Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA-VŨNG TÀU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 51/KH-UBND

Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 04 tháng 4 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

NÂNG CAO NĂNG LỰC ỨNG PHÓ CHỐNG KHỦNG BỐ VÀ CỨU HỘ, CỨU NẠN TẠI CÁC CẢNG BIỂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU

Bà Rịa - Vũng Tàu là một tỉnh ven biển, thuộc khu vực Đông Nam Bộ, phía Bắc giáp tỉnh Đồng Nai, phía Tây giáp Thành phố Hồ Chí Minh, phí Đông giáp tỉnh Bình Thuận, phía Nam giáp Biển Đông. Diện tích tự nhiên khoảng 1.980 km2, dân số khoảng 1.167.938 người (dân số thành thị chiếm 58,49% dân số toàn tỉnh). Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh, tập trung nhiều mục tiêu, công trình kinh tế trọng điểm thuộc ngành nghề kinh tế mũi nhọn như dầu khí, điện, đạm, cảng biển; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển, an ninh chính trị và trật tự xã hội luôn được đảm bảo. Đặc biệt, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có lợi thế cảng nước sâu để phát triển mạnh về kinh tế biển, đây là cửa ngõ hàng hải của cả khu vực Nam Bộ với hệ thống cảng nước sâu quy mô, hiện đại tầm cỡ khu vực và thế giới. Cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu là cảng biển đặc biệt, được quy hoạch với chức năng cảng cửa ngõ, trung chuyển quốc tế, cỡ tàu container trọng tải 80.000 ÷ 250.000 DWT (6.000 ÷ 240000 TEU) hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện; tàu tổng hợp, hàng lỏng/ khí trọng tải đến 150.000 DWT hoặc lớn hơn giảm tải phù hợp với điều kiện khai thác tuyến luồng hàng hải. Trong đó, tuyến luồng hàng hải Vũng Tàu - Thị Vải là một trong những tuyến luồng hàng hải quan trọng của cả nước với mật độ tàu thuyền dày đặc, tập trung các cảng biển lớn có khả năng tiếp nhận các tàu trọng tải lớn lên đến 160.000 DWT. Vì vậy, công tác đảm bảo an ninh, an toàn tuyến luồng hàng hải và tại các cảng biển là rất cần thiết, cấp bách.

Những năm gần đây, tình hình bất ổn chính trị, biểu tình, bạo loạn, khủng bố diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới, diễn biến ngày càng phức tạp. Tại Việt Nam nói chung và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng, thời gian qua tình hình an ninh chính trị tiếp tục được giữ vững, ổn định, tạo đà phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Tuy chưa xảy ra vụ việc khủng bố, nhưng trên địa bàn tỉnh vẫn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra khủng bố, phá hoại, đặc biệt là do các cá nhân, tổ chức khủng bố gây ra như “Việt tân”, “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời”, “Triều đại Việt”. Các tổ chức này luôn tìm mọi cách để chống phá Việt Nam, tính chất hoạt động ngày càng manh động, phức tạp, theo xu hướng bạo động, mang tính chất khủng bố, phá hoại.

Từ tình hình trên, để chủ động trong công tác phòng ngừa và thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 28/7/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch nâng cao năng lực ứng phó chống khủng bố và cứu hộ, cứu nạn tại các cảng biển trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Bảo đảm an ninh, an toàn cảng biển góp phần thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển cảng biển và dịch vụ hậu cần cảng biển, phục vụ phát triển kinh tế của địa phương.

Xây dựng, tổ chức thực hiện hiệu quả các nhóm nhiệm vụ, giải pháp và phân công trách nhiệm cụ thể giữa các cơ quan, đơn vị nhằm nâng cao năng lực ứng phó chống khủng bố và cứu hộ, cứu nạn hàng hải cho các cấp lãnh đạo, quản lý, nhân viên, người lao động làm việc trong lĩnh vực hàng hải, cảng biển trên địa bàn tỉnh.

Quán triệt đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan hoạt động cảng biển, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phòng, chống khủng bố và cứu hộ, cứu nạn; từ đó, phát huy tinh thần trách nhiệm, nâng cao cảnh giác và luôn có ý thức chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, ứng phó có hiệu quả, hạn chế tới mức thấp nhất hậu quả khi xảy ra tình huống khủng bố hoặc sự cố hàng hải tại các cảng biển.

2. Yêu cầu

Tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam, luật pháp quốc tế và các điều ước quốc tế về phòng, chống khủng bố và đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải, nhất là các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động cảng biển trong quản lý, vận hành, khai thác và trong xử lý vụ việc khủng bố, sự cố, tai nạn hàng hải.

Công tác phòng, chống khủng bố và cứu hộ, cứu nạn hàng hải phải lấy phòng ngừa là chính và phát huy vai trò, trách nhiệm của các đơn vị cơ sở theo phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ). Các lực lượng chuyên trách, chính quyền địa phương nơi có cảng biển, các cơ quan, tổ chức, cá nhân nhất là doanh nghiệp cảng biển phải luôn chủ động về phương án, kế hoạch, lực lượng, phương tiện và các điều kiện cần thiết khác sẵn sàng ứng phó, xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống khủng bố và sự cố, tai nạn hàng hải.

Trong ứng phó, xử lý tình huống khủng bố, cứu hộ, cứu nạn phải đảm bảo thống nhất trong chỉ đạo, chỉ huy, các lực lượng phối hợp đồng bộ, triển khai biện pháp nhanh chóng, kịp thời, thích hợp đảm bảo an toàn con người, tài sản, phương tiện, môi trường.

II. PHẠM VI, LỰC LƯỢNG THAM GIA, THỜI GIAN THỰC HIỆN

1. Phạm vi áp dụng

Các cảng biển thuộc địa giới hành chính tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Trên các tuyến luồng hàng hải thuộc địa giới tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

2. Lực lượng tham gia

Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố tỉnh, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh; lực lượng làm công tác đấu tranh phòng, chống khủng bố và cứu hộ, cứu nạn trực thuộc Công an, Quân sự, Biên phòng, Cảng vụ.

Các sở, ban, ngành liên quan (như Công an, Quân sự, Biên phòng, Sở Giao thông vận tải, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Y tế...) và chính quyền địa phương nơi có cảng biển (UBND thành phố Vũng Tàu, UBND thị xã Phú Mỹ).

Các lực lượng chức năng liên quan đến công tác quản lý, giám sát hoạt động tại các cảng biển như: Cảng vụ, Biên phòng, Cảnh sát PCCC, Cảnh sát đường thủy...

Các cảng biển và các tổ chức, doanh nghiệp có hoạt động liên quan cảng biển trên địa bàn tỉnh: các công ty đang trực tiếp quản lý, khai thác, vận hành, kinh doanh tại cảng; các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực dịch vụ hậu cần cảng biển; quản lý, vận hành các đội tàu đi lại trên các tuyến luồng hàng hải ra vào các cảng biển; doanh nghiệp chuyên hoạt động trong lĩnh vực cứu hộ, cứu nạn hàng hải...

3. Thời gian thực hiện

Kế hoạch được thực hiện thường xuyên, gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 28/7/2017 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng biển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu từ 2022 đến năm 2025, định hướng những năm tiếp theo.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP NÂNG CAO NĂNG LỰC ỨNG PHÓ CHỐNG KHỦNG BỐ VÀ CỨU HỘ, CỨU NẠN HÀNG HẢI

1. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác phòng, chống khủng bố và cứu hộ, cứu nạn hàng hải

Nắm vững chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các văn bản pháp lý, điều ước quốc tế liên quan hoạt động hàng hải, cảng biển và phòng, chống khủng bố, đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải; xem nhiệm vụ phòng, chống khủng bố và cứu hộ, cứu nạn hàng hải là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển cảng biển và dịch vụ hậu cần cảng biển của tỉnh. Từ đó, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống khủng bố và cứu hộ, cứu nạn hàng hải tại các cảng biển thuộc lĩnh vực, địa bàn phụ trách.

Lãnh đạo các sở, ban, ngành, lực lượng chức năng liên quan và chính quyền địa phương nơi có cảng biển phải luôn gương mẫu trong việc chấp hành pháp luật, thực hiện nghiêm nội quy, nguyên tắc an ninh, an toàn; quan tâm chỉ đạo công tác phòng, chống khủng bố và cứu hộ, cứu nạn tại các cảng biển; thường xuyên quán triệt cho cán bộ, nhân viên về vị trí, tầm quan trọng của nhiệm vụ phòng, chống khủng bố và cứu hộ, cứu nạn hàng hải, yêu cầu mỗi cán bộ, nhân viên khi thực thi nhiệm vụ phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, tinh thần cảnh giác, chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, kịp thời phát hiện, xử lý các dấu hiệu nghi vấn về hoạt động khủng bố hoặc làm ảnh hưởng đến an ninh, an toàn hàng hải.

Thường xuyên cập nhật, trao đổi thông tin về tình hình hoạt động của các tổ chức, đối tượng khủng bố và tình hình về tai nạn, sự cố hàng hải đến các ban, ngành, lực lượng chức năng, nhất là lực lượng làm nhiệm vụ quản lý, theo dõi, giám sát, điều hành hoạt động của cảng biển và các lực lượng bảo vệ an ninh, an toàn tại các cảng biển, các đơn vị hoạt động trên lĩnh vực cứu hộ, cứu nạn hàng hải. Thông tin cập nhật thường xuyên góp phần hỗ trợ hiệu quả cho các hoạt động tuyên truyền, đồng thời giúp cho các lực lượng chức năng, các doanh nghiệp hoạt động tại cảng biển kịp thời nắm được âm mưu, ý đồ, phương thức hoạt động của các đối tượng khủng bố, nắm được những nguy cơ sự cố hàng hải có khả năng xảy ra tại các cảng biển. Qua đó, nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động công tác phòng ngừa, có kế hoạch bố trí nhân lực, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật, tài chính... đảm bảo đáp ứng yêu cầu phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý tình huống khủng bố hay sự cố hàng hải nhanh chóng, hiệu quả, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến thông tin, kiến thức liên quan đến hoạt động hàng hải, cảng biển, tội phạm, an toàn hàng hải... nhằm nâng cao nhận thức cho lãnh đạo, cán bộ, nhân viên của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp liên quan hoạt động cảng biển trên địa bàn tỉnh.

Đối tượng tuyên truyền là lãnh đạo, cán bộ, nhân viên thuộc các cơ quan quản lý Nhà nước và các tổ chức, doanh nghiệp liên quan hoạt động cảng biển trên địa bàn tỉnh, nhất là số cán bộ, nhân viên trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ, an ninh, an toàn, môi trường...

Nội dung tuyên truyền, phổ biến về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống khủng bố, “Luật phòng, chống khủng bố năm 2013”, các văn bản pháp lý quy định về an ninh, an toàn hàng hải; cập nhật thông tin về tình hình, công tác đấu tranh chống khủng bố nói chung và tình hình liên quan hoạt động khủng bố, an ninh, an toàn hàng hải nói riêng; phổ biến, triển khai nội dung các phương án, kế hoạch về phòng, chống khủng bố và ứng phó sự cố, tai nạn hàng hải tại các cảng biển...

Hình thức tuyên truyền, phổ biến có thể thông qua phương tiện thông tin truyền thông; thông qua cuộc họp quán triệt, triển khai nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cảng biển; thông qua tổ chức hội nghị tuyên truyền; biên soạn, phát tài liệu có nội dung ngắn gọn (dạng cẩm nang) quy định về quyền hạn, trách nhiệm, quy trình báo cáo, xử lý trong thực hiện phòng, chống khủng bố và cứu hộ, cứu nạn hàng hải... đến các lực lượng chức năng, ban lãnh đạo và người lao động trong các doanh nghiệp cảng biển; có thể tổ chức tuyên truyền lông ghép trong các buổi tập huấn, cuộc diễn tập về ứng phó chống khủng bố và cứu hộ, cứu nạn tại các cảng biển.

2. Tăng cường triển khai công tác phòng ngừa khủng bố và tai nạn, sự cố hàng hải

- Nắm tình hình, quản lý đối tượng, đẩy mạnh đấu tranh xử lý, răn đe số đối tượng liên quan tổ chức phản động, khủng bố nói chung và số đang có ý đồ, hoạt động khủng bố, phá hoại tại khu vực cảng biển nói riêng, các loại tội phạm về trật tự xã hội cũng như các hoạt động vi phạm làm ảnh hưởng an ninh, an toàn hàng hải.

- Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, bảo vệ mục tiêu tại các cảng biển, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hoạt động nghi vấn khủng bố, phá hoại, trộm cắp tài sản hoặc làm ảnh hưởng đến an ninh, an toàn tại khu vực cảng biển. Công tác tuần tra kiểm soát, bảo vệ mục tiêu phải đặc biệt chú trọng, tăng cường bảo vệ khi có các sự kiện quan trọng như: Đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến thăm và làm việc; buổi lễ đón nhận các tàu tải trọng lớn, mang tính quảng bá hình ảnh cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu. Cần chú ý các dấu hiệu, hành vi nghi vấn khủng bố phổ biến như: việc mang vác đồ vật lạ vào cảng; sự bất thường trong thời gian ra vào cảng; việc quay phim, chụp ảnh các vị trí, bộ phận quan trọng khi chưa được phép... Qua đó giúp các doanh nghiệp cảng biển định hướng trong công tác phòng ngừa, phát hiện hoạt động khủng bố từ sớm, từ xa.

Hiện đại hóa hệ thống báo hiệu hàng hải để nâng cao khả năng hỗ trợ hàng hải trên các tuyến luồng nhất là các tuyến luồng quan trọng, khu vực có địa hình phức tạp giúp hạn chế tối đa các tai nạn, sự cố hàng hải. Khảo sát, lắp đặt phương tiện kỹ thuật (như camera, thiết bị cảnh báo tự động, thiết bị định vị...) tại các cảng biển hỗ trợ cho việc theo dõi, giám sát, kịp thời phát hiện các dấu hiệu, hành vi gây nguy hiểm làm mất an ninh, an toàn và các hành vi xâm nhập trái phép, hành vi nghi vấn khủng bố. Cụ thể, các lực lượng chuyên trách gồm Cảng vụ, Biên phòng, Công an trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cần phối hợp các doanh nghiệp chủ động nghiên cứu, tính toán và đề nghị các doanh nghiệp cảng biển bố trí lắp đặt trang thiết bị kỹ thuật tại các vị trí phù hợp đảm bảo vừa phục vụ tốt cho công tác quản lý, giám sát, vừa kịp thời phát hiện các vụ việc liên quan an ninh, an toàn hàng hải và hoạt động khủng bố, phá hoại.

Thường xuyên rà soát bảo vệ nội bộ, loại khỏi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đối với cán bộ, nhân viên có quan hệ, móc nối với số đối tượng phản động, khủng bố hoặc cán bộ, nhân viên có ý thức tổ chức kỷ luật kém, không chấp hành kỷ luật lao động, có hành vi trộm cắp hoặc gây mất an ninh, an toàn hàng hải.

Kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp liên quan hoạt động cảng biển trong công tác bảo vệ mục tiêu, phòng, chống khủng bố, phòng, chống cháy nổ, công tác đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải để kịp thời chấn chỉnh, xử lý hoặc hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị, phục vụ hiệu quả công tác phòng ngừa khủng bố và tai nạn, sự cố tại khu vực cảng biển.

Tổ chức trực bảo vệ mục tiêu, trực xử lý sự cố đảm bảo nghiêm túc, đúng quy định. Các đơn vị, lực lượng chuyên trách nhất là lực lượng làm nhiệm vụ an ninh, an toàn tại các cảng biển thường xuyên nêu cao cảnh giác, tinh thần trách nhiệm, quán triệt phương châm “bốn tại chỗ” luôn chủ động về lực lượng, phương tiện, trang thiết bị và các điều kiện cần thiết khác sẵn sàng ứng phó, xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống khủng bố và sự cố, tai nạn hàng hải.

3. Nâng cao khả năng ứng phó, xử lý tình huống khủng bố và cứu hộ, cứu nạn hàng hải

Tổ chức đào tạo, tập huấn, huấn luyện nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng xử lý tình huống, cập nhật các kiến thức mới, kỹ năng sử dụng phương tiện, trang thiết bị mới, hiện đại trong công tác phòng, chống khủng bố và tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn.

Về đối tượng: lãnh đạo, cán bộ làm công tác quản lý Nhà nước liên quan lĩnh vực hàng hải, cảng biển; lực lượng chuyên trách tham gia ứng phó, xử lý tình huống thuộc Công an, Quân sự, Cảng vụ; lực lượng làm nhiệm vụ an ninh, an toàn tại các cảng biển như bảo vệ, nhân viên an ninh, an toàn, môi trường, lực lượng chữa cháy cơ sở, lực lượng làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn thuộc các tổ chức, doanh nghiệp có chức năng cứu hộ, cứu nạn.

Về hình thức: các đơn vị chuyên trách chọn cử cán bộ đi đào tạo, tập huấn tại các Trung tâm huấn luyện chuyên nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Cục Hàng hải Việt Nam; lực lượng chuyên trách của tỉnh tổ chức tập huấn, huấn luyện cho số cán bộ thuộc cơ quan Nhà nước ở các sở, ban, ngành, địa phương và lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ, an ninh, an toàn tại các doanh nghiệp cảng biển; các lực lượng Công an, Quân sự, Biên phòng thường xuyên tự tổ chức tập luyện, thực hành cho số cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia làm nhiệm vụ.

Xây dựng phương án phòng, chống khủng bố và phương án ứng phó tai nạn, sự cố tại các cảng biển sát với điều kiện, tình hình thực tế tại mục tiêu.

Tiến hành rà soát, đưa vào danh sách mục tiêu phòng, chống khủng bố của tỉnh đối với các mục tiêu cảng biển nhất là các cảng biển có quy mô lớn, có tính chất quan trọng. Xây dựng các phương án, kế hoạch phải căn cứ trên cơ sở khảo sát thực tế đối với từng mục tiêu, tuân thủ các quy trình xử lý, nguyên tắc an toàn, dự kiến được các tình huống có khả năng xảy ra cao để xây dựng phương án xử lý phù hợp, hiệu quả. Trong đó, đề cao vai trò, trách nhiệm của lực lượng tại chỗ tham gia xử lý tình huống ban đầu (như phát hiện, báo động, sơ tán người, phương tiện, phong tỏa hiện trường, tạm ngưng các thiết bị điện, chữa cháy, nắm tình hình diễn biến vụ việc...) tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng chuyên trách làm nhiệm vụ.

Thường xuyên tổ chức diễn tập phương án phòng, chống khủng bố và phương án ứng phó tai nạn, sự cố tại các cảng biển nhằm nâng cao khả năng chỉ đạo, chỉ huy, hiệp đồng tác chiến, bổ sung kiến thức, kinh nghiệm và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của lãnh đạo, cán bộ các cấp; kiểm tra khả năng đáp ứng của các lực lượng, phương tiện, máy móc, trang thiết bị khi xảy ra tình huống; tạo điều kiện để các lực lượng chuyên trách và các lực lượng liên quan rèn luyện, nâng cao kỹ năng phối hợp, thao tác xử lý, giải quyết tình huống khủng bố, phá hoại, các sự cố, tai nạn hàng hải.

Căn cứ tình hình thực tế có thể tổ chức diễn tập ở nhiều quy mô, cấp độ khác nhau, có thể diễn tập xử lý một tình huống điển hình hoặc diễn tập xử lý nhiều tình huống kết hợp, tổ chức diễn tập riêng hoặc lồng ghép trong diễn tập đánh giá an ninh cảng biển hàng năm.

4. Tăng cường công tác phối hợp giữa các lực lượng trong phòng, chống khủng bố và cứu hộ, cứu nạn

Tiếp tục thực hiện hiệu quả Quy chế phối hợp giữa Công an tỉnh và Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu trong công tác phòng, chống khủng bố và bảo đảm an ninh hàng hải. Thường xuyên trao đổi thông tin, phối hợp xử lý vụ việc và định kỳ tổ chức họp đánh giá sơ kết Quy chế phối hợp.

Các lực lượng Công an, Quân sự, Biên phòng, Cảng vụ và các doanh nghiệp cảng biển, các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ứng cứu sự cố hàng hải thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin liên quan đến tình hình an ninh, an toàn cảng biển, tình hình hoạt động của tội phạm khủng bố, kịp thời cảnh báo các nguy cơ về khủng bố và mất an ninh, an toàn hàng hải nói chung và tại các cảng biển nói riêng.

Các doanh nghiệp cảng biển hàng năm tổ chức họp đánh giá an ninh cảng biển có sự tham dự của các cơ quan quản lý Nhà nước, các đơn vị làm nhiệm vụ tại cảng biển; báo cáo, trao đổi thông tin định kỳ hoặc đột xuất về tình hình liên quan an ninh, an toàn cảng biển cho cơ quan quản lý, trực tiếp là Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu và các đơn vị khác liên quan như Công an, Bộ đội Biên phòng; ký kết các quy chế, kế hoạch phối hợp trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự, phòng, chống khủng bố, phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn với các đơn vị chức năng.

5. Tuyển chọn, bố trí nhân sự phù hợp; chủ động kinh phí, các điều kiện cần thiết phục vụ công tác phòng ngừa và công tác ứng phó, xử lý tình huống

Tuyển chọn, bố trí nhân sự có trách nhiệm và đủ năng lực chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với từng vị trí việc làm liên quan tới lĩnh vực hàng hải, cảng biển, cứu hộ, cứu nạn. Nhân sự bao gồm: cán bộ lãnh đạo, điều hành thuộc cơ quan Nhà nước và các tổ chức, doanh nghiệp; cán bộ, lực lượng trực tiếp tham gia chỉ huy hiện trường, làm nhiệm vụ ứng phó chống khủng bố, cứu hộ, cứu nạn thuộc các lực lượng chuyên trách của cơ quan Nhà nước (Công an, Quân sự, Biên phòng, Cảng vụ) và các tổ chức, doanh nghiệp cảng biển. Nghiên cứu có chế độ, chính sách thích hợp hỗ trợ các lực lượng trực tiếp tham gia làm nhiệm vụ ứng phó chống khủng bố và cứu hộ, cứu nạn.

Cần có cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp cảng biển và các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cứu hộ, cứu nạn nâng cao năng lực tự ứng phó với tình huống khủng bố, sự cố, tai nạn hàng hải nhất là trong giai đoạn xử lý ban đầu nhằm giảm thiểu thiệt hại tới mức thấp nhất và tạo điều kiện thuận lợi để lực lượng chuyên trách làm nhiệm vụ.

Dự toán kinh phí và có kế hoạch chi, sử dụng hiệu quả cho việc đầu tư mua sắm, trang bị các phương tiện, máy móc, trang thiết bị mới, hiện đại, nhất là các thiết bị chuyên dụng phục vụ công tác phòng, chống khủng bố và tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn hàng hải; kinh phí cho công tác huấn luyện, đào tạo lực lượng chuyên trách, lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ; giải quyết chế độ bồi dưỡng, chính sách hỗ trợ cho người gặp nạn khi tham gia ứng phó khủng bố, sự cố, tai nạn hàng hải; kinh phí cho tổ chức diễn tập và các điều kiện cần thiết khác phục vụ hiệu quả công tác phòng, chống khủng bố và cứu hộ, cứu nạn hàng hải.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Phân công trách nhiệm thực hiện

1.1. Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố tỉnh

Chỉ đạo các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố tỉnh tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện các nhiệm vụ công tác phòng, chống khủng bố thuộc lĩnh vực, địa bàn phụ trách; kịp thời tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định các chủ trương, kế hoạch, biện pháp về hoạt động phòng chống khủng bố, phá hoại trên địa bàn tỉnh.

Ban hành Kế hoạch công tác phòng, chống khủng bố hàng năm, trong đó chú trọng đến nhiệm vụ phòng, chống khủng bố tại các cảng biển. Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn về công tác phòng, chống khủng bố trên địa bàn tỉnh.

Phê duyệt phương án và chỉ đạo triển khai thực hiện các phương án phòng, chống khủng bố tại các mục tiêu, công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh trong đó có các mục tiêu cảng biển.

1.2. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh

Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các chủ trương, biện pháp nhằm nâng cao khả năng phòng ngừa, hạn chế thấp nhất tình huống mất an ninh, an toàn hàng hải tại các cảng biển trên địa bàn tỉnh.

Chỉ đạo các sở, ban, ngành và các đơn vị có liên quan thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn luôn chủ động, sẵn sàng về lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó sự cố hàng hải.

Nghiên cứu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trương đầu tư, mua sắm phương tiện, trang thiết bị, nhất là các loại phương tiện, trang thiết bị áp dụng công nghệ kỹ thuật cao đáp ứng hiệu quả yêu cầu cứu hộ, cứu nạn hàng hải; đồng thời có chính sách hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn hàng hải trên địa bàn tỉnh nâng cao năng lực ứng phó sự cố.

1.3. Công an tỉnh

Chủ trì tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng, triển khai Kế hoạch nâng cao năng lực ứng phó chống khủng bố và cứu hộ, cứu nạn hàng hải. Tham mưu Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, nhất là các sở, ngành liên quan và địa phương nơi có cảng biển có trách nhiệm xây dựng, triển khai kế hoạch thực hiện nghiêm túc, trước mắt là triển khai trong giai đoạn từ nay đến năm 2025.

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố tỉnh. Phối hợp các mục tiêu cảng biển, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp liên quan hoạt động cảng biển triển khai xây dựng phương án phòng, chống khủng bố và phương án phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn tại các mục tiêu cảng biển; tổ chức tuyên truyền, tập huấn về công tác phòng, chống khủng bố; tổ chức diễn tập xử lý tình huống khủng bố. Đến năm 2024, hoàn thành việc xây dựng phương án phòng, chống khủng bố và phương án phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn tại các mục tiêu cảng biển trên địa bàn tỉnh.

Phối hợp lực lượng Bộ đội Biên phòng, lực lượng an ninh của các doanh nghiệp cảng biển thường xuyên trao đổi thông tin, tuần tra, kiểm soát tại các khu vực cảng biển kịp thời phát hiện, xử lý đối với các hoạt động xâm nhập trái phép, dấu hiệu nghi khủng bố hoặc các sự cố mất an ninh, an toàn hàng hải.

Tăng cường công tác nắm tình hình, quản lý đối tượng, đẩy mạnh công tác đấu tranh trấn áp tội phạm, trong đó chú ý phát hiện, đấu tranh xử lý đối với số đối tượng liên quan tổ chức phản động, khủng bố có ý đồ, hoạt động khủng bố, phá hoại tại khu vực cảng biển, các loại tội phạm về trật tự xã hội cũng như các hoạt động vi phạm làm ảnh hưởng đến an ninh, an toàn hàng hải.

Thường xuyên tổ chức luyện tập, diễn tập; chủ động về lực lượng, phương tiện, vũ khí, trang thiết bị và các điều kiện cần thiết khác sẵn sàng chi viện, ứng phó xử lý kịp thời các tình huống khủng bố, phá hoại và cứu hộ, cứu nạn tại các cảng biển trên địa bàn. Đồng thời, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh mua sắm bổ sung phương tiện, trang thiết bị, nhất là các loại công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống khủng bố.

Phối hợp với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp liên quan hoạt động hàng hải, cảng biển xây dựng quy chế, kế hoạch phối hợp trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự, phòng chống khủng bố, phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn.

Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát cơ động, đặc nhiệm, Cảnh sát đường thủy, Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn tham gia chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn, bao vây phong tỏa hiện trường, truy bắt đối tượng, giám định, xác minh thông tin, nhận dạng nạn nhân... khi xảy ra tình huống khủng bố hoặc sự cố hàng hải tại các cảng biển.

1.4. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

Tăng cường công tác nắm, dự báo tình hình, thường xuyên phối hợp, trao đổi Công an tỉnh về tình hình, hoạt động của số đối tượng thuộc các tổ chức phản động, khủng bố trên địa bàn tỉnh; phối hợp các lực lượng tuần tra, kiểm soát bảo vệ an ninh, an toàn tại các khu vực cảng biển. Nắm, quản lý chặt hoạt động xuất, nhập cảnh tại khu vực biên giới biển, cửa khẩu cảng biển; chủ động phát hiện, ngăn chặn đối tượng trốn ra nước ngoài hoặc nhập cảnh trái phép vào địa bàn tỉnh nhằm thực hiện các hoạt động khủng bố, phá hoại.

Rà soát, chủ động về phương tiện, máy móc, trang thiết bị tìm kiếm, cứu nạn trên biển để kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền đầu tư, mua sắm bổ sung phương tiện, trang thiết bị cũng như phối hợp các lực lượng xác minh, truy bắt các đối tượng khủng bố, tội phạm trên biển.

Trao đổi với các đơn vị Quân đội đứng chân trên địa bàn tỉnh như Hải quân, Cảnh sát biển, các đơn vị Bộ đội Biên phòng trực thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng hỗ trợ lực lượng địa phương tham gia truy bắt đối tượng trên biển, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn khi vượt quá khả năng xử lý của địa phương.

Tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương theo chức năng huy động tàu, thuyền tham gia tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Phối hợp với Công an tỉnh tổ chức luyện tập, diễn tập và tham gia ứng phó chống khủng bố và cứu hộ, cứu nạn tại khu vực cảng biển.

1.5. Sở Giao thông vận tải

Rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch phát triển cảng biển và dịch vụ hậu cần cảng biển phù hợp với định hướng, quy hoạch của Nhà nước và của địa phương. Quản lý chặt chẽ hoạt động đầu tư, phát triển, mở rộng quy mô khai thác, sản xuất... của các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động các cảng biển; các dự án đầu tư mới cần được đánh giá thận trọng, phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế cảng biển đồng thời phải đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải.

Phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện cưỡng chế, giải tỏa đăng đáy, bè nuôi trồng thủy sản hoạt động trái phép trong phạm vi vùng nước cảng biển thuộc địa phận tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhằm bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải.

1.6. Sở Thông tin và Truyền thông

Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về pháp luật trong lĩnh vực hàng hải, thông tin cảnh báo về các hoạt động, hiện tượng gây mất an ninh, an toàn hàng hải nói chung và tại cảng biển nói riêng; tuyên truyền, phản bác đồng thời có biện pháp kiểm soát, ngăn chặn các thông tin xấu độc, xuyên tạc, sai sự thật liên quan đến hoạt động khủng bố hoặc tai nạn, sự cố hàng hải xảy ra tại các cảng biển nhằm mục đích chống phá.

Đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn cũng như xử lý tình huống khủng bố, truy bắt đối tượng trên biển nhất là trong điều kiện thời tiết xấu.

1.7. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường

Với vai trò là cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh chủ động tham mưu Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai có hiệu quả các chương trình, kế hoạch và các giải pháp mới trong công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục sự cố thiên tai nói chung và cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả do sự cố hàng hải, nhất là sự cố tràn dầu, tràn hóa chất gây ô nhiễm môi trường nói riêng.

Chủ động về lực lượng, phương tiện, trang thiết bị sẵn sàng ứng phó kịp thời phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn hàng hải; tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương theo chức năng huy động tàu, thuyền tham gia tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Phát đi kịp thời các tin cảnh báo, dự báo về thời tiết nguy hiểm, áp thấp nhiệt đới, bão, cảnh báo sóng thần cho các cảng biển, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động liên quan lĩnh vực hàng hải để chủ động kế hoạch ứng phó.

1.8. Sở Y tế

Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở y tế, bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng chuẩn bị thuốc, trang bị y tế và lực lượng sẵn sàng cơ động cấp cứu, vận chuyển, điều trị người bị nạn.

1.9. Sở Tài chính

Phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tham mưu cấp có thẩm quyền đảm bảo kinh phí thực hiện Kế hoạch theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, các văn bản hướng dẫn thi hành, theo phân cấp ngân sách hiện hành và khả năng cân đối ngân sách.

1.10. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố nơi có cảng biển

Huy động nhân lực, vật tư, phương tiện, máy móc, trang thiết bị của tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý để ứng phó tai nạn, sự cố tại địa phương. Trường hợp vượt quá khả năng, thẩm quyền phải kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn tỉnh.

Tuyên truyền, phổ biến kịp thời các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để các tổ chức, doanh nghiệp, người lao động tại các cảng biển nắm vững, hiểu rõ quyền hạn, trách nhiệm, nâng cao ý thức và tinh thần trách nhiệm trong công tác phòng, chống khủng bố và cứu hộ, cứu nạn.

Phát huy vai trò của cơ sở, thường xuyên quan tâm chỉ đạo lực lượng chuyên trách bảo đảm an ninh, trật tự tại các khu vực cảng biển; phối hợp tuần tra, kiểm soát an ninh tại cảng biển; chủ động về phương án, lực lượng, phương tiện và các điều kiện khác sẵn sàng ứng phó kịp thời các tình huống khủng bố, tai nạn, sự cố hàng hải tại cảng biển.

1.11. Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu

Thường xuyên kiểm tra, rà soát các tàu, ca nô công vụ hoạt động đảm bảo an toàn hàng hải và các thiết bị cẩu, bốc xếp sẵn sàng huy động ứng phó sự cố hàng hải, tham gia tìm kiếm cứu nạn trên biển và tại các vùng nước cảng biển.

Thường xuyên kiểm tra an toàn các tuyến luồng hàng hải trong khu vực quản lý; kiểm tra, giám sát việc duy tu hoạt động của hệ thống báo hiệu hàng hải; kiểm soát tàu, thuyền ra, vào khu neo đậu, vùng nước đơn vị quản lý và tàu thuyền hành trình trên luồng, kịp thời phát hiện và ứng phó tai nạn, sự cố hàng hải.

Hướng dẫn các doanh nghiệp cảng biển đánh giá an ninh cảng biển và kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch an ninh cảng biển đã được phê duyệt; hướng dẫn chủ tàu, doanh nghiệp cảng, tổ chức hoa tiêu xây dựng phương án, quy trình bảo đảm an toàn cho tàu container có trọng tải lớn ra vào các cảng.

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến đến các tổ chức, cá nhân, chủ phương tiện, các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động liên quan cảng biển về những quy định pháp luật liên quan công tác an toàn, an ninh hàng hải và tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển.

Xây dựng kế hoạch, tổ chức huấn luyện, diễn tập ứng phó sự cố hàng hải; hàng năm triển khai kiểm tra việc thực hiện, rà soát, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.

Chủ trì điều phối hoạt động giao thông hàng hải tại cảng biển, khu vực quản lý và tổ chức tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trong vùng nước cảng biển; huy động người và các phương tiện cần thiết để thực hiện việc tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn hoặc xử lý sự cố ô nhiễm môi trường.

Tổ chức trực ban nghiêm túc đảm bảo tiếp nhận, xử lý kịp thời các thông túi liên quan đến tàu, thuyền bị tai nạn, sự cố tràn dầu và các sự cố hàng hải khác tại các cảng biển và khu vực quản lý.

Thực hiện hiệu quả Quy chế phối hợp giữa Công an tỉnh và Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu trong công tác phòng, chống khủng bố và bảo đảm an ninh hàng hải.

1.12. Các cảng biển, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động liên quan ứng phó sự cố hàng hải

- Các doanh nghiệp cảng biển xây dựng, tổ chức hiệu quả kế hoạch phòng, chống khủng bố và ứng phó sự cố hàng hải; các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cứu hộ, cứu nạn hàng hải sẵn sàng tham gia vào hoạt động chung ứng phó sự cố theo sự điều động, chỉ huy của cơ quan có thẩm quyền. Hàng năm, có kế hoạch tập huấn hoặc cử cán bộ đi tập huấn, tổ chức diễn tập để nâng cao kỹ năng ứng phó.

Đầu tư phương tiện, trang thiết bị để từng bước nâng cao năng lực tự ứng phó của cảng; ký kết thỏa thuận, hợp đồng sẵn sàng ứng phó sự cố hàng hải với các đơn vị có năng lực ứng phó để chủ động triển khai khi có tình huống, đảm bảo kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại xảy ra.

2. Nguồn kinh phí đảm bảo

Nguồn kinh phí đảm bảo từ Ngân sách Trung ương, Ngân sách địa phương hỗ trợ và các nguồn hỗ trợ hợp pháp khác (nếu có):

Đối với kinh phí thuộc ngân sách Nhà nước: theo quy định phân cấp quản lý ngân sách nhà nước, các cơ quan, ban, ngành, địa phương chủ động lập dự toán kinh phí triển khai các nhiệm vụ trong kế hoạch giao, trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt hàng năm. Việc quản lý và sử dụng kinh phí từ Ngân sách Nhà nước thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn hiện hành.

Đối với các nguồn hợp pháp khác: việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí phải bảo đảm hiệu quả, theo quy định của pháp luật.

3. Trách nhiệm phối hợp và báo cáo

Giao Công an tỉnh chủ trì theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thực hiện Kế hoạch này.

Căn cứ nhiệm vụ, giải pháp và phân công trách nhiệm, Thủ trưởng các sở, ban, ngành và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai, thực hiện nghiêm túc; chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện, đảm bảo thiết thực, hiệu quả. Định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Công an tỉnh) trước ngày 01/11 hàng năm./.

 


Nơi nhận:
- TTr Tỉnh ủy, TTr HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- BCĐ PCKB tỉnh, BCH PCTT&TKCN tỉnh;
- Công an tỉnh, BCHQS tỉnh, BCH BĐBP tỉnh;
- Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu;
- Các sở, ban, ngành liên quan;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Lưu: VT, PCNC, CAT. (3)

CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Thọ

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 51/KH-UBND năm 2022 về nâng cao năng lực ứng phó chống khủng bố và cứu hộ, cứu nạn tại các cảng biển trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

  • Số hiệu: 51/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 04/04/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
  • Người ký: Nguyễn Văn Thọ
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 04/04/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản