Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2855/KH-UBND

Bình Thuận, ngày 03 tháng 8 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

ỨNG PHÓ THẢM HỌA HÀNG KHÔNG DÂN DỤNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN, GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

Thực hiện Nghị định số 02/2019/NĐ-CP ngày 02/01/2019 của Chính phủ về phòng thủ dân sự; Quyết định số 1042/QĐ-TTg ngày 19/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 02/2019/NĐ-CP của Chính phủ về phòng thủ dân sự và triển khai Kế hoạch số 5044/KH-UBND ngày 24/12/2020 của UBND tỉnh về phòng thủ dân sự tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2021 - 2025.

Nhằm bảo đảm sự chỉ đạo phối hợp và hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng để chủ động, kịp thời triển khai phương án ứng phó thảm họa hàng không dân dụng xảy ra trên địa bàn tỉnh, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch ứng phó thảm họa hàng không dân dụng trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025 với các nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Bảo đảm chỉ huy thống nhất, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, phương tiện tham gia cứu hộ và tìm kiếm cứu nạn nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, đồng thời khắc phục hậu quả khi có tình huống xảy ra.

- Là cơ sở cho các cơ quan, đơn vị xây dựng và triển khai kế hoạch hành động theo nhiệm vụ được phân công.

2. Yêu cầu

- Hoạt động của các lực lượng tham gia khắc phục hậu quả thảm họa phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, Huyện, Thị, Thành ủy, sự thống nhất điều hành của UBND các cấp; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó lực lượng Quân sự, Công an, Biên phòng làm nòng cốt tham gia khắc phục hậu quả, ổn định tình hình.

- Tích cực, chủ động phòng ngừa, thu thập và xử lý thông tin nhanh, chính xác; chỉ huy điều hành thống nhất theo kế hoạch. Người chỉ huy cao nhất hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ tại hiện trường có quyền điều động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị của các đơn vị, cá nhân hiện có trên địa bàn tham gia ứng cứu.

II. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH, KHU VỰC DỰ KIẾN XẢY RA THẢM HỌA

1. Đánh giá tình hình

a) Tình hình tàu bay hàng không dân dụng:

- Số lượng tàu bay, đường bay quốc tế qua không phận tỉnh Bình Thuận:

+ Số lượng tàu bay trung bình đường hàng không N500: 10 chuyến/ ngày;

+ Số lượng tàu bay trung bình đường hàng không L642: 27 chuyến/ ngày.

- Số lượng tàu bay, đường bay nội địa qua không phận tỉnh Bình Thuận:

+ Số lượng tàu bay trung bình đường hàng không Q1: 212 chuyến/ ngày;

+ Số lượng tàu bay trung bình đường hàng không W2: 05 chuyến/ ngày;

+ Số lượng tàu bay trung bình đường hàng không W14: 114 chuyến/ ngày.

b) Nguyên nhân gây tai nạn hàng không dân dụng:

- Nguyên nhân do lỗi kỹ thuật;

- Nguyên nhân do điều kiện thời tiết;

- Nguyên nhân do trình độ phi công;

- Nguyên nhân do khủng bố;

- Nguyên nhân khác.

c) Hậu quả do tai nạn hàng không dân dụng gây ra:

- Làm hành khách, phi hành đoàn bị thương, chết; máy bay bị hỏng, cháy, nổ;

- Làm cháy khu dân cư, khu công nghiệp, kho tàng, cháy rừng…;

- Gây ảnh hưởng môi trường khu vực máy bay bị nạn; gây ô nhiễm trên biển do thùng nhiên liệu vỡ khi máy bay rơi trên biển;…

2. Khu vực dự kiến xảy ra thảm họa

Tai nạn hàng không dân dụng xảy ra trong khu vực đô thị, trên địa bàn rừng núi hoặc trên biển.

III. TƯ TƯỞNG VÀ PHƯƠNG CHÂM CHỈ ĐẠO

1. Tư tưởng

Sẵn sàng ứng phó, chủ động ứng phó, ứng phó nhanh, hiệu quả, lấy phòng là chính.

2. Phương châm

- Phát huy tốt phương châm “Bốn tại chỗ” (Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện và kinh phí tại chỗ; hậu cần tại chỗ) tại địa phương nơi xảy ra thảm họa để chủ động ứng phó, phòng tránh kịp thời, khắc phục nhanh thảm họa;

- Huy động tổng lực về người, phương tiện, cơ sở vật chất tại chỗ, bằng mọi cách ứng cứu kịp thời; hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân, của Nhà nước;

- Khi xảy ra thảm họa phải cứu người trước, cứu tài sản sau; các đơn vị được quyền sử dụng lực lượng đi ứng cứu trước và báo cáo UBND tỉnh sau.

IV. LỰC LƯỢNG, PHƯƠNG TIỆN THAM GIA ỨNG PHÓ

1. Lực lượng tại chỗ:

- Bộ phận trinh sát, bảo đảm trật tự an toàn xã hội (TTATXH): Công an, Quân sự các địa phương, Biên phòng;

- Bộ phận chữa cháy: Công an, Quân sự các địa phương;

- Bộ phận tìm kiếm cứu nạn: Công an, Quân sự các địa phương, Biên phòng (tại các địa phương trong khu vực biên giới biển);

- Bộ phận cứu thương: Các bệnh viện, Trung tâm Y tế địa phương;

- Bộ phận vận chuyển: Lực lượng cơ động của các địa phương;

- Bộ phận bảo đảm hậu cần: Các hội, đoàn thể tại địa phương.

2. Lực lượng, phương tiện cơ động của tỉnh:

a) Lực lượng

- Bộ phận trinh sát, tìm kiếm cứu nạn:

+ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh: 30 người;

+ Công an tỉnh: 50 người (Trong đó: 30 người PC07, 10 người PC08, 10 người ở các đơn vị nghiệp vụ);

+ Sở Giao thông vận tải: 15 người;

+ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng: 15 người;

+ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Đối với thảm họa xảy ra trên vùng rừng núi hoặc trên biển): 15 người;

+ Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận (Đối với thảm họa xảy ra trên biển hoặc vùng nước cảng biển): 08 người.

- Bộ phận cứu thương:

+ Sở Y tế: 12 người;

+ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh: 14 người.

b) Phương tiện, vật chất:

+ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh: 01 xe chỉ huy, 02 xe chữa cháy, 04 xe chở quân, 04 máy cưa cầm tay, 01 máy khoan cắt bê tông, 01 máy bắn dây, 01 đèn chiếu xa, 06 máy bộ đàm Icom và dụng cụ, khí tài kèm theo;

+ Sở Giao thông vận tải: 01 xe 07 chỗ chỉ huy, 02 xe bán tải chở lực lượng thanh tra giao thông; các xe cẩu, kéo; xe vận chuyển người theo yêu cầu;

+ Sở Y tế: 03 xe cứu thương kèm theo trang bị và phương tiện, thuốc cấp cứu;

+ Công an tỉnh: 01 xe chỉ huy, 02 ca nô, 02 xe tuần tra kiểm soát giao thông (Loại 07 chỗ), 01 xe chở quân, 01 xe trạm bơm, 01 xe cứu hộ cứu nạn, 02 xe chữa cháy, 01 máy bơm nổi.

+ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng: 01 tàu tuần tra và 01 xuồng cao tốc;

+ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: 01 tàu; 02 ca nô; 02 phao bè; 50 phao tròn; thiết bị thông tin liên lạc (Bộ đàm Icom 150w, VHF); định vị, công cụ hỗ trợ;

+ Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận: 01 máy MF/HF, 02 máy VHF, 01 máy VHF cầm tay, 01 đèn tín hiệu ban ngày, 01 máy đo sâu, 01 ống dòm ban đêm, 01 ống dòm 02 mắt.

3. Lực lượng phối hợp:

- Sư đoàn BB302; Trường bắn Quốc gia khu vực 3; Công an Trại Z30D;

- Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận; Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực III; Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Vùng 3; Bộ Tư lệnh Vùng 2, Vùng 4 Hải quân.

V. PHÂN CÔNG ỨNG PHÓ KHI XẢY RA THẢM HỌA

1. Chỉ huy chung: Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh.

2. Cơ quan chủ trì tham mưu: Sở Giao thông vận tải.

- Sau khi nhận được thông tin xảy ra thảm họa máy bay trên địa bàn phải kịp thời báo cáo tình hình cho Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh, Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng không, Cục Hàng hải để chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các lực lượng của tỉnh thực hiện công tác tìm kiếm, cứu nạn;

- Huy động, điều động phương tiện thuộc quyền quản lý tham gia phối hợp thực hiện công tác tìm kiếm, cứu nạn khi có yêu cầu.

3. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh:

Sau khi nhận được thông tin sẵn sàng điều động phương tiện, lực lượng đến ngay hiện trường khu vực xảy ra tai nạn để phối hợp bảo vệ vòng ngoài, bảo vệ hiện trường, đảm bảo an ninh trật tự (ANTT), không cho người và phương tiện vào khu vực cứu hộ, cứu nạn; điều động lực lượng tham gia tìm kiếm, cứu nạn.

4. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh (Trường hợp thảm họa xảy ra ở khu vực biên giới biển):

Sau khi nhận được thông tin sẵn sàng điều động phương tiện, lực lượng đến ngay hiện trường khu vực xảy ra tai nạn để phối hợp bảo vệ vòng ngoài, bảo vệ hiện trường, đảm bảo ANTT, không cho người và phương tiện vào khu vực cứu hộ, cứu nạn; điều động lực lượng tham gia tìm kiếm, cứu nạn.

5. Công an tỉnh:

- Sau khi nhận được thông tin phải điều động phương tiện, lực lượng đến ngay hiện trường khu vực xảy ra tai nạn điều tiết, thực hiện phân luồng giao thông, phong tỏa hiện trường, thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn, tiến hành điều tra nguyên nhân tai nạn và thực hiện các nghiệp vụ có liên quan;

- Huy động lực lượng tham gia phối hợp cứu hộ, cứu nạn, sơ tán người dân, cấp cứu người bị thương;

- Phối hợp điều tra nguyên nhân thảm họa, phát hiện, đấu tranh với số đối tượng thù địch, khủng bố gây ra thảm họa (nếu có).

6. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Trường hợp máy bay rơi trên địa bàn vùng rừng núi hoặc vùng biển thuộc địa bàn tỉnh): Chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm, lực lượng quản lý, bảo vệ rừng nơi khu vực xảy ra tai nạn xác định tọa độ, địa hình khu vực máy bay rơi và phân công lực lượng dẫn đường cho các lực lượng cứu hộ, cứu nạn đến hiện trường; đồng thời chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống cháy rừng, ngăn không cho lửa lây lan sang các khu vực rừng lân cận; thông báo, huy động lực lượng Kiểm ngư, các tàu thuyền đánh cá trong khu vực tham gia tìm kiếm, cứu nạn trên biển theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền (Trường hợp máy bay rơi trên biển);

7. Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận (Trường hợp máy bay rơi trên biển hoặc vùng nước cảng biển do Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận quản lý): Sau khi nhận được thông tin, Cảng vụ Hàng hải báo cáo ngay cho Cục Hàng hải Việt Nam và thông báo cho các tàu thuyền hoạt động trong khu vực tham gia tìm kiếm, cứu nạn; đề nghị Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải khu vực III để phối hợp thực hiện công tác tìm kiếm, cứu nạn khi có yêu cầu của tỉnh.

8. Sở Y tế:

- Huy động tối đa các phương tiện, nhân lực để tổ chức cấp cứu, vận chuyển và điều trị cho những người bị nạn; trường hợp cần thiết phải báo cáo Bộ Y tế điều động phương tiện, nhân lực y tế của các tỉnh lân cận hoặc bệnh viện tuyến trên hỗ trợ công tác cấp cứu;

- Phối hợp với Công an tỉnh thực hiện giám định mẫu ADN khi các nạn nhân không rõ danh tính hoặc chưa được gia đình nhận dạng trước khi chôn cất. Tổ chức phòng, chống dịch, xử lý vệ sinh môi trường.

9. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Phối hợp với Văn phòng thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh và các địa phương tham mưu cho Trưởng Ban An toàn giao thông tỉnh tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ nạn nhân hoặc gia đình nạn nhân theo quy định.

10. Sở Thông tin và Truyền thông:

- Chủ trì, phối hợp thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền trên trang mạng xã hội về công tác ứng phó thảm họa của các lực lượng; chỉ đạo tăng cường công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, những thông tin phản ánh không đúng sự thật trên mạng xã hội;

- Chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông và truyền hình cáp triển khai đảm bảo thông tin liên lạc trong công tác ứng phó.

11. UBND cấp huyện, cấp xã:

- Phát hiện kịp thời, thông báo, báo động cho các cơ quan, địa phương, đơn vị; khẩn trương triển khai phương án ứng phó, xử lý các tình huống; điều hành, chỉ huy các lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, vật tư chuyên dùng thuộc phạm vi quản lý để xử lý các tình huống, khắc phục thảm họa theo Kế hoạch;

- Phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức các lực lượng ứng phó theo hiệp đồng;

- Tổng hợp tình hình xảy ra trên địa bàn, kịp thời báo cáo, đề xuất cơ quan cấp trên theo quy định.

VI. CÔNG TÁC BẢO ĐẢM THÔNG TIN LIÊN LẠC

1. Hữu tuyến điện:

- Trực ban Sở Giao thông vận tải (Văn phòng thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh): 0252.3830409, 0252.3700100.

- Trực ban Tác chiến Bộ đội Biên phòng tỉnh: 0252.3821311, fax: 0252.3636111.

- Trực ban Tác chiến Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh: 0252.3821906, fax: 0252.3829067.

- Trực ban Công an tỉnh: 069.3428112, fax: 0252.3823276.

- Trực Phòng Cảnh sát giao thông: 069.3428121;

- Số điện thoại cơ quan phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn: 114.

- Trực ban Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận: 0252.3822353, fax: 0252.3830315.

2. Vô tuyến điện:

- Sử dụng mạng lưới vô tuyến điện của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh qua máy ICOM (100W) tại Sở Chỉ huy, Hải đội 2 và các đồn Biên phòng theo quy ước liên lạc đã thống nhất.

- Sử dụng mạng lưới vô tuyến điện sóng ngắn của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh từ Sở Chỉ huy đến các địa phương, đơn vị.

- Sử dụng mạng lưới vô tuyến điện của Đài Thông tin duyên hải Phan Thiết trên tần số 7903KHz và kênh 16VHF.

Ngoài ra sẽ sử dụng thêm hệ thống vô tuyến điện của ngành Thông tin và Truyền thông khi cần thiết.

VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Căn cứ Kế hoạch này, các Sở, ngành, đơn vị có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao xây dựng kế hoạch cụ thể, tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện theo quy định.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị kịp thời phản ánh về Sở Giao thông vận tải để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo./.

(Đính kèm Phụ lục các tình huống thảm họa.)

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Thường trực Tỉnh ủy (để b/c);
- Thường trực HĐND tỉnh (để b/c);
- Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các thành viên BCH Phòng thủ dân sự tỉnh;
- Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh;
- Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh;
- Công an tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận;
- Lưu: VT, NC&KSTTHC, ĐTQH. Hưng (25b).

CHỦ TỊCH




Lê Tuấn Phong

 

PHỤ LỤC 1

TÌNH HUỐNG TAI NẠN MÁY BAY TRÊN ĐẤT LIỀN
(Kèm theo Kế hoạch số 2855 /KH-UBND ngày 03 /8/2021 của UBND tỉnh)

I. GIẢ ĐỊNH TÌNH HUỐNG

Máy bay chở khách rơi trong vùng rừng núi thuộc một huyện trên địa bàn tỉnh.

II. PHƯƠNG ÁN XỬ LÝ

1. Thông tin, báo cáo về vụ tai nạn và xử lý ban đầu

a) Ngay sau khi nhận được thông tin xảy ra tai nạn máy bay trên địa bàn, UBND cấp huyện, cấp xã hoặc cơ quan, đơn vị nhận được thông tin ban đầu phải thông báo ngay cho một trong các cơ quan: Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải, Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh. Cơ quan nhận được thông tin phải báo cáo ngay cho Chủ tịch UBND tỉnh để chỉ đạo và thông báo cho các cơ quan, đơn vị liên quan biết để triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn.

b) Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh: Sau khi nhận được thông tin phải báo cáo ngay cho Bộ Quốc phòng, Quân chủng Phòng không - Không quân biết, đồng thời điều động phương tiện, lực lượng đến ngay hiện trường khu vực xảy ra tai nạn để tiếp quản, bảo vệ hiện trường và triển khai công tác tìm kiếm, cứu nạn ban đầu.

d) Công an tỉnh: Sau khi nhận được thông tin phải điều động phương tiện, lực lượng đến ngay hiện trường khu vực xảy ra tai nạn để phối hợp bảo vệ hiện trường, đảm bảo an ninh trật tự, phân luồng, điều tiết giao thông và thực hiện công tác tìm kiếm, cứu nạn.

đ) Sở Giao thông vận tải: Sau khi nhận được thông tin phải kịp thời báo cáo tình hình cho Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng không biết để chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các lực lượng của tỉnh thực hiện công tác tìm kiếm, cứu nạn.

e) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm, lực lượng quản lý, bảo vệ rừng nơi khu vực xảy ra tai nạn xác định tọa độ, địa hình khu vực máy bay rơi và phân công lực lượng dẫn đường cho các lực lượng tìm kiếm, cứu nạn đến hiện trường.

g) UBND cấp huyện, cấp xã: Huy động phương tiện, lực lượng tại chỗ tham gia phối hợp bảo vệ hiện trường và thực hiện công tác tìm kiếm, cứu nạn khi có yêu cầu.

2. Huy động lực lượng cứu hộ, cứu nạn

a) Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh: Điều động phương tiện, lực lượng đến ngay hiện trường khu vực xảy ra tai nạn để bảo vệ hiện trường và thực hiện công tác tìm kiếm, cứu nạn.

b) Công an tỉnh: Điều động phương tiện, lực lượng đến ngay hiện trường khu vực xảy ra tai nạn để phối hợp bảo vệ hiện trường, chữa cháy và thực hiện công tác tìm kiếm, cứu nạn.

c) Sở Giao thông vận tải: Huy động phương tiện vận chuyển phục vụ công tác tìm kiếm, cứu nạn khi có yêu cầu.

d) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Phân công lực lượng tham gia tìm kiếm, cứu nạn và thực hiện các biện pháp phòng, chống cháy rừng, ngăn không cho lửa lây lan sang các khu vực rừng lân cận.

đ) UBND cấp huyện, cấp xã: Huy động phương tiện, lực lượng tại chỗ tham gia phối hợp bảo vệ hiện trường và thực hiện công tác tìm kiếm, cứu nạn khi có yêu cầu.

e) Sở Y tế: Sau khi nhận được thông tin phải điều động các xe cứu thương và đội ngũ y, bác sĩ đến ngay địa điểm do Ban chỉ huy cứu hộ, cứu nạn thông báo để tiếp nhận, thực hiện công tác sơ, cấp cứu nạn nhân; đồng thời chỉ đạo các bệnh viện gần khu vực xảy ra tai nạn chuẩn bị để tiếp nhận cấp cứu, điều trị.

3. Xử lý các vấn đề liên quan đến vụ tai nạn

a) Sở Giao thông vận tải: Tổng hợp, báo cáo tình hình cho UBND tỉnh, Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng không.

b) Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh: Tổng hợp, báo cáo tình hình cho Ủy ban An toàn giao thông quốc gia.

c) Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh: Tổng hợp, báo cáo tình hình cho Bộ Quốc phòng; thực hiện các công việc tiếp theo theo chỉ đạo của cấp trên.

d) Sở Y tế: Chỉ đạo các bệnh viện trực thuộc tiếp tục điều trị cho nạn nhân sau khi sơ, cấp cứu; nếu vượt quá khả năng, điều kiện cho phép thì phối hợp với các đơn vị của Bộ Quốc phòng chuyển nạn nhân lên bệnh viện tuyến trên để tiếp tục điều trị theo yêu cầu; đồng thời báo cáo Trưởng Ban An toàn giao thông tỉnh biết, theo dõi.

III. THÀNH LẬP BAN CHỈ ĐẠO, BAN CHỈ HUY CỨU HỘ, CỨU NẠN

Ngay sau khi xảy ra vụ tai nạn máy bay trên địa bàn tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh thành lập Ban chỉ đạo cứu hộ, cứu nạn và Ban chỉ huy hiện trường để kịp thời chỉ đạo, tổ chức công tác cứu hộ, cứu nạn.

1. Ban chỉ đạo cứu hộ, cứu nạn

1.1. Thành phần:

- 01 đồng chí là Lãnh đạo UBND tỉnh - Trưởng ban;

- 01 đồng chí là Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải - Phó Trưởng ban;

- 01 đồng chí là Lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh - Phó Trưởng ban;

- 01 đồng chí là Lãnh đạo Công an tỉnh;

- 01 đồng chí là Lãnh đạo đơn vị quản lý máy bay;

- 01 đồng chí là Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội;

- 01 đồng chí là Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông.

1.2. Nhiệm vụ, quyền hạn:

- Chỉ đạo các hoạt động cứu hộ, cứu nạn có liên quan đến trách nhiệm của địa phương; điều động các lực lượng của địa phương thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn;

- Đề nghị cơ quan Tìm kiếm cứu nạn của Trung ương hỗ trợ thực hiện công tác tìm kiếm, cứu nạn;

- Chỉ đạo khắc phục hậu quả và giải quyết các vấn đề có liên quan đến vụ tai nạn thuộc trách nhiệm của địa phương.

2. Ban chỉ huy hiện trường

2.1. Thành phần:

- 01 đồng chí là Lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh - Trưởng ban;

- 01 đồng chí là Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải - Phó Trưởng ban;

- 01 đồng chí là Lãnh đạo đơn vị quản lý máy bay - Phó Trưởng ban;

- 01 đồng chí là Lãnh đạo Công an tỉnh;

- 01 đồng chí là Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

- 01 đồng chí là Lãnh đạo Sở Y tế;

- 01 đồng chí là Lãnh đạo UBND cấp huyện nơi xảy ra tai nạn.

2.2. Nhiệm vụ, quyền hạn:

- Trực tiếp chỉ huy, điều hành các hoạt động cứu hộ, cứu nạn tại hiện trường theo phương án đã đề ra và ý kiến chỉ đạo của Ban chỉ đạo cứu hộ, cứu nạn; quyết định các biện pháp, phương pháp tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn;

- Điều động các lực lượng, phương tiện của các cơ quan, đơn vị thành viên Ban chỉ huy tham gia tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo giao thông, an ninh trật tự theo chức năng, nhiệm vụ được giao của các cơ quan, đơn vị;

- Báo cáo, đề xuất với Ban chỉ đạo cứu hộ, cứu nạn về việc: điều động, huy động lực lượng, phương tiện của các cơ quan, đơn vị khác tham gia tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn khi cần thiết; đề nghị các cơ quan Trung ương hỗ trợ lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn và cấp cứu, điều trị nạn nhân;

- Tham mưu cho Ban chỉ đạo về các biện pháp khắc phục hậu quả và giải quyết các vấn đề có liên quan đến vụ tai nạn.

- Trong trường hợp cần thiết, Ban chỉ huy cứu hộ, cứu nạn có thể thành lập Sở chỉ huy tại hiện trường để thuận tiện cho công tác chỉ huy, điều hành./.

 

PHỤ LỤC II

TÌNH HUỐNG TAI NẠN MÁY BAY TRÊN BIỂN
(Kèm theo Kế hoạch số 2855 /KH-UBND ngày 03 /8/2021)

I. GIẢ ĐỊNH TÌNH HUỐNG

Máy bay chở khách rơi trên vùng biển thuộc địa bàn tỉnh.

II. PHƯƠNG ÁN XỬ LÝ

1. Thông tin, báo cáo về vụ tai nạn và xử lý ban đầu

a) Ngay sau khi nhận được thông tin xảy ra tai nạn máy bay trên địa bàn, UBND cấp huyện, cấp xã hoặc cơ quan, đơn vị nhận được thông tin ban đầu phải thông báo ngay cho một trong các cơ quan: Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải. Cơ quan nhận được thông tin phải báo cáo ngay cho Chủ tịch UBND tỉnh để chỉ đạo và thông báo cho các cơ quan, đơn vị liên quan biết để triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn.

b) Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh: Sau khi nhận được thông tin phải điều động phương tiện, lực lượng đến ngay hiện trường khu vực xảy ra tai nạn để tiếp quản, bảo vệ hiện trường và triển khai công tác tìm kiếm, cứu nạn ban đầu; thông báo cho Cảnh sát biển 3 và Vùng

2, Vùng 4 Hải quân, Quân chủng Phòng không - Không quân phối hợp tìm kiếm, cứu nạn.

c) Sở Giao thông vận tải: Sau khi nhận được thông tin phải kịp thời báo cáo tình hình cho UBND tỉnh, Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng không, Cục Hàng hải biết để chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các lực lượng của tỉnh thực hiện công tác tìm kiếm, cứu nạn.

2. Huy động lực lượng cứu hộ, cứu nạn

a) Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh: điều động phương tiện, lực lượng đến ngay hiện trường khu vực xảy ra tai nạn để thực hiện công tác tìm kiếm, cứu nạn.

b) Sở Giao thông vận tải: huy động phương tiện vận chuyển phục vụ công tác tìm kiếm, cứu nạn khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

c) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: phân công lực lượng Kiểm ngư và thông báo, huy động các tàu thuyền đánh cá hoạt động trong khu vực tham gia tìm kiếm, cứu nạn.

d) UBND cấp huyện, cấp xã: huy động phương tiện, lực lượng tại chỗ tham gia phối hợp bảo vệ hiện trường và thực hiện công tác tìm kiếm, cứu nạn khi có yêu cầu.

đ) Sở Y tế: sau khi nhận được thông tin phải điều động các xe cứu thương và đội ngũ y, bác sĩ đến ngay địa điểm do Ban chỉ huy cứu hộ, cứu nạn thông báo hoặc cử đội ngũ y, bác sĩ đi theo các phương tiện cứu hộ để thực hiện công tác sơ, cấp cứu nạn nhân; đồng thời chỉ đạo các bệnh viện gần khu vực xảy ra tai nạn chuẩn bị để tiếp nhận cấp cứu, điều trị.

3. Xử lý các vấn đề liên quan đến vụ tai nạn

a) Sở Giao thông vận tải: Tổng hợp, báo cáo tình hình cho UBND tỉnh, Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng không, Cục Hàng hải.

b) Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh: Tổng hợp, báo cáo tình hình cho Ủy ban An toàn giao thông quốc gia.

c) Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh: Tổng hợp, báo cáo tình hình cho Bộ Quốc phòng; thực hiện các công việc tiếp theo theo chỉ đạo của cấp trên.

d) Sở Y tế: Chỉ đạo các bệnh viện trực thuộc tiếp tục điều trị cho nạn nhân sau khi sơ, cấp cứu; nếu vượt quá khả năng, điều kiện cho phép thì phối hợp với các đơn vị của Bộ Quốc phòng chuyển nạn nhân lên bệnh viện tuyến trên để tiếp tục điều trị theo yêu cầu; đồng thời báo cáo Trưởng Ban An toàn giao thông tỉnh biết, theo dõi.

III. THÀNH LẬP BAN CHỈ ĐẠO, BAN CHỈ HUY CỨU HỘ, CỨU NẠN

Ngay sau khi xảy ra vụ tai nạn máy bay trên địa bàn tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh thành lập Ban chỉ đạo cứu hộ, cứu nạn và Ban chỉ huy hiện trường để kịp thời chỉ đạo, tổ chức công tác cứu hộ, cứu nạn.

1. Ban chỉ đạo cứu hộ, cứu nạn

1.1. Thành phần:

- 01 đồng chí là Lãnh đạo UBND tỉnh - Trưởng ban;

- 01 đồng chí là Lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh - Phó Trưởng ban;

- 01 đồng chí là Lãnh đạo Bộ đội Biên phòng tỉnh - Phó Trưởng ban;

- 01 đồng chí là Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải;

- 01 đồng chí là Lãnh đạo Công an tỉnh;

- 01 đồng chí là Lãnh đạo đơn vị quản lý máy bay;

- 01 đồng chí là Lãnh đạo Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận;

- 01 đồng chí là Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội;

- 01 đồng chí là Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông.

1.2. Nhiệm vụ, quyền hạn:

- Chỉ đạo các hoạt động cứu hộ, cứu nạn có liên quan đến trách nhiệm của địa phương; điều động các lực lượng của địa phương thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn;

- Đề nghị cơ quan Tìm kiếm cứu nạn của Trung ương hỗ trợ thực hiện công tác tìm kiếm, cứu nạn;

- Chỉ đạo khắc phục hậu quả và giải quyết các vấn đề có liên quan đến vụ tai nạn thuộc trách nhiệm của địa phương.

2. Ban chỉ huy hiện trường

2.1. Thành phần:

- 01 đồng chí là Lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh - Trưởng ban;

- 01 đồng chí là Lãnh đạo Bộ đội Biên phòng tỉnh - Phó Trưởng ban;

- 01 đồng chí là Lãnh đạo đơn vị quản lý máy bay - Phó Trưởng ban;

- 01 đồng chí là Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải;

- 01 đồng chí là Lãnh đạo Công an tỉnh;

- 01 đồng chí là Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

- 01 đồng chí là Lãnh đạo Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận;

- 01 đồng chí là Lãnh đạo Sở Y tế;

- 01 đồng chí là Lãnh đạo UBND cấp huyện nơi xảy ra tai nạn.

2.2. Nhiệm vụ, quyền hạn:

- Trực tiếp chỉ huy, điều hành các hoạt động cứu hộ, cứu nạn tại hiện trường theo phương án đã đề ra và ý kiến chỉ đạo của Ban chỉ đạo cứu hộ, cứu nạn; quyết định các biện pháp, phương pháp tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn;

- Điều động các lực lượng, phương tiện của các cơ quan, đơn vị thành viên Ban chỉ huy tham gia tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo giao thông, an ninh trật tự theo chức năng, nhiệm vụ được giao của các cơ quan, đơn vị;

- Báo cáo, đề xuất với Ban chỉ đạo cứu hộ, cứu nạn về việc: điều động, huy động lực lượng, phương tiện của các cơ quan, đơn vị khác tham gia tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn khi cần thiết; đề nghị các cơ quan Trung ương hỗ trợ lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn và cấp cứu, điều trị nạn nhân;

- Tham mưu cho Ban chỉ đạo về các biện pháp khắc phục hậu quả và giải quyết các vấn đề có liên quan đến vụ tai nạn.

Trong trường hợp cần thiết, Ban chỉ huy cứu hộ, cứu nạn có thể thành lập Sở chỉ huy tại hiện trường để thuận tiện cho công tác chỉ huy, điều hành./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 2855/KH-UBND năm 2021 về ứng phó thảm họa hàng không dân dụng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, giai đoạn 2021-2025

  • Số hiệu: 2855/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 03/08/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Thuận
  • Người ký: Lê Tuấn Phong
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản