Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5689/KH-UBND

Bến Tre, ngày 30 tháng 8 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG MÔI TRƯỜNG NƯỚC MẶT TỈNH BẾN TRE GIAI ĐOẠN 2024-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 17 tháng 11 năm 2020;

Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 27 tháng 11 năm 2023;

Căn cứ Nghị định số 43/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ quy định lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước;

Căn cứ Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

Căn cứ Nghị định số 02/2023/NĐ-CP ngày 20 tháng 3 năm 2023 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước;

Căn cứ Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 02 tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch cấp nước vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 28 tháng 02 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Quyết định số 1622/QĐ-TTg ngày 27 tháng 12 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050;

Căn cứ Quyết định số 174/QĐ-TTg ngày 06 tháng 3 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cửu Long, thời kỳ 2021 - 2030;

Căn cứ Quyết định số 1399/QĐ-TTg ngày 17 tháng 11 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến 2050;

Căn cứ Thông tư số 24/2016/TT-BTNMT ngày 09 tháng 9 năm 2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc xác định và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt;

Căn cứ Thông tư số 76/2017/TT-BTNMT ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quy định về đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của nguồn nước sông, hồ;

Căn cứ Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

Căn cứ Chương trình số 10-CTr/TU ngày 29 tháng 01 năm 2021 của Tỉnh ủy về quản lý, đảm bảo an ninh nguồn nước, nguồn cấp nước ngọt thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2020-2030;

Căn cứ Quyết định số 1712/QĐ-UBND ngày 15 tháng 8 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về phê duyệt danh mục các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ trên địa bàn tỉnh Bến Tre;

Căn cứ Quyết định số 1973/QĐ-UBND ngày 11 tháng 09 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt phạm vi vùng bảo hộ khu vực lấy nước sinh hoạt các công trình khai thác nước mặt của Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre và Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bến Tre;

Căn cứ Kế hoạch số 4646/KH-UBND ngày 06 tháng 8 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện Chương trình số 10-CTr/TU ngày 29 tháng 01 năm 2021 của Tỉnh ủy về quản lý, đảm bảo an ninh nguồn nước, nguồn cấp nước ngọt thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2020-2030;

Căn cứ Kế hoạch số 1719/KH-UBND ngày 27 tháng 3 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện Kết luận số 36-KL/TW của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Căn cứ Công văn số 561/UBND-KT ngày 28 tháng 01 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện nhiệm vụ đánh giá hiện trạng và xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt tỉnh Bến Tre;

Căn cứ Quyết định số 1725/QĐ-UBND ngày 27 tháng 7 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt kết quả nhiệm vụ Đánh giá hiện trạng và xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt tỉnh Bến Tre;

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch quản lý chất lượng nước mặt tỉnh Bến Tre giai đoạn 2024 - 2025, định hướng đến năm 2030 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt cấp tỉnh được xây dựng phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm (2021 - 2025) và quy hoạch phát triển tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quản lý chất lượng môi trường nước mặt tỉnh lấy phòng ngừa là chính kết hợp khắc phục ô nhiễm.

Quản lý chất lượng môi trường nước mặt là trách nhiệm của chủ nguồn thải, cơ quan quản lý nhà nước và chịu sự giám sát của Nhân dân. Trong điều kiện phù hợp nguồn lực của tỉnh, huy động nguồn hỗ trợ Trung ương, giai đoạn đến năm 2025, tỉnh tập trung duy trì chất lượng môi trường nước mặt phục vụ nhu cầu người dân, phát triển kinh tế - xã hội, du lịch và mục tiêu phát triển Bến Tre xanh. Hiện trạng môi trường nước mặt phải được thông tin rộng rãi đến Nhân dân để biết, nâng cao ý thức giữ gìn môi trường nước. Bên cạnh đó, tập trung xử lý điểm nóng về ô nhiễm môi trường nước mặt và tăng cường công tác thực thi pháp luật về quan trắc môi trường nước mặt theo quy định Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức trong việc bảo vệ, quản lý khai thác hợp lý và sử dụng hiệu quả nguồn nước; hoàn thiện, đồng bộ, hiện đại hóa hệ thống thủy lợi, hệ thống quan trắc môi trường, chất lượng nước và mạng lưới cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh; cơ bản kiểm soát được các nguồn xả thải, giải quyết các vấn đề ô nhiễm nguồn nước mặt, đảm bảo chất lượng nước cho các hoạt động dân sinh, kinh tế.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Mục tiêu, chỉ tiêu về chất lượng nước mặt

Mục tiêu, chỉ tiêu về chất lượng nước mặt tỉnh Bến Tre cần đạt được cho giai đoạn lập kế hoạch đối với từng đoạn sông, hồ căn cứ nhu cầu thực tiễn về phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường của địa phương; mục tiêu chất lượng nước của sông, rạch nội tỉnh phải phù hợp với mục tiêu chất lượng nước của sông, rạch liên tỉnh.

Từ kết quả nghiên cứu của dự án Đánh giá hiện trạng và xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt tỉnh Bến Tre và căn cứ nhu cầu thực tiễn, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, xác định mục tiêu chất lượng nước mặt cần đạt được cho giai đoạn 2024 - 2025 và sau năm 2025 đối với các đoạn sông nội tỉnh như tại Phụ lục I ban hành kèm theo Kế hoạch này.

Trong nhóm các thông số tính toán khả năng tiếp nhận của nguồn nước, thông số TSS trên các đoạn sông trên địa bàn tỉnh Bến Tre bị ảnh hưởng rất lớn bởi điều kiện tự nhiên của nguồn nước. Do đó, mục tiêu, chỉ tiêu chất lượng nước mặt chỉ nên tập trung chủ yếu kiểm soát đối với các thông số BOD5, COD, Amoni, Tổng N, Tổng P.

2.2. Mục tiêu và lộ trình giảm xả thải

a) Tổng tải lượng ô nhiễm cần cắt giảm đối với từng thông số ô nhiễm mà môi trường nước mặt không còn khả năng chịu tải:

Ban hành kèm theo Kế hoạch này tại Phụ lục II. Tổng hợp tải lượng ô nhiễm cần giảm đối với từng thông số ô nhiễm.

b) Lộ trình giảm xả thải vào các đoạn sông không còn khả năng tiếp nhận:

Nhằm đảm bảo đạt được các mục tiêu chất lượng nước hài hoà với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nhiệm vụ đề xuất mục tiêu giảm xả thải trong 02 giai đoạn như sau:

- Trong giai đoạn 2024 - 2025, giảm tải lượng xả thải đối với các nguồn thải bằng 20% tải lượng thải cần giảm cụ thể tại Phụ lục III. Lộ trình giảm xả thải vào các đoạn sông không còn khả năng tiếp nhận.

- Trong giai đoạn 2026 - 2030, giảm tải lượng xả thải đối với các nguồn thải bằng 80% tải lượng thải cần giảm cụ thể tại Phụ lục III.

Đối với các nguồn thải mới, yêu cầu phải xử lý nước thải đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường tương ứng với loại hình xả thải của cơ sở, dự án (theo quy định). Riêng đối với thông số TSS, tải lượng ô nhiễm cần giảm dựa vào tải lượng thải của các nguồn thải hiện hữu.

Sau mỗi giai đoạn triển khai Kế hoạch, Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở, ban, ngành có liên quan thực hiện các đề tài, dự án được phê duyệt để đánh giá sự hiệu quả của các giải pháp bảo vệ môi trường nước, đề xuất điều chỉnh kế hoạch bảo vệ môi trường nhằm đạt được các mục tiêu đã đề ra.

2.3. Mục tiêu xử lý nước thải

Việc xử lý nước thải phải đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường hiện hành và phù hợp với quy định phân vùng tiếp nhận nước thải, áp dụng cho giai đoạn 2024 - 2025 và sau năm 2025, cụ thể mục tiêu xử lý nước thải cho từng loại nước thải phải đạt được như sau:

- Nước thải sinh hoạt tại thành phố, đô thị phải được xử lý đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải sinh hoạt (QCVN 14:2008/BTNMT) trước khi xả ra môi trường. Đối với các thị trấn, cụm dân cư nông thôn tập trung, cụm dân cư phân tán và hộ gia đình ở nông thôn thực hiện lựa chọn công nghệ, quy trình xử lý nước thải sinh hoạt phù hợp (Hướng dẫn tại Chỉ thị 04/CT-TTg ngày 07 tháng 02 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc định hướng phát triển quy hoạch kiến trúc nông thôn Việt Nam, tạo bản sắc và giữ gìn kiến trúc truyền thống; Công văn số 1252/VPĐP-NV&MT ngày 27 tháng 12 năm 2023 của Văn phòng Điều phối nông thôn mới trung ương về ban hành hướng dẫn tạm thời thu gom, xử lý và quản lý nước thải sinh hoạt cho khu vực nông thôn).

- Nước thải khu công nghiệp, cụm công nghiệp: Phải được xử lý đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp (cột A, QCVN 40:2011/BTNMT) trước khi xả ra môi trường.

- Nước thải từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải được xử lý đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường hiện hành về nước thải quy định cho ngành, lĩnh vực và phù hợp quy định phân vùng tiếp nhận nước thải.

- Nước thải từ các bệnh viện, trung tâm y tế: Cần phải được xử lý đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải y tế (cột A, QCVN 28:2010/BTNMT) trước khi xả ra sông rạch hoặc vào hệ thống cống thoát nước đô thị.

- Nước thải từ hoạt động chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản phải được xử lý đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản (hoặc tương đương) và quy định về phân vùng tiếp nhận nước thải. Khuyến khích thực hiện các biện pháp tuần hoàn, tái sử dụng nước thải, giảm thiểu ô nhiễm trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

2.4. Xác định vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt, hành lang bảo vệ nguồn nước mặt

Phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt được xác định theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước và các vùng đã được xác lập và phê duyệt tại Quyết định số 1973/QĐ-UBND ngày 11 tháng 9 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt các công trình khai thác nước mặt của Công ty cổ phần cấp thoát nước Bến Tre và Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Trong giai đoạn 2024-2025, sau khi danh mục vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của các công trình đã được phê duyệt theo quyết định, 02 đơn vị được cấp phép khai thác nước mặt trên phải hoàn thành việc xác định ranh giới phạm vi của vùng bảo hộ vệ sinh các khu vực lấy nước sinh hoạt của các công trình trên thực địa. Giai đoạn 2026-2030, tiếp tục rà soát và công bố danh mục vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của các công trình khai thác nước mặt còn lại, yêu cầu các đơn vị hoàn thành thực hiện xác định ranh giới vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt trên thực địa. Chính quyền địa phương đảm bảo thực hiện các biện pháp bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt trên địa bàn quản lý.

Theo Quyết định số 1712/QĐ-UBND ngày 15 tháng 8 năm 2023, Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt Danh mục các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Mục tiêu giai đoạn 2024-2025: hàng năm xây dựng kế hoạch cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước mặt trên địa bàn tỉnh phù hợp về khu vực và thời gian theo Quyết định; tổ chức cắm mốc, bàn giao mốc giới cho Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã để quản lý bảo vệ. Mục tiêu giai đoạn 2026-2030: thực hiện việc điều chỉnh Danh mục các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ trên địa bàn tỉnh theo quy định. Tổ chức công bố và xây dựng kế hoạch cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước mặt theo khu vực và thời gian đã phê duyệt.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM

1. Nâng cao nhận thức cộng đồng về quản lý, bảo vệ an toàn các nguồn nước

- Tổ chức tuyên truyền các văn bản, quy định, các chính sách liên quan đến khai thác sử dụng hiệu quả, bảo vệ và chống thoái hóa nguồn tài nguyên nước đến các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trong tỉnh, đẩy mạnh hoạt động phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường các cấp với các tổ chức chính trị - xã hội thông qua các hoạt động truyền thông môi trường, tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường, nhân rộng các mô hình bảo vệ môi trường đạt hiệu quả.

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phổ biến chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường, phổ biến các giải pháp, thành tựu bảo vệ môi trường thông qua các trang thông tin điện tử, mạng xã hội có uy tín, có lượng truy cập lớn để có thể tiếp cận rộng rãi, nhanh chóng đến mọi đối tượng, tầng lớp nhân dân, góp phần nâng cao hiệu quả tuyên truyền.

- Triển khai đến các cơ quan báo, đài đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường; nêu gương người tốt, việc tốt; thông tin rộng rãi đến người dân các xu hướng, phong trào, chương trình bảo vệ môi trường trong nước và trên thế giới nhằm khuyến khích, vận động cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường.

- Ngoài ra, chất lượng các chương trình tuyên truyền và giáo dục về môi trường cần được chú trọng cả về hình thức lẫn nội dung, cả về chiều rộng lẫn chiều sâu; cần chú trọng đến các đối tượng tuyên truyền cụ thể, nhất là giới trẻ. Cần đưa nội dung giáo dục môi trường vào môn học chính ở cấp giáo dục tiểu học. Chú trọng tuyên truyền về các vấn đề môi trường bức xúc đang diễn ra như: xử lý nước thải sinh hoạt, nước thải sản xuất, quan trọng nhất là thực hiện Kế hoạch hành động giải quyết rác thải nhựa tỉnh Bến Tre và Đề án quản lý rác thải sinh hoạt theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về giải quyết vấn đề rác thải,...

2. Triển khai hiệu quả các giải pháp công trình để bảo vệ, cải thiện chất lượng các nguồn nước mặt

- Đầu tư hoàn chỉnh hệ thống công trình thủy lợi, phòng chống thiên tai, ngăn mặn trữ ngọt, tiêu thoát nước theo phân kỳ đầu tư trong Quy hoạch tỉnh Bến Tre giai đoạn từ nay đến năm 2030.

- Đầu tư phát triển các hệ thống thoát nước và xử lý nước thải (XLNT):

+ Giai đoạn 2024 - 2025: Tập trung hoàn thiện hệ thống thoát nước và xử lý nước thải tại các khu, cụm công nghiệp, làng nghề, chợ truyền thống, bệnh viện, các trung tâm y tế; cải tạo nâng cấp các bãi rác và hệ thống xử lý nước rỉ rác.

+ Giai đoạn 2026 - 2030: Từng bước hoàn thiện hệ thống thoát nước tại các đô thị chính: Thành phố Bến Tre và các thị trấn trên địa bàn các huyện: Ba Tri, Bình Đại, Mỏ Cày Nam, các đô thị còn lại, đảm bảo đến năm 2030 xử lý bình quân từ 25-30% lượng nước thải sinh hoạt đối với các đô thị, riêng thành phố Bến Tre đạt 40%.

+ Giai đoạn 2031 - 2050: Tăng khả năng xử lý nước thải sinh hoạt đô thị cho thành phố Bến Tre (50%), Ba Tri (40%), Thạnh Phú (30%), đồng thời tiếp tục xây dựng các khu, trạm xử lý nước thải tập trung cho các đô thị còn lại.

- Đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành các nhà máy XLNT đô thị tập trung:

+ Nhà máy XLNT thành phố Bến Tre (giai đoạn 2026 - 2030).

+ Nhà máy XLNT thị trấn Ba Tri (giai đoạn 2026 - 2030).

+ Nhà máy XLNT thị trấn Bình Đại (2026 - 2030).

+ Nhà máy XLNT thị trấn Mỏ Cày (2026 - 2030).

+ Nhà máy XLNT thị trấn Giồng Trôm (sau 2030).

+ Nhà máy XLNT thị trấn Chợ Lách (sau 2030).

+ Nhà máy XLNT thị trấn Thạnh Phú (sau 2030).

+ Với các đô thị phát triển mới, mỗi đô thị phải xây dựng công trình xử lý nước thải tập trung đảm bảo xử lý toàn bộ nước thải của đô thị (từ năm 2024 trở đi).

- Đầu tư nâng cấp hệ thống quan trắc môi trường nước mặt, trong đó chú trọng việc lắp đặt các trạm quan trắc tự động, liên tục chất lượng nước mặt tại các khu vực nhạy cảm; hoàn thành và vận hành chính thức thường xuyên, đảm bảo cung cấp thông tin độ mặn vào mùa khô và khai thác có hiệu quả các thông tin quan trắc môi trường từ hệ thống quan trắc, dự báo độ mặn và giám sát chất lượng nước tự động để phục vụ nhân dân và công tác quản lý nguồn nước mặt và thông tin xâm nhập mặn đến cộng đồng.

- Đến năm 2025 hoàn thành việc cắm mốc phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt theo Quyết định số 1973/QĐ-UBND ngày 11 tháng 9 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre và cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước mặt được xác định theo Quyết định số 1712/QĐ-UBND ngày 15 tháng 8 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh.

3. Kiểm soát chặt chẽ các nguồn gây ô nhiễm môi trường nước mặt

- Nâng cao chất lượng công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường, xác nhận đăng ký môi trường đối với các dự án đầu tư mới.

- Tăng cường công tác hậu kiểm sau khi cấp phép môi trường.

- Theo dõi, giám sát chặt chẽ việc kết nối và truyền dữ liệu quan trắc nước thải tự động, liên tục đối với các nguồn xả thải có lưu lượng lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao về Sở Tài nguyên và Môi trường để có biện pháp xử lý kịp thời khi phát hiện nước thải chưa xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường.

- Tăng cường kiểm tra đột xuất đối với các nguồn xả thải có nguy cơ gây ô nhiễm cao (các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, cơ sở sản xuất phân tán bên ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở y tế, trang trại chăn nuôi, cơ sở giết mổ gia súc gia cầm, cơ sở nuôi trồng thủy sản quy mô công nghiệp, bãi rác, bến cảng).

- Xử lý nước sinh hoạt đô thị, khu dân cư nông thôn: quan điểm, định hướng “giữ gìn phát triển các hệ sinh thái nước mặt phục vụ mục tiêu thoát nước, kết hợp xử lý nước thải, tạo cảnh quan, vui chơi giải trí và các hoạt động khác; có giải pháp thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt trên địa bàn nông thôn (tập trung, phi tập trung) phù hợp với đặc thù của các địa phương” theo Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 07 tháng 02 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc định hướng phát triển quy hoạch kiến trúc nông thôn Việt Nam, tạo bản sắc và giữ gìn kiến trúc truyền thống, Bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025 và Quyết định 925/QĐ-TTg năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ.

- Vận động, khuyến khích, hỗ trợ người dân áp dụng các giải pháp công nghệ thích hợp để xử lý nước thải sinh hoạt, nước thải chăn nuôi, nước thải nuôi trồng thủy sản quy mô hộ gia đình.

- Vận động, khuyến khích người dân áp dụng đúng các biện pháp kỹ thuật canh tác nông nghiệp theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; thu gom triệt để các bao bì vật tư nông nghiệp không để phát tán vào môi trường nước.

4. Hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý các nguồn nước mặt nội tỉnh

- Tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung của Kế hoạch số 4646/KH-UBND ngày 06 tháng 8 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Chương trình số 10- CTr/TU ngày 29 tháng 01 năm 2021 của Tỉnh ủy Bến Tre về quản lý, đảm bảo an ninh nguồn nước, nguồn cấp nước ngọt thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030:

+ Hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi, hệ thống đê biển, đê sông bảo vệ sản xuất và phòng chống thiên tai vùng ven biển Đông, chủ động kiểm soát xâm nhập mặn nhằm phát huy tối đa mặt lợi và giảm tối thiểu thiệt hại do tác động của biến đổi khí hậu; xây dựng các dự án, hệ thống công trình thủy lợi trong từng giai đoạn ngắn hạn, trung hạn và định hướng đến năm 2030 phù hợp với khả năng huy động nguồn vốn.

+ Nâng cao năng lực về cấp nước nước an toàn; thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn và xây dựng, cải tạo hệ thống cấp nước; ứng dụng công nghệ thông tin bảo đảm cấp nước an toàn; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất và cung cấp nước sạch theo phân cấp, đảm bảo tất cả các đơn vị cấp nước đều xây dựng và thực hiện hiệu quả kế hoạch cấp nước an toàn.

+ Đẩy mạnh triển khai các quy định của Trung ương về tài nguyên nước nhằm nâng cao hiệu lực về tài nguyên nước nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên nước và phòng chống sự suy thoái nguồn nước, đảm bảo việc quản lý khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước trên cơ sở phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và xâm nhập mặn.

- Tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung của Kế hoạch số 1719/KH-UBND ngày 27 tháng 3 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện Kết luận số 36-KL/TW của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đặc biệt là nhiệm vụ, giải pháp số 9 “Tăng cường bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn sinh thủy, phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước”:

+ Kiểm soát, giám sát chặt chẽ các nguồn thải, chất thải gây ô nhiễm ảnh hưởng đến nguồn nước, nhất là nước thải từ đô thị và khu công nghiệp; quản lý tổng hợp môi trường các nguồn cấp nước ngọt quan trọng trên địa bàn tỉnh; duy trì, bảo vệ và phát triển các vùng đất ngập nước quan trọng của tỉnh; tập trung xây dựng khu vực xử lý nước thải và rác thải tập trung; hoàn thành và vận hành hệ thống quan trắc dự báo xâm nhập mặn và chất lượng nước tự động, kịp thời thông tin, cảnh báo đến rộng rãi người dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý.

+ Triển khai lộ trình cấm sử dụng các loại hóa chất độc hại có khả năng gây ô nhiễm nguồn nước; quản lý chặt chẽ khai thác nước ngầm ở khu vực có nguy cơ xâm nhập mặn, sụt lún đất. Đẩy nhanh việc cải tạo, phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, ô nhiễm nghiêm trọng, bảo vệ nguồn nước. Bảo vệ và nâng cao chất lượng rừng, đặc biệt là rừng phòng hộ đầu nguồn; bảo vệ và phát triển bền vững nguồn sinh thủy, các hệ sinh thái ngập nước quan trọng.

+ Chủ động phòng ngừa, ngăn chặn không để xảy ra sự cố môi trường; giảm thiểu và xử lý hiệu quả ô nhiễm môi trường từ các hoạt động sản xuất, sinh hoạt; tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện và giải quyết kịp thời các vi phạm trong bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước.

- Xây dựng các sổ tay hướng dẫn về kỹ thuật và công nghệ xử lý nước thải đối với các nguồn thải phân tán, quy mô nhỏ (nước thải sinh hoạt, nước thải chăn nuôi, nước thải nuôi trồng thủy sản quy mô hộ gia đình).

- Xây dựng chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng các công trình xử lý nước thải quy mô hộ gia đình (nước thải sinh hoạt, nước thải chăn nuôi, nước thải nuôi trồng thủy sản quy mô hộ gia đình).

- Xây dựng các hương ước, quy ước về bảo vệ môi trường làng nghề, vùng nuôi trồng thủy sản tập trung.

- Tăng cường công tác thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp.

5. Đa dạng hóa nguồn lực đầu tư, đẩy mạnh xã hội hóa và huy động sự tham gia của cộng đồng

- Cân đối nguồn ngân sách và huy động các nguồn lực, lồng ghép vào các chương trình, kế hoạch trung hạn, ngắn hạn để đầu tư.

- Thực hiện đầu tư từ nguồn ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh, vốn ODA để đầu tư các công trình thủy lợi đầu mối, hồ chứa nước, đê biển; xã hội hóa theo phương thức nhà nước và nhân dân cùng làm đối với công trình thủy lợi nội đồng, các cống nhỏ.

- Ngân sách nhà nước, vốn ODA và nguồn xã hội hóa để đầu tư các nhà máy xử lý rác thải tập trung, đầu tư các nhà máy, trạm xử lý nước thải tập trung ở các khu đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề.

- Tích cực vận động để huy động nguồn lực, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, vốn sự nghiệp kinh tế và xã hội hóa cho việc bảo vệ, quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên nước.

6. Quan hệ hợp tác vùng và quốc tế

Mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế; tăng cường trao đổi và hợp tác kỹ thuật với các tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ; thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường; khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường.

Tiếp nhận sự hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và đào tạo trong hoạt động quản lý chất lượng nước mặt.

Chủ động phối hợp với các tỉnh, các quốc gia có chung nguồn nước nhằm bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, điều tiết dòng chảy, ngăn ngừa các tác hại đối với các nguồn nước liên tỉnh, liên quốc gia.

Tăng cường đầu tư tài lực và nhân lực cho hợp tác quốc tế về an ninh nguồn nước, tham gia phối hợp tích cực các hoạt động bảo vệ môi trường của các tổ chức quốc tế, bố trí kinh phí tham gia thực hiện các sáng kiến, sự kiện do Việt Nam chủ trì. Tiếp tục duy trì mối quan hệ hợp tác bền vững với các đối tác truyền thống và mở rộng hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế khác nhằm huy động nguồn lực quốc tế cho hoạt động bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường của địa phương.

Tăng cường xây dựng và thực hiện các chương trình, đề án, dự án về bảo vệ môi trường nước mặt trong khuôn khổ các thỏa thuận song phương, đa phương về môi trường quốc gia và khu vực.

IV. DỰ ÁN, NHIỆM VỤ ƯU TIÊN

Ban hành kèm theo Kế hoạch này Phụ lục IV. Các nhiệm vụ, dự án ưu tiên giai đoạn 2024 - 2025, định hướng đến năm 2030.

V. NGUỒN VỐN THỰC HIỆN KẾ HOẠCH

- Nguồn ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.

- Nguồn kinh phí lồng ghép trong các Chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình, kế hoạch, dự án khác có liên quan.

- Đầu tư, đóng góp, ủng hộ, tài trợ từ tổ chức, cá nhân.

- Nguồn tài chính khác theo quy định của pháp luật.

VI. GIÁM SÁT, BÁO CÁO VÀ ĐÁNH GIÁ THỰC HIỆN

1. Giám sát, báo cáo tiến độ triển khai và thực hiện Kế hoạch

- Tiến độ của kế hoạch được giám sát dựa trên các kết quả của các hoạt động, nhiệm vụ, dự án cụ thể trong kế hoạch và danh mục kèm theo.

- Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh giám sát, đánh giá việc triển khai, thực hiện các nhiệm vụ của các sở, ban, ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh; tổng hợp tình hình thực hiện báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh chậm nhất đến ngày 15 tháng 12 hàng năm.

2. Đánh giá thực hiện Kế hoạch

Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trước ngày 30 tháng 6 năm 2025 tổ chức tổng kết, đánh giá việc thực hiện kế hoạch kỳ trước, xây dựng, phê duyệt kế hoạch cho giai đoạn 2026 - 2030 để làm cơ sở đề xuất kế hoạch đầu tư công trung hạn.

VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Căn cứ Kế hoạch này, đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các Tổ chức chính trị - xã hội tỉnh; các sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Kế hoạch để triển khai thực hiện theo đúng mục đích, yêu cầu, mục tiêu đề ra.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Kế hoạch; định kỳ sơ kết, tổng kết, báo cáo và tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh các biện pháp điều chỉnh cần thiết để đảm bảo thực hiện đồng bộ và có hiệu quả Kế hoạch; kịp thời báo cáo và tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết những bất cập, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.

- Tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về khai thác sử dụng tài nguyên nước tiết kiệm, hiệu quả, an toàn gắn với việc bảo vệ, chống suy thoái nguồn nước; theo dõi, quản lý chặt chẽ việc khai thác sử dụng tài nguyên nước; thường xuyên kiểm tra việc thực hiện các nội dung cấp phép, yêu cầu bảo vệ môi trường đối với các dự án được cấp phép môi trường; giám sát các nguồn gây ô nhiễm môi trường nước; xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống quan trắc, giám sát tài nguyên nước, việc khai thác, sử dụng nước và xả nước thải vào nguồn nước gắn với việc chia sẻ thông tin cho các tổ chức, cá nhân và người dân; xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước và chất lượng môi trường nước mặt; chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm về hành lang bảo vệ nguồn nước, các hoạt động xả thải gây ô nhiễm nguồn nước cấp sinh hoạt; đảm bảo nước thải từ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các cơ sở phân tán phải xử lý đạt quy chuẩn môi trường trước khi xả thải.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch, định kỳ hàng năm (chậm nhất đến ngày 15 tháng 12 hàng năm) hoặc đột xuất (khi có yêu cầu) báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi, chỉ đạo.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, đẩy mạnh các hoạt động thông tin, truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về thủy lợi, phòng chống thiên tai, trồng trọt, lâm nghiệp, thủy sản, chăn nuôi, phát triển nông thôn. Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện xây dựng kế hoạch nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp phù hợp với khả năng tiếp nhận nguồn thải, sức chịu tải của các tuyến sông, rạch.

- Phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bến Tre quản lý, khai thác có hiệu quả, đồng bộ các công trình thủy lợi (cống, đập, kênh, rạch, đê, hồ chứa nước,…); rà soát, kiểm tra việc đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi.

- Huy động các nguồn lực trong nước và ngoài nước, các nguồn tài chính hợp pháp khác để đầu tư các công trình thủy lợi đầu mối, đê biển, các công trình cấp nước nông thôn, thủy lợi nội đồng, các cống nhỏ,...

- Đẩy mạnh việc triển khai các quy định về cấm sử dụng và lưu hành các hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật. Tăng cường áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, mô hình sản xuất thân thiện với môi trường, giúp giảm việc sử dụng hóa chất độc hại và giảm nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

- Nghiên cứu đầu tư công trình kiểm soát triều, xâm nhập mặn; thực hiện tốt công tác cấp nước sạch khu vực nông thôn đảm bảo cung cấp nước sạch cho người dân nông thôn thích ứng với biến đổi khí hậu; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các hoạt động cấp nước sạch nông thôn; hướng dẫn và nhân rộng mô hình trữ nước ngọt, sử dụng nước tiết kiệm hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.

4. Sở Xây dựng

Chủ trì phối hợp với các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố huy động các nguồn lực từng bước đầu tư nhà máy, trạm xử lý nước thải tập trung tại các khu đô thị và khu dân cư tập trung đạt theo quy chuẩn trước khi xả thải ra sông, rạch. Đồng thời, nghiên cứu cơ chế hiệu quả đảm bảo các hộ dân, công trình hiện hữu sẵn sàng đấu nối vào hệ thống thu gom nước thải nhằm đảm bảo lưu lượng vận hành cho các nhà máy, trạm xử lý nước thải tập trung.

5. Sở Thông tin và Truyền thông

Chỉ đạo cơ quan báo chí, truyền thông, hệ thống thông tin cơ sở tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về quản lý, bảo vệ an toàn các nguồn nước mặt để sử dụng lâu bền.

6. Sở Công Thương

- Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện các giải pháp kiểm soát nguồn thải từ các hoạt động công nghiệp, cụm công nghiệp.

- Phối hợp với các đơn vị có liên quan có phương án quy hoạch bố trí phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp phù hợp với đặc điểm khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải theo từng phân đoạn sông phù hợp trên vị trí đã xác định.

- Hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay của tỉnh, Trung ương để đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải tại các cơ sở (quan tâm đối với các chợ đầu mối và chợ truyền thống, các trung tâm thương mại).

- Tăng cường thanh tra, kiểm tra giám sát kế hoạch ứng phó sự cố hoá chất, việc thực hiện các quy định yêu cầu đối với việc sản xuất, nhập khẩu, sử dụng hóa chất nguy hiểm, độc hại.

7. Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh

Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan quản lý hoạt động xả thải của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp (được miễn trừ đấu nối) phù hợp với khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của sông rạch; đảm bảo các trạm xử lý nước thải tập trung xử lý đạt quy chuẩn môi trường xả thải theo giấy phép được cấp.

Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện có liên quan thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong khu công nghiệp; tổ chức thực hiện các giải pháp kiểm soát nguồn thải từ hoạt động trong các khu công nghiệp; xúc tiến các chủ đầu tư hạ tầng trong các khu công nghiệp, xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung.

8. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, tổng hợp các dự án đầu tư liên quan quản lý tài nguyên nước và bảo vệ môi trường các nguồn nước vào kế hoạch đầu tư công trung hạn của tỉnh, theo các giai đoạn trên cơ sở danh mục nhiệm vụ, dự án của sở, ngành và địa phương đề xuất để trình cấp có thẩm quyền theo đúng quy định của Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư công; chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở, ngành liên quan xúc tiến các chương trình, dự án ODA, NGO và các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư công trình thủy lợi, cấp nước, xử lý nước thải,...

9. Sở Tài chính

Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các sở, ngành, địa phương cân đối bố trí kinh phí chi thường xuyên hằng năm, vốn đầu tư từ Trung ương, ngân sách tỉnh và các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện các nhiệm vụ, dự án, hoạt động của Kế hoạch.

10. Sở Y tế

- Tăng cường phổ biến các quy định của Nhà nước và của ngành y tế cho các cơ sở y tế về công tác bảo vệ môi trường và thu gom, xử lý chất thải y tế. Chỉ đạo các cơ sở y tế thực hiện đúng quy định về quản lý chất thải y tế, ưu tiên bố trí cán bộ phụ trách về môi trường tại các bệnh viện, trung tâm y tế đảm bảo thực hiện tốt yêu cầu về sử dụng, vận hành hệ thống xử lý nước thải y tế đảm bảo yêu cầu trước khi thải ra môi trường.

- Quản lý chặt chẽ việc thu gom, xử lý chất thải y tế của các cơ sở y tế theo đúng quy định của Bộ Y tế. Chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tập trung triển khai các dự án xử lý nước thải và chất thải rắn phát sinh trong lĩnh vực y tế.

- Tiếp tục triển khai các dự án nâng cấp, sửa chữa, xây mới công trình thu gom, xử lý chất thải tại các bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế xã, phường trên địa bàn tỉnh.

11. Sở Giao thông vận tải

- Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường đánh giá mức độ bồi lắng các tuyến sông, kênh được giao quản lý, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh có kế hoạch nạo vét hoặc tham mưu văn bản gửi Cục Đường thủy nội địa - Bộ Giao thông vận tải để có kế hoạch nạo vét theo thẩm quyền.

- Phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện các giải pháp kiểm soát nguồn thải từ hoạt động giao thông, các bến tàu, bến cảng.

12. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện các giải pháp kiểm soát nguồn thải từ hoạt động kinh doanh, dịch vụ du lịch. Ưu tiên các dự án du lịch có giải pháp cụ thể giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

13. Sở Khoa học và Công nghệ

- Ưu tiên nghiên cứu các đề tài ứng dụng, giải pháp khoa học nhằm tăng cường khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của các tuyến sông, rạch; xử lý, tái sử dụng các nguồn thải đặc thù trên địa bàn tỉnh như nước thải nuôi tôm thâm canh, công nghệ cao, nước thải chế biến thủy sản.

- Chủ trì và phối hợp với sở, ngành chuyên môn tổ chức thẩm định hoặc có ý kiến về công nghệ các dự án đầu tư theo Luật Chuyển giao công nghệ.

14. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Phối hợp các sở, ngành triển khai thực hiện các nhiệm vụ phù hợp với mục tiêu, nội dung kế hoạch; thường xuyên thực hiện truyền thông nâng cao ý thức của Nhân dân địa phương.

- Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trên địa bàn huyện, thành phố kiểm tra, giám sát các hoạt động xả thải của các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn quản lý; giám sát tình hình bảo vệ môi trường đối với các tuyến sông, rạch trên địa bàn quản lý.

- Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện kiểm soát nguồn ô nhiễm, quản lý các nguồn thải trên địa bàn. Chủ động xác định mục tiêu, lộ trình giảm xả thải vào môi trường nước mặt không còn khả năng chịu tải trên địa bàn.

- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn kiểm soát các hoạt động dân sinh xả thải xuống các tuyến sông, kênh. Rà soát và có kế hoạch di dời, giải tỏa các cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ gia đình xây dựng công trình vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường thủy, lấn chiếm lòng sông, kênh rạch, cản trở lưu thông dòng nước.

- Đối với dự án đầu tư các khu đô thị, khu dân cư tập trung trên địa bàn quản lý phải yêu cầu chủ dự án phải bố trí đủ quỹ đất và đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt khu đô thị, khu dân cư trước khi bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý.

- Tăng cường kiểm tra việc xả nước thải vào nguồn nước mặt của các cơ sở sản xuất thuộc phạm vi quản lý, đặc biệt là các cơ sở thu mua thủy sản, chợ ven sông; kiểm soát, giám sát các hành vi đổ trộm chất thải xuống cống rãnh, sông, rạch.

- Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt trên địa bàn quản lý theo quy định; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo Kế hoạch nhằm quản lý chất lượng môi trường nước mặt trên sông, rạch nội tỉnh đảm bảo quy định hiện hành.

15. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh

Tham gia giám sát, phản biện xã hội các hoạt động, vấn đề chất lượng môi trường nước mặt của tỉnh; phối hợp tuyên truyền đến hội viên, đoàn viên và các tầng lớp Nhân dân nâng cao nhận thức, thực hiện bảo vệ chất lượng môi trường nước mặt trên địa bàn tỉnh.

16. Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bến Tre

Tổ chức đào tạo, bổ sung nguồn nhân lực, nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức, người lao động quản lý, vận hành hồ chứa nước, công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt.

Quản lý khai thác, cải tạo, sửa chữa nâng cấp các hệ thống công trình thủy lợi trong tỉnh, tổ chức thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch do Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre giao hàng năm đảm bảo yêu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nuôi trồng thủy sản và các nhiệm vụ bảo vệ môi trường.

Quản lý, vận hành hiệu quả các cống đập trên địa bàn tỉnh để đạt được mục tiêu ngăn mặn trữ nước ngọt mà không ảnh hưởng lớn đến lưu thông dòng chảy góp phần làm tăng khả năng tự làm sạch của nguồn nước.

17. Các tổ chức, cá nhân có liên quan

Tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường nước mặt, thực hiện các biện pháp bảo vệ an toàn các nguồn nước mặt, phòng, chống ô nhiễm nguồn nước mặt trên các sông, rạch theo quy định; chủ động cải thiện quy trình, công nghệ sản xuất phù hợp với xu thế phát triển, kiểm soát nguồn phát sinh ô nhiễm, quản lý chặt chẽ các nguồn thải trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh; xử lý nước thải đạt quy chuẩn môi trường cho phép trước khi xả nước thải ra nguồn tiếp nhận; thực hiện đầu tư, lắp đặt và vận hành hệ thống quan trắc tự động kết nối truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với đối tượng quy định theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ.

Căn cứ Kế hoạch này các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chủ động triển khai thực hiện; dự toán kinh phí từng nhiệm vụ theo quy định của pháp luật hiện hành, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, bố trí kinh phí theo quy định.

Trên đây là Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt tỉnh Bến Tre giai đoạn 2024 - 2025, định hướng đến năm 2030, Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các tổ chức, cá nhân có liên quan triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh;
- Chánh, các PCVP UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Phòng: KT, KGVX, TCÐT, NgV, TH;
- Cổng TTÐT tỉnh;
- Lưu: VT, NTH.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Minh Cảnh

 

PHỤ LỤC I

MỤC TIÊU CHẤT LƯỢNG NƯỚC MẶT CẦN ĐẠT ĐƯỢC TRONG GIAI ĐOẠN 2024-2025 VÀ SAU NĂM 2025 ĐỐI VỚI CÁC ĐOẠN SÔNG RẠCH NỘI TỈNH BẾN TRE
(Kèm theo Kế hoạch số 5689/KH-UBND ngày 30 tháng 8 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre)

STT

Đoạn sông

Mục đích sử dụng nước

Yêu cầu chất lượng nước cần đạt (1)

Ghi chú

Tên sông rạch/ tên đoạn

Tọa độ Điểm đầu

Tọa độ Điểm cuối

2024-2025

Sau 2025

1

Sông Cửa Đại từ xã Giao Long, huyện Châu Thành đến xã Vang Quới Tây, huyện Bình Đại

X:10°19'10,72" Y:106°25'28,96 "

X:10°13'40,85" Y:106°40'0,61"

Đảm bảo cấp nước sinh hoạt

Mức A

Mức A

 

2

Sông Cửa Đại từ xã Vang Quới Đông đến xã Định Trung, huyện Bình Đại

X:10°15'56,20" Y:106°32'23,08 "

X:10°13'40,85" Y:106°40'0,61"

Các mục đích khác ngoài cấp nước cho sinh hoạt

Mức B

Mức B

 

3

Sông Cửa Đại từ xã Bình Thới đến xã Thừa Đức, huyện Bình Đại

X:10°13'40,85" Y:106°40'0,61"

X:10°11'14,72" Y:106°46'9,60"

Các mục đích khác ngoài cấp nước cho sinh hoạt

Mức B

Mức B

 

4

Sông Hàm Luông đoạn từ ngã 3 Sông Tiền - Hàm Luông (xã Tân Phú, huyện Châu Thành - xã Thanh Tân, Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày Bắc) đến xã Minh Đức huyện Mỏ Cày Nam

X:10°16'37,60" Y:106°8'35,51"

X:10°4'1,68" Y:106°28'57,9"

Đảm bảo cấp nước sinh hoạt

Mức A

Mức A

 

5

Sông Hàm Luông từ xã An Ngãi Tây đến xã An Thủy, huyện Ba Tri

X:10°4'1,68" Y:106°28'57,99 "

X:9°57'32,68" Y:106°37'50,82 "

Các mục đích khác ngoài cấp nước cho sinh hoạt

Mức B

Mức B

 

6

Sông Lân (huyện Chợ Lách, huyện Mỏ Cày Bắc)

X: 10°12'39" Y: 106°14'18"

X: 10°14'21" Y: 106°13'26"

Đảm bảo cấp nước sinh hoạt

Mức A

Mức A

 

7

Sông Ba Lai từ xã Tân Phú đến Cống đập Ba Lai (vùng trong cống)

X: 10°18'3,16"

Y:106°11'22,30 "

X: 10°8'45,34" Y:106°38'1,74"

Đảm bảo cấp nước sinh hoạt

Mức A

Mức A

 

8

Sông Ba Lai từ Cống đập Ba Lai đến cửa Ba Lai

X: 10°8'45,34" Y:106°38'1,74"

X: 10°2'12,03" Y:106°41'10,19 "

Các mục đích khác ngoài cấp nước cho sinh hoạt

Mức B

Mức B

 

9

Sông Bến Tre đoạn qua trung tâm Tp. Bến Tre

X: 10°13'16"

Y: 106°21'02"

X: 10°13'43"

Y: 106°24'41"

Đảm bảo cấp nước sinh hoạt

Mức A

Mức A

 

10

Sông Bến Tre đoạn qua xã Phú Hưng đến kênh Chẹt Sậy - An Hóa

X: 10°13'42"

Y: 106°24'46"

X: 10°17'47"

Y: 106°26'49"

Đảm bảo cấp nước sinh hoạt

Mức A

Mức A

 

11

Sông Giồng Trôm tại TT. Giồng Trôm và xã Bình Hòa

X: 10°10'07"

Y: 106°28'35"

X: 10°09'28"

Y: 106°30'01"

Đảm bảo cấp nước sinh hoạt

Mức A

Mức A

 

12

Sông Giồng Trôm đoạn qua các xã Mỹ Thạnh, Lương Hòa, Lương Quới - H. Giồng Trôm

X: 10°13'42"

Y: 106°24'46"

X: 10°10'07"

Y: 106°28'35"

Đảm bảo cấp nước sinh hoạt

Mức A

Mức A

 

13

Sông Hương Điểm từ xã Lương Phú đến xã Tân Hào, huyện Giồng Trôm

X: 10°11'3,60"

Y:106°26'52,28 "

X: 10°6'29,51"

Y:106°28'57,30 "

Đảm bảo cấp nước sinh hoạt

Mức A

Mức A

 

14

Sông Hương Điểm từ xã Hưng Nhượng đến xã Hưng Lễ, huyện Giồng Trôm

X: 10°6'29,51"

Y:106°28'57,30 "

X: 10°4'5,92"

Y:106°27'19,06 "

Đảm bảo cấp nước sinh hoạt

Mức A

Mức A

 

15

Rạch Vàm Nước Trong (huyện Mỏ Cày Bắc)

X: 10°09'57"

Y: 106°19'55"

X: 10°10'33"

Y: 106°21'23"

Đảm bảo cấp nước sinh hoạt

Mức A

Mức A

 

16

Rạch Cái Quao (huyện Mỏ Cày Nam)

X: 10°05'18"

Y: 106°22'36"

X: 10°06'42"

Y: 106°23'39"

Đảm bảo cấp nước sinh hoạt

Mức A

Mức A

 

17

Rạch An Bình (huyện Mỏ Cày Nam)

X: 10°08'03"

Y: 106°20'05"

X: 10°05'19"

Y: 106°22'33"

Đảm bảo cấp nước sinh hoạt

Mức A

Mức A

 

18

Sông Thom từ TT. Mỏ Cày đến xã An Thạnh - H. Mỏ Cày Nam

X: 10°08'07"

Y: 106°20'01"

X: 10°05'56"

Y: 106°17'02"

Đảm bảo cấp nước sinh hoạt

Mức A

Mức A

 

19

Sông Thom đoạn qua xã Thành Thới B - H. Mỏ Cày Nam đổ ra sông Cổ Chiên

X: 10°05'56"

Y: 106°17'02"

X: 10°04'40"

Y: 106°16'36"

Đảm bảo cấp nước sinh hoạt

Mức A

Mức A

 

20

Sông Băng Cung từ ngã 3 sông Hàm Luông - Băng Cung (xã Mỹ An) đến TT.Thạnh Phú, huyện Thạnh Phú

X: 10°0'49,37"

Y: 106°29'6,90"

X: 9°58'13,71"

Y:106°31'28,15 "

Các mục đích khác ngoài cấp nước cho sinh hoạt

Mức B

Mức B

 

21

Sông Băng Cung từ xã An Thạnh đến ngã 3 sông Hàm Luông - Băng Cung (xã An Điền), huyện Thạnh Phú

X: 9°58'13,71"

Y:106°31'28,15 "

X: 9°58'24,48"

Y:106°34'39,31 "

Các mục đích khác ngoài cấp nước cho sinh hoạt

Mức B

Mức B

 

22

Rạch Mương Đào (huyện Ba Tri)

X: 10°02'33"

Y: 106°34'41"

X: 10°00'35"

Y: 106°33'13"

Các mục đích khác ngoài cấp nước cho sinh hoạt

Mức B

Mức B

 

23

Rạch Ba Tri (huyện Ba Tri)

X: 10°02'23"

Y: 106°35'33"

X: 10°00'08"

Y: 106°33'57"

Các mục đích khác ngoài cấp nước cho sinh hoạt

Mức B

Mức B

 

24

Rạch Cừ (huyện Thạnh Phú)

X: 09°57'34"

Y: 106°33'32"

X: 09°58'30"

Y: 106°34'35"

Các mục đích khác ngoài cấp nước cho sinh hoạt

Mức B

Mức B

 

25

Sông Vũng Luông (huyện Bình Đại)

X: 10°07'44"

Y: 106°43'56"

X: 10°03'37"

Y: 106°41'52"

Các mục đích khác ngoài cấp nước cho sinh hoạt

Mức B

Mức B

 

26

Sông Cống Bể (huyện Bình Đại)

X: 10°08'22"

Y: 106°45'06"

X: 10°07'50"

Y: 106°47'03"

Các mục đích khác ngoài cấp nước cho sinh hoạt

Mức B

Mức B

 

27

Sông An Hoá (huyện Châu Thành, huyện Bình Đại)

X: 10°17'48"

Y: 106°26'51"

X: 10°13'39"

Y: 106°24'54"

Đảm bảo cấp nước sinh hoạt

Mức A

Mức A

 

28

Sông Cái Cấm (huyện Mỏ Cày Bắc)

X: 10°15'9.39"

Y: 106°16'0.54"

X: 10°11'50.60"

Y: 106°21'2.88"

Đảm bảo cấp nước sinh hoạt

Mức A

Mức A

 

29

Rạch Eo Lói (huyện Thạnh Phú)

X: 09°54'58"

Y: 106°35'56"

X: 09°50'38"

Y: 106°34'20"

Các mục đích khác ngoài cấp nước cho sinh hoạt

Mức B

Mức B

 

30

Rạch Khém Thuyền (huyện Thạnh Phú)

X: 09°52'02"

Y: 106°36'54"

X: 09°50'08"

Y: 106°34'44"

Các mục đích khác ngoài cấp nước cho sinh hoạt

Mức B

Mức B

 

31

Sông Cái Mơn (huyện Chợ Lách)

X: 10°10'05"

Y: 106°12'18"

X: 10°14'17"

Y: 106°13'32"

Đảm bảo cấp nước sinh hoạt

Mức A

Mức A

 

32

Rạch Cầu Mới (huyện Chợ Lách)

X: 10°14'39"

Y: 106°11'08"

X: 10°12'15"

Y: 106°09'50"

Đảm bảo cấp nước sinh hoạt

Mức A

Mức A

 

33

Rạch Chợ Lách (huyện Chợ Lách)

X: 10°16'43"

Y: 106°07'32"

X: 10°13'28"

Y: 106°08'52"

Đảm bảo cấp nước sinh hoạt

Mức A

Mức A

 

34

Rạch Thủ Cửu (huyện Giồng Trôm)

X: 10° 9'54.00"

Y: 106°25'2.67"

X: 10° 8'14.90"

Y: 106°24'15.16"

Đảm bảo cấp nước sinh hoạt

Mức A

Mức A

 

35

Rạch Bến Giang (huyện Thạnh Phú)

X: 09°55'10"

Y: 106°29'52"

X: 09°55'43"

Y: 106°30'52"

Các mục đích khác ngoài cấp nước cho sinh hoạt

Mức B

Mức B

 

36

Rạch Mương Điều (huyện Mỏ Cày Nam)

X: 10°06'15"

Y: 106°21'32"

X: 10°04'50"

Y: 106°20'15"

Đảm bảo cấp nước sinh hoạt

Mức A

Mức A

 

37

Rạch Cầu Sập (huyện Mỏ Cày Nam)

X: 10°05'12"

Y: 106°19'38"

X: 10°05'03"

Y: 106°20'08"

Đảm bảo cấp nước sinh hoạt

Mức A

Mức A

 

38

Rạch Cả Ráng Sâu (huyện Thạnh Phú)

X: 10°06'15"

Y: 106°22'13"

X: 10°14'57"

Y: 106°21'46"

Các mục đích khác ngoài cấp nước cho sinh hoạt

Mức B

Mức B

 

39

Sông Cái Hàng (huyện Chợ Lách, huyện Mỏ Cày Bắc)

X: 10°09'46"

Y: 106°17'10"

X: 10°09'21"

Y: 106°16'38"

Đảm bảo cấp nước sinh hoạt

Mức A

Mức A

 

40

Rạch Cửa Hải (huyện Thạnh Phú)

X: 09°54'37"

Y: 106°35'03"

X: 09°54'34"

Y: 106°33'32"

Các mục đích khác ngoài cấp nước cho sinh hoạt

Mức B

Mức B

 

Ghi chú (1): Mục tiêu chất lượng nước sông theo Mức phân loại chất lượng nước A hoặc B theo QCVN 08:2023/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt.

 

PHỤ LỤC II

TỔNG HỢP TẢI LƯỢNG Ô NHIỄM CẦN GIẢM ĐỐI VỚI TỪNG THÔNG SỐ Ô NHIỄM
(Kèm theo Kế hoạch số 5689/KH-UBND ngày 30 tháng 8 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre)

STT

Sông, kênh, rạch

Đoạn sông

Tải lượng ô nhiễm cần cắt giảm, G (kg/ngày)

BOD5

COD

TSS

Amoni

Tổng N

Tổng P

1

Sông Cửa Đại

Từ xã Giao Long, huyện Châu Thành đến xã Vang Quới Tây, huyện Bình Đại

25.882

1.473.007

8.281.794

0

0

0

Từ xã Vang Quới Đông đến xã Định Trung, huyện Bình Đại

0

49.555

0

0

0

0

Từ xã Bình Thới đến xã Thừa Đức, huyện Bình Đại

0

21.615

0

0

0

0

2

Sông Hàm Luông

Từ ngã 3 sông Tiền - Hàm Luông (xã Tân Phú, huyện Châu Thành) đến xã Phú Sơn huyện Chợ Lách

57.897

384.716

2.260.571

0

0

0

Từ xã Phú Mỹ huyện Mỏ Cày Bắc đến xã Phú Nhuận, thành phố Bến Tre

453.51 4

725.349

1.799.892

0

0

0

Từ xã Sơn Phú đến xã Hưng Lễ, huyện Giồng Trôm

281.53 7

569.285

1.460.29 4

0

0

0

Từ xã Tân Thanh Bình, huyện Mỏ Cày Bắc đến xã Minh Đức, huyện Mỏ Cày Nam

0

474.951

1.242.64 5

0

0

0

Từ xã An Ngãi Tây đến xã An Thủy, huyện Ba Tri

0

0

0

0

0

0

3

Sông Lân

Toàn tuyến sông

2.872

7.929

52.651

0

0

0

4

Sông Ba Lai

Từ xã Tân Phú đến xã Phú An Hóa, huyện Châu Thành

0

27.741

230.214

0

0

0

Từ xã An Phước huyện Châu Thành đến xã Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm

7.931

81.070

293.810

0

6.600

0

Từ xã Phong Nẫm đến xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm

28.210

153.798

612.613

0

16.162

0

Từ xã Tân Mỹ - H. Ba Tri đến Cống đập Ba Lai (vùng trong cống)

0

280.718

1.025.26 2

0

0

0

Từ Cống đập Ba Lai đến cửa Ba Lai

0

69.572

0

0

0

0

5

Sông Bến Tre

Đoạn qua trung tâm TP. Bến Tre

4.254

9.883

13.750

0

4.213

0

Đoạn qua xã Phú Hưng đến kênh Chẹt Sậy - An Hóa

68

4.151

15.902

0

0

0

6

Sông Giồng Trôm

Các sông rạch chi lưu của sông Giồng Trôm tại TT. Giồng Trôm và xã Bình Hòa

1.407

4.641

6.630

0

1.841

53

Đoạn qua các xã Mỹ Thạnh, Lương Hòa,

0

10.519

16.755

0

1.200

0

Lương Quới - H. Giồng Trôm

 

 

 

 

 

 

7

Sông Hương Điểm

Từ xã Lương Phú đến xã Tân Hào, huyện Giồng Trôm

1.635

2.917

4.771

0

2.847

74

Từ xã Hưng Nhượng đến xã Hưng Lễ, huyện Giồng Trôm

461

2.480

6.010

0

1.950

0

8

Rạch Vàm Nước Trong

Từ TT. Mỏ Cày đến xã An Thạnh - H. Mỏ Cày Nam

1.652

8.674

27.572

0

0

0

9

Rạch Cái Quao

Đoạn qua xã Thành Thới B - H. Mỏ Cày Nam đổ ra sông Cổ Chiên

7.970

15.870

39.877

0

4.370

64

10

Rạch An Bình

Từ TT. Mỏ Cày đến xã An Thạnh - H. Mỏ Cày Nam

16.491

37.909

121.722

502

26.494

390

11

Sông Thom

Đoạn qua xã Thành Thới B - H. Mỏ Cày Nam đổ ra sông Cổ Chiên

1.230

2.567

10.565

44

2.505

25

Từ TT. Mỏ Cày đến xã An Thạnh - H. Mỏ Cày Nam

145

870

6.219

10

118

0

14

Rạch Ba Tri

Toàn tuyến rạch

0

0

0

0

2

0

18

Sông An Hóa

Toàn tuyến rạch

786

0

0

0

526

0

19

Sông Cái Cấm

Toàn tuyến sông

0

0

0

0

2.835

0

20

Rạch Eo Lói

Toàn tuyến rạch

118.663

3.878

0

2.130

39.775

923

21

Rạch Khém Thuyền

Toàn tuyến rạch

0

0

0

0

0

0

22

Sông Cái Mơn

Toàn tuyến sông

0

6.754

0

0

0

0

23

Rạch Cầu Mới

Toàn tuyến rạch

0

0

0

0

117

0

24

Rạch Chợ Lách

Toàn tuyến rạch

1.134

108.052

481.554

0

0

0

25

Rạch Thủ Cửu

Toàn tuyến rạch

14.532

34.426

83.646

0

0

0

26

Rạch Bến Giang

Toàn tuyến rạch

0

0

0

0

10.387

0

27

Rạch Mương Điều

Toàn tuyến rạch

0

0

0

0

26.256

0

28

Rạch Cầu Sập

Toàn tuyến rạch

1.602

4.285

46.927

0

2.277

0

29

Rạch Cả Ráng Sâu

Toàn tuyến rạch

5.037

5.399

33.321

0

2.441

0

30

Sông Cái Hàng

Toàn tuyến sông

1.389

10.206

55.109

0

1.334

0

 

PHỤ LỤC III

LỘ TRÌNH GIẢM XẢ THẢI VÀO CÁC ĐOẠN SÔNG RẠCH KHÔNG CÒN KHẢ NĂNG TIẾP NHẬN
(Kèm theo Kế hoạch số 5689/KH-UBND ngày 30 tháng 8 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre)

STT

Sông, kênh, rạch

Đoạn sông

Giai đoạn

2024-2025

2026-2030

1

Sông Cửa Đại

Từ xã Giao Long, huyện Châu Thành đến xã Vang Qưới Tây, huyện Bình Đại

- Kiểm soát các nguồn thải mới: Xử lý đạt QCVN về nước thải tương ứng với loại hình xả thải

- Giảm 20% tải lượng cần giảm thải, trọng tâm giảm xả thải từ nguồn thải nuôi trồng thủy sản

- Kiểm soát các nguồn thải mới: Xử lý đạt QCVN về nước thải tương ứng với loại hình xả thải

- Giảm 80% tải lượng cần giảm thải, trọng tâm giảm xả thải từ nguồn thải NTTS, sinh hoạt và công nghiệp

Từ xã Vang Quới Đông đến xã Định Trung, huyện Bình Đại

- Kiểm soát các nguồn thải mới: Xử lý đạt QCVN về nước thải tương ứng với loại hình xả thải

- Giảm 20% tải lượng cần giảm thải, trọng tâm giảm xả thải từ nguồn thải nuôi trồng thủy sản

- Kiểm soát các nguồn thải mới: Xử lý đạt QCVN về nước thải tương ứng với loại hình xả thải

- Giảm 80% tải lượng cần giảm thải, trọng tâm giảm xả thải từ nguồn thải NTTS, sinh hoạt

Từ xã Bình Thới đến xã Thừa Đức, huyện Bình Đại

- Kiểm soát các nguồn thải mới: Xử lý đạt QCVN về nước thải tương ứng với loại hình xả thải

- Giảm 20% tải lượng cần giảm thải, trọng tâm giảm xả thải từ nguồn thải nuôi trồng thủy sản

- Kiểm soát các nguồn thải mới: Xử lý đạt QCVN về nước thải tương ứng với loại hình xả thải

- Giảm 80% tải lượng cần giảm thải, trọng tâm giảm xả thải từ nguồn thải NTTS, sinh hoạt

2

Sông Hàm Luông

Từ ngã 3 sông Tiền - Hàm Luông (xã Tân Phú, huyện Châu Thành) đến xã Phú Sơn huyện Chợ Lách

- Kiểm soát các nguồn thải mới: Xử lý đạt QCVN về nước thải tương ứng với loại hình xả thải

- Giảm 20% tải lượng cần giảm thải, trọng tâm giảm xả thải từ nguồn thải NTTS, nông nghiệp

- Kiểm soát các nguồn thải mới: Xử lý đạt QCVN về nước thải tương ứng với loại hình xả thải

- Giảm 80% tải lượng cần giảm thải, trọng tâm giảm xả thải từ nguồn thải NTTS, nông nghiệp và sinh hoạt

Từ xã Phú Mỹ huyện Mỏ Cày Bắc đến xã Phú Nhuận, thành phố Bến Tre

- Kiểm soát các nguồn thải mới xử lý đạt QCVN về nước thải tương ứng với loại hình xả thải

- Giảm 20% tải lượng cần giảm thải, trọng tâm giảm xả thải từ nguồn thải nông nghiệp, công nghiệp

- Kiểm soát các nguồn thải mới xử lý đạt QCVN về nước thải tương ứng với loại hình xả thải

- Giảm 80% tải lượng cần giảm thải, trọng tâm giảm xả thải từ nguồn thải nông nghiệp, sinh hoạt và công nghiệp

Từ xã Sơn Phú đến xã Hưng Lễ, huyện Giồng Trôm

- Kiểm soát các nguồn thải mới xử lý đạt QCVN về nước thải tương ứng với loại hình xả thải

- Giảm 20% tải lượng cần giảm thải, trọng tâm giảm xả thải từ nguồn thải nông nghiệp, chăn nuôi

- Kiểm soát các nguồn thải mới xử lý đạt QCVN về nước thải tương ứng với loại hình xả thải

- Giảm 80% tải lượng cần giảm thải, trọng tâm giảm xả thải từ nguồn thải nông nghiệp, sinh hoạt và công nghiệp

Từ xã Tân Thanh Bình, huyện Mỏ Cày Bắc đến xã Minh Đức, huyện Mỏ Cày Nam

- Kiểm soát các nguồn thải mới xử lý đạt QCVN về nước thải tương ứng với loại hình xả thải

- Giảm 20% tải lượng cần giảm thải, trọng tâm giảm xả thải từ nguồn thải nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi

- Kiểm soát các nguồn thải mới xử lý đạt QCVN về nước thải tương ứng với loại hình xả thải

- Giảm 80% tải lượng cần giảm thải, trọng tâm giảm xả thải từ nguồn thải nuôi trồng thủy sản, sinh hoạt và công nghiệp

Từ xã An Ngãi Tây đến xã An Thủy, huyện Ba Tri

- Kiểm soát các nguồn thải mới xử lý đạt QCVN về nước thải tương ứng với loại hình xả thải

- Giảm 20% tải lượng cần giảm thải, trọng tâm giảm xả thải từ nguồn thải nuôi trồng thủy sản, công nghiệp

- Kiểm soát các nguồn thải mới xử lý đạt QCVN về nước thải tương ứng với loại hình xả thải

- Giảm 80% tải lượng cần giảm thải, trọng tâm giảm xả thải từ nguồn thải nuôi trồng thủy sản, công nghiệp

3

Sông Lân

Toàn tuyến sông

- Kiểm soát các nguồn thải mới xử lý đạt QCVN về nước thải tương ứng với loại hình xả thải

- Giảm 20% tải lượng cần giảm thải, trọng tâm giảm xả thải từ nguồn thải nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi

- Kiểm soát các nguồn thải mới xử lý đạt QCVN về nước thải tương ứng với loại hình xả thải

- Giảm 80% tải lượng cần giảm thải, trọng tâm giảm xả thải từ nguồn thải nuôi trồng thủy sản, sinh hoạt và công nghiệp

4

Sông Ba Lai

Từ xã Tân Phú đến xã Phú An Hóa, huyện Châu Thành

- Kiểm soát các nguồn thải mới xử lý đạt QCVN về nước thải tương ứng với loại hình xả thải, hạn chế cấp giấy phép đối với nguồn xả thải mới.

- Giảm 20% tải lượng cần giảm thải, trọng tâm giảm xả thải từ nguồn thải nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi

- Kiểm soát các nguồn thải mới xử lý đạt QCVN về nước thải tương ứng với loại hình xả thải, hạn chế cấp giấy phép đối với nguồn xả thải mới.

- Giảm 80% tải lượng cần giảm thải, trọng tâm giảm xả thải từ nguồn thải nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp, sinh hoạt và công nghiệp

Từ xã An Phước huyện Châu Thành đến xã Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm

- Kiểm soát các nguồn thải mới xử lý đạt QCVN về nước thải tương ứng với loại hình xả thải, hạn chế cấp giấy phép đối với nguồn xả thải mới.

- Giảm 20% tải lượng cần giảm thải, trọng tâm giảm xả thải từ nguồn thải nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi

- Kiểm soát các nguồn thải mới xử lý đạt QCVN về nước thải tương ứng với loại hình xả thải, hạn chế cấp giấy phép đối với nguồn xả thải mới.

- Giảm 80% tải lượng cần giảm thải, trọng tâm giảm xả thải từ nguồn thải nuôi trồng thủy sản, sinh hoạt, nông nghiệp và công nghiệp

Từ xã Phong Nẫm đến xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm

- Kiểm soát các nguồn thải mới xử lý đạt QCVN về nước thải tương ứng với loại hình xả thải, hạn chế cấp giấy phép đối với nguồn xả thải mới.

- Giảm 20% tải lượng cần giảm thải, trọng tâm giảm xả thải từ nguồn thải nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi

- Kiểm soát các nguồn thải mới xử lý đạt QCVN về nước thải tương ứng với loại hình xả thải, hạn chế cấp giấy phép đối với nguồn xả thải mới.

- Giảm 80% tải lượng cần giảm thải, trọng tâm giảm xả thải từ nguồn thải nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp, sinh hoạt và công nghiệp

Từ xã Tân Mỹ - H. Ba Tri đến Cống đập Ba Lai (vùng trong cống)

 

- Kiểm soát các nguồn thải mới xử lý đạt QCVN về nước thải tương ứng với loại hình xả thải, hạn chế cấp giấy phép đối với nguồn xả thải mới.

- Giảm 20% tải lượng cần giảm thải, trọng tâm giảm xả thải từ nguồn thải nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi

- Kiểm soát các nguồn thải mới xử lý đạt QCVN về nước thải tương ứng với loại hình xả thải, hạn chế cấp giấy phép đối với nguồn xả thải mới.

- Giảm 80% tải lượng cần giảm thải, trọng tâm giảm xả thải từ nguồn thải nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp, sinh hoạt và công nghiệp

Từ Cống đập Ba Lai đến cửa Ba Lai

- Kiểm soát các nguồn thải mới xử lý đạt QCVN về nước thải tương ứng với loại hình xả thải

- Giảm 20% tải lượng cần giảm thải, trọng tâm giảm xả thải từ nguồn nuôi trồng thủy thải từ nguồn nuôi trồng thủy sản

- Kiểm soát các nguồn thải mới xử lý đạt QCVN về nước thải tương ứng với loại hình xả thải

- Giảm 80% tải lượng cần giảm thải, trọng tâm giảm xả thải từ nguồn nuôi trồng thủy thải từ nguồn nuôi trồng thủy sản

5

Sông Bến Tre

Đoạn qua trung tâm TP. Bến Tre

- Kiểm soát các nguồn thải mới xử lý đạt QCVN về nước thải tương ứng với loại hình xả thải

- Giảm 20% tải lượng cần giảm thải, trọng tâm giảm xả thải từ nguồn thải sinh hoạt và công nghiệp

- Kiểm soát các nguồn thải mới xử lý đạt QCVN về nước thải tương ứng với loại hình xả thải

- Giảm 80% tải lượng cần giảm thải, trọng tâm giảm xả thải từ nguồn thải sinh hoạt và công nghiệp

Đoạn qua xã Phú Hưng đến kênh Chẹt Sậy - An Hóa

- Kiểm soát các nguồn thải mới xử lý đạt QCVN về nước thải tương ứng với loại hình xả thải

- Giảm 20% tải lượng cần giảm thải, trọng tâm giảm xả thải từ nguồn nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt

- Kiểm soát các nguồn thải mới xử lý đạt QCVN về nước thải tương ứng với loại hình xả thải

- Giảm 80% tải lượng cần giảm thải, trọng tâm giảm xả thải từ nguồn nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt

6

Sông Giồng Trôm

Các sông rạch chi lưu của sông Giồng Trôm tại TT. Giồng Trôm và xã Bình Hòa

- Kiểm soát các nguồn thải mới xử lý đạt QCVN về nước thải tương ứng với loại hình xả thải

- Giảm 20% tải lượng cần giảm thải, trọng tâm giảm xả thải từ nguồn nông nghiệp và sinh hoạt

- Kiểm soát các nguồn thải mới xử lý đạt QCVN về nước thải tương ứng với loại hình xả thải

- Giảm 80% tải lượng cần giảm thải, trọng tâm giảm xả thải từ nguồn nông nghiệp và sinh hoạt

Đoạn qua các xã Mỹ Thạnh, Lương Hòa, Lương Quới - H. Giồng Trôm

- Kiểm soát các nguồn thải mới xử lý đạt QCVN về nước thải tương ứng với loại hình xả thải

- Giảm 20% tải lượng cần giảm thải, trọng tâm giảm xả thải từ nguồn nông nghiệp và sinh hoạt

- Kiểm soát các nguồn thải mới xử lý đạt QCVN về nước thải tương ứng với loại hình xả thải

- Giảm 80% tải lượng cần giảm thải, trọng tâm giảm xả thải từ nguồn nông nghiệp và sinh hoạt

7

Sông Hương Điểm

Từ xã Lương Phú đến xã Tân Hào, huyện Giồng Trôm

- Kiểm soát các nguồn thải mới xử lý đạt QCVN về nước thải tương ứng với loại hình xả thải

- Giảm 20% tải lượng cần giảm thải, trọng tâm giảm xả thải từ nguồn nông nghiệp và sinh hoạt

- Kiểm soát các nguồn thải mới xử lý đạt QCVN về nước thải tương ứng với loại hình xả thải

- Giảm 80% tải lượng cần giảm thải, trọng tâm giảm xả thải từ nguồn nông nghiệp và sinh hoạt

Từ xã Hưng Nhượng đến xã Hưng Lễ, huyện Giồng Trôm

- Kiểm soát các nguồn thải mới xử lý đạt QCVN về nước thải tương ứng với loại hình xả thải

- Giảm 20% tải lượng cần giảm thải, trọng tâm giảm xả thải từ nguồn nông nghiệp và sinh hoạt

- Kiểm soát các nguồn thải mới xử lý đạt QCVN về nước thải tương ứng với loại hình xả thải

- Giảm 80% tải lượng cần giảm thải, trọng tâm giảm xả thải từ nguồn nông nghiệp và sinh hoạt

8

Rạch Vàm Nước Trong

Từ TT. Mỏ Cày đến xã An Thạnh - H. Mỏ Cày Nam

- Kiểm soát các nguồn thải mới xử lý đạt QCVN về nước thải tương ứng với loại hình xả thải

- Giảm 20% tải lượng cần giảm thải, trọng tâm giảm xả thải từ nguồn nông nghiệp và sinh hoạt

- Kiểm soát các nguồn thải mới xử lý đạt QCVN về nước thải tương ứng với loại hình xả thải

- Giảm 80% tải lượng cần giảm thải, trọng tâm giảm xả thải từ nguồn nông nghiệp và sinh hoạt

9

Rạch Cái Quao

Đoạn qua xã Thành Thói B-H. Mỏ Cày Nam đổ ra sông cổ Chiến

- Kiểm soát các nguồn thải mới xử lý đạt QCVN về nước thải tương ứng với loại hình xả thải

- Giảm 20% tải lượng cần giảm thải, trọng tâm giảm xả thải từ nguồn nông nghiệp và sinh hoạt

- Kiểm soát các nguồn thải mới xử lý đạt QCVN về nước thải tương ứng với loại hình xả thải

- Giảm 80% tải lượng cần giảm thải, trọng tâm giảm xả thải từ nguồn nông nghiệp và sinh hoạt

10

Rạch An Bình

Từ TT. Mỏ Cày đến xã An Thạnh - H. Mỏ Cày Nam

- Kiểm soát các nguồn thải mới xử lý đạt QCVN về nước thải tương ứng với loại hình xả thải

- Giảm 20% tải lượng cần giảm thải, trọng tâm giảm xả thải từ nguồn nông nghiệp và sinh hoạt

- Kiểm soát các nguồn thải mới xử lý đạt QCVN về nước thải tương ứng với loại hình xả thải

- Giảm 80% tải lượng cần giảm thải, trọng tâm giảm xả thải từ nguồn nông nghiệp và sinh hoạt

11

Sông Thom

Đoạn qua xã Thành Thói B - H. Mỏ Cày Nam đổ ra sông cổ Chiến

- Kiểm soát các nguồn thải mới xử lý đạt QCVN về nước thải tương ứng với loại hình xả thải

- Giảm 20% tải lượng cần giảm thải, trọng tâm giảm xả thải từ nguồn sinh hoạt và công nghiệp

- Kiểm soát các nguồn thải mới xử lý đạt QCVN về nước thải tương ứng với loại hình xả thải

- Giảm 80% tải lượng cần giảm thải, trọng tâm giảm xả thải từ nguồn sinh hoạt và công nghiệp

Từ TT. Mỏ Cày đến xã An Thạnh - H. Mỏ Cày Nam

- Kiểm soát các nguồn thải mới xử lý đạt QCVN về nước thải tương ứng với loại hình xả thải

- Giảm 20% tải lượng cần giảm thải, trọng tâm giảm xả thải từ nguồn nông nghiệp và chăn nuôi

- Kiểm soát các nguồn thải mới xử lý đạt QCVN về nước thải tương ứng với loại hình xả thải

- Giảm 80% tải lượng cần giảm thải, trọng tâm giảm xả thải từ nguồn nông nghiệp và chăn nuôi

12

Rạch Ba Tri

Toàn tuyến rạch

- Kiểm soát các nguồn thải mới xử lý đạt QCVN về nước thải tương ứng với loại hình xả thải

- Giảm 20% tải lượng cần giảm thải, trọng tâm giảm xả thải từ nguồn sinh hoạt và công nghiệp

- Kiểm soát các nguồn thải mới xử lý đạt QCVN về nước thải tương ứng với loại hình xả thải

- Giảm 80% tải lượng cần giảm thải, trọng tâm giảm xả thải từ nguồn sinh hoạt và công nghiệp

13

Sông An Hóa

Toàn tuyến sông

- Kiểm soát các nguồn thải mới xử lý đạt QCVN về nước thải tương ứng với loại hình xả thải

- Giảm 20% tải lượng cần giảm thải, trọng tâm giảm xả thải từ nguồn sinh hoạt và công nghiệp

- Kiểm soát các nguồn thải mới xử lý đạt QCVN về nước thải tương ứng với loại hình xả thải

- Giảm 80% tải lượng cần giảm thải, trọng tâm giảm xả thải từ nguồn sinh hoạt và công nghiệp

14

Sông Cái Cấm

Toàn tuyến sông

- Kiểm soát các nguồn thải mới xử lý đạt QCVN về nước thải tương ứng với loại hình xả thải

- Giảm 20% tải lượng cần giảm thải, trọng tâm giảm xả thải từ nguồn sinh hoạt, chăn nuôi và công nghiệp

- Kiểm soát các nguồn thải mới xử lý đạt QCVN về nước thải tương ứng với loại hình xả thải

- Giảm 80% tải lượng cần giảm thải, trọng tâm giảm xả thải từ nguồn sinh hoạt, chăn nuôi và công nghiệp

15

Rạch Eo Lói

Toàn tuyến rạch

- Kiểm soát các nguồn thải mới xử lý đạt QCVN về nước thải tương ứng với loại hình xả thải

- Giảm 20% tải lượng cần giảm thải, trọng tâm giảm xả thải từ nguồn nuôi trồng thủy sản và công nghiệp

- Kiểm soát các nguồn thải mới xử lý đạt QCVN về nước thải tương ứng với loại hình xả thải

- Giảm 80% tải lượng cần giảm thải, trọng tâm giảm xả thải từ nguồn nuôi trồng thủy sản và công nghiệp

16

Rạch Khem Thuyền

Toàn tuyến rạch

- Kiểm soát các nguồn thải mới xử lý đạt QCVN về nước thải tương ứng với loại hình xả thải

- Giảm 20% tải lượng cần giảm thải, trọng tâm giảm xả thải từ nguồn nuôi trồng thủy sản

- Kiểm soát các nguồn thải mới xử lý đạt QCVN về nước thải tương ứng với loại hình xả thải

- Giảm 80% tải lượng cần giảm thải, trọng tâm giảm xả thải từ nguồn nuôi trồng thủy sản

17

Sông Cái Mơn

Toàn tuyến sông

- Kiểm soát các nguồn thải mới xử lý đạt QCVN về nước thải tương ứng với loại hình xả thải

- Giảm 20% tải lượng cần giảm thải, trọng tâm giảm xả thải từ nguồn chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản

- Kiểm soát các nguồn thải mới xử lý đạt QCVN về nước thải tương ứng với loại hình xả thải

- Giảm 80% tải lượng cần giảm thải, trọng tâm giảm xả thải từ nguồn chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản

18

Rạch Cầu Mới

Toàn tuyến rạch

- Kiểm soát các nguồn thải mới xử lý đạt QCVN về nước thải tương ứng với loại hình xả thải

- Giảm 20% tải lượng cần giảm thải, trọng tâm giảm xả thải từ nguồn chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản

- Kiểm soát các nguồn thải mới xử lý đạt QCVN về nước thải tương ứng với loại hình xả thải

- Giảm 80% tải lượng cần giảm thải, trọng tâm giảm xả thải từ nguồn chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản

19

Rạch Chợ Lách

Toàn tuyến rạch

- Kiểm soát các nguồn thải mới xử lý đạt QCVN về nước thải tương ứng với loại hình xả thải

- Giảm 20% tải lượng cần giảm thải, trọng tâm giảm xả thải từ nguồn sinh hoạt và chăn nuôi

- Kiểm soát các nguồn thải mới xử lý đạt QCVN về nước thải tương ứng với loại hình xả thải

- Giảm 80% tải lượng cần giảm thải, trọng tâm giảm xả thải từ nguồn sinh hoạt, chăn nuôi và công nghiệp

20

Rạch Thủ Cửu

Toàn tuyến rạch

- Kiểm soát các nguồn thải mới xử lý đạt QCVN về nước thải tương ứng với loại hình xả thải

- Giảm 20% tải lượng cần giảm thải, trọng tâm giảm xả thải từ nguồn sinh hoạt và công nghiệp

- Kiểm soát các nguồn thải mới xử lý đạt QCVN về nước thải tương ứng với loại hình xả thải

- Giảm 80% tải lượng cần giảm thải, trọng tâm giảm xả thải từ nguồn sinh hoạt và công nghiệp

21

Rạch Bến Giang

Toàn tuyến rạch

- Kiểm soát các nguồn thải mới xử lý đạt QCVN về nước thải tương ứng với loại hình xả thải

- Giảm 20% tải lượng cần giảm thải, trọng tâm giảm xả thải từ nguồn nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi

- Kiểm soát các nguồn thải mới xử lý đạt QCVN về nước thải tương ứng với loại hình xả thải

- Giảm 80% tải lượng cần giảm thải, trọng tâm giảm xả thải từ nguồn nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi

22

Rạch Mương Điều

Toàn tuyến rạch

- Kiểm soát các nguồn thải mới xử lý đạt QCVN về nước thải tương ứng với loại hình xả thải

- Giảm 20% tải lượng cần giảm thải, trọng tâm giảm xả thải từ nguồn nông nghiệp và chăn nuôi

- Kiểm soát các nguồn thải mới xử lý đạt QCVN về nước thải tương ứng với loại hình xả thải

- Giảm 80% tải lượng cần giảm thải, trọng tâm giảm xả thải từ nguồn nông nghiệp và chăn nuôi

23

Rạch Cầu Sập

Toàn tuyến rạch

- Kiểm soát các nguồn thải mới xử lý đạt QCVN về nước thải tương ứng với loại hình xả thải

- Giảm 20% tải lượng cần giảm thải, trọng tâm giảm xả thải từ nguồn nông nghiệp và chăn nuôi

- Kiểm soát các nguồn thải mới xử lý đạt QCVN về nước thải tương ứng với loại hình xả thải

- Giảm 80% tải lượng cần giảm thải, trọng tâm giảm xả thải từ nguồn nông nghiệp và chăn nuôi

24

Rạch Cả Ráng Sâu

Toàn tuyến rạch

- Kiểm soát các nguồn thải mới xử lý đạt QCVN về nước thải tương ứng với loại hình xả thải

- Giảm 20% tải lượng cần giảm thải, trọng tâm giảm xả thải từ nguồn nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi

- Kiểm soát các nguồn thải mới xử lý đạt QCVN về nước thải tương ứng với loại hình xả thải

- Giảm 80% tải lượng cần giảm thải, trọng tâm giảm xả thải từ nguồn các cơ sở phân tán trên địa bàn

25

Sông Cái Hàng

Toàn tuyến sông

- Kiểm soát các nguồn thải mới xử lý đạt QCVN về nước thải tương ứng với loại hình xả thải

- Giảm 20% tải lượng cần giảm thải, trọng tâm giảm xả thải từ nguồn công nghiệp và chăn nuôi

- Kiểm soát các nguồn thải mới xử lý đạt QCVN về nước thải tương ứng với loại hình xả thải

- Giảm 80% tải lượng cần giảm thải, trọng tâm giảm xả thải từ nguồn công nghiệp và chăn nuôi

 


PHỤ LỤC IV

DANH MỤC CÁC NHIỆM VỤ, DỰ ÁN ƯU TIÊN GIAI ĐOẠN 2024 - 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo Kế hoạch số 5689/KH-UBND ngày 30 tháng 8 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre)

STT

Tên chương trình/dự án/nhiệm vụ

Cơ quan chủ trì

Đơn vị phối hợp

Thời gian thực hiện

Kinh phí dự kiến (tỷ đồng)

Kết quả/Sản phẩm dự kiến

Ghi chú

Đầu tư công

Sự nghiệp

ODA

Khác

I

NÂNG CAO NHẬN THỨC CỘNG ĐỒNG VỀ QUẢN LÝ, BẢO VỆ AN TOÀN CÁC NGUỒN NƯỚC MẶT

1

Tăng cường hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các cấp lãnh đạo, chính quyền, người dân, doanh nghiệp và du khách về ý thức, trách nhiệm trong việc quản lý, bảo vệ các nguồn nước mặt trên địa bàn tỉnh; về khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn nước; phòng chống cạn kiệt, suy thoái nguồn nước

Sở TN&MT

Các sở, ban ngành tỉnh có liên quan; UBND các huyện, thành phố

2024

 

0,5

 

 

Toàn dân thể hiện rõ ý thức, trách nhiệm trong việc quản lý, bảo vệ các nguồn nước mặt để sử dụng lâu dài; khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn nước; phòng chống cạn kiệt, suy thoái nguồn nước.

 

2

Chỉ đạo cơ quan báo chí, hệ thống thông tin cơ sở tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về quản lý, bảo vệ an toàn các nguồn nước mặt để sử dụng lâu bền

Sở Thông tin và Truyền thông

UBND các huyện, thành phố

Thường xuyên

 

 

 

 

Đến năm 2025 giảm 50% các vụ vi phạm pháp luật về BVMT nước so với hiện trạng năm 2023; đến năm 2030 giảm 90%

 

II

CÁC GIẢI PHÁP CÔNG TRÌNH ĐỂ BẢO VỆ, CẢI THIỆN CHẤT LƯỢNG NƯỚC MẶT

A

Nhóm dự án đầu tư về thủy lợi

1

Hoàn thiện Hệ thống Thủy lợi Nam-Bắc Bến Tre

Cơ quan được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư

Sở NN&PTNT; Ban QLDA ĐTXD các công trình NN&PTNT; UBND các huyện, thành phố

2021- 2030

2.800 (Giai đoạn 2021- 2025 đã phê duyệt CTĐT là 501 tỷ)

 

 

 

Xây dựng 50 cống D100 đến B=10m, trong đó:

+ B = 15m: 01 cống

+ B = 10m: 01 cống

+ B = 7,5m: 05 cống

+ B = 5m: 06 cống

+ B = 3m: 02 cống

+ B = 2m: 12 cống

+ D = 1,5m: 01 cống

+ D = 1,0m: 22 cống

Theo Kế hoạch số 4646/KH-UBND

2

Xây dựng Hồ chứa nước ngọt Lạc Địa huyện Ba Tri

Cơ quan được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư

Sở NN&PTNT; Sở KH&ĐT; Ban QLDA ĐTXD các công trình NN&PTNT; UBND huyện Ba Tri

2021- 2025

352

 

 

 

- Khu dân cư tập trung gắn với làng nghề truyền thống của địa phương: Diện tích san nền 14,7ha;

- Khu di tích lịch sử văn hóa: diện tích 13,5 ha, trong đó 5 ha bảo tồn nguyên trạng, san nền 8,5ha.

- Hồ chứa nước ngọt: Diện tích 92,96ha

Theo Kế hoạch số 4646/KH-UBND

3

Cải tạo hệ thống thủy lợi nội đồng và các công trình thủy lợi nhỏ

Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Bến Tre

Các sở ngành có liên quan; các huyện, thành phố

2022-2030

7.000

 

 

5.000

Cải tạo nâng cấp hệ thống thủy lợi để tăng khả năng trữ, chứa nước, đảm bảo môi trường

Theo Kế hoạch số 4646/KH-UBND

4

Hệ thống đê biển

Cơ quan được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư

Sở NN&PTNT; Ban QLDA ĐTXD các công trình NN&PTNT; Sở KH&ĐT, Tài chính, UBND 3 huyện ven biển

2025-2030

9.000

 

 

 

Hệ thống đê bảo vệ khu vực biển

Theo Kế hoạch số 4646/KH-UBND

B

Nhóm dự án đầu tư về thoát nước, xử lý nước thải

6

Đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và trạm xử lý nước thải đô thị thành phố Bến Tre

UBND thành phố Bến Tre

Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng

2024-2026

1.000

 

 

 

Hoàn chỉnh và vận hành hệ thống thu gom, XLNT đô thị TP Bến Tre

Theo Kế hoạch số 4646/KH-UBND

7

Đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải đô thị tập trung tại 03 huyện Bình Đại, Ba Tri và Mỏ Cày Nam

Cơ quan được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư

Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư và đơn vị liên quan.

2026-2030

3.000

 

 

 

Hệ thống thoát nước và XLNT tại 03 huyện

Theo Kế hoạch số 4646/KH-UBND

8

Xử lý nước thải cho các Trung tâm thị trấn, thị tứ trên địa bàn tỉnh

Cơ quan được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư

Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư và đơn vị liên quan.

2025-2030

5.000

 

 

 

Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải tại các Trung tâm thị trấn, thị tứ trên địa bàn tỉnh

Theo Kế hoạch số 4646/KH-UBND

9

Xử lý nước thải cho các Khu, cụm công nghiệp

Cơ quan được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư

Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư và đơn vị liên quan.

2023-2030

5.000

 

 

 

Hệ thống xử lý nước thải khu, cụm công nghiệp đạt chuẩn theo quy định

Theo Kế hoạch số 4646/KH-UBND

10

Đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và XLNT cho 18 làng nghề TTCN

Cơ quan được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư

Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư và đơn vị liên quan.

2023-2030

180

 

 

 

Hệ thống thu gom và XLNT cho 18 làng nghề TTCN

Đề xuất của nhóm nghiên cứu

11

Đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và XLNT cho các chợ đầu mối và chợ truyền thống (4 chợ hạng 1, 15 chợ hạng 2)

Cơ quan được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư

Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư và đơn vị liên quan.

2023- 2030

100

 

 

 

Hệ thống thu gom và XLNT cho các chợ đầu mối và chợ truyền thống (4 chợ hạng 1, 15 chợ hạng 2)

Đề xuất của nhóm nghiên cứu

C

Nhóm dự án đầu tư khác

12

Đầu tư nâng cấp hệ thống quan trắc môi trường nước mặt tỉnh Bến Tre (bổ sung các trạm quan trắc tự động liên tục)

Cơ quan được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư

Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư và đơn vị liên quan.

2023-2025

30

 

 

 

Các trạm quan trắc tự động liên tục chất lượng nước mặt được đầu tư mới

Đề xuất của nhóm nghiên cứu

13

Tăng cường đầu tư hệ thống thiết bị, phương tiện thu gom, vận chuyển CTR ở khu vực ngoại thành, ngoại thị và khu/cụm/ tuyến dân cư nông thôn

Cơ quan được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư

Sở Kế hoạch và Đầu tư và đơn vị liên quan.

2023-2025

50

 

 

 

Hệ thống thiết bị, phương tiện thu gom, vận chuyển CTR ở khu vực ngoại thành, ngoại thị và khu, cụm, tuyến dân cư nông thôn được đầu tư mới

Đề xuất của nhóm nghiên cứu

III

KIỂM SOÁT CHẶT CHẼ CÁC NGUỒN GÂY Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG NƯỚC MẶT

1

Nâng cao chất lượng công tác thẩm định báo cáo ĐTM, cấp giấy phép môi trường, xác nhận đăng ký môi trường đối với các dự án đầu tư mới

Sở TN&MT

Các sở, ban ngành có liên quan, UBND các huyện, thị, thành phố

Nhiệm vụ thường xuyên

 

 

 

 

 

Đề xuất của nhóm nghiên cứu

2

Tăng cường công tác hậu kiểm sau khi cấp phép môi trường

Sở TN&MT

Các sở, ban ngành có liên quan, UBND các huyện, thị, thành phố

Nhiệm vụ thường xuyên

 

2 tỷ/năm

 

 

 

Đề xuất của nhóm nghiên cứu

3

Theo dõi, giám sát chặt chẽ việc kết nối và truyền dữ liệu quan trắc nước thải tự động, liên tục đối với các nguồn xả thải có lưu lượng lớn và/hoặc có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao về Sở TN&MT

Sở TN&MT

Các sở, ban ngành có liên quan, UBND các huyện, thị, thành phố

Nhiệm vụ thường xuyên

 

 

 

 

 

Đề xuất của nhóm nghiên cứu

4

Tăng cường kiểm tra đột xuất đối với các nguồn xả thải có nguy cơ gây ô nhiễm cao (các khu, cụm công nghiệp, làng nghề, cơ sở sản xuất phân tán bên ngoài KCN/CCN, cơ sở y tế, trang trại chăn nuôi, cơ sở giết mổ gia súc gia cầm, cơ sở NTTS quy mô công nghiệp, bãi rác, bến cảng)

Sở TN&MT

Các sở, ban ngành có liên quan, UBND các huyện, thị, thành phố

Nhiệm vụ thường xuyên

 

2 tỷ/năm

 

 

 

Đề xuất của nhóm nghiên cứu

IV

HOÀN THIỆN CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH QUẢN LÝ CÁC NGUỒN NƯỚC MẶT

1

Tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung của Kế hoạch số 4646/KH-UBND quản lý, đảm bảo an ninh nguồn nước, nguồn cấp nước ngọt thích ứng với BĐKH giai đoạn 2021-2030:

1.1

Quản lý hồ chứa nước ngọt Kênh Lấp huyện Ba Tri

Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Bến Tre

UBND huyện Ba Tri; Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi

Hằng năm

 

0,8

 

 

Đảm bảo an toàn nguồn cấp nước ngọt mùa khô

Theo Kế hoạch số 4646/KH-UBND

1.2

Nhân rộng các mô hình canh tác ứng dụng công nghệ cao (tưới tiết kiệm, tuần hoàn nước,....)

Sở NN&PTNT

UBND các huyện; Sở Khoa học và Công nghệ

Hằng năm

 

0,5

 

 

Phát triển canh tác có hiệu quả kinh tế, tiết kiệm nguồn nước

Theo Kế hoạch số 4646/KH-UBND

1.3

Xây dựng, triển khai và nhân rộng các mô hình trữ, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả

Sở NN&PTNT , Xây dựng, UBND các tỉnh/thành phố

Sở NN&PTNT, Xây dựng, UBND các tỉnh/thành phố

2025

 

0,5

 

 

Trữ nước trong nhân dân

Theo Kế hoạch số 4646/KH- UBND

1.4

Duy trì, vận hành hệ thống quan trắc dự báo độ mặn và giám sát chất lượng nước tự động (20 trạm quan trắc trên các nhánh sông chính)

Sở TN&MT

Sở NN&PTNT; UBND các huyện, thành phố; Đài KTTV Bến Tre

Hàng năm

 

3

 

 

Duy trì vận hành hệ thống Quan trắc chất lượng nước

Theo Kế hoạch số 4646/KH-UBND

1.5

Đẩy mạnh công tác, hoạt động hợp tác với các tỉnh ĐBSCL về quản lý tài nguyên nước

Sở KH&ĐT

Các sở, ngành; UBND các huyện, thành phố Bến Tre

Thường xuyên

 

0,2

 

 

Quan hệ vùng trong quản lý tài nguyên nước

Theo Kế hoạch số 4646/KH-UBND

1.6

Lập kế hoạch và tổ chức cắm mốc hang lang bảo vệ nguồn nước

Sở TN&MT

UBND các huyện, thành phố

Hằng năm

 

10

 

 

Cắm mốc hành lang nguồn nước cần bảo vệ theo quy định

Theo Kế hoạch số 4646/KH-UBND

1.7

Kiểm kê tài nguyên nước

Sở TN&MT

Các Sở ngành, địa phương

2025- 2030 (theo kỳ 05 năm)

 

10

 

 

Phê duyệt kết quả Kiểm kê tài nguyên nước

Theo Kế hoạch số 4646/KH-UBND

2

Tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung của Kế hoạch số 1719/KH-UBND về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045:

2.1

Rà soát, hoàn thiện hệ thống tổ chức, bộ máy quản lý nhà nước về nguồn nước, thủy lợi, cấp nước sinh hoạt

Sở Nội vụ

Các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng; UBND các huyện, thành phố

Năm 2024 (sau khi có hướng dẫn của Trung ương)

 

 

 

 

 

Theo Kế hoạch số 1719/KH-UBND

2.2

Tổ chức đào tạo, bổ sung nguồn nhân lực, nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức, người lao động quản lý, vận hành hồ chứa nước, công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt

Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các sở, ban ngành tỉnh có liên quan

Thường xuyên

 

1,5

 

 

 

Theo Kế hoạch số 1719/KH-UBND

2.3

Từng bước xây dựng và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu địa phương về nguồn nước để phục vụ công tác quy hoạch thủy lợi, phòng chống thiên tai và chỉ đạo, điều hành sản xuất

Sở Tài nguyên và Môi trường

Các sở, ngành tỉnh có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

Năm 2023 và các năm tiếp theo

 

5

 

 

 

Theo Kế hoạch số 1719/KH-UBND

2.4

Thực hiện các giải pháp kiểm soát nguồn thải, chất thải xả vào nguồn nước, nhất là nước thải sinh hoạt, công nghiệp

Sở Tài nguyên và Môi trường

Sở Xây dựng, Sở Công Thương, các đơn vị có liên quan và UBND các huyện, thành phố

Năm 2023 và các năm tiếp theo

 

1

 

 

 

Theo Kế hoạch số 1719/KH-UBND

2.5

Bảo vệ, phát triển và nâng cao chất lượng rừng gắn với bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn công trình thủy lợi, đê điều

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các sở, ngành tỉnh có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

Thường xuyên

 

15

 

 

 

Theo Kế hoạch số 1719/KH-UBND

2.6

Bảo vệ và phát triển bền vững nguồn sinh thủy các hệ sinh thái ngập nước quan trọng

Sở Tài nguyên và Môi trường

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; UBND các huyện, thành phố

Thường xuyên

 

10

 

 

 

Theo Kế hoạch số 1719/KH-UBND

3

Xây dựng các sổ tay hướng dẫn về kỹ thuật và công nghệ XLNT đối với các nguồn thải phân tán, quy mô nhỏ (nước thải sinh hoạt, nước thải chăn nuôi, nước thải NTTS quy mô hộ gia đình)

Sở TN&MT

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị có liên quan

2024- 2025

 

0,5

 

 

Các sổ tay hướng dẫn về kỹ thuật và công nghệ XLNT đối với các nguồn thải phân tán, quy mô nhỏ (nước thải sinh hoạt, nước thải chăn nuôi, nước thải NTTS quy mô hộ gia đình)

Đề xuất của nhóm nghiên cứu

4

Xây dựng chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng các công trình XLNT qui mô hộ gia đình (nước thải sinh hoạt, nước thải chăn nuôi, nước thải NTTS quy mô hộ gia đình)

Sở NN&PTNT

Các sở, ban ngành có liên quan, UBND các huyện, thị, thành phố

2024- 2025

 

0,5

 

 

Chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng các công trình XLNT qui mô hộ gia đình

Đề xuất của nhóm nghiên cứu

5

Xây dựng các hương ước, quy ước về BVMT làng nghề, vùng NTTS tập trung

Sở TN&MT

Các sở, ban ngành có liên quan, UBND các huyện, thị, thành phố

2024- 2025

 

0,5

 

 

Các hương ước, quy ước về BVMT làng nghề, vùng NTTS tập trung

Đề xuất của nhóm nghiên cứu

6

Tăng cường công tác thu phí BVMT đối với nước thải công nghiệp

Sở TN&MT

Các sở, ban ngành có liên quan, UBND các huyện, thị, thành phố

Thường xuyên

 

 

 

 

Nguồn thu từ phí BVMT đối với nước thải công nghiệp được phân bổ tái đầu tư cho các hoạt động BVMT nước mặt

Đề xuất của nhóm nghiên cứu

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 5689/KH-UBND năm 2024 quản lý chất lượng môi trường nước mặt tỉnh Bến Tre giai đoạn 2024-2025, định hướng đến năm 2030

  • Số hiệu: 5689/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 30/08/2024
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bến Tre
  • Người ký: Nguyễn Minh Cảnh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 30/08/2024
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản