Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 370/KH-UBND | Hà Nội, ngày 17 tháng 12 năm 2024 |
KẾ HOẠCH
HOẠT ĐỘNG THỂ THAO THÀNH TÍCH CAO THÀNH PHỐ HÀ NỘI NĂM 2025
Thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”; Căn cứ Kế hoạch số 176/KH-UBND ngày 30/7/2021 của UBND thành phố Hà Nội thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”, Quyết định số 1189/QĐ-TTg ngày 15/10/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Kế hoạch hoạt động thể thao thành tích cao năm 2025, các nội dung cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển thể thao thành tích cao theo Quyết định số 223/QĐ-TTg ngày 22/02/2019 của Thủ tướng Chính phủ; Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy; Kế hoạch số 325/KH-UBND ngày 30/12/2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố về đào tạo huấn luyện viên, vận động viên thành tích cao, trọng điểm các môn Olympic và ASIAD thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025, đảm bảo tiến độ và hoàn thành các mục tiêu đã đề ra.
2. Xác định đúng đối tượng cần được tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện gắn với các môn thể thao trọng điểm, các nội dung trọng điểm nhằm tạo bước đột phá trong đào tạo tài năng thể thao thành tích cao; tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao, đội ngũ huấn luyện viên, giảng viên, cán bộ quản lý thể thao thành tích cao trên cơ sở khoa học, đáp ứng nhu cầu cấp thiết; áp dụng mô hình tiên tiến của thế giới phù hợp với thực tiễn những môn thể thao thế mạnh của Hà Nội, bảo đảm hiệu quả, chất lượng đào tạo các vận động viên tài năng đạt thành tích thi đấu cao ở trong nước và quốc tế, trình độ huấn luyện chuyên môn cao ở cấp quốc gia, khu vực, châu lục và thế giới.
3. Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch có chất lượng, cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế của thành phố Hà Nội, huy động mọi nguồn lực của các cấp, các ngành, các địa phương và xã hội tham gia thực hiện kế hoạch đạt hiệu quả cao nhất.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
- Phấn đấu đóng góp 30% trở lên lực lượng huấn luyện viên, vận động viên thể thao Hà Nội tham gia Đoàn Thể thao Việt Nam thi đấu Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 33 tại Thái Lan năm 2025 và đóng góp khoảng 30% số lượng huy chương vàng vào thành tích chung của Đoàn Thể thao Việt Nam tại Đại hội.
- Giữ vững vị trí nhất toàn đoàn tại giải thi đấu vô địch, vô địch trẻ quốc gia của các môn là thế mạnh của thể thao Hà Nội như: Bắn cung, Bắn súng, Boxing nữ, Cầu mây, Cờ vua, Cử tạ, Điền kinh, Karate, Kiếm quốc tế, Kickboxing, Muay, Lặn, Nhảy cầu, Vật, Wushu…và cải thiện thành tích, lấy lại vị thế của các môn thể thao Hà Nội có tiềm năng, nhất là các môn nằm trong hệ thống thi đấu Olympic và ASIAD.
- Các môn thể thao thành tích cao tăng cường cập nhật Luật, kỹ chiến thuật chuyên môn mới trong quá trình tập huấn, thi đấu trong nước và nước ngoài, nghiên cứu, áp dụng phương pháp tập luyện hiện đại, hiệu quả đối với các huấn luyện viên, vận động viên để giành nhiều thành tích cao nhất, giữ vững vị trí nhất toàn đoàn tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ X năm 2026;
- Chuẩn bị lực lượng thi đấu tại Đại hội Thể thao Châu Á (ASIAD) lần thứ 20 tại Nhật Bản năm 2026: Phấn đấu đóng góp huy chương vàng vào thành tích chung của Đoàn Thể thao Việt Nam; tập trung phấn đấu có vận động viên vượt qua vòng loại, đạt chuẩn tham dự Olympic Los Angeles 2028.
2. Mục tiêu cụ thể
2.1. Nhóm môn Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games)
- Đóng góp trên 30% lực lượng huấn luyện viên, vận động viên tham gia Đoàn thể thao Việt Nam và 30% số lượng huy chương vàng vào thành tích chung của Đoàn thể thao Việt Nam tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games 33) - Thái Lan 2025 từ các môn được đưa vào chương trình thi đấu chính thức của Đại hội như: Bắn cung, Bắn súng, Billiards - Snooker, Bi sắt, Bóng bàn, Bóng chuyền, Bóng đá, Bóng ném, Bóng rổ (3x3, 5x5), Bowling, Cầu lông, Cầu mây, Cờ, Cử tạ, Điền kinh, Đua thuyền (Rowing, Canoeing), Golf, Judo, JuJitsu, Karate, Khiêu vũ thể thao, Kickboxing, Kiếm quốc tế, Muay, Pencak Silat, Quần vợt, Quyền anh, Taekwondo, Thể dục dụng cụ, Thể dục thể hình, Thể thao điện tử (E-sports), Thể thao dưới nước (Bơi, Nhảy cầu), Vật, Xe đạp, Wushu… Tham dự các giải vô địch quốc gia, quốc tế phấn đấu giành thành tích tốt nhất.
2.2. Nhóm môn Đại hội Thể thao toàn quốc
Đào tạo có trọng tâm lực lượng vận động viên thành tích cao các môn thế mạnh của Hà Nội: Bắn cung, Bắn súng, Bóng bàn, Bóng ném, Boxing nữ, Bowling, Cầu mây, Cờ, Cử tạ, Điền kinh, Đua thuyền, Golf, Karate, Khiêu vũ thể thao, Kickboxing, Kiếm quốc tế, Lặn, Muay, Nhảy cầu, Pencak Silat, Taekwondo, Thể thao dưới nước, Thể dục thể hình, Vật, Xe đạp, Wushu… với mục tiêu, thành tích giành vị trí nhất toàn đoàn tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ X năm 2026.
2.3. Nhóm môn Đại hội Thể thao Châu Á (ASIAD)
Các môn thi tại Đại hội Thể thao Châu Á hầu hết cùng nằm trong hệ thống thi đấu của Thế vận hội Olympic, thể thao Thủ đô tiếp tục giữ vai trò chủ lực đóng góp lực lượng huấn luyện viên, vận động viên giỏi và thành tích thi đấu cho thể thao Việt Nam tại Đại hội Thể thao Châu Á lần thứ 20 Nhật Bản năm 2026.
2.4. Nhóm môn có khả năng vượt qua vòng loại Olympic
Tập trung tuyển chọn, đầu tư cho các vận động viên trọng điểm, tài năng của các môn Bắn cung, Bắn súng, Boxing nữ, Đua thuyền, Kiếm quốc tế… Phấn đấu có từ 02 đến 03 vận động viên xuất sắc đạt chuẩn Olympic tham dự Thế vận hội năm 2028.
2.5. Nhóm môn mới phát triển
Triển khai thực hiện công tác phối hợp, tạo điều kiện cho các tập đoàn, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, phát triển các môn thể thao mới khác nằm trong hệ thống thi đấu quốc gia, quốc tế.
III. NỘI DUNG
1. Chỉ tiêu huy chương
Hoàn thành và vượt số lượng 2.700 huy chương các loại, cụ thể:
- Trong nước: 750 huy chương vàng, 762 huy chương bạc, 750 huy chương đồng (2.262 huy chương)
- Quốc tế: 111 huy chương vàng, 142 huy chương bạc, 185 huy chương đồng (438 huy chương)
- Dự kiến chỉ tiêu huy chương của thể thao Hà Nội tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á - SEA Games 33: 26-27 huy chương vàng - 17 huy chương bạc - 23 huy chương đồng.
2. Số lượng triệu tập, tập huấn: 498 huấn luyện viên; 3.036 vận động viên (phụ lục 1.1)
* Số lượng triệu tập, tập huấn các môn mới phát triển chuẩn bị Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ X: 14 huấn luyện viên, 65 vận động viên (phụ lục 1.2).
3. Tập huấn, thi đấu quốc gia và quốc tế (phụ lục 2)
3.1. Tập huấn quốc gia, quốc tế
* Tập huấn trong nước 112 đợt với 03 hình thức
- Tập huấn chuyên môn: 46 đợt.
- Tập huấn trước thi đấu: 43 đợt.
- Tập huấn trọng tài, huấn luyện viên: 23 đợt.
* Tập huấn quốc tế 41 đợt với 02 hình thức
- Tập huấn chuyên môn: 31 đợt.
- Tập huấn trọng tài, huấn luyện viên: 10 đợt.
3.2. Thi đấu quốc gia, quốc tế
* Thi đấu trong nước 251 đợt với 02 hình thức (hệ thống và mở rộng)
- Thi đấu giải trong hệ thống quốc gia: 230 đợt.
- Thi đấu giải mở rộng: 21 đợt.
* Thi đấu quốc tế 154 đợt với 02 hình thức (hệ thống và mở rộng)
- Thi đấu giải trong hệ thống quốc tế: 115 đợt.
- Thi đấu giải mở rộng: 39 đợt.
4. Số lượng chuyên gia được thuê
- Chuyên gia người Việt Nam: 01 chuyên gia (phụ lục 3.1)
- Chuyên gia người nước ngoài: 13 chuyên gia (phụ lục 3.2)
5. Các giải thi đấu thể thao thành tích cao tổ chức tại Hà Nội: 12 giải quốc gia, quốc tế; 02 giải thành phố Hà Nội mở rộng (phụ lục 4)
6. Thuê địa điểm ăn ở tập trung và tập luyện: 10 Bộ môn (phụ lục 5)
7. Trao đổi kinh nghiệm, học tập mô hình quản lý, đào tạo thể thao thành tích cao trong nước, quốc tế: 04 đoàn (02 đoàn đi công tác tại Hàn Quốc và Đức; 02 đoàn đi các tỉnh, thành trong nước) (phụ lục 6)
(Các phụ lục chi tiết đính kèm)
IV. GIẢI PHÁP
1. Phát triển và xây dựng lực lượng
1.1. Đào tạo vận động viên
- Tuyển chọn, phát triển theo hướng thể thao hiện đại, đào tạo chuyên biệt lực lượng vận động viên, huấn luyện viên có trình độ chuyên môn cao tham gia thi đấu và giành thành tích cao tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á - SEA Games 33, Thái Lan 2025.
- Xây dựng kế hoạch tập huấn quốc tế tại các quốc gia có trình độ phát triển mạnh về thể thao thành tích cao, có cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện, điều kiện dinh dưỡng, điều kiện chăm sóc, phục hồi sức khỏe vận động viên đồng bộ, hiện đại đạt tiêu chuẩn.
- Vận động viên trọng điểm tham gia đầy đủ các giải trong hệ thống giải thi đấu quốc tế chính thức của Liên đoàn, Hiệp hội các môn thể thao khu vực, châu lục và thế giới nhằm tạo điều kiện, cơ hội cho các vận động viên được thi đấu cọ xát, tích điểm xếp hạng, nâng cao trình độ chuyên môn, thể lực, hoàn thiện kỹ chiến thuật và đặc biệt là tâm lý thi đấu.
- Nghiên cứu kinh nghiệm, quản lý vận hành từ các nước có nền thể thao phát triển, tiên tiến hiện đại để học tập, áp dụng trong công tác tuyển chọn, đào tạo bồi dưỡng vận động viên tài năng thể thao thành tích cao Thành phố; đầu tư, nâng cấp và hiện đại hóa cơ sở vật chất - kỹ thuật và trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ thiết yếu đảm bảo chuẩn quốc tế phục vụ đào tạo, huấn luyện và thi đấu thể thao thành tích cao. Từng bước nâng cao chế độ cho vận động viên trong tập luyện và thi đấu, áp dụng chế độ đãi ngộ phù hợp để thu hút các tài năng thể thao trên cả nước, nước ngoài về tập luyện, thi đấu cho Hà Nội.
1.2. Đào tạo, bồi dưỡng huấn luyện viên, cán bộ quản lý thể thao thành tích cao
- Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ huấn luyện viên có trình độ chuyên môn giỏi đạt trình độ quốc gia, quốc tế trở thành huấn luyện viên trưởng, huấn luyện viên nòng cốt với số lượng nhiều nhất được triệu tập đội tuyển quốc gia; rà soát cử các huấn luyện viên có chuyên môn tốt tham gia các khóa đào tạo, tập huấn tại nước ngoài, đặc biệt là các môn thể thao thành tích cao trọng điểm trong hệ thống thi đấu Olympic, ASIAD.
- Chú trọng phát triển đội ngũ cán bộ quản lý thể dục thể thao có đủ năng lực, trình độ chuyên môn cao, uy tín tham gia ban lãnh đạo các Liên đoàn, Hiệp hội các môn thể thao quốc gia, quốc tế.
- Mời huấn luyện viên, chuyên gia giỏi đến từ các quốc gia có nền thể thao phát triển, làm nhiệm vụ huấn luyện chuyên biệt cho các vận động viên thể thao thành tích cao trọng điểm để nâng cao trình độ chuyên môn đạt đẳng cấp quốc tế, qua đó tăng khả năng đạt huy chương tại các kỳ Olympic, ASIAD và các đấu trường quốc tế khác.
2. Đăng cai tổ chức các giải thi đấu quốc gia, quốc tế
Phối hợp Cục Thể dục thể thao - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các Liên đoàn, Hiệp hội các môn thể thao quốc gia, đăng cai tổ chức các giải thi đấu cấp quốc gia, khu vực, Châu Á và thế giới tại thành phố Hà Nội như: (1) Giải Cầu lông Vietnam Challenge 1, (2) giải vô địch Thể dục Aerobic trẻ quốc gia, (3) giải vô địch Đấu kiếm quốc gia, (4) giải vô địch Thể dục dụng cụ quốc gia, (5) giải vô địch Vật tự do, Vật cổ điển quốc gia, (6) giải Đua thuyền Rowing máy quốc gia, (7) giải vô địch trẻ và các nhóm tuổi Roller quốc gia, (8) giải vô địch Khiêu vũ thể thao quốc gia, (9) giải vô địch Bowling quốc gia, (10) giải vô địch Muay trẻ quốc gia, (11) giải Trượt băng vô địch trẻ quốc gia, (12) giải vô địch Kickboxing các lứa tuổi khu vực phía Bắc,... để vận hành và trau dồi kinh nghiệm trong công tác tổ chức, đẩy mạnh quảng bá hình ảnh văn hóa, tiềm năng, thế mạnh của Hà Nội và Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.
3. Đầu tư cơ sở vật chất
Đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án cải tạo, nâng cấp sửa chữa, hiện đại hóa, đồng bộ đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế các công trình, đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ tập luyện phục vụ công tác huấn luyện, tập luyện và thi đấu tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục thể thao Hà Nội, nhằm nâng cao thành tích, cũng như hiện thực hóa các nội dung trong kế hoạch.
- Chuẩn bị đầu tư các dự án, công trình thể thao đã được quy hoạch tại khu vực Mỹ Đình thuộc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục thể thao Hà Nội.
4. Hợp tác, giao lưu, kết hợp học tập kinh nghiệm
- Tăng cường công tác phối hợp giữa Hà Nội với Cục Thể dục thể thao, các Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia, các Liên đoàn, Hiệp hội các môn thể thao quốc gia, quốc tế lựa chọn các cơ sở đào tạo, trung tâm huấn luyện thể thao có uy tín, chất lượng cao, có thế mạnh đào tạo về ngành, chuyên ngành, bộ môn thể thao thành tích cao ở các quốc gia có nền thể thao thành tích cao tiên tiến. Đặc biệt, triển khai hợp tác với Cục Thể thao thành phố: Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Đông, Quảng Tây (Trung Quốc); hợp tác với các quốc gia: Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan…trong lĩnh vực thể thao thành tích cao để thể thao Thủ đô ngày càng phát triển.
- Thực hiện các nội dung hợp tác với các quốc gia truyền thống ở khu vực Đông Nam Á, châu Á và quốc tế; tăng cường giao lưu, hợp tác với các tỉnh thành trên cả nước.
- Cử các vận động viên, huấn luyện viên tài năng tham gia các giải thi đấu quốc tế theo kế hoạch của Cục Thể dục thể thao, Liên đoàn, Hiệp hội các môn thể thao quốc gia và quốc tế; cử cán bộ quản lý, huấn luyện viên, vận động viên, trọng tài tham gia hội thảo, tập huấn, đào tạo chuyên môn trong nước và quốc tế.
5. Xã hội hóa thể dục thể thao
- Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, vận hành các cơ sở đào tạo vận động viên và tham gia bảo trợ, tài trợ cho các đội tuyển thể thao, vận động viên tài năng.
- Phát huy vai trò của các Liên đoàn, Hiệp hội, các tổ chức xã hội về thể thao trong việc tuyển chọn, đào tạo tài năng thể thao; phát triển một số môn thể thao thành tích cao theo hướng chuyên nghiệp.
- Phối hợp với các Liên đoàn, Hiệp hội, các tổ chức xã hội về thể thao tổ chức các hoạt động tập huấn, thi đấu cấp quốc gia, khu vực và quốc tế; thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động thể dục, thể thao; giao một số giải thi đấu thể thao thành tích cao cho các tổ chức xã hội nghề nghiệp về thể thao nếu có đủ khả năng thực hiện.
V. KINH PHÍ THỰC HIỆN
Kinh phí thực hiện kế hoạch được bố trí từ nguồn ngân sách Thành phố theo phân cấp ngân sách hiện hành và các nguồn huy động hợp pháp khác.
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Căn cứ Kế hoạch hoạt động thể thao thành tích cao thành phố Hà Nội năm 2025, Sở Văn hóa và Thể thao, các Sở, ban ngành có liên quan xây dựng kế hoạch tập trung triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:
1. Sở Văn hóa và Thể thao
- Là cơ quan thường trực, tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố xây dựng và triển khai Kế hoạch; Chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân Thành phố về công tác phát triển thể thao thành tích cao và triển khai Kế hoạch số 325/KH-UBND ngày 30/12/2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội về việc Đào tạo huấn luyện viên, vận động viên thành tích cao trọng điểm các môn Olympic và ASIAD thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025 đảm bảo hiệu quả, đúng quy định.
- Giao Sở Văn hóa và Thể thao chủ động điều chỉnh, bổ sung kế hoạch tập huấn, thi đấu trong nước, quốc tế theo Điều lệ của Ban tổ chức Giải thi đấu hoặc Thư mời (nếu có) do Cục Thể dục thể thao, Liên đoàn, Hiệp hội các môn thể thao quốc gia, quốc tế ban hành đảm bảo phù hợp với nguồn kinh phí sự nghiệp thể dục thể thao được cấp năm 2025.
- Ban hành kế hoạch và tổ chức các giải thi đấu thể thao nằm trong hệ thống quốc gia và quốc tế khi được Cục Thể dục thể thao ủy nhiệm đăng cai.
- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo Trường Phổ thông Năng khiếu Thể dục thể thao tạo điều kiện tốt nhất cho các vận động viên Hà Nội hoàn thành chương trình học tập văn hóa theo quy định.
- Tăng cường vận động tài trợ, kinh phí xã hội hóa để tổ chức các giải thể thao thành tích cao và cho các đội tuyển thể thao Thành phố.
- Thay mặt Ủy ban nhân dân Thành phố chủ trì mời cơm tiếp đại diện đoàn tham dự các giải vô địch trong hệ thống thi đấu quốc gia, quốc tế (đối tượng bao gồm: Ban tổ chức, ban giám sát, thư ký, trọng tài, trưởng đoàn và huấn luyện viên trưởng các đoàn tham dự giải). Mức chi mời cơm tiếp khách thực hiện theo quy định hiện hành của thành phố.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Cân đối vốn đầu tư phát triển để thực hiện các công trình, dự án lĩnh vực thể thao thành tích cao theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
- Phối hợp mời gọi đầu tư xã hội hóa các nguồn lực về thể dục thể thao.
- Chủ trì, phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Tài chính căn cứ kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được phê duyệt để đầu tư cơ sở vật chất đối với các công trình, dự án thể dục thể thao của Thành phố phục vụ công tác tập luyện, sinh hoạt, thi đấu của vận động viên Hà Nội.
3. Sở Tài chính
Trên cơ sở Kế hoạch được Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt, trên cơ sở đề xuất của Sở Văn hóa và Thể thao và các sở, ngành Thành phố, căn cứ khả năng cân đối ngân sách cấp Thành phố, Sở Tài chính tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố trình Hội đồng nhân dân Thành phố bố trí kinh phí từ nguồn vốn chi thường xuyên để triển khai thực hiện theo quy định.
4. Sở Nội vụ
Phối hợp Sở Văn hoá và Thể thao, các đơn vị có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố khen thưởng, tuyên dương cán bộ, huấn luyện viên, vận động viên đạt thành tích xuất sắc tại các giải thi đấu quốc gia, quốc tế.
5. Sở Ngoại vụ
Phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao xây dựng chương trình, kế hoạch, tham mưu cử cán bộ, huấn luyện viên, vận động viên đi tập huấn, thi đấu tại nước ngoài.
6. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
Phối hợp Sở Văn hoá và Thể thao và các đơn vị có liên quan báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố về việc triển khai kế hoạch và hoàn thiện các thủ tục mời chuyên gia nước ngoài có trình độ chuyên môn cao đến thực hiện công tác huấn luyện vận động viên trọng điểm Hà Nội.
7. Sở Giao thông vận tải
Sở Giao thông vận tải phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao, Công an Thành phố, Ban tổ chức các sự kiện, giải thi đấu thể thao thực hiện các nhiệm vụ về tổ chức giao thông, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, đảm bảo tổ chức an toàn, thành công, hiệu quả các sự kiện, giải thi đấu diễn ra trên địa bàn thành phố Hà Nội.
8. Công an Thành phố
Công an Thành phố tiếp tục triển khai Chương trình số 10/CTr-CATP- SVHTT ngày 14/10/2021 của Công an Thành phố với Sở Văn hóa và Thể thao về việc phối hợp quản lý, chỉ đạo, tổ chức hoạt động thể dục, thể thao trong Công an Thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025.
9. Sở Y tế
Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hoá và Thể thao và các đơn vị có liên quan hỗ trợ công tác chẩn đoán, điều trị chấn thương xảy ra trong tập luyện, thi đấu cho các huấn luyện viên, vận động viên Hà Nội (nếu có) góp phần nâng cao sức khỏe cho các huấn luyện viên, vận động viên đảm bảo thực hiện thắng lợi các mục tiêu trong hoạt động thể thao thành tích cao.
10. Sở Giáo dục và Đào tạo
Phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao chỉ đạo Trường Phổ thông Năng khiếu Thể dục thể thao tạo điều kiện tốt nhất cho các vận động viên Hà Nội hoàn thành chương trình học tập văn hóa theo quy định.
11. Sở Xây dựng
Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong lĩnh vực xây dựng, sửa chữa đối với các công trình thuộc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục thể thao Hà Nội.
12. Sở Thông tin và Truyền thông
Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan phát thanh, báo chí, truyền hình của Thành phố tích cực thông tin, tuyên truyền về các hoạt động thể thao thành tích cao, các điển hình tiên tiến về thể thao thành tích cao của Thành phố và tại địa phương, đơn vị.
13. Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội
Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội bố trí thời lượng phát sóng tuyên truyền các hoạt động thể thao thành tích cao của Thành phố.
14. Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng Thành phố
Tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công cải tạo, sửa chữa các công trình thể thao phục vụ công tác huấn luyện, luyện tập, thi đấu, ăn, ở của vận động viên đã được Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt.
15. UBND các quận, huyện, thị xã
Phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục thể thao Hà Nội tuyển chọn lực lượng vận động viên thể thao thành tích cao tài năng của địa phương cung cấp cho các tuyến đội tuyển của thể thao Hà Nội; chỉ đạo phòng Văn hóa, Thông tin, Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao hỗ trợ, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, địa điểm tập luyện cho các bộ môn thể thao thành tích cao thuộc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục thể thao Hà Nội trong thời gian các công trình của Trung tâm cải tạo, sửa chữa.
16. Các Liên đoàn, Hội Thể thao thành phố Hà Nội
- Tăng cường công tác xã hội hóa trong việc tổ chức các giải thi đấu, các lớp tập huấn chuyên môn cho các huấn luyện viên, vận động viên thể thao thành tích cao.
- Tham gia hoạt động tuyển chọn, đào tạo tài năng thể thao thành tích cao.
- Đẩy mạnh xã hội hóa và phát triển một số môn thể thao thành tích cao theo hướng chuyên nghiệp.
Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã căn cứ nhiệm vụ được phân công xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện; quản lý, sử dụng và thanh, quyết toán kinh phí theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và chế độ tài chính hiện hành, đảm bảo thiết thực, hiệu quả. Chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân Thành phố về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu phát sinh những khó khăn, vướng mắc các đơn vị báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố (qua Sở Văn hóa và Thể thao để tổng hợp) xem xét, giải quyết./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Luật ngân sách nhà nước 2015
- 2Quyết định 223/QĐ-TTg năm 2019 về phê duyệt Đề án "Tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao và nhân lực thể thao thành tích cao đến năm 2035" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Kế hoạch 325/KH-UBND năm 2021 về đào tạo huấn luyện viên, vận động viên thành tích cao, trọng điểm các môn Olympic và ASIAD thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025
Kế hoạch 370/KH-UBND năm 2024 hoạt động thể thao thành tích cao Thành phố Hà Nội năm 2025
- Số hiệu: 370/KH-UBND
- Loại văn bản: Kế hoạch
- Ngày ban hành: 17/12/2024
- Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
- Người ký: Vũ Thu Hà
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra