Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 297/KH-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 29 tháng 9 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHI TRẢ CHÍNH SÁCH TRỢ GIÚP XÃ HỘI BẰNG PHƯƠNG THỨC ĐIỆN TỬ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

Thực hiện Chỉ thị số 22/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 22/5/2020 về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển thanh toán bằng phương thức điện tử tại Việt Nam; Công văn số 159/LĐTBXH-BTXH ngày 19/01/2021 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc thí điểm chi trả chính sách trợ giúp xã hội bằng phương thức điện tử tại tỉnh Thừa Thiên Huế; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch Triển khai chi trả chính sách trợ giúp xã hội bằng phương thức điện tử trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2021 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

a) Đẩy mạnh chi trả chế độ, chính sách trợ giúp xã hội bằng nhiều phương thức hiện đại, tiện lợi; nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ thanh toán bằng phương thức điện tử cho đối tượng thụ hưởng chính sách.

b) Từng bước cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân; bảo đảm kịp thời, nhanh chóng, chính xác, công khai, minh bạch và tiết kiệm chi phí hành chính trong chi trả chính sách trợ giúp xã hội đối với người dân.

2. Yêu cầu:

a) Quy trình chi trả phải đảm bảo đơn giản, thuận lợi, dễ tiếp cận, dễ sử dụng, phù hợp với các nhóm đối tượng chính sách và điều kiện ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

b) Đảm bảo trang thiết bị, cơ sở vật chất, công nghệ phục vụ cho việc chi trả bằng phương thức điện tử.

II. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG VÀ ĐƠN VỊ THAM GIA THỰC HIỆN

1. Phạm vi, đối tượng và thời gian triển khai

a) Phạm vi: Triển khai thực hiện chi trả chính sách trợ giúp xã hội bằng phương thức điện tử trên địa bàn toàn tỉnh.

b) Đối tượng: Đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng chính sách trợ giúp xã hội tại cộng đồng.

c) Thời gian triển khai: Từ 01/10/2021 đến 31/01/2022.

2. Các đơn vị tham gia thực hiện chi trả (cung ứng dịch vụ)

a) Các huyện Phong Điền, Quảng Điền, A Lưới và Thành phố Huế gồm các xã, phường sau: An Hòa, Đông Ba, Gia Hội, Hương An, Hương Hồ, Hương Long, Hương Sơ, Hương Vinh, Hải Dương, Kim Long, Phú Hậu, Thuận Hòa, Tây Lộc, Thuận Lộc, Hương Phong, Hương Thọ. Phối hợp với Viettel Thừa Thiên Huế triển khai chi trả chính sách trợ giúp xã hội bằng phương thức điện tử cho đối tượng qua tài khoản ViettelPay.

b) Thị xã Hương Trà, các huyện Phú Vang, Nam Đông và Thành phố Huế gồm các xã, phường sau: An Cựu, An Đông, An Tây, Phú Hội, Phú Nhuận, Phước Vĩnh, Phường Đúc, Thủy Biều, Thủy Vân, Thủy Xuân, Trường An, Vĩnh Ninh, Vỹ Dạ, Xuân Phú, Thủy Bằng, Phú Thượng, Phú Dương, Phú Mậu, Phú Thanh và Thuận An. Phối hợp với VietinBank, Bưu điện Thừa Thiên Huế triển khai chi trả chính sách trợ giúp xã hội bằng phương thức điện tử cho đối tượng qua tài khoản ngân hàng VietinBank kết hợp chi trả qua Bưu điện.

III. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Xây dựng phương án thanh toán tổng thể và tăng cường mạng lưới cung ứng dịch vụ

a) Thống nhất mẫu hợp đồng cung cấp dịch vụ chi trả điện tử để áp dụng chung cho cấp huyện trên địa bàn tỉnh (nêu rõ quy trình thực hiện; thẩm quyền, chức năng nhiệm vụ, trách nhiệm của đơn vị chi trả, các sở, ngành, địa phương liên quan; cơ chế phí dịch vụ, cơ chế thanh toán, chế độ thưởng/phạt).

b) Các đơn vị chi trả xây dựng phương án, bảo đảm hạ tầng và công nghệ để triển khai chi trả bằng phương thức điện tử; thực hiện đa dạng các phương thức chi trả đảm bảo mạng lưới chi trả tại cấp xã đối với các trường hợp đặc biệt (ốm đau, già yếu không có người để ủy quyền, không thể sử dụng được điện thoại...) theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phương thức chi trả bằng phương thức điện tử

a) Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của cán bộ, đảng viên, đối tượng hưởng chính sách, thân nhân đối tượng và cộng đồng về việc chuyển đổi hình thức chi trả trợ giúp xã hội bằng tiền mặt sang hình thức chi trả bằng phương thức điện tử.

b) Tập huấn hướng dẫn cho cán bộ xã, thôn/tổ về quy trình chi trả bằng phương thức điện tử và các thủ tục, hồ sơ cần thiết về việc mở tài khoản cho đối tượng.

3. Tổ chức đăng ký phương thức chi trả và rà soát bổ sung thông tin đối tượng hưởng chính sách

a) Tổ chức cho đối tượng, người giám hộ, người được ủy quyền đăng ký hình thức chi trả, cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại di động, giấy chứng minh nhân dân/căn cước công dân đảm bảo có đầy đủ thông tin để mở tài khoản.

b) Rà soát, đối chiếu, phân loại danh sách đối tượng, người giám hộ, người được ủy quyền và hướng dẫn bổ sung giấy tờ liên quan đảm bảo đủ điều kiện mở tài khoản.

c) Cấp mới, cấp đổi căn cước công dân cho đối tượng, người giám hộ, người được ủy quyền chưa có căn cước công dân.

4. Rà soát, cập nhật thông tin đối tượng: Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã và thành phố Huế, UBND các xã, phường, thị trấn rà soát, chuẩn hóa thông tin đối tượng phục vụ cho công tác quản lý, chi trả chế độ trợ giúp xã hội bằng phương thức điện tử.

5. Mở tài khoản thanh toán cho đối tượng: Đơn vị chi trả phối hợp với Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội, UBND cấp xã tổng hợp danh sách đăng ký để mở tài khoản cho đối tượng, người giám hộ, người được ủy quyền. Tổ chức cấp phát thẻ và hướng dẫn cách thức sử dụng thẻ an toàn.

6. Thực hiện chi trả cho đối tượng

a) Hàng tháng, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội chuyển danh sách người hưởng dưới dạng điện tử đến đơn vị chi trả (gồm: danh sách chi trả trong tháng; danh sách tăng, giảm, điều chỉnh (nếu có) và thực hiện chi trả vào tài khoản ngân hàng đối với người có tài khoản hoặc chi trả bằng tiền mặt cho đối tượng còn lại.

b) Căn cứ danh sách do Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội chuyển, Viettel Thừa Thiên Huế tiến hành chi trả vào tài khoản Viettel Pay; ngân hàng VietinBank phối hợp với Bưu điện Thừa Thiên Huế tiến hành chi trả vào tài khoản VietinBank kết hợp chi trả qua Bưu điện cho đối tượng hoặc người được ủy quyền.

c) Mục tiêu: Đến Tháng 01/2022 đảm bảo 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh chuyển đổi sang phương thức chi trả điện tử và có ít nhất 80% đối tượng nhận chi trả qua tài khoản.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Ngân sách Nhà nước theo phân cấp hiện hành.

2. Nguồn huy động các doanh nghiệp, các đơn vị cung ứng dịch vụ; nguồn hỗ trợ kỹ thuật của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam; các nguồn huy động hợp pháp khác.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

a) Chủ trì, phối hợp với UBND cấp huyện và các đơn vị chi trả triển khai Kế hoạch bảo đảm các yêu cầu đề ra.

b) Xây dựng các tài liệu tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, đối tượng hưởng chính sách, thân nhân đối tượng và cộng đồng về việc chuyển đổi hình thức chi trả trợ giúp xã hội bằng tiền mặt sang hình thức chi trả bằng phương thức điện tử.

c) Chủ trì, tổ chức các hoạt động tập huấn, truyền thông; đôn đốc, theo dõi, kiểm tra, giám sát kết quả triển khai; tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo yêu cầu.

d) Kịp thời tham mưu UBND tỉnh lựa chọn đơn vị cung ứng dịch vụ mới nếu các đơn vị chi trả không đảm bảo tiến độ theo Kế hoạch đề ra.

2. Sở Thông tin và Truyền thông:

a) Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng Kế hoạch tuyên truyền đa dạng, phù hợp thực tế nhằm tạo sự đồng thuận, ủng hộ của chính quyền địa phương các cấp và của đối tượng thụ hưởng chính sách.

b) Chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn tỉnh phối hợp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng, người dân về phương thức, lợi ích chi trả chính sách trợ giúp xã hội không sử dụng tiền mặt.

3. Công an tỉnh: Chỉ đạo Công an cấp huyện ưu tiên thực hiện cấp mới căn cước công dân cho đối tượng bảo trợ xã hội, người giám hộ, người ủy quyền để kịp thời thực hiện các thủ tục liên quan đến việc mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử.

4. Kho bạc nhà nước tỉnh: Chỉ đạo Kho bạc nhà nước cấp huyện căn cứ bảng tổng hợp đối tượng hưởng chính sách trợ giúp xã hội hàng tháng do Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cung cấp, kịp thời thực hiện chuyển tiền vào tài khoản các đơn vị chi trả phục vụ chi trả cho đối tượng.

5. UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế:

a) Chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các phòng, ban, đơn vị cùng cấp, UBND cấp xã tham mưu kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện chi trả chính sách trợ giúp xã hội bằng phương thức điện tử trên địa bàn. Rà soát, chuẩn hóa thông tin đối tượng để phục vụ công tác chi trả.

Trong đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền triển khai thực hiện kế hoạch chi trả chính sách trợ giúp xã hội bằng phương thức điện tử đến đối tượng hưởng chính sách, thân nhân đối tượng và cộng đồng.

b) Chỉ đạo Phòng Tài chính - Kế hoạch, Kho bạc nhà nước phối hợp với Phòng Lao động -Thương binh và Xã hội và các cơ quan, đơn vị liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện Kế hoạch.

c) Chỉ đạo Công an cấp huyện tạo điều kiện cho đối tượng hưởng chính sách hoặc người giám hộ, người ủy quyền làm căn cước công dân để làm thủ tục ỷ quyền hoặc đăng ký mở tài khoản.

6. Các đơn vị cung ứng dịch vụ

a) Phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, các địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan thống nhất xây dựng phương án, quy trình chi trả phù hợp; đảm bảo cơ sở vật chất, nhân lực phục vụ cho công tác chi trả.

b) Phối hợp với các địa phương ký kết thỏa thuận chi trả chính sách trợ giúp xã hội bằng phương thức điện tử; tổ chức truyền thông đến đối tượng hưởng chính sách và thân nhân đối tượng; thu thập đầy đủ thông tin để mở tài khoản cho đối tượng.

c) Lập kế hoạch triển khai chi tiết cho các địa bàn được phân công phụ trách, giám sát chặt chẽ tiến độ, thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo.

d) Đảm bảo nguồn kinh phí tổ chức tuyên truyền, thu thập thông tin mở tài khoản; đảm bảo lượng tiền mặt để đối tượng, người ủy quyền, người giám hộ rút tiền mặt.

e) Đảm bảo cơ sở hạ tầng khi triển khai thực hiện tại từng địa bàn, tạo thuận lợi cho các đối tượng tiếp cận mạng lưới dịch vụ thanh toán tại cơ sở (cấp xã).

VI. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO

1. Các sở, ngành, địa phương, đơn vị được giao nhiệm vụ tại Kế hoạch, chủ động xây dựng Kế hoạch thực hiện của đơn vị trước ngày 10/10; định kỳ trước ngày 25 hàng tháng báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện thông qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp.

2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm đôn đốc, hướng dẫn, giám sát, tham mưu UBND tỉnh tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả triển khai trước ngày 25/01/2022.

3. Quá trình triển khai nếu có vướng mắc kịp thời báo cáo UBND tỉnh để chỉ đạo giải quyết./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ LĐ-TB&XH (b/c);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các đơn vị nêu tại mục V;
- CVP, các PCVP;
- Lưu: VT, XH.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thanh Bình

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 297/KH-UBND năm 2021 về triển khai thực hiện chi trả chính sách trợ giúp xã hội bằng phương thức điện tử trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế

  • Số hiệu: 297/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 29/09/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
  • Người ký: Nguyễn Thanh Bình
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 29/09/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản