Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 44/KH-UBND

Hà Nội, ngày 19 tháng 02 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

KIỂM TRA CÔNG VỤ NĂM 2016

Căn cứ Luật Cán bộ, công chức năm 2008; Luật Viên chức năm 2010; Quyết định số 03/2007/QĐ-BNV ngày 26/02/2007 của Bộ Nội vụ về việc ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong bộ máy chính quyền địa phương; Quyết định số 09/2015/QĐ-TTg ngày 25/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương;

Thực hiện Nghị quyết số 04/2015/NQ-HĐND ngày 01/12/2015 của HĐND thành phố về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch kiểm tra công vụ năm 2016 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YẾU CẦU

1. Mục đích

- Tiếp tục nâng cao trách nhiệm, tinh thần, thái độ, chất lượng phục vụ nhân dân của các cơ quan, đơn vị nhà nước thuộc thành phố Hà Nội; tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về kỷ luật, kỷ cương hành chính trong các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động năm 2016 của UBND thành phố;           .

- Phát hiện, kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý nghiêm những trường hợp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính; gây khó khăn, phiền hà, cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu đối với tổ chức, công dân trong quá trình tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính;

- Kịp thời thông tin, báo cáo UBND thành phố về công tác giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị;

- Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hoặc bãi bỏ những thủ tục hành chính không phù hợp.

2. Yêu cầu

- Hoạt động kiểm tra phải đảm bảo đúng pháp luật, chính xác, khách quan, trung thực. 

- Không làm cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng kiểm tra công vụ.

II. ĐỐI TƯỢNG, NỘI DUNG, PHƯƠNG PHÁP KIỂM TRA

1. Đối tượng

- Các Sở, cơ quan tương đương Sở; các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Thành phố; các cơ quan hành chính Trung ương được tổ chức theo ngành dọc đặt tại Thành phố (sau đây gọi tắt là các sở, ban, ngành); UBND các quận, huyện, thị xã; UBND các xã, phường, thị trấn thuộc Thành phố; các doanh nghiệp Nhà nước thuộc Thành phố có liên quan đến nhiệm vụ UBND thành phố giao.

- Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong các sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã; UBND các xã, phường, thị trấn thuộc Thành phố; các doanh nghiệp Nhà nước thuộc Thành phố có liên quan đến nhiệm vụ UBND thành phố giao.

2. Nội dung

- Việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong các cơ quan, tổ chức thuộc đối tượng kiểm tra nêu tại mục 1 phần II Kế hoạch này; việc chấp hành thời gian làm việc; việc tuân thủ nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị.

- Việc thực hiện các quy định về tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công đối với cá nhân và tổ chức, trong đó tập trung kiểm tra việc giải quyết hồ sơ hành chính của cá nhân, tổ chức theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông.          - Việc thực hiện các quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong bộ máy chính quyền địa phương theo Quyết định số 03/2007/QĐ- BNV ngày 26/02/2007 của Bộ Nội vụ.           

- Việc thực hiện các chỉ đạo của UBND Thành phố liên quan đến thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

3. Phương pháp

- Kiểm tra theo kế hoạch hoặc kiểm tra đột xuất (không thông báo trước thời gian và địa điểm kiểm tra);

 - Kiểm tra theo chỉ đạo của UBND thành phố hoặc theo thông tin phản ánh, khiếu nại, tố cáo của cá nhân, tổ chức.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Kinh phí thực hiện được đảm bảo từ nguồn ngân sách của Thành phố bố trí cho hoạt động của Sở Nội vụ năm 2016. Việc thực hiện các nội dung của Kế hoạch này áp dụng các quy định tại Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 06/7/2010 của Bộ Tài chính, Thông tư số 172/2012/TT-BTC ngày 22/10/2012 của Bộ Tài chính và các văn bản có liên quan khác. 

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nội vụ

Quyết định thành lập Đoàn kiểm tra công vụ Thành phố để tiến hành hoạt động kiểm tra công vụ trên địa bàn. Trưởng Đoàn là Lãnh đạo Sở Nội vụ; Thành viên Đoàn là cán bộ, công chức một số cơ quan: Sở Nội vụ, Văn phòng UBND Thành phố, Thanh tra Thành phố, Sở Tư pháp và một số sở, ban, ngành có liên quan.

2. Đoàn kiểm tra công vụ Thành phố

- Triển khai các hoạt động kiểm tra công vụ theo nội dung nêu trong kế hoạch này.

- Được yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng kiểm tra công vụ:

+ Cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác các thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung kiểm tra (trừ những thông tin, tài liệu đang bảo mật) và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của thông tin, tài liệu đã cung cấp;

+ Báo cáo, giải trình về nội dung kiểm tra;

+ Thực hiện kiến nghị, yêu cầu, kết luận của Đoàn kiểm tra hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Kiến nghị, yêu cầu cơ quan có thẩm quyền đề ra các biện pháp khắc phục thiếu sót, xử lý nghiêm những trường hợp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động vi phạm các quy định về nghĩa vụ, những việc không được làm, việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức theo quy định hiện hành; kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra vi phạm.

- Đôn đốc, kiểm tra các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện kiến nghị của Đoàn kiểm tra công vụ Thành phố hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền,

- Được sử dụng các phương tiện thu phát thông tin để phục vụ hoạt động kiểm tra.

- Căn cứ điều kiện cụ thể và nội dung chuyên đề kiểm tra công vụ, Đoàn kiểm tra công vụ Thành phố có thể mời một số cơ quan, đơn vị chức năng của Thành phố, Bộ Nội vụ, các cơ quan thông tấn, báo chí thuộc Thành phố cử cán bộ, công chức, viên chức tham gia hoạt động của Đoàn.

- Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hàng quý với UBND Thành phố về kết quả kiểm tra công vụ.

3. Các sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã

- Xây dựng và triển khai kế hoạch kiểm tra công vụ tại cơ quan, đơn vị mình và cấp dưới trực thuộc.

- Tạo điều kiện thuận lợi cho Đoàn kiểm tra công vụ thực hiện nhiệm vụ tại địa phương, cơ quan, đơn vị.

- Tổ chức thực hiện kiến nghị, yêu cầu, kết luận của Đoàn kiểm tra công vụ hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền và báo cáo kết quả về Sở Nội vụ.

- Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ với UBND Thành phố về kết quả kiểm tra công vụ tại cơ quan, đơn vị trước ngày 20 của tháng cuối cùng hàng quý (qua Sở Nội vụ để tổng hợp).

Trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch, nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị kịp thời báo cáo UBND thành phố (qua Sở Nội vụ) để xem xét, giải quyết./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Đức Chung

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 44/KH-UBND kiểm tra công vụ năm 2016 do thành phố Hà Nội ban hành

  • Số hiệu: 44/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 19/02/2016
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Nguyễn Đức Chung
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản