ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 326/KH-UBND | Nghệ An, ngày 11 tháng 6 năm 2021 |
PHÒNG, CHỐNG LAO GIAI ĐOẠN 2021 - 2025 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN
Thực hiện chỉ đạo tại Công văn số 2726/VPCP-KGVX ngày 08/4/2020 của Văn phòng Chính phủ về Chương trình công tác của Ủy ban quốc gia năm 2020 trong đó có đề cập nội dung số 4 yêu cầu các địa phương kiện toàn ban chỉ đạo và phê duyệt kế hoạch phòng chống lao; Căn cứ tình hình thực tiễn trên địa bàn tỉnh; Xét đề nghị của Sở Y tế tại Tờ trình số 1980/TTr-SYT, ngày 29 tháng 5 năm 2021, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch “Phòng, chống Lao giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Nghệ An”, cụ thể:
1. Mục tiêu chung
a) Giảm tỷ lệ mắc lao hàng năm bằng cách phát hiện sớm, điều trị hiệu quả các ca bệnh trong cộng đồng. Áp dụng các kỹ thuật tiên tiến, chiến lược 2X (Sàng lọc người nghi lao bằng X-Quang và xét nghiệm khẳng định bằng Gene-Xpert) tăng cường phát hiện chủ động ở tất cả các nhóm nguy cơ.
b) Duy trì mạng lưới phòng chống lao, đảm bảo 100% người dân được tiếp cận với các dịch vụ phòng, chống Lao trong đó tập trung hướng đến khu vực người dân miền núi và địa bàn khó khăn.
c) Giảm tỷ lệ mắc, tỷ lệ tử vong, tỷ lệ bỏ trị và thất bại điều trị.
d) Tăng tỷ lệ điều trị thành công, tỷ lệ điều trị khỏi ở nhóm lao phổi có bằng chứng vi khuẩn, giảm tỷ lệ mắc lao kháng thuốc.
e) Tăng tỷ lệ người tiếp xúc nguồn lây sàng lọc, đồng ý điều trị dự phòng lao tiềm ẩn.
f) Mở rộng hoạt động phòng, chống lao với sự tham gia mạnh mẽ của Đoàn thể chính trị và chính quyền các cấp, toàn xã hội.
2. Mục tiêu cụ thể
2.1. Mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025.
a) Tỷ lệ xét nghiệm đờm/dân số duy trì mức: 1%.
b) Phát hiện, thu nhận điều trị Lao các thể: 1300 - 1930 bệnh nhân/năm, tỷ lệ mắc lao giảm < 40/100.000 dân, mức giảm 10%/năm.
c) Số bệnh nhân Lao kháng đa thuốc khống chế: < 3,6 % số BN lao các thể.
d) Tăng tỷ lệ điều trị khỏi ở nhóm bệnh nhân lao có bằng chứng vi khuẩn > 90%, tăng 0,5 %/năm.
e) Tỷ lệ không theo dõi được < 0,5 % lao các thể.
f) Tỷ lệ chết < 2 % bệnh nhân lao các thể.
g) Áp dụng chiến lược 2X bao phủ cho 80% dân số.
h) Chỉ số cụ thể từng năm (Phụ lục 1 đính kèm).
2.2. Mục tiêu tầm nhìn đến năm 2030
a) Tiếp tục áp dụng chiến lược 2X bao phủ 100% dân số.
b) Giảm tỷ lệ mắc lao xuống dưới < 20/100.000, phát hiện, thu nhận 680 ca bệnh/năm.
c) Tỷ lệ điều trị thành công 100%, điều trị khỏi ở nhóm có bằng chứng vi khuẩn >95%.
1. Hoạt động phát hiện, thu nhận và quản lý điều trị
a) Nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị bệnh lao tại cơ sở, cải tiến năng lực xét nghiệm và X - Quang phổi, đặc biệt chú trọng đến việc mở rộng sử dụng 2X tại các cơ sở trên địa bàn đa dạng các mô hình phối hợp.
b) Triển khai can thiệp tích cực, phát hiện chủ động bệnh lao tại cộng đồng, tập trung vào các khu vực còn nhiều khó khăn. Tập trung sàng lọc lao vào nhóm đối tượng nguy cơ cao người tiếp xúc, cơ sở cai nghiện, người có HIV, cơ sở Trại giam, tạm giam và có cơ chế quản lý riêng cho nhóm đặc biệt.
c) Nâng cao chất lượng hoạt động phối hợp y tế công tư (PPM) trong phát hiện, chuyển gửi người nghi lao.
d) Xây dựng và triển khai thực hiện chiến lược 2X, triển khai 1-2 điểm trên địa bàn theo khu vực. Khu vực 3 huyện miền núi Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Quế Phong đã triển khai điểm đặt máy xét nghiệm Gene-Xpert tại Trung tâm y tế huyện Quỳ Châu. Khu vực Kỳ sơn, Tương Dương, Con Cuông dự kiến đặt máy tại trung tâm y tế huyện Tương Dương thực hiện cho các huyện khu vực này.
e) Triển khai phát hiện lao tiềm ẩn và điều trị dự phòng cho các nhóm đối tượng trên địa bàn tỉnh theo hướng dẫn tại Quyết định 1313/QĐ-BYT ngày 24/3/2020 của Bộ Y tế về hướng dẫn phát hiện và điều trị lao tiềm ẩn.
f) Áp dụng các phác đồ mới, thuốc mới trong công tác điều trị lao, lao kháng thuốc và siêu kháng thuốc.
g) Ứng dụng hội chẩn trực tuyến trong chẩn đoán, điều trị bệnh lao tại các cơ sở trên địa bàn.
2. Công tác truyền thông và vận động xã hội
a) Tổ chức tốt truyền thông tháng hành động phòng chống lao ở tất cả các tuyến bằng mọi hình thức, kết hợp với các đoàn thể, chính trị tại các địa phương như Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội nông dân,...
b) Phối hợp với cơ quan truyền thông: Báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình,... đăng bài viết, làm đoạn phóng sự về công tác phòng chống lao.
c) Tổ chức truyền thông về bệnh lao cho người dân tại cộng đồng, tăng cường công tác tư vấn trực tiếp cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, đặc biệt bệnh nhân lao kháng đa thuốc (MDR).
d) Tổ chức và tham gia các cuộc thi tìm hiểu về công tác phòng chống Lao trên địa bàn tỉnh.
đ) Sử dụng hiệu quả Quỹ người bệnh chiến thắng bệnh lao (PASTB) và vận động thêm sự đóng góp Quỹ PASTB từ các tổ chức, các nhà hảo tâm.
3. Kiểm tra giám sát và hỗ trợ tuyến dưới
a) Thực hiện kiểm tra, giám sát hỗ trợ kĩ thuật chuyên môn chương trình đảm bảo hiệu quả hoạt động tại các tuyến, kịp thời đôn đốc các mặt hạn chế.
b) Tăng cường công tác giám sát, điều trị bệnh nhân Lao, Lao kháng đa thuốc tại cả 3 tuyến tỉnh, huyện, xã phối hợp quản lý điều trị hiệu quả.
c) Giám sát qua hệ thống thông tin điện tử trong quản lý dữ liệu, quản lý bệnh nhân qua hệ thống Vitimes, Etb-Mannager, ứng dụng Mheath. Ứng dụng hội chẩn trực tuyến qua phần mềm với tuyến huyện.
4. Đào tạo liên tục, tập huấn chuyên môn, nghiên cứu khoa học, điều tra dịch tễ.
a) Tổ chức các lớp tập huấn hoạt động chuyên môn phòng chống lao cho cán bộ tuyến dưới 21 huyện, 2 trại giam số 3 và số 6, 460 xã/ phường, Thị trấn trên địa bàn. Theo định kỳ hoặc nhu cầu của tuyến cơ sở.
b) Đào tạo chuyên môn, kỹ thuật cho cán bộ tuyến dưới gửi lên tuyến tỉnh, cấp chứng chỉ theo mã ngành được cấp. Xây dựng bổ sung thêm đào tạo các bệnh về phổi.
c) Tăng cường đào tạo, chuyển giao kĩ thuật cho tuyến cơ sở về chẩn đoán điều trị bệnh lao và các bệnh phổi.
d) Tổ chức nghiên cứu và nghiệm thu các đề tài nghiên cứu khoa học, ứng dụng có hiệu quả kết quả nghiên cứu trong công tác phòng chống Lao.
đ) Xây dựng nghiên cứu đánh giá hiệu quả hoạt động chương trình thông qua phân tích các chỉ số dịch tễ học qua các năm.
5. Công tác tài chính, cung ứng thuốc, vật tư, thiết bị
a) Thực hiện đầy đủ việc chi trả tiền hoạt động phòng, chống lao theo đúng quy định, hướng dẫn của Sở Y tế, Sở tài chính và UBND tỉnh.
b) Đảm bảo cung ứng đủ thuốc chống lao hàng 1, hàng 2. Từng bước triển khai thanh quyết toán thuốc lao qua bảo hiểm y tế.
c) Mua thêm các thuốc hỗ trợ điều trị bệnh nhân lao kháng đa thuốc, một số hạng mục hỗ trợ hoạt động lao kháng thuốc.
d) Cung ứng trang thiết bị, vật tư do Chương trình chống Lao Quốc gia cấp, sử dụng hiệu quả các trang thiết bị được cấp.
e) Có kế hoạch mua sắm trang thiết bị, vật tư cần thiết đảm bảo cho hoạt động trong trường hợp Chương trình chưa cung ứng kịp.
1. Về chuyên môn kĩ thuật các dịch vụ phòng, chống Lao
a) Tăng cường năng lực chẩn đoán cho tuyến cơ sở bằng đảm bảo trang thiết bị xét nghiệm và đào tạo liên tục, tại chỗ cho cán bộ tuyến cơ sở về kĩ thuật xét nghiệm, kĩ thuật chụp đọc phim XQ phổi.
b) Tăng cường áp dụng 2X (sàng lọc bằng XQ phổi, khẳng định bằng Gene-Xpert) trong phát hiện chủ động, triển khai thêm từ 1-2 điểm xét nghiệm Gene-Xpert trên địa bàn.
c) Định kỳ hàng quý tuyến tỉnh cử cán bộ xuống kiểm tra giám sát và hỗ trợ về các hoạt động phòng, chống Lao tại các huyện.
d) Giám sát, đôn đốc các huyện về các chỉ tiêu kế hoạch và cách ghi chép biểu mẫu báo cáo qua giám sát hồi cứu thông qua báo cáo hàng quí.
e) Tăng cường giám sát thực hiện công tác điều trị có kiểm soát (DOTS) đối với cán bộ phụ trách lao ở tuyến y tế cơ sở, đặc biệt là sự tuân thủ của bệnh nhân lao.
f) Ứng dụng công nghệ thông tin trong theo dõi, báo cáo, quản lý các hoạt động phòng, chống bệnh lao trên phần mềm vitimes từ tỉnh đến xã, phần mềm quản lý bệnh nhân Etb-Manager, ứng dụng sức khỏe Mhealth.
2. Truyền thông, vận động xã hội
a) Các hình thức:
- Tăng cường công tác tư vấn, giám sát trực tiếp cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân trong suốt liệu trình điều trị.
- Phối hợp với các Ban ngành đoàn thể, chính quyền địa phương tổ chức truyền thông tại xã, thôn xóm, cụm dân cư.
- Xây dựng các nội dung truyền thông về bệnh Lao phù hợp với các vùng miền và thành phần dân tộc. Xây dựng bài phát thanh định kỳ hàng tháng, phát thanh trên đài phát thanh của xã/ phường.
- Phối hợp cơ quan báo chí, Đài phát thanh- Truyền hình, Khoa Truyền thông giáo dục sức khỏe thuộc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh(CDC) xây dựng nội dung tuyên truyền về bệnh lao.
b) Đối tượng đích: Bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, đối tượng có nguy cơ cao (người nhiễm HIV, phạm nhân, …), người dân tộc thiểu số...
c) Khu vực (vùng) trọng tâm: khu vực trại giam, tạm giam; khu vực miền núi, khu vực người dân có môi trường và kinh tế kém.
d) Tăng cường ủng hộ xây dựng các Quỹ hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh Lao (PASTB), Quỹ người bệnh lao nghèo.
3. Nâng cao năng lực, đào tạo- tập huấn và nghiên cứu khoa học
a) Thực hiện chương trình đào tạo nâng cao năng khám chữa bệnh lao và các bệnh Phổi tại tuyến tỉnh và các tuyến cơ sở.
b) Tổ chức các lớp tập huấn hoạt động chuyên môn phòng chống lao cho cán bộ tuyến dưới hiệu quả, chất lượng kết hợp giám sát cầm tay chỉ việc. Đồng thời đa dạng thành phần tham gia tập huấn.
c) Tham gia đầy đủ các chương trình tập huấn đào tạo và đào tạo trực tuyến từ Chương trình chống lao Quốc gia.
d) Tổ chức nghiên cứu và nghiệm thu các đề tài nghiên cứu khoa học, ứng dụng có hiệu quả kết quả nghiên cứu trong công tác phòng chống Lao
a) Có các chính sách ưu tiên đào tạo, đãi ngộ đối với cán bộ, viên chức và người lao động làm công tác phòng chống Lao. Đảm bảo chất lượng và trình độ chuyên môn tại các tuyến.
b) Tăng cường công tác đào tạo bằng nhiều hình thức khác nhau, kết hợp đào tạo tập trung, đào tạo ngắn hạn và dài hạn, đào tạo theo nhu cầu phát triển chuyên môn kỹ thuật, bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành cho cán bộ y tế làm công tác phòng chống lao.
c) Đảm bảo mạng lưới chống lao ổn định lâu dài, nhất là cán bộ làm công tác chống lao tuyến huyện, xã.
d) Huy động sự tham gia của y tế ngoài công lập, đẩy mạnh hoạt động phối hợp y tế công tư và lồng ghép hoạt động phòng chống Lao với các hoạt động y tế khác.
e) Đảm bảo nguồn kinh phí thực hiện kế hoạch, gồm: Ngân sách địa phương, nguồn ngân sách Bảo hiểm Y tế, các nguồn dự án khác.
5. Giải pháp theo dõi, giám sát và đánh giá thực hiện
a) Hàng năm xây dựng các kế hoạch hoạt động, đưa ra các chỉ tiêu cụ thể xây dựng công cụ, thiết lập hệ thống theo dõi, giám sát các hoạt động phòng chống lao trên địa bàn tỉnh.
b) Tổ chức giám sát định kỳ công tác phòng chống lao tại các đơn vị theo quý, sử dụng bảng kiểm để thu thập và đánh giá các chỉ tiêu theo kế hoạch.
c) Tổ chức Sơ kết 6 tháng, tổng kết chương trình hàng năm nhằm đánh giá kết quả hoạt động và xây dựng phương hướng trong năm tiếp theo, cho giai đoạn hoạt động.
1. Nguồn kinh phí
a) Ngân sách tỉnh
b) Nguồn Quỹ Bảo hiểm Y tế.
c) Các nguồn huy động hợp pháp khác
2. Dự kiến kinh phí thực hiện giai đoạn 2021 - 2025: 57.156.476.529 đồng (Bằng chữ: Năm mươi bảy tỷ một trăm năm mươi sáu triệu bốn trăm bảy mươi sáu nghìn năm trăm hai chín đồng), trong đó:
a) Dự kiến kinh phí cho các hoạt động thường xuyên của chương trình chống lao: 10.444.370.000 đồng (Mười tỷ bốn trăm bốn mươi bốn triệu ba trăm bảy mươi nghìn đồng).
b) Dự kiến kinh phí về công khám, xét nghiệm, thanh toán thuốc lao: 46.712.146.729 đồng (Bốn mươi sáu tỷ bảy trăm mười hai triệu một trăm bốn mươi sáu nghìn bảy trăm hai chín đồng).
(Chi tiết tại phụ lục đính kèm).
3. Dự kiến phân kỳ đầu tư và nguồn kinh phí
đơn vị: nghìn đồng
Năm | Nội dung | Kinh phí | Tổng | Nguồn ngân sách tỉnh | Nguồn quỹ bảo hiểm y tế |
2021 | Các hoạt động thường xuyên của chương trình chống lao | 3.284.770 | 10.196.916 | 3.284.770 | 0 |
Công khám, xét nghiệm, thanh toán thuốc lao | 6.912.146 | 0 | 6.912.146 | ||
2022 | Các hoạt động thường xuyên của chương trình chống lao | 2.019.190 | 12.419.190 | 2,019.190 | 0 |
Công khám, xét nghiệm, thanh toán thuốc lao | 10.400.000 | 0 | 10.400.000 | ||
2023 | Các hoạt động thường xuyên của chương trình chống lao | 2.012.440 | 12.112.400 | 2.012.440 | 0 |
Công khám, xét nghiệm, thanh toán thuốc lao | 10.100.000 | 0 | 10.100.000 | ||
2024 | Các hoạt động thường xuyên của chương trình chống lao | 1.599.070 | 11.399.070 | 1.599.070 | 0 |
Công khám, xét nghiệm, thanh toán thuốc lao | 9.800.000 | 0 | 9.800.000 | ||
2025 | Các hoạt động thường xuyên của chương trình chống lao | 1.528.900 | 11.028.900 | 1.528.900 | 0 |
Công khám, xét nghiệm, thanh toán thuốc lao | 9.500.000 | 0 | 9.500.000 |
Ghi chú: Với nguồn quỹ BHYT chi trả theo thực tế thanh quyết toán hàng năm. Thực hiện thanh toán thuốc lao qua BHYT từ năm 2022.
1. Sở Y tế
a) Chủ trì tổ chức triển khai Kế hoạch đảm bảo hiệu quả, kịp thời; Định kỳ, đột xuất hàng năm báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện các nội dung.
b) Chỉ đạo kiểm tra, giám sát và đôn đốc việc thực hiện công tác phòng, chống lao tại các cơ sở y tế trên địa bàn; Đảm bảo thực hiện tốt các hướng dẫn về chuyên môn, kĩ thuật, chế độ chính sách cho cán bộ tham gia công tác phòng, chống Lao trên địa bàn.
c) Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và đầu tư, Sở Tài chính và các Sở, ban ngành có liên quan nghiên cứu, đề xuất các giải pháp huy động nguồn lực cho công tác phòng chống bệnh lao; Phối hợp bố trí ngân sách thực hiện công tác phòng chống lao.
d) Phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh Nghệ An tổ chức, hướng dẫn khám bệnh, chữa bệnh Lao và thanh toán các chi phí liên quan đến khám bệnh, chữa bệnh lao cho người có thẻ Bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh Nghệ An theo đúng quy định pháp luật.
e) Xem xét đề xuất xây dựng chính sách thu hút nguồn nhân lực cho công tác phòng chống lao tại tỉnh nhà.
2. Sở Tài chính
a) Cân đối nguồn thu ngân sách tỉnh để bố trí kinh phí cho các hoạt động phòng chống bệnh lao theo đúng quy định của luật ngân sách nhà nước.
b) Phối hợp với Sở Y tế, Sở Kế hoạch đầu tư nghiên cứu, tham mưu các giải pháp huy động nguồn lực cho công tác phòng chống lao.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Xem xét bố trí kinh phí đầu tư cho hoạt động phòng chống lao trên địa bàn theo đúng quy định.
4. Sở Thông tin và Truyền thông
Phối hợp với Sở Y tế xây dựng kế hoạch thông tin truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, chỉ đạo các cơ quan thông tin báo chí thường xuyên phối hợp với Chương trình chống lao tổ chức tốt công tác truyền thông.
5. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Nghệ An
Xây dựng các phóng sự về công tác phòng chống Lao; chỉ đạo các Đài TTTH địa phương phối hợp thực hiện.
6. Sở Nội vụ
Phối hợp với Sở Y tế xem xét, đề xuất và thực hiện chính sách tuyển dụng, đào tạo bổ nhiệm cán bộ làm công tác phòng, chống Lao theo quy định.
7. Sở Giáo dục và Đào tạo
Chỉ đạo lồng ghép các nội dung tuyên truyền, giáo dục về công tác phòng chống lao; Kết hợp triển khai sàng lọc cùng hoạt động công tác y tế học đường cho đối tượng học sinh, sinh viên.
8. Bảo hiểm Xã hội tỉnh.
Bảo hiểm xã hội tỉnh phối hợp với Sở Y tế Nghệ An tổ chức, hướng dẫn thực hiện khám bệnh, chữa bệnh Lao và thanh toán các chi phí liên quan đến khám bệnh, chữa bệnh lao cho người có thẻ Bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh Nghệ An theo đúng quy định pháp luật về bảo hiểm y tế.
Thực hiện thanh quyết toán theo thực tế chi phí hàng năm theo đúng quy định.
9. Các Sở, Ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh
Các Sở, Ban Ngành đoàn thể cấp tỉnh: ...Phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế trong triển khai các hoạt động phòng, chống Lao tại cộng đồng, xây dựng mô hình phối hợp thường xuyên và bền vững.
10. UBND huyện, thành phố, thị xã
a) Chỉ đạo các cơ quan đoàn thể, tổ chức tại địa phương phối hợp chặt chẽ với ngành y tế triển khai thực hiện các hoạt động phòng chống lao; Tuyên truyền, vận động sự ủng hộ cộng đồng vào công cuộc phòng, chống Lao.
b) Quan tâm, cân đối để bố trí nguồn kinh phí cho công tác phòng, chống Lao trên địa bàn theo quy định.
Trên đây là “Phòng, chống Lao giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Nghệ An”, yêu cầu các Sở, ban ngành; UBND các huyện, thành phố, thị xã triển khai hiệu quả.
Định kì trước ngày 30/11 hàng năm báo cáo kết quả thực hiện gửi về Sở Y tế để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ Y tế; Trong quá trình triển khai, nếu gặp các vấn đề phát sinh, gửi kiến nghị về Sở Y tế tổng hợp, trình UBND tỉnh điều chỉnh phù hợp với thực tế nhằm đạt mục tiêu kế hoạch./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
CHỈ TIÊU CHUYÊN MÔN CƠ BẢN TỪNG NĂM.
(ban hành kèm theo Kế hoạch số 326/KH-UBND ngày 11 tháng 6 năm 2021)
Chỉ tiêu | Giai đoạn 2021-2025 | |||||
2021 | 2022 | 2023 | 2024 | 2025 | ||
Dân số (người) | 3.327.391 | 3.371.391 | 3.416.230 | 3.461.683 | 3.644.900 | |
Tỷ lệ dân số được xét nghiệm đờm (CTCLQG 0,8-1%) | 1 | 1 | 1 | 1 | 1 | |
Số bệnh nhân lao các thể | 1930 | 1737 | 1563 | 1407 | 1266 | |
Số bệnh nhân lao có bằng chứng vi khuẩn học | 1.070 | 963 | 867 | 780 | 702 | |
Bệnh nhân lao kháng đa thuốc | 80 | 70 | 65 | 60 | 55 | |
Tỷ lệ điều trị khỏi (> 90%) | 90,5 | 91 | 91,5 | 92 | 92,5 | |
Tỷ lệ bỏ trị (CTCLQG < 1%) | 0,7% | 0,6% | 0,5% | 0,4% | 0,3% | |
Tỷ lệ tử vong (CTCLQG < 3%) | 1% | 0,8% | 0,6% | 0,4% | 0,2% | |
Thực hiện 2X | Số phim XQ | 90.000 | 100.000 | 110.000 | 120.000 | 130.000 |
Số mẫu Gene Xpert | 6800 | 7500 | 8250 | 9000 | 10500 |
Ghi chú: Tổng số bệnh nhân lao các thể ước tính giảm 10 %/năm.
DỰ KIẾN NGUỒN KINH PHÍ THỰC HIỆN
(ban hành kèm theo Kế hoạch số 326/KH-UBND ngày 11 tháng 6 năm 2021)
Nguồn ngân sách | Giai đoạn 2021-2025 | ||||
2021 | 2022 | 2023 | 2024 | 2025 | |
Ngân sách tỉnh | 3.284.770.000 | 2.019.190.000 | 2.012.440.000 | 1.599.070.000 | 1.528.900.000 |
Quỹ BHYT | 6.912.146.729 | 10.400.000.000 | 10.100.000.000 | 9.800.000.000 | 9.500.000.000 |
Tổng kinh phí dự kiến | 10.196.916.729 | 12.419.190.000 | 12.112.400.000 | 11.399.070.000 | 11.028.900.000 |
Ghi chú:
• Nguồn BHYT: Bao gồm nguồn dùng khám chữa bệnh lao Dự kiến nguồn thanh toán thuốc lao qua bảo hiểm y tế dự kiến từ năm 2022.
• Ngân sách tỉnh: Chi hoạt động thường xuyên của chương trình phòng, chống Lao.
- 1Kế hoạch 39/KH-UBND năm 2021 thực hiện phòng, chống lao tỉnh Nam Định giai đoạn 2021-2025
- 2Kế hoạch 81/KH-UBND năm 2021 về chiến lược phòng, chống lao giai đoạn 2021-2025 tỉnh Ninh Bình
- 3Quyết định 1003/QĐ-UBND năm 2021 phê duyệt Kế hoạch Chiến lược phòng, chống lao tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021-2025
- 4Quyết định 1579/QĐ-UBND năm 2021 phê duyệt Kế hoạch phòng chống lao tỉnh Bắc Kạn, giai đoạn 2021-2025
- 1Luật ngân sách nhà nước 2015
- 2Quyết định 1313/QĐ-BYT năm 2020 về Hướng dẫn phát hiện và điều trị lao tiềm ẩn do Bộ Y tế ban hành
- 3Kế hoạch 39/KH-UBND năm 2021 thực hiện phòng, chống lao tỉnh Nam Định giai đoạn 2021-2025
- 4Kế hoạch 81/KH-UBND năm 2021 về chiến lược phòng, chống lao giai đoạn 2021-2025 tỉnh Ninh Bình
- 5Quyết định 1003/QĐ-UBND năm 2021 phê duyệt Kế hoạch Chiến lược phòng, chống lao tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021-2025
- 6Quyết định 1579/QĐ-UBND năm 2021 phê duyệt Kế hoạch phòng chống lao tỉnh Bắc Kạn, giai đoạn 2021-2025
Kế hoạch 326/KH-UBND năm 2021 về Phòng, chống Lao giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Nghệ An
- Số hiệu: 326/KH-UBND
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 11/06/2021
- Nơi ban hành: Tỉnh Nghệ An
- Người ký: Bùi Đình Long
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 11/06/2021
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định