Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4646/KH-UBND

Phú Thọ, ngày 22 tháng 11 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

CẢI TẠO, SỬA CHỮA HỆ THỐNG ĐƯỜNG TỈNH ĐẾN NĂM 2030

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014, Luật Đầu tư công ngày 13 tháng 6 năm 2019, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng ngày 17 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19 tháng 4 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới.

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải tại Văn bản số 3116/SGTVT-QLBT ngày 13 tháng 11 năm 2023, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch cải tạo, sửa chữa hệ thống đường tỉnh đến năm 2030; cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Từng bước thực hiện công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường tỉnh theo quy chuẩn, tiêu chuẩn và các quy định hiện hành, đảm bảo tính đồng bộ; phát huy hiệu quả của công tác bảo trì, kịp thời xử lý ngay những hư hỏng nhỏ ngay từ đầu, không để phát sinh thành hư hỏng lớn, duy trì khả năng khai thác của hệ thống đường bộ, tránh gây lãng phí nguồn lực đầu tư;

- Xây dựng kế hoạch bảo trì, cải tạo, sửa chữa đối với các tuyến đường tỉnh đã quá thời hạn sửa chữa và đến kỳ sửa chữa theo quy định tại Thông tư số 37/2018/TT-BGTVT ngày 07 tháng 6 năm 2018, Thông tư 41/2021/TT-BGTVT ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hiện đã hư hỏng xuống cấp, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, đảm bảo an toàn giao thông, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội;

- Có giải pháp tổng thể, đồng bộ trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh; kịp thời khắc phục, cải tạo, xử lý các vị trí tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông đồng thời có kế hoạch, nguồn kinh phí để chủ động sửa chữa hệ thống đường bộ hư hỏng phát sinh.

2. Yêu cầu

- Hệ thống giao thông đường bộ sau khi thực hiện tốt công tác bảo trì, bảo dưỡng sẽ phát huy hiệu quả, duy trì khả năng vận hành khai thác, tăng thời gian sử dụng công trình, phòng chống thiên tai, đảm bảo an toàn giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

- Các tuyến đường hư hỏng, xuống cấp được cải tạo, sửa chữa kịp thời, có quy mô kết cấu phù hợp, đáp ứng nhu cầu phát triển lưu lượng giao thông và phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Phú Thọ.

- Các vị trí tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông kịp thời được khắc phục, cải tạo, xử lý; các vị trí hư hỏng phát sinh do tác động của thiên tai được sửa chữa kịp thời, đảm bảo an toàn giao thông.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Tiếp tục phổ biến, quán triệt và chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các văn bản của Trung ương, của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác đầu tư xây dựng; quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông và bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện, có sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện và báo cáo theo quy định.

2. Thực hiện tốt công tác quản lý, đầu tư xây dựng, bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên các tuyến đường tỉnh, bảo đảm hiệu quả đầu tư, duy trì chất lượng khai thác và sử dụng công trình. Việc triển khai thực hiện phải được xem xét, cân đối triển khai theo thứ tự ưu tiên tại Phụ lục kèm theo Kế hoạch này, định kỳ rà soát, cập nhật điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế.

- Thực hiện công tác bảo dưỡng thường xuyên đồng bộ, phù hợp với từng tuyến đường, cấp đường, loại đường, huy động các nguồn lực thực hiện công tác duy tu, chú trọng ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để kịp thời phát hiện và sửa chữa các hư hỏng phát sinh của kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

- Thực hiện công tác cải tạo, sửa chữa định kỳ kịp thời, hiệu quả theo quy định. Quan tâm bố trí nguồn lực từ ngân sách nhà nước theo kế hoạch để cải tạo, sửa chữa định kỳ kết cấu hạ tầng giao thông; đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để giảm bớt áp lực cho ngân sách nhà nước;

- Các vị trí điểm đen, điểm tiềm ẩn mất an toàn giao thông và các bất cập trong tổ chức giao thông được thống kê, rà soát, báo cáo và xử lý kịp thời. Nâng cao chất lượng trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, bảo đảm an toàn giao thông đối với các công trình xây dựng mới.

3. Nâng cao năng lực, hiệu quả công tác quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là ngăn chặn xử lý nghiêm theo quy định đối với các phương tiện quá tải, quá khổ (như: tự ý hoán cải, thay đổi kết cấu, cơi nới kích thước, hình dạng thùng xe…).

4. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và người dân trong công tác quản lý, khai thác và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

5. Nâng cao chất lượng công tác phối hợp giữa ngành giao thông vận tải với các cơ quan, đơn vị có liên quan và chính quyền cấp huyện, cấp xã trong quản lý bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông; đặc biệt là việc phát hiện, xử lý các hành vi làm hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, kiểm soát ngăn chặn xe quá khổ, quá tải.

III. KẾ HOẠCH VÀ KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Khối lượng, nhu cầu kinh phí chủ yếu

a) Trên tổng số 786km/54 tuyến đường tỉnh hiện nay có có 449,12 km mặt đường tốt (hoặc đang được đầu tư cải tạo, nâng cấp); chiếm tỷ lệ 57,13%; 124,77 km mặt đường trung bình, chiếm tỷ lệ 15,87%; 212,31 km mặt đường xấu, rất xấu, chiếm tỷ lệ 27%. Theo đó, đến năm 2030, nhu cầu sửa chữa hệ thống đường tỉnh khoảng 337 km.

b) Kinh phí thực hiện công tác Bảo dưỡng thường xuyên đường bộ trung bình cần nhu cầu khoảng 106,0 triệu đồng/km/năm (Theo định mức bảo dưỡng thường xuyên đường bộ được ban hành kèm theo Thông tư số 44/2021/TT-BGTVT ngày 31 tháng 12 năm 2021).

c) Hệ thống đường tỉnh hiện nay còn một số vị trí có nguy cơ mất an toàn giao thông cần phải khắc phục, xử lý, gồm:

- Vị trí mái taluy âm, vực sâu chưa có hệ thống lan can phòng hộ: Có 489 vị trí/35 tuyến đường tỉnh, chiều dài khoảng 144.749md;

- Vị trí nút giao thông tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông: Có 175 vị trí/35 tuyến đường tỉnh;

- Vị trí đường cong cua khuất tầm nhìn, độ dốc dọc lớn, có yếu tố ảnh hưởng đến an toàn giao thông: Có 26 vị trí/09 tuyến đường tỉnh;

- Vị trí bất cập, bất hợp lý về tổ chức giao thông có 21 vị trí, trong đó: ĐT.313: 02 vị trí, ĐT.313C: 01 vị trí, ĐT.314: 03 vị trí, ĐT.314B: 01 vị trí, ĐT.314C: 01 vị trí, ĐT.315B: 01 vị trí, ĐT.316: 01 vị trí, ĐT.316C: 01 vị trí, ĐT.316E: 01 vị trí, ĐT.317C: 01 vị trí, ĐT.317E: 01 vị trí, ĐT.317G: 01 vị trí, ĐT.320C: 03 vị trí, ĐT.323: 01 vị trí, ĐT.323G: 01 vị trí, ĐT.325B: 01 vị trí;

- Các vị trí tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông có 10 vị trí, trong đó: ĐT.313: 02 vị trí, ĐT.314: 01 vị trí, ĐT.316C: 01 vị trí, ĐT.316D: 01 vị trí, ĐT.316H: 02 vị trí, ĐT.317: 01 vị trí, ĐT.317E: 01 vị trí, ĐT.322: 01 vị trí.

d) Tổng hợp nhu cầu đến năm 2030:

- Cải tạo, sửa chữa định kỳ 337 km tuyến đường tỉnh hiện trạng đang hư hỏng, xuống cấp;

- Cải tạo, xử lý các vị trí có nguy cơ mất an toàn giao thông đã thống kê tại điểm c mục này.

- Ngoài ra, hàng năm duy trì kinh phí bố trí để đảm bảo thực hiện công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên hệ thống đường tỉnh.

2. Nguyên tắc thực hiện

a) Đối với công tác bảo dưỡng thường xuyên: Tiếp tục duy trì thực hiện tốt công tác bảo dưỡng thường xuyên, trong đó:

- Đối với các tuyến đường tỉnh đang ở tình trạng tốt, trung bình: Thực hiện công tác bảo dưỡng thường xuyên đáp ứng các quy định theo tiêu chí giám sát, nghiệm thu của Bộ Giao thông vận tải; các hư hỏng nhỏ của tuyến đường phát sinh trong quá trình khai thác được phát hiện, sửa chữa kịp thời, theo kết cấu ban đầu, duy trì tốt khả năng khai thác của tuyến đường;

- Đối với các tuyến đường ở tình trạng xấu, rất xấu: Tập trung duy trì tốt lề đường, hệ thống thoát nước, hệ thống biển báo hiệu an toàn giao thông. Đối với mặt đường chỉ sửa chữa các vị trí mặt đường hư hỏng nặng bằng vật liệu tạm để đảm bảo an toàn giao thông.

b) Đối với công tác cải tạo, sửa chữa:

- Trên cơ sở những tuyến đường đã đến hạn sửa chữa định kỳ, hiện đã hư hỏng, xuống cấp (không nằm trong kế hoạch đầu tư công hàng năm hoặc các dự án khác): Sắp xếp theo thứ tự ưu tiên làm cơ sở lựa chọn, phê duyệt danh mục các công trình cải tạo, sửa chữa hàng năm, đảm bảo tính công bằng, minh bạch theo hướng trọng tâm, trọng điểm, tiết kiệm và hiệu quả. Nguyên tắc xác định thứ tự ưu tiên căn cứ vào mức độ, tính chất hư hỏng của công trình và vai trò, chức năng của tuyến đường; thứ tự ưu tiên như sau:

+ Công trình xử lý khắc phục hậu quả thiên tai, công trình xử lý điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, bổ sung hạng mục an toàn giao thông đường bộ;

+ Các đoạn tuyến hư hỏng có mật độ phương tiện tham gia giao thông lớn; các đoạn tuyến qua đô thị, khu dân cư; các đoạn tuyến kết nối các khu, cụm công nghiệp có tác động đến phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của địa phương;

+ Các tuyến đường còn lại đến kỳ sửa chữa định kỳ theo quy định.

- Tùy vào điều kiện cụ thể, lựa chọn kết cấu mặt đường phù hợp; trong đó, giải pháp thiết kế cần ưu tiên lựa chọn kết cấu mặt đường bằng bê tông nhựa để đảm bảo tuổi thọ công trình, êm thuận; kết cấu mặt đường bê tông xi măng chỉ xem xét sử dụng đối với các khu vực thường xuyên ngập nước hoặc khu vực chịu lực xung kích lớn; hạn chế sử dụng mặt đường láng nhựa nóng để sửa chữa đường tỉnh (do công nghệ thi công cũ, tuổi thọ mặt đường thấp, biện pháp thi công gây ô nhiễm môi trường).

Từ nay đến năm 2030 sẽ tập trung sửa chữa lớn toàn bộ 337 km đường đang có tình trạng trung bình, xấu và rất xấu (125 km mặt đường trung bình và 212 km mặt đường xấu, rất xấu) và cải tạo, xử lý đồng bộ các vị trí có nguy cơ mất an toàn giao thông trên hệ thống đường tỉnh.

3. Phương án kỹ thuật cải tạo, sửa chữa chủ yếu

a) Đối với các vị trí tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông: Bổ sung, lắp đặt hệ thống lan can phòng hộ, tường chắn tại các vị trí taluy âm, vực sâu; cải tạo độ dốc dọc, tầm nhìn, mở rộng nền, mặt đường các vị trí cong cua, dốc dọc lớn, khuất tầm nhìn; bổ sung tăng cường hệ thống báo hiệu đường bộ, mở rộng mặt đường tại các vị trí nút giao tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

b) Đối với các tuyến đường hư hỏng, xuống cấp nền đường, mặt đường, công trình trên tuyến

Sửa chữa trên nguyên tắc cơ bản giữ nguyên hướng tuyến, nền mặt đường hiện trạng, có thể kết hợp gia cố lề đường để đảm bảo chiều rộng mặt đường Bmặt ≥5,5 m, không phát sinh đền bù giải phóng mặt bằng (trừ các dự án thực sự cần thiết để đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, an toàn và dự án xử lý điểm tiềm ẩn mất an toàn giao thông); kết cấu mặt đường hoàn thiện bằng bê tông nhựa; sửa chữa đồng bộ hệ thống thoát nước, an toàn giao thông. Trong quá trình sửa chữa hạn chế thay đổi cao độ mặt đường các đoạn tuyến qua khu đô thị, khu dân cư sinh sống tập trung.

Tùy vào hiện trạng từng tuyến đường và điều kiện thực tế, lựa chọn giải pháp thiết kế cơ bản như sau:

- Trên cơ sở nền, mặt đường hiện trạng, thiết kế sửa chữa hư hỏng mặt đường cũ đảm bảo chiều rộng mặt đường Bmặt ≥5,5 m;

- Xử lý hư hỏng cục bộ bằng cấp phối đá dăm hoặc bê tông nhựa chặt (tùy theo điều kiện thực tế);

- Bù vênh tăng cường bằng cấp phối đá dăm hoặc bù vênh bằng thảm bê tông nhựa (Đối với các tuyến đường giao thông đồng thời là tuyến đê chưa đủ cao trình chống ngập thì trong quá trình cải tạo, sửa chữa sẽ kết hợp nâng cao độ mặt đường đảm bảo yêu cầu);

- Thảm bê tông nhựa chặt dày trung bình từ 5 cm đến 7 cm;

- Gia cố lề đường tại các vị trí thiết kế rãnh dọc bằng bê tông xi măng;

- Từng bước thiết kế đồng bộ hệ thống thoát nước bằng bê tông xi măng hoặc gạch xây (tùy theo điều kiện thực tế);

- Hoàn thiện hệ thống an toàn giao thông, đảm bảo tuân thủ Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về báo hiệu đường bộ;

- Đối với mặt đường qua khu vực dân cư hoặc khu vực hạn chế nâng cao độ mặt đường cần xem xét giải pháp thiết kế cào bóc, tái chế, thảm bê tông nhựa lại mặt đường cũ.

4. Kế hoạch cụ thể

Phấn đấu đến năm 2030 cơ bản sẽ cải tạo, xử lý các vị trí tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông và sửa chữa hết các tuyến đường tỉnh hư hỏng, xuống cấp, đến hạn và quá hạn sửa chữa định kỳ; cụ thể:

4.1. Nhu cầu kinh phí thực hiện kế hoạch

a) Công tác bảo dưỡng thường xuyên

Trước mắt, ưu tiên triển khai sửa chữa đồng bộ các tuyến đường đã hư hỏng, xuống cấp. Do đó, trong giai đoạn 2024 - 2030 bố trí nguồn lực cho kinh phí bảo dưỡng thường xuyên như sau:

- Giai đoạn 2024 - 2025 tiếp tục duy trì kinh phí bố trí cho công tác bảo dưỡng thường xuyên đường tỉnh là 45 triệu/km/năm (theo Nghị quyết số 17/2021/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh);

- Giai đoạn 2026 - 2030, căn cứ điều kiện ngân sách tỉnh, bố trí kinh phí cho công tác bảo dưỡng thường xuyên đường tỉnh đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế và tiệm cận với định mức Bảo dưỡng thường xuyên do Bộ Giao thông vận tải ban hành.

b) Công tác cải tạo, sửa chữa

Từ nay đến năm 2030 căn cứ theo thứ tự ưu tiên của từng tuyến đường (có danh mục dự án kèm theo) và khả năng cân đối nguồn lực của Ngân sách tỉnh, ưu tiên bố trí kinh phí tập trung sửa chữa định kỳ 337 km (đã đến kỳ sửa chữa, hiện đang ở tình trạng trung bình, xấu và rất xấu); đồng thời cải tạo, xử lý các vị trí tiềm ẩn nguy cơ cao gây mất an toàn giao thông.

(Chi tiết có Phụ lục kèm theo)

4.2. Nguồn kinh phí thực hiện: Ngân sách tỉnh (xây dựng cơ bản tập trung, sự nghiệp giao thông, nguồn bảo trì đường bộ - bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương…) và các nguồn vốn hợp pháp khác.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Giao thông vận tải

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này; tổ chức sơ kết, tổng kết để đánh giá kết quả thực hiện; tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định;

Phối hợp chặt chẽ với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính để tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh cân đối, bố trí nguồn lực đầu tư để thực hiện Kế hoạch, đảm bảo hiệu quả, khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế.

- Hàng năm, trên cơ sở Kế hoạch được phê duyệt và khả năng cân đối của Ngân sách tỉnh, Sở Giao thông vận tải chủ động trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Chủ trương đầu tư hoặc dự án đầu tư/Báo cáo kinh tế - kỹ thuật (tùy vào tính chất cải tạo, sửa chữa và nguồn vốn đầu tư) trước ngày 31 tháng 10 hàng năm các dự án của năm sau.

Trường hợp cần thay đổi thứ tự ưu tiên các dự án trong Kế hoạch đã được phê duyệt, Sở Giao thông vận tải chủ động đề xuất nội dung điều chỉnh, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định, đảm bảo đáp ứng tiến độ nêu trên.

Trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch, nếu phát sinh các nội dung công việc có tính chất đột xuất, cấp bách (các dự án khắc phục hậu quả thiên tai, xử lý điểm mất an toàn giao thông phát sinh…) không thuộc danh mục dự án theo Kế hoạch đã được phê duyệt, Sở Giao thông vận tải kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và triển khai dự án theo quy định hiện hành.

- Chủ động tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch này nếu có yếu tố thay đổi, đảm bảo phù hợp với phương án phát triển giao thông vận tải trong Quy hoạch tỉnh và các yếu tố cần thiết khác. Chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị triển khai thực hiện tốt công tác quản lý, bảo trì các tuyến đường địa phương thuộc phạm vi quản lý.

- Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, duy trì khả năng khai thác các tuyến đường. Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong công tác bảo trì đường bộ; tranh thủ, huy động các nguồn vốn tư nhân, xã hội hóa cho công tác bảo trì hệ thống đường bộ.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Giao thông vận tải và các cơ quan, đơn vị liên quan đề xuất, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh cân đối, bố trí kinh phí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm để thực hiện Kế hoạch này; tổ chức thẩm định Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư đối với các dự án thuộc danh mục, thứ tự ưu tiên tại phụ lục kèm theo Kế hoạch này.

2. Sở Tài chính: Chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan: Đề xuất, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh cân đối, kinh phí chi thường xuyên (nguồn vốn quản lý, bảo trì đường bộ được ngân sách Trung ương bổ sung, sự nghiệp giao thông,…) trong dự toán năm 2024 và các năm tiếp theo để thực hiện Kế hoạch.

4. Công an tỉnh: Chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông, công an các huyện, thành, thị tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý các trường hợp vi phạm về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông; đặc biệt là vi phạm về tải trọng, cơi nới kích thước phương tiện, xây dựng công trình trái phép trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

5. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, Báo Phú Thọ: Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền; trong đó, tập trung tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các quy định của pháp luật về giao thông đường bộ, đầu tư xây dựng và các Nghị định hướng dẫn có liên quan; các quy định của pháp luật xử phạt vi phạm hành chính... Từng bước đổi mới hình thức tuyên truyền, tăng cường ứng dụng công nghệ số, nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền nhằm xây dựng và hình thành ý thức bảo vệ công trình giao thông của người dân; duy trì thường xuyên các chuyên đề, chuyên mục tuyên truyền giáo dục pháp luật về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, bảo trì đường bộ. Kịp thời phản ánh các hành vi phá hoại công trình giao thông, tuyên truyền phổ biến và nhân rộng các mô hình xã hội hóa có hiệu quả trong bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, bảo trì đường bộ.

6. Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị

- Phối hợp chặt chẽ với Sở Giao thông vận tải trong quá trình triển khai Kế hoạch bảo trì, cải tạo, sửa chữa hệ thống đường giao thông trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, đảm bảo hiệu quả, hợp lý;

- Chủ động xây dựng Kế hoạch và chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác cải tạo, sửa chữa và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thuộc thẩm quyền quản lý. Tổ chức thực hiện tốt các quy định về bảo vệ an toàn đường bộ, tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm theo thẩm quyền, cưỡng chế, giải tỏa, tháo dỡ các công trình xây dựng trái phép trong hành lang an toàn giao thông đường bộ.

7. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến pháp luật về giao thông đường bộ, đầu tư xây dựng công trình giao thông đến mọi tầng lớp nhân dân. Tích cực lồng ghép nội dung quản lý, bảo vệ, bảo trì công trình giao thông vào phong trào toàn dân xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh và các phong trào thi đua khác để triển khai sâu rộng trong toàn xã hội;

- Tăng cường công tác giám sát triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách pháp luật về đầu tư cải tạo, sửa chữa, duy tu, bảo trì đường bộ; nhân rộng các mô hình xã hội hóa có hiệu quả về quản lý, duy tu và bảo vệ công trình đường bộ trên địa bàn tỉnh.

Sở Giao thông vận tải và các sở, ngành, đơn vị liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị căn cứ Kế hoạch này và tình hình thực tế của đơn vị, địa phương mình để tổ chức triển khai thực hiện, đảm bảo phù hợp, hiệu quả. Kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh các khó khăn, vướng mắc để được chỉ đạo, giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- TTTU, TT HĐND tỉnh (để b/c);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQ tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể;
- UBND các huyện, thành, thị;
- CVP, các PCVP;
- Lưu: VT, GT1.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thanh Hải

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 4646/KH-UBND năm 2023 về cải tạo, sửa chữa hệ thống đường tỉnh Phú Thọ đến năm 2030

  • Số hiệu: 4646/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 22/11/2023
  • Nơi ban hành: Tỉnh Phú Thọ
  • Người ký: Nguyễn Thanh Hải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 22/11/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản