉnh, hiện trạng môi trường tỉnh; ứng phó biến đổi khí hậu đã, đang và sẽ triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh nhằm cung cấp cách nhìn tổng quát cho các doanh nghiệp phục vụ công tác đánh giá của VCCI được chính xác tình hình thực tế.
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương thực hiện các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu, nhất là đầu tư xây dựng các công trình ngăn mặn, trữ nước, đảm bảo cung cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất và đời sống người dân.
- Sở Xây dựng triển khai có hiệu quả kế hoạch hành động của ngành có lồng ghép ứng phó biến đổi khí hậu; đẩy mạnh phát triển các công trình xây dựng, hạ tầng kỹ thuật đô thị, đô thị xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu; thúc đẩy sản xuất các sản phẩm vật liệu xây dựng xanh.
- Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và địa phương thông tin, tuyên truyền đến doanh nghiệp để phân công nhân viên đúng chuyên môn trong tiếp cận thông tin về môi trường, biến đổi khí hậu; thực hiện hồ sơ môi trường đúng quy định Luật Bảo vệ môi trường 2020, thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường tại cơ sở; tham gia đánh giá chất lượng môi trường của tỉnh đúng thực chất.
b) Dữ liệu cứng: Số trạm quan trắc chất lượng không khí tại các đô thị loại IV trở lên trên 10.000 dân đô thị (năm 2022 là 0%)
Sở Tài nguyên và Môi trường đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư 02 trạm quan trắc môi trường không khí tự động trên địa bàn tỉnh theo kế hoạch đề ra (đến năm 2025 đưa vào vận hành chính thức); thông tin đến doanh nghiệp khi dự án hoàn thành đưa vào sử dụng.
2. Chỉ số thành phần 2: Đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu, kết quả đánh giá năm 2022 của VCCI đạt 4,46/10 điểm, xếp hạng 55/63
2.1. Nội dung đánh giá: Đo lường các nỗ lực của địa phương trong thúc đẩy các tiêu chuẩn an toàn môi trường thông qua ban hành chính sách, quy định có chất lượng tốt, áp dụng thanh tra, kiểm tra môi trường hợp lý và thực thi pháp luật nghiêm túc.
2.2. Nhiệm vụ và giải pháp
a) Các giải pháp phòng ngừa ô nhiễm môi trường của chính quyền tỉnh
- Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố môi trường (tràn dầu, chất thải,...) để phân công và tổ chức ứng phó kịp thời khi có sự cố xảy ra. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ hàng năm (tăng số lượng doanh nghiệp được kiểm tra) để kịp thời phát hiện, hướng dẫn và xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Nâng cao chất lượng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường đối với doanh nghiệp, nhất là công tác phòng ngừa và ứng phó sự cố (nếu xảy ra). Khẩn trương tham mưu thực hiện Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải trên địa bàn tỉnh (giai đoạn 2023 - 2024); triển khai đến doanh nghiệp khi nhiệm vụ hoàn thành.
- Ban Quản lý các khu công nghiệp, Công an, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra môi trường các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp theo thẩm quyền. Ban Quản lý các khu công nghiệp kiểm soát chặt chẽ việc đấu nối, xử lý nước thải các doanh nghiệp trong khu công nghiệp. Ban Quản lý các khu công nghiệp, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố khẩn trương thực hiện đầu tư hạ tầng xử lý nước thải tập trung khu công nghiệp, các cụm công nghiệp theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020.
b) Chất lượng thực thi quy định pháp luật môi trường
- Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện thanh, kiểm tra doanh nghiệp theo đúng Luật Thanh tra, tinh thần Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17 tháng 5 năm 2017 về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, đúng theo nội dung kế hoạch định kỳ hàng năm (không quá 01 lần/năm) và thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm. Cán bộ thanh, kiểm tra thực hiện theo đúng chức trách nhiệm vụ được giao theo Quyết định thành lập đoàn thanh, kiểm tra.
- Các doanh nghiệp chấp hành nghiêm quyết định thanh tra, kiểm tra. Báo ngay về cơ quan ra quyết định thanh tra, kiểm tra và cơ quan cấp trên trong trường hợp thành viên đoàn thanh tra, kiểm tra có hành vi nhũng nhiễu, vi phạm pháp luật về thanh tra, kiểm tra.
c) Dữ liệu cứng: Tỷ lệ nước thải sinh hoạt đô thị từ loại IV trở lên được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường (kết quả đánh giá bộ chỉ số môi trường của tỉnh năm 2022 đã đạt 6,8%)
Sở Xây dựng phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện tốt công tác thẩm định quy hoạch các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới, đảm bảo dự án phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung theo quy định.
d) Dữ liệu cứng: Tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát sinh nước thải từ 50 m3/ngày trở lên có hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường (kết quả đánh giá bộ chỉ số môi trường của tỉnh năm 2022 đã đạt 90,5%)
- Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp Ban Quản lý các khu công nghiệp, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, giám sát các cơ sở thực hiện bảo vệ môi tường theo hồ sơ môi trường được duyệt.
- Các doanh nghiệp thực hiện đúng, đầy đủ theo hồ sơ môi trường được duyệt, thực hiện báo cáo giám sát môi trường hàng năm theo quy định.
đ) Dữ liệu cứng: Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được phân loại tại nguồn (kết quả đánh giá bộ chỉ số môi trường của tỉnh năm 2022 là 7%)
- Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, đơn vị thu gom, vận chuyển rác thải triển khai mô hình điểm về phân loại rác thải tại nguồn để nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc các tổ chức, cá nhân thực hiện phân loại rác thải tại nguồn theo hướng dẫn; xử phạt các hành vi vị phạm về phân loại rác thải tại nguồn theo quy định. Đến năm 2025 phải đạt 70% theo Đề án đã phê duyệt.
- Các doanh nghiệp thực hiện tốt phân loại chất thải rắn tại nguồn theo quy định tại Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT.
e) Dữ liệu cứng: Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường (kết quả đánh giá bộ chỉ số môi trường của tỉnh năm 2022 đạt 86%)
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố khẩn trương tham mưu thực hiện phương án tái cơ cấu, xây dựng Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre có công nghệ hiện đại, ít tác động đến môi trường (chậm nhất năm 2026 đi vào hoạt động). Tăng cường xã hội hóa trong công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải; thành lập các tổ chức tự chủ tài chính và tự chủ đầu tư về trang thiết bị thu gom, vận chuyển, mở rộng địa bàn thu gom từ đó tăng tỷ lệ thu gom. Đưa vào quy hoạch tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050 khu liên hợp xử lý rác thải tỉnh (03 khu liên hợp với diện tích tối thiểu 20 ha/khu, sử dụng công nghệ xử lý rác hiện đại, thân thiện môi trường) qua đó làm tăng tỷ lệ xử lý rác thải đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường. Đến năm 2025 tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý là 95,5%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom, xử lý là 80% theo Đề án đã phê duyệt.
3. Chỉ số thành phần 3: Vai trò lãnh đạo của chính quyền tỉnh trong thúc đẩy thực hành xanh, kết quả đánh giá năm 2022 của VCCI đạt 2,98/10 điểm, xếp hạng 63/63
3.1. Nội dung đánh giá: Đo lường vai trò lãnh đạo của chính quyền tỉnh trên hai khía cạnh: mua sắm xanh và hướng dẫn, phổ biến về các quy định pháp luật môi trường
3.2. Nhiệm vụ và giải pháp
a) Ưu tiên mua hàng hóa, dịch vụ xanh
- Các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị-xã hội, Ủy ban nhân dân các cấp cam kết hạn chế sử dụng túi nilon sử dụng một lần; có quy định, kế hoạch triển khai về giảm thiểu chất thải nhựa, sử dụng tái chế. Đến năm 2025, có 100% các đơn vị nêu trên có quy định, cam kết, kế hoạch triển khai về giảm thiểu chất thải nhựa. Sau năm 2025, các trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn và cơ sở dịch vụ du lịch không sử dụng sản phẩm nhựa một lần, thay thế bằng sản phẩm thân thiện môi trường (túi sinh học dễ phân hủy...).
- Sở Tài chính chủ trì hướng dẫn chi tiết nội dung thực hiện mua sắm xanh đối với các dự án, nhiệm vụ sử dụng ngân sách nhà nước.
b) Hướng dẫn, phổ biến pháp luật và thực hành xanh
- Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, hướng dẫn (hội nghị tập huấn, tọa đàm, sổ tay, tờ rơi hướng dẫn,...) các quy định pháp luật về môi trường; sử dụng năng lượng, nước tiết kiệm; sử dụng năng lượng tái tạo; giảm sử dụng nhựa, quản lý hiệu quả chất thải rắn, hạn chế ô nhiễm nguồn nước, khí thải, tái trồng rừng...
- Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp các sở, ngành hướng dẫn, triển khai về đấu thầu thực hiện dự án, nhà đầu tư sử dụng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường được chứng nhận Nhãn sinh thái Việt Nam.
- Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức triển khai có hiệu quả nhiệm vụ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ về bảo vệ môi trường; thẩm định công nghệ tiên tiến, phù hợp, thân thiện với môi trường.
c) Tỷ lệ chi ngân sách cho hoạt động sự nghiệp bảo vệ môi trường
Sở Tài chính căn cứ khả năng cân đối ngân sách nhà nước hàng năm, tham mưu cấp có thẩm quyền phân bổ dự toán kinh phí sự nghiệp môi trường theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn hiện hành.
d) Số lượng công chức, cán bộ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường trên 1 triệu dân
Sở Nội vụ, Công an tỉnh, Ban Quản lý các khu công nghiệp, Ủy ban nhân dân các cấp tăng cường bố trí cán bộ chuyên trách môi trường đúng chuyên môn nghiệp vụ, bảo đảm giải quyết tốt các vấn đề môi trường.
4. Chỉ số thành phần 4: Chính sách ưu đãi và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường, kết quả đánh giá năm 2022 của VCCI đạt 1,83/10 điểm, xếp hạng 42/63
4.1. Nội dung đánh giá: Đánh giá mức độ doanh nghiệp có thể tiếp cận và thụ hưởng các chính sách, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp hướng đến thực hành và kinh doanh xanh do chính quyền địa phương triển khai.
4.2. Nhiệm vụ và giải pháp
a) Các chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp thực hành xanh
- Sở Công Thương chủ trì tham mưu triển khai thực hiện đạt hiệu quả Kế hoạch số 551/KH-UBND ngày 10 tháng 02 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2030.
- Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tham mưu triển khai thực hiện đạt hiệu quả Quyết định số 10/2019/QĐ-UBND ngày 01 tháng 3 năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc quy định chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, môi trường, giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh.
- Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương tham mưu, sớm ban hành Nghị quyết quy định ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường tỉnh Bến Tre (cuối năm 2023).
- Tỉnh đoàn chủ trì triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án Bến Tre xanh.
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì triển khai có hiệu quả Quyết định số 1302/QĐ-UBND ngày 11 tháng 6 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về ban hành Đề án trồng cây xanh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.
b) Các dịch vụ tư vấn, đào tạo để cải thiện hoạt động môi trường
- Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phổ thông qua các đợt thanh tra, kiểm tra môi trường định kỳ, đột xuất, hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thực hiện đúng nội dung theo hồ sơ môi trường được duyệt. Các đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Tài nguyên Môi trường nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, thực hiện tốt tư vấn cho doanh nghiệp về bảo vệ môi trường.
- Các doanh nghiệp chủ động cập nhật các quy định pháp luật, kịp thời nắm bắt quy định để điều chỉnh hoạt động bảo vệ môi trường phù hợp; đề xuất, kiến nghị đến cơ quan quản lý nhà nước về môi trường để được hướng dẫn, tập huấn nhằm nâng cao năng lực, kiến thức nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan thường trực, chủ trì cùng các sở, ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch này; chủ trì tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả thực hiện cải thiện, đề xuất các giải pháp cải thiện nâng cao PGI của tỉnh hàng năm; rà soát, giải quyết theo thẩm quyền hoặc kịp thời tham mưu, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc về lĩnh vực bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Chịu trách nhiệm theo dõi, định kỳ trước ngày 31/12 hàng năm báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch này về Ủy ban nhân dân tỉnh để theo dõi, chỉ đạo.
2. Các sở, ban, ngành, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ được giao để cải thiện kết quả thực hiện PGI của tỉnh; định kỳ trước ngày 15/12 hàng năm báo cáo kết quả thực hiện về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố ưu tiên bố trí kinh phí, huy động các nguồn lực tại địa phương, lồng ghép các chương trình, đề án, dự án thực hiện trên địa bàn để tham gia xây dựng các mô hình về bảo vệ môi trường.
3. Đề nghị Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh thông tin, tuyên truyền đến các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về Kế hoạch này; tổng hợp và phản ánh những khó khăn vướng mắc của các doanh nghiệp trong lĩnh vực bảo vệ môi trường về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
4. Các cơ quan truyền thông địa phương tăng cường xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, phóng sự về bảo vệ môi trường.
5. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền sâu rộng về phong trào bảo vệ môi trường, giám sát, phản biện việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
Trên đây là Kế hoạch cải thiện, nâng cao kết quả đánh giá PGI tỉnh Bến Tre, Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các đơn vị có liên quan chủ động triển khai thực hiện./.
| KT. CHỦ TỊCH |
PHỤ LỤC I
ĐIỂM XẾP HẠNG CHỈ SỐ PGI TỈNH BẾN TRE 2022
(Kèm theo Kế hoạch số 5696/KH-UBND ngày 18 tháng 9 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre)
Điểm số Chỉ số Xanh của Bến Tre năm 2022 | Điểm | Xếp hạng so với cả nước |
Tổng | 12,72 | 62/63 |
CSTP 1. Giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của BĐKH (cho doanh nghiệp) | 3,36 | 47 |
CSTP 2. Đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu | 4,46 | 55 |
CSTP 3. Vai trò lãnh đạo của chính quyền tỉnh trong thúc đẩy thực hành Xanh | 2,98 | 63 |
CSTP 4. Chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường | 1,83 | 43 |
PHỤ LỤC II
ĐIỂM XẾP HẠNG CHỈ SỐ THÀNH PHẦN 1 CỦA CHỈ SỐ PGI TỈNH BẾN TRE 2022
(Kèm theo Kế hoạch số 5696/KH-UBND ngày 18 tháng 9 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre)
Hạng | CSTP 1. Giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của BĐKH (cho doanh nghiệp) | Chất lượng môi trường tổng thể tại tỉnh là tốt hoặc rất tốt (% DN) | Môi trường tại tỉnh không ô nhiễm hoặc hơi ô nhiễm (% DN đồng ý) | Hoạt động kinh doanh của DN không bị ảnh hưởng bởi mức độ ô nhiễm (% DN đồng ý) | Tình trạng DN gây ô nhiễm môi trường là phổ biến tại tỉnh (% DN đồng ý) | Chuyển địa điểm đầu tư đến địa phương có ít rủi ro thiên tai hơn (% DN) | Thiên tai và BĐKH gây khó khăn cho hoạt động của DN (% DN) | Dữ liệu Bộ TNMT: Số trạm quan trắc chất lượng không khí tại các đô thị loại IV trở lên trên 10.000 dân đô thị |
47 | 3,36 | 62% | 46% | 26% | 66% | 0% | 9% | 0,00 |
PHỤ LỤC III
ĐIỂM XẾP HẠNG CHỈ SỐ THÀNH PHẦN 2 CỦA CHỈ SỐ PGI TỈNH BẾN TRE 2022
(Kèm theo Kế hoạch số 5696/KH-UBND ngày 18 tháng 9 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre)
Hạng | CSTP 2. Đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu | Tỉnh có giải pháp hiệu quả để phòng ngừa tình trạng ô nhiễm môi trường (% DN đồng ý) | Tỉnh khắc phục nhanh chóng các sự cố ô nhiễm môi trường (% DN đồng ý) | Tỉnh nghiêm túc xử phạt các DN gây ô nhiễm môi trường (% DN đồng ý) | Thanh tra môi trường tạo cơ hội cho cán bộ thanh kiểm tra nhũng nhiễu DN (% DN) | Cơ quan nào đã thanh kiểm tra DN trong năm qua: Thanh tra môi trường (% DN) | DN đã trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh tra môi trường (% DN) | Dữ liệu BTNMT: Tỷ lệ nước thải sinh hoạt đô thị được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường (%) | Dữ liệu BTNMT: Tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát sinh nước thải từ 50 m3/ngày trở lên có hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường (%) | Dữ liệu BTNMT: Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được phân loại tại nguồn (%) | Dữ liệu BTNMT: Chất thải rắn sinh hoạt được xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường (%) |
55 | 4,46 | 84% | 85% | 86% | 1% | 1% | 1% | 0% | 100% | 7% | 14% |
PHỤ LỤC IV
ĐIỂM XẾP HẠNG CHỈ SỐ THÀNH PHẦN 3 CỦA CHỈ SỐ PGI TỈNH BẾN TRE 2022
(Kèm theo Kế hoạch số 5696/KH-UBND ngày 18 tháng 9 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre)
Hạng | CSTP 3. Vai trò lãnh đạo của chính quyền tỉnh trong thúc đẩy thực hành Xanh | CQNN tại tỉnh ưu tiên mua hàng hóa dịch vụ của các doanh nghiệp “xanh” (% DN) | CQNN tại tỉnh sẵn sàng trả giá cao hơn khi mua hàng hóa dịch vụ của các doanh nghiệp “xanh” (% DN) | DN được hướng dẫn về quy định pháp luật môi trường (%) | DN được hướng dẫn về bảo tồn, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả (%) | DN được hướng dẫn về sử dụng năng lượng tái tạo (%) | DN được hướng dẫn về sản xuất năng lượng tái tạo (%) | DN được hướng dẫn về giảm thiểu sử dụng nhựa (%) | DN được hướng dẫn về đầu tư vào quản lý hiệu quả chất thải rắn (%) | DN được hướng dẫn về hạn chế ô nhiễm nguồn nước (%) | DN được hướng dẫn về sử dụng nước tiết kiệm (%) | DN được hướng dẫn về giảm thiểu ô nhiễm không khí (%) | DN được hướng dẫn về tái trồng rừng (%) | Dữ liệu BTNMT: Tỷ lệ chi ngân sách cho hoạt động sự nghiệp BVMT (%) | Dữ liệu BTNMT: Số lượng công chức, cán bộ thực hiện nhiệm vụ BVMT trên 1 triệu dân |
63 | 2,98 | 44% | 37% | 17% | 6% | 7% | 4% | 9% | 6% | 9% | 12% | 8% | 3% | 1% | 143,07 |
PHỤ LỤC V
ĐIỂM XẾP HẠNG CHỈ SỐ THÀNH PHẦN 4 CỦA CHỈ SỐ PGI TỈNH BẾN TRE 2022
(Kèm theo Kế hoạch số 5696/KH-UBND ngày 18 tháng 9 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre)
Hạng | CSTP 4. Chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường | Chính sách khuyến khích, hỗ trợ về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả (0-4) | Chính sách khuyến khích, hỗ trợ về năng lượng sạch/năng lượng tái tạo (0-4) | Chính sách khuyến khích, hỗ trợ về giảm thiểu ô nhiễm không khí (0-4) | Chính sách khuyến khích, hỗ trợ về giảm thiểu ô nhiễm nước và nước thải (0-4) | Chính sách khuyến khích, hỗ trợ về giảm thiểu rác thải nhựa (0-4) | Chính sách khuyến khích, hỗ trợ về tái chế rác thải (0-4) | Chính sách khuyến khích, hỗ trợ về tăng khả năng chống chịu thiên tai (0-4) | Chính sách khuyến khích, hỗ trợ về tái trồng rừng (0-4) | Chính quyền tỉnh cung cấp dịch vụ tư vấn để cải thiện hoạt động môi trường (0-4) | Chính quyền tỉnh cung cấp dịch vụ đào tạo để cải thiện hoạt động môi trường (0-4) |
42 | 1,83 | 1,29 | 0,25 | 0,39 | 0,40 | 0,29 | 0,30 | 0,17 | 0,08 | 0,34 | 0,19 |
- 1Kế hoạch 196/KH-UBND năm 2023 về cải thiện, nâng cao Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) đến năm 2025 do tỉnh Vĩnh Phúc ban hành
- 2Kế hoạch 3233/KH-UBND thực hiện nhiệm vụ, giải pháp cải thiện, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) và Chỉ số Xanh (PGI) tỉnh Bình Thuận năm 2023
- 3Kế hoạch 199/KH-UBND năm 2023 về nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2023-2024 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang
- 1Luật Ngân sách Nhà nước 2002
- 2Chỉ thị 20/CT-TTg năm 2017 về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Quyết định 10/2019/QĐ-UBND quy định về chính sách khuyến khích xã hội hóa các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, môi trường, giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh Bến Tre
- 4Luật Bảo vệ môi trường 2020
- 5Kế hoạch 551/KH-UBND năm 2020 về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020-2030
- 6Thông tư 02/2022/TT-BTNMT hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 7Luật Thanh tra 2022
- 8Kế hoạch 196/KH-UBND năm 2023 về cải thiện, nâng cao Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) đến năm 2025 do tỉnh Vĩnh Phúc ban hành
- 9Kế hoạch 3233/KH-UBND thực hiện nhiệm vụ, giải pháp cải thiện, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) và Chỉ số Xanh (PGI) tỉnh Bình Thuận năm 2023
- 10Kế hoạch 199/KH-UBND năm 2023 về nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2023-2024 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang
Kế hoạch 5696/KH-UBND năm 2023 về cải thiện, nâng cao Chỉ số Xanh cấp tỉnh Bến Tre đến năm 2025
- Số hiệu: 5696/KH-UBND
- Loại văn bản: Kế hoạch
- Ngày ban hành: 18/09/2023
- Nơi ban hành: Tỉnh Bến Tre
- Người ký: Nguyễn Minh Cảnh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 18/09/2023
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định