Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 295/KH-UBND

Đồng Tháp, ngày 08 tháng 9 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN MÔ HÌNH “DU LỊCH TRẢI NGHIỆM HỆ SINH THÁI NÔNG NGHIỆP GẮN VỚI BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY CÁC GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HÓA HUYỆN THÁP MƯỜI, TỈNH ĐỒNG THÁP”

Căn cứ Quyết định số 3996/QĐ-BNN-VPĐP ngày 28/9/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc Phê duyệt danh mục các mô hình thí điểm thuộc Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; Quyết định số 357/QĐ-UBND-HC ngày 26/4/2024 của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Đồng Tháp về việc phân khai, giao dự toán chi tiết vốn sự nghiệp từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương năm 2024 để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp (đợt1), UBND Tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Mô hình “Du lịch trải nghiệm hệ sinh thái nông nghiệp gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp”, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

- Đẩy mạnh phát triển du lịch trải nghiệm hệ sinh thái nông nghiệp, nông thôn gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, thông qua xây dựng mô hình du lịch trải nghiệm nông nghiệp Sen Tháp Mười tại Đồng Sen Tháp Mười gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, lịch sử địa phương tại Khu di tích Gò Tháp. Tăng cường sự tham gia của các nông hộ vào hoạt động du lịch, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp thuần túy sang dịch vụ du lịch gắn với nông nghiệp.

- Mô hình hướng đến tiêu chuẩn OCOP 3 sao thuộc sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch; thành lập Hội quán du lịch Đồng sen Gò Tháp, hình thành tour du lịch khép kín gồm tham quan, trải nghiệm nông nghiệp, ăn uống, lưu trú và mua sắm.

- Triển khai thực hiện phải đảm bảo theo lộ trình; phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan hành chính nhà nước với các công ty doanh nghiệp, điểm du lịch cộng đồng.

II. MỤC TIÊU

1. Phát triển du lịch bền vững: Xây dựng các hoạt động du lịch dựa trên nguyên tắc bảo vệ môi trường và tài nguyên tự nhiên, đồng thời thúc đẩy kinh tế địa phương.

2. Nâng cao nhận thức cộng đồng: Tăng cường nhận thức của người dân địa phương về tầm quan trọng của việc bảo tồn văn hóa, di tích lịch sử và bảo vệ môi trường trong phát triển du lịch.

3. Tạo cơ hội việc làm: Tạo thêm việc làm cho người dân địa phương thông qua các hoạt động du lịch và dịch vụ liên quan, nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng.

4. Tăng cường quảng bá: Quảng bá rộng rãi mô hình du lịch đến du khách trong và ngoài nước, sử dụng các kênh truyền thông và mạng xã hội để thu hút khách du lịch.

5. Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù: Xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, bao gồm các tour tham quan trải nghiệm nông nghiệp, các hoạt động văn hóa truyền thống và tham gia vào cuộc sống hàng ngày của người dân địa phương.

III. THÔNG TIN CHUNG

- Tên mô hình: Du lịch trải nghiệm hệ sinh thái nông nghiệp gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp.

- Địa điểm thực hiện mô hình: Huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp.

- Thời gian thực hiện mô hình: Từ tháng 9/2024 - tháng 12/2025.

IV. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Nâng cấp, đầu tư hạ tầng phát triển điểm du lịch nông thôn và sản phẩm du lịch nông thôn

Chỉnh trang cảnh quan môi trường (Hỗ trợ xây dựng và nhân rộng các mô hình xóm sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn).

2. Xây dựng và triển khai mô hình thí điểm phát triển du lịch nông thôn theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững

2.1. Khu di tích Gò Tháp

- Các hạng mục đầu tư: Khu cửa hàng lưu niệm (sử dụng sản phẩm từ thiên nhiên thân thiện với môi trường) và các đặc sản địa phương, sản phẩm OCOP. Sưu tập, trồng các giống sen Việt Nam và thế giới; xây dựng bờ bao và các hạ tầng khác, kết hợp tạo cảnh quan phục vụ du lịch trải nghiệm.

- Sản phẩm, dịch vụ cụ thể: tham quan di tích, Chợ quê, thiền Sen, du lịch cắm trại, mua sắm, trải nghiệm ươm và nhân giống cây sen.

2.2. Khu du lịch đồng sen Gò Tháp, Vùng nguyên liệu Sen của Công ty Sen Đại Việt, Công ty Cổ phần Đầu tư - Thương mại - Du lịch Đồng Tháp Mười

- Các hạng mục đầu tư: Nâng cấp homestay đạt chuẩn phục vụ khách du lịch; đầu tư hệ thống xử lý nước thải (bể lắng lọc tách mỡ và dầu cặn).

- Sản phẩm, dịch vụ cụ thể: lưu trú homestay, bơi xuồng ngắm cảnh đồng sen, thưởng thức ẩm thực Sen.

3. Xây dựng hoàn thiện mô hình theo tiêu chuẩn OCOP du lịch cộng đồng

- Các hạng mục đầu tư: thuê chuyên gia khảo sát, xây dựng mô hình; hỗ trợ chuyển đổi số; hoạt động quảng bá xúc tiến; hỗ trợ điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; thực hiện phim quảng bá điểm đến; trải nghiệm ẩm thực Sen, ...

- Sản phẩm, dịch vụ cụ thể: cung cấp những dịch vụ an toàn, chất lượng, đáp ứng tối đa nhu cầu của du khách.

V. KẾT QUẢ DỰ KIẾN CỦA MÔ HÌNH

- Đối với du khách: Mô hình sinh thái nông nghiệp gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa đem đến sự trải nghiệm thực tế cho du khách khi đến với Đồng Tháp. Định vị được hình ảnh địa phương và giáo dục các giá trị về văn hóa, ẩm thực, nông nghiệp và du lịch địa phương.

- Đối với địa phương: Xây dựng được mô hình du lịch nông nghiệp gắn với Sen mang tính trải nghiệm cao và truyền tải được các giá trị văn hóa đặc trưng vào sản phẩm du lịch. Tạo sự phong phú và gia tăng tính hấp dẫn của sản phẩm du lịch.

- Hiệu quả kinh tế, xã hội của mô hình: Gia tăng thu nhập cho cộng đồng, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, gia tăng giá trị nông sản, chuỗi giá trị các sản phẩm từ Sen, góp phần bảo vệ cảnh quan và môi trường; giáo dục ý thức của người dân đối với giá trị của du lịch trong tổng thể kinh tế xã hội, đồng thời giáo dục tình yêu quê hương và các giá trị văn hóa truyền thống.

VI. KINH PHÍ

Thực hiện từ nguồn kinh phí chi cho mô hình “Du lịch trải nghiệm hệ sinh thái nông nghiệp gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp” theo Quyết định số 3996/QĐ-BNN-VPĐP ngày 28/9/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc Phê duyệt danh mục các mô hình thí điểm thuộc Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

Dự kiến tổng kinh phí triển khai mô hình là 9,350 tỷ đồng. Trong đó:

- Ngân sách Trung ương là 3,850 tỷ đồng: Từ chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới theo Quyết định số 922/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ - Mô hình chỉ đạo điểm).

- Ngân sách đối ứng của địa phương là 3,850 tỷ đồng (theo Quyết định số 357/ QĐ-UBND-HC ngày 26/4/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp về việc phân khai, giao dự toán chi tiết vốn sự nghiệp từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương năm 2024 để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp (đợt1).

- Vốn xã hội hoá là 1,650 tỷ đồng.

(Kèm theo Phụ lục)

VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở, ngành Tỉnh liên quan, hướng dẫn UBND huyện Tháp Mười trong triển khai thực hiện mô hình đạt hiệu quả.

- Chỉ đạo Ban Quản lý Khu di tích Gò Tháp phối hợp với UBND huyện Tháp Mười triển khai thực hiện các nội dung, phần việc tại Khu di tích Gò Tháp.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Văn phòng Điều phối Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng Nông thôn mới và Tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2025

Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn UBND huyện Tháp Mười triển khai thực hiện mô hình; theo dõi thực hiện các nội dung, chương trình đúng với đề xuất đã được phê duyệt.

3. Sở Tài chính

Phối hợp với UBND huyện Tháp Mười rà soát, cân đối, bố trí kinh phí thực hiện mô hình từ các nguồn vốn theo đúng quy định, đảm bảo lộ trình thực hiện.

4. Ủy ban nhân dân huyện Tháp Mười

- Chủ trì tổ chức thực hiện mô hình; vận động, theo dõi các chủ thể tham gia trong việc triển khai thực hiện các nội dung thành phần; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để mô hình đảm bảo phát huy hiệu quả tốt nhất.

- Chịu trách nhiệm đôn đốc, hướng dẫn thực hiện, giám sát việc thực hiện mô hình một cách có hiệu quả.

- Chỉ đạo các ngành, địa phương tạo sự gắn kết giữa các hộ kinh doanh, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, cách làm và phân chia lợi ích của cộng đồng. Là cầu nối giữa du khách, cộng đồng dân cư và các hộ kinh doanh tránh sự xung đột về lợi ích.

- Vận động các hộ tham gia trực tiếp vào mô hình có trách nhiệm xây dựng và hoàn chỉnh cơ sở vật chất, cảnh quan, sản phẩm dịch vụ phục vụ khách du lịch. Tham gia tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng nghề du lịch. Cung cấp sản phẩm dịch vụ đạt chất lượng. Liên kết hợp tác và chia sẻ lợi ích, tránh cạnh tranh không lành mạnh.

Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan đơn vị, địa phương phản ánh về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để phối hợp xử lý; trường hợp vượt thẩm quyền, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổng hợp báo cáo và đề xuất, trình UBND Tỉnh xem xét, quyết định./.

 


Nơi nhận:
- Bộ NN&PTNT;
- Lãnh đạo UBND Tỉnh;
- Các đơn vị, địa phương Mục VII;
- Lãnh đạo VP/UBND Tỉnh;
- Lưu: VT, VX. HDiem

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Huỳnh Minh Tuấn

 


PHỤ LỤC

KHÁI TOÁN KINH PHÍ MÔ HÌNH DU LỊCH NÔNG THÔN
(Kèm theo Kế hoạch số 295/KH-UBND ngày 08 tháng 9 năm 2024 của Uỷ ban nhân dân Tỉnh)

STT

Hạng mục đầu tư

Kinh phí

Ghi chú

Tổng kinh phí

Trong đó:

Ngân sách nhà nước

Kinh phí Xã hội hoá

Tổng nguồn vốn NSNN

NSTW từ chương trình MTQG XDNTM

NS Địa phương (huyện Tháp Mười)

TỔNG CỘNG (I+II+II):

9.350

7.700

3.850

3.850

1.650

 

I

Nâng cấp, đầu tư hạ tầng phát triển điểm du lịch nông thôn và sản phẩm du lịch nông thôn:

2.000

2.000

1.000

1.000

0

 

 

Chỉnh trang cảnh quan môi trường (Hỗ trợ xây dựng và nhân rộng các mô hình xóm sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn)

2.000

2.000

1.000

1.000

 

 

II

Xây dựng và triển khai mô hình thí điểm phát triển du lịch nông thôn theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững

5.650

4.000

2.000

2.000

1.650

 

1

Khu di tích Gò Tháp

4.000

4.000

2.000

2.000

0

 

1.1

Khu cửa hàng lưu niệm và các sản phẩm đặc sản địa phương, sản phẩm OCOP

2.000

2.000

1.000

1.000

 

 

1.2

Sưu tập và trồng các giống sen Việt Nam và Thế giới; xây dựng bờ bao và các hạ tầng khác kết hợp tạo cảnh quan phục vụ du lịch trải nghiệm

2.000

2.000

1.000

1.000

 

Mua, sưu tầm giống, vận chuyển; chi phí mua vật tư, chi phí thuê kỹ sư nông nghiệp hỗ trợ kỹ thuật, nhân công chăm sóc, … Xây dựng bờ bao, cầu, tiểu cảnh,… tạo cảnh quan phục vụ du lịch trải nghiệm

2

Khu du lịch đồng sen Gò Tháp, Vùng nguyên liệu Sen Công ty Sen Đại Việt, Cty CP ĐT-TM-DL Đồng Tháp Mười

1.650

0

0

0

1.650

 

2.1

Nâng cấp Homestay đạt chuẩn

200

0

 

 

200

 

2.2

Xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ khách du lịch (2 khu x 7 điểm)

1.400

0

 

 

1.400

 

2.3

Hệ thống xử lý nước thải (bể lắng lọc tách mỡ và dầu cặn)

50

0

 

 

50

 

III

Chi phí Xây dựng hoàn thiện mô hình theo tiêu chuẩn OCOP du lịch cộng đồng

1.700

1.700

850

850

0

 

 

Thuê chuyên gia khảo sát, xây dựng mô hình; Chi hỗ trợ chuyển đổi số; Chi hỗ trợ hoạt động quảng bá xúc tiến; Chi hỗ trợ điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; Chi phí làm phim phóng sự quảng bá điểm đến, show trải nghiệm ẩm thực Sen…

1.700

1.700

850

850

 

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 295/KH-UBND năm 2024 thực hiện mô hình “Du lịch trải nghiệm hệ sinh thái nông nghiệp gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp”

  • Số hiệu: 295/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 08/09/2024
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Tháp
  • Người ký: Huỳnh Minh Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 08/09/2024
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản