Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC NINH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 550/KH-UBND

Bắc Ninh, ngày 24 tháng 8 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC CẤP CỨU, HỒI SỨC TÍCH CỰC CHO CÁC CƠ SỞ ĐIỀU TRỊ NGƯỜI BỆNH COVID-19 NẶNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC NINH

Căn cứ Quyết định số 3616/QĐ-BYT ngày 29/7/2021 của Bộ Y tế về việc phê duyệt Đề án “Tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực cho các bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 nặng”;

Căn cứ Kế hoạch số 92/KH-BCĐ ngày 26 tháng 7 năm 2021 của Ban chỉ đạo tỉnh phòng, chống dịch COVID-19 kế hoạch đảm bảo công tác y tế đối với tình huống khi có 10.000 người mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh;

Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai Đề án tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực cho các cơ sở điều trị người bệnh COVID-19 nặng trên địa bàn, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Nâng cao năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực của hệ thống khám bệnh, chữa bệnh, trên địa bàn tỉnh; đồng thời tăng cường khả năng thu dung điều trị ca bệnh COVID-19 nặng, nguy kịch, đáp ứng kịch bản dịch bệnh gia tăng, hạn chế tối đa tử vong do COVID-19.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Thiết lập mạng lưới các đơn vị thu dung, điều trị người bệnh mắc COVID-19 nặng trên địa bàn tỉnh.

2.2. Đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, hạ tầng đồng bộ cho các đơn vị thu dung, điều trị người bệnh mắc COVID-19 nặng; nâng cao năng lực vận chuyển cấp cứu bệnh nhân COVID-19.

2.3. Đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn cho nhân viên y tế cấp cứu, hồi sức tích cực của các đơn vị điều trị bệnh nhân COVID-19.

2.4. Xây dựng bổ sung chính sách, chế độ động viên, đãi ngộ nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng tốt làm việc tại các trung tâm, khoa hồi sức tích cực, khoa truyền nhiễm.

II. QUAN ĐIỂM, NGUYÊN TẮC TRIỂN KHAI

Phát huy phương châm “4 tại chỗ” thông qua nâng cao năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực của bệnh viện các tuyến, đồng thời kết hợp phương châm “3 tập trung” gồm tập trung nguồn lực, tập trung chuyên gia, tập trung người bệnh COVID-19 nặng để điều trị.

Triển khai các hoạt động phù hợp theo giai đoạn, kịp thời đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19:

- Giai đoạn 1: Triển khai ngay các hoạt động cấp bách, hoàn thành trong vòng 02 tháng; tận dụng tối đa các nguồn lực, cơ sở vật chất, hạ tầng, trang thiết bị... hiện có. Xây dựng cơ chế chính sách thu hút, đào tạo nguồn nhân lực làm công tác hồi sức cấp cứu.

- Giai đoạn 2: Tiếp tục triển khai các hoạt động chưa hoàn thiện, mở rộng quy mô, nâng cấp cơ sở hạ tầng, đầu tư mua sắm trang thiết bị; tổ chức đào tạo, tập huấn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác hồi sức cấp cứu.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Thiết lập mạng lưới cơ sở thu dung, điều trị người bệnh COVID-19 nặng trên địa bàn tỉnh

1.1. Giai đoạn 1

Thiết lập 09 đơn vị thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch trên địa bàn tỉnh, quy mô giường bệnh dành cho bệnh nhân nặng của từng đơn vị như sau:

(1) Bệnh viện đa khoa tỉnh: Quy mô 150 giường bệnh nhân nặng, nguy kịch và sẵn sàng mở rộng quy mô lên 200, 300 giường tùy theo diễn biến dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh và chỉ đạo của Bộ Y tế.

(2) Bệnh viện Phổi: Quy mô 20 giường bệnh và sẵn sàng mở rộng quy mô tuỳ theo diễn biến dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.

(3) Trung tâm y tế thị xã Từ Sơn: Quy mô 20 giường bệnh, sẵn sàng mở rộng quy mô tuỳ theo diễn biến dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.

(4) Trung tâm y tế huyện Gia Bình: Quy mô 20 giường bệnh, sẵn sàng mở rộng quy mô tuỳ theo diễn biến dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.

(5) Trung tâm y tế huyện Lương Tài: Quy mô 20 giường bệnh, sẵn sàng mở rộng quy mô tuỳ theo diễn biến dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.

(6) Trung tâm y tế huyện Quế Võ: Quy mô 20 giường bệnh, sẵn sàng mở rộng quy mô tuỳ theo diễn biến dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.

(7) Trung tâm y tế huyện Thuận Thành: Quy mô 20 giường bệnh, sẵn sàng mở rộng quy mô tuỳ theo diễn biến dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.

(8) Trung tâm y tế huyện Tiên Du: Quy mô 20 giường bệnh, sẵn sàng mở rộng quy mô tuỳ theo diễn biến dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.

(9) Trung tâm y tế huyện Yên Phong: Quy mô 20 giường bệnh, sẵn sàng mở rộng quy mô tuỳ theo diễn biến dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.

1.2. Giai đoạn 2

Tuỳ theo diễn biến dịch bệnh COVID-19 mở rộng quy mô các đơn vị hiện tại và thiết lập bổ sung các cơ sở thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng phù hợp, kịp thời.

2. Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các đơn vị thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng

2.1. Giai đoạn 1

Sắp xếp, bố trí khu vực, khoa phòng điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng đảm bảo nguyên tắc:

- Thuận tiện cho công tác vận chuyển, di chuyển giường bệnh từ tiếp nhận đến nhập viện hoặc di chuyển giữa các khoa phòng và di chuyển các trang thiết bị, nhu yếu phẩm và chất thải y tế.

- Biệt lập với các khoa, phòng khác, hạn chế tối đa lây nhiễm.

Đầu tư hệ thống khí y tế, trang thiết bị hồi sức cấp cứu thiết yếu:

- Đầu tư đầy đủ các thiết bị, gồm: Hệ thống ô-xy trung tâm; hệ thống khí nén trung tâm; hệ thống hút trung tâm, camera và màn hình theo dõi người bệnh.

- Rà soát, bố trí đầy đủ các thiết bị, thuốc, vật tư y tế thiết yếu và phương tiện phòng hộ cá nhân cho khu vực điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng theo Quyết định số 2626/QĐ-BYT 28/5/2021 và Quyết định số 1259/QĐ-BYT ngày 20/3/2020 của Bộ Y tế; đảm bảo các thiết bị, vật tư đặc thù phục vụ bệnh nhân Nhi cho Bệnh viện đa khoa tỉnh.

Quy mô: Bệnh viện đa khoa tỉnh đảm bảo đáp ứng 150 giường bệnh điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch; Bệnh viện Phổi và 07 Trung tâm y tế mỗi đơn vị đảm bảo 20 giường bệnh điều trị bệnh nhân nặng.

2.2. Giai đoạn 2

- Đầu tư, cải tạo nâng cấp cơ sở hạ tầng các đơn vị đảm bảo biệt lập với các khoa, phòng khác; có khu lưu trú cho nhân viên y tế; bảo đảm điều kiện sinh hoạt thuận lợi, tiện nghi, khi làm việc khu vực điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng trong thời gian dài.

- Đầu tư bổ sung trang thiết bị y tế cho khu vực điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng riêng biệt, đảm bảo đủ cơ số theo quy định; không phụ thuộc khu vực điều trị khác.

- Đầu tư nâng cấp phương tiện vận chuyển cấp cứu cho các đơn vị công lập và ngoài công lập.

3. Nâng cao năng lực chuyên môn hồi sức cấp cứu cho cán bộ y tế

3.1. Giai đoạn 1

- Rà soát nhân lực y tế chuyên ngành hồi sức cấp cứu, gây mê hồi sức, chuyên khoa truyền nhiễm và các chuyên ngành phù hợp; xây dựng phương án phân công nhiệm vụ tham gia điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng khi có tình huống dịch bệnh xảy ra.

- Tổ chức tập huấn, đào tạo ngắn hạn cho đội ngũ Bác sỹ, điều dưỡng, nhân viên y tế làm việc tại các khu vực điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng:

Cập nhật kiến thức hồi sức cơ bản, nâng cao.

Sử dụng máy thở cho bác sĩ và điều dưỡng, kỹ thuật viên.

Sử dụng hệ thống ECMO, lọc máu liên tục.

Chăm sóc, dinh dưỡng, tâm lý cho người bệnh COVID-19.

- Luân phiên cán bộ tham gia cấp cứu, điều trị bệnh nhân nặng, bệnh nhân COVID-19 để nâng cao năng lực cán bộ.

3.2. Giai đoạn 2

- Rà soát, quy hoạch nhân lực làm công tác hồi sức cấp cứu, đảm bảo 100% các khoa lâm sàng có cán bộ được đào tạo về hồi sức cấp cứu.

- Tổ chức cán bộ đào tạo dài hạn, đào tạo chuyên sâu về hồi sức cấp cứu phù hợp với quy hoạch nhân lực.

- Xây dựng bổ sung các chính sách thu hút, chế độ động viên, đãi ngộ phù hợp nhằm thu hút nguồn nhân lực có chất lượng tốt làm việc tại các trung tâm, khoa hồi sức tích cực, khoa truyền nhiễm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

4. Dự phòng quá tải các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19

- Nâng cao công suất xét nghiệm SARS-CoV-2, đầu tư 07 hệ thống Real time PCR cho 07 Trung tâm y tế huyện, thị xã; kịp thời phát hiện sớm các trường hợp nhiễm COVID-19 để quyết định biện pháp cách ly, điều trị phù hợp.

- Phân tầng điều trị bệnh nhân COVID-19 (tầng 01 bệnh nhân nhẹ, tầng 2 bệnh nhân vừa, tầng 3 bệnh nhân nặng, nguy kịch); phân loại, thu dung điều trị bệnh nhân phù hợp với tình trạng bệnh tránh quá tải cho các đơn vị, khu vực điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch.

- Xây dựng quy trình, áp dụng tiêu chí phân loại, chuyển tuyến bệnh nhân COVID-19 ngay sau khi phát hiện và trong suốt quá trình cách ly, điều trị; nâng cao năng lực theo dõi, tiên lượng, điều trị bệnh nhân COVID-19 thể nhẹ và vừa, kịp thời phát hiện các biểu hiện diễn biến nặng, nguy kịch để can thiệp, điều trị kịp thời hạn chế tiến triển nặng.

- Thiết lập hệ thống thông tin kết nối người bệnh COVID-19 với Tổng đài y tế, các đơn vị vận chuyển cấp cứu người bệnh; kịp thời tư vấn, hỗ trợ người mắc COVID-19 không triệu chứng khi cần thiết.

IV. KINH PHÍ

1. Kinh phí thực hiện

- Kinh phí đầu tư, sửa chữa, nâng cấp cơ sở hạ tầng, mua sắm, trang thiết bị cấp cứu, điều trị, xét nghiệm, hệ thống khí y tế cho các đơn vị điều trị, dự phòng dịch bệnh COVID-19.

- Kinh phí đào tạo, tập huấn cho cán bộ y tế; kinh phí thực hiện chế độ chính sách thu hút, chi trả chế độ động viên, đãi ngộ nhân lực làm chuyên môn hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm.

- Kinh phí đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin kết nối người bệnh với đơn vị tư vấn, vận chuyển cấp cứu người bệnh COVID-19.

2. Nguồn kinh phí

Nguồn ngân sách Nhà nước, nguồn đóng góp của các nhà tài trợ và các nguồn vốn hợp pháp khác của đơn vị sự nghiệp.

- Ngân sách tỉnh sẽ đảm bảo kinh phí đầu tư mua sắm hệ thống xét nghiệm Real time PCR, Hệ thống ô-xy trung tâm; hệ thống khí nén trung tâm; hệ thống hút trung tâm, camera và màn hình theo dõi người bệnh; kinh phí mua sắm trang thiết bị, thuốc vật tư thiết yếu, phương tiện phòng hộ phục vụ điều trị bệnh nhân COVID-19.

- Huy động nguồn kinh phí từ tổ chức, cá nhân, viện trợ và các nguồn kinh phí hợp pháp khác đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin kết nối người bệnh với đơn vị tư vấn, vận chuyển cấp cứu người bệnh COVID-19.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế

- Chỉ đạo các đơn vị trong ngành xây dựng kế hoạch chi tiết tổ chức triển khai thực hiện tại từng đơn vị.

- Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị đề xuất nhu cầu kinh phí đầu tư Hệ thống khí y tế, cải tạo nâng cấp cơ sở hạ tầng, mua sắm hệ thống Real time PCR, trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế phục vụ điều trị bệnh nhân theo kế hoạch; phối hợp với Sở Tài chính báo cáo UBND tỉnh ưu tiên bố trí kinh phí triển khai thực hiện.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan tham mưu xây dựng bổ sung chế độ, chính sách động viên, đãi ngộ cho người làm chuyên môn cấp cứu, hồi sức tích cực, truyền nhiễm để giữ chân và thu hút nguồn nhân lực chất lượng tốt, làm việc lâu dài, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, ban hành.

- Xây dựng kế hoạch, tổ chức đào tạo nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức hồi sức cấp cứu cho cán bộ y tế theo Kế hoạch.

- Lập kế hoạch, phân công, bố trí các kíp bác sỹ, điều dưỡng, kỹ thuật viên được huy động làm hồi sức tích cực của các đơn vị trực thuộc đến các trung tâm hồi sức tích cực vùng để tập huấn, thực hành và tham gia điều trị COVID-19.

- Định kỳ đánh giá tiến độ triển khai thực hiện Kế hoạch; báo cáo, đề xuất với cấp có thẩm quyền kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

Các đơn vị thu dung, điều trị người bệnh COVID-19 nặng

- Căn cứ vào nội dung kế hoạch, rà soát đánh giá hiện trạng, xây dựng kế hoạch chi tiết tổ chức triển khai thực hiện tại đơn vị; xây dựng dự toán kinh phí báo cáo Sở Y tế trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Định kỳ báo cáo tiến độ thực hiện, thông tin, số liệu, hoạt động, khó khăn, vướng mắc (nếu có) về Sở Y tế để tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền.

2. Sở Tài chính

Phối hợp với Sở Y tế tham mưu trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí đầu tư Hệ thống khí y tế, cải tạo nâng cấp cơ sở hạ tầng, mua sắm hệ thống Real time PCR, trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế phục vụ điều trị bệnh nhân theo kế hoạch.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng

Hướng dẫn, giám sát triển khai xây dựng công trình khẩn cấp đầu tư nâng cao năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực cho Bệnh viện Phổi và 07 trung tâm y tế tuyến huyện (Hệ thống ô-xy trung tâm; hệ thống khí nén trung tâm; hệ thống hút trung tâm, camera và màn hình theo dõi người bệnh).

Hướng dẫn, giám sát hoạt động đầu tư cải tạo nâng cấp cơ sở hạ tầng các đơn vị điều trị bệnh nhân COVID-19.

4. Sở Nội vụ

Phối hợp với Sở Y tế tham mưu xây dựng bổ sung chế độ, chính sách động viên, đãi ngộ người làm chuyên môn cấp cứu, hồi sức tích cực, truyền nhiễm để giữ chân và thu hút nguồn nhân lực chất lượng tốt, làm việc ổn định, lâu dài.

5. Các sở, ngành, địa phương

Căn cứ chức năng nhiệm vụ, rà soát, triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo các phương án, kịch bản giúp giảm quá tải các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19; hỗ trợ triển khai các hoạt động duy trì, cung cấp dịch vụ thiết yếu trong trường hợp dịch bệnh lan rộng.

Trên đây là Kế hoạch triển khai Đề án tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực cho các cơ sở điều trị người bệnh COVID-19 nặng trên địa bàn. Yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Y tế (b/c);
- TT TƯ, TT HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành của tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- VP UBND tỉnh: LĐVP, các CVNC;
- Lưu: VT, KGVX(NTT).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Vương Quốc Tuấn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 550/KH-UBND năm 2021 triển khai Đề án tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực cho các cơ sở điều trị người bệnh COVID-19 nặng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh

  • Số hiệu: 550/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 24/08/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Ninh
  • Người ký: Vương Quốc Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 24/08/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản