Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 380/KH-UBND

Đồng Tháp, ngày 08 tháng 11 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

KIỂM TRA VIỆC CHẤP HÀNH CÁC QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ ĐIỀU KIỆN AN NINH, TRẬT TỰ; PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN, CỨU HỘ; ĐẦU TƯ XÂY DỰNG TẠI CÁC CHỢ, TRUNG TÂM THƯƠNG MẠI, SIÊU THỊ, KARAOKE TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NĂM 2022

Thời gian qua, công tác phòng cháy và chữa cháy đã được các ngành, các cấp quan tâm chỉ đạo thực hiện và đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, tình hình cháy, nổ đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương trên cả nước gây thiệt hại nghiêm trọng, có nhiều vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản. Từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn Tỉnh đã xảy ra 6 vụ cháy, làm chết 3 người, thiệt hại về tài sản khoảng 7 tỷ đồng. Điển hình: (1) Ngày 29/8/2022, xảy ra vụ cháy tại Chợ Vĩnh Thạnh, ấp Vĩnh Bình A, xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò, thiệt hại về tài sản ước tính gần 2 tỷ đồng; (2) Ngày 28/10/2022, xảy ra vụ cháy cửa hàng bách hóa Bảy Tiến ở xã An Khánh, huyện Châu Thành, hậu quả làm chết 3 người, tài sản thiệt hại ước tính khoảng 4 tỷ đồng.

Hiện nay, trên địa bàn Tỉnh có 8.160 cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, trong đó 1.603 cơ sở do Công an Tỉnh quản lý, 2.773 cơ sở do Công an cấp huyện quản lý; 3.784 cơ sở do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý. Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực an ninh, trật tự, phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ và đầu tư xây dựng, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi, không để xảy ra cháy các vụ cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm chết người do nguyên nhân chủ quan, đồng thời, thực hiện Quyết định số 137/QĐ-UBND-TL ngày 17 tháng 10 năm 2022 của Uỷ ban nhân dân Tỉnh về việc thành lập Tổ Kiểm tra liên ngành kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về điều kiện an ninh, trật tự; phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; đầu tư xây dựng tại các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, karaoke, vũ trường trên địa bàn Tỉnh năm 2022, Ủy ban nhân dân Tỉnh xây dựng Kế hoạch kiểm tra cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Nhằm đánh giá việc chấp hành các quy định pháp luật về điều kiện an ninh, trật tự, phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, đầu tư xây dựng và các nội dung thuộc phạm vi quản lý của các sở, ngành tại các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, karaoke trên địa bàn Tỉnh năm 2022.

- Nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của đơn vị quản lý, khai thác các chợ và người đứng đầu các cơ sở siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở kinh doanh karaoke cũng như việc thực hiện các quy định pháp luật về điều kiện an ninh, trật tự, phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của cán bộ, nhân viên, người lao động tại các cơ sở, góp phần xây dựng phong trào toàn dân phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn Tỉnh.

2. Yêu cầu

- Qua kiểm tra ghi nhận toàn diện, đầy đủ, khách quan các vướng mắc, khó khăn trong việc chấp hành các quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh của các cơ sở, để Ủy ban nhân dân Tỉnh có chỉ đạo tháo gỡ kịp thời và thống nhất thực hiện, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực đối với các cơ sở này, trong đó chú trọng lĩnh vực về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

- Qua công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện và hướng dẫn các đơn vị chấp hành đúng các quy định của pháp luật, yêu cầu khắc phục những tồn tại, thiếu sót hoặc đề nghị xử lý đối với các hành vi vi phạm trong quá trình hoạt động của cơ sở.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Nội dung kiểm tra

1.1. Đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

a) Việc tổ chức thực hiện quy định về thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy theo quy định

Kiểm tra các Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế, văn bản thẩm duyệt thiết kế; văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy,…

b) Về thành phần hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo quy định

- Quyết định phân công chức trách, nhiệm vụ trong thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy của cơ sở;

- Bản sao bản vẽ tổng mặt bằng thể hiện giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy, bố trí công năng của các hạng mục, dây chuyền công nghệ trong cơ sở đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;

- Việc thành lập, duy trì hoạt động của đội phòng cháy, chữa cháy cơ sở: Quyết định thành lập đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở; danh sách thành viên đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở; Quyết định cấp chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ hoặc bản sao chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của cơ quan Công an có thẩm quyền;

- Phương án chữa cháy, phương án cứu nạn, cứu hộ của cơ sở được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Kế hoạch, báo cáo kết quả tổ chức thực tập phương án chữa cháy;

- Biên bản kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, văn bản kiến nghị, chỉ đạo, biên bản vi phạm, quyết định xử phạt vi phạm hành chính, tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động, phục hồi hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước;

- Tài liệu ghi nhận kết quả tự kiểm tra của cơ sở; báo cáo kết quả kiểm tra an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ định kỳ 6 tháng của người đứng đầu cơ sở theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 16 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy;

- Báo cáo vụ cháy, nổ; thông báo kết luận điều tra nguyên nhân vụ cháy của cơ quan có thẩm quyền;

- Tài liệu ghi nhận kết quả kiểm tra điện trở nối đất để chống sét, kiểm định hệ thống, thiết bị, đường ống chịu áp lực theo quy định;

- Giấy chứng nhận bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.

c) Việc thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở:

- Việc bảo đảm kinh phí cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy của người đứng đầu cơ sở: Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bảo đảm kinh phí cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy; trang bị và duy trì hoạt động của dụng cụ, phương tiện phòng cháy, chữa cháy; chuẩn bị các điều kiện phục vụ chữa cháy,...

- Việc duy trì công tác kiểm tra, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ định kỳ:

+ Hồ sơ, tài liệu thể hiện việc kiểm tra, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (cập nhật trong sổ theo dõi phương tiện hoặc hợp đồng với đơn vị bảo trì).

+ Việc bảo dưỡng hệ thống phòng cháy, chữa cháy theo quy định của TCVN 3890:2009: bình chữa cháy, hệ thống chữa cháy bằng nước, hệ thống báo cháy tự động,...

- Việc tổ chức tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho các đối tượng theo quy định: Hồ sơ, tài liệu ghi nhận kết quà tổ chức tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ của người đứng đầu cơ sở;

- Việc chấp hành quy định về kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ định kỳ, đột xuất; văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, kiến nghị của cơ quan Công an: Chuẩn bị đầy đủ các nội dung kiểm tra đã được thông báo; bố trí người có thẩm quyền, trách nhiệm, để làm việc với cơ quan, người có thẩm quyền kiểm tra.

d) Kiểm tra các điều kiện đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

- Đường giao thông dành cho chữa cháy, khoảng cách an toàn phòng cháy, chữa cháy và nguồn nước chữa cháy;

- Việc bố trí công năng sử dụng các gian phòng, hạng mục trong công trình;

- Lối và đường thoát nạn;

- Trang bị các hệ thống phòng cháy, chữa cháy, phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại chỗ, phương tiện chiếu sáng sự cố, chỉ dẫn thoát nạn.

- Các điều kiện đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khác như: bố trí, sắp xếp hàng hóa, quản lý nguồn lửa, nguồn nhiệt,...

1.2. Đối với công tác đầu tư xây dựng, đảm bảo an ninh, trật tự

- Việc chấp hành các quy định của pháp luật về điều kiện an ninh, trật tự, đối với các cơ sở kinh doanh, quy trình cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự đối với các cơ sở theo phân cấp quản lý.

- Việc chấp hành các quy định của pháp luật trong đầu tư xây dựng, việc thẩm định, phê duyệt và cấp phép xây dựng,... nhất là đối với các công trình khi thay đổi tính chất sử dụng, cải tạo nhà ở hộ gia đình thành cơ sở sản xuất, kinh doanh; các nội dung thuộc phạm vi quản lý của đơn vị mình.

- Việc chấp hành các quy định của pháp luật trong cấp phép kinh doanh đối với các cơ sở kinh doanh có điều kiện về hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng; các nội dung thuộc phạm vi quản lý của đơn vị mình.

- Việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý công nghiệp và các nội dung thuộc phạm vi quản lý của đơn vị mình.

- Việc chấp hành quy định của pháp luật về hợp đồng lao động, chế độ bảo hiểm xã hội, khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, sử dụng thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, huấn luyện an toàn vệ sinh lao động và các nội dung thuộc phạm vi quản lý của đơn vị mình.

- Việc chấp hành các quy định của pháp luật về việc lắp đặt, sử dụng điện sau công tơ của các cơ sở và các nội dung thuộc phạm vi quản lý của đơn vị mình.

2. Đối tượng kiểm tra: các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, karaoke, trên địa bàn Tỉnh (có phụ lục thống kê kèm theo).

3. Thời gian kiểm tra: Từ nay đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022.

4. Phương pháp kiểm tra

- Tổ Kiểm tra sẽ thông báo bằng văn bản trước ít nhất 3 ngày làm việc cho cơ sở được kiểm tra và cơ quan, đơn vị có liên quan về thời gian và nội dung kiểm tra. Đối với các cơ sở được thông báo kiểm tra phải thực hiện phải báo cáo bằng văn bản trước 1 ngày kiểm tra theo đề cương yêu cầu của Tổ Kiểm tra.

- Khi kiểm tra, từng thành viên của Tổ kiểm tra làm việc chuyên ngành theo nhiệm vụ đã được phân công. Tổ trưởng Tổ Kiểm tra tổng hợp những ý kiến, kiến nghị của các thành viên Tổ Kiểm tra và lập thành biên bản kiểm tra.

- Thời gian Tổ Kiểm tra làm việc tại mỗi cơ sở là 1 buổi.

5. Xử lý vi phạm hành chính

- Nếu đối tượng kiểm tra có một hoặc nhiều hành vi vi phạm nhưng thuộc thẩm quyền xử lý của một ngành thì Tổ Kiểm tra liên ngành bàn giao hồ sơ vụ việc cùng toàn bộ tang vật, phương tiện vi phạm cho ngành có chức năng thẩm quyền xử lý. Nếu vượt thẩm quyền xử lý thì chuyển hồ sơ cho người có thẩm quyền xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

- Đối với những vụ việc kiểm tra phát hiện có nhiều hành vi vi phạm, thuộc thẩm quyền xử lý của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau, Tổ Kiểm tra liên ngành bàn giao hồ sơ vụ việc cùng toàn bộ tang vật, phương tiện vi phạm cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi xảy ra vụ việc vi phạm, để củng cố hồ sơ xử lý hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật (theo điểm c, khoản 4, Điều 52 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi bổ sung năm 2020 và các quy định hiện hành khác có liên quan).

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Kế hoạch này triển khai đến Ủy ban nhân dân cấp huyện; các sở, ngành có thành viên tham gia Tổ Kiểm tra và thành viên Tổ Kiểm tra liên ngành (theo Quyết định 137/QĐ-UBND-TL ngày 17 tháng 10 năm 2022 của Ủy ban nhân dân Tỉnh) nắm thực hiện.

2. Căn cứ nội dung Kế hoạch này, các thành viên Tổ Kiểm tra theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, chuẩn bị nội dung phục vụ kiểm tra theo quy định (có phân công nhiệm vụ kèm theo).

Định kỳ hàng tuần, tháng báo cáo kết quả thực hiện của Tổ Kiểm tra về Ủy ban nhân dân Tỉnh (qua Văn phòng Ủy ban nhân dân Tỉnh) để nắm, chỉ đạo. Kết thúc đợt kiểm tra, chậm nhất 10 ngày làm việc Tổ trưởng Tổ Kiểm tra tham mưu Giám đốc Công an Tỉnh báo cáo tình hình, kết quả hoạt động của Tổ Kiểm tra liên ngành và kiến nghị, đề xuất các giải pháp, nhằm chấn chỉnh việc chấp hành các quy định của pháp luật về điều kiện an ninh, trật tự; phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; đầu tư xây dựng tại các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, karaoke, trên địa bàn Tỉnh. Đối với những vấn đề vướng mắc, phát sinh cần có ý kiến chỉ đạo ngay, Tổ Kiểm tra có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh (qua Văn phòng Ủy ban nhân dân Tỉnh) để chỉ đạo kịp thời.

3. Giao Công an Tỉnh bố trí phương tiện phục vụ Tổ Kiểm tra liên ngành thực hiện nhiệm vụ tại các cơ sở theo lịch thông báo./.

 


Nơi nhận:
- Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ - Bộ Công an;
- CT, PCT/UBND Tỉnh;
- Lãnh đạo VP/UBND Tỉnh;
- Các sở, ngành có thành viên;
- Thành viên Tổ kiểm tra;
- Lưu: VT, TCD-NC(CT).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Phạm Thiện Nghĩa

 

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 380/KH-UBND kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về điều kiện an ninh, trật tự; phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; đầu tư xây dựng tại các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, karaoke, vũ trường trên địa bàn Tỉnh Đồng Tháp năm 2022

  • Số hiệu: 380/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 08/11/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Tháp
  • Người ký: Phạm Thiện Nghĩa
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 08/11/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản