Hệ thống pháp luật

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
BAN TUYÊN GIÁO
*

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 48-KH/BTGTW

Hà Nội, ngày 21 tháng 7 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

CÔNG TÁC THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19 TRONG TÌNH HÌNH HIỆN NAY

Trong thời gian qua, công tác thông tin, tuyên truyền đã phát huy vai trò quan trọng, góp phần không nhỏ vào việc tăng cường đồng thuận xã hội, huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong công cuộc phòng, chống đại dịch COVID-19 ở nước ta. Gần đây, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp với nhiều chuỗi lây nhiễm cộng đồng và số ca mắc tăng cao ở các địa phương, đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phía Nam; không loại trừ khả năng lan rộng hơn. Nhằm phát huy và nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền trong việc thống nhất nhận thức, tư tưởng và hành động của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân về công tác phòng, chống dịch COVID-19; tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong phối hợp chỉ đạo, định hướng, cung cấp thông tin, tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19, Ban Tuyên giáo Trung ương xây dựng Kế hoạch thông tin, tuyên truyền như sau:

I. Mục đích

- Tạo được sự thống nhất trong nhận thức, tư tưởng và hành động của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân, trong đó có nhận thức đúng đắn về diễn biến, tình hình, tính chất nguy hiểm và tác hại của đại dịch COVID-19 cũng như những biến chủng mới do virus SARS-COVID gây ra; tin tưởng, đồng lòng thực hiện chủ trương, quan điểm, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật, giải pháp chỉ đạo của Nhà nước, Chính phủ về công tác phòng, chồng dịch bệnh, trong đó có dịch COVID-19; khẳng định nỗ lực, quyết tâm của các cấp, các ngành trong công tác phòng, chống dịch, qua đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân, chủ động, tích cực phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Đồng thời, nỗ lực duy trì lao động, sản xuất nhằm bảo đảm “mục tiêu kép”; quyết tâm thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2021, tạo đà cho việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

- Tận dụng cơ hội tăng cường nhận thức xã hội về lối sống tôn trọng pháp luật, kỷ luật, kỷ cương; góp phần xây dựng hệ giá trị con người Việt Nam đoàn kết, trách nhiệm, tử tế, nhân văn và nhân ái.

- Tăng cường dòng dư luận tích cực về Việt Nam của cộng đồng quốc tế; góp phần duy trì và thúc đẩy quan hệ đối ngoại với các đối tác lớn, quan trọng.

Qua đó, nâng cao uy tín và vị thế đất nước, quảng bá tiềm năng phát triển, chuẩn bị cho giai đoạn phát triển “hậu đại dịch”.

- Đấu tranh, phản bác kịp thời làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng tình hình dịch bệnh phức tạp đổ xuyên tạc, kích động, chia rẽ nội bộ, phá hoại khối đoàn kết toàn dân tộc, lôi kéo quần chúng gây rối an ninh, trật tự xã hội.

II. Yêu cầu

- Tập trung tuyên truyền tạo sự đồng thuận, hưởng ứng trong Nhân dân, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, với chế độ. Thông tin về dịch bệnh cần cân bằng với các dòng thông tin khác, phản ánh đầy đủ mọi mặt của đời sống xã hội. Tăng cường các thông tin tích cực, thúc đẩy và lan tỏa tinh thần nhân văn, nhân ái, sẻ chia, đoàn kết của dân tộc; tránh gây tâm lý hoang mang, bi quan, lo lắng, nhưng cũng không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.

- Nội dung, phương thức thông tin, tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng, bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng phát huy ưu thế của nền tảng internet, mạng xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng nhằm tạo sự chuyển biến, có sức lan tỏa, thuyết phục trong toàn xã hội.

- Chỉ đạo, định hướng thông tin, tuyên truyền cần có tính dự báo và kịp thời, cụ thể; phân công trách nhiệm công việc rõ ràng; có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan, đơn vị chức năng để tổ chức thực hiện đạt kết quả.

- Thực hiện nghiêm túc, giữ vững kỷ cương, kỷ luật trong việc chấp hành chỉ đạo, định hướng thông tin, tuyên truyền.

III. Nội dung tuyên truyền

- Thông tin, tuyên truyền các chủ trương, quan điểm, giải pháp chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Bộ Y tế về phòng, chống dịch bệnh, trong đó nhấn mạnh 03 mục tiêu: (i) Ngăn chặn, kiềm chế, đẩy lùi nhanh dịch bệnh, sớm ổn định tình hình, đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường; (ii) Bảo đảm mục tiêu kép: Phòng chống dịch bệnh để bảo vệ sức khỏe, tính mạng Nhân dân và bảo đảm điều kiện cho phục vụ sản xuất, kinh doanh; (iii) Tập trung hỗ trợ các tỉnh, thành phố; các khu vực, địa bàn có số ca nhiễm cao, tình hình, diễn biến dịch phức tạp.

- Thông tin, tuyên truyền toàn diện, kịp thời, chính xác nhưng có chọn lọc, đúng mức, đúng thời điểm về diễn biến tình hình dịch bệnh, các yếu tố và nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, các hoạt động phòng, chống dịch bệnh của cơ quan chuyên môn đối với đại dịch COVID-19; truyền thông giáo dục sức khỏe để cộng đồng nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi có lợi cho sức khỏe và chủ động phòng ngừa dịch bệnh, trong đó, chú trọng thông điệp “5K vaccine” và ứng dụng công nghệ trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

- Chú trọng tuyên truyền các chủ trương, chính, sách của Đảng, Nhà nước đối với công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19; phản ánh những nỗ lực của Chính phủ, Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các doanh nghiệp trong đàm phán, mua và cung ứng vaccine về Việt Nam, đáp ứng nhu cầu sử dụng vaccine của Chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19; truyền thông kêu gọi người dân yên tâm, tin tưởng, tích cực hưởng ứng công tác tiêm chủng theo tinh thần “Tiêm vaccine phòng COVID-19 là quyền lợi đối với cá nhân, là trách nhiệm đối với cộng đồng”; vận động người dân, các tổ chức, doanh nghiệp đóng góp, đồng hành ủng hộ Quỹ vaccine phòng, chống COVID-19.

- Tuyên truyền về các giá trị nhân văn tốt đẹp chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau; tinh thần cộng đồng, tập thể, các hành vi ứng xử nhân ái, nghĩa tình, phù hợp; nhũng gương người tốt, việc tốt trong tham gia phòng, chống đại dịch. COVID-19; qua đó, tạo tinh thần lạc quan, đoàn kết, ngăn ngừa và phê phán các hành vi cá nhân ích kỷ, trục lợi, phát ngôn sai sự thật, xuyên tạc, phá hoại công tác phòng, chống dịch.

- Tuyên truyền những nhận xét, đánh giá thiện chí, tích cực của các tổ chức quốc tế, dư luận, báo chí quốc tế ủng hộ quan điểm, chủ trương phòng, chống dịch COVID-19 của Việt Nam; những bài học hay, lãnh nghiệm tốt; triển vọng đạt được các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và các năm tiếp theo, thực hiện thành, công các nhiệm vụ, mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

- Truyền tải thông điệp quốc tế về một Việt Nam đang nỗ lực phòng, chống dịch COVID-19 vơi phương cách phù hợp, có chính trị - xã hội ổn định, kinh tế giàu tiềm năng phát triển, xã hội đoàn kết, nhân văn, là thành viên trách nhiệm, tích cực cùng nhân loại phòng, chống đại dịch. Phản ánh tình hình phòng, chống dịch trên thế giới khách quan, cân bằng, phù hợp; qua đó giúp cán bộ, Nhân dân nhận thức rõ ràng về vị thế tích cực của Việt Nam trong bức tranh chung của thế giới, tăng cường lòng tự hào dân tộc, niềm, tin vào Đảng. Tránh rơi vào “cuộc chiến truyền thông” giữa các nước lớn liên quan đến nguồn gốc virus, chất lượng vaccine, bảo đảm quan hệ đối ngoại của Việt Nam.

IV. Tổ chức thực hiện

1. Ban Tuyên giáo Trung ương

Phối hợp với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để thống nhất trong việc chỉ đạo, định hướng thông tin, truyền thông nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo, thiếu nhất quán; chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng dư luận tích cực, xử lý những thông tin tiêu cực trên mạng xã hội.

Căn cứ tình hình, diễn biến thực tế, khi cần thiết, chủ trì, thành lập Tổ công tác đặc biệt chỉ đạo, định hướng thông tin, tuyên truyền về vấn đề phòng, chống đại dịch COVID-19.

- Vụ Báo chí - Xuất bản: Tham mưu chỉ đạo, định hướng thông tin, tuyên truyền trên báo chí tại Hội nghị giao ban báo chí hằng tuần và đột xuất khi cần thiết. Nếu có tình huống khẩn cấp phát sinh, tham mưu lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông về nội dung tin nhắn gửi đến các thuê bao di động để Nhân dân nắm bắt tình hình, không tin vào các thông tin xuyên tạc, kích động trên mạng xã hội.

- Vụ Tuyên truyền: Tham mưu xây dựng kế hoạch tuyên truyền; chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị chỉ đạo xây dựng các tài liệu, văn bản, ấn phẩm, đề cương hướng dẫn thông tin, tuyên truyền theo từng giai đoạn, thời điểm, đợt dịch với các yêu cầu, nội dung phù hợp, cụ thể, hướng tới các đối tượng cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân.

- Vụ Các vấn đề xã hội: Thường trực theo dõi sát diễn biến tình hình dịch bệnh; chủ trì tham mưu các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo liên quan công tác phòng, chống dịch COVID-19.

- Vụ Thông tin đối ngoại và Hợp tác quốc tế: Phát huy vai trò thường trực Văn phòng Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại, tham mưu các biện pháp chỉ đạo, định hướng thông tin đối ngoại phù hợp với diễn biến tình hình, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong Ban nhằm bảo đảm tính liên thông giữa thông tin đối nội và thông tin đối ngoại.

- Vụ Văn hóa - Văn nghệ: Tham mưu công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 đối với văn nghệ sĩ; đề xuất chính sách nhằm động viên, khuyến khích, phát huy vai trò của văn nghệ sĩ tích cực hưởng ứng, tham gia sáng tác, trình diễn các tác phẩm văn hóa, nghệ thuật chăm lo đời sống tinh thần của Nhân dân.

- Viện Dư luận xã hội: Phối hợp với các bộ phận làm công tác nghiên cứu, nắm bắt dư luận trực thuộc các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội các cấp để nắm bắt tình hình, tư tưởng dư luận xã hội trong các tầng lớp Nhân dân, báo cáo kịp thời diễn biến tình hình tư tưởng và dư luận xã hội; dự báo xử lý những điểm “nóng”, “có vấn đề” có thể xuất hiện, xảy ra, không để bất ngờ, bị động, phục vụ công tác tham mưu chỉ đạo.

- Trung tâm Thông tin công tác tuyên giáo: Tham mưu lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp các cơ quan chức năng liên quan… biên soạn tài liệu cung cấp cho đội ngủ báo cáo viên; tổ chức hội nghị báo cáo viên ngay trong tháng 8/2021 (và các thời điểm khác khi cần thiết) để cung cấp thông tin, định hướng công tác tuyên truyền những vấn đề liên quan công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên.

2. Đảng đoàn Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội

- Tuyên truyền, quán triệt nghiêm túc sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 trong các cấp mặt trận và các tổ chức thành viên, nhất là trong các tổ chức của Liên đoàn Lao động, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi...

- Bám sát cơ sở, nắm chắc tình hình tư tưởng, dư luận., những khó khăn, vướng mắc trong đời sống sinh hoạt của đoàn viên, hội viên, Nhân dân, đặc biệt là người dân ở nhũng địa phương, khu vực thực hiện giãn cách, chịu tác động trực tiếp của các biện pháp phòng, chống dịch một cách lập thời, có chiều sâu; tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền những giải pháp thiết thực, hiệu quả. Phát huy vai trò của đoàn viên, hội viên, nhất là đoàn viên, thanh niên trong công tác tuyên truyền, lan tỏa thông tin chính xác, tích cực trên mạng xã hội và internet.

- Tăng cường tuyên truyền, vận động, khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái; phối kết hợp với các cơ quan chức năng kịp thời tổ chức các hoạt động, chương trình từ thiện, hỗ trợ, giúp đỡ về vật chất và tinh thần, cho những đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh, những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn; cổ vũ, động viên các tầng lớp Nhân dân phấn đấu vượt qua thách thức, giữ vững niềm tin của Nhân dân với Đảng.

- Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam phát huy vai trò tiên phong của các văn nghệ sĩ trong việc góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội, chủ động sáng tác các tác phẩm văn hóa, nghệ thuật có giá trị, mang tính cổ động, đại chúng, góp phần giải tỏa áp lực, nâng cao tinh thần lạc quan, tin tưởng, phấn khởi vào công cuộc phòng, chống dịch COVID-19 của Đảng và Nhà nước.

3. Ban cán sự đảng, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông

- Xây dựng cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin kịp thời, đồng bộ, chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị chức năng; bảo đảm thông tin thống nhất, xuyên suốt, minh bạch, rõ ràng, nhanh chóng nhằm cung cấp thông tin lập thời, chính xác, định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận trong xã hội; đồng thời, phản bác các quan điểm sai trái, âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Chỉ đạo, huy động đồng bộ sự tham gia của các cơ quan, lực lượng tuyên truyền, chú trọng các kênh tuyên truyền hiện đại với phát huy vai trò hệ thống thông tin tuyên truyền tuyến cơ sở.

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong thông tin báo chí, truyền thông; lập thời phát hiện, xử lý nghiêm minh đối với các cơ quan báo chí, trang thông tin điện tử tổng hợp đăng, phát những thông tin không đúng sự thật, đưa lại các tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội gây ảnh hưởng tiêu cực đến công tác phòng, chống dịch; lập thời ghi nhận, biểu dương các cơ quan báo chí thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19. Xây dựng giải pháp kỹ thuật trong rà soát, chặn, lọc, xử lý các tài khoản mạng xã hội đăng tải các thông tin xuyên tạc, phản động gây hoang mang, kích động dư luận xã hội.

4. Ban cán sự đảng, lãnh đạo Bộ Y tế

- Chủ động, cung cấp thông tin kịp thời về các vấn đề liên quan công tác phòng, chống dịch COVID-19; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chỉ đạo và định hướng, quản lý thông tin báo chí để thường xuyên có đánh giá chính xác, điều chỉnh lập thời việc định hướng thông tin, cung cấp nội dung và liều lượng thông tin phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo từng giai đoạn, tình hình cụ thể.

- Đề xuất Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chỉ đạo:

Thống nhất một đầu mối cung cấp nội dung thông tin về tình hình phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của Trung ương và của các địa phương; yêu cầu các địa phương tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong việc phát ngôn và cung cấp thông tin, không công bố, cung cấp thông tin về các phương án, kịch bản phòng, chống dịch, số liệu ca tử vong chưa rõ nguyên nhân (như tử vong sau tiêm chủng, tử vong bất thường khi nghi mắc COVID-19...), những vấn đề nhạy cảm, được dư luận quan tâm... khi chưa có ý kiến chính thức từ Ban Chỉ đạo và cơ quan chuyên môn.

Quan tâm, ưu tiên để các phóng viên tác nghiệp trong vùng dịch được tiêm đầy đủ vaccine phòng COVID-19; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan báo chí tác nghiệp, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ tuyên truyền.

- Chỉ đạo các cơ sở y tế, đặc biệt là nhân viên y tế, phát huy, nêu cao tinh thần trách nhiệm để làm tốt vai trò của người thầy thuốc, đồng thời, là những tuyên truyền viên, hướng dẫn người bệnh và gia đình người bệnh chủ động phòng ngừa, giữ gìn, nâng cao sức khỏe bản thân và gia đình. Lưu ý tránh những thông tin trái chiều, có thể tác động tiêu cực đến công tác phòng, chống dịch.

5. Ban cán sự đảng, lãnh đạo Bộ Ngoại giao

Chỉ đạo các đơn vị chức năng chủ động xây dựng kế hoạch thông tin, tuyên truyền, cung cấp thông tin về công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Việt Nam cho các cơ quan thông tấn, báo chí nước ngoài, các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam; tăng cường công tác quản lý, tranh thủ, tạo điều kiện để phóng viên đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí nước ngoài thường trú tại Việt Nam đưa tin tích cực về công tác phòng, chống dịch. Chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tăng cường công tác thông tin đối ngoại, cung cấp thông tin kịp thời về công tác phòng, chống dịch COVID-19 ở Việt Nam, thúc đẩy dòng thông tin tích cực về Việt Nam.

6. Ban cán sự đảng, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng các hoạt động thông tin, cổ động, văn hóa, văn nghệ, triển lãm, điện ảnh... phù hợp trong điều kiện tình hình dịch bệnh, có trọng tâm, trọng điểm nhằm tạo không khí lạc quan, tin tưởng trong Nhân dân, đồng thời lan tỏa các thông điệp phòng, chống dịch COVID-19 nhanh chóng, rộng khắp. Phát huy vai trò của đội ngũ văn nghệ sỹ trong sáng tác, tuyên truyền cổ động, dẫn dắt, tạo tâm lý tích cực, giải tỏa tinh thần, cổ vũ tình nhân ái, giúp đỡ, hỗ trợ của người dân, của cộng đồng, xã hội trong tham gia phòng, chống dịch.

7. Ban Chỉ đạo 35 Trung ương và Ban Chỉ đạo 35 các ngành Trung ương, địa phương

- Ban Chỉ đạo 35 Trung ương phối hợp với Ban chỉ đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương tổng hợp, nắm tình hình hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị, chỉ đạo các nhóm chuyên gia có tin, bài đấu tranh, phản bác kịp thời và ngăn chặn, thông tin, luận điệu sai trái, thù địch trên các trang mạng, xã hội; chia sẻ và có các bài viết giải thích, làm rõ những vấn đề dư luận còn băn khoăn, bức xúc, chưa hiểu rõ để người dân có thông tin chính xác, từ đó hiểu, tin tưởng, đồng thuận xã hội.

- Tăng cường, chủ động rà quét, phát hiện sớm, lập thời những “điểm nóng”, những đối tượng cơ hội, thù địch lợi dụng không gian mạng để kêu gọi kích động, chống phá; có giải pháp xử lý, triệt hạ ngay những mầm mong, dấu hiệu có nguy cơ tạo bất ổn, bạo động chính trị.

- Theo dõi dư luận báo chí nước ngoài về tình hình Việt Nam, đặc biệt liên quan các vấn. đề “phức tạp, nhạy cảm” để lập thời đấu tranh, kiến nghị biện pháp xử lý các tin, bài không thuận ; theo dõi, phối hợp ngăn chặn việc các tổ chức phản, động lưu vong lợi dụng tình hình dịch bệnh để tuyên truyền kích động, chống phá Đảng, Nhà nước ta.

- Ban Chỉ đạo 35 các tỉnh, thành ủy đẩy mạnh công tác phối kết hợp với các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường tuyên truyền thông tin chính thông qua các trang cá nhân, trang người hâm mộ (fanpage) của đoàn viên, hội viên, sinh viên, cán bộ, công chức, đảng viên trong toàn hệ thống chính trị; chủ động phối hợp với các ngành chức năng nắm chắc tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đặc biệt tại các khu vực, địa phương tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp; kịp thời cung cấp thông tin và định hướng dư luận xã hội theo các nội dung định hướng của Trung ương và cấp ủy các địa phương.

8. Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại Trung ương

- Chỉ đạo, định hướng cho các lực lượng làm công tác thông tin đối ngoại; phối hợp với Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao chủ động làm tốt công tác thông tin đối ngoại, đẩy mạnh công tác vận động nguồn cung vaccine, ứng phó phù hợp, hài hòa với chiến lược “ngoại giao vaccine” của các nước lớn; cung cấp thông tin để dư luận quốc tế hiểu rõ, đồng tình, chia sẻ, ủng hộ các chủ trương, chính sách, quan điểm, chiến lược và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 của Đảng, Nhà nước ta; tăng cường quảng bá hình ảnh đất nước.

- Chỉ đạo Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại các tỉnh, thành ủy đẩy mạnh công tác thông tin đối với người nước ngoài tại địa bàn, đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài; không ngừng tăng cường quảng bá tiềm năng phát triển, du lịch của địa phương.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi sát sao dư luận quốc tế; lan tỏa các dòng thông tin tích cực của cộng đồng quốc tế để củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân; kịp thời phối hợp với Ban Chỉ đạo 35 Trung ương, các cơ quan liên quan đấu tranh phản bác các quan điểm xuyên tạc, chống phá.

9. Ban Tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương

- Tham mưu các cấp ủy đảng xây dựng kế hoạch thông tin, tuyên truyền phù hợp với diễn biến tình hình, yêu cầu của công tác phòng, chống dịch của địa phương; tăng cường công tác kiểm tra, định hướng và quản lý tốt việc đăng tải thông tin trên báo chí, mạng xã hội để chỉ đạo, tổ chức các biện pháp thông tin, tuyên truyền kịp thời và hiệu quả.

- Chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của địa phương xây dựng kế hoạch, chương trình, phương án cụ thể nhằm thực hiện có hiệu quả các giải pháp tuyên truyền phục vụ công tác phòng, chống dịch; phối hợp, đề nghị sở thông tin và truyền thông địa phương và các cơ quan chức năng ở địa phương, đơn vị xử lý nghiêm các cơ quan báo chí, trang thông tin điện tử sai phạm trong đưa tin theo tinh thần Nghị định số 72/2013/NĐ-CP, ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng; Nghị định số 119/2020/NĐ-CP, ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản; và các quy định khác có liên quan.

- Nắm chắc tình hình tư tưởng, tâm trạng xã hội của các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là người dân các khu vực có dịch bệnh diễn biến phức tạp, phải thực hiện các biện pháp giãn cách... để dự báo tình hình, xây dựng phương án, kịch bản thông tin, tuyên truyền linh hoạt, phù hợp, bảo đảm ổn định tình hình, giữ vũng an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

10. Lãnh đạo cơ quan chủ quản, lãnh đạo cơ quan báo chí Trung ương và địa phương

- Cơ quan chủ quản tăng cường chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan báo chí trực thuộc trong triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ tuyên truyền phòng, chống dịch.

- Các cơ quan báo chí quán triệt lực lượng phóng viên, biên tập viên, người làm báo nhận thức sâu sắc vai trò, sứ mệnh của người làm báo trong bối cảnh đất nước, Nhân dân đang phải đối mặt với khó khăn, thách thức. Chấp hành nghiêm kỷ luật thông tin, các quy định của pháp luật về báo chí; thông tin đúng tôn chỉ, mục đích được cấp trong giấy phép.

- Xây dựng kế hoạch tuyên truyền cụ thể, linh hoạt, bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh; có nhóm phóng viên chuyên trách, am hiểu lĩnh vực y tế phụ trách về công tác thông tin, tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19.

- Cân đối dung lượng, thời lượng thông tin về tình hình phòng, chống dịch bệnh và các thông tin khác phù hợp diễn biến tình hình và theo chỉ đạo của cơ quan chỉ đạo, định hướng, quản lý báo chí; tăng cường những thông tin tích cực, có phân tích, đánh giá, tạo sự yên tâm, tin tưởng trong Nhân dân, như: các kết quả trong điều trị, cách ly, trong nghiên cứu vaccine, thuốc trị bệnh; các mô hình, cách làm mới vừa phòng, chống dịch hiệu quả... Hạn chế tối đa các thông tin mang màu sắc u ám, thiếu tính phản biện, thiếu tính xây dựng, có thể gây hoang mang, lo lắng, tạo tâm lý bất an trong dư luận xã hội.

- Quán triệt cán bộ, phóng viên, biên tập viên, người làm báo thực hiện nghiêm Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam và Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội về việc không đưa các thông tin chưa được kiểm chứng, thông tin có xu hướng kích động, thông tin có yếu tố nhạy cảm có thể gây hoang mang dư luận xã hội; xử lý nghiêm các cán bộ, phóng viên, biên tập viên vi phạm, quy định trong tác nghiệp, chuyên môn, vi phạm, đạo đức nghề nghiệp, quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam.

- Các cơ quan báo chí: Báo Nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Tạp chí Cộng sản; các kênh truyền hình: Quốc hội, Nhân dân, Quốc phòng Việt Nam, Công an nhân dân; các báo: Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Điện tử Chính phủ, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Đại biểu nhân dân, Đại đoàn kết, Tiền phong, Thanh niên, Lao động, Tuổi trẻ TP. Hồ Chí Minh, Sức khỏe và Đời sống, Vietnamnet, VnExpress, Dân trí, Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC và các cơ quan báo chí khác mở chuyên mục, chương trình, chuyên đề về phòng, chống dịch COVID-19 đặt tại trang nhất (báo in), trang chủ (bảo điện tử) ở vị trí dễ nhận biết, bảo đảm thường xuyên, liên tục, chất lượng, tạo thông tin dẫn dắt, định hướng công chúng và dư luận xã hội (Đối với những cơ quan báo chí chưa mở chuyên mục, chuyên đề về nội dung này, đề nghị nhanh chóng triển khai trước ngày 25/7/2021).

- Báo đảng bộ, đài phát thanh - truyền hình địa phương căn cứ đặc điểm, tình hình thực tế; nhu cầu, đối tượng phục vụ, khả năng cụ thể..., có chuyên mục, chuyên trang, chương trình riêng và phát sóng định kỳ, tập trung thông tin về tình hình dịch bệnh tại địa bàn.

- Thời gian tới, đề nghị các cơ quan báo chí tập trung tuyên truyền về những nội dung trọng tâm, trọng điểm sau:

Việc thực hiện Công văn số 969/TTg-KGVX, ngày 17/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch tại một số địa phương, trong đó, nhấn mạnh công tác chủ động, sẵn sàng các điều kiện trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Phản ánh, phỏng vấn cán bộ, đảng viên, người dân, đại diện các tổ chức đoàn thể, chính, trị xã hội, chức sắc tôn giáo, người có uy tín... nhất trí, đồng lòng, ủng hộ, sẵn sàng vượt khó khăn, thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch; tạo khí thế quyết tâm, tinh thần lạc quan, tin tưởng trong Nhân dân để vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Tuyên truyền đậm nét những thông tin, số liệu tích cực, tươi sáng như số ca khỏi bệnh, tinh thần tương thân tương ái trong cộng đồng, gương người tốt, việc tốt, điểm sáng trong sản xuất, kinh doanh, giữ vũng an ninh trật tự trên địa bàn...

Không đưa các phát ngôn, tin, bài giật tít gây hoang mang, lo lắng, hoảng sợ, phân tâm; nếu không thực sự cần thiết, hạn chế tối đa thông tin người chết, tai biến sau tiêm, những sơ xuất trong thời điểm dịch bệnh; cân bằng thông tin giữa chuyên môn chống dịch và bảo đảm đời sống, tâm lý của Nhân dân vùng có dịch; không so sánh chiến lược, phương pháp phòng, chống dịch giữa các nước gây những hoang mang, phân tâm về phòng, chống dịch; không tổ chức khảo sát, thăm dò, lấy ý kiến bạn đọc để bình luận, định hướng theo chủ ý của báo hoặc tạo ra những bình luận, nhận xét không có lợi cho công tác chỉ đạo phòng, chống dịch; không thông tin, bình luận, phân tích về những vấn đề Chính phủ còn đang thảo luận, cho ý kiến (như chiến lược phòng, chống dịch; kế hoạch phong tỏa địa phương...).

Phản bác, lên án kịp thời các thông tin xuyên tạc, kích động, chống phá trên không gian mạng./.

 


Nơi nhận:
- Thường trực Ban Bí thư (để b/c),
- Đồng chí Thủ tướng Chính phủ (để b/c),
- Đồng chí PTTg CP Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19,
- Lãnh đạo Ban TGTW,
- Văn phòng Trung ương Đảng,
- Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên,
- Tỉnh ủy, thành ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc TW,
- BTG các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc TW,
- Văn phòng Ban Chỉ đạo 35 TW,
- Ban Chỉ đạo 35 các tỉnh ủy, thành ủy,
- VP BCĐ Công tác thông tin đối ngoại TW và địa phương,
- Báo, đài TW và địa phương,
- Các cơ quan chủ quản báo chí,
- Các vụ, đơn vị trong Ban TGTW,
- Vụ BC-XB (05),
- Lưu HC.

TRƯỞNG BAN




Nguyễn Trọng Nghĩa

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 48-KH/BTGTW năm 2021 về công tác thông tin, tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình hiện nay do Ban Tuyên Giáo Trung ương ban hành

  • Số hiệu: 48-KH/BTGTW
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 21/07/2021
  • Nơi ban hành: Ban Tuyên giáo Trung ương
  • Người ký: Nguyễn Trọng Nghĩa
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản