Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 33/KH-UBND

Hà Nội, ngày 03 tháng 02 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TỔNG KẾT CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG ĐẾN NĂM 2020 VÀ KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CÔNG ƯỚC LIÊN HỢP QUỐC VỀ CHỐNG THAM NHŨNG CỦA THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Thực hiện Quyết định số 560/QĐ-BCĐTKCLQG ngày 30/12/2020 của Ban chỉ đạo tổng kết Chiến lược quốc gia đến năm 2020 và Kế hoạch thực hiện UNCAC về ban hành Kế hoạch Tổng kết Chiến lược quốc gia PCTN đến năm 2020 và Kế hoạch thực hiện Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC); UBND thành phố Hà Nội xây dựng Kế hoạch tổng kết Chiến lược Quốc gia Phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 và Kế hoạch thực hiện Công ước liên hợp quốc về chống tham nhũng của thành phố Hà Nội với những nội dung chính như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Tổng kết việc thực hiện Kế hoạch số 15/KH-UBND ngày 20/01/2010 của UBND Thành phố về thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 và việc thực hiện Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC) nhằm đánh giá kết quả triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về phòng, chống tham nhũng; làm rõ các mặt làm được, những hạn chế, tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; chỉ ra các nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện đồng thời kiến nghị, đề xuất những giải pháp có tính đột phá để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2020-2030.

2. Yêu cầu

Tiến hành tổng kết Kế hoạch số 15/KH-UBND ngày 20/01/2010 của UBND Thành phố về thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 và việc thực hiện Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng phải đảm bảo kịp thời, nghiêm túc, khoa học, tiết kiệm và toàn diện gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về phòng, chống tham nhũng tại Nghị quyết Trung ương 3, Khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí.

II. NỘI DUNG TỔNG KẾT

1. Việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật PCTN, Chiến lược quốc gia PCTN đến năm 2020, Chương trình hành động của Chính phủ về PCTN, Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng.

- Kết quả thực hiện công tác phổ biến, quán triệt và xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia PCTN đến năm 2020, chương trình hành động của Chính phủ về PCTN, Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng;

- Hiệu quả của công tác tuyên truyền trong việc nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về công tác PCTN; tính tiên phong, gương mẫu cán bộ, công chức trong PCTN;

- Các kết quả khác đã thực hiện để quán triệt, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về PCTN; công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN; hiệu quả và chất lượng thực hiện;

- Tình hình, kết quả và đánh giá việc tuyên truyền, phổ biến Chiến lược quốc gia PCTN, pháp luật về PCTN và Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng trên địa bàn.

- Đánh giá những bất cập, vướng mắc của cơ chế, chính sách, pháp luật và những hạn chế, yếu kém trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật PCTN; nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém.

2. Kết quả thực hiện các nhóm giải pháp

Đánh giá kết quả đã đạt được theo từng nhóm giải pháp, những việc chưa làm được, những khó khăn, hạn chế, tồn tại và phân tích rõ nguyên nhân; trong đó phân tích sâu một số nội dung sau:

2.1. Việc thực hiện tăng cường tính công khai, minh bạch trong việc thực hiện chính sách, pháp luật

- Thực hiện công khai, minh bạch các quy định về quản lý kinh tế - xã hội phục vụ công tác PCTN trong các hoạt động: Công tác cải cách hành chính, quản lý, sử dụng đất đai, công sở; hoạt động mua sắm công và công tác thu chi ngân sách; quản lý, sử dụng kinh phí chương trình mục tiêu, chương trình quốc gia, kinh phí nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên; cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; quản lý vốn, tài sản của Nhà nước và nhân sự trong doanh nghiệp có vốn nhà nước;

- Thực hiện công khai, minh bạch trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cơ quan, đơn vị theo quy định.

- Công khai, minh bạch các quyết định trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án;

- Các giải pháp đổi mới công nghệ quản lý và hạn chế tiêu dùng tiền mặt.

- Đánh giá những bất cập, vướng mắc của cơ chế, chính sách, pháp luật và những hạn chế, yếu kém trong tổ chức thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém.

2.2. Hoàn thiện chế độ công vụ, công chức nâng cao chất lượng thực thi công vụ

- Thực hiện đánh giá và đề xuất hoàn thiện việc phân công, phân cấp; quy định cụ thể, rành mạch chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cấp quản lý, khắc phục tình trạng chồng chéo, bỏ trống trong hoạt động quản lý.

- Việc thực hiện và đề xuất hoàn thiện các quy định về tuyển dụng, tiếp nhận, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; xử lý kiên quyết, kịp thời các vi phạm trong quản lý và sử dụng cán bộ, công chức;

- Kết quả việc đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức; tăng cường giáo dục liêm chính, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng;

- Thực hiện cơ chế về trách nhiệm giải trình của cán bộ, công chức, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý; cơ chế miễn nhiệm, bãi nhiệm, cho từ chức, tạm đình chỉ chức vụ của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách;

- Thực hiện chính sách tiền lương hợp lý trong một số lĩnh vực đặc thù; chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, công chức (nếu có).

- Việc thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn và công khai việc thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn sử dụng tài sản công của cán bộ, công chức, trước hết là của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị.

- Thực hiện các quy định về minh bạch tài sản thu nhập; việc chi trả qua tài khoản đối với tất cả các khoản chi từ ngân sách nhà nước cho cán bộ, công chức;

- Việc thực hiện các quy tắc ứng xử, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức và tăng cường giám sát việc thực hiện theo quy định của pháp luật.

2.3. Việc thực hiện và đề xuất hoàn thiện cơ chế quản lý kinh tế, xây dựng môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, công bằng, minh bạch

- Việc thực hiện và đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách về hải quan, tín dụng, xuất nhập khẩu và một số lĩnh vực khác nhằm đảm bảo tính minh bạch, công bằng và cạnh tranh giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế;

- Việc thực hiện và đề xuất hoàn thiện cơ chế để doanh nghiệp hạch toán chính xác, trung thực các nghiệp vụ kinh tế phát sinh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và được phản ánh đồng thời trong cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế; thực hiện chế độ kiểm toán định kỳ, bắt buộc đối với mọi loại hình doanh nghiệp;

- Việc xử lý hành vi hối lộ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong việc tham gia đấu thầu, đấu giá; xử lý nghiêm hành vi gian lận thương mại; công bố công khai danh tính các cơ quan, tổ chức, cá nhân có vi phạm;

- Việc thực hiện và đề xuất hoàn thiện cơ chế quản lý, sử dụng đất đai, các nguồn lực công, bảo đảm công khai, minh bạch và xử lý nghiêm những sai phạm; việc hoạt động của các trung tâm đấu thầu theo khu vực để thực hiện việc mua sắm công tập trung; thực hiện cơ chế đấu giá công khai khi bán, thanh lý, giao, cho thuê tài sản công.

- Tổng kết thực tiễn, đề xuất kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về chuyển đổi và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt chú trọng việc xác định giá trị tài sản doanh nghiệp và xử lý tài sản công trong quá trình thực hiện cổ phần hóa;

- Đề xuất kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về tài chính, ngân hàng, về thị trường vốn, thị trường bất động sản, thị trường lao động; quy định về thuế tài sản và việc bắt buộc đăng ký bất động sản; thực hiện việc đăng ký thuế thu nhập cá nhân và thanh toán qua tài khoản; xây dựng.

2.4. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử trong phát hiện, xử lý tham nhũng

a) Hoạt động giám sát công tác PCTN; thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện Luật PCTN

- Tình hình và kết quả hoạt động giám sát và hình thức giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong công tác PCTN;

- Đánh giá những bất cập, vướng mắc của cơ chế, chính sách, pháp luật và những hạn chế, yếu kém trong công tác giám sát công tác PCTN, thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện Luật PCTN; nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém.

b) Việc phát hiện, xử lý tham nhũng

- Kết quả phát hiện tham nhũng qua công tác tự kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, điều tra, truy tố, xét xử;

- Kết quả xử lý hành vi tham nhũng: Xử lý cá nhân tham nhũng, xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan.

- Đánh giá những bất cập, vướng mắc của cơ chế, chính sách, pháp luật và những hạn chế, yếu kém trong công tác phát hiện và xử lý tham nhũng; nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém.

c) Công tác thu hồi tài sản tham nhũng

- Tình hình thiệt hại do tham nhũng gây ra;

- Kết quả thu hồi tài sản và khắc phục thiệt hại do tham nhũng;

- Đánh giá những bất cập, vướng mắc của cơ chế, chính sách, pháp luật và những hạn chế, yếu kém trong công tác thu hồi tài sản tham nhũng; nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém.

d) Mô hình tổ chức các cơ quan phòng, chống tham nhũng và sự phối hợp công tác giữa các cơ quan PCTN

- Việc tổ chức, bố trí cán bộ chuyên trách, phân định trách nhiệm trong các cơ quan chức năng phòng, chống tham nhũng; việc xây dựng, kiện toàn đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng; việc thực hiện chế độ, chính sách, đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác PCTN.

- Công tác phối hợp của các cơ quan thanh tra, điều tra, viện kiểm sát, tòa án và các cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan trong PCTN.

- Đánh giá hiệu quả của mô hình tổ chức PCTN hiện nay, chất lượng, hiệu quả của đội ngũ cán bộ làm công tác PCTN.

- Đánh giá những bất cập, vướng mắc của cơ chế, chính sách, pháp luật và những hạn chế, yếu kém trong việc kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan chức năng PCTN, trong việc thực hiện cơ chế phối hợp giữa các cơ quan PCTN; nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém.

2.5. Nâng cao nhận thức và phát huy vai trò của toàn xã hội trong phòng, chống tham nhũng

- Việc đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của tham nhũng, trách nhiệm của người dân và toàn xã hội trong công tác PCTN.

- Vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong công tác PCTN.

- Vai trò của báo chí, truyền thông trong công tác PCTN.

- Việc bảo vệ, khen thưởng người tố cáo, phát hiện hành vi tham nhũng; tôn vinh, khen thưởng tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác PCTN

3. Việc thực thi Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng (UNCAC) và công tác hợp tác quốc tế về PCTN.

Đánh giá kết quả thực hiện; đề xuất kiến nghị nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng để đáp ứng yêu cầu của công ước và quốc tế.

4. Đánh giá mức độ thực hiện các mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể của Kế hoạch số 15/KH-UBND ngày 20/01/2010 của UBND Thành phố về thực Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 và việc thực hiện Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng.

Nêu kết quả thực hiện các mục tiêu đã đề ra trong kế hoạch; các hạn chế, tồn tại; nguyên nhân của những hạn chế, bất cập.

5. Kiến nghị đề xuất chiến lược PCTN giai đoạn 2020-2030.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, các doanh nghiệp nhà nước và các đơn vị trực thuộc Thành phố thực hiện một số nội dung sau:

- Xây dựng, ban hành Kế hoạch thực hiện tổng kết Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 và việc thực hiện Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng.

- Tiến hành tổng kết, báo cáo kết quả tổng kết (qua Thanh tra Thành phố tổng hợp) trước ngày 05/2/2021.

- Chủ động bố trí kinh phí thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật. Các cơ quan nhà nước thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính; các đơn vị sự nghiệp thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính có trách nhiệm bố trí từ nguồn kinh phí tự chủ để thực hiện hoạt động tổng kết.

2. Giao Thanh tra Thành phố:

- Hướng dẫn các đơn vị thực hiện tổng kết Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 và việc thực hiện Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng.

- Tổng hợp kết quả, dự thảo Báo cáo tổng kết của thành phố Hà Nội; gửi dự thảo Báo cáo và số liệu tổng kết thực hiện về cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Tổng kết Chiến lược (Thanh tra Chính phủ), chậm nhất ngày 15/4/2021.

- Tham mưu giúp UBND Thành phố tổ chức hội nghị tổng kết chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 và việc thực hiện Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (thời gian trước ngày 20/4/2021); gửi Báo cáo tổng kết (bản chính thức) về Thanh tra Chính phủ chậm nhất vào tháng 4 năm 2021.

3. Giao Sở Tài chính hướng dẫn các đơn vị bố trí kinh phí để triển khai hoạt động tổng kết; phối hợp với Thanh tra Thành phố bố trí kinh phí tổ chức tổng kết của Thành phố.

Trên đây là Kế hoạch tổng kết việc thực hiện Chiến lược Quốc gia Phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 và thực hiện Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng của thành phố Hà Nội. Yêu cầu các cơ quan, đơn vị và tổ chức có liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện kịp thời, đầy đủ nội dung theo quy định./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ; Để b/c
- BCĐ Tổng kết CLQG về PCTN
đến năm 2020; Để b/c
- Thanh tra Chính phủ; Để b/c
- Cục IV-TTCP; Để b/c
- Chủ tịch UBND TP; Để b/c
- Các Phó Chủ tịch UBND Thành phố;
- Các sở, ban, ngành Thành phố;
- UBND các quận, huyện, thị xã;
- VP UBND TP: CVP, PCVP- V.T.Anh,
Các phòng: NC, TH, KT, TKBT;
- Lưu: VT, NC.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Trọng Đông

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 33/KH-UBND năm 2021 về tổng kết Chiến lược Quốc gia Phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 và Kế hoạch thực hiện Công ước liên hợp quốc về chống tham nhũng của thành phố Hà Nội

  • Số hiệu: 33/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 03/02/2021
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Nguyễn Trọng Đông
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản