Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2914/KH-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 18 tháng 8 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG, TẬP HUẤN VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH GIAI ĐOẠN 2022 - 2025

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, Quyết định số 392/QĐ-TTg ngày 27 tháng 3 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, Quyết định số 273/QĐ-TTg ngày 06 tháng 3 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống thông tin đối ngoại khu vực cửa khẩu quốc tế phục vụ nhiệm vụ thông tin đối ngoại đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Quyết định số 21/QĐ-TTg ngày 06 tháng 01 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin giai đoạn 2021 - 2025”;

Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn và phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin và truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2022 - 2025, như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Đào tạo, phát triển đội ngũ nhân lực an toàn thông tin nhằm góp phần triển khai thành công Chương trình chuyển đổi số của Thành phố, phát triển Thành phố hướng tới Thành phố số, nền kinh tế - xã hội số và nâng cao uy tín, xếp hạng quốc tế của Thành phố Hồ Chí Minh về an toàn thông tin theo chuẩn quốc tế.

2. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của lãnh đạo các cấp, các ngành, cả trong khu vực công và khu vực tư để thúc đẩy thực hiện chuyển đổi số. Phổ cập kỹ năng số cho các đối tượng tham gia vào quá trình chuyển đổi số của Thành phố. Nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực tại Thành phố Hồ Chí Minh.

3. Phát triển đội ngũ nhân lực công nghệ thông tin và truyền thông chuyên nghiệp cả về số lượng và đảm bảo đáp ứng các chuẩn kỹ năng công nghệ thông tin và truyền thông quốc tế, đảm bảo chất lượng, đồng bộ, tạo sự chuyển dịch về cơ cấu theo hướng tăng nhanh tỷ lệ nguồn nhân lực có trình độ cao.

4. Tập trung đào tạo kỹ năng về ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông cho cán bộ, công chức và nghiệp vụ cho cán bộ công chức chuyên trách về công nghệ thông tin và truyền thông của sở, ban, ngành Thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, Ủy ban nhân dân các quận - huyện, phường - xã - thị trấn.

II. ĐƠN VỊ CHỦ TRÌ, PHỐI HỢP VÀ ĐỐI TƯỢNG ĐÀO TẠO

1. Đơn vị chủ trì: Sở Thông tin và Truyền thông.

2. Đơn vị phối hợp: Các sở, ban, ngành, quận, huyện, thành phố Thủ Đức và các đơn vị có liên quan.

3. Đối tượng đào tạo: Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, Ủy ban nhân dân các quận - huyện, phường - xã - thị trấn và các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

III. NỘI DUNG ĐÀO TẠO

1. Đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực An toàn thông tin

a. Mục tiêu

- Triển khai Quyết định số 21/QĐ-TTg ngày 06 tháng 01 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin giai đoạn 2021 - 2025”.

- Nâng cao kiến thức, kỹ năng về an toàn thông tin cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, tổ chức Nhà nước.

- Xây dựng và phát triển đội ngũ chuyên gia an toàn thông tin để bảo vệ cho các hệ thống thông tin của Đảng bộ, cơ quan, tổ chức Nhà nước tại Thành phố Hồ Chí Minh.

b. Nội dung:

- Đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn về an toàn thông tin theo hình thức tập trung, trực tuyến hoặc kết hợp giữa tập trung và trực tuyến về an toàn thông tin cho các cơ quan, tổ chức Nhà nước; hỗ trợ các cơ quan, tổ chức của Đảng, tổ chức chính trị - xã hội đào tạo, tập huấn về an toàn thông tin (khi có đề nghị);

- Đào tạo chuyên gia an toàn thông tin để bảo vệ cho các hệ thống thông tin của Đảng và Nhà nước;

- Đào tạo kiến thức, kỹ năng an toàn thông tin cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp quản lý, vận hành các hạ tầng quan trọng như viễn thông, Internet, trung tâm dữ liệu, các hệ thống tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và các hệ thống thông tin quan trọng quốc gia; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ an toàn thông tin cho cán bộ, công chức chuyên trách về an toàn thông tin và công nghệ thông tin nhằm chuẩn hóa và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực an toàn thông tin trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; hướng dẫn, phối hợp kiểm tra, đánh giá năng lực an toàn thông tin đối với cán bộ kỹ thuật, quản lý về an toàn thông tin và công nghệ thông tin trong các cơ quan, tổ chức.

2. Đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực Chuyển đổi số

a. Mục tiêu:

- Nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số cho các cán bộ lãnh đạo trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để chỉ đạo thực hiện chuyển đổi số tại cơ quan, tổ chức, đơn vị mình;

- Cập nhật kiến thức về chuyển đổi số, kỹ năng số, công nghệ số cho cán bộ lãnh đạo, cán bộ công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan nhà nước, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước;

- Đào tạo, bồi dưỡng về công nghệ số cho cán bộ chuyên trách chuyển đổi số, công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

b. Nội dung:

- Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nhận thức về chuyển đổi số, công nghệ số, kinh tế số, xã hội số cho đội ngũ là cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ làm công tác tham mưu chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước từ cấp xã trở lên;

- Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về chuyển đổi số, kỹ năng số cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước;

- Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng bài bản, chuyên sâu, trang bị những kiến thức cập nhật mới nhất về chuyển đổi số, công nghệ số, kỹ năng tổng hợp, phân tích dữ liệu số cho cán bộ, công chức chuyên trách về chuyển đổi số và công nghệ thông tin tại các cơ quan nhà nước để hỗ trợ ra quyết định phù hợp theo chuyên môn, ngành nghề, lĩnh vực; Kết quả đào tạo, bồi dưỡng được đánh giá trực tuyến qua Hệ thống đánh giá, sát hạch chuẩn kỹ năng số quốc gia;

- Tổ chức diễn đàn, hội nghị, hội thảo chuyên đề, triển lãm về sản phẩm số, giải pháp số, các thành tựu về chuyển đổi số của Thành phố Hồ Chí Minh.

3. Đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực Truyền thông trong quản lý nhà nước

a. Mục tiêu:

Tăng cường năng lực và hiểu biết cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhận thức sâu sắc về truyền thông để chỉ đạo thực hiện truyền thông tại cơ quan, tổ chức, đơn vị mình.

b. Nội dung:

- Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn và cập nhật kiến thức về hoạt động báo chí, thông tin đối ngoại, xuất bản, in và phát hành, ... cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan nhà nước, các cơ quan báo chí, xuất bản, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước;

- Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng các kỹ năng xử lý thông tin trên mạng internet, các phương tiện truyền thông và mạng xã hội theo nhu cầu của các sở - ngành, quận - huyện, phường - xã - thị trấn.

4. Đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực Công nghệ thông tin

a. Mục tiêu:

- Phát triển đội ngũ nhân lực công nghệ thông tin chuyên nghiệp cả về số lượng và đảm bảo đáp ứng các chuẩn kỹ năng công nghệ thông tin và truyền thông quốc tế, đảm bảo chất lượng, đồng bộ, tạo sự chuyển dịch về cơ cấu theo hướng tăng nhanh tỷ lệ nguồn nhân lực có trình độ cao;

- Tập trung đào tạo kỹ năng về ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ, công chức và đào tạo các kỹ năng nâng cao cho cán bộ công chức chuyên trách về công nghệ thông tin.

b. Nội dung:

- Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về quản trị mạng, bảo mật mạng, an toàn và an ninh thông tin,... cho đội ngũ chuyên trách về công nghệ thông tin;

- Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin (kỹ năng sử dụng phần mềm và công cụ để soạn tho văn bản điện tử, kỹ năng thiết kế và sử dụng công cụ để soạn nội dung trình bày, trình chiếu, kỹ năng sử dụng bảng tính, kỹ năng sử dụng email và các phần mềm hỗ trợ văn phòng khác, kỹ năng khai thác tài nguyên mạng, tài nguyên công nghệ thông tin, kỹ năng sử dụng các dịch vụ trực tuyến ...);

- Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về điện toán đám mây, an toàn thông tin, trí tuệ nhân tạo, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, ...;

- Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về xây dựng chiến lược, chính sách công nghệ thông tin, chính sách an toàn thông tin, ...;

5. Đào tạo, bồi dưỡng lãnh đạo công nghệ thông tin và lãnh đạo an toàn thông tin

a. Mục tiêu:

Nâng cao nhận thức về sự cần thiết và tính cấp thiết của ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, an toàn thông tin cho người đứng đầu chịu trách nhiệm trực tiếp trong cơ quan, tổ chức, lĩnh vực do mình phụ trách.

b. Nội dung:

- Tổ chức đào tạo, tăng cường năng lực và hiểu biết về: cải tiến quy trình, kiến trúc và cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, đánh giá công nghệ, an toàn thông tin, xây dựng chính phủ điện tử gắn với phát triển đô thị thông minh, phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số; Kỹ năng xây dựng, quản trị và triển khai các dự án công nghệ thông tin trong chiến lược tổng thể phát triển công nghệ thông tin.

- Tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao về an ninh thông tin và các biện pháp bảo vệ thông tin và chuẩn hóa kiến thức, đồng thời nhận diện khó khăn, thách thức và các giải pháp trong công tác quản lý dự án công nghệ thông tin; đào tạo về kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin.

- Tổ chức hội nghị, hội thảo hàng năm về công nghệ thông tin nhằm trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm; Cập nhật xu thế công nghệ và cơ hội lựa chọn trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4;

- Xây dựng kênh thông tin về lãnh đạo công nghệ thông tin và lãnh đạo an toàn thông tin của thành phố.

IV. NGUỒN KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Đối với cán bộ, công chức của Thành phố Hồ Chí Minh:

Kinh phí được đảm bảo từ nguồn ngân sách nhà nước theo phân cấp ngân sách hiện hành; kinh phí của cơ quan quản lý, sử dụng cán bộ, công chức và nguồn kinh phí hợp pháp khác.

2. Đối với viên chức, nhân sự tại các doanh nghiệp doanh nghiệp khởi nghiệp, các doanh nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông,...:

Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng viên chức được đảm bảo từ nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập và nguồn kinh phí hợp pháp khác; nhân sự tại các doanh nghiệp khởi nghiệp, các doanh nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông do các doanh nghiệp tự chi trả.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Thông tin và Truyền thông

- Chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện hàng năm cho từng nội dung của Kế hoạch này.

- Chịu trách nhiệm theo dõi việc thực hiện đối với từng nội dung, phối hợp với các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, Ủy ban nhân dân các quận, huyện và các đơn vị liên quan để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố theo định kỳ và đột xuất.

- Chủ trì, phối hợp Sở Tài chính, Sở Nội vụ và các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các chính sách ưu đãi, xã hội hóa, tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để thực hiện tốt nội dung Kế hoạch; đồng thời góp phần tiết kiệm và sử dụng có hiệu quả ngân sách Nhà nước chi cho công tác đào tạo, bồi dưỡng.

2. Sở Tài chính

Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, quyết định bố trí dự toán kinh phí để triển khai thực hiện Kế hoạch này theo quy định.

3. Các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và Ủy ban nhân dân các quận, huyện

- Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu cơ quan quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức và bản thân cán bộ, công chức, viên chức tham gia tích cực và hiệu quả vào công tác đào tạo, bồi dưỡng.

- Tổ chức triển khai, hướng dẫn Kế hoạch đến các cơ quan, đơn vị trực thuộc và cán bộ, công chức, viên chức tại cơ quan, đơn vị mình theo đúng quy định pháp luật; Chủ động xây dựng kế hoạch và cử cán bộ, công chức, viên chức tham gia học tập, nâng cao trình độ công nghệ thông tin và truyền thông.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị gửi thông tin đến Sở Thông tin và Truyền thông tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố để xem xét, giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Thông tin và Truyền thông;
- UB MTTQ Việt Nam TP và các đoàn thể TP;
- TTUB: CT, các PCT;
- Các Sở, Ban ngành TP;
- UBND TP Thủ Đức;
- UBND các quận, huyện;
- VPUB: CPVP;
- Phòng KT, HCTC;
- Lưu VT, (KT-P.Loan).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Dương Anh Đức

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 2914/KH-UBND năm 2022 về đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn và phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin và truyền thông thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2022-2025

  • Số hiệu: 2914/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 18/08/2022
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Dương Anh Đức
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản