Hệ thống pháp luật

QUỐC HỘI KHÓA XIII
HỘI ĐỒNG DÂN TỘC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 476/KH-HĐDT13

Hà Nội, ngày 24 tháng 6 năm 2013

 

KẾ HOẠCH GIÁM SÁT

"VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH ĐÀO TẠO NGHỀ CHO LAO ĐỘNG KHU VỰC NÔNG THÔN VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ” - TỪ 2010 ĐẾN THÁNG 6/2013

Căn cứ Chương trình hoạt động giám sát năm 2013 của Quốc hội và Kế hoạch số 292/KH-UBTVQH13, ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, triển khai thực hiện chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội năm 2013; Hội đồng Dân tộc của Quốc hội xây dựng kế hoạch giám sát: "Việc thực hiện chính sách đào tạo nghề cho lao động khu vực nông thôn vùng dân tộc thiểu số”- từ năm 2010 đến tháng 6/2013.

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

Triển khai thực hiện Luật Dạy nghề, Chính phủ đã ban hành các chính sách về đào tạo, phát triển nghề, tạo việc làm, trong đó có chính sách về dạy nghề cho lao động nông thôn (Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”).

Hội đồng Dân tộc tổ chức giám sát chuyên đề"Việc thực hiện chính sách đào tạo nghề cho lao động khu vực nông thôn vùng dân tộc thiểu số” - từ năm 2010 đến tháng 6/2013, nhằm mục đích:

1. Làm rõ thực trạng tình hình và kết quả thực hiện chính sách đào tạo nghề cho lao động khu vực nông thôn vùng dân tộc thiểu số (theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 về “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”).

2. Nghiên cứu, tìm ra các nguyên nhân của những bất cập, tồn tại trong đào tạo nghề cho lao động khu vực nông thôn vùng dân tộc thiểu số, từ đó đưa ra các kiến nghị tiếp tục hoàn thiện các chính sách, pháp luật về đào tạo nghề, giải quyết việc làm; đề xuất các giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước, tổ chức thực hiện chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động khu vực nông thôn vùng dân tộc thiểu số.

II. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG GIÁM SÁT

1. Phạm vi giám sát

- Thực hiện chính sách đào tạo nghề cho lao động khu vực nông thôn, tập trung vào đối tượng lao động, học sinh trong vùng nông thôn, miền núi, dân tộc thiểu số (theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”).

- Số liệu báo cáo: từ năm 2010, đến hết tháng 6 năm 2013.

2. Đối tượng giám sát

2.1. Ở Trung ương

- Giám sát Chính phủ, các cơ quan thuộc Chính phủ: Bộ Lao động, thương binh & Xã hội, Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn, Bộ Giáo dục & Đào tạo, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Bộ Công thương, Bộ Nội vụ, Ủy ban Dân tộc. 

2.2. Ở địa phương

Giám sát Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố về triển khai, thực hiện chính sách đào tạo nghề cho lao động khu vực nông thôn vùng dân tộc thiểu số (phạm vi cả nước); tập trung giám sát các tỉnh, thành phố có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Trực tiếp giám sát tại một số địa phương đại diện các khu vực Đông Bắc, Tây Bắc, Bắc Trung bộ, Tây Nguyên, Tây Nam bộ.

III. NỘI DUNG GIÁM SÁT

Tình hình, kết quả thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 về “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, trong đó làm rõ kết quả đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao đông khu vực nông thôn, lao động người dân tộc thiểu số. 

(Nội dung báo cáo theo đề cương, biểu mẫu kèm Kế hoạch này)

IV. PHƯƠNG THỨC, THỜI GIAN GIÁM SÁT

1. Phương thức giám sát

1.1. Giám sát qua văn bản

- Hội đồng Dân tộc có văn bản đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành có liên quan và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố báo cáo: Tình hình, kết quả thực hiện chính sách dạy nghề, tạo việc làm cho lao động khu vực nông thôn vùng dân tộc thiểu số (kết quả, số liệu tính từ năm 2010 đến tháng 6 năm 2013).

- Nghiên cứu các báo cáo của Chính phủ, các Bộ và các địa phương.

- Tổ chức họp Thường trực Hội đồng Dân tộc, yêu cầu các Bộ, ngành và một số địa phương báo cáo “Tình hình, kết quả thực hiện chính sách dạy nghề, tạo việc làm cho lao đông khu vực nông thôn vùng dân tộc thiểu số”, từ năm 2010 đến tháng 6 năm 2013.

1.2. Giám sát trực tiếp

- Tổ chức giám sát, làm việc với các Bộ: nghe các Bộ báo cáo, giải trình làm rõ các yêu cầu của Hội đồng Dân tộc.

- Thành lập 05 đoàn, giám sát trực tiếp tại 12 tỉnh đại diện các khu vực:

+ Đoàn 1, giám sát tại 2 tỉnh: Cao Bằng và Hà Giang;

+ Đoàn 2, giám sát tại 2 tỉnh: Lào Cai và Sơn La;

+ Đoàn 3, giám sát tại 3 tỉnh: Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Gia Lai; 

+ Đoàn 4, giám sát tại 3 tỉnh: Đăk Lắc, Khánh Hòa và Ninh Thuận;

+ Đoàn 5, giám sát tại 2 tỉnh: An Giang và Kiên Giang;

(Có danh sách kèm theo Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát)

1.3. Báo cáo kết quả giám sát
- Báo cáo của các Đoàn (gửi Thường trực Hội đồng Dân tộc);

- Báo cáo của Thường trực Hội đồng Dân tộc gửi Ủy ban thường vụ Quốc hội và Quốc hội (tại kỳ họp thứ sáu - Quốc hội khóa XIII, tháng 10/2013).

2. Tiến độ giám sát

2.1. Bước I (tháng 6/2013)

- Xây dựng, ban hành Kế hoạch giám sát; Nghị quyết của Hội đồng Dân tộc thành lập các Đoàn giám sát; đề cương, biểu mẫu báo cáo giám sát.

- Gửi Nghị quyết, Kế hoạch, công văn và đề cương, biểu mẫu liên quan tới giám sát “Việc thực hiện chính sách dạy nghề, tạo việc làm cho lao đông khu vực nông thôn vùng dân tộc thiểu số”, đến Chính phủ, các Bộ, ngành, các địa phương. 

- Đôn đốc Chính phủ, các Bộ ngành, các địa phương gửi báo cáo.

(Thời hạn gửi báo cáo cho Hội đồng Dân tộc: trước ngày 20/7/2013)

- Nghiên cứu, sưu tập, xây dựng bộ tài liệu phục vụ giám sát.

- Các Đoàn thống nhất kế hoạch, chương trình giám sát tại địa phương; gửi văn bản mời đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân tham gia, phối hợp giám sát tại địa phương.

2.2. Bước II (tháng 7 và tháng 8 /2013)

- Từ 20/7 đến 30/7/2013: 

+ Nghiên cứu tài liệu, báo cáo của bộ, ngành, các địa phương; chuẩn bị các điều kiện phục vụ các Đoàn giám sát tại địa phương;

+ Tiến hành giám sát tại các Bộ ngành ở trung ương;

+ Thường trực Hội đồng Dân tộc tổ chức họp (mở rộng) để nghe các các Bộ, ngành bổ sung, giải trình làm rõ các nội dung (theo yêu cầu của Thường trực Hội đồng Dân tộc).

- Từ 01/8 đến 20/8/2013: Các Đoàn giám sát trực tiếp tại địa phương (theo kế hoạch của Đoàn).

- Từ 21/8 đến 30/8/ 2013: Các Đoàn hoàn chỉnh báo cáo kết quả giám sát với Thường trực Hội đồng dân tộc.

2.3. Bước III (tháng 9 và tháng 10/2013)

- Từ 01/9 đến 10/9/2013: Tổng hợp, hoàn thành dự thảo báo cáo giám sát của Hội đồng dân tộc (dự thảo lần 1).

- Từ 11/9 đến 20/9/2013:

+ Họp Thường trực Hội đồng dân tộc: góp ý kiến, tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo báo cáo kết quả giám sát của Hội đồng dân tộc (dự thảo lần 2).

+ Lấy ý kiến tham gia của các chuyên gia, các cơ quan có liên quan cho dự thảo báo cáo kết quả giám sát của Hội đồng dân tộc.

- Từ 21/9 đến 30/9/2013: 

+ Họp phiên toàn thể Hội đồng Dân tộc: góp ý kiến dự thảo báo cáo giám sát.

+ Tiếp thu các ý kiến, hoàn chỉnh báo cáo kết quả giám sát.

- Tháng 10/2013: gửi báo cáo kết quả giám sát đến Ủy ban thường vụ Quốc hội và Đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIII.

- Kết thúc giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách đào tạo nghề cho lao động khu vực nông thôn vùng dân tộc thiểu số”- từ năm 2010 đến tháng 6 năm 2013.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thường trực Hội đồng Dân tộc phân công đồng chí Giàng A Chu - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc: Chủ trì giúp đồng chí Chủ tịch theo dõi triển khai thực hiện Kế hoạch giám sát chuyên đề này.

2. Đồng chí Vụ trưởng Vụ Dân tộc: chịu trách nhiệm tham mưu, triển khai, phục vụ thực hiện Kế hoạch giám sát; phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương để chuẩn bị nội dung, bảo đảm các điều kiện triển khai, thực hiện Kế hoạch giám sát chuyên đề này. 

3. Đề nghị đồng chí Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo các đồng chí Bộ trưởng các Bộ, ngành trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: thực hiện các nội dung theo Kế hoạch giám sát; chuẩn bị báo cáo đầy đủ các nội dung, yêu cầu (theo đề cương, biểu mẫu của Hội đồng dân tộc); các Đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố tích cực phối hợp, tạo điều kiện để Hội đồng Dân tộc triển khai, hoàn thành kế hoạch giám sát chuyên đề này.

Trên đây là kế hoạch giám sát của Hội đồng Dân tộc về "Việc thực hiện chính sách đào tạo nghề cho lao động khu vực nông thôn vùng dân tộc thiểu số” - từ năm 2010 đến tháng 6/2013.

 

 

Nơi nhận:
- PCTQH Huỳnh Ngọc Sơn (để B/c);
- PCTQH Tòng Thị Phóng (Để B/c);
- Thủ tướng Chính phủ;
- Lãnh đạo Văn phòng Quốc hội;
- Các Bộ: LĐTB & XH, NN&PTNT, GD&ĐT, Quốc phòng, Tài chính; KH& ĐT; Công Thương; Nội vụ; UBDT;
- Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND các tỉnh;
- Thành viên HĐDT;
- Lãnh đạo, Chuyên viên Vụ DT;
- Vụ TH; 
- Lưu HC, Vụ DT;
- Số epas: 44105

TM. HỘI ĐỒNG DÂN TỘC
CHỦ TỊCH




Ksor Phước

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 476/KH-HĐDT13 năm 2013 về giám sát việc thực hiện chính sách đào tạo nghề cho lao động khu vực nông thôn, vùng dân tộc thiểu số do Hội đồng dân tộc ban hành

  • Số hiệu: 476/KH-HĐDT13
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 24/06/2013
  • Nơi ban hành: Hội đồng Dân tộc
  • Người ký: Ksor Phước
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản