Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3684/KH-UBND | Bình Dương, ngày 21 tháng 7 năm 2023 |
KẾ HOẠCH
PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ TỈNH BÌNH DƯƠNG NĂM 2023
Căn cứ Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 - 2025;
Căn cứ Kế hoạch số 3248/KH-UBND ngày 15/7/2021 của UBND tỉnh về phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn năm 2021 - 2025;
Căn cứ Kế hoạch số 5681/KH-UBND ngày 08/11/2021 Ủy ban nhân dân tỉnh về hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Bình Dương;
Căn cứ Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 19/5/2022 của Tỉnh ủy Bình Dương về chuyển đổi số tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại Tờ trình số 1934/TTr-SCT ngày 07/7/2023;
Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch Phát triển Thương mại điện tử tỉnh Bình Dương năm 2023 nội dung như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:
1. Đẩy mạnh công tác phổ biến giáo dục pháp luật và đào tạo thương mại điện tử. Tuyên truyền, đào tạo kỹ năng thương mại điện tử cho người dân và doanh nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp, ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh;
2. Triển khai các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp và cộng đồng trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu. Hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm công nghiệp chủ lực và sản phẩm OCOP trên địa bàn Bình Dương.
3. Đẩy mạnh hình thức thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), từng bước thay đổi thói quen, hành vi mua sắm của người tiêu dùng theo hướng văn minh, hiện đại;
4. Nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về thương mại điện tử trong công tác thanh tra, kiểm tra, đảm bảo hoạt động kinh doanh thương mại điện tử tuân thủ đúng quy định của pháp luật;
5. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động thương mại điện tử (quảng cáo, giới thiệu, vận chuyển, giao nhận hàng hóa...); đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để kịp thời phát hiện xử lý các hành vi kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả qua mạng xã hội và qua các sàn thương mại điện tử.
II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM
1. Đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền các văn bản, chính sách, pháp luật, các quy định về quản lý và phát triển thương mại điện tử; kết quả phát hiện, xử lý các vụ việc vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành của tổ chức, cá nhân.
2. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 198/KH-BCĐ389 ngày 23/12/2020 của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Bình Dương về tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử.
3. Phối hợp với các hệ thống bán lẻ thương mại điện tử: Amazon Global Selling, Google, Alibaba... tổ chức các hội nghị, hội thảo nhằm thúc đẩy phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh.
4. Tổ chức hoạt động kết nối nhằm hỗ trợ các Hội nông dân, Hợp tác xã, Hiệp hội doanh nghiệp/ngành hàng ứng dụng công nghệ thông tin kinh doanh trên nền tảng số, tham gia kinh doanh trên Sàn TMĐT để mở rộng thị thường tiêu thụ cho các sản phẩm nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh.
5. Các sở ngành, địa phương tăng cường phối hợp hướng dẫn, đào tạo kỹ năng số, cách thức xây dựng quy trình đóng gói, kết nối, giao nhận và tác nghiệp trên sàn thương mại điện tử cho các hợp tác xã, người nông dân; thúc đẩy đổi mới phương thức mua bán trên sàn thương mại điện tử.
6. Các đơn vị chủ động phối hợp, hỗ trợ chuyên môn, nghiệp vụ trong quá trình thực thi công vụ; kịp thời phát hiện những bất cập, sơ hở, chồng chéo để kiến nghị, đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
7. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động thương mại điện tử (quảng cáo, giới thiệu, vận chuyển, giao nhận hàng hóa...); đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để kịp thời phát hiện xử lý các hành vi kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả qua mạng xã hội và qua các sàn thương mại điện tử.
8. Đẩy mạnh sử dụng các phương tiện, hình thức, ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt trong sử dụng dịch vụ và mua sắm hàng hóa tại các cơ sở phân phối, bán lẻ hiện đại, chợ truyền thống, đơn vị cung cấp điện - nước, dịch vụ viễn thông/y tế/giáo dục và trong mua sắm trực tuyến trên địa bàn tỉnh, (ví điện tử Momo, Zalo Pay, Shopee Pay, VN Pay, Viettel Pay...).
9. Phấn đấu đến hết năm 2023: tỷ lệ dân số mua sắm trực tuyến đạt 10%; thanh toán không dùng tiền mặt trong TMĐT đạt 15%, trong đó thanh toán trực tuyến qua các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán chiếm 20%; 30% các giao dịch mua hàng trên website/ứng dụng TMĐT có hóa đơn điện tử.
10. Tiếp tục nâng cấp và vận hành hiệu quả Sàn Thương mại điện tử tỉnh Bình Dương.
11. 50% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện nước viễn thông và truyền thông triển khai hợp đồng điện tử với người tiêu dùng; 100% lãnh đạo cơ quan nhà nước sử dụng chứng thực chữ ký số điện tử; 30% cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp triển khai đào tạo về thương mại điện tử.
12. Phấn đấu 2.000 lượt cán bộ quản lý nhà nước, thương nhân, học sinh, sinh viên được tham dự các chương trình tuyên truyền phổ biến, hội nghị, hội thảo, tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng về TMĐT và dịch vụ bán hàng trực tuyến (tham gia bằng hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến).
III. KINH PHÍ THỰC HIỆN
Kinh phí thực hiện kế hoạch phát triển thương mại điện tử bao gồm:
1. Nguồn kinh phí bố trí từ ngân sách năm 2023 được giao cho các cơ quan, đơn vị và nguồn kinh phí hỗ trợ từ kế hoạch phát triển thương mại điện tử quốc gia.
2. Nguồn kinh phí đóng góp, tài trợ, huy động của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và các nguồn huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Công Thương
- Phối hợp Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan triển khai các sự kiện thúc đẩy phát triển hoạt động thương mại điện tử của Bộ trên địa bàn tỉnh (Ngày mua sắm trực tuyến Online Friday) và các sự kiện khác theo đề nghị của Bộ Công Thương. Phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị có liên quan tăng cường triển khai các chương trình xúc tiến: quảng bá hình ảnh sự kiện hội chợ, triển lãm, hội thảo, giao thương, kết nối doanh nghiệp... trên môi trường trực tuyến.
- Hỗ trợ, tư vấn cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tiếp cận các hoạt động thương mại điện tử; lựa chọn các doanh nghiệp đủ năng lực kết nối đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước, tham gia chương trình “Gian hàng Việt Nam” trên các sàn thương mại điện tử; tổ chức đào tạo, tập huấn kỹ năng thương mại điện tử, xuất nhập khẩu trực tuyến cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
- Chủ trì, phối hợp các sở, ngành, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Bình Dương và các đơn vị có liên quan triển khai tổ chức thực hiện đạt hiệu quả Kế hoạch phát triển thương mại điện tử năm 2023; trọng tâm là tổ chức sự kiện không dùng tiền mặt kết hợp chuỗi các sự kiện, chương trình khuyến mại tập trung nhằm đẩy mạnh tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt, thay đổi thói quen, hành vi thanh toán theo hướng văn minh, hiện đại.
- Phối hợp với các sàn thương mại điện tử lớn, uy tín trong nước (Voso, Postmart, Sendo, Shopee, Lazada, Tiki,...) tổ chức các sự kiện, hội nghị, hội thảo kết nối, hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp, cá nhân mở gian hàng trên sàn thương mại điện tử nhằm mở rộng thị thường tiêu thụ cho các sản phẩm nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP, sản phẩm tiêu dùng.
- Phối hợp với các hệ thống bán lẻ thương mại điện tử: Amazon Global Selling, Google, Alibaba ... tổ chức các sự kiện kết nối về thương mại điện tử kết hợp khu trưng bày sản phẩm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận các sàn giao dịch thương mại điện tử quốc tế nhằm hỗ trợ đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa.
- Chủ động rà soát các website/ứng dụng nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm quy định trong hoạt động thương mại điện tử. Phối hợp với Cục QLTT kiểm tra hoạt động TMĐT của các cá nhân/tổ chức tại địa phương.
- Phối hợp Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương quản lý cơ sở dữ liệu tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nghĩa vụ đăng ký/thông báo theo quy định tại địa chỉ http://online.gov.vn.
- Xây dựng kế hoạch thiết lập hệ thống phần mềm tổ chức, quản lý, đăng ký tham gia quảng bá thương hiệu, sản phẩm OCOP, hội chợ triển lãm trực tuyến, đảm bảo kết nối thông tin chủ động giữa người bán và người mua, kết nối cung cầu hàng hóa, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại.
- Cập nhật danh sách Công ty, Hợp tác xã, trang trại nông nghiệp tham gia các sàn thương mại điện tử.
- Tiếp tục nâng cấp và vận hành sàn tmđt tỉnh hoạt động hiệu quả.
- Tham mưu hoàn thiện chính sách, các quy định pháp luật nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển TMĐT trong bối cảnh CMCN 4.0
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Làm đầu mối, chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Công Thương và các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện thu hút, hỗ trợ các nhà đầu tư/chủ đầu tư triển khai dự án đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại điện tử, công trình phục vụ hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh.
3. Sở Tài chính
Căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách, dự toán của Sở Công Thương và các cơ quan có liên quan để tham mưu dự toán kinh phí thực hiện theo phân cấp quản lý hiện hành.
- Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị lập dự toán, thực hiện thanh quyết toán kinh phí thực hiện Kế hoạch này theo đúng quy định tại Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn hiện hành.
4. Sở Thông tin và Truyền thông
- Phối hợp với Sở Công Thương và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được phân công trong Kế hoạch này. Đồng thời, lồng ghép các giải pháp của Kế hoạch này vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, đề án, chương trình ứng dụng và phát triển Công nghệ thông tin và Truyền thông trên địa bàn tỉnh.
- Phối hợp với Sở Công Thương phổ biến, tuyên truyền về thương mại điện tử, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin và thương mại điện tử, đào tạo các kỹ năng và tư vấn cho doanh nghiệp về các nội dung liên quan đến công nghệ thông tin, thương mại điện tử và chuyển đổi số.
- Phối hợp Sở Công Thương và các đơn vị liên quan tổ chức kết nối các doanh nghiệp công nghệ thông tin, doanh nghiệp cung ứng giải pháp phần mềm, phần cứng hỗ trợ hoạt động thương mại điện tử.
- Hướng dẫn, đề nghị các cơ quan thông tấn, báo chí của Tỉnh tổ chức các hoạt động tuyên truyền về lợi ích của thương mại điện tử, xây dựng các chuyên mục nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về thương mại điện tử và phổ biến kiến thức, kỹ năng liên quan cho người dân, doanh nghiệp; chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông trên địa bàn tỉnh xây dựng các chuyên mục nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về thương mại điện tử và phổ biến kiến thức, kỹ năng liên quan cho người dân, doanh nghiệp.
- Tiếp tục triển khai có hiệu quả đề án xây dựng thành phố thông minh, Chính quyền điện tử, Chương trình chuyển đổi số quốc gia, giải pháp đảm bảo an toàn thông tin trong thương mại điện tử,... nhằm tăng cường hoạt động quản lý nhà nước theo chức năng nhiệm vụ được giao.
- Tăng cường quản lý và hỗ trợ phát triển thị trường nội dung số; quản lý hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng và quảng cáo tích hợp trên các sản phẩm, dịch vụ bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh.
- Nâng cấp, tích hợp tính năng thu thập, tiếp nhận phản ánh các trường hợp gian lận TMĐT, hàng gian hàng giả trên kênh Tổng đài 1022 của tỉnh.
5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ hướng dẫn doanh nghiệp, người dân ứng dụng và triển khai thực hiện truy xuất nguồn gốc nông sản nhằm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm nông sản trong lưu thông hàng hóa và tiêu dùng.
- Tăng cường truyền thông, quảng bá, nâng cao nhận thức cộng đồng và ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông sản.
- Thực hiện các chương trình hỗ trợ các sản phẩm nông lâm thủy sản, sản phẩm OCOP nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm, xây dựng thương hiệu, trưng bày, quảng bá trực tuyến, kết nối tham gia các sàn thương mại điện tử.
- Triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm gắn với thương mại điện tử để xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.
- Tăng cường kiểm tra việc truy xuất nguồn gốc với nông sản, thực phẩm có gắn mã hình QR.
- Phối hợp, tham gia đoàn kiểm tra liên ngành đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh khi có yêu cầu.
6. Sở Khoa học và Công nghệ
- Triển khai các giải pháp phòng, chống các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động thương mại điện tử.
- Hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh ứng dụng công nghệ, nâng cao năng suất, tiêu chuẩn chất lượng, xây dựng và bảo vệ thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa; triển khai, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, quản lý truy xuất nguồn gốc.
- Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực thương mại điện tử; phát triển các sản phẩm, giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp triển khai ứng dụng thương mại điện tử trong từng công đoạn của chu trình kinh doanh.
7. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
- Tăng cường công tác tuyên truyền về ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp và cộng đồng trên địa bàn tỉnh.
- Vận động, khuyến khích các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh xây dựng website của các đơn vị có tích hợp các dịch vụ như đặt phòng khách sạn, tour trực tuyến và thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt.
- Phối hợp cung cấp thông tin và quản lý hoạt động thương mại điện tử của các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh.
8. Sở Nội vụ
- Tổ chức phát động phong trào thi đua chuyển đổi số trong toàn tỉnh; đưa vào đánh giá thi đua khen thưởng, gắn với trách nhiệm người đứng đầu về kết quả triển khai chuyển đổi số của ngành, địa phương.
- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông triển khai đào tạo chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức.
9. Sở Tư pháp
- Phối hợp Sở Công Thương rà soát, đánh giá và đề xuất hoàn thiện quy định của pháp luật về thương mại điện tử đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực thương mại điện tử.
- Phối hợp thực hiện kế hoạch tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực thương mại điện tử.
10. Công an tỉnh
- Phối hợp với các sở, ban, ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao cảnh giác của người dân đối với tội phạm trên lĩnh vực thương mại điện tử.
- Chủ trì thực hiện các hoạt động nghiệp vụ để kịp thời phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hoạt động phạm tội và vi phạm pháp luật; tổ chức điều tra, xử lý các hành vi phạm tội trên lĩnh vực thương mại điện tử được phát hiện từ hoạt động nghiệp vụ hoặc các nguồn tin báo, tố giác tội phạm.
11. Cục Quản lý thị trường
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, kiểm soát thị trường thương mại điện tử; đấu tranh chống các hành vi gian lận thương mại, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, cạnh tranh không lành mạnh và các hành vi vi phạm khác trong thị trường thương mại điện tử.
12. Cục Thuế
- Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các điểm mới về quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử để cá nhân, hộ kinh doanh thương mại điện tử nắm bắt kịp thời.
- Tăng cường thanh tra, kiểm tra thuế đối với các doanh nghiệp, cá nhân, nhóm cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.
13. Cục Hải quan
Triển khai có hiệu quả Quyết định số 431/QĐ-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
14. Cục Thống kê
Phối hợp Sở Công Thương và các sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức việc điều tra, khảo sát, thống kê tình hình ứng dụng thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh.
15. Ngân hàng nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Bình Dương
- Xây dựng kế hoạch đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo, hướng dẫn các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trên địa bàn tỉnh thực hiện tuyên truyền, quảng bá, vận động, hướng dẫn, giới thiệu về các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) cho người sử dụng thẻ, đơn vị chấp nhận thẻ và lợi ích của TTKDTM trong phát triển thương mại điện tử nhằm tăng cường sử dụng thẻ thanh toán, ví điện tử trong thanh toán hàng hóa, dịch vụ.
- Chỉ đạo các ngân hàng thương mại và các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, cung cấp các dịch vụ trên nền tảng di động, hoàn thiện hệ thống thanh toán điện tử phục vụ nhu cầu giao dịch điện tử của tổ chức, cá nhân. Phát triển hạ tầng thanh toán bán lẻ và các dịch vụ thanh toán điện tử phục vụ cho giao dịch thương mại điện tử.
- Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan chức năng trong việc đảm bảo thực hiện đúng các quy định và biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật, phát hiện, đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thanh toán thẻ, ATM, POS và các phương thức thanh toán sử dụng công nghệ cao.
- Tham mưu, đề xuất Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển thanh toán điện tử để hỗ trợ cho giao dịch thương mại điện tử.
16. Các sở, ban, ngành khác và UBND cấp huyện
- Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của các sở, ban, ngành và UBND huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm phối hợp với Sở Công Thương và các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện công tác quản lý và phát triển hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, lồng ghép việc triển khai thực hiện Kế hoạch này vào kế hoạch hoạt động của đơn vị, cũng như kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
- Thường xuyên cử cán bộ chuyên môn tham gia các khóa đào tạo, nâng cao kiến thức về lĩnh vực thương mại điện tử.
17. Các Hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh
- Tuyên truyền sâu rộng đến các hội viên về các quy định pháp luật trong nước và quốc tế về TMĐT; chính sách, kế hoạch phát triển thương mại điện tử của Trung ương và địa phương.
- Chủ động tìm kiếm cơ hội hợp tác với các tập đoàn lớn trên thế giới về thương mại điện tử để giới thiệu sản phẩm, hàng hóa của Tỉnh đến người tiêu dùng toàn cầu, góp phần thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cũng như góp phần vào quảng bá thương hiệu hàng hóa Việt Nam.
- Phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức các hoạt động đào tạo, nâng cao kỹ năng thương mại điện tử cho doanh nghiệp theo ngành hàng và lĩnh vực kinh doanh.
- Phối hợp với Sở Công Thương và các đơn vị liên quan xây dựng, triển khai các đề án hỗ trợ ứng dụng thương mại điện tử và chuyển đổi số trong doanh nghiệp vừa và nhỏ; tổ chức các sự kiện, các hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử trên địa bàn Tỉnh.
Trên đây là Kế hoạch phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh Bình Dương năm 2023. Đề nghị các sở, ban, ngành, các đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan nghiêm túc tổ chức thực hiện; đồng thời báo cáo kết quả về Sở Công chậm nhất đến ngày 15/12/2023 để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh và Bộ Công Thương theo quy định.
Trong quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc hoặc cần thiết sửa đổi, bổ sung Kế hoạch cho phù hợp với tình hình thực tế, các đơn vị phản ánh về Sở Công Thương để tổng hợp, báo cáo đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
PHỤ LỤC
CÁC NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM TRIỂN KHAI THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG NĂM 2023
(Ban hành kèm theo Kế hoạch số 3684/KH-UBND ngày 21/6/2023 Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương)
STT | Nội dung nhiệm vụ | Đơn vị chủ trì | Đơn vị phối hợp |
1 | Phối hợp với các hệ thống bán lẻ thương mại điện tử: Amazon Global Selling, Google, Alibaba... tổ chức các hội nghị, hội thảo nhằm thúc đẩy phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh. | Sở Công Thương | Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), các đơn vị liên quan, các Hiệp hội, hội, doanh nghiệp |
2 | - Triển khai vận hành hiệu quả Sàn Thương mại điện tử Bình Dương (có báo cáo 6 tháng, 12 tháng). - Triển khai vận động, khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia các Sàn thương mại điện tử - Xây dựng kế hoạch triển khai mô hình và sử dụng các ứng dụng Thanh toán không dùng tiền mặt tại các cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ,….. | Sở Công Thương | TTXTĐTTMPTCN (SCT); Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), các đơn vị liên quan, các Hiệp hội, hội, doanh nghiệp |
3 | Tổ chức các sự kiện thúc đẩy phát triển hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn Tỉnh và các sự kiện khác liên quan đến thúc đẩy thương mại điện tử. (Sự kiện Ngày không dùng tiền mặt và các sự kiện khác theo chủ đề năm 2023) | Sở Công Thương; Các sở, ban, ngành, các Hiệp hội, hội, doanh nghiệp | Các cục, vụ thuộc Bộ Công Thương, các bộ, ngành Trung ương, Các sở, ban, ngành, các Hiệp hội, hội, doanh nghiệp |
4 | Tổ chức các đoàn đi học tập, trau dồi kinh nghiệm về quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử và các hệ thống quản lý thương mại điện tử tại các địa phương: Hậu Giang. | Sở Công Thương | TTXTĐT, TM, PTCN - Sở Công Thương; các đơn vị có liên quan |
5 | Phối hợp kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại điện tử theo thẩm quyền; giám sát trực tuyến hoạt động thương mại điện tử. | Sở Công Thương; Các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan, | Các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan, Công an tỉnh, Cục QLTT. |
6 | Tổng hợp báo cáo định kỳ, đột xuất công tác quản lý và phát triển hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn Tỉnh. | Sở Công Thương | Các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan, |
7 | Xây dựng các chuyên mục nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về thương mại điện tử và phổ biến kiến thức, kỹ năng liên quan cho người dân, doanh nghiệp. | Sở Thông tin và Truyền thông | Các cơ quan báo chí, truyền thông |
8 | Triển khai thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ trên môi trường mạng. | Sở Khoa học và Công nghệ | Các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan |
9 | Xây dựng đề án và hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân khởi nghiệp bằng các mô hình kinh doanh thương mại điện tử mới, ứng dụng công nghệ tiên tiến. | ||
10 | Phát triển các sản phẩm, giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp triển khai ứng dụng thương mại điện tử trong từng công đoạn của chu trình kinh doanh. | ||
11 | Tăng cường công tác tuyên truyền về ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp và cộng đồng trên địa bàn tỉnh. | Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch | Các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan |
12 | Xây dựng kế hoạch, chương trình xúc tiến du lịch và quảng bá hình ảnh du lịch của tỉnh trên môi trường mạng. | ||
13 | Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền các ứng dụng tham gia thương mại điện tử trong nông sản, khuyến khích các cơ sở sản xuất tiêu biểu, hệ thống phân phối uy tín tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử, sử dụng các công cụ trong thanh toán điện tử không dùng tiền mặt. | Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan |
14 | Tổ chức các chương trình đào tạo kiến thức, kĩ năng ứng dụng, giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thanh toán điện tử, chữ ký điện tử, các biện pháp an toàn thông tin và vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong phân phối nông sản. | ||
15 | Triển khai các hoạt động tư vấn cho doanh nghiệp quy trình kinh doanh trực tiếp từ nhà sản xuất đến người phân phối và khách hàng thông qua mạng Internet (mô hình B2B và B2C). | ||
16 | Triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm với thương mại điện tử để xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. | ||
17 | Tổ chức Hội nghị kết nối giữa doanh nghiệp thương mại điện tử (online) với doanh nghiệp phân phối truyền thống (offline), nhà phân phối thông qua các chương trình như: phân phối thực phẩm an toàn, khuyến mại trực tuyến,... nhằm tăng cường hợp tác trong cộng đồng doanh nghiệp và củng cố, nâng cao niềm tin của người tiêu dùng vào giao dịch thương mại điện tử. | ||
18 | Tham mưu, trình UBND Tỉnh xem xét quyết định bố trí kinh phí phát triển thương mại điện tử trên địa bàn Tỉnh theo Kế hoạch được phê duyệt. | Sở Tài chính | Các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan |
19 | Hỗ trợ các nhà đầu tư/chủ đầu tư dự án xây dựng hạ tầng thương mại điện tử, công trình phục vụ hoạt động thương mại điện tử. | Sở Kế hoạch và Đầu tư | Các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan |
20 | Đẩy mạnh cung cấp trực tuyến đối với các thủ tục đăng ký kinh doanh và đầu tư, cũng như hỗ trợ các thủ tục đầu tư khác liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp | ||
21 | Khai thác và vận hành hệ thống đấu thầu qua mạng tổng thể mới (theo PPP). | ||
22 | Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về thương mại điện tử. | Sở Công Thương | Các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan |
23 | Chủ trì thực hiện các hoạt động nghiệp vụ để kịp thời phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hoạt động phạm tội và vi phạm pháp luật; tổ chức điều tra, xử lý các hành vi phạm tội trên lĩnh vực thương mại điện tử được phát hiện từ hoạt động nghiệp vụ hoặc các nguồn tin báo, tố giác tội phạm. | Công an tỉnh | Các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan |
24 | Phối hợp với các sở, ban, ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao cảnh giác của người dân đối với tội phạm trên lĩnh vực thương mại điện tử. | ||
25 | - Tiếp tục mở rộng triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử, khai thuế điện tử, hóa đơn điện tử; phối hợp các ngân hàng thương mại đẩy mạnh công tác tổ chức, tập huấn, tuyên truyền, đa dạng hóa các kênh thu nộp thuế không dùng tiền mặt. - Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các điểm mới về quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử để cá nhân, hộ kinh doanh thương mại điện tử nắm bắt kịp thời. | Cục thuế Tỉnh | Các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan |
26 | Triển khai thực hiện các đề án hiện đại hóa công tác quản lý thuế. | ||
27 | Tăng cường thanh tra, kiểm tra thuế đối với các doanh nghiệp có hoạt động thương mại điện tử. | ||
28 | Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu | Cục Hải quan tỉnh | Các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan |
29 | Tăng cường giám sát, xây dựng và triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh. | Cục Quản lý thị trường | Sở Công Thương và các lực lượng chức năng có liên quan |
30 | Tiếp tục tham mưu, đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển thanh toán điện tử để hỗ trợ cho giao dịch thương mại điện tử. | Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Bình Dương | Các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan |
31 | Chỉ đạo các ngân hàng thương mại và các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, cung cấp các dịch vụ trên nền tảng di động, hoàn thiện hệ thống thanh toán điện tử phục vụ nhu cầu giao dịch điện tử của tổ chức, cá nhân. | Các Ngân hàng thương mại và các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán | |
32 | Chỉ đạo các ngân hàng thương mại và các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán xây dựng, phát triển hạ tầng thanh toán bán lẻ và các dịch vụ thanh toán điện tử phục vụ cho giao dịch thương mại điện tử. |
|
- 1Quyết định 1096/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch thực hiện phát triển thương mại điện tử năm 2023 do tỉnh Vĩnh Long ban hành
- 2Kế hoạch 124/KH-UBND về phát triển thương mại điện tử tỉnh Đồng Nai năm 2023
- 3Kế hoạch 109/KH-UBND thực hiện đề án thuộc Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia năm 2023 của tỉnh Quảng Ngãi
- 4Quyết định 1282/QĐ-UBND năm 2023 thông qua chính sách trong đề nghị xây dựng Nghị quyết ban hành Quy định nội dung chi và mức chi thực hiện phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
- 5Kế hoạch 2450/KH-UBND về phát triển thương mại điện tử trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023
- 6Nghị quyết 18/2023/NQ-HĐND về Quy định nội dung hỗ trợ và mức hỗ trợ thực hiện phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
- 7Kế hoạch 303/KH-UBND năm 2023 phát triển thương mại điện tử trên địa bàn Thành phố Hà Nội năm 2024
- 1Luật ngân sách nhà nước 2015
- 2Quyết định 431/QĐ-TTg năm 2020 về phê duyệt Đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Quyết định 645/QĐ-TTg năm 2020 về phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Kế hoạch 3248/KH-UBND năm 2021 về phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn năm 2021-2025
- 5Kế hoạch 5681/KH-UBND năm 2021 về hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Bình Dương
- 6Quyết định 1096/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch thực hiện phát triển thương mại điện tử năm 2023 do tỉnh Vĩnh Long ban hành
- 7Kế hoạch 124/KH-UBND về phát triển thương mại điện tử tỉnh Đồng Nai năm 2023
- 8Kế hoạch 109/KH-UBND thực hiện đề án thuộc Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia năm 2023 của tỉnh Quảng Ngãi
- 9Quyết định 1282/QĐ-UBND năm 2023 thông qua chính sách trong đề nghị xây dựng Nghị quyết ban hành Quy định nội dung chi và mức chi thực hiện phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
- 10Kế hoạch 2450/KH-UBND về phát triển thương mại điện tử trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023
- 11Nghị quyết 18/2023/NQ-HĐND về Quy định nội dung hỗ trợ và mức hỗ trợ thực hiện phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
- 12Kế hoạch 303/KH-UBND năm 2023 phát triển thương mại điện tử trên địa bàn Thành phố Hà Nội năm 2024
Kế hoạch 3684/KH-UBND về phát triển Thương mại điện tử tỉnh Bình Dương năm 2023
- Số hiệu: 3684/KH-UBND
- Loại văn bản: Kế hoạch
- Ngày ban hành: 21/07/2023
- Nơi ban hành: Tỉnh Bình Dương
- Người ký: Võ Văn Minh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra