Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3630/KH-UBND

Kon Tum, ngày 08 tháng 10 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “TUYÊN TRUYỀN, NÂNG CAO NHẬN THỨC VÀ PHỔ BIẾN KIẾN THỨC VỀ AN TOÀN THÔNG TIN GIAI ĐOẠN 2021 - 2025” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM

Thực hiện Quyết định số 1907/QĐ-TTg ngày 23 tháng 11 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tuyên truyền, nâng cao nhận thức và phổ biến kiến thức về an toàn thông tin giai đoạn 2021-2025” (Đề án); Quyết định số 458/QĐ-BTTTT ngày 07 tháng 4 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án (Quyết định số 458/QĐ-BTTTT); Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án và Quyết định số 458/QĐ-BTTTT.

- Nhằm tạo sự lan tỏa rộng rãi, tạo ra năng lượng tích cực, an toàn trên không gian mạng, thúc đẩy thay đổi nhận thức về an toàn thông tin của người sử dụng.

2. Yêu cầu

- Đảm bảo bám sát các nhiệm vụ của Đề án; Quyết định số 458/QĐ-BTTTT. Phân công nhiệm vụ cụ thể, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức của tỉnh và Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc thực hiện các nhiệm vụ tại Đề án.

- Việc tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và trách nhiệm, về an toàn thông tin thực hiện thường xuyên, tần suất phù hợp; đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, với nội dung, hình thức phù hợp; gắn việc tuyên truyền về an toàn thông tin với tuyên truyền các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng trên địa bàn tỉnh.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin tạo được chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, góp phần nâng cao năng lực của tỉnh về bảo đảm an toàn thông tin.

- Giảm thiểu các sự cố mất an toàn thông tin bắt nguồn từ nhận thức không đầy đủ của con người về các nguy cơ mất an toàn thông tin.

- Người sử dụng Internet được trang bị đầy đủ nhận thức và các kỹ năng cơ bản về bảo đảm an toàn thông tin, có thể an tâm sử dụng mạng Internet, mạng xã hội, thực hiện các thủ tục hành chính hay giao dịch điện tử trên không gian mạng, tham gia chính quyền điện tử, góp phần xây dựng không gian mạng Việt Nam an toàn, tích cực, hiệu quả.

- Người đứng đầu các cơ quan, tổ chức nhận thức được vai trò, trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin khi triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước.

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân ưu tiên sử dụng các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ công nghệ thông tin, an toàn thông tin trong nước tiêu biểu đã được Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục An toàn thông tin) đánh giá và công bố hoặc bảo trợ.

- Học sinh, sinh viên được trang bị đầy đủ nhận thức và kỹ năng cơ bản để khai thác an toàn, hiệu quả, lành mạnh không gian mạng cho học tập, giải trí.

2. Mục tiêu đến năm 2025

- 100% các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố xây dựng và triển khai kế hoạch tuyên truyền, phổ biến về thói quen, trách nhiệm và kỹ năng cơ bản bảo đảm an toàn thông tin khi ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, Chính quyền điện tử, Chính quyền số cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

- 100% các cơ quan, đơn vị như: Bảo hiểm xã hội các cấp, các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng, tài chính nhà nước trên địa bàn tỉnh xây dựng và triển khai các kế hoạch tuyên truyền, nâng cao nhận thức và kỹ năng cơ bản bảo đảm an toàn thông tin cho cán bộ, nhân viên và tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho khách hàng, người sử dụng dịch vụ.

- Trên 80% các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông có các chương trình hàng năm tuyên truyền, phổ biến về các nguy cơ và kỹ năng cần thiết để tương tác lành mạnh, an toàn trên không gian mạng; 50% các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông có các chương trình hàng năm tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn khả năng đọc tin, tư duy phê phán, phản biện về các thông tin sai lệch trên mạng nhằm tạo dựng một thế hệ mới có tư duy và sử dụng hiệu quả, tích cực trên không gian mạng.

- Trên 80% người sử dụng nói chung và 100% sinh viên được tuyên truyền, phổ biến về các nguy cơ mất an toàn thông tin và các kỹ năng cơ bản bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạng; các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của nhà nước về an toàn thông tin.

- 100% các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin thực hiện tuyên truyền, phổ biến nguy cơ, quy trình điều phối ứng cứu, xử lý sự cố mất an toàn thông tin; trách nhiệm và quy tắc nghề nghiệp trong lĩnh vực an toàn thông tin.

- Trên 90% phóng viên hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, lãnh đạo các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh được phổ biến về các nguy cơ, hậu quả và trách nhiệm trong vấn đề mất an toàn thông tin; xu hướng và tình hình mất an toàn thông tin tại Việt Nam và trên thế giới.

- 100% người đứng đầu các cơ quan, tổ chức nhà nước trong tỉnh được tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm về bảo đảm an toàn thông tin trong hoạt động của cơ quan, tổ chức; ý thức được hậu quả cũng như trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra sự cố mất an toàn thông tin.

- 80% cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh được tuyên truyền về các sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin trong nước.

III. NỘI DUNG TUYÊN TRUYỀN

- Tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về an toàn thông tin[1].

- Tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và Nhân dân hiểu rõ, nâng cao cảnh giác trước những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, tội phạm mạng và các phần tử xấu lợi dụng các lỗ hổng bảo mật, mất an toàn thông tin để chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta.

- Phổ biến hướng dẫn nhận diện các thông tin xuyên tạc, giả mạo trên không gian mạng; đồng thời, khuyến cáo người dân cần bình tĩnh, tăng cường trang bị kiến thức về pháp luật, xã hội, nâng cao tinh thần cảnh giác, tỉnh táo sàng lọc thông tin để nhận diện rõ thông tin xuyên tạc, giả mạo trên không gian mạng.

- Cảnh báo người sử dụng Internet về nguy cơ, hậu quả của việc mất an toàn thông tin. Phổ biến các kỹ năng cơ bản phòng tránh mất an toàn thông tin trên không gian mạng (kỹ năng bảo vệ thông tin cá nhân, phòng chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác và các phần mềm độc hại,...), các biện pháp ứng cứu, xử lý sự cố mất an toàn thông tin .

- Phổ biến các nội dung về an toàn thông tin đối với Chính quyền điện tử, Chính quyền số, đô thị thông minh, giao dịch điện tử; vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức về bảo đảm an toàn thông tin khi triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước.

- Thông tin về các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ công nghệ thông tin, an toàn thông tin trong nước tiêu biểu đã được Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục An toàn thông tin) đánh giá và công bố hoặc bảo trợ để tổ chức, cá nhân biết và sử dụng.

- Các nội dung khác về an toàn thông tin theo tài liệu tuyên truyền của Bộ Thông tin và Truyền thông.

IV. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và các kỹ năng cơ bản bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạng qua các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông xã hội

a) Thiết lập và phát triển các trang (tài khoản/kênh) trên các nền tảng mạng xã hội để tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin; lan truyền những kiến thức, hành động, thông tin tích cực, định hướng thông tin cho người dùng, tránh ảnh hưởng của thông tin vi phạm pháp luật; kết nối đa kênh, đa nền tảng.

b) Đưa tin bài, ảnh, video, clip để đăng, phát trên trên mạng xã hội, các kênh, nền tảng khác nhau, hệ thống báo chí, báo điện tử, trang tin điện tử và trên phương tiện truyền thông đại chúng.

c) Xây dựng, thiết lập và duy trì thường xuyên các chuyên mục, chuyên trang trên các phương tiện thông tin đại chúng.

d) Sản xuất các chương trình, phóng sự, trao đổi, đối thoại trên hệ thống phát thanh, truyền hình.

đ) Tổ chức tập huấn, phổ biến cho đội ngũ phóng viên về các nội dung của Đề án.

e) Tổ chức chương trình trò chơi trên truyền hình (gameshow), cuộc thi tìm hiểu về an toàn thông tin trên kênh truyền hình KRT, trong đó lồng ghép các nội dung về an toàn thông tin.

f) Tổ chức tuyên dương các chuyên gia an toàn thông tin trên địa bàn tỉnh có thành tích nổi bật, quảng bá các cơ hội việc làm, cơ hội phát triển nghề nghiệp trong lĩnh vực an toàn thông tin.

2. Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và các kỹ năng cơ bản bảo đảm an toàn thông tin qua các hệ thống thông tin cơ sở.

a) Thực hiện tuyên truyền theo từng điểm cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin, dịch vụ mạng hoặc các thiết bị công nghệ thông tin; áp dụng với các khu vực có đông người sử dụng mạng, tại các điểm sử dụng máy tính công cộng, các điểm phủ sóng mạng không dây và truy cập Internet công cộng.

b) Tuyên truyền trên hệ thống thống truyền thanh cấp huyện, cấp xã.

c) Tuyên truyền trên các cổng/trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị nhà nước trên địa bàn tỉnh.

3. Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức và kỹ năng cơ bản bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạng tại các cơ sở giáo dục

a) Tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn học sinh tương tác an toàn trên không gian mạng, phát huy tối đa hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin.

b) Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn học sinh khả năng tự đọc tin, phân biệt được nội dung an toàn có thể tiếp cận và loại bỏ những nội dung, thông tin sai lệch, thông tin vi phạm pháp luật.

4. Phối hợp thực hiện các nhiệm vụ của Đề án

a) Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Bộ, ngành liên quan để triển khai các nhiệm vụ của Đề án.

b) Tham gia các chiến dịch tuyên truyền do Bộ Thông tin và Truyền thông phát động.

(Chi tiết các nhiệm vụ tại Phụ lục 01 - kèm theo)

V. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Kinh phí triển khai thực hiện Đề án giai đoạn 2021-2025

- Tổng dự kiến kinh phí thực hiện: 1.518.620.000 đồng (Một tỷ năm trăm mười tám triệu sáu trăm hai mươi ngàn đồng).

- Nguồn kinh phí thực hiện: Ngân sách địa phương; Huy động từ các nguồn tài trợ, đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp và các nguồn tài trợ hợp pháp khác (nếu có).

(Chi tiết tại Phụ lục 02 - kèm theo)

2. Căn cứ nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch này, hàng năm các sở, ngành, địa phương xây dựng dự toán thực hiện và tổng hợp vào dự toán chi ngân sách nhà nước gửi Sở Tài chính tổng hợp hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Thông tin và Truyền thông

- Chủ trì, triển khai thực hiện Kế hoạch này và phối hợp với các cơ quan có liên quan cung cấp nội dung tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và các kỹ năng cần thiết bảo đảm an toàn thông tin khi ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, Chính quyền điện tử, Chính quyền số, Chuyển đổi số để các đơn vị, địa phương thực hiện.

- Tham gia các chiến dịch tuyên truyền do Bộ Thông tin và Truyền thông phát động tại Quyết định số 458/QĐ-BTTTT.

- Tổ chức tập huấn, phổ biến cho lãnh đạo các cơ quan nhà nước, các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh trên về các vấn đề liên quan đến an toàn thông tin.

- Tổ chức tập huấn, phổ biến cho đội ngũ phóng viên về các nội dung của Đề án.

- Tổ chức tuyên dương các chuyên gia an toàn thông tin trên địa bàn tỉnh có thành tích nổi bật, quảng bá các cơ hội việc làm, cơ hội phát triển nghề nghiệp trong lĩnh vực an toàn thông tin.

- Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá, tổng kết việc triển khai thực hiện Đề án; định kỳ hàng năm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Thông tin và Truyền thông kết quả triển khai thực hiện.

2. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ 1 của Đề án, chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến về an toàn thông tin ở các cơ sở giáo dục.

- Tích cực phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này.

3. Sở Tài chính: Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các đơn vị có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí thường xuyên triển khai thực hiện kế hoạch này theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, các quy định có liên quan và phù hợp với khả năng cân đối ngân sách địa phương hàng năm theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.

4. Các sở, ban, ngành, đơn vị thuộc tỉnh

- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, tình hình thực tế tại cơ quan, đơn vị xây dựng Kế hoạch tuyên truyền phù hợp. Lồng ghép vào các cuộc họp, cuộc thi, buổi tập huấn, hội nghị, tọa đàm, nhóm Zalo....để tuyên truyền phổ biến, nâng cao nhận thức và trách nhiệm về an toàn thông tin cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Thực hiện tuyên truyền trên Cổng/Trang thông tin điện tử của đơn vị.

- Cử nhân sự tham gia đầy đủ các lớp tập huấn, phổ biến về an toàn thông tin.

5. Báo Kon Tum, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh

- Mở chuyên mục, chuyên trang, sản xuất phóng sự, chương trình, trao đổi, đối thoại trên hệ thống phát thanh, truyền hình; Tăng cường đưa tin, bài, ảnh, trên báo in, Báo điện tử; bố trí thời lượng tuyên truyền hợp lý thực hiện các nội dung trong Kế hoạch, đưa nội dung tuyên truyền trên các hạ tầng số của Đài, kênh Youtube, fanpage mạng xã hội facebook của đơn vị.

- Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tổ chức hoặc tiếp sóng, phát lại các chương trình trò chơi trên truyền hình (gameshow), cuộc thi tìm hiểu về an toàn thông tin trên kênh truyền hình KRT, trong đó lồng ghép các nội dung về an toàn thông tin.

- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này.

- Cử nhân sự tham gia đầy đủ các lớp tập huấn, phổ biến về an toàn thông tin.

6. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Căn cứ tình hình thực tế của địa phương và Kế hoạch này, xây dựng và chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án tại địa phương.

- Chỉ đạo các cơ quan tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và trách nhiệm về an toàn thông tin cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân tại địa phương.

- Bố trí ngân sách theo phân cấp để triển khai các nhiệm vụ tuyên truyền về an toàn thông tin tại địa phương.

- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các Sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan để triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch.

- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn trực thuộc tổ chức triển khai có hiệu quả các nội dung chủ yếu trong Kế hoạch này.

7. Các Doanh nghiệp Viễn thông trên địa bàn tỉnh[2], Ngân hàng nhà nước tỉnh, Bảo hiểm Xã hội tỉnh

- Xây dựng và triển khai các Kế hoạch tuyên truyền, nâng cao nhận thức và kỹ năng cơ bản bảo đảm an toàn thông tin cho các cán bộ, nhân viên và tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các khách hàng, người sử dụng dịch vụ.

- Tham gia các chiến dịch tuyên truyền do Sở Thông tin và Truyền thông phát động.

8. Đề nghị Ủy ban Mật trận tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội tỉnh: Theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp với các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện Kế hoạch này; Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo đảm an toàn thông tin cho Đoàn viên, Hội viên và Nhân dân.

Căn cứ nội dung Kế hoạch, các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động triển khai thực hiện theo quy định; hằng năm (trước ngày 15/12) báo cáo kết quả thực hiện về Sở Thông tin và Truyền thông để tổng hợp, báo cáo theo quy định./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Thông tin và Truyền thông (b/c);
- Thường trực Tỉnh ủy (b/c);
- Thường trực HĐND tỉnh (b/c);
- Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Ngân hàng nhà nước tỉnh (t/h);
- Các sở, ban, ngành, đơn vị thuộc tỉnh (t/h);
- Các CQ ngành dọc đứng chân trên địa bàn tỉnh;
- Các đoàn thể CT-XH tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố (t/h);
- Báo Kon Tum; Đài PT-TH tỉnh (t/h);
- Các DN Viễn thông trên địa bàn tỉnh (t/h);
- CVP, PCVP UBND tỉnhKGVX;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh;.
- Lưu: VT, KGVX.MNK.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Y Ngọc


PHỤ LỤC 01

NHIỆM VỤ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN TUYÊN TRUYỀN GIAI ĐOẠN 2021-2025
(Kèm theo Kế hoạch số 3630/KH-UBND ngày 08/10/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum)

STT

Nhiệm vụ

Cơ quan chủ trì

Cơ quan phối hợp

Sản phẩm công việc

Thời gian hoàn thành

Kinh phí thực hiện

Ghi chú

I

Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và các kỹ năng cơ bản bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạng qua các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông xã hội

1

Xây dựng và triển khai Kế hoạch tuyên truyền, nâng cao nhận thức và kỹ năng cơ bản bảo đảm an toàn thông tin cho cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên, người lao động và tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho khách hàng, người sử dụng dịch vụ

Sở, ban, ngành và UBND cấp huyện, cấp xã; Bảo hiểm xã hội tỉnh; Ngân hàng nhà nước tỉnh. Các Doanh nghiệp viễn thông.

Sở Thông tin và Truyền thông

Kế hoạch tuyên truyền

Hoàn thành tháng 10/2021

 

 

2

Đưa tin, bài, video clip để đăng trên trên Cổng/Trang thông tin điện tử

Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện

Sở Thông tin và Truyền thông

Tin bài, video clip

Thường xuyên, bắt đầu từ tháng 7/2021 - tháng 12/2025

Ngân sách được cấp hàng năm cho đơn vị

 

3

Xây dựng, thiết lập và duy trì thường xuyên các chuyên mục trên Cổng/Trang thông tin điện tử

Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện

Sở Thông tin và Truyền thông

Chuyên mục trên Cổng/Trang thông tin điện tử

Thường xuyên, bắt đầu từ tháng 6/2021 - tháng 12/2025

Ngân sách được cấp hàng năm cho đơn vị

 

4

Sản xuất các chương trình, phóng sự, trao đổi, đối thoại trên hệ thống phát thanh truyền hình

Sở Thông tin và Truyền thông

Đài Phát thanh và Truyền hình

Chương trình, phóng sự, trao đổi, đối thoại, tin bài

Thường xuyên, bắt đầu từ tháng 7/2021 - tháng 12/2025

742.000.000 đ (Ngân sách tỉnh)

Dự kiến 1 tháng 2 nội dung, mỗi nội dung khoảng 7.000.000 đ.

5

Tổ chức tập huấn, phổ biến cho đội ngũ phóng viên chuyên mục về công nghệ thông tin về các nội dung đề án

Sở Thông tin và Truyền thông

Đài Phát thanh và Truyền hình

Tổ chức tập huấn, phổ biến

Năm 2022

17.310.000 đ (Ngân sách tỉnh)

 

6

Tổ chức tập huấn, phổ biến lãnh đạo các cơ quan nhà nước và các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh.

Sở Thông tin và Truyền thông

Sở, ban, ngành và UBND cấp huyện. Đài PT&TH tỉnh, Báo Kon Tum

Tổ chức tập huấn, phổ biến

Năm 2022

17.310.000 đ (Ngân sách tỉnh)

 

7

Tổ chức chương trình trò chơi trên truyền hình (gameshow), cuộc thi tìm hiểu về an toàn thông tin trên các kênh truyền hình, trong đó lồng ghép các nội dung về an toàn thông tin

Đài Phát thành và Truyền hình tỉnh

SởThông tin và Truyền thông và các đơn vị liên quan

Chương trình, phóng sự, trao đổi, đối thoại, tin bài

Hàng năm

Kinh phí thực hiện theo Đề án nâng cao chất lượng phát thanh, truyền hình tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025 được phê duyệt tại Quyết định số 483/QĐ- UBND ngày 04/6/2021

 

II

Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và các kỹ năng cơ bản bảo đảm an toàn thông tin qua các hệ thống thông tin cơ sở

1

Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và các kỹ năng cơ bản bảo đảm an toàn thông tin qua các hệ thống thông tin cơ sở.

UBND cấp huyện - Sở Thông tin và Truyền thông

Hệ thống truyền thanh cấp huyện, cấp xã

Chương trình

Thường xuyên, bắt đầu từ tháng 07/2021 đến tháng 12/2025

742.000.000 đ (Ngân sách huyện)

Dự kiến 1 tháng 2 chương trình, mỗi chương tình khoảng 7.000.000 đ.

III

Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức và kỹ năng cơ bản bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạng tại các cơ sở giáo dục

1

Tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn học sinh tương tác an toàn trên không gian mạng, phát huy tối đa hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin.

Sở Giáo dục và Đào tạo

 

 

Sở Thông tin và Truyền thông

Kế hoạch

Theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo

10.000.000 đ (Ngân sách được cấp hàng năm cho đơn vị)

Tổ chức Hội nghị tuyên truyền năm 2022

2

Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn học sinh khả năng tự đọc tin, phân biệt được nội dung an toàn có thể tiếp cận và loại bỏ những nội dung, thông tin sai lệch, thông tin vi phạm pháp luật.

Sở Giáo dục và Đào tạo

Sở Thông tin và Truyền thông

Kế hoạch

10.000.000 đ (Ngân sách được cấp hàng năm cho đơn vị)

Tổ chức Hội nghị tuyên truyền năm 2023

 

Tổng cộng

 

 

 

 

1.538.620.000 đ

 


PHỤ LỤC 02

KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “TUYÊN TRUYỀN, NÂNG CAO NHẬN THỨC VÀ PHỔ BIẾN KIẾN THỨC VỀ AN TOÀN THÔNG TIN GIAI ĐOẠN 2021-2021” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM
(Ban hành kèm theo Kế hoạch số 3630/KH-UBND ngày 08/10/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum)

Đơn vị tính: Triệu đồng.

STT

Năm

Ngân sách tỉnh

Ngân sách cấp huyện

Tổng cộng

Ghi chú

Tổng số

Kinh phí/ huyện, thành phố

1

2021

70.000

70.000

7.000

140.000

 

2

2022

220.620

140.000

14.000

360.620

 

3

2023

226.000

140.000

14.000

366.000

 

4

2024

196.000

140.000

14.000

336.000

 

5

2025

196.000

140.000

14.000

336.000

 

 

Cộng:

908.620

630.000

 

1538.620

 

 



[1] Như: Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; Luật An toàn thông tin mạng; Luật An ninh mạng; Luật Cơ yếu; Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 16 tháng 9 năm 2013 của Ban Bí thư về tăng cường công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng; Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 17 tháng 6 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm an ninh và an toàn thông tin mạng trong tình hình mới; Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 25 tháng 5 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc nâng cao năng lực phòng chống phần mềm độc hại; Chỉ thị số 14/CT -TTg ngày 07 tháng 6 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh mạng nhằm cải thiện chỉ số xếp hạng của Việt Nam; Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử…

[2] Viettel Kon Tum; Viễn thông Kon Tum; Chi nhánh Mobifone tỉnh Kon Tum-số 114 Trần Hưng Đạo, thành phố Kon Tum; Chi nhánh Cổ phần Viễn thông FPT Kon Tum, số 128 Phan Chu Trinh, thành phố Kon Tum; Trung tâm Mạng lưới Mobifone Miền Trung, đường số 2, KCN Đà Nẵng, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng; Chi nhánh Công ty Cổ phần Viễn thông di động Vietnamobile tại Đà Nẵng, tầng 5 Vĩnh Trung, số 255-257 Hung Vương, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 3630/KH-UBND năm 2021 thực hiện Đề án “Tuyên truyền, nâng cao nhận thức và phổ biến kiến thức về an toàn thông tin giai đoạn 2021-2025” trên địa bàn tỉnh Kon Tum

  • Số hiệu: 3630/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 08/10/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Kon Tum
  • Người ký: Y Ngọc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 08/10/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản