UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3103/KH-UBND | Hải Dương, ngày 19 tháng 8 năm 2024 |
- Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15;
- Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25/10/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới;
- Quyết định số 281/QĐ-TTg ngày 05/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25/10/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới;
- Quyết định số 14/2013/QĐ-TTg ngày 20/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
- Quyết định số 1093/QĐ-BYT ngày 02/5/2024 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 281/QĐ-TTg ngày 05/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 25- CT/TW ngày 25/10/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới;
- Thông tư số 18/2014/TT-BYT ngày 02/6/2014 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn thực hiện Quyết định số 14/2013/QĐ-TTg ngày 20/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại cơ sở khám, chữa bệnh;
- Thông tư số 43/2013/TT-BYT ngày 11/12/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết phân tuyến chuyên môn kỹ thuật đối với hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
- Thông tư số 21/2017/TT- BYT ngày 10/5/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế về sửa đổi, bổ sung danh mục kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh ban hành kèm theo Thông tư số 43/2013/TT-BYT ngày 11/12/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết phân tuyến chuyên môn kỹ thuật đối với hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
- Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị;
- Thông báo số 615-TB/VPTU ngày 20 tháng 5 năm 2024 của Văn phòng Tỉnh ủy thông báo Kết luận tại Hội nghị tiếp xúc, đối thoại của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh và đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành y tế trên địa bàn tỉnh; Thông báo số 195/TB-UBND ngày 02/8/2024 về Kết luận của đồng chí Lưu Văn Bản - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh tại cuộc họp UBND tỉnh tháng 7 năm 2024 (lần 3); Theo đề nghị của Sở Y tế tại Tờ trình số 109/TTr-SYT ngày 19/8/2024 về việc ban hành “Kế hoạch luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập trên địa bàn tỉnh Hải Dương năm 2025”, UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh năm 2025, cụ thể như sau:
1. Mục đích
- Nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, quản lý điều hành tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến huyện, tuyến xã trên địa bàn tỉnh.
- Đảm bảo tỷ lệ xã có bác sỹ làm việc theo Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã.
- Giảm tỷ lệ chuyển tuyến của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến dưới, góp phần giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trên.
- Chuyển giao chuyên môn kỹ thuật và đào tạo cán bộ tại chỗ, nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề cho cán bộ tuyến dưới có khả năng giải quyết độc lập các trường hợp bệnh theo phân tuyến kỹ thuật.
2. Yêu cầu
- Bệnh viện đa khoa tỉnh, các bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ, năng lực thực tế, nhu cầu và đề xuất của các Trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố, thực hiện cử người hành nghề luân phiên xuống tuyến huyện đảm bảo về số lượng cán bộ và chất lượng chuyên môn trong việc chuyển giao kỹ thuật.
- Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố cử người hành nghề luân phiên xuống các Trạm y tế tuyến xã thuộc địa bàn quản lý đảm bảo về số lượng và chất lượng chuyên môn.
- Đơn vị tiếp nhận cán bộ luân phiên đảm bảo các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị và các điều kiện khác để tiếp nhận cán bộ luân phiên từ tuyến trên về hỗ trợ chuyên môn, chuyển giao kỹ thuật.
Căn cứ Điều 2 Quyết định số 14/2013/QĐ-TTg ngày 20/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ về đối tượng áp dụng chế độ luân phiên đối với người hành nghề trên địa bàn tỉnh bao gồm:
- Người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trong các cơ sở khám, chữa bệnh công lập tuyến tỉnh, tuyến huyện trên địa bàn tỉnh, gồm: Bác sỹ, điều dưỡng viên, hộ sinh, kỹ thuật viên…
- Không áp dụng đối với người hành nghề thuộc các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của lực lượng vũ trang và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân.
2. Đối tượng được miễn thực hiện chế độ luân phiên
Căn cứ Điều 3 Quyết định số 14/2013/QĐ-TTg ngày 20/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ về đối tượng được miễn thực hiện chế độ luân phiên đối với người hành nghề trên địa bàn tỉnh bao gồm:
- Người hành nghề là nữ đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, nam nuôi con nhỏ một mình dưới 36 tháng tuổi.
- Người hành nghề đã có thời gian công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ 24 tháng trở lên.
- Người hành nghề có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn: Là con độc nhất trong gia đình có bố, mẹ già; người trực tiếp chăm sóc bố, mẹ già yếu hoặc tàn tật, ốm đau thường xuyên; có vợ (hoặc chồng) bị tàn tật không có khả năng chăm sóc con cái; bản thân không bảo đảm sức khỏe để công tác xa nhà.
- Người hành nghề là nam quá 55 tuổi, nữ quá 50 tuổi (trừ trường hợp tự nguyện).
- Các trường hợp đặc biệt khác do Thủ trưởng cơ quan, đơn vị xem xét, quyết định đối với người hành nghề thuộc quyền quản lý.
Căn cứ Điều 4 Quyết định số 14/2013/QĐ-TTg ngày 20/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ về nguyên tắc chế độ luân phiên thực hiện trên địa bàn tỉnh, bao gồm:
- Các đơn vị cử cán bộ luân phiên phải phù hợp với nhu cầu về số lượng và chất lượng chuyên môn của tuyến dưới cần hỗ trợ và khả năng đáp ứng của tuyến trên. Có thể cử cán bộ chuyên môn hoặc kíp cán bộ chuyên môn có khả năng giải quyết độc lập được các kỹ thuật từ các đơn vị tuyến trên hỗ trợ các đơn vị tuyến dưới.
- Đảm bảo tính công bằng, hiệu quả, tránh lãng phí nguồn nhân lực.
- Một đơn vị tuyến trên có thể cử người hành nghề giúp đỡ nhiều đơn vị tuyến dưới. Ngược lại, một đơn vị tuyến dưới có thể nhận người hành nghề đi luân phiên của nhiều đơn vị tuyến trên.
- Các bệnh viện tuyến tỉnh cử người hành nghề luân phiên về các Trung tâm y tế tuyến huyện; Trung tâm y tế tuyến huyện cử người hành nghề luân phiên về các Trạm y tế trên địa bàn quản lý.
4. Hình thức, thời gian thực hiện luân phiên có thời hạn
Căn cứ Điều 5 Quyết định số 14/2013/QĐ-TTg ngày 20/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ, hình thức và thời gian thực hiện chế độ luân phiên trên địa bàn tỉnh bao gồm:
- Người hành nghề luân phiên có thời hạn liên tục với thời gian tối thiểu là 6 tháng, tối đa là 12 tháng (trừ trường hợp tự nguyện đi thời gian dài hơn).
- Người hành nghề đi luân phiên có thời hạn không liên tục (theo nhiều đợt), ở một hoặc nhiều nơi theo yêu cầu của tuyến dưới thì được cộng dồn thời gian luân phiên của các đợt để tính vào tổng thời gian hoàn thành chế độ luân phiên theo quy định. Mỗi đợt đi luân phiên của người hành nghề tối thiểu là 2 ngày/tuần hoặc 1 tuần/tháng; tối đa là 60 ngày/đợt luân phiên.
- Người hành nghề đã có thời gian đi luân phiên có thời hạn theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền trước khi Kế hoạch này có hiệu lực thì được tính trừ vào thời gian đi luân phiên theo quy định của Kế hoạch này này.
5. Trách nhiệm của người hành nghề đi luân phiên
Căn cứ Khoản 3 Điều 47 Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15 và Điều 6 Quyết định số 14/2013/QĐ-TTg ngày 20/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ, trách nhiệm của người hành nghề đi luân phiên trên địa bàn tỉnh bao gồm:
- Chấp hành nội quy, quy chế và sự chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu cơ quan, đơn vị đến làm việc theo chế độ luân phiên.
- Chấp hành quyết định điều động của người đứng đầu cơ quan, đơn vị cử đi luân phiên có thời hạn; thực hiện đúng phạm vi chuyên môn, thời gian, địa điểm làm việc được giao.
- Chấp hành các quy chế chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp theo quy định của Bộ Y tế.
- Có trách nhiệm phối hợp làm việc với người hành nghề của đơn vị.
- Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ trong thời gian được cử đi luân phiên có thời hạn cho đơn vị trực tiếp cử đi luân phiên.
6. Trách nhiệm của các đơn vị cử và các đơn vị tiếp nhận người hành nghề đi luân phiên
Căn cứ Điều 12, Điều 13 Quyết định số 14/2013/QĐ-TTg ngày 20/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ, các đơn vị cử người hành nghề đi luân phiên và các đơn vị tiếp nhận người hành nghề đến thực hiện chế độ luân phiên có trách nhiệm như sau:
- Các đơn vị cử người đi luân phiên thực hiện khảo sát, xác định nhu cầu của đơn vị tiếp nhận người hành nghề đến luân phiên có thời hạn về số lượng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, thời gian làm việc của người hành nghề đến làm nhiệm vụ, báo cáo về Sở Y tế trước ngày 30 tháng 6 hằng năm.
- Các đơn vị tiếp nhận người đi luân phiên xác định nhu cầu về nhân lực cần bổ sung, tăng cường phù hợp với yêu cầu thực tế, lập kế hoạch tiếp nhận người hành nghề đến luân phiên có thời hạn và kỹ thuật chuyên môn cần hỗ trợ báo cáo về Sở Y tế trước ngày 30 tháng 6 hằng năm.
- Đơn vị cử cán bộ đi luân phiên đảm bảo về số lượng cán bộ và chất lượng chuyên môn trong việc chuyển giao kỹ thuật.
- Đơn vị tiếp nhận cán bộ luân phiên đảm bảo các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị và các điều kiện khác để tiếp nhận cán bộ luân phiên từ tuyến trên về hỗ trợ chuyên môn, chuyển giao kỹ thuật.
- Báo cáo và xác nhận kết quả làm việc của người hành nghề đến luân phiên về Sở Y tế ngay sau khi kết thúc thời gian luân phiên.
7. Chế độ áp dụng đối với cán bộ trong thời gian đi luân phiên
Thực hiện theo quy định tại Quyết định số 14/2013/QĐ-TTg ngày 20/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại cơ sở khám, chữa bệnh; Thông tư số 18/2014/TT-BYT ngày 02/6/2014 của Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện Quyết định số 14/2013/QĐ-TTg ngày 20/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ và các quy định hiện hành.
8. Nhu cầu và danh sách cử người hành nghề đi luân phiên
- Luân phiên từ tuyến huyện xuống tuyến xã: 16 người (Chi tiết tại phụ lục 1 đính kèm)
- Luân phiên từ tuyến tỉnh xuống tuyến huyện: 01 người (Chi tiết tại phụ lục 2 đính kèm)
1. Kinh phí thực hiện các chế độ đối với cán bộ luân phiên: Nguồn ngân sách nhà nước theo phân cấp hiện hành; nguồn thu tại đơn vị và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
2. Đơn vị cử người hành nghề đi luân phiên và đơn vị tiếp nhận người hành nghề đi luân phiên có trách nhiệm thanh toán các chế độ luân phiên và chế độ chính sách đảm bảo theo đúng quy định tài chính hiện hành.
(có Dự toán kinh phí luân phiên 2025 đính kèm)
1. Sở Y tế
- Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị cử cán bộ đi luân phiên và đơn vị tiếp nhận cán bộ luân phiên thực hiện đúng các quy trình, quy định liên quan đến việc thực hiện luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh.
- Tổng hợp nhu cầu luân phiên người hành nghề của các đơn vị trực thuộc hàng năm; đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện chính sách luân phiên cán bộ đối với người hành nghề và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
- Quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước chi cho việc thực hiện nhiệm vụ luân phiên có thời hạn người hành nghề; huy động các nguồn lực xã hội hóa cho các hoạt động luân phiên có thời hạn người hành nghề.
- Kịp thời khen thưởng hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng cho các tổ chức, cá nhân có thành tích trong thực hiện chế độ luân phiên.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện chế độ luân phiên người hành nghề từ đơn vị y tế tuyến trên về tuyến dưới trên địa bàn tỉnh, báo cáo UBND tỉnh, Bộ Y tế theo quy định.
2. Sở Tài chính
- Căn cứ khả năng cân đối ngân sách địa phương, hàng năm chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, các cơ quan đơn vị liên quan tham mưu cho UBND tỉnh bố trí kinh phí để đảm bảo thực hiện Kế hoạch theo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn.
- Hướng dẫn sử dụng, thanh quyết toán kinh phí theo đúng quy định tài chính hiện hành.
3. UBND các huyện, thị xã, thành phố
Phối hợp với Sở Y tế thực hiện Kế hoạch luân phiên đối với người hành nghề tuyến trên luân phiên xuống tuyến dưới trên địa bàn quản lý.
4. Đối với đơn vị cử người hành nghề đi luân phiên.
- Xây dựng dự toán kinh phí để chi trả cho người hành nghề được cử đi luân phiên của đơn vị trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và thực hiện thanh toán các chế độ cho người được cử đi luân phiên theo quy định tại Điểm a, b Khoản 1; Khoản 2 Điều 7 và Khoản 1, Khoản 3 Điều 8 Quyết định số 14/2013/QĐ-TTg.
- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo đúng quy định tại Điều 12, Quyết định số 14/2013/QĐ-TTg.
5. Đối với đơn vị tiếp nhận người hành nghề đến thực hiện chế độ luân phiên
- Xây dựng dự toán kinh phí chi trả cho người hành nghề đến luân phiên tại đơn vị trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; thực hiện thanh toán chế độ và kinh phí để bảo đảm các điều kiện vật chất phục vụ công tác chuyên môn cho người hành nghề quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 7, Khoản 2 Điều 8 Quyết định số 14/2013/QĐ-TTg.
- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo đúng quy định tại Điều 13, Quyết định số 14/2013/QĐ-TTg.
Căn cứ nội dung Kế hoạch này, yêu cầu Thủ trưởng các sở, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Kế hoạch 3103/KH-UBND năm 2024 luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập trên địa bàn tỉnh Hải Dương năm 2025
- Số hiệu: 3103/KH-UBND
- Loại văn bản: Kế hoạch
- Ngày ban hành: 19/08/2024
- Nơi ban hành: Tỉnh Hải Dương
- Người ký: Nguyễn Minh Hùng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 19/08/2024
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định