Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TÂY NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 533/KH-UBND

Tây Ninh, ngày 26 tháng 02 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN NGÀNH NGHỀ NÔNG THÔN TỈNH TÂY NINH NĂM 2024

Căn cứ Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn;

Căn cứ Quyết định số 801/QĐ-TTg ngày 07/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021-2030;

Căn cứ Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 14/9/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Căn cứ Quyết định số 938/QĐ-UBND ngày 22/4/2022 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch Phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Tây Ninh, giai đoạn 2022 - 2025;

UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Tây Ninh năm 2024, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tuyên truyền, phổ biến Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn; Quyết định số 801/QĐ-TTg ngày 07/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021-2030; Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 14/9/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 938/QĐ-UBND ngày 22/4/2022 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Tây Ninh, giai đoạn 2022 - 2025 và các văn bản khác có liên quan nhằm hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn.

- Phát triển ngành nghề nông thôn phù hợp với định hướng, chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của nhà nước về xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; huy động các nguồn lực xã hội đầu tư vào phát triển ngành nghề nông thôn còn nhiều tiềm năng để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn phát triển toàn diện và bền vững.

- Bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh nhằm khơi dậy tiềm năng, phát huy lợi thế của các sản phẩm ngành nghề nông thôn gắn với nâng cao chất lượng, mẫu mã, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm; đồng thời giữ gìn nét văn hóa dân tộc của các nghề truyền thống nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế.

- Phát triển ngành nghề nông thôn nhằm phát huy các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống theo thế mạnh của từng địa phương nhằm đa dạng các sản phẩm ngành nghề nông theo hướng Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và bảo vệ môi trường bền vững ở nông thôn.

2. Yêu cầu

- Các sở, ngành, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi chung là UBND cấp huyện) tăng cường phối hợp triển khai thực hiện các chương trình, dự án, mô hình khuyến công; khuyến nông; ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ; đào tạo nghề cho lao động nông thôn; xúc tiến thương mại; bảo vệ môi trường và phát triển du lịch gắn với hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn có hiệu quả.

- Các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình tham gia đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh các hoạt động ngành nghề nông thôn có lợi thế; tăng cường liên kết giữa các hộ sản xuất với các tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp, hình thành hiệp hội ngành nghề theo chuỗi liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm ngành nghề nông thôn trong và ngoài tỉnh.

- Hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn nhằm huy động các nguồn lực của các thành phần kinh tế đầu tư vào phát triển ngành nghề nông thôn trong thời gian tới.

II. NỘI DUNG NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Thông tin, tuyên truyền và phổ biến chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn

Các sở, ngành liên quan và UBND cấp huyện tăng cường tuyên truyền và triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn góp phần bảo tồn và phát triển sản phẩm các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh.

Hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cơ sở sản xuất và hộ gia đình phát triển sản xuất đa dạng các sản phẩm ngành nghề nông thôn theo thế mạnh của từng địa phương.

2. Phát triển ngành nghề nông thôn

Định hướng phát triển ngành nghề nông thôn dựa trên các tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên và kinh tế xã hội để xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn theo từng nhóm, cụ thể:

a) Nhóm chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản

- Tập trung phát triển các ngành nghề chế biến, bảo quản gia tăng giá trị như: bánh tráng, kẹo, mứt, bún, bánh canh, hủ tiếu, chao các loại; trứng, thịt, sữa và trái cây các loại.

- Đổi mới máy móc, thiết bị và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường vào sản xuất; kết hợp sản xuất truyền thống và hiện đại nhằm bảo tồn, phát huy nét văn hóa truyền thống của các sản phẩm đặc sản theo vùng, miền, địa phương.

- Tăng cường liên kết gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm ngành nghề nông thôn; cải tiến quy trình sản xuất, đảm bảo dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm tăng sức cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu.

b) Nhóm sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ

- Phát triển nghề thủ công mỹ nghệ theo hướng đa dạng các mẫu mã sản phẩm mới, có giá trị gia tăng cao của các sản phẩm hàng hóa như: hồ lô (bầu, bí các loại), tranh (sơn dầu, sơn mài), đan lát thảm, túi xách, dụng cụ các loại từ nguyên liệu lục bình và các nguồn nguyên liệu có sẵn tại địa phương nhằm khai thác mọi tiềm năng, lợi thế tăng sức cạnh tranh trên thị trường, phục vụ nhu cầu người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

- Tăng cường liên kết giữa các địa phương có nghề truyền thống, làng nghề thủ công mỹ nghệ trong và ngoài tỉnh để du nhập nghề thủ công mỹ nghệ mới như đan lát lục bình, tranh, khắc tượng gỗ, đá các loại; đồng thời bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống như: Chằm nón lá, Đúc gang, Gò nhôm và Rèn dao dựa các loại nhằm tạo ra các sản phẩm độc đáo, có tính nghệ thuật và có giá trị thẩm mỹ cao phục vụ nhu cầu khách hàng.

c) Nhóm xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn

- Tập trung nguồn lực đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất, sơ chế, chế biến thuộc các lĩnh vực: chăn nuôi (gia súc, gia cầm), trồng trọt (các loại rau, củ, quả), lâm nghiệp (xử lý, chế biến các loại gỗ từ rừng trồng), thủy sản (khô cá lóc, mắm chua các loại) nhằm tạo các sản phẩm đặc sản và làm nguyên liệu phục vụ phát triển các ngành nghề nông thôn mà địa phương có thế mạnh phát triển.

- Phát triển vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn ở huyện Tân Châu và địa phương khác có tiềm năng và lợi thế gắn với các nhà máy sơ chế, chế biến, sản xuất các sản phẩm ngành nghề nông thôn, nhằm giảm thiểu phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

- Hình thành các điểm sơ chế, chế biến nguyên liệu cung cấp cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh ngành nghề nông thôn và nâng cao năng lực xử lý, sơ chế, chế biến của các cơ sở: cưa xẻ gỗ, xay xát gạo, sấy nông sản các loại để phục vụ phát triển ngành nghề nông thôn.

d) Nhóm sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ

- Phát triển một số ngành nghề như: mộc gia dụng, mây tre đan, đan lát, cơ khí nhỏ (gia công cửa sắt, công trình dân dụng, phục vụ đời sống khu vực nông thôn...), may gia công (quần áo, bao bì theo đơn đặt hàng tại các địa phương có tiềm năng, thế mạnh phát triển.

- Tập trung sản xuất các sản phẩm có tính thương mại cao đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; kết hợp các nguồn nguyên liệu, vật liệu khác nhau, tạo ra các sản phẩm mới đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng, kích thước đa dạng phù hợp thị hiếu nhu cầu tiêu dùng.

đ) Nhóm sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh

- Sản xuất các loại hoa, cây kiểng, sinh vật cảnh và hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hoa, cây cảnh các loại phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài tỉnh; phát triển nghề kinh doanh sinh vật cảnh có giá trị kinh tế cao, kinh tế xanh và tuần hoàn.

- Tuyên truyền, vận động hình thành các đầu mối chuyên sản xuất kinh doanh theo ngành hàng, hiệp hội sinh vật cảnh; tạo điều kiện cho các nghệ nhân, thợ giỏi có điều kiện giao lưu, học tập, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác liên kết phát triển sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.

e) Nhóm sản xuất muối các loại

Bảo tồn và phát triển nghề truyền thống muối ớt Tây Ninh, đa dạng các sản phẩm mới như: muối sả, muối cà cuống, muối tiêu, muối chay các loại nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa của nghề truyền thống; đồng thời đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm và nâng cao giá trị gia tăng từ hạt muối, góp phần làm đa dạng sản phẩm muối ớt Tây Ninh đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

g) Nhóm dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn

- Hình thành doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, tổ hợp tác, cá nhân cung cấp các dịch vụ phục vụ sản xuất kinh doanh của người dân ở nông thôn.

- Phát triển đa dạng hóa các loại hình và mở rộng quy mô các dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống ở khu vực nông thôn dịch vụ như: tạp hoá, vật tư, phân bón, vận chuyển và tiêu thụ nông sản, cơ giới hoá, chăm sóc cây trồng, vật nuôi, thủy sản…; tăng cường liên kết gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm góp phần chuyển dịch cơ cấu từ sản xuất nông nghiệp sang cung cấp các loại dịch vụ phục vụ nhu cầu sản xuất và đời sống của người dân khu vực nông thôn.

- Bảo tồn và phát triển nghề truyền thống sản xuất các loại Nhang theo hướng đa dạng các sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường gồm: nhang hương trầm, nhang quế, nhang thảo mộc, nhang hương,...; đồng thời kết hợp sản xuất thủ công với máy móc hiện đại nhằm nâng cao năng suất lao động, tăng sức cạnh tranh sản phẩm cùng loại góp phần bảo tồn và phát triển nghề truyền thống đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

3. Bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề truyền thống

- Các địa phương thực hiện rà soát các nghề truyền thống, làng nghề truyền thống trên địa bàn; lập kế hoạch cụ thể nhằm hỗ trợ bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn hoạt động có hiệu quả.

- UBND cấp huyện thực hiện lập hồ sơ đề nghị UBND tỉnh xét và công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống đạt tiêu chí theo quy định tại Nghị định số 52/2018/NĐ-CP.

- Các sở, ngành liên quan tham mưu trình UBND tỉnh xét công nhận nghệ nhân, thợ giỏi thuộc lĩnh vực ngành nghề nông thôn và tại địa phương nơi có các nghề truyền thống, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh.

- Vận động thành lập các hội, hiệp hội nghề ở các địa phương, tạo điều kiện các trung tâm, cơ sở tham gia dạy nghề, truyền nghề; hỗ trợ thiết kế mẫu mã, hoàn thiện sản phẩm, thông tin thị trường phục vụ bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề.

4. Thực hiện các chương trình hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn

a) Chương trình xúc tiến thương mại

Triển khai thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình tham gia quảng bá, giới thiệu các sản phẩm ngành nghề nông thôn; đồng thời bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh. Nội dung, mức hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại thực hiện theo quy định hiện hành.

- Tham gia hội chợ, triển lãm nhằm quảng bá, xúc tiến thương mại và trao đổi kinh nghiệm về phát triển các sản phẩm ngành nghề nông thôn trong và ngoài tỉnh.

b) Chương trình khoa học và công nghệ

Triển khai thực hiện các hoạt động khoa học và công nghệ, cụ thể:

- Phổ biến những kiến thức về khoa học và công nghệ, các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, quy trình công nghệ mới, mô hình nông nghiệp công nghệ cao phục vụ phát triển ngành nghề nông thôn.

- Thực hiện các đề tài thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã được UBND tỉnh phê duyệt và triển khai ứng dụng các đề tài đã nghiệm thu ứng dụng vào sản xuất, góp phần phát triển các ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh.

- Hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu, nhãn hiệu đối với các sản phẩm hàng hóa nhằm nâng cao giá trị sản phẩm ngành nghề nông thôn; lồng ghép triển khai các lớp tập huấn cho người dân khu vực nông thôn theo Kế hoạch phối hợp giữa Sở Khoa học và Công nghệ và Hội Nông dân tỉnh năm 2024.

c) Chương trình đào tạo nghề phục vụ phát triển ngành nghề nông thôn

- Các sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức 43 lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp cho lao động nông thôn, số lượng khoảng 1.380 học viên nhằm hỗ trợ phát triển các ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh.

- Nội dung, mức hỗ trợ chi phí đào tạo các nghề theo Quyết định số 933/QĐ-UBND ngày 22/4/2022 của UBND tỉnh phê duyệt Danh mục nghề đào tạo, mức chi hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh và các quy định hiện hành.

d) Chương trình khuyến công

Triển khai thực hiện các đề án khuyến công địa phương nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ gia đình đổi mới máy móc, thiết bị và công nghệ phục vụ phát triển các ngành nghề nông thôn góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản phẩm và tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa trên thị trường.

đ) Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)

- Các sở, ngành liên quan và UBND cấp huyện triển khai thực hiện Chương trình OCOP; hàng năm, phấn đấu mỗi xã có ít nhất 01 sản phẩm ngành nghề nông thôn được công nhận sản phẩm OCOP.

- Tổ chức Hội đồng đánh giá phân hạng các sản phẩm OCOP theo phân cấp, trong đó có các sản phẩm ngành nghề nông thôn đạt chuẩn OCOP theo quy định.

e) Phát triển du lịch gắn với phát triển ngành nghề nông thôn, nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống

- Thực hiện bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc các nghề truyền thống, làng nghề truyền thống gắn với hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn và dịch vụ nhằm phục vụ khách du dịch.

- Hình thành các tour, tuyến, điểm du lịch gắn kết với các địa phương có các sản phẩm đặc sản của nghề truyền thống, làng nghề truyền thống nhằm giới thiệu, quảng bá với khách du lịch trong và ngoài nước.

g) Bảo vệ môi trường

- Tuyên truyền, phổ biến các mô hình, công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường phù hợp với các hoạt động ngành nghề nông thôn để khuyến khích doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đổi mới máy móc, thiết bị, công nghệ thân thiện môi trường nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường từ các hoạt động phát triển ngành nghề nông thôn.

- Các sở, ngành liên quan và UBND cấp huyện triển khai thực hiện hỗ trợ bảo vệ môi trường các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh.

Chi tiết phụ lục đính kèm.

5. Triển khai thực hiện dự án hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn

Triển khai thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn theo Quyết định số 938/QĐ-UBND, nhằm góp phần phát triển các ngành nghề nông thôn; bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh.

6. Kinh phí thực hiện

a) Kinh phí thực hiện các chương trình

Thực hiện lồng ghép các nguồn kinh phí từ các chương trình hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn, kinh phí dự kiến hỗ trợ là 9.799 triệu đồng, trong đó:

- Nguồn ngân sách trung ương: 2.412 triệu đồng;

- Ngân sách địa phương: 7.387 triệu đồng.

b) Kinh phí thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn

- UBND cấp huyện triển khai thực hiện dự án hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn; bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống, làng nghề truyền thống trên địa bàn; đề xuất nội dung và kinh phí hỗ trợ theo Quyết định số 938/QĐ-UBND và gửi về Sở Nông nghiệp và PTNT tổng hợp.

- Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với UBND cấp huyện tổng hợp kinh phí thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn từ các nguồn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương (nguồn vốn đầu tư, chi thường xuyên theo phân cấp) và các nguồn vốn hợp pháp khác, để tổng hợp tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện theo quy định.

III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn theo Nghị định số 52/2018/NĐ-CP; tham mưu cấp thẩm quyền ban hành chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn; bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

2. Tổ chức lại sản xuất theo hướng tăng cường hợp tác, liên kết doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình để phát triển các ngành nghề nông thôn địa phương có thế mạnh phát triển; đồng thời bảo tồn các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống theo hướng hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm thông qua các hợp đồng liên kết gắn quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên tham gia liên kết.

3. Phát triển các vùng nguyên liệu gắn sản xuất với sơ chế, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm ngành nghề nông thôn theo chuỗi giá trị.

4. Bảo vệ môi trường gắn với phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn theo định hướng đa dạng hóa các loại hình du lịch, trong đó chú trọng phát triển loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn cụ thể: từng bước hình thành các vùng nông nghiệp công nghệ cao, vùng chuyên canh các loại cây trồng, cây ăn quả và các lễ hội truyền thống gắn với du lịch nông nghiệp, nông thôn nhằm giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ các sản phẩm đặc sản với các điểm, tuyến du lịch để thu hút khách du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn.

5. Huy động nguồn lực hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn từ các chương trình: xúc tiến thương mại; khoa học công nghệ; đào tạo nghề cho lao động nông thôn; khuyến công và Chương trình OCOP. Kinh phí hỗ trợ phát triển các ngành nghề nông thôn từ ngân sách trung ương; ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác.

6. Nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, đặc biệt chú trọng hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại điện tử đối với các sản phẩm nghề truyền thống và sản phẩm đặc sản khác của địa phương.

7. Kiểm tra tình hình phát triển ngành nghề nông thôn, các hoạt động nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và UBND cấp huyện triển khai thực hiện kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn năm 2024; rà soát nội dung, kinh phí thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn, tổng hợp gửi Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện theo quy định.

- Tham mưu UBND tỉnh thành lập Hội đồng xét và công nhận các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống theo quy định.

- Phối hợp kiểm tra tình hình phát triển ngành nghề nông thôn và hoạt động các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh (kinh phí sử dụng lồng ghép từ nguồn kinh phí Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới hàng năm).

- Định kỳ hoặc đột xuất báo cáo kết quả thực hiện phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh gửi UBND tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2. Văn phòng Điều phối Xây dựng nông thôn mới tỉnh

- Triển khai thực hiện Chương trình OCOP theo kế hoạch này; hướng dẫn các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân có các sản phẩm lĩnh vực ngành nghề nông thôn lập hồ sơ đề nghị xét và công nhận sản phẩm OCOP theo phân cấp.

- Tham mưu trình UBND tỉnh công nhận các sản phẩm ngành nghề nông thôn đạt tiêu chuẩn OCOP theo quy định.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Phối hợp các sở, ngành liên quan và UBND cấp huyện để tổng hợp nhu cầu vốn đầu tư phát triển từ các chương trình, kế hoạch và dự án hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh.

- Tham mưu UBND tỉnh bố trí nguồn vốn đầu tư từ Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới để thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh.

4. Sở Tài chính

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT và các đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện Kế hoạch theo quy định.

5. Sở Công Thương

- Tham mưu UBND tỉnh xét tặng danh hiệu theo Nghị định số 123/2014/NĐ-CP ngày 25/12/2014 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ.

- Thực hiện chương trình xúc tiến thương mại và nâng cao hiệu quả các hoạt động khuyến công hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển ngành nghề nông thôn, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

6. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Tuyên truyền, phổ biến các mô hình, công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường phù hợp với lĩnh vực ngành nghề để khuyến nghị các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đổi mới máy móc, thiết bị, công nghệ thân thiện môi trường nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường từ các hoạt động phát triển ngành nghề nông thôn.

- Phối hợp các sở, ngành liên quan và UBND cấp huyện triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường theo kế hoạch này trên địa bàn tỉnh.

7. Sở Khoa học và Công nghệ

Phối hợp triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn; hướng dẫn các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện truy xuất nguồn gốc, mã số mã vạch đối với các sản phẩm ngành nghề nông thôn.

8. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển du lịch gắn với phát triển ngành nghề nông thôn và các hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn gần với quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ các sản phẩm ngành nghề nông thôn.

- Tham mưu UBND tỉnh xét tặng danh hiệu theo Nghị định số 62/2014/NĐ-CP ngày 25/6/2014 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.

- Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tổ chức, cá nhân có liên quan lập danh sách hỗ trợ cho các "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể có hoàn cảnh khó khăn để góp phần bảo tồn và phát triển các ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh.

9. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Phối hợp triển khai thực hiện nhiệm vụ đào tạo nghề phục vụ phát triển ngành nghề nông thôn theo kế hoạch này, tham mưu trình UBND tỉnh Quyết định ban hành kế hoạch đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh năm 2024.

- Phối hợp các sở, ngành, đơn vị liên quan thực hiện rà soát, bổ sung Danh mục nghề đào tạo, mức chi phí hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh phù hợp nhu cầu đào tạo nghề thực tiễn.

10. Sở Thông tin và Truyền thông

Thông tin, tuyên truyền về các chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn theo kế hoạch này đến các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và hộ gia đình tiếp cận tham gia các chương trình, dự án và được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn.

11. Đài Phát thanh và Truyền hình Tây Ninh

- Phối hợp các sở, ngành liên quan và UBND cấp huyện tuyên truyền các chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn theo kế hoạch này; phổ biến kết quả triển khai thực hiện từ các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn có hiệu quả để nhân rộng trên địa bàn tỉnh.

- Các sở, ngành liên quan và UBND cấp huyện phối hợp với phòng Dịch vụ - Quảng cáo (ĐT: 0276 3817777) - Đài Phát thanh và Truyền hình Tây Ninh, để xây dựng danh mục thực hiện hợp đồng tuyên truyền theo quy định.

12. Liên minh Hợp tác xã tỉnh

Hỗ trợ thành lập các hợp tác xã, hội, hiệp hội lĩnh vực ngành nghề nông thôn nhằm tăng cường liên kết giữa các thành phần kinh tế để phát triển sản xuất các ngành nghề nông thôn có hiệu quả góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đồng thời phối hợp triển khai thực hiện các chương trình, dự án, mô hình để khuyến khích phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác làm đầu mối phát triển các ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh.

13. UBND các huyện, thị xã, thành phố

- Triển khai thực hiện nội dung theo kế hoạch này, tập trung phối hợp các sở, ban, ngành liên quan triển khai thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn có hiệu quả.

- Rà soát, lập hồ sơ đề nghị xét và công nhận các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn theo quy định Điều 5, Điều 6 Nghị định số 52/2018/NĐ-CP.

- Triển khai thực hiện xã nông thôn mới đạt tiêu chí 13.4 bảo tồn, phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với hạ tầng về bảo vệ môi trường; bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống và đề xuất kinh phí hỗ trợ bảo tồn và phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn.

- Kiểm tra tình hình phát triển ngành nghề nông thôn; báo cáo kết quả thực hiện phát triển ngành nghề nông thôn và các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn; lập danh sách các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống sau khi được công nhận không đạt tiêu chí quy định trình UBND tỉnh xem xét, thu hồi bằng công nhận theo quy định.

VI. CHẾ ĐỘ TỔNG HỢP BÁO CÁO

Các sở, ngành liên quan và UBND cấp huyện triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công theo kế hoạch này và báo cáo kết quả thực hiện phát triển ngành nông thôn năm 2024 và xây dựng kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn năm 2025 gửi về Sở Nông nghiệp và PTNT trước ngày 30 tháng 10 năm 2024, theo địa chỉ số: 96, Phạm Tung, Phường 3, thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ Nông nghiệp và PTNT.

Trên đây là Kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Tây Ninh năm 2024. Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc phản ánh về Sở Nông nghiệp và PTNT tổng hợp, báo cáo đề xuất UBND tỉnh giải quyết kịp thời./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- CT, các PCT. UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành, Đoàn thể liên quan;
- VP.Điều phối XDNTM tỉnh;
- Đài PTTH Tây Ninh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- LĐVP, CVK;
- Lưu: VT, VP. UBND tỉnh.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Văn Chiến

 


PHỤ LỤC

TỔNG HỢP CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN NGÀNH NGHỀ NÔNG THÔN NĂM 2024
(Kèm theo Kế hoạch số 533/QĐ-UBND ngày 26 tháng 02 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

ĐVT: triệu đồng

TT

Nội dung

Tổng số

Phân theo nguồn vốn

Ghi chú (tóm tắt nội dung triển khai thực hiện các chương trình hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn)

NSTW

NSĐP

Vốn đối ứng

1

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn phục vụ phát triển NNNT

4,095

2,412

1,683

 

Thực hiện 43 lớp với số lượng 1.380 học viên tham gia đào tạo nghề phi nông nghiệp phục vụ phát triển ngành nghề nông thôn theo kế hoạch đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn năm 2024

2

Khoa học và công nghệ

 

 

 

 

Tham mưu UBND tỉnh phê duyệt các để tài KHCN cấp tỉnh mới và tiếp tục thực hiện đề tài KHCN năm 2023 chuyển sang năm 2024

3

Xúc tiến thương mại và hội chợ trong và ngoài tỉnh

3,200

 

3,200

 

Tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh (từ nguồn kinh phí xúc tiến thương mại năm 2024 của tỉnh)

4

Khuyến công hỗ trợ máy móc, thiết bị phát triển sản xuất kinh doanh các ngành nghề nông thôn

2,400

 

2,400

 

Triển khai thực hiện các mô hình khuyến công hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và hộ gia đình đổi mới máy móc, trang thiết bị phát triển sản xuất kinh doanh các ngành nghề nông thôn

5

Bảo vệ môi trường; du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề

 

 

 

 

Triển khai thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ môi trường; phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn và làng nghề

6

Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)

104

 

104

 

Triển khai thực hiện Chương trình OCOP

 

Tổng cộng

9,799

2,412

7,387

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 533/KH-UBND năm 2024 phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Tây Ninh năm 2024

  • Số hiệu: 533/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 26/02/2024
  • Nơi ban hành: Tỉnh Tây Ninh
  • Người ký: Trần Văn Chiến
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 26/02/2024
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản