ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3066/KH-UBND | Bình Thuận, ngày 15 tháng 8 năm 2024 |
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN ĐIỀU TRA XÁC ĐỊNH HIỆN TRẠNG RỪNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
Căn cứ Luật Lâm nghiệp năm 2017;
Căn cứ Nghị định số 156/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp; Nghị định số 27/2024/NĐ-CP ngày 06/3/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018; Nghị định số 91/2024/NĐ-CP ngày 18/7/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp;
Căn cứ Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về điều tra, kiểm kê và theo dõi diễn biến rừng; Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT ngày 15/12/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 về điều tra, kiểm kê và theo dõi diễn biến rừng;
Thực hiện Công văn số 2338/BNN-KL ngày 01/4/2024 và Công văn số 3901/BNN-KL ngày 31/5/2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc điều tra xác định hiện trạng rừng;
Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Công văn số 2423/SNN-VP ngày 31/7/2024 và ý kiến góp ý của các sở, ban ngành, địa phương;
UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện điều tra xác định hiện trạng rừng trên địa bàn tỉnh với nội dung như sau:
I. NGUYÊN TẮC, MỤC TIÊU, YÊU CẦU
1. Nguyên tắc
a) Kế thừa các dữ liệu hiện có, gồm: Kết quả kiểm kê rừng trên địa bàn tỉnh tại Quyết định số 874/QĐ-UBND ngày 29/3/2016 của UBND tỉnh và kết quả cập nhật theo dõi diễn biến rừng hàng năm; Dự án đánh giá lại hiện trạng rừng đối với diện tích thuộc trạng thái DT1, DT2 nằm trong quy hoạch 03 loại rừng trên địa bàn tỉnh tại Quyết định số 2438/QĐ-UBND ngày 16/11/2022 của UBND tỉnh và các tài liệu liên quan.
b) Điều tra, kiểm kê rừng được thực hiện đồng bộ, toàn diện nhằm xác định rõ ràng, cụ thể diện tích rừng (theo chủ quản lý và hiện trạng), diện tích rừng bị chồng lấn, tranh chấp về chủ quản lý trên địa bàn.
c) Ứng dụng khoa học công nghệ trong kiểm kê rừng để đảm bảo tính chính xác, khách quan kết quả điều tra, kiểm kê.
d) UBND các cấp chịu trách nhiệm phối hợp với cơ quan chuyên môn phụ trách lĩnh vực lâm nghiệp và đơn vị tư vấn chuyên ngành trong quá trình điều tra, kiểm kê rừng tại địa phương; theo dõi, tích hợp kết quả kiểm kê rừng vào hệ thống theo dõi diễn biến rừng hàng năm tại địa phương.
2. Mục đích
- Điều tra, kiểm kê rừng để xác định, nắm bắt chính xác toàn bộ diện tích rừng; chất lượng rừng (trong và ngoài quy hoạch lâm nghiệp) và diện tích đất chưa có rừng được quy hoạch cho mục đích lâm nghiệp gắn với chủ quản lý cụ thể trên địa bàn tỉnh; phục vụ cho công tác quản lý, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát về quản lý bảo vệ và phát triển rừng và việc lập quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng từ tỉnh đến huyện, xã.
- Thiết lập được hồ sơ quản lý rừng; xây dựng cơ sở dữ liệu theo đơn vị quản lý rừng và đơn vị hành chính các cấp để phục vụ theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp hàng năm; làm căn cứ đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh.
3. Yêu cầu
- Các nội dung điều tra rừng phải thực hiện theo quy định tại Điều 33 Luật Lâm nghiệp năm 2017 trên cơ sở các chuyên đề quy định tại Mục 1 Chương III Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT ngày 15/12/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 33/2018/TT- BNNPTNT ngày 16/11/2018 về điều tra, kiểm kê và theo dõi diễn biến rừng.
- Số liệu điều tra hiện trạng rừng phải khách quan, minh bạch, phản ánh đúng tiêu chí rừng theo quy định, vị trí, diện tích rừng phù hợp giữa kết quả điều tra và ngoài thực địa.
- Công tác điều tra xác định hiện trạng rừng phải hoàn thành đúng tiến độ, có chất lượng và hiệu quả.
- Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện công tác điều tra ở địa phương; phân công rõ trách nhiệm cho từng cơ quan, tổ chức, đơn vị tham gia thực hiện điều tra.
- Kết quả điều tra xác định hiện trạng rừng bao gồm hệ thống bản đồ, số liệu điều tra rừng theo quy định và Báo cáo kết quả điều tra rừng, đánh giá biến động về rừng và diện tích quy hoạch rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất.
II. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG THỰC HIỆN
1. Phạm vi
Trên toàn bộ diện tích rừng, đất rừng thuộc quy hoạch 03 loại rừng giai đoạn 2016 - 2025 trên địa bàn tỉnh được phê duyệt và diện tích có rừng ngoài quy hoạch 03 loại rừng (rừng tự nhiên, rừng trồng từ ngân sách nhà nước đã quy hoạch cho mục đích khác hoặc từ trước đến nay không thuộc quy hoạch lâm nghiệp).
2. Đối tượng
Chủ rừng theo quy định tại Điều 8 Luật Lâm nghiệp năm 2017 và UBND cấp xã có quản lý diện tích rừng tự nhiên, rừng trồng từ ngân sách nhà nước.
III. NỘI DUNG, PHƯƠNG PHÁP VÀ THỜI GIAN THỰC HIỆN
1. Điều tra diện tích rừng
1.1. Nội dung thực hiện:
a) Điều tra diện tích rừng tự nhiên nguyên sinh, rừng tự nhiên thứ sinh;
b) Điều tra diện tích rừng núi đất, rừng núi đá, rừng trên đất ngập nước (nếu có);
c) Điều tra diện tích rừng trồng theo loài cây, cấp tuổi và nguồn vốn đầu tư;
d) Điều tra diện tích khoanh nuôi tái sinh, diện tích mới trồng chưa thành rừng, diện tích khác đang được sử dụng để bảo vệ phát triển rừng;
đ) Điều tra diện tích các trạng thái rừng theo chủ rừng và theo đơn vị hành chính.
1.2. Phương pháp thực hiện:
a) Điều tra diện tích rừng được thực hiện theo lô trạng thái rừng;
b) Giải đoán ảnh viễn thám; xây dựng bản đồ giải đoán hiện trạng rừng bằng phần mềm chuyên dụng; trường hợp ảnh viễn thám không đảm bảo hoặc các khu vực thiếu ảnh thì cần có phương án thay thế (bay chụp, điều tra mặt đất bổ sung…);
c) Điều tra bổ sung hiện trạng các lô trạng thái rừng ngoài thực địa;
d) Biên tập, hoàn thiện bản đồ hiện trạng rừng và tính toán diện tích các lô trạng thái rừng bằng các phần mềm chuyên dụng.
2. Điều tra trữ lượng rừng
2.1. Nội dung thực hiện:
a) Điều tra trữ lượng gỗ của rừng tự nhiên và rừng trồng;
b) Điều tra trữ lượng tre nứa của rừng tự nhiên và rừng trồng;
c) Điều tra trữ lượng gỗ và trữ lượng tre nứa của rừng hỗn giao gỗ - tre nứa và rừng hỗn giao tre nứa - gỗ;
2.2. Phương pháp thực hiện:
a) Sử dụng ô tiêu chuẩn bố trí ngẫu nhiên hoặc hệ thống, diện tích 1.000 m2, đối với những trạng thái rừng tự nhiên có diện tích lớn hơn 2.000 ha;
b) Sử dụng ô tiêu chuẩn bố trí điển hình, diện tích từ 500 m2 đến 1.000 m2, đối với những trạng thái rừng tự nhiên có diện tích nhỏ hơn 2.000 ha; tỷ lệ diện tích rút mẫu điều tra từ 0,01% đến 0,1%;
c) Sử dụng ô tiêu chuẩn bố trí điển hình theo từng trạng thái rừng (loài cây, cấp tuổi), diện tích từ 100 m2 đến 500 m2 đối với rừng trồng; tỷ lệ diện tích rút mẫu điều tra từ 0,01% đến 0,05%;
d) Điều tra cây gỗ và cây tre nứa bao gồm: Xác định tên loài cây, phẩm chất cây, đo chiều cao vút ngọn, đường kính thân tại vị trí 1,3 m;
đ) Sử dụng các thiết bị điều tra nhanh trữ lượng rừng;
e) Sử dụng biểu trữ lượng, sản lượng lập sẵn để tra cứu;
g) Sử dụng các phần mềm chuyên dụng để xử lý, phương pháp thống kê toán học tính toán trữ lượng rừng.
3. Thời gian thực hiện: 02 năm (2024 - 2025).
Theo Công văn số 2338/BNN-KL ngày 01/4/2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì các địa phương thực hiện và công bố kết quả điều tra rừng vào năm 2024. Tuy nhiên, việc điều tra xác định hiện trạng rừng trên địa bàn toàn tỉnh có phạm vi rộng nên mất rất nhiều thời gian. Mặt khác, việc xây dựng đề cương nhiệm vụ, dự toán kinh phí và các hồ sơ liên quan đến phân bổ kinh phí, đấu thầu thực hiện nhiệm vụ, phê duyệt kết quả... phải thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục nên cần có đủ thời gian để triển khai thực hiện. Do đó, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thành trình UBND tỉnh công bố trước ngày 30/12/2025.
IV. NGUỒN KINH PHÍ
Từ nguồn sự nghiệp kinh tế ngân sách tỉnh và nguồn kinh phí hợp pháp khác (nếu có) theo quy định của pháp luật. Riêng đối với năm 2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát cân đối trong kinh phí UBND tỉnh đã giao cho ngành tại Quyết định số 2587/QĐ-UBND ngày 13/12/2023 về việc giao dự toán thu, chi ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Bình Thuận năm 2024 để thực hiện.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Là cơ quan đầu mối, có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị và địa phương tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo và trực tiếp tổ chức thực hiện Kế hoạch này. Hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc và báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện.
- Khẩn trương xây dựng Đề cương kỹ thuật và dự toán điều tra, kiểm kê rừng theo Kế hoạch này, gửi lấy ý kiến của Sở Tài chính về nguồn vốn thực hiện, trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt trong năm 2024 để làm cơ sở tổ chức thực hiện hoàn thành trong năm 2025.
- Tham mưu trình UBND tỉnh phê duyệt và công bố kết quả kiểm kê rừng trên địa bàn tỉnh.
- Thực hiện chế độ báo cáo với các cơ quan có thẩm quyền kết quả điều tra xác định hiện trạng rừng theo quy định.
2. Sở Tài chính
Trên cơ sở dự toán của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng hợp và tham mưu UBND tỉnh, HĐND tỉnh bố trí kinh phí sự nghiệp để thực hiện Kế hoạch phù hợp với khả năng ngân sách và theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước; đồng thời, thực hiện nhập và phê duyệt dự toán trên hệ thống Tabmis theo dự toán được giao.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Phối hợp, hướng dẫn Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lựa chọn đơn vị tư vấn đáp ứng điều kiện về năng lực chuyên môn theo quy định pháp luật về đấu thầu để thực hiện điều tra xác định hiện trạng rừng.
4. Sở Tài nguyên và Môi trường
Có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, kịp thời các tài liệu về kiểm kê đất đai; giao đất, cho thuê đất rừng và các bản đồ có liên quan đối với việc giao đất, cho thuê đất rừng để trồng rừng làm cơ sở để Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tích hợp vào hồ sơ kiểm kê rừng, đảm bảo đồng bộ với kiểm kê đất đai.
5. UBND các huyện, thị xã, thành phố
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị chức năng tuyên truyền, phổ biến cho các chủ rừng, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có liên quan về nội dung kế hoạch kiểm kê rừng;
- Chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn có diện tích rừng phối hợp thực hiện các nội dung có liên quan tại địa phương.
6. Các đơn vị chủ rừng là tổ chức kinh tế được nhà nước giao, cho thuê rừng
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức điều tra, kiểm kê rừng đảm bảo chất lượng, tiến độ yêu cầu;
- Bố trí nguồn lực để phối hợp thực hiện điều tra, kiểm kê rừng trên lâm phần được giao quản lý theo đúng quy định pháp luật và hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Trên đây là Kế hoạch thực hiện điều tra xác định hiện trạng rừng trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương có liên quan tổ chức triển khai thực hiện; trường hợp gặp khó khăn, vướng mắc thì báo cáo UBND tỉnh (thông qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để kịp thời xem xét, chỉ đạo giải quyết./.
| KT. CHỦ TỊCH |
Kế hoạch 3066/KH-UBND năm 2024 thực hiện điều tra xác định hiện trạng rừng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận
- Số hiệu: 3066/KH-UBND
- Loại văn bản: Kế hoạch
- Ngày ban hành: 15/08/2024
- Nơi ban hành: Tỉnh Bình Thuận
- Người ký: Nguyễn Hồng Hải
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 15/08/2024
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định