Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3140/KH-UBND

Ninh Thuận, ngày 03 tháng 8 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN ĐỔI MỚI, PHÁT TRIỂN TRỢ GIÚP XÃ HỘI GIAI ĐOẠN 2017 - 2025 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN

Căn cứ Quyết định số 488/QĐ-TTg ngày 14/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới, phát triển trợ giúp xã hội giai đoạn 2017 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Công văn số 2144/LĐTBXH-BTXH ngày 01/6/2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc triển khai thực hiện Đề án Đổi mới, phát triển trợ giúp xã hội giai đoạn 2017 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030;

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án đổi mới, phát triển trợ giúp xã hội giai đoạn 2017 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, cụ thể như sau:

I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH TRỢ GIÚP XÃ HỘI GIAI ĐOẠN 2010-2016:

1. Thực trạng trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh:

Tỉnh Ninh Thuận thuộc vùng Duyên hải Nam trung bộ, tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh là 335.832,57 ha. Tỉnh có 06 huyện và 01 thành phố, với 65 xã, phường, thị trấn; 402 thôn, khu phố; có 01 huyện nghèo Bác Ái theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP; có 37 xã/124 thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 56,92% số xã, phường, thị trấn toàn tỉnh; có 02 xã bãi ngang ven biển; 14 xã đặc biệt khó khăn, 77 thôn đặc biệt khó khăn. Dân số toàn tỉnh 161.516 hộ/678.116 khẩu, trong đó dân số dân tộc thiểu số có 33.599 hộ/156.753 khẩu, chiếm 23,77%. Hộ nghèo toàn tỉnh 20.253 hộ/81.294 khẩu, tỷ lệ 12,54%; cận nghèo 16.649 hộ/68.094 khẩu, tỷ lệ 10,31%. Hộ nghèo dân tộc thiểu số có 11.139 hộ/51.673 khẩu, chiếm 55% (so với hộ Dân tộc thiểu số) và hộ cận nghèo dân tộc thiểu số có 5.371 hộ/25.393 khẩu, chiếm 32,26% (so với hộ dân tộc thiểu số).

Trong những năm qua, công tác triển khai thực hiện chính sách trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh bao gồm: hỗ trợ hiện vật, trợ cấp tiền mặt hàng tháng, đột xuất, cung cấp dịch vụ chăm sóc, nuôi dưỡng tại hộ gia đình và trong các cơ sở bảo trợ xã hội, tại cộng đồng,... kết quả thực hiện như sau:

- Thực hiện Nghị định số 13/2010/NĐ-CP ngày 27/02/2010 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2007/NĐ-CP ngày 13/4/2007 của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội và nay là Nghị định số 136/2013/NĐ-CP , hằng năm khoảng hơn 30.000 lượt người được hưởng trợ cấp xã hội, tổng kinh phí thực hiện khoảng 100 tỷ đồng/năm (thực hiện chi hỗ trợ hàng tháng, bảo hiểm y tế, mai táng phí); tổ chức cứu trợ đột xuất khoảng 22.000 tấn gạo cho các đối tượng thiếu đói do hạn hán, vùng xâm nhập mặn, bão lũ gây ra và dịp Tết Nguyên đán, với 361.164 hộ/1.195.169 khẩu.

- Triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách giảm nghèo, hộ nghèo và hộ cận nghèo được cấp miễn phí thẻ bảo hiểm y tế, với khoảng 800.398 thẻ và kinh phí thực hiện 475 tỷ đồng; xây dựng và sửa chữa nhà ở theo Quyết định 167/QĐ-TTg đã thực hiện hỗ trợ được 7.406 hộ, với kinh phí thực hiện 96,756 tỷ đồng. Năm 2016, tiếp tục hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg , thẩm định danh sách theo Đề án 2.497 hộ đã hỗ trợ cho 120 hộ, với kinh phí 3 tỷ đồng. Hỗ trợ trực tiếp tiền điện cho hộ nghèo là 95.303 hộ, với kinh phí thực hiện là 34,307 tỷ đồng. Vay vốn tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, tính đến cuối năm 2016 là 1.597,090 tỷ đồng, số hộ dư nợ là 94.191 hộ, đã thực sự phát huy hiệu quả tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu vốn, có nguồn vốn đảm bảo phát triển kinh tế hộ gia đình. Hỗ trợ ưu đãi giáo dục theo Nghị định 49/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014- 2015 thực hiện miễn, giảm học phí cho học sinh, sinh viên, với kinh phí thực hiện: 57,156 tỷ đồng.

- Tỉnh đã thực hiện tốt công tác chăm lo người có công cách mạng và thân nhân người có công cách mạng: chi trợ cấp hàng tháng khoảng 4.000 định suất, với kinh phí thực hiện khoảng 72 tỷ đồng/năm; thực hiện cấp miễn phí thẻ bảo hiểm y tế, ưu đãi giáo dục, điều dưỡng, cấp dụng cụ chỉnh hình, xây dựng nhà ở, thăm, tặng quà nhân dịp lễ, tết với kinh phí thực hiện từ năm 2010 -2016 khoảng 119.379 tỷ đồng.

- Tỉnh đã giải quyết việc làm cho 95.239/90.500 lao động; giảm cơ cấu lao động ngành nông - lâm - thủy sản từ 49,62% năm 2010 xuống còn 45% năm 2015; ngành công nghiệp - xây dựng năm 2010 từ 16,5% đến năm 2015 lên 18%; ngành thương mại - dịch vụ năm 2010 từ 33,88% đến năm 2015 lên 37%; giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị từ 3,22 % năm 2010 xuống 3% năm 2015; tăng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động nông thôn từ 81% năm 2010 lên 84% năm 2015. Tư vấn việc làm cho người lao động 25.060/32.000 người lao động, đạt 78,3% kế hoạch, trong đó giới thiệu việc làm được 3.841/8.000 lao động đạt 48% so kế hoạch. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tỉnh đã tổ chức được 422 lớp dạy nghề với 21.229 lao động nông thôn tham gia.

- Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh Ninh Thuận đã thực hiện 40 đợt trợ giúp pháp lý lưu động tại 146 điểm (thôn/xã). Tổ chức trao đổi chuyên đề pháp luật với 6.958 lượt người tham gia, giải quyết pháp lý tại chỗ cho 1.021 lượt người, đồng thời phát 20.500 tờ rơi tuyên truyền và tặng 45 đầu sách pháp luật cho các xã, thôn đặc biệt khó khăn.

- Công tác chăm sóc bảo vệ trẻ em và bình đẳng giới ngày càng được cải thiện; công tác này đã chuyển hướng theo cách tiếp cận dựa trên nhu cầu và đáp ứng các quyền cơ bản của đối tượng có nhu cầu. Đảm bảo đối tượng có cuộc sống an toàn lành mạnh và phát triển.

- Tỉnh có 06 cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập, hằng năm tiếp nhận, quản lý và chăm sóc nuôi dưỡng bình quân 290 người/năm, với kinh phí bình quân khoảng 7 tỷ đồng/năm.

- Tỉnh thực hiện tốt công tác huy động nguồn kinh phí từ các tổ chức xã hội, nhà hảo tâm trong và ngoài nước để tổ chức thực hiện các dự án, chương trình như: dự án hỗ trợ học bổng do tổ chức Dillon - Hoa Kỳ tài trợ giai đoạn 2010 - 2017 là 77.000 USD (bình quân 11.000 USD/năm); phối hợp mổ tim cho trẻ em, trao xe đạp, cấp xe lăn, xe lắc, khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ em, người nghèo ở các xã, phường, thị trấn...

2. Đánh giá công tác trợ giúp xã hội giai đoạn 2010 - 2016 trên địa bàn tỉnh:

a) Thuận lợi:

- Được sự quan tâm lãnh chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, sự chỉ đạo điều hành có kết quả của Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn trong việc tổ chức triển khai thực hiện các chính sách trợ giúp xã hội tương đối toàn diện, đồng bộ, bước đầu đáp ứng được các nhu cầu thiết yếu của người hưởng lợi, góp phần giảm bớt một phần khó khăn và giúp đối tượng ổn định cuộc sống.

- Các chính sách về đảm bảo trợ giúp xã hội, y tế, giáo dục, vùng đồng bảo dân tộc thiểu số ... có sự ưu tiên cho các nhóm đặc thù như trẻ em dưới 4 tuổi, trẻ em đang đi học, người khuyết tật, người cao tuổi, người đơn thân và đồng bào dân tộc thiểu số.

- Sự đầu tư, tham gia của các tổ chức, cá nhân, của nhân dân và sự hỗ trợ có kết quả của các tổ chức quốc tế, tổ chức từ thiện trong và ngoài nước trong việc thực hiện trợ giúp xã hội.

b) Tồn tại, hạn chế:

- Mức hỗ trợ của một số chính sách trợ giúp xã hội còn thấp; các văn bản hướng dẫn thực hiện còn chồng chéo nên khó khăn trong việc tiếp cận chính sách của các đối tượng.

- Đời sống vật chất và tinh thần của một bộ phận người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn cho nên việc tiếp cận thông tin về chính sách còn hạn chế.

- Đội ngũ cán bộ nhìn chung còn thiếu so với nhiệm vụ được giao; cán bộ cấp xã còn hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ và chưa ổn định.

- Chưa có sự phối kết hợp chặt chẽ trong công tác triển khai thực hiện chính sách trợ giúp xã hội giữa các ban, ngành có liên quan trên địa bàn tỉnh.

c) Nguyên nhân của hạn chế, tồn tại:

- Việc triển khai thực hiện, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành và người dân về chính sách trợ giúp xã hội còn hạn chế, có khi chưa được đầy đủ và kịp thời.

- Công tác bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng thực hiện nhiệm vụ quản lý, hoạt động sự nghiệp về công tác xã hội chưa đầy đủ và thường xuyên.

- Việc bố trí kinh phí, trang thiết bị làm việc, cán bộ và cộng tác viên làm công tác xã hội chưa tương xứng với nhiệm vụ công tác xã hội đang phát triển. Cán bộ làm công tác Lao động - Thương binh và Xã hội ở các xã, phường, thị trấn thường xuyên thay đổi, kiêm nhiệm nhiều việc nên công tác theo dõi, cập nhật thông tin, thực hiện hoạt động quản lý và sự nghiệp trợ giúp xã hội cho các đối tượng còn khó khăn.

- Việc phối kết hợp tổ chức thực hiện hoạt động quản lý giữa các ngành của tỉnh, của một số địa phương cấp huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn chưa chặt chẽ và chưa đồng độ; một bộ phận đối tượng bảo trợ xã hội, cứu trợ xã hội chưa tích cực vượt khó vươn lên để ổn định cuộc sống. Công tác phát hiện nhân tố điển hình, biểu dương, khen thưởng chưa kịp thời.

II. NỘI DUNG TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN:

1. Mục tiêu:

1.1. Mục tiêu tổng quát:

Tiếp tục cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân có hoàn cảnh khó khăn; mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách trợ giúp xã hội, ưu tiên người nghèo, người sống ở vùng núi, vùng dân tộc thiểu số; nâng mức trợ giúp xã hội phù hợp với vòng đời, khả năng ngân sách nhà nước và xu hướng quốc tế; bảo đảm người dân gặp rủi ro được hỗ trợ kịp thời từ nhà nước, các tổ chức và cộng đồng; phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội; đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia trợ giúp xã hội, góp phần bảo đảm công bằng, ổn định xã hội và phát triển bền vững.

1.2. Mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể:

a) Mục tiêu giai đoạn 2017- 2020:

- 100% số đối tượng bảo trợ xã hội thuộc diện hưởng chính sách hiện hành được nhận trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng; 100% đối tượng gặp khó khăn đột xuất được trợ giúp kịp thời.

- 50% người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được các cơ sở trợ giúp xã hội cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội phù hợp.

- Nâng cao năng lực cho đội ngũ viên chức, nhân viên làm công tác trợ giúp xã hội; thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về trợ giúp xã hội, tăng cường vai trò tham gia và sự phối hợp liên ngành trong thực hiện trợ giúp xã hội.

- Đổi mới cơ chế, phương thức cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội theo hướng dựa trên hiệu quả, kết quả đầu ra và khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực trợ giúp xã hội.

b) Mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025:

- 100% đối tượng bảo trợ xã hội thuộc diện hưởng chính sách hiện hành được nhận trợ cấp xã hội hàng tháng; 100% đối tượng gặp khó khăn đột xuất được trợ giúp kịp thời.

- 70% người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được các cơ sở trợ giúp xã hội cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội phù hợp, kịp thời.

- Thí điểm tối thiểu 01 mô hình cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội cấp huyện, đảm bảo 7.000 người dân có ít nhất một nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp.

- Nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền thực hiện có hiệu quả chính sách trợ cấp xã hội hàng tháng; trợ giúp khẩn cấp dựa trên mức độ thiệt hại, mức độ tổn thương, hoàn cảnh cụ thể và khả năng khắc phục rủi ro của cá nhân, hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi thiên tai, hỏa hoạn, mất mùa, dịch bệnh, tác động của biến đổi khí hậu, tai nạn lao động, tai nạn giao thông, nạn nhân của bạo lực gia đình, phụ nữ và trẻ em bị mua bán ...

- Phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng, địa phương; phát huy năng lực, hiệu quả của các cơ sở trợ giúp xã hội hiện có; quan tâm đầu tư nâng cấp các cơ sở trợ giúp xã hội công lập để có đủ điều kiện trợ giúp cho các đối tượng bảo trợ xã hội. Xây dựng mô hình cơ sở trợ giúp xã hội toàn diện để trợ giúp cho các đối tượng có nhu cầu, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

- Cải cách thủ tục hành chính theo hướng rút ngắn thời gian, quý trình giải quyết chính sách trợ giúp xã hội, dựa vào nhu cầu của người dân, bảo đảm công khai, minh bạch.

- Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý chính sách, phê duyệt đối tượng, chi trả trợ cấp, trợ giúp xã hội; xây dựng cơ sở dữ liệu về trợ giúp xã hội của địa phương thống nhất với cơ sở dữ liệu quốc gia; đổi mới phương thức chi trả trợ giúp cho đối tượng.

- Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên làm công tác trợ giúp xã hội, cộng tác viên công tác xã hội tại xã, phường, thị trấn.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện chính sách trợ giúp xã hội, đặc biệt là chính sách trợ cấp xã hội, quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội và các chính sách có liên quan đến hỗ trợ thực hiện.

c) Đến năm 2030:

- 100% đối tượng bảo trợ xã hội thuộc diện hưởng chính sách hiện hành được nhận trợ cấp xã hội hàng tháng; 100% đối tượng gặp khó khăn đột xuất được trợ giúp kịp thời; mức trợ cấp xã hội hàng tháng đối với người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được điều chỉnh tăng phù hợp với khả năng ngân sách.

- Người cao tuổi từ đủ 75 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp của Nhà nước, phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 36 tháng tuổi được hưởng trợ cấp xã hội.

- 90% người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội phù hợp, kịp thời.

- 60% đơn vị cấp huyện có cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội; 70% số cơ sở trợ giúp xã hội là cơ sở ngoài công lập, bảo đảm 5.000 người dân có ít nhất một nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp.

- Tiếp tục nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền căn cứ vào tình hình kinh tế- xã hội, khả năng nguồn lực của địa phương xem xét quyết định mở rộng đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, tăng mức trợ cấp xã hội dựa trên nhu cầu tối thiểu của con người, theo vòng đời; trợ giúp khẩn cấp dựa trên mức độ thiệt hại, mức độ tổn thương, hoàn cảnh cụ thể và khả năng khắc phục rủi ro của cá nhân, hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi thiên tai, hỏa hoạn, mất mùa, dịch bệnh, tác động của biến đổi khí hậu, tai nạn lao động, tai nạn giao thông, nạn nhân của bạo lực gia đình, phụ nữ và trẻ em bị mua bán ...

- Phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng, địa phương; phát huy năng lực, hiệu quả của các cơ sở trợ giúp xã hội hiện có; quan tâm đầu tư nâng cấp các cơ sở trợ giúp xã hội công lập để có đủ điều kiện trợ giúp cho các đối tượng bảo trợ xã hội, Xây dựng mô hình cơ sở trợ giúp xã hội toàn diện để trợ giúp cho các đối tượng có nhu cầu, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

- Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính theo hướng rút ngắn thời gian, quy trình giải quyết chính sách trợ giúp xã hội, dựa vào nhu cầu của người dân, bảo đảm công khai, minh bạch.

- Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý chính sách, phê duyệt đối tượng, chi trả trợ cấp, trợ giúp xã hội; xây dựng cơ sở dữ liệu về trợ giúp xã hội của địa phương thống nhất với cơ ở dữ liệu quốc gia; đổi mới phương thức chi trả trợ giúp cho đối tượng.

- Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên làm công tác trợ giúp xã hội, cộng tác viên công tác xã hội tại xã, phường, thị trấn.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện chính sách trợ giúp xã hội, đặc biệt là chính sách trợ cấp xã hội, quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội và các chính sách có liên quan đến hỗ trợ thực hiện.

III. Đối tượng, phạm vi, thời gian thực hiện Đề án:

1. Đối tượng:

- Người gặp rủi ro theo vòng đời, rủi ro do thiên tai, kinh tế, xã hội và rủi ro tự nhiên khác.

- Ưu tiên nhóm đối tượng là người cao tuổi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em dưới 6 tuổi và người khuyết tật nặng, người khuyết đặc biệt nặng.

2. Phạm vi:

- Phạm vi về nội dung: Tập trung cơ bản là chính sách trợ cấp xã hội (trong đó đã tích hợp các chính sách trợ cấp tiền mặt); trợ giúp khẩn cấp và dịch vụ trợ giúp xã hội (gồm cung cấp dịch vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, dịch vụ công tác xã hội ở cộng đồng và các cơ sở trợ giúp xã hội).

- Phạm vi về không gian: thực hiện trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, ưu tiên các huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

3. Thời gian thực hiện: Kế hoạch được thực hiện trong giai đoạn 2017 - 2030, chia theo 03 giai đoạn:

- Giai đoạn 2017 - 2020.

- Giai đoạn 2021 - 2025.

- Tầm nhìn đến năm 2030.

IV. Giải pháp thực hiện:

1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách trợ giúp xã hội. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm đội ngũ cán bộ, công chức các cấp trong chỉ đạo, huy động nguồn lực và thực hiện trợ giúp xã hội.

2. Tuyên truyền, phổ biến quan điểm chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về trợ giúp xã hội, nâng cao nhận thức về trách nhiệm của gia đình và xã hội trong việc bảo vệ, chăm sóc và trợ giúp đối tượng trợ giúp xã hội, vận động xã hội nhằm thay đổi cách thức trợ giúp xã hội theo hướng tiên tiến, hiệu quả.

3. Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên làm công tác trợ giúp xã hội; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện chính sách trợ giúp xã hội, đặc biệt chính sách trợ cấp xã hội, quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội và các chính sách có liên quan đến hỗ trợ thực hiện.

4. Hỗ trợ các cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập có đủ điều kiện trợ giúp toàn diện cho các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

5. Xây dựng mô hình cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội toàn diện, hướng đến năm 2030, khoảng 5.000 người dân có một nhân viên công tác xã hội, trợ giúp xã hội chuyên nghiệp.

6. Đẩy mạnh xã hội hóa, đa dạng hóa nguồn lực thực hiện trợ giúp xã hội, nhất là trợ giúp khẩn cấp.

7. Lồng ghép các nguồn vốn (ngân sách nhà nước giao hàng năm, kinh phí thực hiện các Chương trình có liên quan, đóng góp...) để thực hiện kế hoạch đảm bảo hiệu quả.

V. Kinh phí thực hiện:

1. Nguồn kinh phí thực hiện bao gồm:

- Kinh phí thực hiện Kế hoạch được bố trí từ dự toán chi thường xuyên hàng năm của các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; các chương trình, dự án có liên quan để thực hiện các hoạt động của kế hoạch theo phân cấp.

- Kinh phí tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên, cộng tác viên, gia đình đối tượng; hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp cơ sở trợ giúp xã hội và các mô hình được thực hiện lồng ghép với các đề án, chương trình, kế hoạch như: Đề án phát triển nghề công tác xã hội, Đề án trợ giúp người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng, Đề án chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dựa vào cộng đồng, Đề án trợ giúp cho người khuyết tật dựa vào cộng đồng...

- Các nguồn đóng góp, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước (nếu có).

2. Trên cơ sở dự toán chi thường xuyên được Ủy ban nhân dân tỉnh giao hàng năm, nguồn kinh phí lồng ghép thực hiện chương trình, dự án có liên quan, các Sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chủ động xây dựng, triển khai thực hiện các nội dung, hoạt động theo Kế hoạch; quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí theo đúng quy định tài chính hiện hành.

VI. Tổ chức thực hiện:

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai, thực hiện Kế hoạch này và định kỳ tổng hợp kết quả của các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện; báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định.

- Phối hợp với các Sở, ban ngành liên quan, địa phương tổ chức các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng trong việc thực hiện trợ giúp xã hội.

- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung một số chính sách liên quan đến đối tượng bảo trợ xã hội phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

- Tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức, năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên làm công tác trợ giúp xã hội.

- Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Kế hoạch số 1158/KH-UBND ngày 29/3/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc triển khai thực hiện Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020; Kế hoạch số 5776/KH-UBND ngày 10/12/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí giai đoạn 2012-2020 trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 5494/KH-UBND ngày 15/11/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Đề án Chăm sóc trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em nhiễm HIV/AIDS, trẻ em là nạn nhân của chất độc hóa học, trẻ em khuyết tật nặng và trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa dựa vào cộng đồng giai đoạn 2014-2020 trên địa bàn; Kế hoạch số 1964/KH-UBND ngày 07/5/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Quyết định số 1019/QĐ-TTg ngày 05/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2013-2020 trên địa bàn tỉnh.

2. Sở Y tế: Phối hợp với các Sở, ban ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các cấp phát hiện, xác định mức độ khuyết tật và tổ chức can thiệp sớm, phẫu thuật chỉnh hình, cung cấp dụng cụ chỉnh hình trợ giúp cho người khuyết tật tại cộng đồng.

3. Sở Giáo dục và Đào tạo: Thực hiện các hoạt động trợ giúp cho người khuyết tật, người yếu thế được tiếp cận giáo dục...

4. Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các Sở, ban ngành có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí thực hiện Kế hoạch phù hợp với khả năng cân đối ngân sách địa phương hàng năm.

5. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan vận động các nguồn viện trợ trong và ngoài nước cho việc thực hiện Kế hoạch; lồng ghép các chương trình mục tiêu, chỉ tiêu vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm ở địa phương

6. Sở Tư pháp: Phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức việc thực hiện đổi mới trợ giúp xã hội.

7. Sở Thông tin và Truyền thông:

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban ngành liên quan xây dựng kế hoạch truyền thông theo Luật người cao tuổi, Luật người khuyết tật và Nghị định 136/2013/NĐ-CP , trợ giúp xã hội cho người nghèo, người yếu thế dễ bị tổn thương.

- Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, truyền thông trên địa bàn tỉnh thường xuyên tuyên truyền, phổ biến về hoạt động đổi mới, phát triển trợ giúp xã hội.

8. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Triển khai thực hiện trợ giúp người khuyết tật, người cao tuổi, người yếu thế trong hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch...

9. Đề nghị Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Liên đoàn lao động tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Tỉnh Đoàn, Hội Chữ thập đỏ, Hội Nạn nhân chất đốc màu da cam, Hội người mù, Hội Người cao tuổi, Hội Khuyến học tỉnh: Trong phạm vi, chức năng, nhiệm vụ của mình tham gia tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về trợ giúp xã hội

10. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

- Căn cứ Kế hoạch này và tình hình thực tế của địa phương, hàng năm xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các hoạt động trợ giúp xã hội phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức rà soát, cập nhật thường xuyên thông tin các đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương để quản lý và hỗ trợ phù hợp.

- Thực hiện các chính sách, chế độ trợ cấp xã hội, trợ giúp y tế, giáo dục, học nghề, giải quyết việc làm, hoạt động văn hóa, thể dục thể thao đối với đối tượng yếu thế tại địa phương.

- Chủ động bố trí ngân sách và tăng cường huy động các nguồn lực để thực hiện kế hoạch của địa phương; vận động các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn trợ giúp các đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương trên địa bàn quản lý.

11. Các Sở, ban ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố căn cứ kế hoạch này xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện hoặc cụ thể hóa thành các nhiệm vụ trong kế hoạch công tác trọng tâm hàng năm của cơ quan, đơn vị và triển khai thực hiện nhiệm vụ đạt hiệu quả. Hàng năm, tùy theo tình hình đơn vị, địa phương lồng ghép vào các chương trình tổ chức sơ, tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm về thực hiện Kế hoạch.

Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát thực hiện Kế hoạch này; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh sơ kết, tổng kết và báo cáo theo quy định. Trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch, nếu có khó khăn, vướng mắc; đề nghị các đơn vị, địa phương kịp thời phản ánh về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, điều chỉnh phù hợp./.

 


Nơi nhận:
- Bộ LĐTBXH (b/c);
- TT. Tỉnh ủy, TT. HĐND tỉnh (b/c);
- CT và PCT UBND tỉnh Lê Văn Bình;
- UBMTTQVN tỉnh;
- Các Sở, ngành thuộc tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- VPUB: CVP, PVP (HXN);
- Lưu: VT, KGVX. NVT

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Lê Văn Bình

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 3140/KH-UBND năm 2017 thực hiện Đề án đổi mới, phát triển trợ giúp xã hội giai đoạn 2017-2025 và tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận

  • Số hiệu: 3140/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 03/08/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Thuận
  • Người ký: Lê Văn Bình
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 03/08/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản