Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 5200/KH-UBND | Ninh Thuận, ngày 06 tháng 11 năm 2024 |
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN KINH TẾ BAN ĐÊM TỈNH NINH THUẬN ĐẾN NĂM 2030
Căn cứ Quyết định số 611/QĐ-UBND ngày 22/10/2024 của UBND tỉnh về phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm tỉnh Ninh Thuận đến năm 2030, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện, cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
a) Nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp được xác định trong Đề án phát triển kinh tế ban đêm tỉnh Ninh Thuận đến năm 2030 được phê duyệt tại Quyết định số 611/QĐ-UBND ngày 22/10/2024 của UBND tỉnh.
b) Xác định trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể, tiến độ, thời gian, sản phẩm cụ thể của từng ngành, địa phương trong triển khai thực hiện Đề án, qua đó tạo ra sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; nâng cao hiệu quả điều hành của các ngành, các cấp trong phát triển kinh tế ban đêm.
2. Yêu cầu
a) Nêu cao tinh thần, trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, địa phương; việc tổ chức triển khai các nhiệm vụ phải được thực hiện một cách nghiêm túc, quyết liệt, kịp thời.
b) Tạo sự thống nhất giữa các ngành, các cấp và cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế ban đêm của tỉnh. Xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng để tổ chức triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế của từng ngành, địa phương.
II. CÁC NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Nhiệm vụ chung
Giao các Sở, ban, ngành, các đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan:
a) Tập trung tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy của cán bộ, công chức, viên chức về tầm quan trọng và các nguy cơ, rủi ro của kinh tế ban đêm đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
b) Tham mưu triển khai và thực hiện đầy đủ, rõ ràng, nhất quán quan điểm, mục tiêu và giải pháp về phát triển kinh tế ban đêm; lồng ghép phát triển kinh tế ban đêm vào các chương trình, kế hoạch và định hướng phát triển của tỉnh, của từng ngành, lĩnh vực, địa phương.
c) Tăng cường phối hợp trong quản lý, kiểm tra, giám sát các hoạt động kinh tế ban đêm; chủ động xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ năng lực và kinh nghiệm về phát triển kinh tế-xã hội và văn hóa để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với hoạt động về đêm.
2. Nhiệm vụ cụ thể
a) Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Chủ trì, tham mưu bố trí nguồn vốn đầu tư công đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển kinh tế ban đêm.
- Tham mưu UBND tỉnh theo dõi, giải trình, hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 làm cơ sở tổ chức triển khai thực hiện các chương, trình dự án trong quy hoạch.
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư khu đô thị mới, các dự án du lịch trọng điểm, Trung tâm Thương mại tại khu đất Nhà văn hóa tỉnh,...; hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư; kiến nghị sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách ưu đãi bảo đảm phù hợp, thu hút các nhà đầu tư chiến lược và các nhà đầu tư thứ cấp, cộng đồng tham gia phát triển các dịch vụ kinh tế ban đêm.
- Chủ trì, lồng ghép các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế ban đêm vào các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm và hàng năm của tỉnh.
- Phối hợp với Cục Thống kê tham mưu bổ sung các chỉ tiêu thống kê hoạt động kinh tế ban đêm vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hàng năm để theo dõi quản lý sau khi Tổng cục Thống kê ban hành.
b) Sở Tài chính
- Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, các đơn vị có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trình cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí kinh phí (vốn sự nghiệp) thực hiện Đề án theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
- Nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh triển khai các cơ chế, chính sách, biện pháp nhằm tạo nguồn cho các chi phí phát sinh liên quan tới quản lý kinh tế ban đêm theo đúng quy định pháp luật.
c) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
- Phối hợp Ủy ban nhân dân thành phố Phan Rang-Tháp Chàm và các địa phương xây dựng các chương trình tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật; vận động các câu lạc bộ, nhóm nhảy tham gia biểu diễn nghệ thuật tại các khu vực quy hoạch phát triển kinh tế ban đêm, như: phố đi bộ, chợ đêm, quảng trường, công viên biển Bình Sơn; vận động các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ, du lịch tham gia các gian hàng để quảng bá các tour, tuyến du lịch, các gian hàng ẩm thực, các hoạt động vui chơi giải trí,…
- Phối hợp Hiệp hội Du lịch vận động các doanh nghiệp nghiên cứu đầu tư khai thác, kinh doanh hoạt động, dịch vụ du lịch phục vụ phát triển kinh tế ban đêm tại các điểm văn hóa, lịch sử, vui chơi giải trí công cộng, khu vực phát triển kinh tế ban đêm.
- Nghiên cứu tổ chức hoạt động biểu diễn, các sự kiện văn hóa nghệ thuật, thể thao; lồng ghép đề xuất các sự kiện ban đêm trong việc xây dựng và triển khai các sự kiện, lễ hội văn hóa đặc sắc hàng năm, thiết lập chuỗi sự kiện xuyên suốt trong năm; bổ sung các dịch vụ phục vụ du khách tại các điểm văn hóa lịch sử mở cửa về đêm.
- Phối hợp với các Sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan tham mưu đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, đưa vào hoạt động các dự án du lịch, nhất là dự án du lịch ven biển quy mô lớn, đẳng cấp cao để thu hút khách du lịch đến với tỉnh, như: Dự án Khu Resort nghỉ dưỡng cao cấp tiêu chuẩn Quốc tế 5 sao kết hợp với tuyến phố thương mại ẩm thực; Dự án Khu du lịch Bình Tiên (giai đoạn 2); Dự án SunBay Park Hotel & Resort; Dự án Khu du lịch sinh thái Nam Núi Chúa; Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Royal Ninh Thuận; Dự án Khu du lịch Cap Padaran Mũi Dinh;…
d) Sở Xây dựng
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và địa phương có liên quan triển khai thực hiện các nội dung chương trình phát triển đô thị đã được phê duyệt. Đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, trình phê duyệt các quy hoạch đô thị trên địa bàn tỉnh theo phân cấp; lồng ghép các nội dung phát triển kinh tế ban đêm trong quá trình thẩm định, góp ý các quy hoạch đô thị trên địa bàn tỉnh.
- Tham mưu đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện, trình phê duyệt Đồ án quy hoạch khu du lịch quốc gia Ninh Chữ, làm cơ sở đầu tư phát triển du lịch và phát triển kinh tế ban đêm.
đ) Sở Công Thương
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan nghiên cứu triển khai các chính sách thương mại và dịch vụ phù hợp để thúc đẩy phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn tỉnh.
- Tham mưu rà soát, hoàn thiện hệ thống quy định về quản lý, kinh doanh hoạt động kinh tế ban đêm đối với các loại hình chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng kinh doanh tổng hợp, chuyên doanh… tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người dân tham gia tích cực, hiệu quả vào phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn tỉnh.
- Khai thác hiệu quả hoạt động Trung tâm Thương mại (Vincom) và hệ thống các siêu thị; tham mưu đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành và đưa vào hoạt động Trung tâm Thương mại GO! Ninh Thuận trong năm 2024 để đáp ứng nhu cầu mua sắm, vui chơi giải trí về đêm của người dân.
- Phối hợp với các sở, ngành, địa phương tiếp tục kêu gọi đầu tư các trung tâm thương mại với quy mô lớn, các cửa hàng trưng bày sản phẩm OCOP địa phương và nhất là các cửa hàng tiện lợi mở cửa 24/24 giờ tại trung tâm thành phố, thị trấn hoặc gần các điểm du lịch, khách sạn, nhà hàng, nhằm phục vụ và đáp ứng tốt nhất nhu cầu cho các thành phần hoạt động trong kinh tế ban đêm.
e) Sở Lao động-Thương binh và Xã hội
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan triển khai, thực hiện chính sách về lao động, việc làm, thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện pháp luật về lao động nhằm bảo đảm môi trường và điều kiện làm việc cho người lao động làm việc về đêm trên địa bàn tỉnh.
- Lồng ghép nội dung giới thiệu việc làm, đào tạo phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế ban đêm vào kế hoạch phát triển nguồn nhân lực chung của tỉnh hằng năm và theo giai đoạn.
g) Sở Y tế: Theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp với các Sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý, tăng cường tham tra, kiểm tra công tác bảo đảm an toàn vệ sinh, an toàn thực phẩm; phòng, chống các dịch bệnh; chăm sóc y tế cho người dân, khách du lịch tại các khu vực kinh tế ban đêm trên địa bàn tỉnh.
h) Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn Đài phát thanh và truyền hình tỉnh triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi nội dung Đề án; đồng thời, xây dựng các chuyên đề tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm du lịch, kinh tế ban đêm địa phương để phổ biến rộng rãi, thu hút sự quan tâm người dân và du khách đến với tỉnh.
Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục tham mưu triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số; đầu tư, nâng cấp hạ tầng về thông tin, mạng công cộng phù hợp với nhu cầu hoạt động kinh tế ban đêm.
i) Công an tỉnh
- Chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương thực hiện công tác bảo đảm an ninh, trật tự, phòng cháy chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn tại các địa bàn có tổ chức hoạt động kinh tế ban đêm. Làm tốt công tác phòng ngừa, đấu tranh với những hành vi vi phạm pháp luật; chỉ đạo công an các địa phương phân công lực lượng thường trực bảo đảm an ninh, trật tự tại các địa bàn phát triển kinh tế ban đêm.
- Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án số 02/ĐA-BCA-V01 ngày 18/01/2022 của Bộ Công an về công tác công an bảo đảm an ninh, trật tự góp phần phát triển kinh tế ban đêm phù hợp với đặc điểm, tình hình địa phương để tổ chức thực hiện.
- Chủ động tham mưu khảo sát, đánh giá toàn diện những vấn đề phức tạp liên quan đến an ninh, trật tự trong phát triển kinh tế ban đêm ở địa phương để có phương án ứng phó bảo đảm không bị động trong mọi tình huống.
- Tham mưu xây dựng, phát triển những mô hình phong trào toàn dân tham gia bảo vệ Tổ quốc, nhất là trên địa bàn tổ chức các hoạt động kinh tế ban đêm.
k) Cục thuế tỉnh: Triển khai các hoạt động quản lý nhà nước về thuế; thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn về chính sách thuế cho các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh tế ban đêm. Phối hợp với các sở, ban, ngành cập nhật triển khai các chính sách, biện pháp ưu đãi thuế đối với các cá nhân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp tham gia kinh doanh dịch vụ kinh tế ban đêm.
l) Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương lồng ghép các chương trình, dự án, nội dung xúc tiến đầu tư, quảng bá kinh tế ban đêm vào các chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch của tỉnh để mời gọi đầu tư.
- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các hiệp hội, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch, các hội chợ, chương trình kết nối, liên kết, tổ chức các sự kiện festival, carnaval… và các hoạt động, dịch vụ phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn tỉnh.
- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, tham gia đề xuất các tour, tuyến, điểm, khu du lịch có thể khai thác, cung cấp các sản phẩm du lịch về đêm; phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các công ty lữ hành để khảo sát, đánh giá nhu cầu sử dụng dịch vụ, sản phẩm về đêm của du khách trong nước và quốc tế.
- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các huyện, thành phố đề xuất phát triển các sản phẩm du lịch mới; xây dựng các chương trình quảng bá, đẩy mạnh xúc tiến du lịch, quảng bá các hoạt động kinh tế ban đêm, thu hút đầu tư, thu hút khách du lịch nhằm quảng bá thương hiệu và hình ảnh tỉnh Ninh Thuận.
m) Giao UBND thành phố Phan Rang-Tháp Chàm chủ trì, phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các cơ quan liên quan:
- Tổ chức tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm và đề xuất giải pháp để mở rộng quy mô, phạm vi hoạt động tuyến phố đi bộ; trên cơ sở đó đề xuất giải pháp tổ chức, quản lý hoạt động phố đi bộ bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế.
- Triển khai thực hiện quy hoạch, phát triển các địa điểm, sản phẩm phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn thành phố đáp ứng yêu cầu về lộ trình, mục tiêu theo đề án được phê duyệt.
- Tổ chức khai thác, quản lý, phát triển kinh tế ban đêm một cách hiệu quả các khu vực, địa điểm hiện hữu trên địa bàn thành phố, như: Phố đi bộ, chợ đêm, các khu vực kinh tế đêm tại các tuyến đường Nguyễn Tri Phương, Trần Nhân Tông, Hoàng Diệu, các tuyến phố thuộc Khu K1, công viên biển Bình Sơn-Ninh Chữ;… Đẩy nhanh tiến độ lập, trình phê duyệt chủ trương đầu tư và tổ chức thực hiện dự án công viên biển Bình Sơn (khu 4,575ha) để phát triển kinh tế ban đêm.
n) UBND các huyện, thành phố
- Chịu trách nhiệm quản lý toàn diện hoạt động phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn, địa phương mình quản lý. Cử cơ quan chức năng phối hợp với Công an tỉnh, Sở Y tế và các Sở, ngành có liên quan trong việc bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường tại các khu vực phát triển kinh tế ban đêm.
- Chủ động quy hoạch, đầu tư phát triển những khu vực, địa điểm, các loại hình, sản phẩm, dịch vụ phát triển kinh tế ban đêm theo Đề án được phê duyệt, như: Tổ hợp giải trí, nghỉ dưỡng biển khu vực Đầm Nại, khu đô thị sinh thái tại khu vực phía Bắc thuộc thôn Khánh Hội, xã Tri Hải, huyện Ninh Hải; thị trấn Tân Sơn; thị trấn Phước Dân; khu du lịch tại Vĩnh hy, Mũi Dinh, khai thác các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực,.. tại 2 vườn Quốc gia Phước Bình, Núi Chúa,… các tổ hợp, dự án du lịch khu ven biển Phía Nam của tỉnh.
- Xây dựng kế hoạch triển khai các loại hình, sản phẩm, phát triển kinh tế ban đêm gắn lộ trình thực hiện cụ thể, phù hợp với điều kiện, khả năng đáp ứng của hệ thống cơ sở hạ tầng, nhu cầu cung cấp các dịch vụ về đêm, khả năng bố trí nguồn lực và huy động doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn.
- Bố trí nguồn lực đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng về đô thị, môi trường, chiếu sáng, vỉa hè, công viên, cây xanh,… để thu hút phát triển kinh tế ban đêm.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
1. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan thường trực Đề án) theo dõi việc triển khai thực hiện Đề án và kế hoạch này của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Định kỳ tổng hợp tham mưu báo cáo tình hình triển khai thực hiện Đề án theo đúng quy định.
2. Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành thuộc tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ vào nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch này để triển khai thực hiện bảo đảm nghiêm túc, hiệu quả; báo cáo sơ kết, tổng kết Đề án và báo cáo tình hình thực hiện Đề án khi có yêu cầu (qua Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp).
Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vấn đề cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế, các Sở, ban, ngành, địa phương kịp thời có văn bản gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, chỉ đạo./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
PHỤ LỤC
MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN KINH TẾ BAN ĐÊM TỈNH NINH THUẬN ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo Kế hoạch số 5200/KH-UBND ngày 06/11/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh)
TT | Tên nhiệm vụ | Hình thức văn bản trình | Cơ quan chủ trì | Cơ quan phối hợp | Thời gian hoàn thành |
1 | Tuyên truyền, phổ biến nội dung Đề án phát triển kinh tế ban đêm tỉnh Ninh Thuận đến năm 2030 |
| Sở Thông tin và Truyền thông | Đài phát thanh truyền hình Ninh Thuận, các cơ quan báo chí | Tháng 11/2024 |
2 | Hướng dẫn thống kê các chỉ tiêu hoạt động kinh tế ban đêm | Văn bản | Cục Thống kê tỉnh | Các Sở, ngành liên quan | Sau khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư có Thông tư hướng dẫn |
3 | Nghiên cứu các chính sách, biện pháp tạo nguồn cho các chi phí liên quan tới quản lý kinh tế ban đêm sau khi Bộ Tài chính đề xuất các chính sách và hướng dẫn triển khai thực hiện các chính sách. | Văn bản | Sở Tài chính | Các Sở, ngành liên quan | Sau khi có hướng dẫn của Bộ Tài chính |
4 | Triển khai các chính sách, biện pháp ưu đãi thuế đối với hoạt động kinh tế ban đêm | Văn bản | Cục Thuế tỉnh | Các Sở, ngành, địa phương có liên quan | Sau khi có hướng dẫn của Bộ Tài chính |
5 | Triển khai các quy định về hoạt động và quản lý hoạt động vào ban đêm của các loại hình chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng kinh doanh tổng hợp | Văn bản | Sở Công Thương | Các Sở, ngành, địa phương có liên quan | Sau khi có hướng dẫn của Bộ Công Thương |
6 | Đánh giá hiệu quả Đề án tổ chức tuyến phố đi bộ trên địa bàn thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, đề xuất giải pháp thực hiện thời gian tới | Báo cáo | UBND thành phố Phan Rang Tháp Chàm | Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch | Tháng 12/2024 |
7 | Trình phê duyệt Đồ án Quy hoạch Khu du lịch Quốc gia Ninh Chữ | Quyết định | Sở Xây dựng | Các Sở, ngành, địa phương liên quan | Tháng 12/2024 |
8 | Phê duyệt chủ trương đầu tư dự án công viên Biển Bình Sơn (khu 4,575 ha) | Quyết định | UBND thành phố Phan Rang-Tháp Chàm | Sở Xây dựng và các cơ quan liên quan | Tháng 11/2024 |
9 | Đề xuất phương án Nâng cấp Bảo tàng tỉnh; Nâng cấp cải tạo Tháp Po Klong Garai, Tháp Hòa Lai, Đền Pô Inư Nưgar | Dự án | Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch | Các Sở, ngành, địa phương liên quan | 2026-2030 |
10 | Trình phê duyệt Quy hoạch Cảng Hàng Không Thành Sơn | Quyết định | Sở Giao thông vận tải | Các Sở, ngành, địa phương liên quan | Tháng 12/2024 |
Kế hoạch 5200/KH-UBND năm 2024 thực hiện Đề án phát triển kinh tế ban đêm tỉnh Ninh Thuận đến năm 2030
- Số hiệu: 5200/KH-UBND
- Loại văn bản: Kế hoạch
- Ngày ban hành: 06/11/2024
- Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Thuận
- Người ký: Lê Huyền
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra