Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 401/KH-UBND

Ninh Thuận, ngày 26 tháng 01 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 2215/QĐ-TTG NGÀY 24/12/2020 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN KẾT LUẬN SỐ 76-KL/TW NGÀY 04/6/2020 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ KHÓA XII TIẾP TỤC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 33-NQ/TW NGÀY 09/6/2014 CỦA BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHÓA XI VỀ XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN VĂN HÓA, CON NGƯỜI VIỆT NAM ĐÁP ỨNG YÊU CẦU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG ĐẤT NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN

Căn cứ Quyết định số 2215/QĐ-TTg ngày 24/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 76-KL/TW ngày 04 tháng 6 năm 2020 của Bộ Chính trị khóa XII tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước;

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tiếp tục quán triệt thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp nêu trong Kết luận số 76-KL/TW ngày 04 tháng 6 năm 2020 của Bộ Chính trị khóa XII; Chương trình hành động số 282-CTHĐ/TU ngày 16/9/2014 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước;

- Phát huy những kết quả, kinh nghiệm đã đạt được trong hơn 05 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, chấn chỉnh kịp thời các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức nhằm đưa sự nghiệp văn hóa của tỉnh phát triển toàn diện và bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

2. Yêu cầu

- Việc thực hiện Kết luận phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, chặt chẽ của cấp ủy, chính quyền; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị với các giải pháp đồng bộ, bảo đảm tính khả thi; gắn với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của địa phương, phù hợp với điều kiện chung của tỉnh.

- Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân về ý thức tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, làm cho cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân thấm nhuần truyền thống văn hóa, lịch sử cách mạng của dân tộc.

II. NỘI DUNG CÁC NHIỆM VỤ

1. Tiếp tục quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp

- Tiếp tục thực hiện Chương trình hành động số 282-CTHĐ/TU ngày 16/9/2014 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Kế hoạch số 5755/KH-UBND ngày 27/11/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc triển khai Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XII) thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

- Xác định rõ xây dựng và phát triển văn hóa, con người là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị; chú trọng tính đặc thù của văn hóa, vừa bảo đảm để văn hóa, văn học, nghệ thuật phát triển đúng định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng, vừa bảo đảm tự do sáng tạo của cá nhân trên cơ sở phát huy tính tự giác cao với mục đích đúng đắn. Hướng các hoạt động văn hóa, giáo dục, khoa học vào việc xây dựng con người Ninh Thuận có nhân cách, lối sống đẹp với các đặc tính cơ bản “yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo”.

2. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững

- Các cơ quan, địa phương trong tỉnh đẩy nhanh việc cụ thể hóa chủ trương, quan điểm của Đảng về phát triển văn hóa thành chương trình, đề án phù hợp với thực tiễn cơ sở. Rà soát, hoàn thiện các văn bản quản lý hiện hành có liên quan, đề xuất sửa đổi, bổ sung những nội dung không còn phù hợp.

- Tăng cường các nguồn lực cho phát triển văn hóa, tương xứng với tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Ưu tiên hoàn thiện các thiết chế văn hóa, cơ chế phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa chủ đạo, có khả năng dẫn dắt các hoạt động văn hóa, du lịch trên địa bàn tỉnh.

- Coi trọng hơn nữa công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, những người làm công tác văn hóa, nghệ thuật; đồng thời chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng đãi ngộ tôn vinh các tài năng văn hóa nghệ thuật, các nghệ nhân dân gian.

- Tăng cường công tác giám sát việc thể chế hóa chủ trương của Đảng, công tác quản lý nhà nước về văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình; kịp thời chấn chỉnh các hoạt động lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để thực hành mê tín dị đoan, truyền bá tư tưởng duy tâm thần bí, gây mất an ninh trật tự; đấu tranh loại trừ các sản phẩm văn hóa độc hại, trái thuần phong mỹ tục của dân tộc, ảnh hưởng xấu đến xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam.

3. Tập trung xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện

- Tổ chức các hoạt động văn hóa, giáo dục, khoa học, các phong trào hướng đến mục tiêu xây dựng con người Ninh Thuận phát triển toàn diện, có thế giới quan khoa học, có nhân cách, lối sống đẹp với các đặc tính cơ bản “yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo”.

- Tăng cường định hướng giáo dục thẩm mỹ, gắn giáo dục thể chất với giáo dục tri thức, đạo đức, kỹ năng xã hội cho học sinh, sinh viên trong tỉnh. Xây dựng lối sống tuân thủ pháp luật, tôn trọng đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa”, “tương thân tương ái”.

- Tập trung phát triển mạnh mẽ phong trào thể dục, thể thao quần chúng. Chú trọng các môn thể thao chuyên nghiệp, thể thao thành tích cao mà tỉnh có thể mạnh để đầu tư, tham gia các giải thi đấu cấp quốc gia; tuyên truyền, vận động mỗi người dân tự lựa chọn 01 môn thể thao để luyện tập hằng ngày. Các huyện, thành phố, các ngành liên quan chỉ đạo các trường học thực hiện đầy đủ và có chất lượng giờ thể dục chính khóa và ngoại khóa; các đơn vị quân đội, công an rèn luyện thể thao thường xuyên, tích cực tham gia các hội thi thể thao trong ngành, hội thi khu vực và toàn quốc.

4. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”

- Xây dựng ý thức bảo vệ, gìn giữ môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững đất nước. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; xây dựng nếp sống văn hóa tiến bộ, văn minh.

- Có cơ chế phối hợp chặt chẽ hơn giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Đề cao vai trò, trách nhiệm và các giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình trong việc nuôi dưỡng, giáo dục và bảo vệ thanh, thiếu nhi, cùng với nhà trường giáo dục, hình thành nhân cách, đạo đức trong sáng và kỹ năng ứng xử xã hội văn minh.

- Huy động nguồn lực của mọi tầng lớp xã hội đầu tư và tổ chức đời sống văn hóa, góp phần thu hẹp khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, miền, các tầng lớp trong xã hội.

- Rà soát bổ sung, điều chỉnh hương ước, quy ước ở các thôn, làng, tổ dân phố; nội quy, quy chế công sở. Tiếp tục tuyên truyền, đẩy mạnh thực hiện các văn bản chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; thực hiện nếp sống văn minh, văn hóa công sở; nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; văn hóa tham gia giao thông; nâng cao vai trò tổ hòa giải ở cơ sở.

- Quan tâm phát triển phong trào văn nghệ quần chúng. Thường xuyên tổ chức các hội thi, hội diễn, liên hoan nghệ thuật quần chúng nhằm thúc đẩy các phong trào từ cơ sở.

- Tạo môi trường và khuyến khích đội ngũ văn nghệ sỹ phát huy tiềm năng và năng lực sáng tạo. Đấu tranh đẩy lùi cái xấu, thấp hèn, lạc hậu, các hành vi sai trái, tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến nhân cách con người, nền văn hóa dân tộc.

5. Tăng cường xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế

- Tiếp tục chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; coi trọng xây dựng văn hóa từ trong cấp ủy, cơ quan và doanh nghiệp. Thực hiện nghiêm các quy định về nêu gương đối với cán bộ, đảng viên, nhất là với cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị, đội ngũ những người làm công tác giáo dục, văn hóa, nghệ thuật; cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa, lãnh đạo doanh nghiệp và những người có tầm ảnh hưởng quan trọng trong cộng đồng và xã hội.

- Chủ động phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong hệ thống chính trị và xã hội.

- Chú trọng yếu tố văn hóa và con người trong phát triển kinh tế. Đẩy mạnh việc triển khai xây dựng văn hóa doanh nghiệp, tinh thần khởi nghiệp, xây dựng đội ngũ doanh nhân giỏi, kinh doanh đúng pháp luật, đóng góp có trách nhiệm cho cộng đồng và xã hội.

6. Tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa

- Triển khai hài hòa giữa công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc với các hoạt động phát triển kinh tế, du lịch bền vững. Chú trọng thực hiện các chương trình khôi phục, bảo tồn một số loại hình nghệ thuật truyền thống có nguy cơ mai một; giữ gìn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc thiểu số, các giá trị văn hóa trong tôn giáo, tín ngưỡng. Tạo điều kiện, khuyến khích sự tìm tòi, sáng tạo của đội ngũ nghiên cứu, văn nghệ sĩ, nhà báo để có nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật.

- Phát triển sâu rộng văn học, nghệ thuật quần chúng; quản lý, phát huy vai trò của báo chí, nâng cao hiệu quả hoạt động của các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt trên môi trường mạng Internet.

- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng; Chỉ thị số 14-CT/TU ngày 15/6/2016 của Tỉnh ủy Ninh Thuận về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh1; thực hiện nội dung giáo dục địa phương trong chương trình giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh2; triển khai có hiệu quả công tác khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số.

- Đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các công trình nghệ thuật gắn với thu hút đầu tư và du lịch; tiếp tục quy hoạch, xây dựng các khu, điểm du lịch tại thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, Khu du lịch sinh thái, các điểm du lịch trọng điểm trên địa bàn các huyện để tạo điểm nhấn cho du lịch của tỉnh.

7. Tăng cường bảo hộ quyền tác giả, phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa

- Đẩy mạnh việc thực hiện chiến lược sở hữu trí tuệ; chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa3; rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách khuyến khích hoạt động sáng tạo, thu hút đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, tạo thuận lợi để xây dựng, phát triển thị trường văn hóa và các ngành công nghiệp văn hóa.

- Nâng cao hiệu quả việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ và các quyền liên quan4, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh trên thị trường. Tạo nhận thức sâu sắc của toàn xã hội về vị trí, vai trò của các ngành công nghiệp văn hóa. Phát huy mặt tích cực của cơ chế thị trường; tăng cường và đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư để phát triển công nghiệp văn hóa.

8. Chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và truyền bá văn hóa Việt Nam ra thế giới

Chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa; tăng cường hình thức quảng bá hình ảnh, các giá trị văn hóa, vùng đất, con người Ninh Thuận, tiềm năng phát triển du lịch, các giá trị di sản văn hóa của tỉnh thông qua các chương trình, sự kiện, lễ hội văn hóa, biểu diễn nghệ thuật và các hoạt động xúc tiến thương mại du lịch. Triển khai hợp tác, kết nối các tour, tuyến du lịch liên vùng và nội tỉnh.

III. GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Tăng cường sự lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về vị trí, vai trò của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy năng lực, trách nhiệm người đứng đầu các tổ chức Đảng, Chính quyền, đoàn thể các cấp trong phát triển văn hóa, xây dựng con người; khắc phục tình trạng buông lỏng sự lãnh đạo, mất dân chủ, coi nhẹ việc xây dựng và phát triển văn hóa.

2. Chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả các quy hoạch, đề án phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao, du lịch đã được phê duyệt; ưu tiên đầu tư các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở, các xã vùng sâu, vùng xa, khu công nghiệp, nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân.

3. Tăng cường công tác quản lý thông tin, báo chí trên địa bàn; tiếp tục nâng cao chất lượng các tác phẩm tham gia giải báo chí của Trung ương, của tỉnh; khuyến khích sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật và báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, xây dựng Đảng, xây dựng nông thôn mới, lịch sử, kháng chiến,...; tích cực phổ biến, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí có giá trị, tạo sức lan tỏa trong đời sống xã hội.

4. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức làm công tác văn hóa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực tại 3 cấp (cấp tỉnh, huyện, xã) tạo vị thế mới, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển văn hóa và kinh tế - xã hội trên địa bàn.

5. Đầu tư đồng bộ và sử dụng hiệu quả các thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở gắn với việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Tập trung phát triển mạnh mẽ phong trào thể dục, thể thao quần chúng; chú trọng đầu tư phát triển các môn thể thao chuyên nghiệp, thể thao thành tích cao mà tỉnh có thế mạnh. Phát triển mạng lưới doanh nghiệp, hình thành một số doanh nghiệp về công nghiệp văn hóa ở các lĩnh vực có lợi thế, tiềm năng; đẩy mạnh chương trình mỗi xã một sản phẩm, hệ thống nhận diện sản phẩm5. Chú trọng kết nối tiêu thụ hàng thủ công mỹ nghệ, hàng đặc sản của tỉnh thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế.

6. Quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, các địa danh, di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu cấp quốc gia, cấp tỉnh để trở thành những sản phẩm văn hóa, du lịch thúc đẩy phát triển kinh tế.

7. Đầu tư, xây dựng, nâng cấp các thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở đảm bảo tính đồng bộ và phát huy hiệu quả các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và nâng cấp các trạm truyền thanh xã, phường.

8. Quan tâm đến chính sách khuyến khích, động viên người làm công tác văn hóa cơ sở, nhất là nghệ nhân am hiểu văn hóa truyền thống dân tộc, có nhiều đóng góp hơn vào việc bảo tồn, truyền dạy, phát huy văn hóa dân gian truyền thống trên địa bàn tỉnh.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Chỉ đạo, đôn đốc các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc và các cơ quan báo chí tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân và các tổ chức, cá nhân thực hiện Kế hoạch trên địa bàn tỉnh hiệu quả.

2. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các đoàn thể chính trị, các tổ chức xã hội nghề nghiệp

Phổ biến, vận động các tổ chức, đoàn viên, thanh niên, Nhân dân tích cực tham gia, giám sát thực hiện các nội dung trên; tiếp tục đẩy mạnh, đổi mới, nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở khu dân cư; tăng cường vai trò của các cơ quan, tổ chức và lực lượng giám sát, phản biện xã hội trong xây dựng và phát triển văn hóa; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

3. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, quản lý và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đảm bảo thực hiện hiệu quả nội dung Kế hoạch này. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân tham gia xây dựng đời sống văn hóa, bảo đảm thiết thực, hiệu quả.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh cụ thể hóa chính sách liên quan đến phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch trên địa bàn tỉnh.

- Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện và kịp thời điều chỉnh các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phù hợp với yêu cầu thực tế, bảo đảm thực hiện có hiệu quả Kết luận số 76-KL/TW ngày 04 tháng 6 năm 2020 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động số 282-CTHĐ/TU ngày 16/9/2014 của Tỉnh ủy.

- Phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai và tổ chức ứng dụng có hiệu quả sau khi được nghiệm thu đề tài khoa học: “Tổng kết thực tiễn, phân tích, dự báo xu hướng biến đổi và đề xuất các giải pháp xây dựng, phát huy có hiệu quả vai trò của văn hóa đối với sự phát triển bền vững của tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2012 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

4. Sở Thông tin và Truyền thông

Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, truyền thông trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về vị trí, vai trò của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; thực hiện tốt quy hoạch và quản lý báo chí; Phát huy vai trò của báo chí, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt trên môi trường mạng Internet; quản lý có hiệu quả việc sử dụng internet và đảm bảo an toàn thông tin mạng. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí đầu tư, nâng cấp các trạm truyền thanh xã, phường, thị trấn để đáp ứng tốt nhiệm vụ thông tin, truyền thông tại cơ sở.

5. Sở Giáo dục và Đào tạo

Chủ trì triển khai có hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Tập trung định hướng nghề nghiệp, giáo dục kỹ năng sống, đặc biệt cho thế hệ trẻ; phối hợp giữa giáo dục văn hóa trong và ngoài nhà trường, giáo dục nhận thức bảo tồn di sản văn hóa trong nhà trường; giáo dục truyền thống dựng nước, giữ nước, truyền thống văn hóa, cách mạng trong chương trình chính khóa, ngoại khóa. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, giảng viên thể dục thể thao, hướng dẫn nội dung hoạt động thể thao ngoại khóa trong nhà trường theo các cấp học. Tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, tăng cường cơ sở vật chất để đảm bảo điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục.

6. Sở Tài chính

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí nguồn kinh phí hàng năm thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch phù hợp với khả năng ngân sách tỉnh và đúng quy định hiện hành.

7. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các sở, ban, ngành, địa phương có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí phù hợp với khả năng cân đối ngân sách của tỉnh và huy động nguồn lực khác để đầu tư xây dựng, nâng cấp các thiết chế văn hóa, thể thao, du lịch, tôn tạo các di tích lịch sử đảm bảo theo quy định.

8. Sở Nội vụ

Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục thực hiện các biện pháp, giải pháp tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; việc thực hiện Quy chế văn hóa công sở trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

9. Sở Tài nguyên và Môi trường

Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND các huyện, thành phố quy hoạch đủ diện tích đất dành cho hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao đảm bảo theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đồng thời rà soát, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các di tích theo quy định của pháp luật.

10. Sở Khoa học và Công nghệ

Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ưu tiên phê duyệt thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học về xây dựng và phát triển văn hóa, con người; phát triển và ứng dụng công nghệ số trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm văn hóa, du lịch góp phần phát triển ngành công nghiệp văn hóa.

11. Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh

Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các đơn vị có liên quan triển khai hiệu quả các hoạt động ngoại giao văn hóa; chiến lược phát triển văn hóa đối ngoại của Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh; phối hợp kết nối thực hiện các chương trình xúc tiến du lịch, quảng bá các giá trị văn hóa và hình ảnh con người Ninh Thuận tới bạn bè quốc tế; phối hợp chọn lọc quảng bá nét đẹp văn hóa các nước trên thế giới tới Nhân dân trong tỉnh.

12. Báo Ninh Thuận, Đài Phát thanh và Truyền hình

Thường xuyên, đẩy mạnh tuyên truyền các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trên báo chí, truyền hình và các phương tiện thông tin đại chúng.

13. Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới; chú trọng, nâng cao chất lượng hoạt động sáng tác, xuất bản các tác phẩm văn học nghệ thuật chất lượng cao về Ninh Thuận.

14. Các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan; Ủy ban nhân dân huyện, thành phố: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm xây dựng kế hoạch cụ thể và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch này. Định kỳ hằng năm (trước ngày 20 tháng 12), báo cáo kết quả thực hiện về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan có thẩm quyền.

Căn cứ nội dung Kế hoạch, các cơ quan, đơn vị, địa phương phối hợp chặt chẽ với ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo dõi, đôn đốc việc thực hiện; tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện cho UBND tỉnh theo quy định./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Văn hóa, Thể thao và DL (b/c);
- TT. Tnh ủy, TT. HĐND tnh (b/c);
- CT, PCT UBND tnh NLB;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh;
- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể;
- UBND các huyện, thành phố;
- Lưu: VT, VXNV. NNN

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Long Biên

 



1 Kế hoạch số 3835/KH-UBND ngày 20/9/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TU ngày ngày 15/6/2016 của Tỉnh ủy Ninh Thuận về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh

2 Kế hoạch số 4984/KH-UBND ngày 09/12/2020 của UBND tỉnh về Biên soạn, thẩm định và tổ chức thực hiện tài liệu giáo dục địa phương trong Chương trình giáo dục phổ thông.

3 Văn bản chỉ đạo số 2132/UBND-KGVX ngày 25/5/2018 của Ủy ban nhân dân tinh Ninh Thuận về việc tăng cường tổ chức Luật sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 1105/KH-UBND ngày 30/3/2017 về việc triển khai thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

4 Kế hoạch số 1847/KH-UBND ngày 19/5/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai thực hiện Quyết định số 88/QĐ-TTg ngày 20/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Tăng cường năng lực quản lý và thực thi có hiệu quả pháp luật bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.

5 Nhãn mác, bao gói, truy xuất nguồn gốc, bảo hộ sở hữu nhãn hàng hóa, truyền thông sản phẩm...

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 401/KH-UBND năm 2021 thực hiện Quyết định 2215/QĐ-TTg về Kế hoạch thực hiện Kết luận 76-KL/TW tiếp tục thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận

  • Số hiệu: 401/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 26/01/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Thuận
  • Người ký: Nguyễn Long Biên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 26/01/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản