Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4203/KH-UBND

Bình Thuận, ngày 09 tháng 12 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI HOẠT ĐỘNG CHĂM SÓC SỨC KHỎE SINH SẢN GIAI ĐOẠN 2022 - 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN

Căn cứ Quyết định số 2779/QĐ-BYT ngày 04/6/2021 của Bộ Y tế về việc phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về Chăm sóc sức khỏe sinh sản, tập trung vào chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ giai đoạn 2021-2025.

Thực hiện Công văn số 5925/BYT-KH-TC ngày 23/7/2021 của Bộ Y tế về việc rà soát, chuyển nội dung nhiệm vụ của Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016 - 2020 thành nhiệm vụ thường xuyên của các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương.

Thực hiện Công văn số 5125/BYT-BM-TE ngày 19/9/2022 của Bộ Y tế về việc Hướng dẫn lập kế hoạch triển khai hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản thuộc Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số chuyển thành nhiệm vụ chi thường xuyên giai đoạn 2022 - 2025.

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai hoạt động Chăm sóc sức khỏe sinh sản thuộc Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số chuyển về nhiệm vụ chi thường xuyên giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn tỉnh như sau:

Phần I

ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ TRIỂN KHAI HOẠT ĐỘNG CHĂM SÓC SỨC KHỎE SINH SẢN GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

Trong giai đoạn 2016 - 2020, thực hiện Quyết định số 1125/QĐ-TTg ngày 31/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016 - 2020, Quyết định số 153/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Quyết định số 1125/QĐ-TTg ngày 31/7/2017, Thông tư số 26/2018/TT-BTC ngày 21/3/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020; Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 2917/KH-UBND ngày 17/7/2018 về thực hiện Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2018-2020 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh đạt được kết quả cụ thể như sau:

I. KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

1. Về công tác tham mưu, ban hành văn bản

- Kế hoạch số 1645/KH-UBND ngày 08/5/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em tỉnh giai đoạn 2017 - 2020.

- Kế hoạch số 3007/KH-SYT ngày 08/8/2017 của Sở Y tế về Chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em của ngành y tế tỉnh giai đoạn 2017 - 2020.

- Kế hoạch số 2917/KH-UBND ngày 17/7/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2018 - 2020 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

- Kế hoạch số 290/SYT-NV ngày 25/01/2019 của Sở Y tế về triển khai hoạt động Chăm sóc sức khỏe sinh sản thuộc chương trình mục tiêu Y tế - Dân số năm 2019.

- Kế hoạch số 789/KH-SYT ngày 11/3/2019 của Sở Y tế về triển khai hoạt động Chăm sóc sức khỏe sinh sản thuộc Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số năm 2019.

- Kế hoạch số 1550/KH-SYT ngày 08/5/2020 của Sở Y tế về triển khai hoạt động Chăm sóc sức khỏe sinh sản thuộc Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số năm 2020.

2. Kết quả thực hiện hoạt động Chăm sóc sức khỏe sinh sản giai đoạn 2016 - 2020

- Tỷ lệ phụ nữ đẻ được khám quản lý thai; tỷ lệ khám thai đủ 3 lần trong 3 thời kỳ; tỷ lệ bà mẹ và trẻ sơ sinh được chăm sóc sau sinh đều đạt > 97%; tỷ lệ đẻ tại cơ sở y tế đạt 99,8%.

- Tổ chức 16 lớp tập huấn triển khai sử dụng sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ - trẻ em và tầm soát ung thư cổ tử cung cho cán bộ chuyên trách tuyến huyện, xã.

- Hàng năm, tổ chức khám sức khỏe tầm soát ung thư sớm cổ tử cung, siêu âm, đặt vòng và cấp phát thuốc miễn phí cho phụ nữ tại các xã khó khăn và đồng bào dân tộc thiểu số.

- 90% số huyện, thị xã, thành phố và trên 35% số xã, phường, thị trấn được giám sát, hỗ trợ chuyên môn hàng năm.

- Phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và các trường trung học phổ thông tổ chức nói chuyện chuyên đề sức khỏe sinh sản, chăm sóc sức khỏe vị thành niên/thanh niên tại các khu công nghiệp, trường học...

- Thực hiện đạt các chỉ tiêu cụ thể của dự án theo Quyết định số 1125/QĐ-TTg ngày 31/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Mục tiêu, chỉ tiêu được phê duyệt tại QĐ 1125

2016

2017

2018

2019

2020

Giảm tỷ xuất chết trẻ em < 1 tuổi xuống còn 14‰

2,49

3,21

1,95

1,97

1,96

Giảm tỷ số chết mẹ xuống còn 52/100.000 trẻ đẻ ra sống

11,34

16,88

22,95

11,2

5,7

3. Những tồn tại, hạn chế

- Cán bộ Y tế phụ trách chương trình Chăm sóc sức khỏe sinh sản tuyến huyện và xã thay đổi thường xuyên, mô hình tổ chức chưa thống nhất.

- Trang thiết bị y tế tại một số xã còn thiếu như: Doppler tim thai; dụng cụ khám sản phụ khoa, đặt vòng đã cũ chưa được thay mới. Dụng cụ khám phụ khoa và bộ dụng cụ đỡ sanh cũng hư hỏng ở một số trạm y tế chưa được thay mới.

- Nhân lực về chuyên ngành sản phụ khoa và nhi khoa còn thiếu ở Trung tâm Y tế huyện Hàm Thuận Nam và huyện Hàm Thuận Bắc nên còn gặp nhiều khó khăn trong việc khám chữa bệnh, quản lý và thực hiện chương trình chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em ở tuyến cơ sở.

- Năm 2020, cả hệ thống chính trị của tỉnh, trong đó chủ lực là ngành Y tế phải tham gia chống dịch Covid -19 nên gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tư vấn, truyền thông ở các tuyến cơ sở cũng như tuyến tỉnh.

- Việc triển khai thực hiện phòng các bệnh lây truyền từ mẹ sang con như viêm gan siêu vi B, HIV, giang mai, tầm soát sàng lọc sơ sinh... đạt tỉ lệ thấp, do một số bệnh viện và trung tâm y tế khó khăn trong việc đấu thầu và kinh phí còn hạn chế.

- Chăm sóc sức khỏe sinh sản/sức khỏe tình dục của nhóm vị thành niên, thanh niên yếu thế chưa được đáp ứng đúng mức.

- Công tác giáo dục khỏe sinh sản/sức khỏe tình dục chưa được triển khai thường xuyên hàng năm trong hệ thống trường học.

- Dự phòng và sàng lọc sớm ung thư cổ tử cung do giá thành còn cao nên việc triển khai tiêm ngừa vắc xin phòng ngừa ung thư cổ tử cung và tầm soát của các cơ sở y tế chưa triển khai và thực hiện đồng bộ.

II. SỰ CẦN THIẾT PHẢI TIẾP TỤC THỰC HIỆN HOẠT ĐỘNG CHĂM SÓC SỨC KHỎE SINH SẢN GIAI ĐOẠN 2022 - 2025

1. Những năm gần đây, công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người dân được đặc biệt quan tâm. Trong đó, việc đẩy mạnh triển khai nhiều biện pháp, đầu tư kinh phí cũng như mở rộng xã hội hóa các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản được thực hiện, các chỉ số về chăm sóc trước, trong và sau sinh đều cao nhưng tỷ lệ phụ nữ được khám thai ≥ 4 lần (ANC4 ) còn thấp, chưa có sự gia tăng đáng kể qua các năm; tai biến sản khoa và số tử vong mẹ do các tai biến tại cuộc đẻ vẫn còn; một số vấn đề về sức khỏe bà mẹ có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây cần được quan tâm để có các can thiệp kịp thời, đó là tỷ lệ mổ lấy thai tăng ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ và con trước mắt và lâu dài; số bà mẹ bị ung thư vú, ung thư tử cung cũng tăng một cách rõ rệt, đáng lưu ý là thường phát hiện muộn; tỷ lệ bà mẹ bị trầm cảm sau sinh ít được quan tâm trong khi tỷ lệ ngày càng nhiều và đã gây một số hậu quả đáng tiếc.

2. Tử vong sơ sinh đang có dấu hiệu giảm nhưng với tỷ suất hiện tại, các vấn đề về sức khỏe trẻ sơ sinh vẫn là gánh nặng trong chăm sóc sức khỏe trẻ em kịp thời và đúng mức, nguyên nhân chính của tình trạng chậm cải thiện về sức khỏe sơ sinh là do thiếu cả về nhân lực và trang thiết bị, cơ sở vật chất cho chăm sóc sơ sinh. Đặc biệt kỹ năng về cấp cứu sơ sinh ở nhiều cơ sở y tế chưa đáp ứng được yêu cầu.

Vì vậy, việc triển khai và duy trì tiếp tục hoạt động Chăm sóc sức khỏe sinh sản, tập trung vào chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ giai đoạn 2021 - 2025 là hết sức cần thiết, nhằm cải thiện tình trạng sức khỏe sinh sản, tập trung vào cải thiện sức khỏe giảm tử vong mẹ và tử vong trẻ em trên địa bàn tỉnh.

III. CÁC NHIỆM VỤ CHUYÊN MÔN CẦN TIẾP TỤC VÀ DUY TRÌ HOẠT ĐỘNG TRONG GIAI ĐOẠN 2022 - 2025

1. Thực hiện theo sự chỉ đạo và hướng dẫn của Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Sở Y tế tiếp tục triển khai các chính sách, văn bản, đề án, kế hoạch hành động hướng dẫn chuyên môn, tài liệu đào tạo.

2. Tổ chức thông tin giáo dục truyền thông về Chương trình Chăm sóc sức khỏe sinh sản đến mọi đối tượng như: Vị thành niên/thanh niên, nhóm vị thành niên/thanh niên khuyết tật; lao động tại các khu công nghiệp/khu chế xuất, người dân tộc thiểu số, cha mẹ, thầy cô giáo, cán bộ hội phụ nữ, cán bộ đoàn thanh niên, cán bộ công đoàn; cán bộ hội phụ nữ, nhân viên y tế tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe sinh sản....

3. Thực hiện kiểm tra, giám sát hỗ trợ phối hợp với các đơn vị liên quan.

4. Lập kế hoạch đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ y tế tuyến cơ sở (khám thai, chăm sóc dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và bà mẹ cho con bú < 5tuổi), phá thai an toàn, cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho công nhân lao động tại khu công nghiệp và khu chế xuất.

5. Xây dựng kế hoạch dự trù mua trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế cho các Trạm y tế xã đặc biệt khó khăn.

6. Báo cáo thống kê y tế trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sinh sản.

7. Phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Trường phổ thông trung học tuyên truyền các chuyên đề chăm sóc sức khỏe sinh sản/sức khỏe tình dục vị thành niên/thanh niên.

8. Thực hiện đẩy mạnh công tác xã hội hóa các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản phù hợp với diễn biến, khả năng, điều kiện kinh tế xã hội của địa phương nhằm đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản đạt hiệu quả cao.

Phần II

KẾ HOẠCH HOẠT ĐỘNG CHĂM SÓC SỨC KHỎE SINH SẢN GIAI ĐOẠN 2022 - 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Cải thiện từng bước sức khỏe bà mẹ trẻ em Việt Nam nói chung và Bình Thuận nói riêng, đặc biệt là cải thiện tình trạng sức khỏe sinh sản, tập trung vào cải thiện sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, giảm tử vong mẹ và tử vong trẻ sơ sinh để góp phần thực hiện thành công chương trình mục tiêu y tế - dân số giai đoạn 2022 - 2025. Hướng tới thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) vào năm 2030.

2. Mục tiêu cụ thể các hoạt động thành phần: Chỉ tiêu từ năm 2023 đến năm 2025:

- Tỷ lệ phụ nữ đẻ được khám thai ít nhất 4 lần trong 3 thời kỳ: Từ 83% tăng lên 85%.

- Tỷ lệ đẻ do nhân viên y tế đã qua đào tạo đỡ đạt 99%.

- Tỷ lệ bà mẹ và trẻ sơ sinh được chăm sóc tại nhà sau sinh trong 06 tuần đầu từ 75% tăng lên 78%.

- Tỷ số tử vong mẹ giảm từ 20/100.000 trẻ đẻ sống xuống còn 12/100.000 trẻ đẻ sống.

- Tỷ suất tử vong của trẻ em dưới 1 tuổi: Giảm từ 11,5‰ xuống còn 10‰.

II. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG VÀ THỜI GIAN THỰC HIỆN

1. Phạm vi thực hiện: Toàn tỉnh Bình Thuận.

2. Đối tượng thực hiện:

- Phụ nữ mang thai, bà mẹ, trẻ em.

- Cán bộ y tế tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe sinh sản (công lập và tư nhân, bao gồm cả nhân viên y tế tại các doanh nghiệp).

- Đối tượng có liên quan đến hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản: Cha mẹ, thầy cô, cán bộ đoàn thanh niên, cán bộ phụ nữ…..

3. Thời gian thực hiện: Từ tháng 01/2023 đến hết tháng 12/2025.

III. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe sinh sản

- Tăng cường các hoạt động thông tin - giáo dục - truyền thông cho cộng đồng về: Kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, đặc biệt là kiến thức và thực hành đúng về tình dục an toàn, phòng tránh mang thai, phòng chống các bệnh lây truyền qua đường tình dục; tính sẵn có và chất lượng của dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản.

- Cải thiện các nội dung, đa dạng hóa các hình thức truyền thông trên các phương thiện thông tin đại chúng. Đặc biệt chú trọng tới các loại hình truyền thông như: Internet, mạng xã hội, các ứng dụng trên điện thoại thông minh… để tiếp cận đến mọi đối tượng nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em.

- Cập nhật các tài liệu truyền thông, giáo dục sức khỏe sinh sản toàn diện cho cán bộ y tế và cộng đồng, chú trọng các nhóm đối tượng ưu tiên.

- Duy trì ổn định mức sinh thay thế, nâng cao chất lượng dân số khống chế, giảm thiểu tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh bé trai/bé gái.

- Tăng cường việc tư vấn và thực hiện tầm soát dị tật, bệnh tật bẩm sinh nâng cao chất lượng dân số; chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục.

- Tăng cường truyền thông, tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân, khám chữa bệnh, chăm sóc tại gia đình và cộng đồng.

- Phối hợp các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, nhằm đa dạng hóa các hình thức truyền thông đối với các nhóm đối tượng ưu tiên.

- Tổ chức các lớp truyền thông cung cấp thông tin về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho đối tượng có liên quan đến hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản như: Cha mẹ, thầy cô, cán bộ đoàn thanh niên, cán bộ hội phụ nữ, công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất….

2. Nâng cao chất lượng quản lý và năng lực cho mạng lưới chăm sóc sức khỏe sinh sản

- Cập nhật và triển khai các hướng dẫn chuyên môn, chương trình, tài liệu đào tạo có liên quan đến chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản.

- Đào tạo năng lực cho mạng lưới chăm sóc sức khỏe sinh sản, lập kế hoạch, triển khai thực hiện, theo dõi, giám sát và đánh giá công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản tại các tuyến.

- Tổ chức triển khai các hoạt động lồng ghép, phối hợp với các ban ngành đoàn thể, các tổ chức có liên quan triển khai có hiệu quả về chăm sóc sức khỏe sinh sản.

3. Đảm bảo nguồn nhân lực chuyên ngành và nâng cao năng lực chuyên môn trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sinh sản

- Xây dựng chương trình đào tạo, cập nhật bộ tài liệu chăm sóc sức khỏe sinh sản dựa trên các hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương.

- Tổ chức và đa dạng hóa hình thức đào tạo nhằm nâng cao năng lực cho nhân viên y tế (cả công lập và tư nhân, bao gồm cả nhân viên y tế tại các doanh nghiệp) nhất là tuyến xã, đang làm công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản.

- Tổ chức đào tạo tại chỗ, đào tạo theo nhu cầu, chuyển giao kỹ thuật từ tuyến trên cho tuyến dưới theo phương pháp cầm tay chỉ việc về nội dung chăm sóc sức khỏe sinh sản.

4. Chương trình kế hoạch hóa gia đình

Tiếp tục thực hiện cung cấp, kịp thời các phương tiện tránh thai; thông qua chương trình tiếp thị phương tiện tránh thai và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình an toàn, hiệu quả, thuận lợi với chất lượng ngày càng tốt hơn. Bên cạnh đẩy mạnh các hoạt động truyền thông - tư vấn, mạng lưới y tế từ huyện đến cơ sở đã chú trọng mở rộng, ứng dụng các kỹ thuật, nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe, sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của Nhân dân.

5. Củng cố và hoàn thiện chất lượng báo cáo thống kê y tế

- Cập nhật, ứng dụng bộ chỉ số, công cụ theo dõi, đánh giá về chăm sóc sức khỏe sinh sản theo các nhóm: Độ tuổi, dân tộc, khu vực, trình độ học vấn, kinh tế… và lồng ghép vào hệ thống thống kê báo cáo cũng như cơ sở dữ liệu về sức khỏe sinh sản; huấn luyện/đào tạo cho đội ngũ làm công tác thống kê, báo cáo nhằm nâng cao chất lượng báo cáo.

- Cải thiện quy trình quản lý thông tin về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục (bao gồm: Thu thập, phân tích, lưu trữ thông tin) trên nền tảng hệ thống thống kê báo cáo và cơ sở dữ liệu về sức khỏe sinh sản hiện có.

- Tăng cường thu thập, phân tích dữ liệu và sử dụng các thông tin đã phân tích theo độ tuổi, giới, trình độ, nơi học tập/làm việc, tôn giáo, vùng địa lý và loại hình dịch vụ liên quan tới sức khỏe sinh sản.

- Hàng năm kiểm tra, đánh giá tổng kết rút kinh nghiệm, bổ sung điều chỉnh các hoạt động phù hợp.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Kinh phí thực hiện Kế hoạch do ngân sách Nhà nước bảo đảm theo khả năng cân đối ngân sách, theo phân cấp ngân sách hiện hành, được bố trí trong dự toán của các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện và lồng ghép từ các chương trình, đề án liên quan theo quy định của pháp luật; nguồn do quỹ bảo hiểm y tế chi trả; nguồn xã hội hóa; nguồn hợp pháp khác (nếu có).

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế

1.1. Chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện các mục tiêu, hoạt động của Kế hoạch này.

1.2. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tham mưu cho cấp thẩm quyền triển khai thực hiện tại địa phương, đơn vị, cụ thể:

1.2.1. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bình Thuận

- Chủ trì, xây dựng Kế hoạch hoạt động Chăm sóc sức khỏe sinh sản hàng năm của tỉnh, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; đồng thời, điều phối hoạt động giữa các đơn vị, tổ chức hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản trên địa bàn tỉnh nhằm tăng cường hiệu quả phối hợp và tránh trùng lắp.

- Hướng dẫn, chỉ đạo Trung tâm Y tế triển khai các nội dung theo kế hoạch được phê duyệt.

- Tổ chức đào tạo liên tục nhằm nâng cao năng lực cho nhân viên y tế tuyến cơ sở đang làm công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản.

- Tổ chức đào tạo tại chỗ, đào tạo theo nhu cầu, chuyển giao kỹ thuật từ tuyến trên cho tuyến dưới theo phương pháp cầm tay chỉ việc về nội dung Chăm sóc sức khỏe sinh sản.

- Tập huấn chuyên môn cho cán bộ y tế các tuyến (tỉnh, huyện, xã) về công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản.

- Thường xuyên kiểm tra, giám sát; định kỳ hàng năm báo cáo kết quả thực hiện về Sở Y tế.

1.2.2. Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố

- Tham mưu Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố xây dựng và triển khai Kế hoạch hoạt động Chăm sóc sức khỏe sinh sản hàng năm tại địa phương.

- Chủ trì, phối hợp với các ban, ngành liên quan, các đơn vị y tế, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn tổ chức triển khai các hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố.

- Thực hiện theo hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, báo cáo định kỳ theo quy định.

1.2.3. Các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh

Căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, phối hợp thực hiện chăm sóc sức khỏe sinh sản theo kế hoạch của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

2. Sở Tài chính

Trên cơ sở dự toán của Sở Y tế tại thời điểm lập dự toán giai đoạn, hàng năm, căn cứ nội dung hoạt động và nhu cầu kinh phí thực hiện, phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị liên quan thẩm định, tổng hợp kinh phí ngân sách địa phương, tham mưu trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và phù hợp với khả năng cân đối ngân sách của tỉnh.

3. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Phối hợp với Sở Y tế và các sở, ban, ngành liên quan, Mặt trận và các đoàn thể tỉnh xây dựng các chương trình can thiệp, các mô hình trong truyền thông, cung cấp thông tin, tư vấn, dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục thân thiện với vị thành niên/thanh niên tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn.

- Đẩy mạnh lồng ghép giáo dục sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục toàn diện trong nhà trường: chỉ đạo các cơ sở giáo dục phối hợp với cơ quan y tế địa phương tăng cường lồng ghép giáo dục giới tính, giáo dục kỹ năng sống liên quan đến sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, vị thành niên/thanh niên; phối hợp cơ sở y tế xây dựng góc tư vấn về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục với nội dung phù hợp với từng bậc học trong nhà trường; lồng ghép các nội dung chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục trong các hoạt động sinh hoạt tập thể, tiết học ngoại khóa các cuộc thi trong nhà trường, vận động các phụ huynh tích cực tham gia các hoạt động trong việc tuyên truyền, giáo dục về chăm sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục vị thành niên/thanh niên.

4. Sở Thông tin và Truyền thông

Chỉ đạo các cơ quan báo chí và hệ thống thông tin cơ sở đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền, xây dựng các chuyên mục, chuyên trang, chuyên đề về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục vị thành niên/thanh niên.

5. Báo Bình Thuận, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh

Phối hợp với Sở Y tế và sở, ban, ngành, địa phương có liên quan xây dựng các chuyên mục, chuyên trang, chuyên đề để truyền tải các thông tin về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục vị thành niên/thanh niên.

6. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Phối hợp với Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp lồng ghép tuyên truyền các nội dung liên quan đến chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục vị thành niên/thanh niên cho học sinh, sinh viên bằng nhiều hình thức phù hợp.

7. Bảo hiểm xã hội tỉnh

Thực hiện chi trả các dịch vụ y tế liên quan đến chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục theo quy định. Tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo hiểm y tế hướng tới bảo hiểm y tế toàn dân nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp cận với các dịch vụ y tế về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục nói riêng, chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nói chung.

8. Đề nghị Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể tỉnh

Căn cứ tình hình thực tế tại đơn vị, chủ động triển khai, lồng ghép các hoạt động truyền thông, xây dựng các mô hình cộng đồng về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục vị thành niên/thanh niên để tăng cường thông tin, tuyên truyền cho Nhân dân trên địa bàn tỉnh.

9. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

- Chịu trách nhiệm xây dựng, tổ chức triển khai và cân đối kinh phí để thực hiện Kế hoạch trên địa bàn, đưa các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

- Thường xuyên kiểm tra, giám sát, tiến độ thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện về Sở Y tế để tổng hợp.

Căn cứ Kế hoạch này, Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành liên quan, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện theo nhiệm vụ được phân công; định kỳ trước ngày 10 tháng 12 hàng năm báo cáo kết quả thực hiện về Sở Y tế (qua Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) để tổng hợp, báo cáo Bộ Y tế và Ủy ban nhân dân tỉnh./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Y tế;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Chủ tịch, PCT UBND tỉnh - Nguyễn Minh;
- Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh,
- Mặt trận và các đoàn thể tỉnh;
- Bảo hiểm xã hội tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Các Bệnh viện Đa khoa tuyến tỉnh;
- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh;
- Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố;
- Báo Bình Thuận, Đài PT-TH tỉnh;
- Cổng TTĐT tỉnh;
- Lưu: VT, KGVXNV. Việt.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Minh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 4203/KH-UBND năm 2022 triển khai hoạt động Chăm sóc sức khỏe sinh sản giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận

  • Số hiệu: 4203/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 09/12/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Thuận
  • Người ký: Nguyễn Minh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản