Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 42/KH-UBND

Cần Thơ, ngày 12 tháng 4 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

XÂY DỰNG NẾP SỐNG VĂN HÓA - VĂN MINH ĐÔ THỊ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ GIAI ĐOẠN 2016 - 2017

Căn cứ Nghị quyết số 07/2010/NQ-HĐND ngày 25 tháng 6 năm 2010 của Hội đồng nhân dân thành phố về chủ trương xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị (NSVH – VMĐT) trên địa bàn thành phố Cần Thơ đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 3483/QĐ-UBND ngày 15 tháng 12 năm 2010 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc phê duyệt Đề án “Xây dựng NSVH - VMĐT” trên địa bàn thành phố Cần Thơ đến năm 2020 (sau đây gọi tắt là Đề án);

Ủy ban nhân dân thành phố đề ra kế hoạch xây dựng NSVH – VMĐT trên địa bàn thành phố Cần Thơ giai đoạn 2016 – 2017, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU VÀ YÊU CẦU

- Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước của các cấp chính quyền, trách nhiệm của Sở, ban ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội và phát huy sức mạnh tổng hợp của quần chúng Nhân dân trong xây dựng nếp NSVH – VMĐT trên địa bàn thành phố.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về chủ trương xây dựng NSVH – VMĐT trên địa bàn thành phố từ nay đến cuối năm 2017, kết hợp triển khai đồng bộ các biện pháp; thực hiện nghiêm các chế tài theo quy định pháp luật để thực hiện đạt mục tiêu, nội dung và giải pháp đề ra.

- Hình thành nét văn hóa đặc trưng của người Cần Thơ, xây dựng người Cần Thơ “Trí tuệ, năng động, nhân ái, hào hiệp, thanh lịch” theo Nghị quyết số 45- NQ/TW ngày 17 tháng 02 năm 2005 của Bộ Chính trị (khóa IX) về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Nhiệm vụ:

a) Xây dựng NSVH – VMĐT theo 5 nội dung chính của Đề án:

- Về trật tự đô thị: Tiếp tục phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân không lấn chiếm vỉa hè để sử dụng vào mục đích khác ngoài việc dành cho người đi bộ. Tổ chức sắp xếp chỗ đậu xe dưới lòng đường phù hợp với quy hoạch và đúng nơi quy định. Tăng cường phối hợp thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời những hành vi vi phạm về trật tự đô thị.

- Về vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị: Tuyên truyền vận động cán bộ, Nhân dân nâng cao nhận thức thẩm mỹ, trang phục đẹp, lịch sự khi ra đường phố, nơi công cộng, công sở. Phổ biến, tuyên truyền những quy định của pháp luật về quảng cáo, viết, vẽ, đặt biển hiệu để các tổ chức đơn vị, doanh nghiệp và Nhân dân chấp hành nghiêm. Song song với tuyên truyền, giáo dục, vận động người dân giữ gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan đô thị “sáng - xanh - sạch - đẹp”, điều chỉnh những thói quen, những hành vi kém văn minh, lịch sự góp phần tạo mỹ quan đô thị. Có biện pháp cứng rắn giải quyết các tệ nạn xã hội ở công viên, người lang thang, ăn xin, trẻ em cơ nhỡ đưa vào các Trung tâm bảo trợ xã hội hoặc gửi về địa phương, gia đình quản lý, giáo dục, có cam kết giữa bên giao và bên nhận không để đối tượng trở lại thành phố. Tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở, hộ kinh doanh gây ô nhiễm môi trường, có hình thức xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật.

- Về an toàn giao thông đô thị: Thực hiện tốt công tác bảo trì và duy tu sửa chữa hệ thống cầu, đường bộ, chiếu sáng công cộng, bổ sung biển báo, chỉnh trang hành lang đường bộ để nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông. Có phương án phối hợp giữa các lực lượng chức năng và các địa phương để tăng cường điều tiết giao thông trong giờ cao điểm, không để ùn tắc giao thông. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn giao thông, giáo dục, vận động Nhân dân thực hiện tốt văn hóa giao thông. Tăng cường kiểm tra, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật giao thông.

- Về an ninh trật tự, an toàn xã hội: Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, kết hợp với các biện pháp nghiệp vụ, xác định đối tượng, địa bàn trọng điểm; nắm chặt tình hình, đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động phá hoại của bọn phản động và các thế lực thù địch; triển khai các phương án, kế hoạch phòng, chống biểu tình gây rối, bạo loạn; các vụ khiếu kiện đông người, vượt cấp, đình công, lãn công, không để hình thành điểm nóng về an ninh trật tự. Quản lý tốt số đối tượng hình sự, tệ nạn xã hội tại từng địa bàn, thường xuyên trao đổi thông tin, phối hợp đấu tranh, xử lý từng loại đối tượng nổi lên tại địa bàn, đối tượng từ nơi khác đến, đối tượng hoạt động liên tỉnh; đẩy mạnh truy bắt số đối tượng có lệnh truy nã thuộc loại nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm. Chủ động phòng ngừa, tích cực đấu tranh, kiềm chế tiến tới đẩy lùi sự gia tăng của tội phạm nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm kinh tế, môi trường, công nghệ cao, tội phạm về ma túy và tệ nạn xã hội.

- Về hành vi ứng xử nơi công cộng: Nâng cao nhận thức và xây dựng nét văn hóa ứng xử, giao tiếp trong đời sống cộng đồng; đề cao lối sống văn hóa, nếp sống văn minh, quan hệ cộng đồng thân thiện, nhân ái. Đưa nội dung thực hiện nếp sống văn minh đô thị vào quy ước của ấp, khu vực để sinh hoạt sâu rộng trong Nhân dân tạo sự tác động đến nhận thức, hành động của người dân, từ đó tích cực hưởng ứng xây dựng gia đình văn hóa; tham gia xây dựng ấp, khu vực, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa; chợ, công viên, trường học văn minh..v.v..

b) Tiếp tục tuyên truyền, vận động không thực hiện 7 nhóm hành vi; tăng cường kiểm tra, xử phạt các hành vi vi phạm các nhóm hành vi này

- Không bán hàng rong trước cổng trường học, bệnh viện: Tuyên truyền giáo dục vận động học sinh ở các cấp học không mua hàng rong trước cổng trường. Dựng biển báo và thông báo công khai cho Nhân dân và người bán hàng rong không được bày, bán tại khu vực trường học, bệnh viện. Ưu tiên cho những người bán hàng rong thuộc diện hộ nghèo có nhu cầu vay vốn, học và chuyển đổi nghề.

- Không xả rác thải, xác súc vật, phóng uế ra lòng đường và những nơi công cộng: 100% hộ gia đình ở nội ô thành phố có hợp đồng thu gom rác, không để tình trạng chăn, dắt, thả súc vật chạy rong, phóng uế trên đường phố; lòng đường, vỉa hè luôn được quét dọn thường xuyên, không để nước đọng, rác thải đổ ra mặt đường, vỉa hè. Các tuyến đường ở nội ô được lắp đặt thùng rác, Nhà vệ sinh công cộng hợp lý đảm bảo thẩm mỹ và phù hợp với cảnh quan, thuận lợi cho người dân có nhu cầu sử dụng. Vận động các tổ chức, doanh nghiệp và Nhân dân chấp hành nghiêm pháp luật về bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh nơi ở và nơi công cộng; xây dựng đề án, tổ chức thực hiện các biện pháp xử lý rác thải. Kiểm soát chặt chẽ ô nhiễm công nghiệp, kênh rạch, nước thải y tế, chất lượng vệ sinh đô thị, xử lý nghiêm các doanh nghiệp, cơ sở gây ô nhiễm môi trường.

- Không phát tờ rơi, dán quảng cáo, viết làm hoen bẩn hàng rào, vách tường, cột điện, cây xanh, treo pa-nô, áp phích không đúng nơi quy định: Phổ biến, tuyên truyền những quy định của pháp luật về quảng cáo, đặt biển hiệu để các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và Nhân dân chấp hành nghiêm, góp phần tạo mỹ quan đô thị, 100% các tuyến đường trọng điểm không còn tình trạng quảng cáo không đúng quy định.

- Không lấn chiếm, chiếm giữ, chiếm dụng trái phép vỉa hè; đá bóng, đá cầu, đánh cầu lông, thả diều trên lòng, lề đường: Vận động các tầng lớp Nhân dân không vi phạm luật giao thông đường bộ; không đua xe trái phép; không lấn chiếm trái phép lòng đường, vỉa hè để kinh doanh, mua bán gây ách tắc giao thông, không còn lối đi cho người đi bộ. Mỗi quận, huyện chọn những tuyến đường trọng điểm để thực hiện chủ trương lề thông, hè thoáng, sạch đẹp, an toàn. Tạo sự chuyển biến rõ nét về trật tự giao thông và trật tự công cộng, không để tình trạng chợ tự phát diễn ra. Khẩn trương triển khai thực hiện Quy định về quản lý, sử dụng vỉa hè, lòng đường, bảo vệ mỹ quan và trật tự đô thị trên địa bàn thành phố theo Quyết định 01/2016/QĐ-UBND ngày 01 tháng 02 năm 2016 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ.

- Không say rượu, bia gây gỗ, đánh nhau, lôi kéo, kích động người khác gây mất trật tự công cộng; không nói tục, chửi thề nơi công cộng: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm tạo sự chuyển biến rõ nét về nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành và mọi người dân trong việc xây dựng và thực hiện văn hóa giao tiếp cộng đồng. Biên soạn chương trình, nội dung tuyên truyền; lựa chọn, sử dụng các biện pháp thông tin tuyên truyền hiệu quả và phù hợp với từng đối tượng; phổ biến đầy đủ đến mọi người dân và cán bộ, công chức, người lao động về nội dung xử lý hành chính đối với các hành vi vi phạm nếp sống văn hóa trong lĩnh vực giao tiếp cộng đồng.

- Không gây tiếng động lớn ảnh hưởng đến người xung quanh trong thời gian từ 12 giờ đến 13 giờ trưa và từ 22 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau: Tập trung các giải pháp nhằm tăng cường phòng chống các hành vi thiếu văn hóa trong giao tiếp; đồng thời đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm nếp sống văn hóa. Từng bước hình thành thói quen và nếp sống văn minh cho mỗi người dân, mỗi cán bộ công chức, người lao động. Thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các hộ gia đình, quán bar, tụ điểm karaoke, vũ trường, các cơ sở kinh doanh băng đĩa nhạc, quán cà phê và các cơ sở kinh doanh khác có sử dụng âm thanh về quy định giờ hoạt động, kinh doanh.

- Không hút thuốc lá nơi công cộng hoặc nơi có quy định cấm: Thường xuyên tuyên truyền về tác hại của thuốc lá trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tổ chức các chiến dịch truyền thông về phòng chống tác hại của thuốc lá trên báo, đài phát thanh - truyền hình và trong các cuộc mít tinh, diễu hành trong các dịp lễ, tết, lồng ghép với các hoạt động giáo dục sức khỏe tại địa phương.

100% cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động không hút thuốc lá khi làm nhiệm vụ, khi học tập, hội họp trong hội trường, phòng họp, phòng làm việc, trụ sở cơ quan, nơi ở tập thể, doanh trại, đơn vị và nơi công cộng. Kiểm soát chặt chẽ việc cấm quảng cáo, tiếp thị thuốc lá, việc in ấn nhãn hiệu bao thuốc lá, xây dựng nếp sống văn hóa không mời và không hút thuốc lá, đưa nội dung giáo dục phòng chống tác hại của thuốc lá vào chương trình giảng dạy trong các trường học. Thực hiện xây dựng trường học, bệnh viện không có thuốc lá.

c) Xây dựng các mô hình điểm về NSVH - VMĐT

Tiếp tục duy trì, nhân rộng mô hình “Phường, thị trấn sạch rác” và “Tuyến đường văn minh đô thị” theo Hướng dẫn số 70/HD-BCĐ ngày 20 tháng 5 năm 2014, của Ban Chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, văn minh đô thị” thành phố. Phấn đấu đến cuối năm 2017, mỗi quận, huyện đều xây dựng và nhân rộng được mô hình“Phường, Thị trấn sạch rác” và “Tuyến đường văn minh đô thị” trên toàn địa bàn.

d) Thể chế hóa tiêu chí xây dựng con người Cần Thơ theo Nghị quyết số 45-NQ/TW

- Triển khai, phát động xây dựng con người Cần Thơ từ kết quả đề tài khoa học Xây dựng con người Cần Thơ “Trí tuệ, năng động, nhân ái, hào hiệp, thanh lịch” theo Nghị quyết số 45-NQ/TW do Ban Tuyên giáo Thành ủy làm chủ nhiệm đề tài, đã được nghiệm thu.

- Xây dựng Đề án “Xây dựng và phát triển con người Cần Thơ đáp ứng yêu cầu công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố Cần Thơ đến năm 2030” gắn với tiếp tục thực hiện tốt nội dung Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

đ) Tuyên truyền xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội

- Đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, đưa mục tiêu, nhiệm vụ này vào kế hoạch hoạt động của chính quyền địa phương hàng năm để thực hiện. Chú trọng, tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, loa truyền thanh, gắn với các cuộc hội họp bình xét gia đình văn hóa, ấp, khu vực, xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, nâng dần ý thức trong việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Xây dựng điểm và nhân rộng các mô hình, điển hình trong thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.

- Vận động cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp phải thực hiện tổ chức việc cưới, việc tang theo những quy định sau:

+ Việc cưới: Thực hiện các thủ tục kết hôn theo đúng quy định pháp luật; tổ chức mừng lễ cưới đảm bảo trang trọng, vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm, phù hợp với phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp của địa phương, tôn giáo, dân tộc và hoàn cảnh hai gia đình. Khuyến khích kết hợp tổ chức lễ trao, nhận Giấy chứng nhận kết hôn cho nhiều đôi nam nữ cùng một thời điểm; tổ chức trao, nhận Giấy chứng nhận kết hôn tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.

+ Việc tang: Làm chuyển biến tư tưởng, nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn trong việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang. Từng bước loại bỏ các hủ tục lạc hậu, hình thành những nét sinh hoạt văn hóa mới, văn minh, phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới. Tổ chức đám tang chu đáo, trang nghiêm, tiết kiệm, phù hợp với tập quán, truyền thống văn hóa của dân tộc và hoàn cảnh gia đình; khuyến khích hình thức hỏa táng; không rải vàng mã trên đường đưa tang.

- Bảo tồn có chọn lọc, cải tiến, đổi mới những phong tục, tập quán theo hướng tốt đẹp của dân tộc; loại bỏ dần trong cuộc sống những hình thức lỗi thời, lạc hậu; xây dựng và hình thành dần những hình thức vừa văn minh, vừa giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong việc cưới, việc tang và lễ hội; triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, không phô trương hình thức.

2. Giải pháp:

a) Công tác lãnh đạo, chỉ đạo

Các cấp ủy Đảng, chính quyền có kế hoạch tập trung chỉ đạo, điều hành, phối hợp thực hiện của cả hệ thống chính trị, xác định yêu cầu xây dựng NSVH

- VMĐT là mục tiêu quan trọng của thành phố cần phải được thực hiện thường xuyên, lâu dài, có kế hoạch cụ thể trong từng năm, trong đó xác định nội dung trọng tâm, chỉ tiêu cụ thể ở mỗi giai đoạn. Tuyên dương, khen thưởng cho các địa phương, tập thể thực hiện tốt, có mô hình hay hoặc xây dựng nếp sống văn hóa – văn minh đô thị trên địa bàn đạt kết quả nhanh chóng và có sự chuyển biến rõ nét.

b) Công tác tuyên truyền, vận động

- Tăng cường các biện pháp tuyên truyền nhằm quán triệt trong cán bộ, công chức và các tầng lớp Nhân dân hiểu rõ chủ trương của Thành ủy, Hội đồng nhân dân thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố để mọi người biết và đồng tình hưởng ứng.

- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, các Đoàn thể chính trị - xã hội thành phố có kế hoạch phát động trong hệ thống, đoàn viên, hội viên thực hiện tốt NSVH - VMĐT.

- Các cơ quan thông tin đại chúng từ thành phố đến quận, huyện, xã, phường, thị trấn có kế hoạch tuyên truyền, cổ động thường xuyên thực hiện chủ đề theo từng năm về xây dựng NSVH - VMĐT thành phố; phản ánh kịp thời, gương người tốt việc tốt, những kết quả làm hay và ý kiến tâm huyết của Nhân dân về xây dựng NSVH - VMĐT.

c) Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm

Các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tăng cường công tác thanh tra kịp thời chấn chỉnh và xử lý những trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Trách nhiệm thực hiện:

a) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch – cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phong trào thành phố

- Chủ trì, tham mưu đôn đốc, phối hợp với các Sở, Ban ngành, Đoàn thể có liên quan thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được phân công theo Kế hoạch.

- Hàng năm, tham mưu tổ chức Hội nghị sơ kết, đánh giá kết quả, phân tích nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm, khen thưởng và triển khai công tác giai đoạn tiếp theo. Tổng hợp báo cáo của các Sở, ban ngành, đoàn thể thành phố và Ủy ban nhân dân quận, huyện để báo cáo cấp trên theo quy chế.

- Lồng ghép nội dung xây dựng NSVH - VMĐT vào phong trào “TDĐKXDĐSVH”, nhằm từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào.

b) Các Sở, Ban ngành, Đoàn thể thành phố

- Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện NSVH - VMĐT trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2016 – 2017 theo từng ngành, lĩnh vực phụ trách, chủ động phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện và có chế độ thông tin, báo cáo định kỳ về Ủy ban nhân dân thành phố thông qua Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Chịu trách nhiệm về việc triển khai thực hiện các tiểu Đề án do mình phụ trách trước Ủy ban nhân dân thành phố.

- Tiếp tục tuyên truyền về chủ trương xây dựng NSVH - VMĐT, tập trung tuyên truyền vận động Nhân dân thực hiện 7 nhóm hành vi theo Nghị quyết số 07/2010/NQ-HĐND. Quan tâm lồng ghép, nâng cao chất lượng các phong trào quần chúng khác gắn với việc xây dựng NSVH - VMĐT.

c) Ủy ban nhân dân quận, huyện

- Căn cứ vào tình hình thực tế, đề ra kế hoạch thực hiện chủ trương xây dựng NSVH - VMĐT theo từng cấp. Phối hợp với các ngành chức năng có liên quan và chỉ đạo cho các xã, phường, thị trấn thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện NSVH - VMĐT của Nhân dân trên địa bàn.

- Mỗi quận, huyện chọn những mô hình phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương để tập trung chỉ đạo, nhằm tạo chuyển biến, từ đó nhân rộng mô hình, điển hình có hiệu quả cao trên địa bàn.

d) Chế độ thông tin, báo cáo

- Các Sở, Ban ngành, Đoàn thể thành viên Ban Chỉ đạo phong trào thành phố và Ủy ban nhân dân các quận, huyện báo cáo kết quả việc thực hiện Kế hoạch này vào ngày 15 mỗi tháng cuối quý và tổ chức sơ kết mỗi năm, gửi báo cáo về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, để tổng hợp, báo cáo về Ủy ban nhân dân thành phố.

- Cuối năm 2017, Ban Chỉ đạo phong trào các quận, huyện và thành phố tổ chức tổng kết kết quả xây dựng NSVH – VMĐT giai đoạn 2016 - 2017, báo cáo kết quả về Ủy ban nhân dân thành phố, đồng thời xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện trong giai đoạn tiếp theo.

2. Kinh phí thực hiện:

- Các sở, Ban ngành, Đoàn thể thành phố lập dự trù kinh phí xây dựng NSVH - VMĐT hàng năm, gửi về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch vào cuối quý III để tổng hợp, thông qua Sở Tài chính, trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, phân bổ.

- Ủy ban nhân dân các quận, huyện tổng hợp dự trù kinh phí xây dựng NSVH - VMĐT hàng năm của các Phòng, ban ngành, đoàn thể thành viên Ban Chỉ đạo phong trào quận, huyện và Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn thông qua Phòng Tài chính trình Ủy ban nhân dân quận, huyện xem xét, phân bổ.

Nhận được kế hoạch này, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ban ngành, Đoàn thể thành phố; các tổ chức, cá nhân có liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện tổ chức triển khai thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- TT.TU, TT.HĐND TP;
- TT. UBND TP;
- Các Ban, Đảng TP;
- Các Sở, Ban ngành TP;
- UBMTTQVN TP và các Đoàn thể;
- UBND các quận, huyện;
- UBND xã, phường, thị trấn;
- VP UBND TP;
- Lưu VT. Tâm
Tháng 4/4231 KH xay dung nep song i

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Văn Tâm

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 42/KH-UBND năm 2016 xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị trên địa bàn thành phố Cần Thơ giai đoạn 2016-2017

  • Số hiệu: 42/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 12/04/2016
  • Nơi ban hành: Thành phố Cần Thơ
  • Người ký: Lê Văn Tâm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 12/04/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản