Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 394/KH-UBND | Đắk Nông, ngày 19 tháng 6 năm 2025 |
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI XÓA NHÀ TẠM, NHÀ DỘT NÁT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỐI VỚI HỘ NGHÈO, HỘ CẬN NGHÈO CÓ ĐẤT THUỘC DIỆN KHÔNG CÓ TRANH CHẤP, NẰM TRONG VÙNG QUY HOẠCH DÂN CƯ VÀ HỘ THOÁT NGHÈO (DƯỚI 36 THÁNG) CÓ KHẢ NĂNG TÁI NGHÈO CAO CÓ ĐẤT Ở KHÔNG CÓ TRANH CHẤP TỪ NGUỒN KINH PHÍ XÃ HỘI HÓA VÀ CÁC NGUỒN HỢP PHÁP KHÁC
Thực hiện Quyết định số 539/QĐ-TTg ngày 19/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025”; Công điện số 102/CĐ-TTg ngày 06/10/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước; Chỉ thị số 42/CT-TTg ngày 09/11/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy nhanh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn cả nước; Thông báo số 523/TB-VPCP ngày 16/11/2024 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước; Công điện số 117/CĐ-TTg ngày 18/11/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước; Chương trình số 92-CTr/TU ngày 15/01/2025 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Đắk Nông; Thông báo số 6319-TB/VPTU ngày 10/02/2025 của Văn phòng Tỉnh ủy về kết luận của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tại phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Đắk Nông; Thông báo số 3213-TB/TU ngày 09/5/2025 của Thường trực Tỉnh ủy về triển khai thực hiện Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Đắk Nông; Thông báo số 7080-TB/VPTU ngày 06/6/2025 của Văn phòng Tỉnh ủy ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh về Kế hoạch triển khai thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo có đất thuộc diện không có tranh chấp và nằm trong vùng quy hoạch dân cư từ nguồn kinh phí xã hội hóa và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo có đất thuộc diện không có tranh chấp, nằm trong vùng quy hoạch dân cư và hộ thoát nghèo (dưới 36 tháng) có khả năng tái nghèo cao có đất ở không có tranh chấp từ nguồn kinh phí xã hội hóa và các nguồn hợp pháp khác, với các nội dung cụ thể như sau:
I. TÌNH HÌNH CHUNG
1. Kết quả, tiến độ thực hiện
- Trên địa bàn tỉnh có 2.523 hộ đã và đang được hỗ trợ xây dựng nhà ở theo các Chương trình, chính sách, gồm: (1) Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững là 541 hộ (xây mới 459 căn nhà, sửa chữa 82 căn nhà); (2) Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 538 hộ (100% căn xây mới); (3) Chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công là 114 hộ (xây mới 30 căn nhà, sửa chữa 84 căn nhà); (4) Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát theo Chương trình phát động của Thủ tướng Chính phủ là 540 hộ (xây mới 346 căn nhà, sửa chữa 194 căn nhà); (5) Xóa nhà tạm, nhà dột nát từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo” của tỉnh (do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh quản lý) cho 290 hộ (100% căn xây mới); (6) Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Bộ Công an là 500 hộ (100% căn xây mới).
- Thông qua các Chương trình, chính sách về hỗ trợ nhà ở và các chính sách hỗ trợ đa chiều khác như việc làm, y tế, giáo dục, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin,... đã từng bước giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo chủ động vươn lên thoát nghèo, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
2. Thực trạng, nhu cầu và nguồn kinh phí hiện có
2.1. Thực trạng, nhu cầu
- Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước (Thông báo số 523/TB-VPCP ngày 16/11/2024) và ý kiến chỉ đạo của đồng chí Ngô Thanh Danh - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tại phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Đắk Nông (tại khoản 4 và khoản 5 Thông báo số 6319-TB/VPTU ngày 10/02/2025), UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương tổ chức rà soát đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo có đất thuộc diện không có tranh chấp và nằm trong vùng quy hoạch dân cư và đối tượng hộ thoát nghèo (dưới 36 tháng) có khả năng tái nghèo cao có đất ở không có tranh chấp.
- Hiện nay, Phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát đang được nhiều đơn vị, địa phương chủ động vận động kinh phí để triển khai thực hiện; trong đó, tiêu biểu như Chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo từ nguồn kinh phí của Bộ Công an (500 căn do Công an tỉnh chủ trì thực hiện); Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo” của tỉnh (290 căn do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thực hiện) và đặc biệt rất nhiều địa phương đã chủ động, tranh thủ huy động, vận động được các nguồn kinh phí và vận động chính các hộ gia đình tự sắp xếp, bỏ kinh phí ra để triển khai thực hiện xóa được 351 căn nhà tạm, nhà dột nát, trong đó: Đắk Glong 267 căn, Đắk Song 18 căn, Tuy Đức 25 căn, Cư Jút 20 căn, Krông Nô 21 căn. Ngoài ra, nhiều hộ gia đình do nhu cầu cấp thiết xây dựng, sửa chữa trước mùa mưa bão nên cũng đã chủ động bố trí kinh phí, vay mượn và huy động được từ gia đình, dòng họ để tự thực hiện nhằm đảm bảo nơi ở ổn định, an toàn.
- Thực hiện Thông báo số 3213-TB/TU ngày 09/5/2025 của Thường trực Tỉnh ủy; Thông báo số 7080-TB/VPTU ngày 06/6/2025 của Văn phòng Tỉnh ủy, để Kế hoạch thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo có đất thuộc diện không có tranh chấp, nằm trong vùng quy hoạch dân cư và hộ thoát nghèo (dưới 36 tháng) có đất ở không có tranh chấp từ nguồn kinh phí xã hội hóa và các nguồn hợp pháp khác được triển khai toàn diện trên địa bàn tỉnh, đảm bảo tính công bằng, trách nhiệm của các địa phương trong công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát; trên cơ sở số lượng kinh phí xã hội hóa của tỉnh đã có khoảng 24 tỷ đồng (tương ứng 400 căn nhà), UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường, các huyện, thành phố tiếp tục rà soát, lập danh sách chi tiết hộ nghèo, hộ cận nghèo có đất thuộc diện không có tranh chấp, nằm trong vùng quy hoạch dân cư và hộ thoát nghèo (dưới 36 tháng) có khả năng tái nghèo cao có đất ở không có tranh chấp có nhu cầu được hỗ trợ nhà ở để bổ sung đủ số lượng theo kinh phí đã có.
- Qua kết quả rà soát, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có tổng số 282 hộ đảm bảo các điều kiện về đất để nhận hỗ trợ nhà ở theo quy định (Tuy Đức 166 hộ; Đắk Song 15 hộ; Đắk Glong 61 hộ; Đắk R’Lấp 40 hộ), trong đó 279 hộ nghèo, hộ cận nghèo có đất thuộc diện không có tranh chấp, nằm trong vùng quy hoạch dân cư và 04 hộ thoát nghèo (dưới 36 tháng) có khả năng tái nghèo cao có đất ở không có tranh chấp. Với định mức hỗ trợ xây mới 60.000.000 đồng, tương ứng 16,920 tỷ đồng (282 căn x 60.000.000 đồng/căn).
2.2. Nguồn kinh phí hiện có
Đến nay, tổng kinh phí hiện có để thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh đối với các trường hợp là hộ nghèo, hộ cận nghèo có đất thuộc diện không có tranh chấp, nằm trong vùng quy hoạch dân cư và hộ thoát nghèo (dưới 36 tháng) có khả năng tái nghèo cao là 24,035 tỷ đồng, bao gồm:
- 7,081 tỷ đồng thuộc nguồn kinh phí tiết kiệm 5% chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2024 được Sở Tài chính báo cáo tại Công văn số 854/STC-TH&QLNS ngày 16/5/2025.
- 13,954 tỷ đồng được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thông tin tại Công văn số 377/MTTQ-BTT ngày 20/5/2025 thông tin số liệu các nguồn quỹ do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh quản lý (bao gồm tồn Quỹ vì người nghèo 3,065 tỷ đồng (trong đó có 2 tỷ đồng của Ngân hàng MB đăng ký tài trợ nhưng chưa chuyển vào tài khoản Quỹ) và Quỹ Ban vận động cứu trợ tỉnh 10,889 tỷ đồng (bao gồm kinh phí từ Quỹ Phòng, chống Covid-19 chuyển sang 5,8 tỷ đồng).
- 03 tỷ đồng từ nguồn Quỹ hoạt động Hội Chữ thập đỏ tỉnh (chuyển về Quỹ vì người nghèo do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh quản lý, phân bổ).
Từ kết quả rà soát nhu cầu, số lượng đối tượng đảm bảo được các điều kiện về đất để nhận hỗ trợ nhà ở theo quy định và số kinh phí hiện có nêu trên, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện hỗ trợ xây dựng mới cho 282 căn nhà hộ nghèo, hộ cận nghèo có đất thuộc diện không có tranh chấp, nằm trong vùng quy hoạch dân cư và hộ thoát nghèo (dưới 36 tháng) có khả năng tái nghèo cao có đất ở không có tranh chấp từ nguồn kinh phí xã hội hóa và các nguồn hợp pháp khác.
II. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU, MỤC TIÊU
1. Mục đích
- Quán triệt phương châm “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể hỗ trợ, Nhân dân làm chủ”. Tập trung triển khai thực hiện Kế hoạch với tinh thần: “tư tưởng phải thông, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, làm việc với tinh thần cao, có trọng tâm trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ kết quả, rõ sản phẩm” để đến ngày 31/8/2025 hoàn thành 282 căn nhà hộ nghèo, hộ cận nghèo có đất thuộc diện không có tranh chấp, nằm trong vùng quy hoạch dân cư và hộ thoát nghèo (dưới 36 tháng) có khả năng tái nghèo cao có đất ở không có tranh chấp.
- Sử dụng nguồn kinh phí xã hội hóa và các nguồn kinh phí hợp pháp khác để hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có khó khăn về nhà ở xây dựng được nơi ở an toàn, ổn định; tăng cường công tác tuyên truyền; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện hỗ trợ nhà ở theo quy định, không để trùng lắp đối tượng, không để bị lợi dụng, trục lợi, tiêu cực, lãng phí.
2. Yêu cầu
- Chính quyền địa phương các cấp bám sát tình hình, chủ động, linh hoạt, sáng tạo, quyết tâm, quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo có đất thuộc diện không có tranh chấp, nằm trong vùng quy hoạch dân cư và hộ thoát nghèo (dưới 36 tháng) có khả năng tái nghèo cao; xây dựng Kế hoạch cụ thể và tổ chức thực hiện nghiêm túc, kịp thời, có sự phối hợp chặt chẽ giữa cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận các cấp và sự tham gia của cộng đồng trong quá trình triển khai thực hiện; thường xuyên đôn đốc, tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá, rút kinh nghiệm, biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các điển hình, các tập thể, hộ gia đình, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tổ chức triển khai thực Kế hoạch trên địa bàn tỉnh.
- Xây dựng các công trình xóa nhà tạm, nhà dột nát đảm bảo an toàn, có chất lượng, có khả năng chống chịu tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu, phù hợp với điều kiện, đặc điểm, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của dân tộc và đúng đối tượng thụ hưởng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững.
- Sử dụng hiệu quả các nguồn lực, bảo đảm công bằng, dân chủ, công khai, minh bạch, đúng quy định, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí với nguyên tắc hỗ trợ đến từng hộ gia đình, phù hợp với điều kiện thực tiễn và gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.
- Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận trong xã hội để mọi người ủng hộ, chia sẻ, cùng chung tay hỗ trợ với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”; tăng cường trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, khích lệ sự đồng hành, hỗ trợ của các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong quá trình triển khai thực hiện.
3. Mục tiêu
Phấn đấu trước ngày 31/8/2025, hoàn thành xây mới nhà ở 282 căn nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh có đất thuộc diện không có tranh chấp, nằm trong vùng quy hoạch dân cư và hộ thoát nghèo (dưới 36 tháng) có khả năng tái nghèo cao có đất ở không có tranh chấp.
III. NỘI DUNG THỰC HIỆN
1. Đối tượng hỗ trợ
- Hộ nghèo, hộ cận nghèo có đất thuộc diện không có tranh chấp, nằm trong vùng quy hoạch dân cư và hộ thoát nghèo (dưới 36 tháng) có khả năng tái nghèo cao có đất ở không có tranh chấp đã có nhà và hiện trạng nhà ở không đảm bảo tiêu chuẩn 3 cứng theo yêu cầu chất lượng (nền - móng cứng, khung - tường cứng, mái cứng); không bao gồm các hộ đã được hỗ trợ nhà ở thuộc các chương trình, đề án, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội hoặc tổ chức xã hội khác (Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững; Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công; Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát theo Chương trình phát động của Thủ tướng Chính phủ; Chương trình hỗ trợ nhà ở từ nguồn kinh phí của Bộ Công an; các Chương trình, chính sách hỗ trợ khác;...).
- Trường hợp đã được hỗ trợ nhà ở thuộc các chương trình, đề án, chính sách của Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội hoặc tổ chức xã hội khác thì phải thuộc các đối tượng sau: Nhà ở đã bị sập đổ hoặc hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ do thiên tai gây ra (bão, lũ, lụt, sạt lở đất, hỏa hoạn nhưng chưa có nguồn vốn để cải tạo, sửa chữa hay xây dựng lại,...).
2. Định mức, số lượng hỗ trợ và nguồn kinh phí thực hiện
a) Định mức, số lượng hỗ trợ:
- Định mức hỗ trợ xây mới nhà ở: 60.000.000 đồng/căn.
- Số lượng hỗ trợ: 282 căn nhà.
b) Nguồn kinh phí thực hiện
Tổng kinh phí hỗ trợ xây mới 282 căn nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo (dưới 36 tháng) có khả năng tái nghèo cao là 16,920 tỷ đồng, được sử dụng từ các nguồn do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh quản lý (được đơn vị thông tin tại Công văn số 377/MTTQ-BTT ngày 20/5/2025) và nguồn kinh phí tiết kiệm 5% chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2024 (được Sở Tài chính báo cáo tại Công văn số 854/STC-TH&QLNS ngày 16/5/2025).
3. Yêu cầu về diện tích và chất lượng nhà ở, nhân công
- Sau khi được hỗ trợ xây mới, nhà ở phải đảm bảo diện tích sử dụng tối thiểu 30m², đảm bảo “3 cứng” (nền - móng cứng, khung - tường cứng, mái cứng) và tuổi thọ căn nhà từ 20 năm trở lên.
- Các bộ phận nền - móng, khung - tường, mái của căn nhà phải được làm từ các loại vật liệu có chất lượng tốt, không làm từ các loại vật liệu tạm, mau hỏng, dễ cháy. Cụ thể:
+ “Nền - móng cứng” là nền - móng nhà làm bằng các loại vật liệu có tác dụng làm tăng độ cứng của nền như: vữa xi măng - cát, bê tông, bê tông cốt thép, xây gạch/đá, gạch lát, gỗ.
+ “Khung - tường cứng” bao gồm hệ thống khung, cột, tường. Tùy điều kiện cụ thể, khung, cột được làm từ các loại vật liệu: bê tông cốt thép, sắt, thép, gỗ bền chắc; tường xây gạch/đá hoặc làm từ gỗ bền chắc.
+ “Mái cứng” gồm hệ thống đỡ mái và mái lợp. Tùy điều kiện cụ thể, hệ thống đỡ mái có thể làm từ các loại vật liệu: bê tông cốt thép, sắt, thép, gỗ bền chắc. Mái làm bằng bê tông cốt thép, lợp ngói. Trường hợp mái bằng tôn lợp giả ngói, tôn lạnh, tôn cách nhiệt, tôn cán sóng và có kết cấu đỡ chắc chắn (khung sắt, gỗ...) liên kết bền chặt với tường xây, cột bê tông cốt thép thì mái tôn trong trường hợp này được coi là vật liệu bền chắc.
- Tùy điều kiện thực tế, các bộ phận nhà ở có thể làm bằng các loại vật liệu có chất lượng tương đương có sẵn tại địa phương đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đảm bảo thời hạn sử dụng.
- Các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát về giá nguyên vật liệu xây dựng nhà ở trên địa bàn, chủ yếu sử dụng vật liệu của địa phương; huy động mọi lực lượng hỗ trợ, vận động cộng đồng hỗ trợ gia đình, bản thân gia đình tham gia xây dựng; lực lượng quân đội, công an tham gia hỗ trợ vận chuyển vật liệu, thi công để giảm bớt chi phí.
4. Cách thức thực hiện
a) Về mẫu nhà ở: Tham khảo các mẫu thiết kế nhà ở điển hình do Sở Xây dựng ban hành tại Quyết định số 17/QĐ-SXD ngày 11/02/2025 về việc ban hành thiết kế các mẫu nhà ở điển hình để triển khai hỗ trợ về nhà ở đối với người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ; hộ nghèo, hộ cận nghèo xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Đắk Nông để triển khai thực xóa nhà tạm, nhà dột nát theo Chương trình phát động của Thủ tướng Chính phủ.
b) Các bước thực hiện
- Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo trong danh sách được hỗ trợ ký cam kết hình thức thực hiện (xây mới) và đăng ký với UBND cấp xã đề nghị cung ứng vật liệu, tham khảo mẫu nhà (nếu có nhu cầu).
- Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo được hỗ trợ phải báo cáo UBND cấp xã khi hoàn thành các phần việc theo giai đoạn (xong móng, lợp mái...) hoặc hoàn thành toàn bộ công trình để tổ chức nghiệm thu làm cơ sở thực hiện giải ngân vốn hỗ trợ.
- UBND cấp xã có trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn, giám sát và giúp đỡ các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo trong quá trình thực hiện đảm bảo tiến độ và chất lượng; lập biên bản xác nhận hoàn thành theo giai đoạn và biên bản xác nhận hoàn thành công trình đưa vào sử dụng.
c) Về cách thức thực hiện: Đối tượng thụ hưởng tự thực hiện xây dựng nhà ở, UBND xã sẽ cấp phát kinh phí hỗ trợ theo tiến độ thi công. Trường hợp thuộc đối tượng bảo trợ xã hội và có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (người cao tuổi, neo đơn, khuyết tật) không có khả năng tự xây mới nhà ở thì UBND cấp xã phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam xã và các tổ chức thành viên, lực lượng vũ trang để thống nhất phân công các đoàn thể, các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn tổ chức xây mới nhà ở cho các đối tượng này; sau khi hoàn thành lập biên bản xác nhận và bàn giao công trình đưa vào sử dụng.
d) Cơ chế thanh toán: Căn cứ danh sách các hộ gia đình được hỗ trợ nhà ở và mức hỗ trợ cụ thể đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; căn cứ biên bản xác nhận hoàn thành theo giai đoạn và biên bản xác nhận hoàn thành 100% khối lượng thi công, bàn giao đưa vào sử dụng, UBND cấp xã thực hiện thanh toán như sau: Hỗ trợ lần đầu 70% mức hỗ trợ xây mới nhà ở sau khi hoàn thành phần móng; 30% còn lại sẽ hỗ trợ sau khi hộ gia đình hoàn thành công trình xây mới nhà ở.
đ) Tiến độ và thời gian thực hiện: Thời gian thực hiện, hoàn thành và bàn giao 282 căn nhà cho người dân sử dụng trước ngày 31/8/2025.
e) Công tác báo cáo, tổng kết: Ban Chỉ đạo các cấp thường xuyên đôn đốc, báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch hằng tuần, hằng tháng; tổ chức tổng kết và công bố hoàn thành Kế hoạch trước ngày 31/8/2025.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh
Trực tiếp tiếp nhận, tổng hợp các nguồn kinh phí và phân bổ nguồn kinh phí để các địa phương thực hiện Kế hoạch; tiếp tục vận động ủng hộ từ các tổ chức, cá nhân để thực hiện hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát thông qua Quỹ “Vì người nghèo”; giám sát việc tổ chức thực hiện.
2. Sở Nông nghiệp và Môi trường
- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện Kế hoạch này; theo dõi, tổng hợp báo cáo định kỳ, đột xuất về tiến độ, kết quả thực hiện Kế hoạch.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng, sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch này.
3. Sở Xây dựng
Hướng dẫn các địa phương sử dụng mẫu nhà ở điển hình phù hợp với phong tục, tập quán (kèm theo dự toán kinh phí, dự trù vật liệu chủ yếu) đảm bảo các tiêu chí về quy mô diện tích, yêu cầu kỹ thuật và chất lượng, giới thiệu các mẫu thiết kế để người dân tham khảo, lựa chọn.
4. Sở Tài chính
Tham mưu UBND tỉnh sử dụng nguồn kinh phí tiết kiệm 5% chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2024 để phân bổ cho các địa phương thực hiện Kế hoạch này.
5. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh
Chỉ đạo, phối hợp với các lực lượng đóng quân trên địa bàn giúp vận chuyển nguyên vật liệu và xây dựng nhà ở cho người dân tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, địa bàn đặc biệt khó khăn theo đề nghị của các địa phương phù hợp với tình hình, điều kiện thực tiễn và kế hoạch thực hiện nhiệm vụ Quốc phòng, Quân sự địa phương của đơn vị.
6. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh
Chỉ đạo các đơn vị thuộc quyền tham mưu, phối hợp, hỗ trợ ngày công lao động, giúp vận chuyển nguyên vật liệu xây dựng nhà ở cho người dân tại các địa bàn vùng biên giới theo đề nghị của các địa phương phù hợp với tình hình, điều kiện thực tiễn và kế hoạch thực hiện nhiệm vụ của đơn vị.
7. Công an tỉnh
Chỉ đạo các đơn vị liên quan phát huy cơ sở dữ liệu về dân cư trong việc rà soát, tổng hợp thông tin chính xác về số lượng nhà ở cần hỗ trợ cho các nhóm đối tượng tại địa phương. Bố trí lực lượng hỗ trợ theo đề nghị của các địa phương.
8. Sở Nội vụ
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường và các cơ quan liên quan hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng, sơ kết, tổng kết, đánh giá phong trào “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên địa bàn tỉnh.
9. Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh
Chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt chính sách hỗ trợ vốn vay ưu đãi để xây dựng nhà ở cho các đối tượng theo quy định hiện hành (nếu có).
4. Đề nghị Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Báo Đắk Nông; Đài Phát thanh và Truyền hình Đắk Nông
Tăng cường phối hợp, định hướng công tác thông tin tuyên truyền Phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh nhằm tạo đồng thuận xã hội để mọi người ủng hộ, chia sẻ, cộng đồng trách nhiệm, sớm hoàn thành mục tiêu trước ngày 31/8/2025.
12. Đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh
Tham gia vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và cộng đồng ủng hộ bằng tiền, vật liệu xây dựng hoặc ngày công lao động để giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo xây dựng nhà ở; chỉ đạo, hướng dẫn đoàn thể cấp dưới, đặc biệt là đoàn thể cấp xã tham gia phối hợp với UBND cấp xã tổ chức xây dựng nhà ở cho các đối tượng thuộc diện hỗ trợ và giám sát quá trình thực hiện chương trình.
13. UBND các huyện: Đắk Glong, Đắk Song, Tuy Đức, Đắk R’Lấp
- Tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt Kế hoạch triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo có đất thuộc diện không có tranh chấp, nằm trong vùng quy hoạch dân cư và hộ thoát nghèo (dưới 36 tháng) có khả năng tái nghèo cao có đất ở không có tranh chấp tại địa phương bảo đảm đúng đối tượng, tiêu chuẩn, định mức, không trùng lắp với các hoạt động hỗ trợ nhà ở đang thực hiện tại địa phương, tuân thủ trình tự, thủ tục theo đúng quy định pháp luật, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực. Có trách nhiệm bàn giao nhiệm vụ, danh sách hỗ trợ làm nhà ở cho UBND các xã mới sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã để tiếp tục triển khai thực hiện.
- Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện ở địa phương với lộ trình cụ thể, chịu trách nhiệm về tiến độ và chất lượng thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo có đất thuộc diện không có tranh chấp, nằm trong vùng quy hoạch dân cư và hộ thoát nghèo (dưới 36 tháng) có khả năng tái nghèo cao có đất ở không có tranh chấp từ nguồn kinh phí xã hội hóa tại địa phương. Tập trung chỉ đạo thực hiện, giải ngân ngay đối với các hộ đã đảm bảo điều kiện thụ hưởng.
- Bảo đảm điều kiện về hạ tầng, mặt bằng đất đai, vật liệu, lực lượng khi triển khai Kế hoạch trên địa bàn theo quy định, cần có giải pháp, cách làm sáng tạo, linh hoạt. Tăng cường kiểm tra, giám sát về giá nguyên vật liệu xây dựng nhà ở trên địa bàn, vận động các đơn vị cung cấp có chính sách hỗ trợ giảm giá cho hộ gia đình; huy động mọi lực lượng (công an, quân đội, đoàn thanh niên...) tham gia hỗ trợ vận chuyển vật liệu, thi công để giảm bớt chi phí.
- Ngoài nguồn kinh phí được phân bổ, địa phương chủ động huy động các nguồn lực hỗ trợ khác để thực hiện Kế hoạch trên địa bàn. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động sự tham gia ủng hộ, hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ thoát nghèo khó khăn về nhà ở bằng nhiều hình thức phù hợp (hỗ trợ tiền, góp sức lao động....), tạo sự lan tỏa, đồng thời huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để phấn đấu hoàn thành Kế hoạch đề ra. Tổng hợp báo cáo định kỳ, đột xuất về tiến độ, kết quả thực hiện cho Ban Chỉ đạo tỉnh. Tổ chức sơ kết, tổng kết kế hoạch theo quy định.
14. Trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch, các cơ quan, đơn vị, địa phương được giao nhiệm vụ tại Kế hoạch này thuộc trường hợp sắp xếp tổ chức bộ máy theo Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ Sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII hoặc thực hiện các nhiệm vụ theo sắp xếp chính quyền địa phương 02 cấp (nếu có) thì tiếp tục thực hiện nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn quy định sau khi được sắp xếp.
Trên đây là Kế hoạch triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo có đất thuộc diện không có tranh chấp, nằm trong vùng quy hoạch dân cư và hộ thoát nghèo (dưới 36 tháng) có khả năng tái nghèo cao có đất ở không có tranh chấp từ nguồn kinh phí xã hội hóa và các nguồn hợp pháp khác. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc, đơn vị, địa phương kịp thời báo cáo về Sở Nông nghiệp và Môi trường để hướng dẫn thực hiện hoặc tổng hợp, báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, chỉ đạo./.
| KT. CHỦ TỊCH |
- 1Nghị quyết 91/2025/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2025-2026
- 2Nghị quyết 01/2025/NQ-HĐND quy định mức hỗ trợ từ nguồn ngân sách tỉnh để xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk năm 2025
Kế hoạch 394/KH-UBND năm 2025 triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo có đất thuộc diện không có tranh chấp, nằm trong vùng quy hoạch dân cư và hộ thoát nghèo (dưới 36 tháng) có khả năng tái nghèo cao có đất ở không có tranh chấp từ nguồn kinh phí xã hội hóa và các nguồn hợp pháp khác do tỉnh Đắk Nông ban hành
- Số hiệu: 394/KH-UBND
- Loại văn bản: Kế hoạch
- Ngày ban hành: 19/06/2025
- Nơi ban hành: Tỉnh Đắk Nông
- Người ký: Tôn Thị Ngọc Hạnh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 19/06/2025
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra