Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4609/KH-UBND

Lâm Đồng, ngày 19 tháng 07 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN XÂY DỰNG CƠ SỞ DỮ LIỆU QUỐC GIA VỀ AN SINH XÃ HỘI, ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀO GIẢI QUYẾT CHÍNH SÁCH AN SINH XÃ HỘI ĐẾN NĂM 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Quyết định số 708/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội, ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết chính sách an sinh xã hội đến năm 2020 và định hướng phát triển đến năm 2030, UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch triển khai Đề án trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng (sau đây gọi tắt là Kế hoạch) gồm những nội dung chính sau đây:

I. MỤC TIÊU:

1. Mục tiêu tổng quát:

Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết chính sách an sinh xã hội cho người dân, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đổi mới về tổ chức và đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực an sinh xã hội, góp phần phát triển Chính phủ điện tử.

2. Mục tiêu cụ thể:

a) Mục tiêu đến năm 2020:

- Ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký, giải quyết chính sách, chi trả cho đối tượng thụ hưởng chính sách an sinh xã hội kịp thời, công khai và minh bạch như phần mềm quản lý các đối tượng chính sách người có công, các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, các đối tượng bảo trợ xã hội (thuộc Dự án SASSP Lâm Đồng), phần mềm quản lý việc cấp thẻ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp...

- Triển khai cấp số và thẻ an sinh xã hội điện tử để tích hợp, giúp người dân thụ hưởng thuận lợi các chính sách trợ giúp xã hội, giảm nghèo, người có công với cách mạng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.

- Phối hợp duy trì và nâng cấp cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội bao gồm thông tin cơ bản về công dân Việt Nam là đối tượng của các chính sách: Trợ giúp xã hội, giảm nghèo, người có công với cách mạng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.

b) Định hướng đến năm 2030:

Mở rộng cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội gồm thông tin thêm về các lĩnh vực: Trẻ em, dạy nghề, việc làm, bình đẳng giới, phòng chống tệ nạn xã hội và các lĩnh vực khác của an sinh xã hội theo quy định của pháp luật.

II. CÁC NHIỆM VỤ CHỦ YẾU ĐẾN NĂM 2020

1. Ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết chính sách an sinh xã hội, quản lý và cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội.

a) Duy trì và nâng cấp phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết chính sách an sinh xã hội, quản lý, cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội; nghiên cứu, hoàn thiện cơ sở pháp lý cấp số và thẻ an sinh xã hội điện tử; xây dựng quy chế về cập nhật, quản lý, vận hành và truy cập cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội, bảo đảm kết nối liên thông, tích hợp và chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu của các sở, ngành, các cơ quan liên quan và các địa phương trong tỉnh.

b) Cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội gồm các thông tin sau đây:

- Các thông tin về đối tượng và chính sách trợ giúp xã hội theo quy định tại Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và các văn bản pháp luật có liên quan.

- Các thông tin về đối tượng và chính sách giảm nghèo theo quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020 và các văn bản pháp luật có liên quan.

- Các thông tin về đối tượng và chính sách ưu đãi người có công với cách mạng được quy định tại Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng và các văn bản pháp luật có liên quan.

- Các thông tin về đối tượng và chính sách bảo hiểm thất nghiệp; các thông tin, cơ sở dữ liệu về thị trường lao động theo quy định tại Luật Việc làm và các văn bản hướng dẫn Luật.

- Các thông tin, cơ sở dữ liệu về trẻ em theo Luật Trẻ em năm 2016 và các văn bản hướng dẫn Luật.

c) Tích hợp các thông tin sau đây vào cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội:

- Các thông tin định danh công dân theo quy định tại Điều 9 Luật Căn cước công dân và các văn bản hướng dẫn Luật.

- Các thông tin về đối tượng và chính sách bảo hiểm xã hội theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội và các văn bản hướng dẫn Luật.

- Các thông tin về đối tượng và chính sách bảo hiểm y tế theo quy định tại Luật Bảo hiểm y tế và các văn bản hướng dẫn Luật.

d) Triển khai hệ thống chỉ tiêu, chỉ số đầu vào, đầu ra, bảo đảm các cơ sở dữ liệu thành phần cập nhật, quản lý, tích hợp và trao đổi cơ sở dữ liệu an sinh xã hội.

2. Giai đoạn 2017 - 2018 phối hợp thí điểm cấp số và thẻ an sinh xã hội điện tử tại 1 - 2 huyện, thành phố; giai đoạn 2019 - 2020 triển khai cấp số và thẻ an sinh xã hội điện tử cho công dân Việt Nam là đối tượng của an sinh xã hội.

3. Xây dựng Cổng Thông tin điện tử An sinh xã hội trên mạng điện tử để thực hiện: Giải quyết các chính sách an sinh xã hội cho người dân; cung cấp thông tin về chính sách, đối tượng thụ hưởng chính sách an sinh xã hội; tích hợp cung cấp dịch vụ trực tuyến và kết nối hệ thống thông tin thống kê về an sinh xã hội của các sở, ngành, cơ quan liên quan và các địa phương trong tỉnh.

III. GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội.

2. Đề xuất hoàn thiện các cơ chế, chính sách đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết chính sách an sinh xã hội, xây dựng cơ sở dữ liệu an sinh xã hội; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư hạ tầng kỹ thuật nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giải quyết chi trả chính sách, xây dựng cơ sở dữ liệu; lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ công bảo đảm chi trả theo yêu cầu, thực hiện theo cơ chế thu hồi vốn đầu tư thông qua thu phí cung cấp dịch vụ chi trả chính sách; hướng dẫn, hỗ trợ người dân tự đăng ký và nhập liệu các trường thông tin cá nhân vào cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội.

3. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và người dân về vai trò, tác dụng của số an sinh xã hội, thẻ an sinh xã hội điện tử và cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội.

4. Đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên trong việc ứng dụng, khai thác hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu về an sinh xã hội.

5. Tăng cường trao đổi thông tin, học tập kinh nghiệm của các địa phương trong nước đã áp dụng thành công việc sử dụng thẻ an sinh xã hội điện tử.

6. Tăng cường giám sát, đánh giá việc thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội của các sở, ngành, cơ quan liên quan và các địa phương trong tỉnh.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Kinh phí thực hiện Đề án được bảo đảm từ các nguồn:

1. Vốn doanh nghiệp, chi phí dịch vụ chi trả các chính sách an sinh xã hội.

2. Vốn ngân sách nhà nước được bố trí trong dự toán chi thường xuyên hàng năm theo phân cấp của Luật Ngân sách nhà nước.

3. Vốn huy động, tài trợ, đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và các nguồn hợp pháp khác theo quy định, của pháp luật.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

a) Chủ trì, hướng dẫn triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch; kiểm tra, giám sát việc triển khai Kế hoạch; định kỳ, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện; tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch vào năm 2020 trước khi tiếp tục triển khai giai đoạn tiếp theo đến năm 2030.

b) Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tài chính và các cơ quan liên quan hướng dẫn các địa phương lựa chọn đơn vị có mạng lưới cơ sở vật chất và nhân lực trải rộng đến cấp xã trên cả tỉnh, có kinh nghiệm cung cấp dịch vụ chi trả trợ cấp xã hội, các chính sách an sinh xã hội và bảo đảm xây dựng cơ sở dữ liệu an sinh xã hội để cung cấp dịch vụ chi trả các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn.

2. Các sở, ngành, cơ quan liên quan và UBND các huyện, thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc chỉ đạo, triển khai, phối hợp thực hiện nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch theo nhiệm vụ quản lý.

3. Công an tỉnh, Sở Y tế và Bảo hiểm xã hội tỉnh phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tích hợp các thông tin tại Điểm c, Khoản 1, Mục II Kế hoạch này vào cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội.

Trong quá trình tổ chức, triển khai, nếu thấy cần thiết phải bổ sung, điều chỉnh Kế hoạch này, các sở, ngành, cơ quan liên quan và các địa phương chủ động kiến nghị, đề xuất UBND tỉnh xem xét, quyết định./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Lao động - TBXH;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Như Mục V;
- Lưu: VT, VX3.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Ngọc Liêm

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 4609/KH-UBND năm 2017 về triển khai Đề án Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội, ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết chính sách an sinh xã hội đến năm 2020 và định hướng phát triển đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng

  • Số hiệu: 4609/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 19/07/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lâm Đồng
  • Người ký: Trần Ngọc Liêm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 19/07/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản