Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 412/KH-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 19 tháng 12 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TẬP TRUNG GIẢI QUYẾT KHÓ KHĂN VỀ TRIỂN KHAI HẠ TẦNG SỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ GIAI ĐOẠN 2023-2025

Căn cứ Quyết định số 885/QĐ-BTTTT ngày 25/5/2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Bộ tiêu chí đánh giá phát triển hạ tầng số của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

Căn cứ Kế hoạch số 222/KH-UBND ngày 21/10/2020 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc triển khai chương trình Chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025;

Căn cứ Kế hoạch số 365/KH-UBND ngày 07/11/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về Phát triển hạ tầng số trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2023 - 2025;

Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Kế hoạch tập trung giải quyết khó khăn về triển khai hạ tầng số trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2023-2025 với các nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Giải quyết, tháo gỡ kịp thời các khó khăn vướng mắc về phát triển hạ tầng số.

2. Thúc đẩy phát triển hạ tầng số được bền vững, phù hợp, gắn với các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2023 - 2025.

3. Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan, đơn vị trong quá trình triển khai phát triển hạ tầng số.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Tăng cường việc hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp các quy định về đầu tư phát triển hạ tầng số.

2. Rà soát các kiến nghị về giải quyết các khó khăn vướng mắc liên quan đến phát triển hạ tầng số để giải quyết kịp thời, không để tồn đọng kéo dài.

3. Công khai thông tin về quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn nhằm tăng cường công tác phối hợp triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật viễn thông, hạ tầng dùng chung đảm bảo đồng bộ, hiệu quả.

4. Đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phát triển hạ tầng số phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và chuyển đổi số của tỉnh.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và Giám đốc các doanh nghiệp viễn thông, truyền hình cáp, các đơn vị liên quan:

a) Tăng cường quán triệt, tổ chức thực hiện các văn bản về phát triển hạ tầng số trên địa bàn.

b) Các công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông phải được ưu tiên phát triển và ưu tiên sử dụng các không gian để lắp đặt, bảo đảm thuận tiện cho việc lắp đặt, sửa chữa, bảo dưỡng và bảo vệ công trình nhưng phải đồng bộ, bảo đảm mỹ quan đô thị, ưu tiên sử dụng chung với các cơ sở hạ tầng kỹ thuật khác.

c) Khi quy hoạch xây dựng các công trình giao thông, các khu đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao… phải kèm theo quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và thuận tiện cho việc thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông.

d) Tiếp tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp viễn thông duy trì các trạm BTS đã lắp đặt trên tài sản công cho đến khi có quy định mới của Chính phủ theo nội dung quy định tại Nghị quyết số 149/NQ-CP ngày 10/10/2020 về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2020.

2. Sở Thông tin và Truyền thông

a) Tiếp tục hướng dẫn các doanh nghiệp viễn thông triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển hạ tầng băng rộng đến năm 2025; Kế hoạch về cải tạo, chỉnh trang, ngầm hóa cáp, dây thuê bao giai đoạn 2021 - 2025 và Kế hoạch phát triển hạ tầng số giai đoạn 2023 - 2025.

b) Phối hợp với các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trong quá trình đầu tư, phát triển hạ tầng số trên địa bàn tỉnh.

c) Nghiên cứu, đề xuất nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin tại Trung tâm dữ liệu tỉnh đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số theo từng giai đoạn; đảm bảo kết nối mạng WAN thông suốt, an toàn và ổn định.

d) Hướng dẫn các cơ quan báo chí truyền thông, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phát triển hạ tầng số phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và chuyển đổi số của tỉnh; Thực hiện truyền thông chủ động trên ứng dụng Hue-S, truyền thanh thông minh và mạng xã hội.

đ) Hỗ trợ truyền thông các chính sách của doanh nghiệp, truyền thông các ứng dụng trên Hue-S; triển khai mạnh mẽ các chương trình: thanh toán qua ví điện tử, dịch vụ công trực tuyến trên Hue-S, chữ ký số… để kích cầu sử dụng điện thoại thông minh trong dân.

e) Theo dõi theo dõi, giám sát việc thực hiện của các cơ quan, đơn vị; tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh kết quả triển khai thực hiện.

3. Sở Xây dựng

a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan hướng dẫn các doanh nghiệp viễn thông trong công tác cấp giấy phép xây dựng đối với các công trình viễn thông theo thẩm quyền.

b) Chủ trì hướng dẫn việc thực hiện quy định sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật liên ngành (xây dựng, giao thông, điện lực, cấp nước, thoát nước, viễn thông... ) trên địa bàn tỉnh.

c) Chỉ đạo, hướng dẫn đưa nội dung quy hoạch hạ tầng viễn thông vào các quy hoạch xây dựng, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật.

d) Thông báo, cung cấp thông tin về quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn cho các doanh nghiệp viễn thông được biết nhằm tăng cường công tác phối hợp triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật viễn thông, hạ tầng dùng chung đồng bộ, hiệu quả.

4. Sở Giao thông vận tải

a) Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông đưa nội dung quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông vào quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông. Chỉ đạo, hướng dẫn đưa hạ tầng kỹ thuật viễn thông là nội dung bắt buộc phải có khi lập thiết kế cơ sở xây dựng hạ tầng giao thông nhằm đảm bảo đồng bộ, liên kết giữa hạ tầng giao thông và hạ tầng viễn thông.

b) Thông báo, cung cấp thông tin về kế hoạch phát triển và sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường giao thông trên địa bàn cho các doanh nghiệp viễn thông được biết nhằm chủ động trong việc di dời, mở rộng các tuyến cáp, cống, bể được an toàn, tránh thiệt hại và mất liên lạc do sự cố trong quá trình thi công.

c) Phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn các doanh nghiệp viễn thông trong quá trình thi công công trình trong phạm vi quỹ đất dành cho xây dựng công trình giao thông, đảm bảo an toàn công trình và an toàn giao thông.

5. Ban Quản lý khu kinh tế, công nghiệp tỉnh

a) Tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình triển khai đầu tư phát triển hạ tầng viễn thông tại các khu kinh tế và khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh để các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.

b) Hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ cấp phép xây dựng đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông theo thẩm quyền.

6. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Nghiên cứu, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí để nâng cấp hạ tầng số tại Trung tâm dữ liệu tỉnh đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong giai đoạn tới.

7. Sở Tài chính

a) Chủ trì hoặc phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Xây dựng và các cơ quan có liên quan tổ chức hiệp thương giá theo thẩm quyền; kiểm tra tình hình thực hiện các quy định về quản lý giá tại Thông tư Liên tịch số 210/2013/TTLT-BTC-BXD-BTTTT ngày 30/12/2013 của liên Bộ: Tài chính - Xây dựng - Thông tin và Truyền thông và các văn bản pháp luật có liên quan

b) Nghiên cứu đề xuất phương án sử dụng nguồn kinh phí ngân sách để hỗ trợ thiết bị điện thoại thông minh cho hộ nghèo, cận nghèo (những đối tượng chưa được hỗ trợ từ chương trình viễn thông công ích, chương trình theo Nghị quyết số 20/2023/NQ-HĐND ngày 21/8/2023 của HĐND tỉnh và các chương trình khác).

c) Tích cực phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các ngành có liên quan triển khai việc hỗ trợ phương tiện nghe nhìn theo quy định tại Điều 8 Nghị quyết số 20/2023/NQ-HĐND ngày 21/8/2023 của HĐND tỉnh quy định các chính sách hỗ trợ giảm nghèo bền vững tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2023 - 2025.

8. Sở Tài nguyên và Môi trường

Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp viễn thông, truyền hình cáp sử dụng đất đai để xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động theo quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

9. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các ngành có liên quan triển khai việc hỗ trợ phương tiện nghe nhìn theo quy định tại Điều 8 Nghị quyết số 20/2023/NQ-HĐND ngày 21/8/2023 của HĐND tỉnh quy định các chính sách hỗ trợ giảm nghèo bền vững tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2023-2025.

10. Công an tỉnh

Tăng cường chỉ đạo công tác đảm bảo an ninh trật tự, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi phá hoại, cản trở trái phép việc xây dựng, lắp đặt công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động.

11. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế

a) Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn các đơn vị liên quan tạo điều kiện cho các doanh nghiệp viễn thông đẩy mạnh xây dựng hạ tầng kỹ thuật viễn thông, hạ tầng dùng chung trong quá trình lập dự án, thiết kế, xây dựng tại tòa nhà có nhiều chủ sử dụng, công trình giao thông, khu đô thị, khu dân cư trên địa bàn quản lý để đảm bảo các doanh nghiệp được bình đẳng trong việc tiếp cận tới khách hàng và cung cấp dịch vụ viễn thông với chất lượng cao.

b) Thông báo, cung cấp thông tin liên quan về quy hoạch, dự án, kế hoạch đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo các công trình hạ tầng kỹ thuật xây dựng, giao thông cho các doanh nghiệp viễn thông biết để triển khai đồng thời việc xây dựng, lắp đặt các công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông.

c) Chủ động nắm bắt tình hình, xác định nguyên nhân dẫn đến việc kiến nghị của người dân trong việc xây dựng, lắp đặt và đưa vào hoạt động các trạm BTS; chỉ đạo các phòng, ban có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp xã phối hợp các doanh nghiệp viễn thông tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong xây dựng phát triển các trạm BTS; hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi trong việc hoàn tất các thủ tục về xây dựng các công trình viễn thông thụ động trên địa bàn quản lý.

d) Chỉ đạo Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao, Đài truyền thanh các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển hạ tầng số, tuyên truyền sóng điện từ của các trạm BTS không ảnh hưởng có hại đến sức khỏe của người dân, tạo sự đồng thuận trong việc đẩy mạnh phát triển bền vững hạ tầng số trên địa bàn tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và chuyển đổi số của tỉnh.

e) Huy động các nguồn để thực hiện hỗ trợ điện thoại thông minh cho các hộ nghèo và cận nghèo, gia đình chính sách trên địa bàn (các hộ gia đình chưa được hưởng từ chương trình viễn thông công ích và chương trình khác).

12. Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế

Đẩy mạnh đầu tư hạ tầng điện tại tuyến đường cao tốc La Sơn - Túy Loan, La Sơn - Cam Lộ đảm bảo điện cho phát triển hạ tầng viễn thông ở khu vực này; hỗ trợ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp viễn thông sử dụng chung hạ tầng để duy trì và phát triển cáp viễn thông.

13. Các doanh nghiệp viễn thông, truyền hình cáp

a) Nghiên cứu, triển khai các chính sách để tăng thuê bao sử dụng băng rộng di động và phổ cập điện thoại thông minh trong dân, trong đó có chính sách ưu tiên đến hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách (ngoài chương trình viễn thông công ích), chiến dịch đưa internet băng rộng cáp quang đến từng hộ gia đình và hỗ trợ miễn cước sử dụng các ứng dụng của chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế trên Hue-S.

b) Phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp, chủ đầu tư các công trình, dự án, khu đô thị, khu công nghiệp, công trình giao thông… để xây dựng, lắp đặt đồng bộ mạng cáp ngoại vi viễn thông với các hạ tầng kỹ thuật khác. Chủ động tham mưu, đề xuất các phương án, kế hoạch hợp tác sử dụng chung tầng viễn thông với hạ tầng kỹ thuật liên ngành; tuân thủ thực hiện các chủ trương, quy định về sử dụng chung cơ sở hạ tầng của tỉnh.

c) Chủ động phối hợp với chính quyền địa phương các cấp giải quyết các vấn khó khăn liên quan đến việc xây dựng hạ tầng viễn thông; báo cáo về Sở Thông tin và Truyền thông những vướng mắc kéo dài chưa được giải quyết để được hướng dẫn và tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết kịp thời.

d) Quan tâm giải quyết tốc độ đường truyền mạng WAN kết nối các ngành các cấp đáp ứng tốc độ phục vụ triển khai các nền tảng số dùng chung của tỉnh và quốc gia.

Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế, các doanh nghiệp viễn thông, truyền hình cáp và các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện nghiêm túc Kế hoạch này. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc phản ánh về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Thông tin và Truyền thông) để xem xét, giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- Bộ TTTT;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành cấp tỉnh,
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Các DN viễn thông, truyền hình cáp;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- VP: CVP, các PCVP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, CN.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Phương

 

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 412/KH-UBND năm 2023 tập trung giải quyết khó khăn về triển khai hạ tầng số trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2023-2025

  • Số hiệu: 412/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 19/12/2023
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
  • Người ký: Nguyễn Văn Phương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản