Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 341/KH-UBND | Đắk Nông, ngày 26 tháng 6 năm 2020 |
TRIỂN KHAI CÁC HOẠT ĐỘNG ĐÁP ỨNG PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH BẠCH HẦU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK NÔNG NĂM 2020
ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH BẠCH HẦU
I. TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH BẠCH HẦU
Bệnh Bạch hầu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, nhiễm trùng - nhiễm độc do trực khuẩn Bạch hầu Corynebacterium Diphtheriae gây nên. Đường lây chủ yếu là đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với trực khuẩn Bạch hầu có trong dịch tiết từ mũi họng của bệnh nhân. Tổn thương của Bạch hầu là viêm, loét ở vùng mũi, họng, thanh quản với những màng giả mạc kèm theo biểu hiện nhiễm độc nặng, tổn thương khắp các cơ quan, nhất là hệ thần kinh trung ương, tim mạch, thận và thượng thận do ngoại độc tố (là độc tố do vi khuẩn tiết ra môi trường) theo hệ tuần hoàn và bạch huyết đi khắp cơ thể gây ra. Tất cả mọi đối tượng, lứa tuổi, giới tính đều có thể mắc bệnh Bạch hầu. Lứa tuổi dễ mắc bệnh là trẻ em dưới 15 tuổi, tỷ lệ nhiễm khoảng 15% - 20% ở trẻ chưa có miễn dịch. Biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay để phòng bệnh Bạch hầu là tiêm vắc xin để tạo kháng thể kháng độc tố Bạch hầu.
Trong những năm gần đây, dịch bệnh Bạch hầu đã xuất hiện trở lại ở một số địa phương tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Tại tỉnh Đắk Nông, tình hình dịch bệnh Bạch hầu từ năm 2004 đến năm 2019 chưa ghi nhận trường hợp mắc Bạch hầu. Tính đến ngày 22/6/2020, toàn tỉnh đã ghi nhận 05 ổ dịch bệnh Bạch hầu với tổng số 12 trường hợp mắc, trong đó có 01 trường hợp tử vong.
Tính từ năm 2004 đến nay, đây là lần đầu tiên tỉnh Đắk Nông ghi nhận bệnh Bạch hầu. Do đó, địa phương ít nhiều còn lúng túng trong công tác triển khai, chưa có nhiều kinh nghiệm trong công tác phòng, chống.
Các trường hợp mắc bệnh Bạch hầu ghi nhận tại địa phương không khu trú ở một nhóm tuổi nhất định nên đối tượng nguy cơ rộng, đa số các trường hợp mắc Bạch hầu đều chưa được tiêm chủng đầy đủ các mũi vắc xin cơ bản có thành phần Bạch hầu hoặc không rõ lịch sử tiêm chủng. Các trường hợp mắc Bạch hầu đã ghi nhận tập trung ở nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, nhóm đồng bào dân tộc thiểu số (H’Mông) có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, giao thông đi lại khó khăn, bất đồng ngôn ngữ, các nhà ở liền kề nhau, mật độ dân cư đông nên tiếp xúc gần với nhau thường xuyên, họp nhóm để đọc kinh cầu nguyện, người dân không hợp tác trong việc triển khai tiêm vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng do đó miễn dịch trong cộng đồng thấp nguy cơ bùng phát dịch trên diện rộng.
Một số bộ phận dân cư không đưa trẻ đi tiêm chủng nên tỷ lệ bảo phủ vắc xin có thành phần Bạch hầu tại cộng đồng đạt thấp ở một số địa phương, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn. Đây là nhóm đối tượng nguy cơ dễ bị tấn công và bùng phát dịch.
Các trường hợp dương tính đang theo học tại trường học trên địa bàn có tiền sử tiếp xúc với nhiều bạn học có địa chỉ tại nhiều thôn, bon khác nhau trên địa bàn nên tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch tại nhiều địa phương.
Trước những tồn tại và khó khăn nêu trên, dự báo tình hình dịch bệnh Bạch hầu trong thời gian tới tiếp tục diễn biến phức tạp và cảnh báo nguy cơ lây lan trên diện rộng là rất lớn do số đối tượng tiếp xúc nhiều, tản phát ở nhiều địa phương, tỷ lệ bao phủ vắc xin thấp.
KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI ĐÁP ỨNG CHỐNG DỊCH BẠCH HẦU NĂM 2020
I. CƠ SỞ PHÁP LÝ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH
- Căn cứ Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm số 03/2007/QH12 ngày 21 tháng 11 năm 2007 của Quốc hội;
- Căn cứ Nghị định 101/2010/NĐ-CP ngày 30 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm về áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế và chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch;
- Căn cứ Thông tư số 17/2019/TT-BYT, ngày 17 tháng 7 năm 2019 của Bộ Y tế về hướng dẫn giám sát và đáp ứng với bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm;
- Căn cứ Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Thủ tướng chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng;
- Căn cứ Thông tư số 38/2017/TT-BYT ngày 17 tháng 10 năm 2017 của Bộ Y tế ban hành danh mục bệnh truyền nhiễm, phạm vi và đối tượng phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc;
- Căn cứ Thông tư số 34/2018/TT-BYT ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Bộ Y tế quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Thủ tướng chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng;
- Căn cứ Công văn số 379/VTN-DT ngày 21 tháng 6 năm 2020 của Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh Bạch hầu.
1. Mục tiêu chung
- Khống chế, bao vây, dập tắt ổ dịch;
- Hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ mắc, chết do bệnh Bạch hầu.
2. Mục tiêu cụ thể
- 100% các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh Bạch hầu đều được tiến hành điều tra, xác minh ca bệnh, khoanh vùng xử lý dịch và cách ly điều trị kháng sinh dự phòng theo quy định.
- 100% các ổ dịch Bạch hầu mới phát sinh ở quy mô xã, phường, thị trấn được kịp thời khoanh vùng, xử lý triệt để theo quy định, không để lan rộng và kéo dài;
- Trên 95% đối tượng tiếp xúc gần với các trường hợp dương tính và đối tượng nằm trong vùng nguy cơ cao được tiêm phòng vắc xin có thành phần Bạch hầu (Td/DPT/DPT-VGB-Hib) để chủ động phòng bệnh;
- 100% các cơ sở y tế tổ chức tốt hệ thống cấp cứu, điều trị bệnh nhân, sẵn sàng khu vực cách ly, thuốc, trang thiết bị y tế thiết yếu tại các tuyến để tiếp nhận, điều trị kịp thời người bệnh; tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám, chữa bệnh;
- 100% người dân ở vùng dịch được cung cấp thông tin, tuyên truyền về bệnh Bạch hầu: triệu chứng, nguyên nhân, đường lây truyền và các biện pháp phòng chống...
- Bảo đảm an toàn tiêm chủng theo quy định tại Nghị định số 104/2016/NĐ-CP, Nghị định số 155/2018/NĐ-CP và các quy định của Bộ Y tế.
1. Công tác tổ chức, chỉ đạo điều hành
- Tùy theo diễn biến tình hình dịch bệnh Bạch hầu sẽ công bố dịch và thành lập Ban chỉ đạo phòng chống Bạch hầu các cấp.
- Chỉ đạo việc phối hợp liên ngành để tổ chức giám sát, phát hiện, quản lý các đối tượng có tiếp xúc gần với các trường hợp dương tính và các trường hợp có tiếp xúc gần với người tiếp xúc gần.
- Kích hoạt các đội đáp ứng nhanh tại các tuyến. Duy trì đường dây nóng, tổ chức trực dịch từ tỉnh đến cơ sở nhằm thu thập thông tin và báo cáo kịp thời về tình hình dịch bệnh Bạch hầu trên địa bàn, duy trì hệ thống báo cáo hàng ngày và đột xuất khi có yêu cầu.
- Thủ trưởng các Sở, ngành, đoàn thể, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn chỉ đạo thực hiện nghiêm các nội dung phòng, chống dịch bệnh Bạch hầu trên địa bàn theo khuyến cáo, hướng dẫn của các Viện đầu ngành, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo.
- Tăng cường trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong công tác phòng, chống dịch bệnh Bạch hầu, sớm phê duyệt kế hoạch phòng, chống dịch bệnh, hỗ trợ kinh phí địa phương để công tác phòng, chống dịch Bạch hầu được triển khai kịp thời.
- Chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, hóa chất, sinh phẩm, vật tư chuyên dùng, trang thiết bị cần thiết, trang bị phòng hộ cho công tác phòng, chống dịch bệnh Bạch hầu của tỉnh cho nhân viên y tế và người tiếp xúc tại cơ sở điều trị, vùng ổ dịch.
2. Công tác chuyên môn kỹ thuật
a) Truyền thông, giáo dục sức khoẻ
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền rộng rãi trong cộng đồng về bệnh Bạch hầu: triệu chứng, nguyên nhân, đường lây truyền, đối tượng cảm nhiễm và các biện pháp phòng, chống, những hậu quả và thiệt hại nặng nề do bệnh để lại để mọi người dân có thể hiểu và chủ động tham gia phòng, chống.
- Đa dạng hóa các hình thức và ngôn ngữ truyền thông để chuyển tải đầy đủ hiệu quả các thông điệp truyền thông đến mọi tầng lớp, thành phần dân cư như: tổ chức tọa đàm về phòng, chống dịch bệnh Bạch hầu, phát sóng rộng rãi trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; truyền thông trên các phương tiện như Báo Đắk Nông, hệ thống truyền thanh huyện, thành phố và xã, phường, thị trấn; qua pano, tờ rơi, tờ gấp và tuyên truyền trực tiếp tại cộng đồng; truyền thông trên mạng xã hội. Nội dung và phương pháp tuyên truyền phải phong phú, ngắn gọn, cụ thể, súc tích, hấp dẫn và phù hợp với đặc điểm của từng địa phương để mọi người dân dễ tiếp thu và thực hiện, chú trọng tuyên truyền những biện pháp phòng, chống dịch bệnh Bạch hầu.
- Thông tin kịp thời, chính xác diễn biến dịch bệnh cũng như các hoạt động phòng, chống dịch của tỉnh để nhân dân chủ động áp dụng các biện pháp phòng dịch bệnh nhưng không hoang mang, lo lắng.
- Thực hiện truyền thông về nguy cơ, phòng, chống dịch bệnh Bạch hầu cho các đối tượng lãnh đạo, quản lý, chức sắc tôn giáo, người tham gia trực tiếp phòng, chống dịch và toàn thể người dân trong cộng đồng.
b) Đào tạo, tập huấn
Giao Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương tổ chức tập huấn hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật về công tác điều tra, giám sát, khoanh vùng và xử lý dịch bệnh, các biện pháp cần triển khai trong phòng, chống dịch bệnh Bạch hầu; công tác lấy mẫu triển khai xét nghiệm, điều trị và kiểm soát nhiễm khuẩn trong phòng, chống Bạch hầu cho cán bộ y tế các tuyến.
c) Giám sát, điều tra, xử lý dịch
- Yêu cầu tất cả các trường hợp bệnh xác định, các trường hợp bệnh lâm sàng hoặc có dấu hiệu, triệu chứng nghi ngờ mắc Bạch hầu phải được điều tra xác minh, giám sát đầy đủ, kịp thời và xử lý theo đúng quy định:
Tiến hành điều tra, xác minh thông tin và đánh giá các yếu tố nguy cơ liên quan đến bệnh Bạch hầu;
Giám sát, theo dõi chặt chẽ, cách ly y tế bắt buộc các trường hợp mắc và nghi ngờ mắc tại các ổ dịch;
Tiến hành điều tra dịch tễ học, lập danh sách các đối tượng tiếp xúc với trường hợp dương tính;
Lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp tiếp xúc với trường hợp mắc;
Giám sát công tác xử lý khử khuẩn vệ sinh môi trường: phun, lau chùi khử khuẩn môi trường tại ổ dịch và tại các hộ gia đình có các trường hợp dương tính hoặc có tiếp xúc với trường hợp dương tính ngay sau khi ghi nhận ca bệnh;
Kiểm tra, giám sát việc điều trị dự phòng bằng kháng sinh của các trường hợp nghi mắc và nhóm đối tượng tiếp xúc với trường hợp bệnh dương tính đảm bảo tất cả các đối tượng nguy cơ được điều trị đủ liệu trình.
- Tăng cường công tác giám sát chủ động tại các cơ sở y tế và cộng đồng, đặc biệt chú trọng tại các vùng lân cận ổ dịch, vùng giáp ranh với các địa phương có ca bệnh nhằm phát hiện sớm, khoanh vùng và xử lý kịp thời không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Nâng cao chất lượng hệ thống giám sát dựa vào sự kiện, phát huy vai trò của mạng lưới y tế thôn, buôn, bản, tổ dân phố trong việc phát hiện, khai báo kịp thời các trường hợp có triệu chứng nghi ngờ mắc Bạch hầu hoặc các trường hợp có tiếp xúc với ca dương tính trở về địa phương.
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật trong hoạt động phòng, chống dịch bệnh Bạch hầu tại các tuyến.
- Kiểm tra, giám sát, hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến cơ sở về phân tuyến điều trị, phân luồng khám bệnh, cách ly đối với các trường hợp bệnh dương tính, nghi ngờ, triển khai các giải pháp phòng, chống lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
- Tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, chỉ đạo tuyến cơ sở triển khai các biện pháp đáp ứng phù hợp với tình hình dịch bệnh Bạch hầu trên địa bàn. Phê bình, chấn chỉnh kịp thời các địa phương đáp ứng chậm, muộn, thiếu phối hợp trong việc phòng, chống dịch bệnh Bạch hầu để dịch bệnh lan rộng trong cộng đồng.
- Tổ chức điều tra xác minh dịch, điều tra dịch tễ, giám sát các ổ dịch cũ có nguy cơ tiềm ẩn bùng phát dịch tại địa phương. Đưa ra các dự báo và đề xuất các biện pháp triển khai phòng, chống dịch cụ thể, kịp thời.
- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát, thu thập, quản lý dữ liệu, thống kê, phân tích đánh giá nguy cơ tình hình dịch bệnh để tham mưu triển khai các biện pháp phòng, chống phù hợp, kịp thời.
d) Thu dung, cách ly điều trị
- Tổ chức tốt hệ thống cấp cứu, điều trị bệnh nhân, sẵn sàng khu vực cách ly, thuốc, trang thiết bị y tế thiết yếu tại các tuyến để tiếp nhận, điều trị kịp thời người bệnh; tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Thu dung, cách ly và điều trị tại Trung tâm Y tế hoặc các bệnh viện tuyến trên toàn bộ những trường hợp có triệu chứng đặc hiệu hoặc có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh Bạch hầu.
- Tổ chức các đội cấp cứu lưu động nội viện, ngoại viện để sẵn sàng đáp ứng với mọi tình huống dịch để hỗ trợ tuyến dưới, chuyển điều trị bắt buộc tại cơ sở y tế đối với các trường hợp bệnh mới phát hiện tại cộng đồng trong vùng ổ dịch hoặc chuyển tuyến kịp thời đối với các trường hợp bệnh diễn tiến nặng mà cơ sở khám chữa bệnh tại địa phương không đủ năng lực để điều trị.
- Cách ly và điều trị dự phòng bằng kháng sinh theo phác đò cho tất cả các đối tượng tiếp xúc gần với trường hợp mắc bệnh Bạch hầu.
đ) Tiêm chủng vắc xin phòng bệnh Bạch hầu
- Nội dung triển khai
Tổ chức chiến dịch tiêm vắc xin đáp ứng chống dịch;
Tổ chức tiêm vét, tiêm bù vắc xin phòng bệnh Bạch hầu cho các đối tượng trong độ tuổi tiêm chủng trên địa bàn toàn tỉnh;
Triển khai giám sát hoạt động tiêm vắc xin phòng bệnh Bạch hầu;
Đảm bảo không bỏ sót đối tượng và thực hiện an toàn trong tiêm chủng theo quy định của Bộ Y tế.
- Đối tượng tiêm chủng phòng, chống dịch
* Giai đoạn 1:
Tiêm vét, tiêm bù vắc xin trong tiêm chủng mở rộng: Tiến hành điều tra, rà soát tất cả các đối tượng trong độ tuổi tiêm chủng từ đủ 02 tháng đến 12 tháng chưa tiêm đủ các mũi tiêm cơ bản hoặc 18 tháng đến 48 tháng chưa tiêm nhắc vắc xin có thành phần Bạch hầu.
Triển khai tiêm chủng cho toàn bộ học sinh, giáo viên, nhân viên tại Trung tâm bảo trợ xã hội nhà May Mắn và toàn bộ các trường hợp có tiếp xúc gần với ca bệnh dương tính tại thôn Phú Vinh, xã Quảng Phú, huyện Krông Nô.
Triển khai tiêm chủng cho toàn bộ đối tượng từ 7 đến dưới 40 tuổi trên địa bàn toàn xã Quảng Hòa và tại Cụm 12, xã Đắk R’Măng, huyện Đắk Glong. Dự kiến đối tượng cần tiêm trong giai đoạn 1 là 5.420 người. Trong đó, tại huyện Krông Nô: 220 đối tượng, huyện Đắk Glong: 5.200 đối tượng (xã Quảng Hòa: 5.000 đối tượng, xã Đắk R’Măng: 200 đối tượng); thời gian triển khai: tháng 6, tháng 7 năm 2020 và tháng 01 năm 2021; triển khai 03 vòng, vòng 1 cách vòng 2 một tháng, vòng 3 cách vòng 2 sáu tháng.
* Giai đoạn 2:
Triển khai tiêm vắc xin Td cho đối tượng từ 7 đến 15 tuổi tại thôn có ghi nhận ca bệnh dương tính (thôn Phú Vinh, xã Quảng Phú, huyện Krông Nô).
Dự kiến đối tượng cần tiêm trong giai đoạn 2 là: 487 đối tượng
Thời gian triển khai: dự kiến tháng 7 tháng 8 năm 2020 và tháng 02 năm 2021 và tùy theo diễn biến tình hình bệnh Bạch hầu trên địa bàn.
Triển khai 03 vòng, vòng 1 cách vòng 2 một tháng, vòng 3 cách vòng 2 sáu tháng.
* Giai đoạn 3:
Triển khai tiêm vắc xin Td cho đối tượng từ 07 đến 35 tuổi tại xã có ghi nhận ca bệnh dương tính (xã Quảng Phú, huyện Krông Nô) và triển khai cho đối tượng từ 7 đến dưới 40 tuổi của toàn xã Đắk R’Măng, huyện Đắk Glong.
Dự kiến đối tượng cần tiêm trong giai đoạn 3 là: 8.961 đối tượng (huyện Krông Nô: 3.535 đối tượng, huyện Đắk Glong: 5.426 đối tượng).
Thời gian triển khai: dự kiến tháng 8, tháng 9 năm 2020 và tháng 03 năm 2021 và tùy theo tình hình dịch bệnh trên địa bàn.
Triển khai 03 vòng, vòng 1 cách vòng 2 một tháng, vòng 3 cách vòng 2 sáu tháng.
- Chỉ định tiêm vắc xin phòng bệnh Bạch hầu theo từng nhóm tuổi
Đối tượng từ 02 tháng đến 12 tháng chưa tiêm chủng hoặc tiêm chưa đủ mũi thì tiêm 01 mũi vắc xin SII và triển khai tiêm các mũi tiêm tiếp theo cho đến khi đủ 3 mũi cơ bản theo quy định, mũi cách mũi 01 tháng;
Đối tượng từ 18 - 24 tháng tuổi chưa tiêm tiêm nhắc mũi vắc xin có chứa thành phần Bạch hầu thì tiêm 01 mũi vắc xin SII;
Đối tượng từ 24 tháng đến 48 tháng tuổi chưa tiêm nhắc mũi vắc xin có chứa thành phần Bạch hầu thì tiêm 01 mũi vắc xin DPT;
Đối tượng trên 07 tuổi tại ổ dịch đã tiêm 03 hoặc 04 mũi vắc xin có chứa thành phần uốn ván - Bạch hầu thì tiêm 01 mũi vắc xin Td; trong trường hợp đối tượng tiêm dưới 03 mũi vắc xin hoặc không rõ tiền sử tiêm vắc xin có chứa thành phần uốn ván - bạch hầu thì tiêm 03 mũi vắc xin Td (mũi thứ nhất tính từ lần tiêm đầu tiên, mũi thứ hai cách mũi thứ nhất 01 tháng, mũi thứ ba cách mũi thứ hai 06 tháng);
Lưu ý: Không tiêm chủng vắc xin Td đối với các trường hợp tiêm vắc xin có chứa thành phần Bạch hầu - Uốn ván trong vòng một tháng.
e) Triển khai xét nghiệm bằng kỹ thuật PCR
- Đơn vị thực hiện: phòng xét nghiệm thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Nông.
- Nội dung triển khai:
Mời Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên về đào tạo, chuyển giao kỹ thuật;
Mua sinh phẩm, vật tư liên quan để triển khai xét nghiệm tìm vi khuẩn Bạch hầu bằng kỹ thuật PCR.
g) Công tác hậu cần, vật tư, nhân lực
- Hiện tại, sử dụng các trang thiết bị, thuốc hóa chất và các vật tư khác có tại kho Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh và trung tâm Y tế các huyện, thành phố. Ngoài các vật tư, trang thiết bị hiện có, tùy theo tính chất của dịch, Sở Y tế đề xuất tham mưu để huy động các phương tiện vận tải, xe cứu thương, trường học, khách sạn (làm bệnh viện dã chiến, khu cách ly điều trị bệnh nhân)... từ các Sở, Ban, ngành để kịp thời đáp ứng nhu cầu chống dịch.
- Bố trí đủ giường bệnh, thuốc sẵn sàng cấp cứu để điều trị bệnh nhân, hạn chế thấp nhất tử vong do bệnh Bạch hầu.
- Ưu tiên mua sắm thuốc kháng sinh, vắc xin và vật tư tiêm chủng chống dịch, sinh phẩm, môi trường và vật tư phục vụ công tác lấy mẫu, vật tư, trang phục phòng hộ, sinh phẩm, vật tư triển khai xét nghiệm.
- Đối với tuyến xã: Bổ sung lực lượng cộng tác viên, tình nguyện viên để tham gia, triển khai các biện pháp phòng, chống Bạch hầu trên địa bàn.
- Rà soát và đề xuất những chính sách, giải pháp phù hợp để đảm bảo đãi ngộ xứng đáng cho cán bộ y tế trong công tác phòng, chống Bạch hầu.
h) Công tác phối hợp liên ngành
Tăng cường phối hợp với các Sở, Ban, ngành: Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh và các đơn vị liên quan khác trong phòng, chống dịch bệnh Bạch hầu.
i) Thống kê báo cáo: Thực hiện thống kê báo cáo theo Thông tư 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ Y tế về Hướng dẫn chế độ thông tin báo cáo và khai báo dịch bệnh truyền nhiễm.
Từ nguồn kinh phí hoạt động phòng, chống dịch ở người hàng năm theo phân cấp ngân sách. Trong trường hợp cần bổ sung kinh phí, Sở Tài chính tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh cân đối ngân sách và bố trí kinh phí thực hiện theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và phân cấp hiện hành.
1. Sở Y tế
- Chỉ đạo triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Bạch hầu trên địa bàn tỉnh nói chung, đặc biệt tại các ổ dịch Trung tâm Nhà May mắn, huyện Krông Nô và xã Quảng Hòa, xã Đắk R’Măng huyện Đắk Glong theo đúng quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế; tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các trường hợp tiếp xúc gần, người tiếp xúc với người tiếp xúc gần, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm các trường hợp bệnh và nghi ngờ bệnh để cách ly, điều trị, điều trị dự phòng, khoanh vùng, xử lý ổ bệnh kịp thời, hiệu quả, không để dịch lây lan và bùng phát ra cộng đồng;
- Tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành, giám sát, hướng dẫn công tác vệ sinh, xử lý môi trường phòng, chống dịch bệnh Bạch hầu theo hướng dẫn Bộ Y tế trên địa bàn tỉnh, nhất là các địa bàn có dịch và khả năng bùng phát dịch cao;
- Chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chuẩn bị đầy đủ cơ sở cách ly, thuốc, vật tư, trang thiết bị, nhân lực... tổ chức tốt việc thu dung, lấy mẫu và triển khai xét nghiệm tìm vi khuẩn Bạch hầu bằng kỹ thuật PCR, cách ly, cấp cứu, điều trị bệnh nhân kịp thời, hạn chế tối đa số trường hợp biến chứng nặng và tử vong;
- Chủ động triển khai tập huấn, các chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao trách nhiệm của các địa phương, cộng đồng và nhận thức của người dân để tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh Bạch hầu tại cộng đồng. Xây dựng và cung cấp tài liệu truyền thông phòng, chống bệnh Bạch hầu cho các địa phương để nâng cao công tác tuyên truyền;
- Tổ chức rà soát, triển khai tiêm chủng phòng, chống bệnh Bạch hầu trên địa bàn tỉnh, không bỏ sót đối tượng;
- Theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh Bạch hầu, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo kịp thời; đồng thời cập nhật tình hình dịch, hàng ngày báo cáo về UBND tỉnh.
- Tùy tình hình dịch bệnh, chủ động phối hợp với Sở Tài chính đề xuất UBND tỉnh cấp bổ sung kinh phí phòng, chống dịch bệnh Bạch hầu theo yêu cầu.
2. Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND các huyện, thành phố
- Phối hợp với ngành Y tế đẩy mạnh truyền thông phòng, chống bệnh Bạch hầu trong trường học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp; chỉ đạo tổ chức tốt công tác vệ sinh khử khuẩn trường học, tuân thủ tiêm chủng và điều trị dự phòng bệnh Bạch hầu theo hướng dẫn của ngành Y tế.
- Chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn tăng cường công tác phối hợp liên ngành, đặc biệt là công tác phát hiện và báo cáo cho đơn vị Y tế cơ sở về các trường hợp nghi nhiễm bệnh để kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống.
3. Sở Thông tin và Truyền thông
- Chỉ đạo các cơ quan truyền thông trên địa bàn tỉnh phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế tăng cường các hoạt động truyền thông, tuyên truyền về nguy cơ mắc bệnh Bạch hầu, triệu chứng, sự nguy hiểm của bệnh và các biện pháp phòng, chống để nâng cao nhận thức, ý thức tự giác và chủ động phòng, chống dịch bệnh cho người dân; các gia đình đi tiêm và đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch; các trường hợp có triệu chứng như: sốt, đau họng cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời; cập nhật, cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh Bạch hầu trên địa bàn tỉnh kịp thời, chính xác đến người dân;
- Phối hợp với Công an tỉnh cương quyết xử lý những trường hợp tung tin không đúng sự thật về tình hình dịch bệnh Bạch hầu gây hoang mang, lo lắng trong cộng đồng.
4. Sở Tài chính
Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, cân đối, bổ sung kinh phí kịp thời để Sở Y tế triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Bạch hầu trên địa bàn tỉnh đúng theo quy định.
5. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở
Phát huy vai trò, trách nhiệm, thường xuyên bám sát cơ sở, nắm chắc tình hình nhân dân để phối hợp chặt chẽ với cơ quan liên quan phổ biến, tuyên truyền cho nhân dân những thông tin cần thiết, chính xác, góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh Bạch hầu; đề cao vai trò trách nhiệm mỗi người dân trong việc tự bảo vệ, nâng cao sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng trước dịch bệnh theo đúng các khuyến cáo của cơ quan y tế.
6. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
- Khẩn trương tổ chức triển khai lập tức công tác phòng, chống, khống chế kịp thời dịch bệnh Bạch hầu tại địa bàn, không để dịch bệnh Bạch hầu lan rộng, bùng phát trong cộng đồng; chủ động xây dựng Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh Bạch hầu trên địa bàn quản lý.
- Tăng cường công tác truyền thông phòng, chống dịch bệnh nói chung và dịch bệnh Bạch hầu nói riêng để nâng cao nhận thức cho cộng đồng và người dân; tổ chức tốt công tác vệ sinh môi trường, nhà cửa, trường học... nhất là vùng có ổ bệnh và vùng liên quan.
- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, Ban, ngành liên quan trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế thực hiện việc cách ly người bệnh, hạn chế đi lại vùng có ổ bệnh, tuân thủ điều trị dự phòng theo quy định;
- Hỗ trợ kinh phí cho các Trung tâm Y tế huyện, thành phố để tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Bạch hầu kịp thời trên địa bàn.
- Tuyên truyền, vận động người dân thực hiện việc tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch đối với tất cả các loại vắc xin trong tiêm chủng mở rộng nói chung và vắc xin phòng bệnh Bạch hầu nói riêng; chỉ đạo tổ chức triển khai đầy đủ các hoạt động đáp ứng khi có ca bệnh, ca nghi bệnh Bạch hầu theo hướng dẫn của ngành Y tế;
- Báo cáo hàng ngày tình hình dịch bệnh Bạch hầu trên địa bàn và đề xuất phương hướng phòng, chống dịch (nếu có) về Sở Y tế để tổng hợp, tham mưu chỉ đạo.
Trên đây là Kế hoạch triển khai các hoạt động đáp ứng phòng, chống Bạch hầu trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Căn cứ nội dung Kế hoạch này, các đơn vị, các địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể và tổ chức thực hiện. Giao Sở Y tế chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện, tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan có thẩm quyền theo quy định
| KT. CHỦ TỊCH |
- 1Kế hoạch 1244/KH-UBND về triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin uốn ván - bạch hầu giảm liều (TD) năm 2020 tỉnh Lai Châu
- 2Công văn 3289/UBND-KGVX năm 2020 về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng và bạch hầu do thành phố Hà Nội ban hành
- 3Kế hoạch 130/KH-UBND năm 2020 về triển khai tiêm bổ sung vắc xin uốn ván - bạch hầu giảm liều (TD) năm 2020-2021 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
- 4Kế hoạch 639/KH-UBND năm 2020 về triển khai hoạt động đáp ứng phòng, chống dịch bệnh bạch hầu trên địa bàn tỉnh Đắk Nông năm 2020-2021
- 1Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007
- 2Nghị định 101/2010/NĐ-CP hướng dẫn Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm về áp dụng biện pháp, cưỡng chế cách ly y tế và chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch
- 3Luật ngân sách nhà nước 2015
- 4Thông tư 54/2015/TT-BYT hướng dẫn chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 5Nghị định 104/2016/NĐ-CP quy định về hoạt động tiêm chủng
- 6Thông tư 38/2017/TT-BYT về danh mục bệnh truyền nhiễm, phạm vi và đối tượng phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 7Nghị định 155/2018/NĐ-CP sửa đổi quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế
- 8Thông tư 34/2018/TT-BYT hướng dẫn Nghị định 104/2016/NĐ-CP quy định về hoạt động tiêm chủng do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 9Thông tư 17/2019/TT-BYT hướng dẫn giám sát và đáp ứng với bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 10Kế hoạch 1244/KH-UBND về triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin uốn ván - bạch hầu giảm liều (TD) năm 2020 tỉnh Lai Châu
- 11Công văn 3289/UBND-KGVX năm 2020 về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng và bạch hầu do thành phố Hà Nội ban hành
- 12Kế hoạch 130/KH-UBND năm 2020 về triển khai tiêm bổ sung vắc xin uốn ván - bạch hầu giảm liều (TD) năm 2020-2021 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Kế hoạch 341/KH-UBND triển khai hoạt động đáp ứng phòng, chống dịch bệnh Bạch hầu trên địa bàn tỉnh Đắk Nông năm 2020
- Số hiệu: 341/KH-UBND
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 26/06/2020
- Nơi ban hành: Tỉnh Đắk Nông
- Người ký: Tôn Thị Ngọc Hạnh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 26/06/2020
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra