Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 298/KH-UBND

Hải Phòng, ngày 29 tháng 12 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

PHÁT ĐỘNG PHONG TRÀO THI ĐUA THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ THÀNH PHỐ LẦN THỨ XVI, NHIỆM KỲ 2020-2025

Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị về việc “Tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI nhiệm kỳ 2020-2025.

Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch phát động phong trào thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI với các nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Phát huy truyền thống yêu nước, truyền thống “Trung dũng - Quyết thắng”, khơi dậy ý thức tự lực, tự cường, sức sáng tạo, sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo khí thế thi đua sôi nổi và rộng khắp trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; thúc đẩy mạnh mẽ các phong trào thi đua yêu nước, tạo động lực góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025.

- Kịp thời phát hiện, biểu dương, khen thưởng các gương điển hình tiên tiến, sáng kiến, kinh nghiệm, mô hình hay, cách làm sáng tạo. Qua đó nhân rộng các điển hình tiên tiến tạo sức lan tỏa trong các tầng lớp nhân dân, người lao động thành phố.

2. Yêu cầu

- Các Phong trào thi đua phải được triển khai sâu rộng từ thành phố đến cơ sở với nội dung, hình thức phong phú, thiết thực, đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp và phù hợp với thực tiễn đơn vị, địa phương nhằm tổ chức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trọng tâm đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025.

- Công tác khen thưởng phải đảm bảo chính xác, công bằng, công khai và kịp thời. Nhất là công tác phát hiện và biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua, khen thưởng chuyên đề và khen thưởng đột xuất. Chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ, công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp sản xuất, công tác. Quan tâm khen thưởng cơ sở, các tập thể, cá nhân có thành tích đột xuất, dũng cảm cứu người, cứu tài sản...

- Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, sơ kết, tổng kết, đánh giá hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị. Thông qua kiểm tra, đánh giá nhằm phát hiện và lựa chọn các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong các phong trào thi đua để biểu dương, tôn vinh, khen thưởng kịp thời. Đề cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi pháp luật về thi đua, khen thưởng.

II. NỘI DUNG VÀ CHỈ TIÊU THI ĐUA

1. Nội dung

- Tiếp tục quán triệt sâu sắc tư tưởng thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thực hiện đổi mới nội dung, phương thức tổ chức các phong trào thi đua với hình thức phong phú, đa dạng, nội dung cụ thể, thiết thực. Căn cứ nhiệm vụ chính trị được giao và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của từng cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức phát động phong trào thi đua sâu rộng trong toàn đảng, toàn quân, toàn dân gắn với thực hiện chủ đề hàng năm của thành phố, ngành, địa phương nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng tâm, hợp lực của toàn xã hội với tinh thần “Người người thi đua, ngành ngành thi đua”. Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp tiếp tục quán triệt và triển khai Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị về việc “Tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng” nhằm nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo trong việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp phối hợp và đề nghị Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, các chính sách pháp luật về thi đua, khen thưởng.

- Đẩy mạnh các phong trào thi đua trên các lĩnh vực văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh bảo đảm phát triển kinh tế và ổn định chính trị, xã hội. Nâng cao chất lượng phong trào thi đua trong lĩnh vực xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, nâng cao năng lực quản lý nhà nước, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Phát huy các phong trào thi đua yêu nước của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, nâng cao vai trò tập hợp, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia các cuộc vận động lớn của Đảng và các phong trào thi đua yêu nước.

- Đồng thời với việc thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua đã được Thủ tướng Chính phủ và thành phố phát động trong giai đoạn 2015-2020, hàng năm thành phố phát động các phong trào thi đua thực hiện chủ đề hành động năm của thành phố; các phong trào thi đua theo đợt, chuyên đề, hướng phong trào thi đua vào việc giải quyết những vấn đề cấp bách, khó khăn vướng mắc, những mặt còn tồn tại để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của từng sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương, đơn vị và của thành phố.

- Thực hiện tốt công tác phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến, các mô hình mới, nhân tố mới, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của công tác thi đua, khen thưởng. Các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương, đơn vị cần có kế hoạch cụ thể để bồi dưỡng, xây dựng các mô hình mới, nhân tố mới trong từng năm và cả giai đoạn. Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc phát hiện, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ. Cơ quan thông tin truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng; mở các chuyên trang, chuyên mục và tăng thời lượng để giới thiệu, tuyên truyền các gương điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua, gương người tốt, việc tốt trên các lĩnh vực.

2. Chỉ tiêu thi đua

Mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 với chủ đề "Đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của toàn Đảng bộ; phát huy truyền thống "Trung dũng - Quyết thắng", sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; phát triển bứt phá; cơ bản hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hoá vào năm 2025, trở thành thành phố công nghiệp hiện đại, văn minh, bền vững vào năm 2030; khẳng định vai trò động lực phát triển của đất nước".

Phấn đấu kết thúc nhiệm kỳ 2020-2025 đạt và vượt các chỉ tiêu cơ bản sau:

(1) Tăng trưởng GRDP đạt bình quân tối thiểu 14,5%/năm. Tỷ trọng GRDP của Hải Phòng năm 2025 chiếm 6,4% GDP cả nước, 23,7% GDP vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

(2) GRDP bình quân năm 2025 đạt 11.800 USD/người.

(3) Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng bình quân 21,5%/năm; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đến năm 2025 đạt từ 41% đến 43%; tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong công nghiệp chế biến, chế tạo năm 2025 đạt từ 47% đến 49%.

(4) Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đến năm 2025 đạt 145.000 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt 65.000 tỷ đồng.

(5) Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021-2025 đạt 1.200 nghìn tỷ đồng.

(6) Kim ngạch xuất khẩu đến năm 2025 đạt 35 tỷ USD.

(7) Sản lượng hàng hóa thông qua các cảng trên địa bàn năm 2025 đạt 300 triệu tấn.

(8) Khách du lịch đến năm 2025 đạt 20 triệu lượt.

(9) Tỷ trọng đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào GRDP đến năm 2025 là 47%.

(10) Đến năm 2025 có 100% số xã cơ bản đạt tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu.

(11) Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 3,5% vào năm 2025.

(12) Giải quyết việc làm cho 5,58 vạn lượt lao động/năm.

(13) Đến năm 2025 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt từ 87% đến 88%; trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 40%.

(14) Đến năm 2025 không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia.

(15) Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95% vào năm 2025.

(16) Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn đạt 100% vào năm 2025.

(17) Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đạt 100%, nông thôn đạt 95%; trong đó trên 50% được xử lý bằng các công nghệ hiện đại, không chôn lấp vào năm 2025.

(18) Tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật đạt từ 40% đến 50% vào năm 2025.

(19) Kết nạp từ 15.000 đến 15.500 đảng viên.

(20) Hàng năm, 70% số doanh nghiệp ngoài Nhà nước có điều kiện; 100% số hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập có điều kiện thành lập được tổ chức Đảng.

Hàng năm, thành phố phát động phong trào thi đua thường xuyên, theo đợt, chuyên đề nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025.

Công tác khen thưởng đảm bảo nguyên tắc: chính xác, công khai, công bằng, kịp thời; chú trọng trong việc phát hiện, biểu dương, khen thưởng hướng về cơ sở, người lao động trực tiếp với tỷ lệ khen thưởng tăng hàng năm cho các đối tượng này.

III. CÔNG TÁC SƠ KẾT, TỔNG KẾT PHONG TRÀO THI ĐUA

- Hàng năm, các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị đánh giá kết quả thực hiện phong trào thi đua, tổ chức bình xét khen thưởng lồng ghép với việc xét khen thưởng tổng kết công tác năm của địa phương, đơn vị.

- Năm 2023, Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện phong trào thi đua.

- Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức tổng kết phong trào thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 và biểu dương, khen thưởng vào dịp tổ chức Đại hội thi đua yêu nước thành phố lần thứ X, năm 2025.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các Sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị căn cứ nhiệm vụ chính trị được giao và tình hình thực tiễn xây dựng kế hoạch cụ thể và phát động các phong trào thi đua sôi nổi, thiết thực, hiệu quả; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp vận động đoàn viên, hội viên tổ chức thực hiện tốt phong trào thi đua, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025.

2. Sở Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Thành ủy chỉ đạo các cơ quan truyền thông, cơ quan báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền, mở các chuyên trang, chuyên mục, tăng cường thời lượng, bám sát cơ sở nhằm phát hiện, biểu dương và nhân rộng những mô hình hay, cách làm mới, các điển hình tiên tiến trong thực hiện Phong trào thi đua.

3. Ban Thi đua - Khen thưởng (Sở Nội vụ) chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, đôn đốc và báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố kết quả thực hiện phong trào thi đua theo quy định.

Trên đây là Kế hoạch phát động phong trào thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu các Sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Hội đồng TĐKTTW;
- Ban Thi đua - Khen thưởng TW;
- TTTU, TTHĐND TP;
- CT, các PCT UBND TP;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị TP;
- UBND các quận, huyện;
- Các thành viên HĐ TĐKT TP;
- Sở Nội vụ, Ban TĐKT;
- Đài PTTHHP, Báo HP; Cổng TTĐT TP;
- C, PVP UBND TP;
- Phòng KSTTHC;
- Lưu VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Tùng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 298/KH-UBND năm 2020 về phát động phong trào thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hải Phòng lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025

  • Số hiệu: 298/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 29/12/2020
  • Nơi ban hành: Thành phố Hải Phòng
  • Người ký: Nguyễn Văn Tùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 29/12/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản