Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 263/KH-UBND | Hà Nội, ngày 04 tháng 9 năm 2024 |
KẾ HOẠCH
BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN LỢI THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI ĐẾN NĂM 2030
Thực hiện Quyết định số 76/QĐ-TTg ngày 18/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thuỷ sản đến năm 2030; Văn bản số 1433/BNN-KN ngày 01/3/2024 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc tổ chức thực hiện Chương trình quốc gia Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thuỷ sản đến năm 2030; Văn bản số 2770/BNN-KN ngày 16/4/2024 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc triển khai “Năm tăng cường, thực hiện hiệu quả đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản”, UBND Thành phố ban hành Kế hoạch bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030 như sau:
I. CĂN CỨ PHÁP LÝ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH
- Căn cứ Luật Thủy sản ngày 21/11/2017;
- Căn cứ các Nghị định của Chính phủ: số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành của Luật Thủy sản; số 37/2024/NĐ-CP ngày 04/4/2024 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP;
- Căn cứ các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: số 339/QĐ-TTg ngày 11/3/2021 phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; số 76/QĐ-TTg ngày 18/01/2024 phê duyệt Chương trình quốc gia Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thuỷ sản đến năm 2030; Quyết định số 389/QĐ-TTg ngày 09/5/2024 về việc phê duyệt Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thuỷ sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050;
- Căn cứ các Thông tư của Bộ Nông nghiệp và PTNT: số 19/2018/TT- BNNPTNT ngày 15/8/2018 về việc hướng dẫn về Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; số 01/2022/TT-BNNPTNT ngày 18/01/2022 sửa đổi bổ sung một số thông tư trong lĩnh vực thuỷ sản;
- Căn cứ các văn bản của Bộ Nông nghiệp và PTNT: số 1443 /BNN-KN ngày 01/3/2024 về việc tổ chức triển khai Chương trình Quốc gia về Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030; số 2770/BNN-KN ngày 16/4/2024 về việc triển khai “Năm tăng cường, thực hiện hiệu quả đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản”.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Bảo tồn, bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thuỷ sản nhằm phục hồi và sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn lợi thuỷ sản; gắn hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, quản lý nguồn lợi thuỷ sản với hoạt động khai thác thuỷ sản bền vững; nâng cao nhận thức của cộng đồng và xã hội về bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản góp phần phát triển thuỷ sản bền vững giữ gìn tính đa dạng sinh học, nâng cao đời sống và sinh kế cho người dân.
2. Mục tiêu cụ thể
- 100% các hồ tự nhiên, hồ chứa lớn và các khúc sông lớn chảy qua Hà Nội được điều tra đánh giá nguồn lợi và môi trường sống của các loài thuỷ sản.
- Các loài thủy sản bản địa, có nguy cơ suy giảm được bảo tồn, nhân nuôi sinh sản để tái thả về tự nhiên.
- Hàng năm tổ chức các hoạt động thả cá tái tạo nguồn lợi thuỷ sản vào các vùng nước tự nhiên.
- Thành lập và phát triển một số tổ chức cộng đồng thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch sinh thái.
- Tích hợp dữ liệu về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản vào cơ sở dữ liệu quốc gia về thuỷ sản theo hướng đồng bộ thống nhất phục vụ công tác quản lý.
III. NỘI DUNG THỰC HIỆN
1. Điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản
- Thực hiện điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản tại các thủy vực tự nhiên, các hồ chứa nước thủy lợi lớn trên địa bàn Thành phố làm cơ sở bảo vệ, tái tạo và khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản, phù hợp yêu cầu quản lý của bộ, ngành, thành phố Hà Nội.
- Cập nhật thông tin, công bố kết quả điều tra nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản trên địa bàn Thành phố.
2. Bảo vệ nguồn lợi thủy sản
- Tổ chức quản lý các khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn, khu vực đường di cư tự nhiên của loài thủy sản.
- Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản: tăng cường thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cộng đồng và xã hội về vai trò và giá trị của nguồn lợi thủy sản và các hệ sinh thái thủy sinh; đa dạng hóa các phương thức tuyên truyền, tập trung tuyên truyền bảo vệ nguồn lợi thủy sản vào các ngày lễ lớn (ngày truyền thống ngành thủy sản 1/4, ngày môi trường thế giới 5/6,...) và tổ chức thực hiện tháng hành động quốc gia về bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
- Tăng cường quản lý thủy sinh vật ngoại lai xâm hại.
- Kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác, gây nuôi, vận chuyển, mua bán tiêu thụ các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm; kiểm tra, xử lý các hoạt động lưu giữ, kinh doanh, thả ra môi trường tự nhiên các loài thủy sinh vật ngoại lai và thủy sinh vật ngoại lai xâm hại.
- Nghiên cứu thành lập và đưa vào hoạt động Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, Quỹ cộng đồng theo quy định của Luật Thủy sản 2017.
3. Tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản và phục hồi môi trường sống của loài thủy sản.
- Khai thác các loài thuỷ sản bản địa ngoài tự nhiên theo quy định để sinh sản nhân tạo, ương nuôi các loài thuỷ sản bản địa; thả tái tạo một số loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm; loài thủy sản có giá trị kinh tế, khoa học, loài thủy sản bản địa, loài thủy sản đặc hữu vào các thủy vực; tăng cường quản lý các khu vực, loài thủy sản được tái tạo, phục hồi để bảo đảm hiệu quả.
- Hình thành khu vực cư trú nhân tạo cho các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm, các loài thuỷ sản bản địa.
- Phục hồi và bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản, đặc biệt là các khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non tập trung sinh sống, nơi cư trú và đường di cư tự nhiên của các loài thủy sản.
- Xây dựng kế hoạch và phối hợp triển khai thực hiện công tác thả cá phóng sinh tái tạo nguồn lợi thủy sản; tăng cường xã hội hóa trong hoạt động thả cá phóng sinh; tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, giám sát các hoạt động thả cá phóng sinh của tăng ni, phật tử và người dân đảm bảo đúng đối tượng thả (các loài nguy cấp, quý hiếm, loài bản địa, loài có giá trị kinh tế cao,...) đúng địa điểm và bảo vệ môi trường (tránh xả rác, dụng cụ chứa đựng ra môi trường tự nhiên), không thả ra môi trường tự nhiên những loài thủy sinh vật ngoại lai xâm hại.
- Nghiên cứu thả một số đối tượng thủy sản phù hợp tạo cảnh quan, môi trường sinh thái, du lịch cho các hồ trong nội thành, khu đô thị.
4. Thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản
- Tổ chức thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại các thủy vực tự nhiên như sông, suối, hồ,... phù hợp với nhu cầu của người dân theo hướng bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản kết hợp với khai thác thuỷ sản tự nhiên, gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch sinh thái; đảm bảo sinh kế bền vững và an sinh xã hội.
- Xây dựng Quy chế phối hợp để thực hiện hiệu quả đồng quản lý giữa các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan trên địa thành phố Hà Nội.
- Tổ chức tuyên truyền, tập huấn, nâng cao nhận thức cho người dân về đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
- Tổ chức các lớp tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm thực hiện đồng quản lý cho tổ chức cộng đồng.
- Tổ chức các đoàn tham quan, học tập, chia sẻ kinh nghiệm cho người dân, tổ chức cộng đồng và các đơn vị có liên quan thực hiện đồng quản lý.
- Đánh giá hiệu quả, sơ kết, tổng kết, xác định những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện đồng quản lý.
- Hỗ trợ, hướng dẫn cộng đồng khảo sát, đánh giá nguồn lợi thủy sản, xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận và giao quyền cho tổ chức cộng đồng thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
5. Ngăn chặn sự suy giảm nguồn lợi thủy sản
- Thực hiện tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tập trung tại các khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn; tăng cường xử lý hoạt động sử dụng xung điện, chất độc, chất nổ, nghề, ngư cụ khai thác có tính hủy diệt, tận diệt, khai thác loài thủy sản có kích thước nhỏ hơn quy định, khai thác, vận chuyển, mua bán tiêu thụ các loài nguy cấp, quý, hiếm.
- Tổ chức phối hợp với các lực lượng chức năng: thanh tra chuyên ngành thủy sản, kiểm lâm, cảnh sát giao thông đường thủy, công an địa phương... thực hiện kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong vùng nội địa.
- Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác thực thi pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản; nâng cao năng lực tuần tra, kiểm tra, kiểm soát phát hiện xử lý vi phạm pháp luật cho lực lượng kiểm ngư và thanh tra chuyên ngành thuỷ sản.
IV. KINH PHÍ VÀ THỜI GIAN THỰC HIỆN
1. Nguồn kinh phí thực hiện
- Nguồn ngân sách Thành phố cấp hàng năm (chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên).
- Nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
2. Thời gian thực hiện: Kế hoạch được thực hiện đến năm 2030.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện Kế hoạch.
- Rà soát, cập nhật các văn bản, quy chế phối hợp giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với các cơ quan, sở, ngành, địa phương nhằm huy động các nguồn lực tham gia công tác quản lý, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn Thành phố.
- Phối hợp với các ban, ngành, chính quyền địa phương kiểm soát và xử lý nghiêm đối với hành vi sản xuất, tàng trữ, buôn bán, vận chuyển trái phép, sử dụng chất, hóa chất cấm, chất độc, chất nổ, xung điện, dòng điện, phương pháp, phương tiện, ngư cụ khai thác có tính hủy diệt, tận diệt để khai thác nguồn lợi thủy sản.
- Hàng năm, căn cứ các nội dung trong kế hoạch và chức năng, nhiệm vụ được giao xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức, triển khai thực hiện.
- Khai thác các loài thuỷ sản bản địa ngoài tự nhiên theo quy định, nghiên cứu, lựa chọn giống thủy sản bản địa; xây dựng và hoàn thiện quy trình kỹ thuật, công nghệ sản xuất giống nhân tạo để bổ sung nguồn giống thủy sản phục vụ công tác tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, phục hồi hệ sinh thái thủy sinh trên địa bàn Thành phố.
- Theo dõi, đôn đốc, tổng hợp kết quả thực hiện kế hoạch; tổng hợp những khó khăn, vướng mắc để kịp thời đề xuất, kiến nghị trình UBND Thành phố quyết định những vấn đề phát sinh, vượt thẩm quyền, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch phù hợp với tình hình thực tiễn.
2. Sở Tài chính
Hàng năm, căn cứ kế hoạch đã được UBND Thành phố phê duyệt cân đối ngân sách, trên cơ sở đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ quan chủ trì), phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND Thành phố trình HĐND Thành phố bố trí kinh phí thực hiện nhiệm vụ theo quy định.
3. Công an Thành phố
Chỉ đạo các phòng chức năng, Công an quận, huyện, thị xã phối hợp với các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan nắm chắc tình hình, phát hiện sớm và ngăn chặn, xử lý theo quy định đối với các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ nguồn lợi thủy sản (sử dụng xung, kích điện để khai thác thủy sản trên các sông, hồ), buôn bán, tàng trữ các công cụ kích điện; buôn bán trái phép động vật thủy sản nguy cấp, quý, hiếm.
4. Các Sở, ban, ngành và đơn vị liên quan
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã thực hiện đầy đủ và hiệu quả công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản.
5. Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành, đơn vị liên quan trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch của UBND Thành phố.
- Phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan xử lý nghiêm minh, đúng quy định các hành vi vi phạm pháp luật về thủy sản theo quy định.
- Căn cứ Kế hoạch của Thành phố, bố trí kinh phí xây dựng kế hoạch triển khai phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế và yêu cầu thực tiễn tại địa phương triển khai thực hiện trên địa bàn đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, theo đúng quy định. Hàng năm báo cáo về Uỷ ban nhân dân Thành phố (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để tổng hợp, báo cáo theo quy định.
- Tổ chức tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên các phương tiện thông tin của địa phương để nhân dân hiểu rõ và chủ động thực hiện.
- Chỉ đạo bộ phận chuyên môn và UBND cấp xã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi: Các hoạt động tàng trữ, vận chuyển, mua bán công cụ kích điện để khai thác thuỷ sản; Sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc, ngư cụ bị cấm để khai thác trái phép nguồn lợi thủy sản trên địa bàn; theo quy định tại Nghị định 38/2024/NĐ-CP ngày 05/4/2024 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản và các quy định hiện hành của Nhà nước.
Ủy ban nhân dân Thành phố giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã; Giám đốc các sở, ban ngành và các tổ chức, cá nhân có liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện. Trong quá trình triển khai thực hiện, có khó khăn, vướng mắc, kịp thời báo cáo về UBND Thành phố để kịp thời giải quyết./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Kế hoạch 263/KH-UBND năm 2024 bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030
- Số hiệu: 263/KH-UBND
- Loại văn bản: Kế hoạch
- Ngày ban hành: 04/09/2024
- Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
- Người ký: Nguyễn Mạnh Quyền
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra