Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 47/KH-UBND | Sóc Trăng, ngày 20 tháng 7 năm 2015 |
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN ĐIỀU TRA, ĐÁNH GIÁ TÀI NGUYÊN ĐẤT ĐAI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SÓC TRĂNG
Căn cứ Luật Đất đai ngày 29/11/2013;
Căn cứ Quyết định số 1892/QĐ-TTg ngày 14/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nâng cao năng lực quản lý nhà nước ngành Quản lý đất đai giai đoạn 2011 - 2020;
Căn cứ Thông tư số 35/2014/TT-BTNMT ngày 30/6/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc điều tra, đánh giá đất đai;
Theo Công văn số 5750/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 27/12/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc thực hiện Tổng điều tra, đánh giá tài nguyên đất đai toàn quốc,
Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng ban hành Kế hoạch thực hiện điều tra, đánh giá tài nguyên đất đai trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH VÀ YÊU CẦU
1. Mục đích
Điều tra, đánh giá tài nguyên đất đai nhằm đánh giá chính xác, đầy đủ, toàn diện về thực trạng, chất lượng và tiềm năng đất đai; điều tra, đánh giá thoái hóa đất; ô nhiễm đất; điều tra, phân hạng đất nông nghiệp theo từng vùng, làm cơ sở đề xuất biện pháp tăng cường quản lý Nhà nước về đất đai; khai thác sử dụng đất có hiệu quả cả về số lượng, chất lượng tài nguyên đất đai phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhất là việc lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tích hợp vào cơ sở dữ liệu đất đai của tỉnh nói riêng và của quốc gia nói chung, từ đó, góp phần hoàn thiện hệ thống thông tin đất đai hiện đại, tập trung và thống nhất.
2. Yêu cầu
- Đánh giá được chất lượng, tiềm năng các loại đất theo mục đích sử dụng (diện tích, phân bố) và phân hạng được các loại đất nông nghiệp của tỉnh làm cơ sở cho việc đề xuất giải pháp bảo vệ, định hướng khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai theo đúng quy định.
- Đánh giá được thực trạng thoái hóa đất, ô nhiễm đất theo loại đất và loại hình thoái hóa, ô nhiễm; xác định cụ thể nguyên nhân cũng như xu thế và các quá trình thoái hóa, ô nhiễm đất làm cơ sở đề xuất giải pháp cải tạo, phục hồi và khai thác, sử dụng đất bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
- Xây dựng bộ bản đồ về chất lượng đất, tiềm năng đất đai; thoái hóa đất; các khu vực đất bị ô nhiễm; phân hạng đất nông nghiệp. Đồng thời, cung cấp dữ liệu cho việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin đất đai theo hướng hiện đại và phục vụ đa mục tiêu.
- Cung cấp thông tin, số liệu, tài liệu làm căn cứ lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2020 - 2030; cung cấp số liệu cho hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và phục vụ nhu cầu thông tin về tài nguyên đất cho các hoạt động kinh tế xã hội, nghiên cứu khoa học và các nhu cầu khác của Nhà nước.
- Cung cấp dữ liệu về tài nguyên đất để tích hợp vào cơ sở dữ liệu đất đai của tỉnh, quốc gia; qua đó, góp phần hoàn thiện hệ thống thông tin đất đai hiện đại, tập trung, thống nhất.
- Thực hiện điều tra, đánh giá tài nguyên đất đai theo đúng quy trình, nội dung, phương pháp và tổ chức công khai theo quy định tại Thông tư số 35/2014/TT-BTNMT ngày 30/6/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
- Kết quả điều tra, đánh giá chất lượng, tiềm năng đất đai; điều tra đánh giá thoái hóa đất phải đảm bảo tính chính xác và phản ánh đúng thực tế tại địa phương.
II. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI VÀ NỘI DUNG THỰC HIỆN
1. Đối tượng và phạm vi: Điều tra, đánh giá tài nguyên đất đai trên phạm vi toàn tỉnh Sóc Trăng.
2. Nội dung: Triển khai thực hiện 03 dự án sau:
a) Dự án Điều tra, đánh giá chất lượng đất, tiềm năng đất đai; thoái hóa đất lần đầu tỉnh Sóc Trăng
- Thu thập thông tin, tài liệu, số liệu, bản đồ.
- Lập kế hoạch và điều tra, lấy mẫu đất tại thực địa.
- Tổng hợp, xử lý thông tin tài liệu nội và ngoại nghiệp;
- Xây dựng bản đồ về chất lượng đất, tiềm năng đất đai; thoái hóa đất.
- Phân tích thực trạng chất lượng đất, tiềm năng đất đai, thoái hóa đất.
- Đề xuất các giải pháp bảo vệ, cải tạo đất và định hướng quản lý, sử dụng đất bền vững.
- Xây dựng báo cáo về đánh giá chất lượng đất, tiềm năng đất đai, thoái hóa đất.
b) Dự án Điều tra, đánh giá ô nhiễm đất lần đầu tỉnh Sóc Trăng
- Thu thập thông tin, tài liệu, số liệu, bản đồ để xác định các nguồn gây ô nhiễm đất, các khu vực có nguy cơ ô nhiễm đất.
- Lập kế hoạch và điều tra, lấy mẫu đất tại thực địa.
- Phân tích mẫu đất, tổng hợp số liệu và cảnh báo các khu vực đất bị ô nhiễm và có nguy cơ ô nhiễm (cận ô nhiễm).
- Xây dựng bản đồ các khu vực đất bị ô nhiễm.
- Đề xuất các biện pháp bảo vệ, cải tạo đất và định hướng sử dụng đất bền vững.
- Xây dựng báo cáo đánh giá về thực trạng ô nhiễm đất đai.
c) Dự án Điều tra, phân hạng đất nông nghiệp lần đầu tỉnh Sóc Trăng
- Thu thập thông tin, tài liệu, số liệu bản đồ.
- Lập kế hoạch và điều tra thực địa hiệu quả sử dụng đất.
- Tổng hợp, xử lý thông tin tài liệu nội và ngoại nghiệp.
- Xây dựng bản đồ phân hạng đất nông nghiệp.
- Xây dựng báo cáo kết quả phân hạng đất nông nghiệp.
III. THỜI GIAN, KINH PHÍ THỰC HIỆN VÀ HỒ SƠ GIAO NỘP
1. Thời gian và kinh phí thực hiện
Trong giai đoạn năm 2015 - 2018, tỉnh dự kiến triển khai thực hiện 03 dự án với tổng kinh phí khái toán khoảng 12,5 tỷ đồng (mười hai phẩy năm tỷ đồng), cụ thể như sau:
a) Dự án Điều tra, đánh giá chất lượng đất, tiềm năng đất đai; thoái hóa đất lần đầu tỉnh Sóc Trăng:
- Kinh phí khái toán: 08 tỷ đồng.
- Thời gian thực hiện: 02 năm (2015 - 2016), cụ thể:
+ Quý III/2015: Lập và phê duyệt dự án.
+ Quý III/2016: Xây dựng hoàn thiện sản phẩm Điều tra, đánh giá chất lượng đất, tiềm năng đất đai; thoái hóa đất lần đầu.
+ Quý IV/2016: Thẩm định, phê duyệt và báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường.
b) Dự án Điều tra, đánh giá ô nhiễm đất lần đầu tỉnh Sóc Trăng:
- Kinh phí khái toán: 2,9 tỷ đồng.
- Thời gian thực hiện: Năm 2017, cụ thể:
+ Quý I/2017: Lập và phê duyệt dự án.
+ Quý III/2017: Xây dựng hoàn thiện sản phẩm điều tra, đánh giá ô nhiễm đất.
+ Quý IV/2017: Thẩm định, phê duyệt và báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường.
c) Dự án Điều tra, phân hạng đất nông nghiệp lần đầu tỉnh Sóc Trăng:
- Kinh phí khái toán: 1,6 tỷ đồng.
- Thời gian thực hiện: Năm 2018, cụ thể:
+ Quý I/2018: Lập và phê duyệt dự án.
+ Quý III/2018: Xây dựng hoàn thiện sản phẩm Điều tra, phân hạng đất nông nghiệp.
+ Quý IV/2018: Thẩm định, phê duyệt và báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường.
2. Nguồn kinh phí thực hiện: Ngân sách tỉnh và đề nghị Trung ương hỗ trợ.
3. Hồ sơ giao nộp và lưu trữ kết quả
Hồ sơ giao nộp và lưu trữ kết quả Điều tra, đánh giá tài nguyên đất đai trên địa bàn tỉnh gồm có 03 bộ (cả bản giấy và bản số); trong đó, 01 bộ lưu tại Bộ Tài nguyên và Môi trường, 01 bộ lưu tại UBND tỉnh, 01 bộ lưu tại Sở Tài nguyên và Môi trường. Theo quy định tại Điều 9 và Điều 11 Thông tư số 35/2014/TT-BTNMT ngày 30/6/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các tài liệu trong bộ hồ sơ bao gồm:
- Quyết định phê duyệt kết quả điều tra, đánh giá về chất lượng tiềm năng đất đai; điều tra, đánh giá thoái hóa đất; điều tra, đánh giá ô nhiễm đất; điều tra, phân hạng đất nông nghiệp.
- Báo cáo tổng hợp kết quả điều tra, đánh giá về chất lượng đất, tiềm năng đất đai; điều tra, đánh giá thoái hóa đất; điều tra, đánh giá ô nhiễm đất; điều tra, phân hạng đất nông nghiệp.
- Bản đồ chất lượng đất, tiềm năng đất đai; thoái hóa đất; ô nhiễm đất; phân hạng đất nông nghiệp.
IV. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
- Điều tra, đánh giá tài nguyên đất đai trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo đúng quy định tại Khoản 1 Điều 5 và Khoản 2, 3 Điều 6 Thông tư số 35/2014/TT-BTNMT ngày 30/6/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
- Áp dụng công nghệ thông tin để thực hiện số hóa toàn bộ kết quả điều tra, khoanh vẽ các loại đất, các đối tượng được điều tra đánh giá đầy đủ, chính xác; đồng thời, lập bản đồ chất lượng đất, tiềm năng đất đai; thoái hóa đất, ô nhiễm đất; phân hạng đất nông nghiệp ở dạng số để khai thác, sử dụng thuận tiện, lâu dài.
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm bảo đảm kết quả điều tra, đánh giá tài nguyên đất đai có chất lượng, phản ánh đúng thực trạng đất đai.
- Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện tất cả các công đoạn ở các cấp. Trước khi tiếp nhận kết quả điều tra, đánh giá tài nguyên đất đai, phải tiến hành kiểm tra, thẩm định về các nội dung theo đúng quy định tại Thông tư số 35/2014/TT-BTNMT ngày 30/6/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
- Kết quả điều tra, đánh giá đất đai tỉnh Sóc Trăng phải đảm bảo hoàn thành trước năm 2019 để làm cơ sở dữ liệu cho công tác lập quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội, quy hoạch ngành và quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2020 - 2030, kế hoạch sử dụng đất kỳ đầu (2020 - 2025) tỉnh Sóc Trăng.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Tài nguyên và Môi trường
a) Chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành liên quan xây dựng dự án và dự toán kinh phí thực hiện, gửi Sở Tài chính và Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định theo quy định.
b) Tổ chức thực hiện công tác điều tra, đánh giá tài nguyên đất trên địa bàn tỉnh theo Kế hoạch này. Trong quá trình tổ chức thực hiện, được thuê tư vấn có đủ điều kiện về năng lực theo quy định để thực hiện điều tra, đánh giá đất đai trên địa bàn tỉnh.
c) Thẩm định kết quả điều tra, đánh giá đất đai trên địa bàn tỉnh.
d) Tổng hợp, hoàn chỉnh hồ sơ và trình UBND tỉnh phê duyệt kết quả điều tra, đánh giá đất đai trên địa bàn tỉnh; công bố kết quả trên trang thông tin điện tử của Sở Tài nguyên và Môi trường.
đ) Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo kết quả điều tra, đánh giá đất đai về Bộ Tài nguyên và Môi trường theo đúng quy định.
e) Cập nhật số liệu, dữ liệu quản lý về kết quả điều tra, đánh giá chất lượng đất, tiềm năng đất đai; điều tra đánh giá thoái hóa đất trên địa bàn tỉnh.
2. Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định kinh phí thực hiện điều tra, đánh giá tài nguyên đất đai trên địa bàn tỉnh, trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định.
3. Các sở, ngành liên quan: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường trong quá trình tổ chức thực hiện việc điều tra, đánh giá đất đai trên địa bàn tỉnh theo Kế hoạch này.
4. Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Sóc Trăng: Phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền và của người dân về tầm quan trọng, ý nghĩa cuộc điều tra, đánh giá đất đai trên địa bàn tỉnh.
5. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
- Phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức thực hiện điều tra, đánh giá tài nguyên đất đai trên địa bàn.
- Đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền về mục đích, yêu cầu của việc điều tra, đánh giá đất đai trên địa bàn; chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã phối hợp, cung cấp thông tin để thực hiện kế hoạch điều tra, đánh giá đất đai; đồng thời, cập nhập thông tin, dữ liệu về kết quả điều tra, đánh giá chất lượng, tiềm năng đất đai; điều tra, đánh giá thoái hóa đất trên địa bàn.
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện nghiêm Kế hoạch này. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường) để được xem xét, giải quyết./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Quyết định 25/2013/QĐ-UBND về Quy chế thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng dữ liệu về tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng
- 2Quyết định 03/2015/QĐ-UBND quy định trình tự, thủ tục cưỡng chế thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai, quyết định công nhận hòa giải thành do tỉnh Sóc Trăng ban hành
- 3Quyết định 07/2015/QĐ-UBND về bảng đơn giá đo đạc địa chính; đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất; lập hồ sơ địa chính; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng
- 4Kế hoạch 7615/KH-UBND năm 2017 về điều tra, đánh giá đất đai lần đầu trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
- 5Quyết định 423/QĐ-UBND năm 2018 về giá sản phẩm điều tra, đánh giá đất đai tỉnh Bắc Kạn
- 6Kế hoạch 6805/KH-UBND năm 2020 về thực hiện Dự án Tổng Điều tra, đánh giá tài nguyên đất đai trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa
- 1Quyết định 1892/QĐ-TTg năm 2012 phê duyệt Đề án nâng cao năng lực quản lý nhà nước ngành Quản lý đất đai giai đoạn 2011 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Luật đất đai 2013
- 3Quyết định 25/2013/QĐ-UBND về Quy chế thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng dữ liệu về tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng
- 4Thông tư 35/2014/TT-BTNMT về điều tra, đánh giá đất đai do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 5Quyết định 03/2015/QĐ-UBND quy định trình tự, thủ tục cưỡng chế thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai, quyết định công nhận hòa giải thành do tỉnh Sóc Trăng ban hành
- 6Quyết định 07/2015/QĐ-UBND về bảng đơn giá đo đạc địa chính; đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất; lập hồ sơ địa chính; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng
- 7Công văn 5750/BTNMT-TCQLĐĐ năm 2014 thực hiện Tổng điều tra, đánh giá tài nguyên đất đai toàn quốc do Bộ Tài nguyên và môi trường ban hành
- 8Kế hoạch 7615/KH-UBND năm 2017 về điều tra, đánh giá đất đai lần đầu trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
- 9Quyết định 423/QĐ-UBND năm 2018 về giá sản phẩm điều tra, đánh giá đất đai tỉnh Bắc Kạn
- 10Kế hoạch 6805/KH-UBND năm 2020 về thực hiện Dự án Tổng Điều tra, đánh giá tài nguyên đất đai trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa
Kế hoạch 47/KH-UBND năm 2015 thực hiện điều tra, đánh giá tài nguyên đất đai trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng
- Số hiệu: 47/KH-UBND
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 20/07/2015
- Nơi ban hành: Tỉnh Sóc Trăng
- Người ký: Trần Thành Nghiệp
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra