Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3213/KH-UBND | Điện Biên, ngày 04 tháng 11 năm 2019 |
KẾ HOẠCH
PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN, CỨU HỘ MÙA HANH KHÔ NĂM 2019 - 2020
Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 25/6/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và để bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; chủ động phòng ngừa tai nạn cháy và thiệt hại do cháy gây ra trong mùa hanh khô, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ mùa hanh khô năm 2019 - 2020. Cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra, hướng dẫn về an toàn phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện Luật Phòng cháy, chữa cháy và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và của tỉnh về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; hạn chế đến mức thấp nhất số vụ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; thực hiện tốt công tác dự báo và nắm chắc tình hình nhằm chủ động phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kịp thời khắc phục những tồn tại, thiếu sót trong công tác phòng cháy, chữa cháy.
2. Yêu cầu
Lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phối hợp với các cơ quan, đơn vị chủ động nắm chắc tình hình, đánh giá đúng thực trạng công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của cơ sở và các cơ quan, đơn vị; tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; khắc phục kịp thời các tồn tại, thiếu sót trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, không để cháy, nổ xảy ra.
Việc triển khai các biện pháp phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phải đồng bộ, quyết liệt, phải huy động sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, các địa phương và toàn thể nhân dân trong công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ gắn với việc xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và các phong trào khác ở địa phương.
II. NỘI DUNG, BIỆN PHÁP THỰC HIỆN
1. Công an tỉnh
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các Chương trình, Kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 25/6/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy.
- Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật, xây dựng các tin, bài, phóng sự hướng dẫn người dân các biện pháp phòng cháy, chữa cháy và kỹ năng thoát nạn khi có sự cố cháy, nổ xảy ra. Chú trọng tuyên huyền hướng dẫn người dân trong việc bố trí sắp xếp, quản lý chất cháy, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt...
- Chủ động làm tốt công tác điều tra cơ bản, khảo sát, đánh giá và dự báo nguy cơ có thể xảy ra sự cố, tai nạn gây thiệt hại về người và tài sản để có biện pháp phòng ngừa hiệu quả; nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, hướng dẫn thực hiện CNCH, chủ động phát hiện nguy cơ xảy ra sự cố, tai nạn để kịp thời kiến nghị người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở, hộ gia đình và UBND các cấp có các biện pháp tự kiểm tra, phòng ngừa, khắc phục triệt để và tổ chức thường trực ứng phó kịp thời xử lý khi có các tình huống xảy ra. Xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm các quy định an toàn về an toàn về phòng cháy, chữa cháy.
- Thực hiện tốt công tác quản lý vật liệu nổ, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; tập trung điều tra, xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm các quy định an toàn về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.
- Chỉ đạo Lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra theo chuyên đề, chuyên ngành tập trung vào các chợ, trung tâm thương mại, cơ sở kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, các cơ sở cung ứng, kinh doanh và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; các địa bàn trọng điểm về chính trị, kinh tế, xã hội của tỉnh; khu dân cư, các khu bảo tàng, đồi di tích lịch sử và những nơi diễn ra các hoạt động mít tinh, triển lãm, hội chợ, kho tàng, bến bãi tập trung nhiều hàng hóa dễ cháy, nổ.
- Duy trì, đảm bảo chế độ thường trực chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; xây dựng các biện pháp, phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ kịp thời; đảm bảo các loại vật tư, phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ sẵn sàng để ứng phó khi có cháy, nổ, tai nạn xảy ra.
- Tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ các cấp, lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở, dân phòng theo quy định của Luật Phòng cháy, chữa cháy và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy. Tăng cường kiểm tra công tác thường trực của lực lượng phòng cháy, chữa cháy dân phòng, cơ sở và các điều kiện phục vụ công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại chỗ khi có cháy nổ xảy ra.
2. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Điện Biên Phủ
- Phối hợp với Công an tỉnh tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các quy định của pháp luật về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, nhất là vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, người đứng đầu các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh và nhân dân làm chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm và hành động trong công tác phòng cháy, chữa cháy.
- Xây dựng các phóng sự, tin bài nhằm tuyên truyền phản ánh thực trạng, tình hình thực hiện công tác an toàn phòng cháy, chữa cháy của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh; đồng thời phối hợp với Công an tỉnh xây dựng các hướng dẫn, cảnh báo về an toàn phòng cháy, chữa cháy bằng các hình thức như: Tuyên truyền lưu động ở những nơi đông người và trên loa phát thanh của các xã, phường, thị trấn; treo pa nô, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu ở những nơi công cộng; Kịp thời đưa các tin, bài nêu gương người tốt, việc tốt; phê phán các hành vi thiếu trách nhiệm, các vi phạm về công tác phòng cháy, chữa cháy của tổ chức, cá nhân để giáo dục, phòng ngừa chung.
3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan phối hợp chặt chẽ với cơ quan truyền thông thực hiện tốt các hoạt động tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, phát triển rừng và phòng cháy chữa cháy rừng; thường xuyên theo dõi cảnh báo nguy cơ cháy rừng để chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng; hướng dẫn quản lý chặt chẽ việc đốt dọn thực bì làm nương theo quy hoạch; trong các tháng cao điểm mùa hanh khô bố trí lực lượng thường trực 24/24h trong ngày; hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng và thực hiện phương án phòng cháy, chữa cháy rừng; bố trí lực lượng canh phòng ở những khu vực trọng điểm, có nguy cơ cháy rừng cao; tổ chức huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy rừng cho các đơn vị trực thuộc và chủ rừng; chủ động sẵn sàng về lực lượng và phương tiện tham gia chữa cháy rừng khi có cháy rừng xảy ra.
4. Sở Công thương
Chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan chỉ đạo Ban quản lý các chợ, trung tâm thương mại, tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, xây dựng các tiêu chí chợ kiểu mẫu đạt chuẩn về phòng cháy, chữa cháy; tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trong sản xuất kinh doanh các loại hàng hóa dễ cháy nổ, việc sang chiết nạp gas, các cơ sở kinh doanh xăng dầu, khí hóa lỏng... đảm bảo các điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy. Chỉ đạo các đơn vị điện lực khắc phục kịp thời tình trạng sự cố kỹ thuật có thể gây cháy, nổ, nhất là cháy các thiết bị điện trên các cột điện, tại các trạm biến áp.
5. Sở Tư pháp
Phối hợp Công an tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan biên soạn, phát hành các tài liệu tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ để cung cấp cho các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố.
6. Sở Giáo dục và Đào tạo
Phối hợp với Công an tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan lồng ghép việc phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ vào chương trình học tập, hoạt động ngoại khóa trong nhà trường và các cơ sở giáo dục, phù hợp với từng ngành học và cấp học.
7. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh
Tổ chức tốt công tác phòng cháy, chữa cháy trong các đơn vị quân đội; chỉ đạo lực lượng quân đội sẵn sàng tham gia chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khi có yêu cầu. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh triển khai các chủ trương, xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy.
8. Các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh
- Căn cứ vào tình hình thực tế của từng cơ quan, đơn vị để xây dựng kế hoạch phòng cháy, chữa cháy phù hợp theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm về tình hình cháy, nổ tại cơ quan, đơn vị mình quản lý.
- Chỉ đạo các phòng, ban phối hợp với Công an tỉnh tổ chức tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý; thường xuyên kiểm tra, quán triệt cán bộ, công chức, viên chức và người lao động nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy tại cơ quan, đơn vị, về mức độ an toàn hệ thống điện, việc sử dụng điện tại các phòng làm việc và trong mọi hoạt động tại cơ quan, đơn vị, đề phòng quá tải, chập điện gây cháy, nổ.
9. UBND huyện, thị xã, thành phố
- Chỉ đạo các phòng, ban thuộc UBND các xã, phường, thị trấn thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định an toàn phòng cháy, chữa cháy và tự kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy tại cơ quan, đơn vị mình quản lý; quán triệt và tuyên truyền cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân hiểu rõ tác hại và các nguy cơ cháy, nổ để nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc thực hiện các quy định phòng cháy, chữa cháy. Kiểm tra phát hiện và xử lý nghiêm các sai phạm trong đầu tư xây dựng các dự án, công trình thuộc diện phải thẩm duyệt thiết kế và nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy; nhất là việc xây dựng trái phép lấn chiếm hành lang, lối thoát hiểm tại các khu dân cư, khu vui chơi giải trí, chợ, nơi tập trung đông người. Củng cố, kiện toàn và nâng cao năng lực, khả năng xử lý các tình huống cháy, nổ ngay từ ban đầu và trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy cho lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở, dân phòng theo quy định
- Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn nơi có chợ và Trung tâm thương mại phải xây dựng phương án, biện pháp phòng cháy, chữa cháy tại chỗ theo quy định; đầu tư kinh phí bảo dưỡng, bảo trì hệ thống phòng cháy, chữa cháy. Tăng cường công tác tự kiểm tra việc chấp hành các quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở trên địa bàn quản lý.
II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Căn cứ các nội dung của Kế hoạch này và tình hình thực tế, các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện. Định kỳ 06 tháng, 01 năm và đột xuất, có trách nhiệm tổng hợp và gửi báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh (qua Công an tỉnh) để tổng hợp chung.
2. Giao Công an tỉnh (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tỉnh) có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Kế hoạch này; định kỳ tổng hợp và báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh theo quy định.
Trên đây là Kế hoạch phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ mùa hanh khô năm 2019 - 2020 trên địa bàn tỉnh. Yêu cầu các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và người đứng đầu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ gia đình trên địa bàn tỉnh nghiêm túc triển khai thực hiện, bảo đảm nội dung yêu cầu./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Kế hoạch 165/KH-UBND năm 2019 thực hiện Công điện 584/CĐ-TTg về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy do thành phố Hà Nội ban hành
- 2Kế hoạch 2485/KH-UBND năm 2019 thực hiện Công điện 584/CĐ-TTg về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn tỉnh Hải Dương
- 3Kế hoạch 3364/KH-UBND năm 2019 về kiểm tra công tác bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với cơ sở sản xuất, kho hàng có nguy hiểm về cháy, nổ cao trong khu dân cư trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận
- 4Chỉ thị 07/2004/CT-UB về tăng cường biện pháp phòng cháy chữa cháy do tỉnh Gia Lai ban hành
- 1Luật phòng cháy và chữa cháy 2001
- 2Chỉ thị 47-CT/TW năm 2015 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 3Kế hoạch 165/KH-UBND năm 2019 thực hiện Công điện 584/CĐ-TTg về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy do thành phố Hà Nội ban hành
- 4Kế hoạch 2485/KH-UBND năm 2019 thực hiện Công điện 584/CĐ-TTg về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn tỉnh Hải Dương
- 5Kế hoạch 3364/KH-UBND năm 2019 về kiểm tra công tác bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với cơ sở sản xuất, kho hàng có nguy hiểm về cháy, nổ cao trong khu dân cư trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận
- 6Chỉ thị 07/2004/CT-UB về tăng cường biện pháp phòng cháy chữa cháy do tỉnh Gia Lai ban hành
Kế hoạch 3213/KH-UBND năm 2019 về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ mùa hanh khô năm 2019-2020 do tỉnh Điện Biên ban hành
- Số hiệu: 3213/KH-UBND
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 04/11/2019
- Nơi ban hành: Tỉnh Điện Biên
- Người ký: Mùa A Sơn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra