ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4188/KH-UBND | Bình Dương, ngày 16 tháng 8 năm 2022 |
KẾ HOẠCH
TỔ CHỨC CHƯƠNG TRÌNH “TIẾP SỨC ĐẾN TRƯỜNG” CHO HỌC SINH TỈNH BÌNH DƯƠNG NĂM HỌC 2022 - 2023
Thực hiện nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo theo chỉ đạo của Trung ương, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo; tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ học sinh bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19, chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho năm học mới 2022 - 2023.
Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương ban hành Kế hoạch tổ chức Chương trình “Tiếp sức đến trường” cho học sinh tỉnh Bình Dương năm học 2022 - 2023, cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Hỗ trợ kịp thời cho học sinh do hoàn cảnh gia đình khó khăn không có cơ hội được tiếp tục đến trường và thực hiện quyết tâm “Không để bất kỳ học sinh nào vì hoàn cảnh khó khăn phải nghỉ học” trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
- Kêu gọi sự hỗ trợ, giúp đỡ từ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh Bình Dương cùng chung tay với sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) và xây dựng nguồn nhân lực tỉnh Bình Dương.
- Phát động phong trào, hoạt động tích cực trong xã hội; góp phần tuyên truyền, giáo dục tinh thần “Tương thân, tương ái” trong nhân dân và học sinh.
2. Yêu cầu
- Các huyện, thị xã, thành phố; các sở, ban, ngành, đoàn thể triển khai kế hoạch, phối hợp tổ chức thực hiện Chương trình “Tiếp sức đến trường” (gọi tắt là Chương trình).
- Tuyên truyền, vận động, lan tỏa sâu rộng về mục đích, ý nghĩa của Chương trình nhằm huy động tối đa các nguồn lực trong xã hội chung tay hỗ trợ, giúp đỡ học sinh khó khăn.
- Chương trình được tổ chức thực hiện kịp thời, thiết thực, hiệu quả, công khai và đúng mục đích. Nguồn hỗ trợ được trao tặng đúng đối tượng, công bằng, không bỏ sót và bảo đảm giúp học sinh khắc phục khó khăn được trở lại trường học.
- Tổ chức phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức hội và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh với Sở GDĐT, Phòng GDĐT để hỗ trợ nguồn lực bảo đảm không để học sinh nào khó khăn phải bỏ học.
II. NỘI DUNG THỰC HIỆN
1. Đối tượng hỗ trợ
- Ưu tiên 1: học sinh mồ côi thuộc gia đình khó khăn.
- Ưu tiên 2: học sinh có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn (nêu cụ thể: thu nhập thấp, có cha/mẹ mất sức lao động,...).
- Ưu tiên 3: học sinh có ý thức vươn lên trong học tập, vượt khó học tốt.
Căn cứ vào kết quả vận động của Chương trình, việc trao tặng, phân bổ nguồn hỗ trợ đến đối tượng được thực hiện theo thứ tự ưu tiên (cơ bản bảo đảm tỷ lệ giữa các địa phương trong tỉnh).
2. Phạm vi thực hiện: học sinh trên địa bàn toàn tỉnh; áp dụng cho các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm GDNN-GDTX.
3. Hình thức hỗ trợ: tiền mặt, học bổng, quần áo, dụng cụ học tập hoặc các hình thức khuyến khích khác nhằm phục vụ việc học tập của học sinh.
4. Hình thức tiếp nhận và trao tặng các nguồn hỗ trợ
- Hình thức tiếp nhận: các cơ quan, tổ chức triển khai Chương trình chủ động đề ra cách thức tiếp nhận các nguồn hỗ trợ thuộc phạm vi phát động, quản lý; tổng kết và phối hợp với Sở GDĐT tổ chức trao tặng cho học sinh theo Kế hoạch; bảo đảm khách quan, công khai, đúng quy định.
- Hình thức trao tặng: mời đại diện cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân là mạnh thường quân trao trực tiếp cho học sinh trong Chương trình “Tiếp sức đến trường” và công bố nguồn hỗ trợ.
5. Thời gian thực hiện
- Đợt 1: vận động, trao nguồn hỗ trợ vào tháng 9/2022; giúp học sinh vượt qua khó khăn tiếp tục đến trường. Thời gian tiếp nhận: đến ngày 30/8/2022.
- Đợt 2: tiếp tục vận động, trao nguồn hỗ trợ vào tháng 01/2023; tiếp sức, động viên học sinh duy trì việc học và đón Tết Nguyên đán năm 2023 đầy đủ, ấm áp. Thời gian tiếp nhận: đến ngày 11/01/2023.
Tiếp tục phát động Chương trình để huy động mọi nguồn lực trong xã hội, hướng tới mục tiêu 100% học sinh thuộc đối tượng hỗ trợ được cung cấp kinh phí trong quá trình học tập.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các sở, ban, ngành, đoàn thể và các tổ chức hội trên địa bàn tỉnh
- Tuyên truyền, phát động sâu rộng về Chương trình, huy động tối đa các nguồn lực trong xã hội nhằm đạt được mục đích đã đề ra.
- Theo chức năng, nhiệm vụ, triển khai, phối hợp thực hiện Chương trình đảm bảo phù hợp, hiệu quả; vận động, kêu gọi các nguồn lực xã hội ủng hộ, hỗ trợ để thực hiện Chương trình, góp phần hướng tới mục tiêu 100% các em học sinh trên địa bàn tỉnh có điều kiện đến trường.
- Tổ chức tiếp nhận các nguồn hỗ trợ thuộc phạm vi phát động, quản lý và phối hợp cùng Sở GDĐT triển khai Chương trình.
2. Sở Giáo dục và Đào tạo
- Chủ trì, thường trực tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo thống nhất việc tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch.
- Xây dựng kế hoạch thực hiện, phát động Chương trình; trong đó nêu rõ cách thức tiếp nhận, thời gian thực hiện và phương án phân bổ nguồn hỗ trợ trong từng đợt vận động; phân công nhiệm vụ cụ thể các thành viên.
- Chủ động phối hợp với các sở, cơ quan liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trong thực hiện các nội dung công việc liên quan đến Chương trình; là đầu mối tiếp nhận, tổng hợp các nguồn hỗ trợ từ các sở, ban, ngành, đoàn thể...; tổ chức phân chia, phân bổ nguồn hỗ trợ trao tặng cho học sinh theo tiêu chí đã đề ra. Đồng thời tổ chức thực hiện các nội dung trên theo đúng mục đích, rà soát lựa chọn chặt chẽ, đúng đối tượng; đảm bảo thiết thực, phù hợp, khách quan, công bằng và không trùng lắp; không làm thất thoát, lãng phí nguồn vận động; hạn chế không để xảy ra so sánh, so bì giữa các đối tượng.
- Tổng hợp kết quả rà soát, thống kê số lượng học sinh thuộc đối tượng nhận hỗ trợ của Chương trình; bảo đảm khách quan, đúng đối tượng, tránh bỏ sót trường hợp học sinh khó khăn cần hỗ trợ.
- Xác định thời gian, địa điểm và chủ trì tổ chức Chương trình “Tiếp sức đến trường”; tổng hợp công bố nguồn hỗ trợ và trao tặng trực tiếp cho học sinh.
- Tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh về kết quả thực hiện Chương trình ngay sau mỗi đợt trao nguồn hỗ trợ; tri ân các tổ chức, cá nhân hỗ trợ Chương trình.
3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
- Phối hợp kiểm tra, rà soát trường hợp trẻ em và gia đình có con thuộc đối tượng nhận hỗ trợ của Chương trình; quan tâm thực hiện chế độ, chính sách trợ giúp người thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, người có thu nhập thấp và các đối tượng bảo trợ xã hội khác theo nhiệm vụ và quyền hạn của Sở.
- Chủ động huy động nguồn lực hỗ trợ trong phạm vi tác động, quản lý.
4. Sở Tài chính
Phối hợp với Sở GDĐT thống nhất về việc bố trí kinh phí để tổ chức thực hiện Chương trình theo quy định.
5. Báo Bình Dương, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Cổng Thông tin điện tử tỉnh
- Tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của Chương trình “Tiếp sức đến trường”. Tuyên truyền Kế hoạch triển khai chương trình, kêu gọi sự vào cuộc ủng hộ của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhân dân. Tuyên truyền chất lượng dạy và học của ngành GDĐT trên địa bàn tỉnh.
- Tăng cường các hình thức tuyên truyền nhằm động viên, khích lệ gia đình, học sinh nỗ lực khắc phục khó khăn tiếp tục đến trường.
6. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
- Triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của Kế hoạch đến các cơ quan, đơn vị, tổ chức và nhân dân trên địa bàn; tuyên truyền, phát động sâu rộng về Chương trình, huy động tối đa các nguồn lực trong xã hội nhằm đạt được mục đích đã đề ra.
- Tổ chức tiếp nhận các nguồn hỗ trợ thuộc phạm vi phát động, quản lý và phối hợp cùng Sở GDĐT thực hiện Chương trình.
- Phối hợp kiểm tra, rà soát trường hợp học sinh thuộc đối tượng nhận hỗ trợ của Chương trình; theo dõi các trường hợp học sinh khó khăn trên địa bàn (sau khi được nhận hỗ trợ) để tiếp tục thực hiện các giải pháp giúp đỡ, tạo điều kiện tốt nhất để các em duy trì việc học.
7. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh
- Chỉ đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức phát động, vận động và ủng hộ Chương trình.
- Xem xét hỗ trợ kinh phí từ nguồn của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh để cùng thực hiện Chương trình.
8. Liên đoàn Lao động tỉnh
- Chỉ đạo các cấp Công đoàn rà soát, nắm thông tin về trường hợp Công đoàn viên, người lao động có con thuộc đối tượng được nhận hỗ trợ của Chương trình; quan tâm thực hiện giải pháp chăm lo cho đoàn viên, người lao động cải thiện đời sống vật chất, tinh thần; động viên, khuyến khích đoàn viên, người lao động nỗ lực khắc phục khó khăn cho con trở lại trường học.
- Chủ động tuyên truyền các tổ chức doanh nghiệp để cùng tham gia thực hiện Chương trình.
9. Tỉnh đoàn
- Cử lực lượng đoàn viên, thanh niên hỗ trợ công tác tiếp nhận, phân chia các vật phẩm hỗ trợ; phối hợp tổ chức Chương trình “Tiếp sức đến trường” trao tặng trực tiếp cho học sinh.
- Tích cực vận động các tổ chức, cá nhân cùng tham gia hỗ trợ Chương trình.
10. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh
- Chỉ đạo các cấp Hội phụ nữ cơ sở rà soát, nắm thông tin về trường hợp Hội viên có con thuộc đối tượng được nhận hỗ trợ của Chương trình; quan tâm thực hiện giải pháp hỗ trợ phụ nữ cải thiện đời sống vật chất, tinh thần; động viên, khuyến khích Hội viên nỗ lực khắc phục khó khăn cho con trở lại trường học.
- Phối hợp huy động nguồn lực từ xã hội cùng tham gia thực hiện Chương trình.
11. Hội Khuyến học tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh
- Chỉ đạo Hội Khuyến học, Hội Chữ thập đỏ các cấp phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức phát động, vận động và ủng hộ Chương trình.
- Xem xét hỗ trợ kinh phí từ nguồn Quỹ Hội để cùng thực hiện chương trình.
- Theo dõi các trường hợp học sinh khó khăn theo phân cấp quản lý của cơ sở Hội để tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ các em duy trì và hoàn thành tốt nhất quá trình học tập.
Trong quá trình thực hiện Kế hoạch này, nếu có vấn đề vướng mắc hoặc cần điều chỉnh, bổ sung nội dung thì các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chủ động phối hợp với Sở GDĐT báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Quyết định 987/QĐ-UBND năm 2022 thông qua chính sách trong đề nghị xây dựng Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh về “Quy định một số chính sách hỗ trợ học bổng cho học sinh giỏi, học sinh nghèo vượt khó đạt thành tích trong học tập giai đoạn 2022-2025” do tỉnh Vĩnh Phúc ban hành
- 2Nghị quyết 04/2022/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non 05 tuổi, học sinh trung học cơ sở công lập và ngoài công lập giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
- 1Quyết định 987/QĐ-UBND năm 2022 thông qua chính sách trong đề nghị xây dựng Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh về “Quy định một số chính sách hỗ trợ học bổng cho học sinh giỏi, học sinh nghèo vượt khó đạt thành tích trong học tập giai đoạn 2022-2025” do tỉnh Vĩnh Phúc ban hành
- 2Nghị quyết 04/2022/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non 05 tuổi, học sinh trung học cơ sở công lập và ngoài công lập giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Kế hoạch 4188/KH-UBND năm 2022 về tổ chức Chương trình "Tiếp sức đến trường" cho học sinh tỉnh Bình Dương năm học 2022-2023
- Số hiệu: 4188/KH-UBND
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 16/08/2022
- Nơi ban hành: Tỉnh Bình Dương
- Người ký: Nguyễn Lộc Hà
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 16/08/2022
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định