Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3106/KH-UBND

Bình Dương, ngày 09 tháng 09 năm 2015

 

KẾ HOẠCH

XÂY DỰNG VÙNG, CƠ SỞ AN TOÀN DỊCH BỆNH CÚM GIA CẦM VÀ NIU-CÁT-XƠN ĐỐI VỚI GÀ, HƯỚNG TỚI ĐẠT YÊU CẦU XUẤT KHẨU TẠI TỈNH BÌNH DƯƠNG GIAI ĐOẠN 2015 - 2020

Căn cứ Quyết định số 440/QĐ-BNN-TY ngày 03 tháng 02 năm 2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt Đề án “Thí điểm xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch đối với bệnh đối với gà hướng tới đạt yêu cầu xuất khẩu tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh”.

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh (ATDB) Cúm gia cầm và Niu-cát-xơn đối với gà, hướng tới đạt yêu cầu xuất khẩu tại tỉnh Bình Dương giai đoạn 2015-2020, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh Cúm gia cầm và Niu-cát-xơn trên gà tại tỉnh Bình Dương, đáp ứng các yêu cầu về ATDB của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE), đảm bảo phát triển chăn nuôi bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm, cung cấp sản phẩm an toàn phục vụ tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020

Việc xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh tập trung vào các cơ sở chăn nuôi để được công nhận an toàn dịch. Đối với vùng an toàn dịch thì tùy tình hình thực tế và chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổ chức thực hiện phù hợp với nội dung theo Đề án “Thí điểm xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch đối với bệnh đối với gà hướng tới đạt yêu cầu xuất khẩu tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh” đã được phê duyệt.

2.1. Xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh

- Đến tháng 12/2015: Có 30% cơ sở chăn nuôi gà tập trung được công nhận ATDB.

- Đến tháng 12/2016: Có 50% cơ sở chăn nuôi gà tập trung và 30% số xã được công nhận ATDB.

- Đến tháng 7/2017: Có trên 90% cơ sở chăn nuôi gà tập trung và 100% số xã được công nhận ATDB.

2.2. Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh

- Đến tháng 7/2017: Hoàn thành việc khống chế bền vững bệnh Cúm gia cầm, Niu-cát-xơn ở quy mô nông hộ và trang trại; hoàn tất xây dựng hồ sơ về vùng ATDB Cúm gia cầm, Niu-cát-xơn trên gà, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, công nhận.

2.3. Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh trình OIE công nhận.

- Đến tháng 12/2018: Hoàn thiện hồ sơ, thủ tục trình OIE công nhận vùng ATDB đối với bệnh Cúm gia cầm và Niu-cát-xơn trên gà.

- Đến tháng 12/2020: Dự kiến sẽ được OIE công nhận vùng ATDB đối với bệnh Cúm gia cầm và Niu-cát-xơn trên gà.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Thông tin tuyên truyền

- Tổ chức các lớp tập huấn tuyên truyền những lợi ích và nhiệm vụ cần làm trong kế hoạch cho các cơ sở chăn nuôi gia cầm trên địa bàn tỉnh.

- Tăng cường thông tin tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch bệnh.

- Tổ chức hướng dẫn cho các cơ sở chăn nuôi tập trung (doanh nghiệp và trang trại) đáp ứng các yêu cầu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và của OIE đăng ký tham gia xây dựng cơ sở ATDB.

- Tuyên truyền cho một số đối tượng có liên quan (người hành nghề thú y, kinh doanh thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi) về việc phối hợp trong công tác chẩn đoán, phát hiện và báo cáo dịch bệnh trên gia cầm nhằm giúp các cơ quan chức năng xử lý nhanh dịch bệnh, đảm bảo an toàn dịch bệnh cho vùng.

2. Tổ chức phòng, chống dịch bệnh trên gia cầm

Khuyến khích chuyển đổi cơ cấu chăn nuôi từng bước từ chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi trang trại. Xác định quy mô trang trại phù hợp với điều kiện của địa phương dựa trên điều kiện về đất đai, môi trường, giống, nguồn cung cấp thức ăn, nhu cầu thị trường.

a) Tổ chức xây dựng và thực hiện các kế hoạch, phương án phòng chống dịch bệnh hàng năm của Trung ương và của tỉnh. Tập trung triển khai Kế hoạch quốc gia phòng, chống dịch cúm gia cầm H5N1 giai đoạn 2014-2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và xây dựng kế hoạch phòng chống bệnh Niu-cát-xơn của địa phương. Công tác phòng chống dịch tập trung vào việc tiêm phòng cho các hộ chăn nuôi quy mô gia đình và xây dựng các chương trình giám sát tỷ lệ bảo hộ và giám sát lưu hành của vi rút đối với 2 bệnh xây dựng an toàn dịch.

b) Kiện toàn hệ thống kiểm dịch và kiểm soát vận chuyển động vật và sản phẩm động vật, kiểm soát giết mổ, chế biến sản phẩm động vật ở địa phương.

Kiểm soát triệt để việc vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm, đảm bảo không để vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm mang mầm bệnh Cúm gia cầm, Niu-cát-xơn vào tỉnh; kiểm soát vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm trong vùng khi chưa thanh toán được dịch bệnh.

Duy trì, củng cố các trạm, chốt kiểm dịch tại các đầu mối giao thông chính; tiếp tục kiện toàn và tăng cường hoạt động các Trạm, chốt kiểm dịch đầu mối giao thông thuộc dự án An toàn dịch của tỉnh.

c) Xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc đối với các trang trại chăn nuôi gia cầm.

d) Quản lý chợ, điểm thu gom, buôn bán động vật, sản phẩm động vật, cơ sở, điểm giết mổ trên địa bàn.

- Lập danh sách các chợ, điểm thu gom, người buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm, cơ sở, điểm giết mổ để quản lý; yêu cầu cam kết không mua bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm mắc bệnh, chết nghi do bệnh truyền nhiễm.

- Tại các chợ, điểm thu gom, buôn bán gia cầm, cơ sở giết mổ phải thực hiện tiêu độc, khử trùng, thu gom chất thải để xử lý, ngăn ngừa lây lan dịch bệnh.

- Xây dựng, liên kết với các cơ sở giết mổ tập trung đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh thú y để giết mổ, chế biến sản phẩm đạt yêu cầu an toàn thực phẩm và yêu cầu xuất khẩu.

3. Tổ chức hoạt động giám sát dịch bệnh và lập hồ sơ công nhận ATDB

- Giám sát bao gồm cả giám sát lâm sàng, giám sát thuyết thanh học (phân biệt kháng thể do tiêm phòng hay do nhiễm bệnh tự nhiên) và giám sát vi rút (giám sát nhóm nguy cơ, các dấu hiệu lâm sàng nghi ngờ ...). Tổ chức giám sát dịch bệnh tại vùng, cơ sở ATDB theo quy định tại Quyết định số 66/QĐ-BNN ngày 26/05/2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Lập và hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận vùng, cơ sở ATDB.

4. Ban hành các chính sách:

a) Tổ chức thực hiện các chính sách của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sau khi được ban hành đối với gia cầm, sản phẩm gia cầm xuất phát từ cơ sở chăn nuôi gia cầm đã được công nhận ATDB như:

- Không phải thực hiện việc kiểm dịch đối với những bệnh đã được công nhận an toàn; tổ chức, cá nhân đăng ký kiểm dịch để vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm sẽ được áp dụng bằng hình thức qua mạng Internet và được cơ quan thú y cấp giấy chứng nhận kiểm dịch; được phép vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm ra khỏi vùng đang công bố dịch theo hướng dẫn của cơ quan thú y.

- Được ưu tiên lựa chọn tham gia chuỗi liên kết cung ứng sản phẩm của gà từ cơ sở ATDB - cơ sở giết mổ, chế biến - hệ thống cung cấp sản phẩm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

- Được hỗ trợ tìm kiếm thị trường xuất khẩu gia cầm và sản phẩm gia cầm.

- Các cơ sở giống gia cầm được nhà nước ưu tiên lựa chọn để cung cấp con giống trong các chương trình xóa đói giảm nghèo, phát triển chăn nuôi.

- Danh sách các cơ sở ATDB được công bố công khai trên các trang tin điện tử của các cơ quan thú y có thẩm quyền (Cục Thú y, Cơ quan Thú y vùng, Chi cục Thú y).

b) Chính sách hỗ trợ tiêm phòng, tiêu hủy gia cầm mắc bệnh: tiếp tục thực hiện các chính sách của Ủy ban nhân dân tỉnh về hỗ trợ vắc xin đối với chăn nuôi quy mô nhỏ; việc hỗ trợ tiêu hủy gia cầm mắc bệnh. Các chính sách phải phù hợp tình hình thực tế nhằm đạt mục tiêu xây dựng thành công vùng, cơ sở an toàn dịch của tỉnh.

c) Xây dựng chính sách hỗ trợ kinh phí ngân sách đối với việc đăng ký, thẩm định và công nhận vùng an toàn dịch bệnh và cơ sở an toàn dịch bệnh cấp xã, phường, thị trấn và cơ sở chăn nuôi tư nhân.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Giao Ban chỉ đạo phòng chống dịch gia súc, gia cầm tỉnh tổ chức chỉ đạo thực hiện kế hoạch này và các nội dung có liên quan của Đề án “Thí điểm xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch đối với bệnh đối với gà hướng tới đạt yêu cầu xuất khẩu tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh” của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Thường trực Ban chỉ đạo phòng chống dịch gia súc, gia cầm tỉnh)

- Xây dựng các văn bản hướng dẫn, cơ chế, chính sách hỗ trợ cho việc xây dựng vùng, cơ sở ATDB phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu áp dụng cho các cơ sở chăn nuôi của tỉnh.

- Chỉ đạo Chi cục Thú y:

+ Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức triển khai các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình kỹ thuật phòng chống dịch bệnh cho các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh; công nhận vùng, cơ sở ATDB; kiểm soát vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm cho các cơ sở giết mổ, chế biến... để thực hiện.

+ Phối hợp với UBND cấp huyện, các Phòng Kinh tế xây dựng và triển khai các chương trình tuyên truyền đối với các đối tượng có liên quan về quyền lợi, trách nhiệm trong việc xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh.

+ Thực hiện các chương trình giám sát: Thiết lập hệ thống thông tin cho công tác giám sát bị động và chủ động; Giám sát lâm sàng nhằm phát hiện sớm nếu có ổ dịch xảy ra; Giám sát vi rút định kỳ lấy mẫu giám sát theo kế hoạch đặt ra nhằm phát hiện vi rút lưu hành; Giám sát huyết thanh sau tiêm phòng cúm nhằm đánh giá hiệu quả tiêm phòng, đảm bảo ít nhất 70% gia cầm được tiêm phòng có kháng thể bảo hộ chống lại vi rút gây bệnh.

+ Xây dựng hệ thống lưu trữ thông tin về các hoạt động giám sát để lập hồ sơ trình OIE công nhận.

3. Ủy ban nhân dân cấp huyện

- Tổ chức thực hiện kế hoạch xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch của tỉnh. Xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế để triển khai thực hiện việc xây dựng vùng, cơ sở ATDB đối với bệnh Cúm gia cầm và Niu-cát-xơn tại địa phương.

- Triển khai các cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (chủ cơ sở) chăn nuôi gia cầm ở địa phương với mục đích chăn nuôi ATDB.

- Tổ chức thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc xây dựng vùng, cơ sở ATDB trên địa bàn.

- Định kỳ sơ kết, tổng kết, báo cáo kết quả triển khai thực hiện xây dựng vùng, cơ sở ATDB theo yêu cầu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Chỉ đạo UBND cấp xã thực hiện tốt việc thông tin tuyên truyền các nội dung liên quan thực hiện Đề án. Có biện pháp quản lý để các hộ chăn nuôi gia cầm chấp hành tốt việc tiêm phòng, quản lý dịch bệnh đối với các bệnh Cúm gia cầm, Niu-cát- xơn theo quy định.

- Chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập kế hoạch và đăng ký xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, cơ sở an toàn dịch là các xã thuộc vùng an toàn của tỉnh đối với bệnh Cúm gia cầm và Niu-cát-xơn.

4. Đối với chủ cơ sở chăn nuôi gia cầm tập trung, công ty chăn nuôi gia cầm:

- Chấp hành quy định pháp luật về xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch.

- Bố trí nguồn lực và kinh phí triển khai thực hiện các yêu cầu đã đặt ra để được công nhận cơ sở an toàn dịch bệnh động vật.

- Phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y để triển khai thực hiện các nội dung liên quan đến cơ sở an toàn dịch bệnh động vật.

5. Đối với các hộ chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ

- Chấp hành các quy định về phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.

- Hưởng ứng các chương trình tiêm phòng bệnh Cúm gia cầm định kỳ 02 lần/năm và tiêm phòng bổ sung đạt tỷ lệ.

- Khi có gia súc, gia cầm chết do bệnh truyền nhiễm phải báo cáo cho cơ quan thú y để tiến hành mổ khám, lấy mẫu xét nghiệm, chẩn đoán nhằm hỗ trợ cho công tác phòng và điều trị bệnh chính xác, không để dịch bệnh xảy ra trên diện rộng.

- Từng bước chuyển đổi mô hình chăn nuôi từ nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung hoặc chuyển đổi ngành nghề phù hợp với chiến lược phát triển chăn nuôi của tỉnh.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Sở Tài Chính xây dựng và bố trí kinh phí xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch trên cơ sở kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh dựa trên tổng đàn gia cầm của tỉnh và tỷ lệ lưu hành bệnh trong khoảng 5% tổng đàn, định mức hỗ trợ tiêu huỷ gia súc, gia cầm cho người chăn nuôi theo Quyết định số 62/QĐ-UBND ngày 09/01/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành định mức kinh phí hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh; các văn bản hướng dẫn chuyên ngành về việc định mức phòng chống dịch và các định mức xử lý ổ dịch.

Trên đây là nội dung kế hoạch xây dựng dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh Cúm gia cầm và Niu-cát-xơn đối với gà hướng tới đạt yêu cầu xuất khẩu tại tỉnh Bình Dương giai đoạn 2015 - 2020. Trong quá trình triển khai thực hiện có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị phản ảnh về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo tháo gỡ kịp thời./.

 


Nơi nhận:
- Bộ NN và PTNT, VP.Chính phủ;
- Cục Thú y;
- TT.TU, TT.HĐND;
- CT, các PCT UBND;
- Thành viên BCĐ PCD GS, GC tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, TP. TDM;
- Chi cục Thú y, Wed;
- LĐVP (Nh, Lg), Th, TH;
- Lưu: VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Trần Văn Nam

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 3106/KH-UBND năm 2015 về xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh Cúm gia cầm và Niu-cát-xơn đối với gà, hướng tới đạt yêu cầu xuất khẩu tại tỉnh Bình Dương giai đoạn 2015-2020

  • Số hiệu: 3106/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 09/09/2015
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Dương
  • Người ký: Trần Văn Nam
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản