Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC NINH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 340/KH-UBND

Bắc Ninh, ngày 30 tháng 5 năm 2025

 

KẾ HOẠCH

BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN LỢI THỦY SẢN ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC NINH

Căn cứ Luật Thủy sản ngày 21 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 37/2024/NĐ-CP ngày 04/4/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 26/2029/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thuỷ sản;

Căn cứ Quyết định số 76/QĐ-TTg ngày 18/01/2024 của Chính phủ phê duyệt Chương trình Quốc gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 389/QĐ-TTg ngày 09/5/2024 của Chính phủ phê duyệt Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thuỷ sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050;

Căn cứ Quyết định số 1856/QĐ-BNN-KT ngày 21/6/2024 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 76/QĐ-TTg ngày 18/01/2024 của Chính phủ phê duyệt Chương trình Quốc gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 3610/QĐ-BNN-KT ngày 23/10/2024 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc ban hành Kế hoạch thực hiện “quy hoạch và bảo vệ khai thác nguồn lợi thuỷ sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 của Bộ Nông nghiệp và PTNT”;

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Môi trường tại Tờ trình số 138/TTr-SNN ngày 29/4/2025.

Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh ban hành kế hoạch Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thuỷ sản (BVNLTS) nhằm phát triển nguồn lợi thủy sản tự nhiên, hệ sinh thái thủy sinh. Gắn các hoạt động kiểm tra, kiểm soát, quản lý nguồn lợi thủy sản tự nhiên với các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng, xã hội về bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản nhằm giữ gìn tính đa dạng sinh học, chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển thủy sản bền vững.

2. Mục tiêu cụ thể

- Điều tra, đánh giá nguồn lợi thuỷ sản nội đồng và môi trường sống của loài thủy sản trên sông Đuống, sông Thái Bình, sông Cầu.

- Cập nhật thông tin dữ liệu trên hệ thống phần mềm quốc gia về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản phục vụ công tác quản lý nguồn lợi thuỷ sản.

- Duy trì tổ chức các hoạt động tuyên truyền, thả cá giống tái tạo nguồn lợi thuỷ sản vào vùng nước tự nhiên hàng năm nhân dịp truyền thống Ngành thuỷ sản Việt Nam (ngày 01 tháng 4) hằng năm.

- Tổ chức các hội nghị, tập huấn nhằm tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy định pháp luật liên quan đến bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thuỷ sản.

II. NỘI DUNG VÀ KẾ HOẠCH THỰC HIỆN

1. Điều tra đánh giá nguồn lợi thuỷ sản nội đồng và môi trường sống của các loài thuỷ sản

- Điều tra, đánh giá tổng thể nguồn lợi thủy sản nội đồng và môi trường sống loài thủy sản trên sông Đuống, sông Thái Bình, sông Cầu.

- Cập nhật cơ sở dữ liệu liệu thông tin quốc gia về bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản; thông tin, công bố kết quả điều tra đánh giá nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản.

2. Bảo vệ nguồn lợi thủy sản

- Triển khai thực hiện quy định về quản lý bảo vệ, kiểm soát hoạt động khai thác, gây nuôi, vận chuyển, mua bán tiêu thụ các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm.

- Thực hiện nhiệm vụ phối hợp kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về khai thác và BVNLTS như: sử dụng xung điện, chất độc, nghề, ngư cụ khai thác có tính hủy diệt, tận diệt, khai thác loài thủy sản có kích thước nhỏ hơn quy định; khai thác, vận chuyển, mua bán tiêu thụ trái phép các loài nguy cấp, quý, hiếm.

- Nghiên cứu kết nối tổ chức một số chương thăm quan, du lịch sinh thái trải nghiệm, thả cá giống tái tạo nguồn lợi thuỷ sản tại môi số điểm du lịch tâm linh trên địa bàn tỉnh.

3. Tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản và phục hồi môi trường sống của loài thủy sản

Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, thả cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản vào vùng nước tự nhiên hàng năm nhân dịp truyền thống Ngành thuỷ sản Việt Nam (ngày 01 tháng 4), ngày Môi trường thế giới (ngày 05 tháng 6), ngày Đại dương thế giới (ngày 08 tháng 6), ngày Quốc tế đa dạng sinh học (ngày 22 tháng 5), Lễ hội Vu lan (ngày 15 tháng 7 âm lịch);

4. Tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về công tác bảo vệ
nguồn lợi thủy sản

Xây dựng chương trình, phóng sự về BVNLTS, tuyên truyền phổ biến văn bản pháp luật trong lĩnh vực BVNLTS trên các phương tiện thông tin đại chúng; in ấn, phát hành tranh ảnh, áp phích, tờ rơi và các panô cổ động tuyên truyền về bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

(Các nội dung kế hoạch thực hiện có phụ lục đính kèm)

III. CÁC NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Về cơ chế, chính sách

- Đề xuất, triển khai thực hiện chính sách BVNLTS nhằm khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút, huy động các nguồn lực của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham các hoạt động bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thuỷ sản và môi trường sống của loài thủy sản tự nhiên.

- Chủ động đề xuất ý kiến nhằm sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định Pháp luật về quản lý, bảo vệ, khai thác và phát triển nguồn lợi thủy sản;

- Tham mưu, đề xuất chính sách khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ KH&CN trong lưu giữ, bảo tồn, phát triển nguồn gen và tham gia hoạt động sản xuất một số giống thuỷ sản nguy cấp, quý hiếm, có giá trị khoa học, kinh tế, loài bản địa, đặc hữu.

2. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức

- Xây dựng chương trình, phóng sự, bản tin chuyên đề trên hệ thống Báo, Đài phát thanh-Truyền hình, Báo điện tử, Cổng thông tin điện tử tỉnh... nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò, giá trị nguồn lợi thủy sản tự nhiên đối với hệ sinh thái, môi trường sống; ý nghĩa, trách nhiệm của của các tổ chức, cá nhân trong BVNLTS, đặc biệt là bảo vệ loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm, có giá trị kinh tế. Nội dung tuyên truyền phù hợp với văn hóa, tín ngưỡng bằng hình thức tuyên truyền bằng cách treo băng zdôn, khẩu hiệu và lưu động vào các dịp ngày truyền thống Ngành thủy sản Việt Nam (ngày 01 tháng 4), ngày Môi trường thế giới (ngày 05 tháng 6), ngày Đại dương thế giới (ngày 08 tháng 6), ngày Quốc tế đa dạng sinh học (ngày 22 tháng 5), Lễ hội Vu lan (ngày 15 tháng 7 âm lịch);

- Lồng ghép nội dung giáo dục BVNLTS vào dịp các dịp Lễ, hội và các hoạt động bảo vệ môi trường. Cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ kịp thời các văn bản, quy định của pháp luật về BVNLTS để phổ biến đến cán bộ, nhân dân nắm bắt, không sử dụng các công cụ, dụng cụ cấm để khai thác thuỷ sản trái phép theo quy định pháp luật; không nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm và tích cực tham gia đấu tranh, tố giác hành vi vi phạm pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

3. Nâng cao năng lực quản lý và phát triển nguồn nhân lực trong BVNLTS.

Cử, tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tham gia các lớp đào tạo tập huấn, kỹ năng thuyết trình phổ biến văn bản quy phạm pháp luật, thanh tra, kiểm tra, chương trình đào tạo quản lý nghề cá cộng đồng...nhằm nâng cao năng lực, trình độ trong triển khai, thực hiện các hoạt động BVNLTS.

4. Khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế

- Đề xuất xây dựng các chương trình, đề tài, dự án nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ chọn, tạo giống giống, hoàn thiện quy trình kỹ thuật, chuyển giao công nghệ...nhằm sản xuất con giống, ương, nuôi một số loài thủy sản giống thuỷ sản nguy cấp, quý hiếm, có giá trị khoa học, kinh tế, loài bản địa, đặc hữu để thả tạo nguồn lợi, phục hồi hệ sinh thái như: cá Ngạnh sông, cá Lăng chấm, cá Chiên, cá Nheo sông, cá Bỗng, cá Rầm xanh, cá Anh vũ, cá Chày đất...

- Tăng cường hợp tác quốc tế, tìm kiếm và sử dụng có hiệu quả nguồn lực hỗ trợ của các đối tác, tổ chức quốc tế nhằm trao đổi thông tin, học tập, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực điều tra, khảo sát, đánh giá, nghiên cứu nguồn lợi thủy sản; quản lý, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.

- Khuyến khích sự tham gia đóng góp của tổ chức, cá nhân đầu tư, phát triển khoa học công nghệ, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản gắn với khai thác nguồn lợi thủy sản hiệu quả, bền vững và thân thiện với môi trường.

5. Phối hợp trong hoạt động bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản

- Tiếp tục chỉ đạo, triển khai thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản: Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 29/5/2014 của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh về việc nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thuỷ sản trên địa bàn tỉnh; Chỉ thị 15-CT/TU ngày 23/9/2016 của Ban thường vụ tỉnh ủy Bắc Ninh về việc tăng cường lãnh đạo cấm đánh bắt thủy sản bằng xung kích điện gây hủy diệt nguồn lợi thủy sản trên địa bàn; văn bản số 499/UBND-NN ngày 28/01/2017 của UBND tỉnh về việc tăng cường truyền thông và kiểm tra các hoạt động phát tán nuôi trồng các loài ngoại lai xâm nhập...

- Phối hợp với các phòng, ban, đơn vị thuộc Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh; Cơ quan quản lý nhà các cấp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với các hoạt động nuôi trồng thủy sản, khai thác thủy sản và vận chuyển sản phẩm thủy sản, giống thủy sản, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, ngư cụ cấm để khai thác thủy sản và công cụ kích điện để khai thác thủy sản để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trật tự xã hội trên đường bộ, đường thủy.

- Phối hợp với Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bắc Ninh tiếp tục triển khai thực hiện quy chế phối hợp trong lĩnh vực phóng sinh, tái tạo và bảo vệ NLTS trên địa bàn tỉnh nhân dịp các ngày Vu lan, Phật Đản, ngày rằm, mùng một... theo tín ngưỡng văn hoá, tâm linh nhưng đúng quy định về thả giống tái tạo nguồn lợi thuỷ sản.

IV. NGUỒN KINH PHÍ VÀ THỜI GIAN THỰC HIỆN

1. Nguồn kinh phí:

- Nguồn ngân sách nhà nước cấp hàng năm: chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên (vốn sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp môi trường, sự nghiệp khoa học...) theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước hiện hành;

- Nguồn vốn đầu tư công (nếu có) trung hạn giai đoạn 2021-2025, 2026-2030”;

- Kinh phí vận động, huy động từ các nhà tài trợ nước ngoài, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; nguồn tài chính khác theo quy định của Pháp luật.

2. Thời gian thực hiện: Từ năm 2025-2030

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Môi trường

- Là cơ quan đầu mối giúp UBND tỉnh chỉ đạo, thực hiện kế hoạch và phối hợp với các Sở, ngành, địa phương tổ chức thực hiện kế hoạch đảm bảo hiệu quả, đúng quy định.

- Tham mưu, đề xuất UBND tỉnh các giải pháp chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch. Hàng năm lập dự trù kinh phí triển khai thực hiện nội dung kế hoạch gửi Sở Tài chính trình UBND tỉnh giao dự toán theo quy định.

- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền và phổ biến các quy định của Pháp luật về bảo vệ nguồn lợi, môi trường thủy sản với những nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp đến người dân; phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương tổ chức và duy trì công tác thanh tra, tuần tra, kiểm soát hoạt động khai thác thủy sản của các tổ chức và cá nhân tại các vùng nước trong tỉnh. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường gây ô nhiễm nguồn nước tại các thủy vực tự nhiên.

- Báo cáo UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Môi trường về tình hình thực hiện nội dung kế hoạch. Kịp thời đề xuất với UBND tỉnh để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế.

2. Sở Tài chính

Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường, các đơn vị có liên quan căn cứ nội dung nhiệm vụ, khả năng cân đối của ngân sách tỉnh, tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí hằng năm, cân đối nguồn vốn đầu tư công (nếu có) để thực hiện nội dung Kế hoạch này theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật có liên quan.

3. Công an tỉnh

- Chỉ đạo phòng chức năng, nghiệp vụ công an tỉnh phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Môi trường trong công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý các hành vi sử dụng các công cụ, dụng cụ cấm để khai thác thuỷ sản trái phép theo quy định; nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm đặc biệt là hành vi khai thác thuỷ sản trái phép đặc biệt là trên các tuyến sông Đuống, sông Thái Bình, sông Cầu.

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường trước và sau khi thực hiện các hoạt động thả giống tái tạo nguồn lợi Thủy sản hằng năm.

4. Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường, các địa phương tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân, các đoàn thể chính trị xã hội tham gia thực hiện các nội dung, nhiệm vụ theo Kế hoạch, nhất là việc thả phóng sinh tái tạo, bảo vệ nguồn lợi thủy sản; tăng cường giám sát, phản ánh kịp thời các hành vi vi phạm quy định pháp luật trong hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến các cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý theo quy định.

5. Ủy ban nhân các huyện, thị xã, thành phố

- Phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Môi trường, các ngành, đơn vị liên quan triển khai thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia các hoạt động thả phóng sinh, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn.

- Phân công trách nhiệm cho các phòng chuyên môn theo dõi,
quản lý nhà nước về lĩnh vực thủy sản, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công
tác quản lý nhà nước về lĩnh vực thủy sản. Căn cứ tình hình thực tế xây dựng, thực hiện kế hoạch, bố trí ngân sách để thực hiện bảo vệ, phát triển và tái tạo nguồn lợi thuỷ sản phù hợp với đặc điểm của địa phương;

6. Báo Bắc Ninh, Đài Phát thanh và truyền hình tỉnh, Cổng thông tin điện tử tỉnh

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường, các địa phương xây dựng, phát sóng các phóng sự, đăng các tin bài về tác hại của việc khai thác thủy sản bằng phương pháp hủy diệt, vi phạm về bảo vệ nguồn lợi và môi trường thủy sản; tích cực tuyên truyền phát động và tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về các quy định của Nhà nước về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Trên đây là Kế hoạch Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các Sở, ngành, đơn vị liên quan phản ảnh về Sở Nông nghiệp và Môi trường để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh cho phù hợp./.

 


Nơi nhận
:
- Bộ Nông nghiệp và Môi trường (b/c);
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch và các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- VP UBND tỉnh: LĐ VP;
- Lưu: VT, NN.

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Xuân Lợi

 

KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CÁC NHIỆM VỤ BẢO VỆ, PHÁT TRIỂN NGUỒN LỢI THUỶ SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC NINH ĐẾN NĂM 2030

(Kèm theo Kế hoạch số: 340/KH-UBND ngày 30/5/2025 của UBND tỉnh Bắc Ninh)

STT

Nội dung

Cơ quan chủ trì

Cơ quan phối hợp

Thời gian thực hiện

1

Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Sở Nông nghiệp và Môi trường (Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thuỷ sản)

UBND các huyện, thị xã, thành phố; các đơn vị liên quan

Thường xuyên hằng năm

2

Điều tra nghề cá thương phẩm; điều tra đánh giá nguồn lợi thuỷ sản và môi trường sống loài thủy sản vùng nội đồng

Sở Nông nghiệp và Môi trường (Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thuỷ sản)

Các Sở: KH-CN, Tài chính; Các huyện, thị xã, thành phố; Viện nghiên cứu NTTS và đơn vị liên quan

Giai đoạn 2025 – 2030

3

Nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ KH&CN giống thuỷ sản nguy cấp, quý hiếm, loài thuỷ sản có giá trị kinh tế, khoa học, loài thuỷ sản bản địa, loài đặc hữu.

Sở Nông nghiệp và Môi trường; Các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản.

Các Sở: KHCN, Tài chính; UBND các huyện, thị xã, thành phố; Viện Nhiên cứu NTTS, Trung tâm tư vấn chuyển giao KHCN

Theo nhiệm vụ KH&CN đăng ký thực hiện hằng năm

4

Thả cá giống tái tạo, bổ sung nguồn lợi thủy sản

Sở Nông nghiệp và Môi trường (Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thuỷ sản)

UBND các huyện, thị xã, thành phố; Giáo hội phật giáo Việt Nam tỉnh Bắc Ninh; Phòng cảnh sát giao thông Công an tỉnh; các cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống và các đơn vị liên quan

Thường xuyên hằng năm

5

Quy chế phối hợp thực hiện quản lý, bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thuỷ sản trên địa bàn tỉnh.

Sở Nông nghiệp và Môi trường (Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thuỷ sản)

UBND các huyện ven sông Đuống, sông Thái Bình; Phòng Cảnh sát giao thông công an tỉnh; Giáo hội phật giáo Việt Nam tỉnh Bắc Ninh và các đơn vị liên quan.

Giai đoạn

2025 – 2030

6

Cập nhật thông tin, số liệu về đa dạng sinh học, nguồn lợi thủy sản trên hệ thống cơ sở giữ liệu quốc gia

Sở Nông nghiệp và Môi trường (Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thuỷ sản)

UBND các huyện, thị xã, thành phố ven sông Đuống, sông Thái Bình; Các Viện, đơn vị liên quan

Thường xuyên hằng năm

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 340/KH-UBND năm 2025 về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh

  • Số hiệu: 340/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 30/05/2025
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Ninh
  • Người ký: Lê Xuân Lợi
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 30/05/2025
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản