Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3557/KH-UBND | Lai Châu, ngày 09 tháng 9 năm 2024 |
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI PHÂN LOẠI CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT TẠI NGUỒN TỪ HỘ GIA ĐÌNH, CÁ NHÂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LAI CHÂU
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 17/11/2020;
Căn cứ Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
Căn cứ Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
Căn cứ Quyết định số 35/2022/QĐ-UBND ngày 26/9/2022 của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Lai Châu ban hành Quy định về quản lý chất thải rắn xây dựng, chất thải rắn sinh hoạt; phương tiện, tuyến đường và thời gian vận chuyển chất thải trên địa bàn tỉnh Lai Châu;
Thực hiện Công văn số 9368/BTNMT-KSONMT ngày 02/11/2023 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt; Công văn số 4645/BTNMT-KSONMT ngày 16/7/2024 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc triển khai một số nội dung nhằm đẩy mạnh công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt, UBND tỉnh Lai Châu ban hành Kế hoạch triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn từ hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Triển khai việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt (sau đây viết tắt là CTRSH) tại nguồn theo quy định tại Điều 75 và khoản 7 Điều 79 của Luật Bảo vệ môi trường, Điều 9 Quy định về quản lý chất thải rắn xây dựng, chất thải rắn sinh hoạt; phương tiện, tuyến đường và thời gian vận chuyển chất thải trên địa bàn tỉnh Lai Châu ban hành kèm theo Quyết định số 35/2022/QĐ-UBND ngày 26/9/2022 của UBND tỉnh Lai Châu.
- Nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn, từng bước hình thành thói quen và tự giác thực hiện việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.
- Tăng cường khả năng tái sử dụng, tái chế, giảm khối lượng CTRSH phải xử lý theo phương án chôn lấp trực tiếp, qua đó tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đồng thời coi rác thải là nguồn tài nguyên, qua đó góp phần tiết kiệm và sử dụng hiệu quả tài nguyên.
- Chuẩn bị các điều kiện cần thiết, kiện toàn hệ thống, mạng lưới thu gom, vận chuyển CTRSH đáp ứng các yêu cầu trong việc thu gom, vận chuyển và xử lý, tái chế CTRSH đã được phân loại tại nguồn theo quy định.
2. Yêu cầu
- Việc thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn được thực hiện đồng bộ, thống nhất tại các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh; trong đó, ưu tiên tập trung triển khai trước tại các khu vực đô thị, khu dân cư tập trung ... từng bước mở rộng đến các khu vực nông thôn, đảm bảo việc phân loại CTRSH tại nguồn được áp dụng thống nhất trên địa bàn tỉnh.
- Công tác phân loại CTRSH tại nguồn giai đoạn đầu vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, thường xuyên đánh giá, cải tiến, hoàn thiện dần trong quá trình thực hiện.
- Xác định việc phân loại CTRSH tại nguồn là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và mọi tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh; trong đó, UBND các cấp, nhất là cấp cơ sở và các tổ chức chính trị - xã hội giữ vai trò then chốt. Nội dung công việc phải gắn với trách nhiệm và phát huy vai trò chủ động, tích cực của các cấp, các ngành, đảm bảo công việc được thực hiện chất lượng, hiệu quả.
- Huy động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ xã hội và ngân sách các cấp để đạt được các mục tiêu của Kế hoạch.
- Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong hệ thống chính trị phải tiên phong, gương mẫu thực hiện việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn tại gia đình, nơi làm việc; đồng thời, tham gia tuyên truyền, vận động gia đình, người thân, cộng đồng dân cư nơi cư trú cùng thực hiện.
II. MỤC TIÊU
1. Năm 2024
- UBND cấp huyện và UBND cấp xã ban hành chương trình, kế hoạch phân loại CTRSH; xây dựng, triển khai mô hình phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH (nếu cần thiết) phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương.
- Tiếp tục tổ chức tuyên truyền về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn để tuyên truyền việc phân loại CTRSH tại nguồn đến các hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư.
2. Năm 2025
- Quy hoạch các điểm tập kết, trạm trung chuyển CTRSH đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật theo quy định tại Điều 26 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường trên địa bàn[1]. Đưa vào hoạt động các điểm tập kết, trạm trung chuyển CTRSH theo quy định.
- Đầu tư thiết bị, phương tiện thực hiện phân loại tại nguồn thu gom, vận chuyển CTRSH từ cấp huyện đến cấp xã; yêu cầu các đơn vị tham gia thu gom, vận chuyển phải cải tạo, nâng cấp, bổ sung đáp ứng yêu cầu thu gom, vận chuyển các loại CTRSH sau khi được phân loại.
- Triển khai, áp dụng mô hình phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương.
- Ban hành lộ trình, tần suất, thời gian và tuyến thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt tại các khu vực trên địa bàn.
- 100% các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh (kể cả đô thị và nông thôn) được phổ biến kiến thức và biết cách phân loại CTRSH tại nguồn.
- Tỷ lệ CTRSH được phân loại tại nguồn ở các phường, thị trấn đạt 50%, ở xã đạt 30%.
- Đối với các xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao: chỉ tiêu về tỷ lệ CTRSH được phân loại tại nguồn được thực hiện theo Quyết định số 1285/QĐ- UBND ngày 27/9/2022 của UBND tỉnh Lai Châu về việc Ban hành Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới nâng cao của tỉnh Lai Châu giai đoạn 2021-2025.
- Thực hiện các biện pháp xử lý CTRSH phù hợp, hiệu quả đối với từng loại CTRSH sau khi được phân loại.
- Lồng ghép việc tuân thủ thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn vào bình xét gia đình văn hóa.
3. Giai đoạn 2026-2030
- Tỷ lệ CTRSH được phân loại tại nguồn toàn tỉnh đạt 100%.
- Hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ cho phân loại tại nguồn, thực hiện xử lý từng loại CTRSH phù hợp, hiệu quả.
III. NỘI DUNG THỰC HIỆN
1. Tuyên truyền nâng cao nhận thức về phân loại CTRSH tại nguồn
a) Nội dung tuyên truyền
- Các quy định pháp luật về CTRSH gồm:
+ Luật Bảo vệ môi trường năm 2020;
+ Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
+ Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
+ Quyết định số 35/2022/QĐ-UBND ngày 26/9/2022 của UBND tỉnh Lai Châu ban hành Quy định về quản lý chất thải rắn xây dựng, chất thải rắn sinh hoạt; phương tiện, tuyến đường và thời gian vận chuyển chất thải trên địa bàn tỉnh Lai Châu;
- Các văn bản chỉ đạo của Trung ương và UBND tỉnh:
+ Nguyên tắc phân loại CTRSH tại nguồn; hướng dẫn kỹ thuật về phân loại CTRSH tại nguồn; hướng dẫn việc lưu giữ, chuyển giao, tập kết CTRSH của hộ gia đình, cá nhân.
+ Các quy định về chế tài, xử lý vi phạm trong công tác phân loại, chuyển giao, xử lý CTRSH.
b) Đối tượng tuyên truyền
Tuyên truyền đến các đối tượng bao gồm: lực lượng làm công tác bảo vệ môi trường các cấp, nhất là cấp huyện và cấp xã; thành viên Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh; các cơ sở, người lao động tham gia vào hoạt động thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý CTRSH; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; học sinh, sinh viên tại các trường học trên địa bàn tỉnh.
c) Hình thức tuyên truyền
- Tuyên truyền trên Cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố, các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị.
- Tuyên truyền trên báo chí và hệ thống thông tin cơ sở như: Báo Lai Châu, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh; Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông các huyện, thành phố; Đài truyền thanh các xã, phường, thị trấn.
- Tuyên truyền thông qua: sổ tay, tờ rơi, áp phích; video clip, phim, tiểu phẩm, bản tin... hướng dẫn trực tiếp phân loại CTRSH tại nguồn cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư.
- Tuyên truyền thông qua các hoạt động tập huấn trực tiếp/trực tuyến, các buổi họp, các buổi nói chuyện, tọa đàm.
- Lồng ghép nội dung tuyên truyền phân loại CTRSH tại nguồn vào các ngày như: Ngày môi trường thế giới 5/6, Tuần lễ Nước sạch và vệ sinh môi trường, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn 22/9... nhằm thu hút sự quan tâm của cộng đồng đến hoạt động phân loại CTRSH tại nguồn.
- Lồng ghép nội dung tuyên truyền thông qua Chương trình liên tịch phối hợp hành động về bảo vệ môi trường giữa ngành Tài nguyên và Môi trường với Uỷ ban Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh.
- Lồng ghép nội dung phân loại CTRSH tại nguồn vào các hoạt động giáo dục và các phong trào thi đua phù hợp nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho học sinh tại các cơ sở giáo dục; lồng ghép việc tuân thủ thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn vào bình xét gia đình văn hóa.
- Tổ chức ra mắt các mô hình điểm về phân loại CTRSH tại nguồn từ đó phát động, nhân rộng mô hình trên địa bàn các xã, phường, thị trấn.
2. Kiện toàn, sắp xếp và củng cố lại công tác thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH
- UBND cấp huyện quy hoạch các điểm tập kết CTRSH trên địa bàn các huyện, thành phố đảm bảo quy định tại khoản 1 Điều 26 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường; quy hoạch, xây dựng các điểm trung chuyển CTRSH (nếu cần thiết) đảm bảo quy định tại khoản 2 Điều 26 Thông tư 02/2022/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường; chỉ đạo UBND cấp xã xây dựng, bố trí các điểm tập kết chất thải rắn sinh hoạt tại các xã, phường, thị trấn; tăng số lượng và đa dạng hóa các đơn vị tham gia thực hiện dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH trên địa bàn. Thực hiện công tác lựa chọn cơ sở thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định tại khoản 1 Điều 77[2] và khoản 2 Điều 78[3] của Luật Bảo vệ môi trường.
- Các cơ sở thu gom, vận chuyển CTRSH đầu tư, nâng cấp các trang thiết bị và phương tiện thu gom, vận chuyển CTRSH đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật theo quy định, đồng thời tăng cường thêm nhân lực để đáp ứng nhu cầu thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt được kịp thời, không để tồn đọng gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường.
- Công khai rộng rãi về địa điểm, tần suất và lộ trình, tuyến thu gom từng nhóm CTRSH sau phân loại đến các hộ gia đình, cá nhân để biết và chuyển giao theo đúng quy định.
- Đầu tư cải tiến trang thiết bị, công nghệ xử lý CTRSH, ưu tiên các công nghệ tiên tiến, hiện đại, tăng cường tái chế và thu hồi năng lượng từ CTRSH, hạn chế đến mức thấp nhất việc chôn lấp trực tiếp CTRSH.
Triển khai, áp dụng mô hình phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương.
3. Thực hiện phân loại, lưu giữ, thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH
Để phù hợp với hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường, công nghệ xử lý chất thải hiện có, điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, nguồn lực tài chính của địa phương, CTRSH phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh được phân loại, lưu giữ, thu gom, vận chuyển, xử lý, tái chế như sau:
3.1. Phân loại CTRSH
a) Theo nguyên tắc CTRSH phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân thành các nhóm như sau:
- Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế.
- Chất thải thực phẩm.
- Chất thải rắn sinh hoạt khác, bao gồm:
+ Chất thải cồng kềnh;
+ Chất thải nguy hại;
+ Chất thải khác còn lại.
b) Việc nhận diện chủng loại và kỹ thuật phân loại CTRSH phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được thực hiện theo Công văn số 9368/BTNMT-KSONMT ngày 02/11/2023 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt.
3.2. Lưu giữ CTRSH
a) Tại hộ gia đình, cá nhân
Các loại CTRSH sau khi phân loại được chứa đựng trong các bao bì, thùng chứa với màu sắc khác nhau để dễ nhận dạng trong quá trình thu gom, vận chuyển, cụ thể như sau:
- Chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế: chứa đựng trong túi, thùng màu xanh lam; khuyến khích sử dụng bao bì là chất liệu dễ phân hủy sinh học; lưu giữ trong khuôn viên nhà ở của hộ gia đình, cá nhân đảm bảo không gây mất mỹ quan và không gây ô nhiễm môi trường. Khuyến khích hộ gia đình, cá nhân tận dụng tối đa giá trị của sản phẩm thải bỏ, sau đó mới chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế.
- Chất thải thực phẩm: chứa đựng trong bao bì có màu xanh lá đảm bảo không rò rỉ nước, phát tán mùi hôi; lưu giữ trong khuôn viên nhà ở của hộ gia đình, cá nhân cho đến khi chuyển giao cho cơ sở thu gom, vận chuyển CTRSH do chính quyền địa phương lựa chọn. Khuyến khích hộ gia đình, cá nhân tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi.
- Chất thải rắn sinh hoạt khác: chứa đựng trong bao bì có màu đen, chuyển giao cho đơn vị thực hiện dịch vụ thu gom, vận chuyển CTRSH do chính quyền địa phương lựa chọn. Riêng đối với chất thải rắn cồng kềnh trong CTRSH khác được quản lý như sau: Lưu giữ trong khuôn viên nhà ở của hộ gia đình, cá nhân đảm bảo không gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân tự thỏa thuận với đơn vị thu gom, vận chuyển thì tự chi trả chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý theo thỏa thuận. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân tự tháo dỡ để giảm kích thước thì chất thải sau đó được phân loại vào các nhóm chất thải tương ứng.
- Chất thải nguy hại trong thành phần chất thải rắn khác: hộ gia đình, cá nhân chứa đựng trong trong bao bì riêng biệt và lưu giữ bên trong khuôn viên nhà ở của hộ gia đình, cá nhân đảm bảo an toàn cho đến khi chuyển giao cho cơ sở thu gom, vận chuyển do chính quyền địa phương lựa chọn hoặc đưa về điểm tập kết chất thải nguy hại của địa phương.
b) Tại khu vực công cộng, điểm tập trung dân cư, trên các tuyến đường
Bố trí các thùng rác sinh hoạt có phân biệt màu (màu xanh lam chứa chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế; màu xanh lá chứa chất thải thực phẩm; màu đen đựng chất thải sinh hoạt khác). Trên thân thùng được in hình ảnh, ký hiệu hướng dẫn phân loại. Các thiết bị lưu chứa CTRSH phải có kích cỡ phù hợp với thời gian lưu giữ, đảm bảo môi trường và mỹ quan đô thị.
UBND các huyện, thành phố hoàn thành việc bố trí thùng lưu chứa rác theo màu sắc quy định phục vụ việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn ngay từ đầu năm 2025.
3.3. Phương án thu gom, vận chuyển CTRSH sau phân loại
- UBND cấp huyện căn cứ vào điều kiện, nguồn lực thực tế tại địa phương quyết định phương án thu gom phù hợp, đảm bảo công tác thu gom, vận chuyển CTRSH sau khi phân loại tại địa phương đạt hiệu quả, tiết kiệm và đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường.
- Việc thu gom, vận chuyển CTRSH phải được thực hiện riêng biệt theo tính chất của từng loại chất thải đã được phân loại nhằm đảm bảo phát huy tối đa hiệu quả của công tác phân loại CTRSH tại nguồn.
- Tùy điều kiện thực tế tại địa phương và khối lượng phát sinh của từng nhóm chất thải, UBND cấp huyện chỉ đạo tổ chức, sắp xếp tần suất, thời gian, địa điểm thu gom CTRSH sau phân loại cho phù hợp, đảm bảo vệ sinh môi trường.
- Khuyến khích các địa phương phát động phong trào thu gom chất thải tái chế từ các hộ gia đình, cá nhân, các điểm công cộng…. thông qua các hội, đoàn thể và chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế theo quy định. Nguồn kinh phí thu được từ hoạt động trên được sử dụng để duy trì các hoạt động tuyên truyền, vận động và các hoạt động khác phục vụ cho công tác phân loại CTRSH tại địa phương.
- Đối với chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế và chất thải nguy hại, UBND cấp huyện (hoặc UBND cấp xã nếu được ủy quyền) có thể lựa chọn phương án thu gom tại điểm cố định hoặc thu gom tại nhà theo thời gian do UBND cấp huyện (hoặc UBND cấp xã nếu được ủy quyền) quyết định và thông báo rộng rãi. Khuyến khích mỗi cộng đồng dân cư (thôn/xóm/khu phố) thiết lập ít nhất một điểm thu gom rác tái chế, chất thải nguy hại với diện tích phù hợp, có mái che, có các ngăn riêng để chứa từng loại rác thải. Định kỳ chuyển giao rác tái chế cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế và chuyển giao chất thải nguy hại cho cơ sở có chức năng vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại theo quy định.
3.4. Công tác xử lý CTRSH sau phân loại
- Đối với các địa phương có đủ điều kiện về hạ tầng thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH: CTRSH sau phân loại được thu gom, vận chuyển về khu xử lý CTRSH để xử lý/tái chế theo tính chất của từng loại chất thải sau phân loại.
- Đối với các địa phương còn lại chưa có điều kiện về hạ tầng thu gom, vận chuyển và CTRSH: trước mắt, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp với các tổ chức đoàn thể hướng dẫn người dân sử dụng chất thải thực phẩm làm thức ăn chăn nuôi, làm phân hữu cơ cải tạo đất; chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế theo quy định; chất thải cồng kềnh sau khi được tháo dỡ, phân loại được xử lý theo nhóm chất thải tương ứng; chất thải nguy hại được thu gom và định kỳ UBND cấp xã chuyển giao cho đơn vị có chức năng xử lý chất thải nguy hại xử lý theo quy định; các loại CTRSH còn lại được thu gom, vận chuyển CTRSH thu gom về khu xử lý tập trung của địa phương để xử lý.
4. Công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm
- UBND cấp huyện, UBND cấp xã thành lập các Tổ kiểm tra, giám sát của cấp mình, triển khai việc theo dõi, giám sát công tác phân loại CTRSH tại nguồn của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn và công tác thu gom, vận chuyển CTRSH sau phân loại đến các điểm tập kết, công tác vận chuyển CTRSH từ điểm tập kết đến cơ sở xử lý.
- Kết quả kiểm tra, giám sát là cơ sở để xử lý các vi phạm đối với các trường hợp chưa tuân thủ theo đúng quy định và là cơ sở để biểu dương khen thưởng các hộ gia đình, cá nhân làm tốt công tác phân loại CTRSH tại nguồn; đồng thời là cơ sở để điều chỉnh, hoàn thiện nội dung và giải pháp thực hiện công tác phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn trong thời gian tới.
- Xử lý hành vi vi phạm quy định phân loại CTRSH tại nguồn theo thẩm quyền quy định tại Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
5. Sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng
- Định kỳ trước ngày 15 tháng 01 của năm sau, UBND các huyện, thành phố tổ chức sơ kết đánh giá kết quả năm thực hiện công tác phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn và báo cáo (trong nội dung báo cáo công tác bảo vệ môi trường hàng năm) gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.
- Sở Tài nguyên và Môi trường tổng kết đánh giá kết quả thực hiện công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh lồng ghép với tổng kết ngành Tài nguyên và Môi trường hàng năm, báo cáo UBND tỉnh để xem xét, chỉ đạo thực hiện trong giai đoạn tiếp theo phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương và quy định của pháp luật hiện hành.
- Trong quá trình sơ kết, tổng kết, đánh giá, UBND cấp xã, UBND cấp huyện và Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất UBND tỉnh kịp thời biểu dương, khen thưởng các hộ gia đình, cá nhân có nhiều đóng góp thiết thực, thực hiện tốt, đạt thành tích cao các cuộc thi về công tác phân loại CTRSH tại nguồn.
IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN
Kinh phí thực hiện Kế hoạch được bố trí từ ngân sách nhà nước theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành và các nguồn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
V. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ, ĐỊA PHƯƠNG
1. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch phân loại CTRSH tại nguồn từ các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ về chuyên môn cho các địa phương trong công tác phân loại CTRSH tại nguồn để đảm bảo đạt được các mục tiêu đã đề ra.
- Tuyên truyền về phân loại CTRSH tại nguồn đến các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố để phổ biến rộng rãi đến các hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư.
- Chuyển tài liệu tuyên truyền về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đến các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn để tổ chức thực hiện.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng, trình UBND tỉnh ban hành quy định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật về giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
- Tổng hợp dự toán chi sự nghiệp bảo vệ môi trường cho hoạt động phân loại CTRSH tại nguồn của các cơ quan, đơn vị gửi Sở Tài chính tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định.
- Thanh tra, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đối với UBND cấp huyện.
- Đôn đốc, tổng hợp báo cáo công tác phân loại CTRSH trong báo cáo công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh hàng năm gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, Hội đồng nhân dân tỉnh, UBND tỉnh theo quy định.
2. Sở Xây dựng
Phối hợp với UBND các huyện, thành phố, Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ có liên quan đến quy hoạch, đầu tư xây dựng dự án hạ tầng kỹ thuật thu gom, lưu giữ, xử lý chất thải rắn theo chức năng, nhiệm vụ.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Chủ trì xây dựng, tham mưu UBND tỉnh ban hành chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ đối với hoạt động đầu tư xử lý CTRSH trên địa bàn tỉnh. Tổng hợp, trình UBND tỉnh phê duyệt danh mục các dự án xử lý CTRSH trên địa bàn tỉnh. Hướng dẫn thực hiện thủ tục đầu tư đối với các dự án xử lý CTRSH theo phương thức xã hội hóa và các hình thức đầu tư khác.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan ưu tiên cân đối, ưu tiên bố trí vốn đầu tư cho các dự án xử lý CTRSH đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và dài hạn. Tổng hợp kế hoạch vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng liên quan đến quản lý, xử lý CTRSH trên địa bàn tỉnh. Đề xuất UBND tỉnh xem xét bố trí vốn đầu tư để giải phóng mặt bằng và các hạ tầng thiết yếu khác đến chân hàng rào theo quy định cho các dự án xây dựng nhà máy xử lý CTRSH, khu xử lý chất thải tập trung, xây dựng các điểm tập kết CTRSH.
- Chủ trì thẩm định, trình UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư các dự án xử lý CTRSH theo quy định.
- Hướng dẫn tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật để lựa chọn các đơn vị cung cấp dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH trên địa bàn.
4. Sở Tài chính
Trên cơ sở đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường, khả năng cân đối ngân sách địa phương, tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh bố trí kinh phí chi thường xuyên thực hiện Kế hoạch này theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước và phân cấp ngân sách hiện hành.
5. Sở Khoa học và Công nghệ
- Hướng dẫn các sở, ngành và đơn vị có liên quan đề xuất đặt hàng các nhiệm vụ khoa học và công nghệ nhằm bảo vệ môi trường, đặc biệt là lĩnh vực tái chế, tái sử dụng và xử lý CTRSH; hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao công nghệ mới trong việc thu gom, xử lý, tái chế, tái sử dụng CTRSH trên địa bàn tỉnh.
- Chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan thẩm định, giám định công nghệ của các dự án đầu tư xây dựng cơ sở x ử lý CTRSH theo đúng quy định.
6. Sở Giáo dục và Đào tạo
- Chỉ đạo, hướng dẫn các Phòng Giáo dục và Đào tạo, cơ sở giáo dục, dạy nghề trên địa bàn tỉnh tổ chức tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về phân loại CTRSH tại nguồn, thu gom CTRSH, không xả rác thải bừa bãi; chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật về phân loại CTRSH tại nguồn, thu gom CTRSH, vệ sinh môi trường cho các nhóm đối tượng khác nhau là học sinh, học viên, sinh viên các cơ sở giáo dục đào tạo, trường học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
- Hướng dẫn các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp lồng ghép nội dung phân loại CTRSH tại nguồn, thu CTRSH, vệ sinh môi trường trong giảng dạy môn học và các hoạt động giáo dục theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo đảm bảo phù hợp điều kiện thực tiễn của địa phương.
7. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND các huyện, thành phố đôn đốc các địa phương thực hiện việc phân loại, vận chuyển và xử lý CTRSH tại nguồn và đảm bảo các tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
8. Sở Thông tin và Truyền thông
- Hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan báo chí và hệ thống thông tin cơ sở tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về phân loại CTRSH tại nguồn, thu gom CTRSH, không xả rác thải bừa bãi, vệ sinh môi trường; nêu gương các điển hình tiên tiến, lên án biểu hiện, hành vi vi phạm pháp luật về phân loại CTRSH tại nguồn, xả rác bừa bãi, phản ánh với cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm về phân loại CTRSH tại nguồn, xả rác bừa bãi.
- Cấp giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh cho các cơ quan, tổ chức tuyên truyền về phân loại CTRSH tại nguồn, thu gom CTRSH theo quy định của pháp luật (nếu có).
9. Văn phòng UBND tỉnh
Chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền về công tác phân loại CTRSH trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh Lai Châu.
10. Báo Lai Châu, Đài Phát thanh - Truyền hình Lai Châu
Tăng cường chuyên trang, phóng sự, thời lượng thông tin các vấn đề liên quan đến công tác phân CTRSH tại nguồn để hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh thay đổi nhận thức, hình thành thói quen phân loại CTRSH tại nguồn.
Kịp thời phản ánh, tuyên truyền các mô hình, điển hình, hộ gia đình, cá nhân, tổ dân phố, khu phố, khu dân cư thực hiện tốt việc phân loại CTRSH tại nguồn.
Thiết lập tài khoản trên các mạng xã hội để tương tác, tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về công tác phân loại CTRSH tại nguồn; lên án các hành vi vi phạm về phân loại CTRSH tại nguồn, xả rác thải không đúng nơi quy định.
Việc tuyên tuyền được thực hiện bằng cả tiếng dân tộc.
11. Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức Đoàn thể chính trị - xã hội
- Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phân loại CTRSH tại nguồn; vận động cán bộ, hội viên, đoàn viên thực hiện quy định pháp luật về phân loại CTRSH tại hộ gia đình theo đúng quy định.
- Phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, đánh giá hiệu quả, nhân rộng mô hình phân loại, xử lý CTRSH tại địa phương.
- Lồng ghép nội dung phân loại CTRSH tại nguồn vào kế hoạch truyền thông hàng năm của các cơ quan.
12. Các sở, ban, ngành khác
Căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công tác phân loại CTRSH tại nguồn; chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn tại cơ quan, gia đình theo đúng quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.
13. UBND các huyện, thành phố
- Xây dựng, phê duyệt kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện về phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn huyện, thành phố trong năm 2024; xây dựng và hướng dẫn UBND cấp xã xây dựng dự toán kinh phí hàng năm để thực hiện kế hoạch phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn cấp huyện, cấp xã đạt hiệu quả.
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến về phân loại CTRSH tại nguồn, thu gom rác thải vệ sinh môi trường đến toàn thể nhân dân trên hệ thống phát thanh - truyền hình, trang thông tin điện tử cấp huyện và mạng xã hội; chỉ đạo UBND cấp xã và các cơ quan liên quan thực hiện tuyên truyền theo từng điểm sinh hoạt cộng đồng như trung tâm văn hóa xã, phường, thị trấn; các nhà văn hóa thôn, tổ dân phố thông qua các buổi sinh hoạt tại thôn, bản, tổ dân phố..., để nhân dân biết, thực hiện.
- Chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn UBND cấp xã xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện hương ước, quy ước của thôn, bản, tổ dân phố, trong đó có quy định cụ thể về phân loại CTRSH tại nguồn, quản lý CTRSH theo quy định; hình thức xử lý đối với các trường hợp không chấp hành; đưa việc chấp hành thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn là một nội dung để xét gia đình văn hóa.
- Lựa chọn địa điểm quy hoạch các nhà máy xử lý rác thải tập trung; xác định, công bố vị trí các điểm tập kết, trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt theo đề nghị của UBND cấp xã; công bố các đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn. Bố trí các thiết bị lưu chứa, thu gom, vận chuyển CTRSH của hộ gia đình, cá nhân để thu gom, phân loại đảm bảo theo quy định tại Quyết định số 35/2022/QĐ-UBND ngày 26/9/2022 của UBND tỉnh Lai Châu.
- Chỉ đạo, hướng dẫn UBND các xã, phường, thị trấn và các đơn vị thu gom, vận chuyển CTRSH để xác định địa điểm, thời gian, tần suất, tuyến thu gom và lộ trình di chuyển của các phương tiện vận chuyển để đảm bảo công tác thu gom CTRSH sau phân loại được đồng bộ, hiệu quả, tiết kiệm và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
- Thực hiện các thủ tục đấu thầu, đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ lựa chọn cơ sở thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và quy định của pháp luật có liên quan.
- Thành lập lực lượng tuyên truyền viên, lực lượng kiểm tra, giám sát để tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các hộ gia đình, cá nhân và các đơn vị thu gom, vận chuyển CTRSH thực hiện tốt công tác phân loại CTRSH tại nguồn và thu gom, vận chuyển CTRSH đúng theo quy định.
- Đảm bảo kinh phí thực hiện Kế hoạch này theo phân cấp ngân sách nhà nước. Huy động các nguồn lực xã hội và sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn kinh phí để triển khai các hoạt động liên quan đến công tác phân loại CTRSH tại nguồn; kịp thời biểu dương, khen thưởng, tôn vinh các hộ gia đình, cá nhân có nhiều đóng góp thiết thực và thực hiện tốt công tác phân loại CTRSH tại nguồn; nhân rộng những mô hình triển khai hiệu quả và cách làm hay.
- Định kỳ hoặc đột xuất tổ chức các cuộc họp để sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch triển khai phân loại CTRSH tại nguồn từ các hộ gia đình, cá nhân tại địa bàn và khắc phục các khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, có báo cáo về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo kịp thời.
- Kịp thời phát hiện, xử lý hành vi vi phạm về phân loại CTRSH tại nguồn, xả rác bừa bãi theo quy định Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
14. UBND các xã, phường, thị trấn
- Thành lập lực lượng tuyên truyền viên, lực lượng kiểm tra, giám sát tại địa phương để tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các hộ gia đình, cá nhân và các đơn vị thu gom, vận chuyển CTRSH thực hiện tốt công tác phân loại CTRSH tại nguồn và thu gom, vận chuyển CTRSH đúng theo quy định.
- Tăng cường công tác tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh của xã, phường, thị trấn với tần suất tối thiểu là 2 lần/tuần; lồng ghép trong các buổi sinh hoạt cộng đồng dân cư với phương pháp tuyên truyền ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ để cán bộ, nhân dân nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của việc phân loại CTRSH tại nguồn. Việc tuyên truyền phải thường xuyên, liên tục. Biểu dương hộ gia đình, cá nhân làm tốt, đồng thời phê bình, nhắc nhở những đơn vị, cá nhân chưa làm tốt để tạo sự đồng bộ trên địa bàn.
- Thực hiện quy trình lựa chọn nhà cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH theo quy định của pháp luật.
- Chỉ đạo các khu dân cư, tổ dân phố, làng, bản, cộng đồng dân cư đăng ký thực hiện quy ước, hương ước, cam kết giữ gìn vệ sinh môi trường, trong đó có quy định cụ thể về phân loại CTRSH tại nguồn, hình thức xử lý đối với các trường hợp không chấp hành.
- Phối hợp với cơ sở thu gom, vận chuyển CTRSH xác định thời gian, địa điểm, tần suất, tuyến thu gom CTRSH phù hợp và niêm yết công khai tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn và các hình thức khác phù hợp. Thông báo về thời gian, địa điểm, tần suất và tuyến thu gom các loại chất thải đến các hộ dân trên địa bàn biết và chuyển giao đúng quy định.
- Kịp thời phát hiện, xử lý hành vi vi phạm về phân loại CTRSH tại nguồn, xả rác bừa bãi theo quy định tại Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
15. Các tổ chức, đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt
Thực hiện các quyền, trách nhiệm theo quy định tại khoản 2 Điều 59, Điều 61, Điều 62 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Điều 19, Điều 20 Quyết định số 35/2022/QĐ-UBND ngày 26/9/2022 của UBND tỉnh và các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.
Hoàn thiện quy trình kỹ thuật trong hoạt động thu gom, vận chuyển, tiếp nhận, xử lý, tái chế từng nhóm CTRSH sau khi phân loại để đảm bảo đúng quy định.
Phối hợp với UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan triển khai hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH đạt hiệu quả đối với từng nhóm CTRSH sau khi phân loại.
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ và nội dung Kế hoạch này để tổ chức thực hiện, đảm bảo công tác phân loại CTRSH trên địa bàn tỉnh Lai Châu được triển khai đồng bộ và đạt hiệu quả cao theo đúng mục tiêu Kế hoạch. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc cần phải bổ sung, điều chỉnh, gửi kiến nghị đến Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, đề xuất UBND tỉnh xem xét, quyết định.
2. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện; tổng hợp, báo cáo định kỳ và đột xuất về kết quả thực hiện Kế hoạch. Trong quá trình thực hiện nếu phát sinh vướng mắc hoặc có quy định mới khác với quy định này, Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, kịp thời đề xuất UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế. Gửi Kế hoạch này cho các chủ cơ sở thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
[1] Điều 26 của Thông tư 02/2022/TT-BNTMT:
1. Điểm tập kết CTRSH:
a) Điểm tập kết được bố trí bảo đảm kết nối hiệu quả giữa công tác thu gom, vận chuyển và xử lý; bán kính phục vụ thu gom tại hộ gia đình, tổ chức, cá nhân và khoảng cách an toàn môi trường thực hiện theo quy định tại QCVN 01:2021/BXD - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng được ban hành kèm theo Thông tư số 01/2021/TT-BXD ngày 19/5/2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng và các quy định pháp luật khác có liên quan;
b) Điểm tập kết phải bố trí thiết bị lưu chứa chất thải có dung tích phù hợp với thời gian lưu giữ, bảo đảm không rò rỉ nước ra môi trường; thực hiện vệ sinh, phun khử mùi sau khi kết thúc hoạt động; điểm tập kết hoạt động trong thời gian từ 18 giờ đến 06 giờ sáng hôm sau phải có đèn chiếu sáng;
c) Chủ dự án đầu tư, chủ sở hữu, ban quản lý khu đô thị mới, chung cư, tòa nhà văn phòng phải bố trí điểm tập kết CTRSH phù hợp trong quá trình thiết kế, xây dựng và vận hành để phục vụ nhu cầu thải bỏ CTRSH của tất cả người dân sinh sống tại khu đô thị mới, chung cư, tòa nhà văn phòng đó;
d) Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có thể bố trí điểm tập kết theo quy định tại điểm b khoản này hoặc có thể lưu chứa trong thiết bị lưu chứa CTRSH;
đ) UBND cấp tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện chủ trì, phối hợp với đơn vị thu gom, vận chuyển CTRSH để xác định vị trí, thời gian tập kết, thời gian hoạt động và quy mô tiếp nhận CTRSH tại điểm tập kết phù hợp; bảo đảm an toàn giao thông; hạn chế tối đa hoạt động vào giờ cao điểm.
2. Trạm trung chuyển CTRSH:
a) Thực hiện theo quy định tại QCVN 01:2021/BXD - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng và các quy định pháp luật khác có liên quan;
b) Trạm trung chuyển cố định đầu tư mới tại các khu vực nội thành đô thị loại I và đô thị loại đặc biệt phải sử dụng công nghệ tự động, hiện đại và phù hợp với điều kiện từng địa phương;
c) Khuyến khích sử dụng công nghệ trạm trung chuyển ngầm, bán ngầm hoặc ngầm hóa một số hạng mục công trình tại đô thị nhằm tiết kiệm diện tích sử dụng đất nhưng phải có thiết kế bảo đảm mỹ quan đô thị và không gây ô nhiễm môi trường;
d) Bảo đảm kết nối đồng bộ với hệ thống thu gom, vận chuyển CTRSH tại địa phương;
đ) Phải có khu vực lưu giữ CTRSH phân loại tại nguồn, chất thải rắn cồng kềnh và các trang thiết bị thu gom, vận chuyển; có khả năng lưu giữ chất thải nguy hại sau khi CTRSH được phân loại theo quy định của UBND tỉnh;
e) Trạm trung chuyển tại các đô thị phải bố trí khu vực tiếp nhận chất thải có đủ diện tích cho phương tiện dừng chờ đổ chất thải; bảo đảm khép kín để hạn chế tối đa phát tán ô nhiễm, mùi và xâm nhập của côn trùng;
g) Trang bị các hệ thống, thiết bị cân; vệ sinh và phun xịt khử mùi phương tiện thu gom, vận chuyển ra, vào trạm trung chuyển; hệ thống camera giám sát; hệ thống, phần mềm để theo dõi, cập nhật khối lượng CTRSH và phương tiện thu gom, vận chuyển ra, vào trạm trung chuyển;
h) UBND các cấp xác định vị trí, thời gian hoạt động và quy mô tiếp nhận CTRSH tại trạm trung chuyển.
[2] 1. UBND các cấp lựa chọn cơ sở thu gom, vận chuyển CTRSH thông qua hình thức đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu; trường hợp không thể lựa chọn thông qua hình thức đấu thầu thì thực hiện theo hình thức đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.
[3] 2. UBND các cấp lựa chọn cơ sở xử lý CTRSH thông qua hình thức đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu; trường hợp không thể lựa chọn thông qua hình thức đấu thầu thì thực hiện theo hình thức đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.
Kế hoạch 3557/KH-UBND năm 2024 triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn từ hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh Lai Châu
- Số hiệu: 3557/KH-UBND
- Loại văn bản: Kế hoạch
- Ngày ban hành: 09/09/2024
- Nơi ban hành: Tỉnh Lai Châu
- Người ký: Hà Trọng Hải
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra