Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 35/KH-UBND | Đồng Tháp, ngày 21 tháng 02 năm 2019 |
KẾ HOẠCH
VỀ GIẢM SỐ LƯỢNG VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÁC CUỘC HỌP TẠI UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Quyết định số 45/2018/QĐ-TTg ngày 09/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ về Quy định chế độ họp trong hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan thuộc hệ thống hành chính nhà nước; Uỷ ban nhân dân Tỉnh xây dựng Kế hoạch về giảm số lượng và nâng cao chất lượng các cuộc họp, hội nghị (sau đây gọi chung là cuộc họp) tại Uỷ ban nhân dân Tỉnh như sau:
I. MỤC TIÊU VÀ PHẠM VI THỰC HIỆN
1. Phấn đấu giảm số lượng các cuộc họp do Chủ tịch hoặc các Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Tỉnh chủ trì so với năm 2018 (năm 2018 có 552 cuộc họp); đồng thời, nâng cao chất lượng các cuộc họp tại Uỷ ban nhân dân Tỉnh. Qua đó, Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Tỉnh dành thời gian đi công tác cơ sở để nắm bắt tình hình, kịp thời chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh; các sở, ngành tỉnh, cấp huyện dành thời gian cho công tác chuyên môn, hoạt động quản lý, điều hành, tự kiểm tra nội bộ hoặc nghiên cứu đề xuất, giải quyết những vấn đề cấp bách.
2. Các cuộc họp tại Uỷ ban nhân dân Tỉnh theo Kế hoạch này bao gồm các cuộc họp do Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Tỉnh chủ trì mang tính chất chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc thường xuyên.
Không bao gồm các cuộc họp phải tổ chức theo quy định pháp luật như: Hội nghị Uỷ ban nhân dân Tỉnh thường kỳ (tháng, quý, sáu tháng, năm), họp báo chí định kỳ, các cuộc họp giữa Uỷ ban nhân dân Tỉnh với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tỉnh và các đoàn thể, Toà án nhân dân Tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân Tỉnh theo Quy chế phối hợp được ký kết và các cuộc họp do Chính phủ hoặc Bộ, Ngành Trung ương mời (họp trực tuyến tại Uỷ ban nhân dân Tỉnh) hoặc đến làm việc tại Tỉnh; các cuộc họp do Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân Tỉnh, sở, ban, ngành tỉnh, Uỷ ban nhân dân cấp huyện mời; tiếp khách nước ngoài, tiếp nhà đầu tư đến tham quan, tìm hiểu; tiếp công dân định kỳ, đối thoại với công dân; đi khảo sát thực địa; dự hội thảo khoa học; họp Ban cán sự đảng Uỷ ban nhân dân Tỉnh; dự các lễ: ký kết, công bố, trao quyết định công tác cán bộ và các trường hợp khác có tính chất tương tự tại Uỷ ban nhân dân Tỉnh.
II. NỘI DUNG – GIẢI PHÁP
1. Các trường hợp không tổ chức cuộc họp
Thực hiện nghiêm quy định về các trường hợp không tổ chức cuộc họp tại Điều 6 Quyết định số 45/2018/QĐ-TTg ngày 09/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ về Quy định chế độ họp trong hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan thuộc hệ thống hành chính nhà nước. Bên cạnh đó, không tổ chức họp đối với các trường hợp sau đây:
a) Họp giải quyết công việc thuộc thẩm quyền và phạm vi trách nhiệm của sở, ban, ngành tỉnh và địa phương.
b) Họp thống nhất ý kiến của các ngành liên quan đối với một vấn đề nào đó khi chưa được trao đổi, lấy ý kiến bằng văn bản trước.
c) Họp giải quyết những nội dung mang tính chất chuyên môn, kỹ thuật hoặc để thu thập thông tin trong xử lý công việc thường xuyên.
d) Các cuộc họp theo quy định tại khoản 1 Mục này nhưng chưa chuẩn bị kỹ nội dung yêu cầu để đảm bảo chất lượng của cuộc họp.
Ngoài ra, các cuộc họp của Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Tỉnh quy định tại Điều 23 Quyết định số 45/2018/QĐ-TTg ngày 09/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ về Quy định chế độ họp trong hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan thuộc hệ thống hành chính nhà nước, chỉ được tổ chức khi thật sự cần thiết.
2. Giải pháp
a) Để thực hiện nghiêm quy định về các trường hợp không tổ chức cuộc họp tại khoản 1 nêu trên, các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung thực hiện các giải pháp như sau:
- Văn phòng Uỷ ban nhân dân Tỉnh chịu trách nhiệm:
+ Chủ động làm việc với cơ quan soạn thảo, cơ quan trình văn bản để làm rõ các đề xuất; đảm bảo cơ sở pháp lý - thực tiễn khi thẩm định các văn bản.
+ Xin ý kiến bằng văn bản hoặc qua hộp thư điện tử, điện thoại và các phương thức thích hợp khác để giải quyết công việc và thể hiện lên phiếu trình Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Tỉnh phụ trách khối.
- Các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm:
+ Chủ động phối hợp trong giải quyết công việc, thực hiện lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan bằng văn bản.
+ Phải sử dụng hộp thư điện tử, điện thoại và các phương thức thích hợp khác để trao đổi thông tin, xử lý công việc, xin ý kiến chỉ đạo.
b) Để nâng cao chất lượng các cuộc họp, các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện nghiêm Quyết định số 45/2018/QĐ-TTg ngày 09/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ về Quy định chế độ họp trong hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan thuộc hệ thống hành chính nhà nước. Bên cạnh đó, tập trung thực hiện các giải pháp như sau:
- Văn phòng Uỷ ban nhân dân Tỉnh chịu trách nhiệm:
+ Xác định chương trình và thành phần dự họp đảm bảo hợp lý, gọn nhẹ.
Lưu ý không mời các thành phần dự họp chỉ để biết và các thành phần đã cho ý kiến chính thức bằng văn bản về vấn đề cần bàn tại cuộc họp do cơ quan khác tổ chức trước đó (nếu có).
+ Đảm bảo chất lượng thẩm tra các nội dung họp.
+ Kết hợp nhiều nội dung trong một cuộc họp khi các cuộc họp có cùng chủ trì và thành phần tham dự cơ bản giống nhau.
+ Tăng cường sử dụng hình thức họp trực tuyến thay thế cho hình thức họp trực tiếp để tiết kiệm chi phí, công sức và thời gian đi lại (năm 2018 có 40 cuộc họp trực tuyến).
- Đơn vị trình: Nêu rõ nội dung cần xin ý, cơ sở pháp lý – thực tiễn.
- Đơn vị dự họp: Phát biểu gọn, đi thẳng trọng tâm yêu cầu, thể hiện rõ chính kiến của mình.
- Chủ trì: Kết luận rõ từng nội dung, cách thức xử lý, giải quyết vấn đề.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân Tỉnh chịu trách nhiệm
- Quán triệt đội ngũ công chức, viên chức thực hiện hiệu quả các nội dung và giải pháp trong việc giảm số lượng và nâng cao chất lượng các cuộc họp theo Kế hoạch này. Thực hiện tốt việc phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương trước, trong và sau cuộc họp nhằm chuẩn bị và phục vụ chu đáo, nhất là cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời đến chủ trì cuộc họp về nội dung, vấn đề cần bàn tại cuộc họp.
- Chỉ đạo Phòng Hành chính – Quản trị rà soát, tham mưu Văn phòng Uỷ ban nhân dân Tỉnh quản lý các cuộc họp tại Uỷ ban nhân dân Tỉnh đảm bảo mục đích giảm số lượng và nâng cao chất lượng các cuộc họp của Tỉnh, trong đó, trao đổi với đơn vị viết phần mềm bổ sung các tính năng như: Phân loại cuộc họp, thống kê cuộc họp, tự động cập nhật khi lịch thay đổi... trên phần mềm lịch công tác, để việc theo dõi, quản lý các cuộc họp được chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả.
- Chỉ đạo Phòng Tổng hợp – Văn xã tham mưu Văn phòng Uỷ ban nhân dân Tỉnh phối hợp với Sở Nội vụ theo dõi việc tổ chức thực hiện Kế hoạch tại các ngành, các cấp để kịp thời tham mưu, đề xuất Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Tỉnh khen thưởng các đơn vị, cá nhân làm tốt và phê bình, kiểm điểm trách nhiệm đối với các đơn vị, cá nhân thực hiện chưa tốt.
2. Thủ trưởng sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố
- Có chính kiến rõ ràng khi tham mưu, đề xuất hoặc được hỏi ý kiến về những nội dung có liên quan.
- Quán triệt cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức về mục đích, ý nghĩa, nội dung của Kế hoạch này và xây dựng Kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện tại cơ quan, đơn vị, địa phương đảm bảo khả thi, hiệu quả.
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào việc đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành để giảm các cuộc họp; cải tiến nội dung, cách thức tiến hành, nâng cao chất lượng và hiệu quả các cuộc họp tại đơn vị.
3. Giao Sở Thông tin và Truyền thông
Làm đầu mối phối hợp với các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về Kế hoạch và tình hình, kết quả thực hiện tại các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh.
4. Giao Sở Nội vụ
Làm đầu mối phối hợp với các sở, ngành tỉnh rà soát và đề xuất Uỷ ban nhân dân Tỉnh đẩy mạnh thực hiện phân cấp, uỷ quyền và kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ, công việc được phân cấp, uỷ quyền; tiếp tục đề xuất giảm số lượng các tổ chức tư vấn, phối hợp liên ngành (Hội đồng, Ban Chỉ đạo).
Trong quá trình thực hiện có phát sinh những khó khăn, vướng mắc, các ngành, các cấp phản ánh về Văn phòng Uỷ ban nhân dân Tỉnh tổng hợp, báo cáo Uỷ ban nhân dân Tỉnh xem xét, chỉ đạo giải quyết./.
Nơi nhận: | TM. UỶ BAN NHÂN DÂN |
- 1Quyết định 14/2007/QĐ-UBND về Quy chế tổ chức các cuộc họp của Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận 12 do Ủy ban nhân dân quận 12 ban hành
- 2Quyết định 2728/QĐ-UBND năm 2012 quy định về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hội nghị, cuộc họp của Ủy ban nhân dân tỉnh, Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương
- 3Kế hoạch 103/KH-UBND năm 2015 về giảm số lượng và nâng cao chất lượng các cuộc họp, hội nghị tại Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp
- 1Quyết định 14/2007/QĐ-UBND về Quy chế tổ chức các cuộc họp của Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận 12 do Ủy ban nhân dân quận 12 ban hành
- 2Quyết định 2728/QĐ-UBND năm 2012 quy định về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hội nghị, cuộc họp của Ủy ban nhân dân tỉnh, Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương
- 3Kế hoạch 103/KH-UBND năm 2015 về giảm số lượng và nâng cao chất lượng các cuộc họp, hội nghị tại Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp
- 4Quyết định 45/2018/QĐ-TTg quy định về chế độ họp trong hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan thuộc hệ thống hành chính nhà nước do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Kế hoạch 35/KH-UBND năm 2019 về giảm số lượng và nâng cao chất lượng các cuộc họp tại Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp
- Số hiệu: 35/KH-UBND
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 21/02/2019
- Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Tháp
- Người ký: Nguyễn Văn Dương
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 21/02/2019
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra