Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 50/KH-UBND

Gia Lai, ngày 14 tháng 01 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

VỀ THỰC HIỆN CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NĂM 2021

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, góp phần xây dựng bộ máy chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh trong sạch, vững mạnh, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội bền vững; Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2021 trên địa bàn tỉnh Gia Lai như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, văn bản của Tỉnh ủy và UBND tỉnh về những nội dung liên quan đến công tác PCTN trên địa bàn tỉnh.

- Tăng cường trách nhiệm của thủ trưởng các cấp, các ngành trong việc chỉ đạo thực hiện công tác PCTN. Nâng cao nhận thức và tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) và Nhân dân trong công tác PCTN; đưa công tác PCTN trở thành một hoạt động trọng tâm, thường xuyên của các cơ quan, tổ chức nhà nước và thành nền nếp, thói quen trong đời sống xã hội.

- Phát hiện và chấn chỉnh, khắc phục kịp thời những hạn chế, yếu kém trong công tác PCTN, chống lãng phí và xử lý kịp thời, nghiêm minh các đối tượng có hành vi tham nhũng, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

2. Yêu cầu

- Thực hiện công tác PCTN phải gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi sở, ban, ngành; UBND huyện, thị xã, thành phố; doanh nghiệp nhà nước thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là các Cơ quan, đơn vị); đồng thời phải gắn với việc tiếp tục học tập, triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 30/10/2016 của Hội nghị lần thứ 4, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII "về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ"; Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

- Các cơ quan, đơn vị cần xây dựng kế hoạch cụ thể, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, điều kiện công tác của mình nhằm thực hiện đầy đủ, đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng. Tăng cường công tác tự kiểm tra nội bộ, công tác thanh tra, kiểm tra theo chức năng nhằm phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng theo đúng quy định của pháp luật, ngăn chặn và xử lý triệt để các hậu quả do hành vi tham nhũng gây ra; đồng thời chấn chỉnh, khắc phục kịp thời những biểu hiện có nguy cơ dẫn đến tham nhũng.

- Việc thực hiện công tác PCTN là một nhiệm vụ chính trị thường xuyên, liên tục, lâu dài và là một trong các tiêu chí để đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ hàng năm; xác định trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, trước hết là trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị. Vì vậy, phải tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự tự giác, thống nhất cao về ý chí, hành động trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị, của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về PCTN.

II. NỘI DUNG NHIỆM VỤ VÀ PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM

1. Tham gia xây dựng pháp luật về PCTN và tăng cường thực hiện công tác truyền truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN

1.1. Người đứng đầu các Cơ quan, đơn vị có trách nhiệm

- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ đã được phân công tại Kế hoạch số 1744/KH-UBND ngày 13/8/2019 về thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 11/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN giai đoạn 2019-2021” trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2021.

- Tiếp tục tổ chức phổ biến, quán triệt cho CBCCVC, người lao động và các tầng lớp Nhân dân các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN; tập trung vào những nội dung trọng tâm như: Luật PCTN năm 2018; Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCTN; Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng; Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 30/10/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí; Chỉ thị số 10-CT/TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc; Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 10/01/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

- Bên cạnh đó, cần gắn với việc tiếp tục phổ biến, quán triệt Nghị quyết TW 04 khóa XII của Đảng về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Quy định số 101-QĐ/TW ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức liêm chính và PCTN.

- Trên cơ sở các kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện Đề án tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN, tiếp tục cụ thể hóa cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, điều kiện thực tế của cơ quan, đơn vị mình nhằm đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức của Nhân dân về biểu hiện, tác hại của tham nhũng và trách nhiệm của xã hội trong công tác PCTN; có biện pháp để Nhân dân tham gia xây dựng chính sách, pháp luật về PCTN đồng thời giám sát việc thực hiện của các cơ quan, CBCCVC.

1.2. Sở Tư pháp có trách nhiệm

- Tham mưu Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật của tỉnh xây dựng Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh năm 2021, trong đó một trong những nội dung trọng tâm là triển khai phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN.

- Trên cơ sở các quy định mới của pháp luật về PCTN, hướng dẫn và phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác PCTN để kiến nghị, đề xuất cơ quan có thẩm quyền bãi bỏ, bổ sung, sửa đổi cho phù hợp.

- Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương đưa nội dung, yêu cầu tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN vào các sự kiện, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động Ngày Pháp luật Việt Nam (09 tháng 11 hằng năm).

- Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Tư pháp, tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức hoặc tham gia hưởng ứng các cuộc thi báo cáo viên, tuyên truyền viên giỏi về pháp luật PCTN.

1.3. Thanh tra tỉnh có trách nhiệm

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị giúp UBND tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch thực hiện Đề án tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN. Trên cơ sở tài liệu tuyên truyền về PCTN của Thanh tra Chính phủ, tiến hành đặt mua, cấp phát và hướng dẫn cho các cơ quan, đơn vị, địa phương tuyên truyền cho các tầng lớp Nhân dân và CBCCVC.

- Chủ trì xây dựng, tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản triển khai công tác PCTN trên địa bàn tỉnh theo thẩm quyền pháp luật quy định và theo hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ.

- Hướng dẫn triển khai hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế PCTN (09 tháng 12 hằng năm).

1.4. Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Gia Lai có trách nhiệm

- Xây dựng và duy trì chuyên mục, chuyên trang PCTN trên Báo, Đài; thường xuyên đăng tải các bài viết chuyên đề, giới thiệu chính sách pháp luật về PCTN và đạo đức liêm chính trên các chuyên trang, chuyên mục; kịp thời đưa tin, bài phản ánh các vụ việc tham nhũng và hoạt động PCTN của các cơ quan, đơn vị, cá nhân điển hình trong công tác PCTN trên địa bàn tỉnh.

- Tổ chức hướng dẫn, trao đổi nghiệp vụ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN và xây dựng đạo đức liêm chính cho các Đài phát thanh, truyền hình huyện, thị xã, thành phố.

- Xây dựng, củng cố, phát triển nội dung, hình thức các chương trình, chuyên trang, chuyên mục, tin, bài phát thanh, truyền hình có chủ đề hoặc lồng ghép nội dung PCTN và xây dựng đạo đức liêm chính vào các chương trình phát thanh, truyền hình.

- Tổ chức quảng bá trên Đài phát thanh, truyền hình các tranh, ảnh cổ động, khẩu hiệu tuyên truyền về PCTN và xây dựng đạo đức liêm chính.

- Tham gia đầy đủ, có chất lượng các liên hoan truyền hình, giải thưởng báo chí có nội dung, chủ đề PCTN và xây dựng đạo đức liêm chính.

1.5. Sở Giáo dục & Đào tạo và các cơ sở giáo dục, đào tạo thuộc tỉnh có trách nhiệm

- Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 12/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc đưa nội dung PCTN vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo từ năm học 2013-2014; đưa nội dung mới của Luật PCTN năm 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành vào chương trình giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo trên địa bàn tỉnh.

- Quá trình triển khai, bên cạnh việc bám sát nội dung, chương trình do cơ quan có thẩm quyền biên soạn, cần liên hệ với các cơ quan chức năng của tỉnh để phối hợp nghiên cứu, biên soạn bổ sung những nội dung phù hợp với quy định mới của pháp luật và tình hình thực tế tại địa phương; tiến hành đánh giá và tổng hợp báo cáo đầy đủ, kịp thời kết quả việc đưa nội dung PCTN vào chương trình giảng dạy của các trường, cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.

- Chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức thi giáo viên, giảng viên dạy giỏi nội dung pháp luật về PCTN và đạo đức liêm chính cho các cơ sở giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng.

- Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc, cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng tổ chức hội thảo, tọa đàm, diễn đàn, đối thoại, nói chuyện chuyên đề có chủ đề về trách nhiệm của nhà trường trong giáo dục đạo đức liêm chính; nhất là liêm chính trong thi cử.

- Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức triển khai lồng ghép nội dung pháp luật về PCTN và đạo đức liêm chính vào các chương trình giáo dục tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh.

1.6. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan thành viên Ban điều hành Đề án 31 của tỉnh về “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động, người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2021” (Theo Quyết định số 729/QĐ-UBND ngày 12/10/2017 của UBND tỉnh Gia Lai) tổ chức và hướng dẫn việc tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chính sách, pháp luật về PCTN cho lãnh đạo và người lao động các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp.

1.7. Sở Nội vụ

Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Nội vụ, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trên địa bàn tỉnh thực hiện lồng ghép nội dung pháp luật về PCTN và đạo đức liêm chính vào các chương trình đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC của tỉnh.

1.8. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Tổ chức các cuộc thi hoặc các giải thưởng sáng tác văn học, kịch bản sân khấu, sáng tác tranh ảnh cổ động, biếm họa có nội dung, chủ đề PCTN và xây dựng đạo đức liêm chính; Hưởng ứng đầy đủ, đảm bảo có chất lượng các cuộc thi do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.

- Tổ chức và hướng dẫn các địa phương việc tổ chức các hoạt động triển lãm, trưng bày có nội dung, chủ đề PCTN và xây dựng đạo đức liêm chính.

1.9. Sở Thông tin và Truyền thông

- Tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN và đạo đức liêm chính thông qua hoạt động báo chí, xuất bản; trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống thông tin cơ sở; qua các mạng, dịch vụ viễn thông và các phương tiện, thiết bị thông tin - truyền thông.

- Phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chính sách, pháp luật về PCTN cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên.

- Tổ chức, hướng dẫn các cơ quan thông, tấn báo chí tổ chức các hội thảo, tọa đàm, diễn đàn, đối thoại, nói chuyện chuyên đề có chủ đề về báo chí cách mạng với PCTN và xây dựng đạo đức liêm chính; phát huy vai trò của truyền thông hiện đại trong PCTN.

- Tổ chức kiểm tra việc xây dựng, quảng bá chương trình, chuyên trang, chuyên mục, tin, bài, tranh, ảnh, khẩu hiệu cổ động có chủ đề PCTN và xây dựng đạo đức liêm chính trên các kênh phát thanh, truyền hình địa phương; các báo, tạp chí; cổng thông tin điện tử; bảng tin công cộng và các trang mạng xã hội.

1.10. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể tỉnh; các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp thuộc tỉnh

Trên cơ sở hướng dẫn của các cơ quan Trung ương và các cơ quan chức năng của tỉnh chủ trì phát động, tổ chức và chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý thực hiện các nội dung sau:

- Tổ chức các phong trào, cuộc vận động, các sinh hoạt chính trị - văn hóa có chủ đề PCTN và xây dựng đạo đức liêm chính.

- Tổ chức, tham gia hưởng ứng các cuộc thi tìm hiểu pháp luật về PCTN và xây dựng đạo đức liêm chính; sáng tác tranh, ảnh cổ động, biếm họa, tiểu phẩm nghệ thuật về PCTN; thi tuyên truyền viên giỏi về PCTN...

- Tổ chức các hội nghị, cuộc gặp mặt biểu dương người tốt, việc tốt trong PCTN và xây dựng đạo đức liêm chính; bình chọn "Hiệp sỹ chống tham nhũng của năm", "Gương mặt liêm chính của năm".

- Tổ chức các hội thảo, tọa đàm, diễn đàn, đối thoại, nói chuyện chuyên đề có nội dung, chủ đề về vai trò của xã hội trong PCTN; vai trò, trách nhiệm của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân trong giám sát hoạt động PCTN.

1.11. Đề nghị Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội Nhà báo tỉnh

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN và đạo đức liêm chính trong Hiệp hội doanh nghiệp, Hội Nhà báo.

- Tổ chức và hướng dẫn việc tổ chức các hội thảo, tọa đàm, diễn đàn, đối thoại, nói chuyện chuyên đề có nội dung, chủ đề về PCTN và xây dựng đạo đức liêm chính cho các hội viên, doanh nghiệp, doanh nhân.

- Tổ chức cuộc thi báo chí viết về đề tài PCTN và xây dựng đạo đức liêm chính.

1.12. Đề nghị Hội Luật gia tỉnh

- Hướng dẫn các Chi hội tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN và đạo đức liêm chính cho các hội viên. Chú trọng hướng dẫn các Chi hội tổ chức các hội thảo, tọa đàm, diễn đàn, đối thoại, nói chuyện chuyên đề có nội dung, chủ đề về phát huy vai trò của xã hội trong PCTN và xây dựng đạo đức liêm chính.

- Hướng dẫn hoạt động tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý về PCTN của các tổ chức cung cấp dịch vụ pháp lý.

- Phát động các tổ chức hội trực thuộc, hội viên tích cực tham gia hưởng ứng các cuộc thi tìm hiểu chính sách, pháp luật về PCTN và đạo đức liêm chính; tham gia viết bài về PCTN và đạo đức liêm chính cho các báo, diễn đàn.

1.13. Sở Tài chính

Có trách nhiệm hướng dẫn phân bổ kinh phí thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật năm 2021 theo quy định của Luật ngân sách nhà nước; bảo đảm kinh phí thực hiện Kế hoạch của các cơ quan, đơn vị, địa phương; phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện Kế hoạch.

2. Thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng

2.1. Công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị

- Các cơ quan, đơn vị căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình thực hiện công khai, minh bạch trong các lĩnh vực hoạt động; thời gian, thời điểm công khai, nội dung công khai, hình thức công khai theo quy định của Luật PCTN năm 2018 và các văn bản pháp luật khác có liên quan đến lĩnh vực hoạt động. Việc công khai phải thực hiện đầy đủ, đúng quy định cả đối với các lĩnh vực hoạt động cần công khai để công dân, tổ chức biết; kể cả các nội dung phải công khai trong nội bộ cơ quan, đơn vị.

- Văn phòng UBND tỉnh thực hiện công khai, minh bạch hoạt động của UBND tỉnh trên Cổng Thông tin điện tử của tỉnh; Văn phòng HĐND và UBND huyện, thị xã, thành phố thực hiện công khai, minh bạch hoạt động của HĐND, UBND huyện, thị xã, thành phố trên cổng thông tin điện tử của địa phương.

- Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm:

Thường xuyên chỉ đạo tổ chức tự kiểm tra việc thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của đơn vị và chấn chỉnh, khắc phục kịp thời những hạn chế, thiếu sót; các tài liệu minh chứng cho việc thực hiện công khai, minh bạch phải được tập hợp đầy đủ và gửi về Thanh tra tỉnh khi có yêu cầu để phục vụ báo cáo đánh giá công tác PCTN của UBND tỉnh theo quy định của Thanh tra Chính phủ.

Thực hiện trách nhiệm giải trình về quyết định, hành vi của cơ quan, đơn vị mình trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao khi có yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân bị tác động trực tiếp bởi quyết định, hành vi đó. Trình tự, thủ tục thực hiện trách nhiệm giải trình phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

2.2. Xây dựng, thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn

a) Sở Tài chính có trách nhiệm

- Tham mưu giúp UBND tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra chặt chẽ các cơ quan, đơn vị trong việc xây dựng và thực hiện các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn và quy chế công khai tài chính, mua sắm, quản lý sử dụng tài sản công. Hướng dẫn, kiểm soát việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung, quy chế chi tiêu nội bộ của các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước theo đúng quy định nhằm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng ngân sách nhà nước.

- Trên cơ sở thẩm quyền pháp luật quy định, tiếp tục tham mưu UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hoặc tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành các văn bản quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn trong quản lý, sử dụng kinh phí nhà nước, tài sản công và các quy định về công khai minh bạch trong công tác quản lý ngân sách, tài sản nhà nước, đầu tư công, các giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

- Tăng cường trách nhiệm trong thanh tra, kiểm tra, quyết toán ngân sách hàng năm để phát hiện, chấn chỉnh, xử lý kịp thời các hạn chế, sai phạm trong việc thực hiện quy định về tiêu chuẩn, chế độ, định mức và những nội dung khác trong công tác quản lý tài chính, ngân sách.

b) Các cơ quan, đơn vị có sử dụng ngân sách nhà nước có trách nhiệm

- Thực hiện nghiêm các quy định hiện hành về chế độ, định mức, tiêu chuẩn; tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Quy chế chi tiêu nội bộ áp dụng tại đơn vị mình đảm bảo nguyên tắc công khai, dân chủ, đúng quy định của pháp luật. Chú trọng thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên cơ sở tạo điều kiện thuận lợi để hoàn thành tốt yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

- Xây dựng kế hoạch và thường xuyên phối hợp với Ban Thanh tra nhân dân tự kiểm tra nội bộ về việc thực hiện chế độ, tiêu chuẩn, định mức tại đơn vị mình để tự chấn chỉnh, khắc phục kịp thời các thiếu sót, hạn chế.

- Ngoài việc bị xử lý trách nhiệm, người cho phép sử dụng trái quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ ngoài việc bị xử lý trách nhiệm còn phải hoàn trả phần giá trị mà mình cho phép sử dụng trái quy định và bồi thường thiệt hại; người sử dụng trái quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ có trách nhiệm liên đới bồi thường với người cho phép sử dụng trái quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ; Người tự ý sử dụng trái quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ phải hoàn trả phần giá trị mình sử dụng trái quy định và bồi thường thiệt hại.

2.3. Các cơ quan, đơn vị tổ chức quán triệt và thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, đơn vị

- Tiếp tục tổ chức thực hiện và giám sát việc thực hiện các quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp của CBCCVC theo các quy định của pháp luật đối với từng lĩnh vực công tác, gắn với xây dựng nề nếp văn hóa công sở theo Quyết định số 03/2007/QĐ-BNV ngày 26/02/2007 của Bộ Nội vụ ban hành Quy tắc ứng xử của CBCCVC làm việc trong bộ máy chính quyền địa phương.

- Tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm quy định về tặng quà và nhận quà tặng theo Điều 22 Luật PCTN năm 2018 và Mục 2 Chương IV Nghị định số 59/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương, người có chức vụ, quyền hạn không được sử dụng tài chính công, tài sản công làm quà tặng, trừ trường hợp tặng quà vì mục đích từ thiện, đối ngoại và thực hiện chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật; việc tặng quà phải thực hiện đúng chế độ, định mức, tiêu chuẩn, đối tượng; Không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình, trường hợp không từ chối được thì cơ quan, tổ chức, đơn vị phải tổ chức quản lý, xử lý quà tặng theo quy định.

Trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, phải thực hiện nghiêm các nội dung liên quan đến việc thăm hỏi, chúc tụng, tặng quà theo Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 09/12/2020 của Ban Bí thư và văn bản số 233-CV/TU ngày 05/01/2021 của Tỉnh ủy về tổ chức Tết năm 2021; Chỉ thị số 44/CT-TTg ngày 21/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 31/12/2020 của UBND tỉnh về tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.

- Tổ chức phổ biến, quán triệt nâng cao nhận thức về xung đột lợi ích và kiểm soát xung đột lợi ích cho CBCCVC trong cơ quan, đơn vị; phát hiện và xử lý kịp thời khi có xung đột lợi ích xảy ra trong cơ quan, đơn vị theo đúng quy định của pháp luật.

2.4. Chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, đơn vị

- Các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác theo quy định tại Luật PCTN 2018 và Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCTN.

- Sở Nội vụ có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo định kỳ, đột xuất (khi có yêu cầu) liên quan đến việc chuyển đổi vị trí công tác trên địa bàn tỉnh cho UBND tỉnh (qua Thanh tra tỉnh).

2.5. Thực hiện kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập

a) Các cơ quan, đơn vị

- Quán triệt đến toàn thể CBCCVC các quy định mới của Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.

- Triển khai tổ chức thực hiện việc kê khai, công khai, minh bạch tài sản, thu nhập lần đầu đối với CBCCVC theo quy định của Luật PCTN năm 2018; Nghị định 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị ngay sau khi có văn bản hướng dẫn kê khai của cấp có thẩm quyền.

b) Thanh tra tỉnh có trách nhiệm

- Trên cơ sở Luật PCTN năm 2018; Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị và văn bản hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ, tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch và tổ chức triển khai kịp thời, đúng quy định.

- Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để thực hiện tốt công tác kiểm soát tài sản, thu nhập đối với người có nghĩa vụ kê khai công tác tại các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh theo thẩm quyền được giao tại Luật PCTN năm 2018; Nghị định 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ và văn bản hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ.

2.6. Cải cách hành chính, đổi mới công nghệ quản lý, phương thức thanh toán

a) Các cơ quan, đơn vị

- Tiếp tục triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 1490/KH-UBND ngày 04/7/2019 của UBND tỉnh về thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

- Trung tâm dịch vụ hành chính công của tỉnh và bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại các đơn vị, địa phương đảm bảo hoạt động thông suốt, với tinh thần phục vụ chu đáo, tận tình, công tâm, tuyệt đối không gây phiền hà, nhũng nhiễu đối với tổ chức, cá nhân đến liên hệ giải quyết công việc. Tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thực thi công vụ, hạn chế công chức, viên chức tiếp xúc trực tiếp với người dân, tổ chức, doanh nghiệp.

- Thường xuyên theo dõi, cập nhập các quy định mới của pháp luật có liên quan để rà soát, đề xuất ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung kịp thời các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý.

- Tiếp tục thực hiện nghiêm việc thanh toán qua tài khoản đối với các khoản chi ngân sách; nhất là chi lương, thưởng, chi khác có tính chất thường xuyên và các khoản chi có giá trị lớn.

b) Văn phòng UBND tỉnh có trách nhiệm

- Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị rà soát, trình UBND tỉnh ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung kịp thời các bộ thủ tục hành chính; Đăng tải công khai các thủ tục hành chính trên cơ sở dữ liệu quốc gia, cổng thông tin điện tử của tỉnh theo quy định.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ và các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch kiểm tra việc cải cách thủ tục hành chính; phát hiện và chấn chỉnh kịp thời những thiếu sót, hạn chế trong công tác này.

3. Công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý tham nhũng

3.7. Thanh tra tỉnh có trách nhiệm

- Triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch thanh tra năm 2021 đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt; theo dõi, nắm bắt tình hình và báo cáo, đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo thanh tra đột xuất đối với những đơn vị có dấu hiệu sai phạm. Thông qua hoạt động thanh tra, chú trọng phát hiện, kiến nghị xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng; chấn chỉnh, khắc phục kịp thời những biểu hiện có nguy cơ dẫn đến tham nhũng.

- Tăng cường công tác xử lý sau thanh tra; các Kết luận thanh tra, kiến nghị, quyết định xử lý cần phải được đôn đốc thực hiện nghiêm hoặc kiểm tra, xử lý kịp thời đối với những đơn vị, cá nhân cố tình không thực hiện.

- Phối hợp với Công an tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh tiếp tục thực hiện mối quan hệ phối hợp theo Thông tư Liên tịch số 03/2018/TTLT-VKSTC-BCA-BQP-TTCP ngày 18/10/2018 giữa Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Thanh tra Chính phủ Quy định về phối hợp giữa Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Cơ quan Thanh tra trong việc trao đổi thông tin về tội phạm và kiến nghị khởi tố được phát hiện qua hoạt động thanh tra cùng các văn bản chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh đối với công tác này.

3.2. UBND huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm

Chỉ đạo cơ quan Thanh tra cùng cấp tăng cường Thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN đối với các cơ quan, đơn vị trực thuộc.

3.3. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm

- Chủ động tổ chức kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người có chức vụ, quyền hạn do mình quản lý mà thường xuyên, trực tiếp giải quyết công việc của cơ quan, đơn vị, cá nhân khác nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý tham nhũng; đồng thời thường xuyên đôn đốc đơn vị trực thuộc kiểm tra người có chức vụ, quyền hạn do mình quản lý trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Khi phát hiện có hành vi tham nhũng và hành vi khác vi phạm pháp luật về tham nhũng, phải kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cho cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

- Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 09/01/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tăng cường trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp trong việc đảm bảo nâng cao và tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện kỷ cương hành chính.

- Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021 gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021.

- Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị nếu không làm tốt công tác tự kiểm tra, để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vị nơi mình trực tiếp phụ trách phải bị xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị

- Căn cứ Kế hoạch này và tình hình thực tế ở cơ quan, đơn vị mình, xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện; định kỳ hàng tháng, quý, 6 tháng, 9 tháng, năm báo cáo kết quả thực hiện công tác PCTN về UBND tỉnh (qua Thanh tra tỉnh) theo quy định.

- Kế hoạch của các cơ quan, đơn vị, địa phương phải ban hành chậm nhất ngày 25/01/2021 và gửi về Thanh tra tỉnh 01 bản để theo dõi.

2. Đề nghị các ban Đảng thuộc Tỉnh ủy

Theo dõi, giám sát chặt chẽ hoạt động của các cơ quan, đơn vị và CBCCVC để kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.

3. Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể tỉnh

Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh trong công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản liên quan đến công tác PCTN và đạo đức liêm chính cho đảng viên, đoàn viên, hội viên và CBCCVC thuộc phạm vi quản lý của cơ quan, đơn vị mình; đồng thời tổ chức triển khai các biện pháp phòng ngừa tham nhũng trong cơ quan, đơn vị theo đúng quy định của pháp luật. Tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, giám sát cán bộ, đảng viên trong công tác PCTN.

4. Thanh tra tỉnh có trách nhiệm:

Giúp UBND tỉnh theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch này và tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện định kỳ, đột xuất cho UBND tỉnh theo quy định./.

 


Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (Thay B/cáo);
- Thanh tra Chính phủ (nt);
- Ban Nội chính TW (nt);
- TT. Tỉnh ủy; TT. HĐND tỉnh (nt);
- UBMTTQVN về các đoàn thể tỉnh;
- VP Tỉnh ủy, các ban Đảng thuộc Tỉnh ủy;
- Các Sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp tỉnh;
- UBND huyện, thị xã, thành phố;
- Tr Chính trị tỉnh, TT GDTX;
- Các DN nhà nước thuộc tỉnh;
- Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh;
- Hội Luật gia tỉnh;
- Hội Nhà báo;
- Các T/c chính trị-XH; T/c XH-NN;
- Báo Gia Lai; Đài PT-TH tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Cổng TTĐT tỉnh;
- Lưu: VT, NC.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Võ Ngọc Thành

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 50/KH-UBND thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh Gia Lai năm 2021

  • Số hiệu: 50/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 14/01/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Gia Lai
  • Người ký: Võ Ngọc Thành
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 14/01/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản