Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 282/KH-UBND

Lào Cai, ngày 22 tháng 6 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 82/NQ-CP NGÀY 18/5/2023 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU ĐẨY NHANH PHỤC HỒI, TĂNG TỐC PHÁT TRIỂN DU LỊCH HIỆU QUẢ, BỀN VỮNG

Thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững, Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP với những nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

1.1. Tổ chức triển khai Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 82/NQ-CP), nhằm huy động sự vào cuộc của các ngành các cấp, tạo đồng thuận, trách nhiệm của người dân và doanh nghiệp tham gia, thực hiện thành công mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết đã đề ra.

1.2. Xác định các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, trọng tâm, trọng điểm để các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện xây dựng chương trình, kế hoạch theo chức năng, nhiệm vụ được giao và tổ chức triển khai thống nhất, đồng bộ, hiệu quả, thực hiện tốt các mục tiêu mà tỉnh đã đề ra.

2. Yêu cầu

2.1. Các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động triển khai kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 82/NQ-CP.

2.2. Xây dựng kế hoạch, phương án bố trí ngân sách và huy động các nguồn lực cần thiết để triển khai các nhiệm vụ được giao.

2.3. Căn cứ Kế hoạch của UBND tỉnh, các sở, ban ngành, địa phương xây dựng kế hoạch, chương trình hành động, đồng thời tổ chức triển khai thực hiện.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Phấn đấu đến năm 2030, du lịch Lào Cai là ngành kinh tế mũi nhọn đột phá, tạo tiền đề đến năm 2050 trở thành ngành kinh tế chủ đạo quan trọng, là động lực phát triển kinh tế - xã hội, có hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ du lịch đồng bộ, hiện đại, giàu bản sắc văn hóa, trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, cạnh tranh được với các trung tâm du lịch lớn trong nước và khu vực, đáp ứng các tiêu chuẩn du lịch quốc gia và quốc tế.

Đến năm 2050, tỉnh Lào Cai trở thành điểm đến du lịch thiên nhiên, thể thao mạo hiểm “xanh” và “thông minh” hàng đầu Việt Nam và khu vực gắn với bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số vùng núi, nơi du khách sẽ có được những trải nghiệm khác biệt và đích thực vượt cả sự mong đợi với những cảm xúc đặc biệt trên mỗi hành trình.

2. Mục tiêu cụ thể

+ Đến năm 2025: Phấn đấu đón 10 triệu lượt khách du lịch trở lên. Tổng thu từ khách du lịch: Đạt 44.750 tỷ đồng; đóng góp vào GRDP của tỉnh từ 22- 23%. Tạo ra khoảng 40.000 - 42.000 việc làm trong lĩnh vực du lịch (trong đó 18.000 việc làm trực tiếp, 24.000 việc làm gián tiếp).

+ Đến năm 2030: Phấn đấu đón ít nhất 13 triệu lượt khách du lịch trở lên. Tổng thu từ khách du lịch: Đạt 63.540 tỷ đồng; đóng góp vào GRDP của tỉnh ước đạt 25%. Tạo ra khoảng 50.000 - 55.000 việc làm trong lĩnh vực du lịch (trong đó 30.000 việc làm trực tiếp, 25.000 việc làm gián tiếp).

+ Đến năm 2050: Phấn đấu đón ít nhất 18 triệu lượt khách du lịch trở lên. Tổng thu từ khách du lịch: Đạt 121.600 tỷ đồng; đóng góp vào GRDP ước đạt khoảng 30%. Tạo ra khoảng 80.000 - 100.000 việc làm trong lĩnh vực du lịch (trong đó 50.000 việc làm trực tiếp, 30.000 việc làm gián tiếp).

+ Hoàn thiện phát triển không gian theo 03 vùng du lịch trọng điểm: Vùng I - Tây Bắc (Sa Pa - Bát Xát - Thành phố Lào Cai); Vùng II - Đông Bắc (Bắc Hà - Mường Khương - Si Ma Cai); Vùng III - Phía Nam (Bảo Yên - Bảo Thắng - Văn bản). Định hướng mở rộng không gian du lịch của Sa Pa kết nối với Y Tý, Trung tâm kinh tế cửa khẩu Thành phố Lào Cai; đồng thời phát triển không gian du lịch mới tại Bảo Hà - Bảo Yên, Bắc Hà, Mường Khương, Bảo Thắng, Văn bản và Si Ma Cai,...; tạo ra hệ thống các sản phẩm du lịch phục vụ các thị trường nội địa, quốc tế, hình thành hệ thống các sản phẩm du lịch đặc trưng tại 3 vùng trọng điểm du lịch.

+ Khu du lịch quốc gia Sa Pa đạt danh hiệu đô thị du lịch sạch theo tiêu chí của Asean, với các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, văn hóa và du lịch cộng đồng đặc sắc, hấp dẫn; Y Tý (Bát Xát) trở thành trung tâm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng xanh theo tiêu chuẩn bền vững toàn cầu (GSTC); thành phố Lào Cai là khu du lịch hấp dẫn với các sản phẩm du lịch giải trí cao cấp (casino, golf, công viên giải trí, trung tâm tổ chức sự kiện quốc tế MICE), là “cầu nối” của các tour du lịch quốc tế với Vân Nam - Trung Quốc và ngược lại,...; Khu du lịch Bắc Hà trở thành khu du lịch đặc sắc của tỉnh và khu vực Tây Bắc.

3. Phương châm phát triển du lịch

“Sản phẩm đặc sắc - dịch vụ chuyên nghiệp - thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch, đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CỤ THỂ

1. Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, bền vững

- Cơ cấu lại thị trường khách du lịch theo hướng: Thu hút khách du lịch theo các phân đoạn thị trường, ưu tiên thu hút phân đoạn khách du lịch có khả năng chi trả cao, có mục đích du lịch thuần tuý, lưu trú dài ngày, cụ thể:

+ Phát triển mạnh thị trường nội địa, đặc biệt là thị trường vùng Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc với các phân khúc thị trường khách du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, nghỉ cuối tuần, mua sắm. Chú trọng thị trường Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh gắn với phát triển tuyến hành lang kinh tế Vân Nam - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

+ Đẩy mạnh phát triển thị trường quốc tế: Thu hút, phát triển mạnh thị trường khách quốc tế gần: Đông Bắc Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc), Đông Nam Á và Thái Bình Dương (Singapore, Malaysia, Inđonexia, Thái Lan, Úc).

+ Tăng cường khai thác thị trường khách cao cấp đến từ Tây Âu (Pháp, Đức, Anh, Hà Lan, vùng Scandinavia), Bắc Mỹ (Mỹ, Canada) và Đông Âu (Nga, Ukraina).

+ Mở rộng thị trường mới: Trung Đông, Ấn Độ.

- Định kỳ (2 năm một lần) thực hiện công tác điều tra thông tin về khách du lịch; xác định đóng góp của du lịch vào GRDP của tỉnh.

- Liên kết, hợp tác phát triển du lịch:

+ Duy trì hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và Thành phố Hồ Chí Minh có tính đến việc nghiên cứu, đổi mới cơ chế hợp tác theo hướng: Cơ quan quản lý nhà nước tích cực trao đổi thông tin, tạo điều kiện để các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch gặp gỡ, trao đổi, mở rộng hợp tác kinh doanh, đưa khách du lịch đến các thị trường trong nhóm hợp tác; liên kết, tăng cường quảng bá, giới thiệu điểm đến; xây dựng các sản phẩm du lịch khác biệt giữa các địa phương.

+ Nghiên cứu mở rộng liên kết, hợp tác với một số tỉnh, thành phố là trung tâm du lịch lớn, du lịch biển trong cả nước, như: Hà Nội, Ninh Bình, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa...

+ Liên kết giữa du lịch với các ngành khác để hình thành sản phẩm du lịch trải nghiệm nông nghiệp kết hợp nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe gắn với các sản phẩm nông nghiệp, đẩy mạnh chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc hữu, chủ lực của địa phương để thu hút, bán cho khách du lịch.

+ Tiếp tục hợp tác quốc tế giữa các địa phương có đường biên giới với Trung Quốc xây dựng chương trình, sản phẩm du lịch, như: Chương trình tham quan trong ngày, trải nghiệm các dịch vụ vui chơi giải trí tại thành phố Lào Cai và ngược lại; phát triển các sản phẩm du lịch phù hợp với thị hiếu của khách du lịch Trung quốc như: Casino, vũ trường, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giải trí cao cấp; Phối hợp, khai thác có hiệu quả sản phẩm chương trình du lịch kiểu mẫu “Hai quốc gia, sáu điểm đến Côn Minh - Châu Hồng Hà (Trung Quốc) - Sa Pa (Lào Cai) - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (Việt Nam) và Giải đua xe đạp quốc tế “Một đường đua - 02 quốc gia”. Phát triển chương trình du lịch ruộng bậc thang liên quốc gia (Mù Cang Chải, Yên Bái - Sa Pa, Lào Cai (Việt Nam) - Nguyên Dương (Trung Quốc)).

- Đa dạng hóa hình thức, sản phẩm du lịch, chú trọng liên kết giữa du lịch với các ngành khác trong chuỗi giá trị, gắn với phát triển xanh, bền vững và phương châm “lấy trải nghiệm của khách du lịch làm trung tâm”. Tổ chức thực hiện hiệu quả cơ chế điều phối, quy chế hoạt động, kế hoạch hành động vùng, liên vùng trong phát triển du lịch, bảo đảm đồng bộ, bền vững và hội nhập quốc tế; bám sát định hướng về du lịch theo quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kì 2021-2023 tầm nhìn đến năm 2050 về các vùng, cực tăng trưởng, khu vực động lực, hành lang du lịch, trung tâm du lịch (Quyết định 316/QĐ-TTg ngày 29/3/2023 của Thủ tướng chính phủ) và quy hoạch Khu du lịch quốc gia Sa Pa được phê duyệt tại Quyết định số 266/QĐ-TTg ngày 20/3/2023 về phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Quy hoạch chung Khu du lịch quốc gia Sa Pa - thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai đến năm 2040.

- Hoàn thiện và phát triển không gian 3 vùng trọng điểm du lịch với các sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn đạt các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế.

- Xây dựng, ban hành và tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch (hoặc Đề án) Phát triển Du lịch xanh tỉnh Lào Cai giai đoạn 2023 - 2025 và định hướng đến năm 2030.

- Tiếp tục nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển du lịch, trong đó quan tâm đến chính sách về phát triển sản phẩm du lịch, xúc tiến quảng bá du lịch, chính sách du lịch gắn với phát triển sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư phát triển du lịch và đào tạo nghề du lịch; chính sách bảo tồn, khai thác, phát huy các di sản văn hóa truyền thống phục vụ phát triển du lịch

2. Tiếp tục tạo thuận lợi thu hút khách du lịch quốc tế đến Lào Cai

- Tăng cường quản lý môi trường du lịch, bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách, chú trọng vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh an toàn phòng dịch.

- Xây dựng khung chiến lược phát triển khu du lịch Y Tý (Bát Xát) đến năm 2030 trở thành trở thành trung tâm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng xanh theo tiêu chuẩn bền vững toàn cầu (GSTC).

- Tổ chức các hội thảo, hội nghị trao đổi tham vấn các chuyên gia trong nước và quốc tế về các chủ đề phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, du lịch có trách nhiệm, về các tiêu chí phát triển điểm đến, bộ tiêu chuẩn phát triển du lịch Asean và bộ tiêu chuẩn phát triển du lịch bền vững toàn cầu.

- Đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm nhằm tạo môi trường kinh doanh du lịch cạnh tranh công bằng, lành mạnh, nhất là tại các địa bàn trọng điểm phát triển du lịch du lịch (thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa, huyện Bắc Hà, huyện Bát Xát, huyện Bảo Yên).

3. Tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào Khu du lịch quốc gia Sa Pa

- Xây dựng và phát triển toàn Khu du lịch Quốc gia Sa Pa - thị xã Sa Pa trở thành một trong những động lực phát triển du lịch của cả nước. Toàn Khu du lịch Quốc gia Sa Pa trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, văn hóa tầm cỡ quốc gia, quốc tế với hệ thống hạ tầng xã hội và kỹ thuật, cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại, sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, chất lượng cao, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực và quốc tế.

- Ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng kỹ thuật và hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, chất lượng tại khu du lịch quốc gia Sa Pa và các khu vực tiềm năng phát triển để hình thành các điểm đến Xây dựng và phát triển trung tâm Khu du lịch Quốc gia Sa Pa và các phân khu du lịch có hệ thống hạ tầng xã hội và kỹ thuật, tiện ích, dịch vụ đồng bộ, bảo vệ và phát huy các giá trị đặc trưng văn hóa, kiến trúc và cảnh quan tự nhiên, đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch và đô thị bền vững.

- Huy động nguồn lực, thu hút đầu tư cho phát triển du lịch, đặc biệt là đầu tư vào các khu, điểm du lịch theo quy hoạch và hệ thống kết cấu hạ tầng kết nối phù hợp, các sản phẩm du lịch đặc thù. Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp du lịch xây dựng, phát triển các sản phẩm mới, như: (1) Thu hút các dự án đầu tư các khu vui chơi giải trí, trung tâm thương mại - dịch vụ, hệ thống nhà hàng ẩm thực, casino tại khu vực Đồi Con Gái; dự án du lịch cao cấp kết hợp sinh thái nông nghiệp, khu nghỉ dưỡng sinh thái (resort) đạt chuẩn quốc tế tại khu vực thung lũng Mường Hoa - Lao Chải - Hầu Thào; dự án nghỉ dưỡng tại khu vực Sâu Chua, Hô Na Cồ, khu nhà ở kết hợp làng văn hóa du lịch phía Nam hồ Na cồ tại thôn Na Pắc Ngam, xã Tà Chải, công viên thành phố Lào Cai (hồ Bình Minh); du lịch sinh thái nông nghiệp, du lịch cộng đồng, chăm sóc sức khỏe, thể thao mạo hiểm tại: các xã Tả Phin, Ngũ Chỉ Sơn, Tả Van - Séo Mý Tỷ, Thanh Bình (thị xã Sa Pa); Mường Hum, Y Tý, Bản Qua, Ky Quan San, Lảo Thẩn (huyện Bát Xát)... (2) Hỗ trợ các doanh nghiệp, tập đoàn đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án như: Công viên văn hóa Mường Hoa; Công viên văn hóa Sa Pa; Sân Golf Bản Qua Bát Xát; Dự án du lịch sinh thái Biển Mây Bát Xát...

- Tổ chức rà soát, lập các chương trình, kế hoạch phát triển đô thị; triển khai thực hiện các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị; các quy hoạch nông thôn, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia Sa Pa - thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai đến năm 2040 được duyệt đảm tuân thủ đúng các quy định pháp luật.

- Tổ chức lập và ban hành Quy chế quản lý kiến trúc, làm cơ sở cho quản lý hoạt động xây dựng trên địa bàn thị xã Sa Pa.

- Xây dựng cơ chế, chính sách liên quan đến tài chính, đất đai để thực hiện các dự án ưu tiên đầu tư.

- Tiếp tục tổ chức triển khai Quyết định số 1845/QĐ-TTg ngày 26/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sa Pa, tỉnh Lào Cai đến năm 2030 (quản lý hiệu quả công tác quy hoạch, bao gồm quy hoạch các phân khu, các điểm du lịch, dự án du lịch gắn với tiêu chuẩn phát triển bền vững của khu vực và quốc tế để Khu du lịch quốc gia Sa Pa đạt danh hiệu đô thị du lịch sạch theo tiêu chí của Asean).

- Đầu tư phát triển hệ thống đường giao thông kết nối Khu du lịch Sa Pa với các địa phương trong tỉnh: Tuyến Sa Pa - Bát Xát - Thành phố Lào Cai; Sa Pa - Bảo Thắng - Văn bản; Sa Pa - Thành phố Lào Cai - Bắc Hà; Đầu tư nâng cấp hoàn thiện và đưa vào khai thác hệ thống đường giao thông kết nối các phân khu du lịch (Khu du lịch quốc gia): Đô thị trung tâm Sa Pa kết nối với các phân khu du lịch Tả Phin - Ngũ Chỉ Sơn - Ô Quý Hồ; Séo Mý Tỷ - Tả Van - Thanh Bình; Mường Hum - Y Tý - Bản Qua và ngược lại (Đề án số 4: Phát triển, nâng cao chất lượng các đô thị và giao thông trọng điểm tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020 - 2025).

- Đầu tư xây dựng và hoàn thiện hạ tầng viễn thông, điện, nước, dịch vụ tài chính phục vụ khách du lịch; cải thiện, nâng cấp dịch vụ vệ sinh môi trường: Nhà máy nước công suất lớn, khu xử lý rác thải, hệ thống xe điện vận chuyển công cộng thân thiện môi trường đáp ứng nhu cầu khách du lịch tại Khu du lịch quốc gia Sa Pa và các trung tâm du lịch của tỉnh.

- Nâng cấp Nhà du lịch Sa Pa trở thành Nhà du lịch cấp vùng theo tư vấn của chuyên gia vùng Nouvelle Aquitaine (Cộng hòa Pháp) để phục vụ khách du lịch có thu phí; Đầu tư Bảo tàng Lào Cai trở thành điểm thăm quan du lịch hấp dẫn hàng đầu khu vực phía Bắc; Đầu tư xây dựng hệ thống nhà vệ sinh công cộng theo tiêu chuẩn nhà vệ sinh công cộng ASEAN tại 04 phân khu du lịch: Tả Van, Thanh Kim (xã Thanh Bình mới); Tả Phin (thị xã Sa Pa); Mường Hum (huyện Bát Xát); Đầu tư xây dựng 10 nhà vệ sinh đạt chuẩn tại Thành phố Lào Cai (03 nhà), thị xã Sa Pa (04 nhà), huyện Bắc Hà (02 nhà), Bảo Yên (01 nhà).

- Đầu tư xây dựng cải tạo hệ thống các chợ phiên để thu hút khách du lịch: chợ Văn hóa Bắc Hà, Cốc Ly, Xín Chéng, Si Ma Cai, Cao Sơn, Hợp Thành, Tả Phời, Cán Cấu, Mường Hum (Bát Xát).

- Huy động mọi nguồn lực trong và ngoài tỉnh (nghiên cứu đề xuất Trung ương cho phép cơ chế hợp tác công tư PPP) để đầu tư khai thác tuyến du lịch Sông Hồng, gắn kết phát triển hệ thống sản phẩm du lịch tâm linh: Đền Thượng, Đền Đôi Cô (thành phố Lào Cai) Đền Bảo Hà, Đền Phúc Khách (huyện Bảo Yên), Đền Trung Đô, Đền Bắc Hà (huyện Bắc Hà), Đồn Cô Tân An, Đền Chiềng Ken (huyện Văn bản), Đền Mau, Đền Mẫu Thượng, Quần thể tâm linh Khu du lịch Cáp treo Fansipan (thị xã Sa Pa) hình thành chương trình du lịch tâm linh. Hoàn thiện các tiêu chí của các khu điểm du lịch tâm linh để được công nhận thành các Khu, điểm du lịch.

4. Phát triển sản phẩm và truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch

- Để đảm bảo tính đa dạng và tính khác biệt mang tính đặc trưng cao của địa phương Lào Cai nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường, sản phẩm du lịch cần được phát triển có hệ thống với 3 nhóm: (1) Sản phẩm du lịch đặc thù: Du lịch băng tuyết, du lịch thể thao mạo hiểm; (2) Sản phẩm du lịch chính: Du lịch nghỉ dưỡng núi kết hợp chăm sóc sức khỏe, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch đường sông; (3) Sản phẩm du lịch bổ trợ: Du lịch trải nghiệm thiên nhiên, du lịch tham quan các di tích lịch sử văn hóa, du lịch tâm linh, du lịch ẩm thực, du lịch cửa khẩu kết hợp mua sắm, du lịch MICE, du lịch hoa...

- Các định hướng phát triển sản phẩm du lịch cho giai đoạn tới trên địa bàn tỉnh Lào Cai cần tập trung vào: Chú trọng ưu tiên tập trung nguồn lực để xây dựng và hình thành các sản phẩm du lịch đặc thù; Đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, trải nghiệm thiên nhiên hoang sơ vùng núi cao; Phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng, đặc sắc gắn với bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh; Đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp, nông thôn gắn với các sản phẩm nông nghiệp OCOP; Mở rộng phát triển các loại hình du lịch: du thuyền trên sông Hồng, caravan, du lịch MICE, du lịch chăm sóc sức khoẻ bằng các bài thuốc dân gian, du lịch giáo dục. Phát triển mạnh dịch vụ ẩm thực đặc sắc Lào Cai nói riêng và ẩm thực vùng Tây Bắc nói chung gắn với các sản phẩm, loại hình du lịch; Liên kết tạo sản phẩm du lịch vùng, liên kết theo loại hình chuyên đề; liên kết vùng và liên vùng gắn với hành lang kinh tế Vân Nam - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh tạo sản phẩm du lịch đa dạng; Xây dựng sản phẩm du lịch áp dụng công nghệ ảo, công nghệ 3D.

- Phát triển với các sản phẩm, dịch vụ du lịch chất lượng cao, các sản phẩm dịch vụ về đêm để thu hút thị trường khách có khả năng chi trả cao và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch. Triển khai thực hiện Kế hoạch số 254/KH-UBND ngày 28/09/2020 của UBND tỉnh về phát triển sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; xây dựng Lào Cai là điểm đến an toàn, hấp dẫn, nhân văn, hiếu khách, thuận lợi, “làm hài lòng du khách, ấm lòng chủ nhà”.

- Nghiên cứu Xây dựng Đề án phát triển du lịch cộng đồng tỉnh Lào Cai tại một số xã, thôn, bản có tiềm năng phát triển du lịch như: Nghĩa Đô (Bảo Yên), Bản Liền (Bắc Hà), Y Tý, Sảng Ma Sáo (Bát Xát), Ngũ Chỉ Sơn (Sa Pa)... để phát triển loại hình (sản phẩm) du lịch cộng đồng. Khuyến khích người dân đầu tư phát triển các sản phẩm truyền thống, làm nhà truyền thống kinh doanh lưu trú (homestay), sản phẩm nông nghiệp, du lịch chất lượng cao OCOP, phát triển các chương trình biểu diễn âm nhạc dân gian, truyền thống, du lịch nông nghiệp sinh thái tại các huyện Bắc Hà, Mường Khương, Bảo Thắng, Si Ma Cai, Văn bản, Bảo Yên và thành phố Lào Cai. Đồng thời tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.

- Hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để thí điểm xây dựng các sản phẩm du lịch mới, đặc sắc, riêng có của Lào Cai dựa trên tài nguyên thiên nhiên, bản sắc văn hóa, gắn với cộng đồng các dân tộc sau đó chuyển giao cho các doanh nghiệp khai thác, duy trì, nâng cấp.

- Triển khai có hiệu quả chiến lược quảng bá thương hiệu Fansipan - Sa Pa; xây dựng các chương trình quảng bá xúc tiến du lịch Lào Cai (sách hướng dẫn du lịch, niên giám lữ hành, lưu trú Lào Cai, tái bản bản đồ du lịch Lào Cai, video, clip du lịch Lào Cai, cẩm nang, sách, tập gấp, tờ rơi, bản đồ, clip, phim, frofile dự án du lịch, xe tuyên truyền xúc tiến du lịch lưu động,...).

- Chủ động tham gia các chương trình sự kiện quảng bá xúc tiến trong nước và quốc tế: Hội chợ thương mại du lịch quốc tế Việt - Trung (luân phiên); Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam VITM; Hội chợ quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh (ITE); Tổ chức các hoạt động xúc tiến du lịch tại các thị trường trọng điểm khách quốc tế đến Lào Cai như: Pháp, Anh, úc, Hàn Quốc, Thái Lan,... Hàng năm tham gia hội chợ du lịch tại nước ngoài như Top Resa (Pháp), ITB (Đức), WTM (London), CITM (Côn Minh),... gắn với quảng bá các festival quốc tế.

- Xây dựng các video, clip quảng bá du lịch Lào Cai bằng ngôn ngữ Anh, Pháp và thuê quảng cáo trên kênh truyền thông và du lịch uy tín trên thế giới, thực hiện tuyên truyền, quảng bá sản phẩm du lịch đặc sắc trên các kênh báo, tạp chí trung ương và địa phương, trên các hãng hàng không, để tăng cường truyền thông du lịch trong nước và quốc tế.

- Đầu tư xây dựng hệ thống cụm Pano, biển quảng cáo tấm lớn tại các trục giao thông lớn, các nút giao thông quan trọng trên tuyến giao thông Hà Nội - Lào Cai - Sa Pa giới thiệu về Khu du lịch quốc gia Sa Pa và các khu du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

- Tăng cường quản lý hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh dịch vụ du lịch đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật. Khắc phục tình trạng đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ du lịch không đúng quy định về xây dựng, đất đai.

5. Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực

- Tập trung đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về du lịch từ tỉnh đến cơ sở; nguồn nhân lực tại địa phương, phục vụ du lịch cộng đồng và thu hút nguồn nhân lực du lịch có trình độ cao từ các địa phương khác về làm việc tại tỉnh Lào Cai.

- Triển khai các mô hình liên kết đào tạo về du lịch tại các trường trên địa bàn tỉnh: Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Lào Cai, Trường Cao Đẳng Lào Cai, Thành lập Trung tâm thực hành và thẩm định nghề du lịch cấp tỉnh.

- Xây dựng và triển khai chương trình thực hành và thẩm định kỹ năng nghề du lịch VTOS tại Nhà du lịch cấp tỉnh với sự tư vấn và hỗ trợ của vùng Nouvelle Aquitaine - Cộng hòa Pháp.

- Tổ chức các hội thảo, hội nghị phổ biến và áp dụng Bộ tiêu chuẩn năng lực chung trong ASEAN về nghề Du lịch (ACCSTP), Chương trình Du lịch chung ASEAN (CATC) theo Thỏa thuận nghề du lịch giữa các nước ASEAN (MRA-TP).

- Đào tạo, bồi dưỡng lại cho nhân lực du lịch cho các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, chủ yếu là: Quản lý cơ sở lưu trú, lễ tân, phục vụ buồng, bàn, bar, kỹ thuật chế biến món ăn, kỹ thuật chế biến đồ uống, hướng dẫn viên du lịch quốc tế, nội địa và tại điểm; cập nhật kiến thức định kỳ cho đội ngũ Hướng dẫn viên,...

- Đào tạo du lịch cộng đồng trên địa bàn các huyện, Bắc Hà, Bát Xát, Bảo Yên, thành phố Lào Cai: đào tạo về kỹ năng phát triển du lịch cộng đồng, kỹ năng chế biến món ăn, kỹ năng đón tiếp khách và tiếng anh giao tiếp,...

- Triển khai hiệu quả Nghị quyết 06/2021/NQ-HĐND Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2021 - 2025.

- Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân, cộng đồng dân cư tại các khu du lịch nâng cao ý thức trách nhiệm, thái độ ứng xử văn minh. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho cộng đồng tham gia phục vụ du lịch.

6. Đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch

- Triển khai kế hoạch 202/KH-UBND ngày 13/4/2023 của UBND tỉnh Lào Cai về Phát triển du lịch thông minh trên địa bàn tỉnh Lào Cai đến năm 2025.

- Triển khai chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, số hóa dữ liệu, điều tra thống kê khách du lịch, tài nguyên du lịch, chương trình xúc tiến quảng bá, trước mặt hoàn thành số hóa các khu, điểm du lịch, di tích, khu bảo tồn, làng du lịch, sản phẩm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, quảng bá hình ảnh điểm đến qua camera giám sát, tin nhắn chào mừng SMS, nâng cấp hiệu quả hoạt động của cổng thông tin du lịch với các kho ứng dụng du lịch tích hợp điểm đến và các dịch vụ du lịch, lắp đặt wifi miễn phí tại các điểm du lịch.

- Chuyển đổi số mạnh mẽ trong hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch: Tổ chức vận hành hiệu quả cổng du lịch thông minh của tỉnh, hình thành kho dữ liệu du lịch, đề xuất cơ chế hoạt động tự chủ cho trang website:sapa-tousim.com là công cụ chính để quảng bá thương hiệu du lịch Sa Pa - Fansipan ra thị trường du lịch quốc tế. Phối hợp chặt chẽ với các tập đoàn viễn thông tổ chức các hoạt động quảng bá xúc tiến trên nền tảng công nghệ số, thúc đẩy ứng dụng số hoá trong hoạt động kinh doanh du lịch.

- Nâng cao tính công nghệ trong cấu phần các sản phẩm du lịch, đặc biệt sản phẩm du lịch vui chơi giải trí, sản phẩm du lịch thể thao mạo hiểm.

- Khuyến khích ứng dụng công nghệ 3R (tiết kiệm - tái sử dụng - tái chế) trong sử dụng tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên nước; xử lý chất thải từ du lịch.

- Khuyến khích sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo trong phát triển sản phẩm và các hoạt động dịch vụ du lịch.

- Đầu tư thỏa đáng cho việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch; ứng dụng công nghệ trên nền tảng số trong hoạt động hướng dẫn tiếp cận các khu điểm du lịch và sử dụng dịch vụ du lịch tại điểm đến.

- Triển khai Thẻ Việt - Thẻ du lịch thông minh - một sản phẩm chiến lược trong hệ sinh thái du lịch thông minh đến các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh.

IV. KINH PHÍ

Kinh phí triển khai kế hoạch theo nguồn kinh phí tại các kế hoạch tỉnh đã ban hành: Kế hoạch số 254/KH-UBND ngày 28/09/2020 về phát triển sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Kế hoạch Số 11/KH-UBND ngày 14/1/2021 về Xúc tiến đầu tư, thương mại và quảng bá du lịch tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 27/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy hàng năm; Kế hoạch số 71/KH-UBND ngày 08/2/2023 của UBND tỉnh Lào Cai về thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lào Cai đến năm 2025; Kế hoạch 202/KH-UBND ngày 13/4/2023 của UBND tỉnh Lào Cai về Phát triển du lịch thông minh trên địa bàn tỉnh Lào Cai đến năm 2025.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Du lịch

1.1. Chủ trì phối hợp với các cơ quan đơn vị liên quan triển khai và tổ chức kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ giải pháp theo Nghị quyết 82/NQ-CP theo định hướng và phân kỳ giai đoạn.

1.2. Chủ trì, phối hợp với các Sở ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tham mưu UBND tỉnh các biện pháp tổ chức triển khai thực hiện việc quản lý nhà nước trong trong phạm vi thẩm quyền đối với các hoạt động kinh doanh du lịch.

1.3. Phối hợp các sở, ban, ngành thẩm định các dự án đầu tư du lịch. Hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn triển khai thực hiện tốt chủ trương chính sách phát triển du lịch của tỉnh.

1.4. Chủ trì tham mưu xây dựng các Đề án, kế hoạch, dự án phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, đề xuất phát triển thử nghiệm các sản phẩm du lịch mới; xây dựng các chương trình nghệ thuật phục vụ phát triển du lịch; khai thác và bảo tồn các di tích văn hóa - lịch sử trên địa bàn để phục vụ du lịch.

1.5. Tham mưu tổng hợp, báo cáo, đánh giá tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết và Kế hoạch báo cáo UBND tỉnh.

2. Các sở, ban, ngành liên quan: Các cơ quan quản lý chuyên ngành khác phối hợp với Sở Du lịch tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh các kế hoạch phát triển du lịch tỉnh Lào Cai:

2.1. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Huy động và cân đối nguồn lực cho đầu tư hạ tầng du lịch; phối hợp xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào du lịch; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư vào du lịch theo quy hoạch, kế hoạch của tỉnh.

2.2. Sở Tài chính: Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư bố trí nguồn lực cho đầu tư hạ tầng du lịch, các đề án, kế hoạch phát triển du lịch trong khả năng cân đối ngân sách.

2.3. Sở Công thương: Phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan thực hiện triển khai hiệu quả Đề án số 346/ĐA -UBND ngày 30/8/2021 của UBND tỉnh về phát triển kết cấu hạ tầng thương mại tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch 385/KH-UBND ngày 28/10/2022 của UBND tỉnh về phát triển khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai đến năm 2030 trong đó ưu tiên các nhiệm vụ gắn với phục vụ phát triển du lịch. Thực hiện lồng ghép quảng bá du lịch tỉnh Lào Cai trong các hoạt động xúc tiến thương mại do Sở chủ trì.

2.4. Sở Giao thông Vận tải và Xây dựng: Chủ trì, phối hợp với các Sở ngành liên quan tham mưu trong việc thẩm định phê duyệt các Quy hoạch, Dự án đầu tư phát triển du lịch; phối hợp với Sở Du lịch trong các nội dung liên quan đến thiết kế cơ sở, cấp phép xây dựng, quản lý chất lượng công trình xây dựng và hạ tầng kỹ thuật.

2.5. Sở Tài nguyên và Môi trường: Chủ trì, phối hợp Sở Du lịch hướng dẫn UBND các huyện, thành phố, thị xã cập nhật các địa điểm quy hoạch xây dựng phục vụ phát triển du lịch trên địa bàn đã được phê duyệt vào quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất hàng năm của địa phương. Hướng dẫn nhà đầu tư các trình tự, thủ tục giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để đầu tư xây dựng phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai (đặc biệt tại các khu trọng điểm như thị xã Sa Pa, huyện Bát Xát, huyện Bắc Hà và thành phố Lào Cai).

2.6. Sở Thông tin và Truyền thông: Phối hợp với Sở Du lịch triển khai đề án chuyển đổi số trong hoạt động du lịch và các hoạt động truyền thông, quảng bá du lịch, các sự kiện văn hóa du lịch của tỉnh Lào Cai.

2.7. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo: Phối hợp với Sở Du lịch triển khai các chương trình đào tạo nguồn nhân lực du lịch, giáo dục nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư và trong hệ thống giáo dục.

2.8. Công an tỉnh: Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai hiệu quả Kế hoạch số 232/KH-UBND ngày 17/5/2021 của UBND tỉnh Lào Cai về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 31/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về công tác bảo vệ An ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong lĩnh vực trong tình hình mới; bảo đảm môi trường an ninh, an toàn, thuận lợi thu hút khách du lịch quốc tế đến Lào Cai.

2.9. Sở Y tế: Phối hợp với Sở Du lịch xây dựng Kế hoạch, phương án, kịch bản ứng phó về bệnh dịch bệnh liên quan đến hoạt động du lịch và các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 đảm bảo du lịch an toàn cho du khách; nghiên cứu tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Kế hoạch phát triển loại hình du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe.

2.10. Sở Ngoại vụ: Phối hợp với Sở Du lịch xây dựng Kế hoạch hợp tác, xúc tiến, quảng bá du lịch ra nước ngoài và nghiên cứu thị trường khách du lịch tiềm năng.

2.11. Sở Tư pháp: Phối hợp với Sở Du lịch tổ chức tuyên truyền phổ biến pháp luật về du lịch, tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật nhằm cường quản lý hoạt động du lịch; các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.

2.12. Cục Thuế tỉnh: Phối hợp với Sở Du lịch tham mưu các chính sách thuế đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch.

2.13. Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn: Chủ trì tổ chức triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, phát triển hệ thống các sản phẩm nông nghiệp, du lịch đa dạng, phong phú đặc sắc đáp ứng nhu cầu khách du lịch mua sắm, trải nghiệm du lịch tại địa phương; triển khai thực hiện có hiệu quả các Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí của các Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022-2030 theo Đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt.

2.14. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố: Xây dựng và triển khai thực hiện các nhiệm vụ giải pháp theo Nghị quyết 82/NQ-CP và các nghị quyết, đề án, kế hoạch phát triển du lịch của Tỉnh đã ban hành.

Các Sở, ban ngành, địa phương và các đơn vị liên quan căn cứ Kế hoạch, triển khai thực hiện. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị chủ động đề xuất, gửi Sở Du lịch để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định./.

 


Nơi nhận:
- TT: Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành tỉnh;
- Lãnh đạo VP;
- Báo Lào Cai, Đài PT-TH tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Hiệp hội Du lịch tỉnh;
- Cổng TTĐT tỉnh;
- Lưu: VT, TH4, VX4

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Giàng Thị Dung

 

BẢNG GIẢI TRÌNH TIẾP THU Ý KIẾN

CỦA CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ TRONG XÂY DỰNG KẾ HOẠCH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 82/NQ-CP NGÀY 18/5/2023 CỦA CHÍNH PHỦ

TT

Cơ quan tham gia ý kiến

Nội dung ý kiến

Tiếp thu

Lí do không tiếp thu và ý kiến giải trình

1

Sở Công thương (văn bản 936/SCT-KH ngày 6/6/2023)

- Tại mục V. Tổ chức thực hiện đề nghị chỉnh sửa nhiệm vụ của Sở Công Thương như sau: “Phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan thực hiện triển khai hiệu quả Đề án số 346/ĐA-UBND ngày 30/8/2021 của UBND tỉnh về phát triển kết cấu hạ tầng thương mại tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch 385/KH-UBND ngày 28/10/2022 của UBND tỉnh về phát triển khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai đến năm 2030 trong đó ưu tiên các nhiệm vụ gắn với phục vụ phát triển du lịch. Thực hiện lồng ghép quảng bá du lịch tỉnh Lào Cai trong các hoạt động xúc tiến thương mại do Sở chủ trì”.

- Kế hoạch cần đảm bảo phù hợp với Quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021- 20230, tầm nhìn đến năm 2050 (đã được phê duyệt tại Quyết định 316/QĐ-TTg ngày 29/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ)

- Đã tiếp thu ý kiến và đã chỉnh sửa.

 

Tại “Mục tiêu tổng quát” có nêu “Đến năm 2050 Lào Cai trở thành điểm đến du lịch thiên nhiên, thể thao mạo hiểm ...” tuy nhiên trong phần “mục tiêu cụ thể” chưa nêu ra được nội dung này.

 

Mục tiêu cụ thể đã đưa ra nội dung này: Khu du lịch quốc gia Sa Pa đạt danh hiệu đô thị du lịch sạch theo tiêu chí của Asean, với các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, văn hóa và du lịch cộng đồng đặc sắc, hấp dẫn....khu vực Tây Bắc.

2

Sở Kế hoạch và Đầu tư (văn bản số 1016/SKH-KGVX ngày 5/6/2023)

mục III, điểm 2 “Tiếp tục tạo thuận lợi thu hút khách du lịch quốc tế đến Lào Cai” tại nội dung khổ thứ 3 và 4 đang trùng nhau

- Đã tiếp thu ý kiến và đã chỉnh sửa.

 

3

Sở Tài chính (văn bản số 1190/STC-QLNS ngày 6/6/2023)

Phối hợp với Sở Kế hoạch và đầu tư bố trí nguồn lực cho đầu tư hạ tầng du lịch trong khả năng cân đối ngân sách

- Đã tiếp thu ý kiến và đã chỉnh sửa.

 

4

Sở Thông tin Truyền thông (văn bản số 656/STTT-BCVTCNTT ngày 7/6/2023)

Đề nghị điều chỉnh nhiệm vụ của Sở Thông tin và Truyền thông tại khoản 2.6 mục 2 phần V thành "Phối hợp với Sở Du lịch triển khai đề án chuyển đổi số trong hoạt động du lịch và các hoạt động truyền thông, quảng bá du lịch, các sự kiện văn hóa du lịch của tỉnh Lào Cai."

- Đã tiếp thu ý kiến và đã chỉnh sửa.

 

5

Sở Tài nguyên và Môi trường (văn bản số 1544/STTT-BCVTCNTT ngày 7/6/2023)

Tại mục III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CỤ THỂ: Đề nghị Sở Du lịch đề xuất giải pháp về dịch vụ lưu trú, tránh tình trạng hình thành các dịch vụ lưu trú tự phát không phù hợp với các quy định về đất đai, xây dựng (nổi bật là các homestay xây dựng trên đất nông nghiệp tại một số địa phương có du lịch phát triển).

- Đã tiếp thu ý kiến và đã chỉnh sửa.

 

- Tại điểm 2.5, khoản 2, Mục V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

Đề nghị sửa thành: 2.5. Sở Tài nguyên và Môi trường: Chủ trì, phối hợp sở Du lịch hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố cập nhật các địa điểm quy hoạch xây dựng phục vụ phát triển du lịch trên địa bàn đã được phê duyệt vào quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất hàng năm của địa phương. Hướng dẫn nhà đầu tư các trình tự, thủ tục giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để đầu tư xây dựng phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai (đặc biệt tại các khu trọng điểm như thị xã Sa Pa, huyện Bát Xát, huyện Bắc Hà và thành phố Lào Cai).

- Đã tiếp thu ý kiến và đã chỉnh sửa.

 

6

Công an tỉnh Lào Cai (văn bản 2029/CAT-ANĐN ngày 8/6/2023)

Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai hiệu quả Kế hoạch số 232/KH-UBND ngày 17/5/2021 của UBND tỉnh Lào Cai về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 31/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về công tác bảo vệ An ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong lĩnh vực trong tình hình mới; bảo đảm môi trường an ninh, an toàn, thuận lợi thu hút khách du lịch quốc tế đến Lào Cai.

- Đã tiếp thu ý kiến và đã chỉnh sửa.

 

7

Sở Nông nghiệp và PTNN (văn bản 1077/SNN-KH ngày 6/6/2023

mục 1, phần III bổ sung:

- “đẩy mạnh chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc hữu, chủ lực của địa phương để thu hút, bán cho khách du lịch”.

- “trong đó quan tâm đến chính sách về phát triển sản phẩm du lịch, xúc tiến quảng bá du lịch, chính sách du lịch gắn với phát triển sản xuất nông nghiệp ”

Đã tiếp thu ý kiến và đã chỉnh sửa.

 

 

Bổ sung nhiệm vụ của Sở Nông nghiệp và PTNN: Triển khai thực hiện có hiệu quả các Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí của các Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022-2030 theo Đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Đã tiếp thu ý kiến và đã chỉnh sửa.

 

8

Sở Ngoại vụ (tại văn bản số 420/SNgV-LS&HTQT 2/6/2023)

Nhất trí với dự thảo

 

 

9

Sở Tư pháp (văn bản số 560/STP-VP ngày 5/6/2023)

Nhất trí với dự thảo

 

 

10

UBND huyện Mường Khương (văn bản số 1731/UBND-VX ngày 6/6/2023)

Nhất trí với dự thảo

 

 

11

Phòng VHTT huyện Bảo Yên (văn bản số 142/PVHTT ngày 6/6/2023)

Nhất trí với dự thảo

 

 

12

UBND thành phố Lào Cai (văn bản số 539/UBND-PVHTT ngày 6/6/2023)

Nhất trí với dự thảo

 

 

13

UBND huyện Văn bản (văn bản số 832/UBND-VX ngày 7/6/2023)

Nhất trí với dự thảo

 

 

14

Sở Văn hóa và Thể thao (Văn bản số 608/SVHTT-VP ngày 13/6/2023)

Nhất trí với dự thảo

 

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 282/KH-UBND năm 2023 thực hiện Nghị quyết 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững do tỉnh Lào Cai ban hành

  • Số hiệu: 282/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 22/06/2023
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lào Cai
  • Người ký: Giàng Thị Dung
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 22/06/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản