- 1Quyết định 4145/QĐ-UBND năm 2019 Bộ tiêu chí về sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025
- 2Nghị quyết 13/NQ-CP năm 2021 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 58-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Chính phủ ban hành
- 3Quyết định 67/QĐ-UBND năm 2021 về Phương án Phòng cháy, chữa cháy rừng tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025
- 4Quyết định 3416/QĐ-UBND năm 2021 phê duyệt Đề án phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030
- 5Quyết định 177/QĐ-TTg năm 2022 phê duyệt Đề án nâng cao năng lực cho lực lượng kiểm lâm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng giai đoạn 2021-2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 260/KH-UBND | Thanh Hóa, ngày 07 tháng 11 năm 2022 |
KẾ HOẠCH
PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO, THÔNG MINH; HÌNH THÀNH CÁC VÙNG CHUYÊN CANH SẢN XUẤT HÀNG HÓA QUY MÔ LỚN, CHẤT LƯỢNG CAO VÀ PHÁT TRIỂN CÁC CHUỖI GIÁ TRỊ TỪ SẢN XUẤT ĐẾN CHẾ BIẾN, TIÊU THỤ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA, GIAI ĐOẠN 2022 - 2030
Thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 03/02/2021 của Chính phủ về việc Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 58- NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thông minh; hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao và phát triển các chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến tiêu thụ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2022 - 2030, với các nội dung sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
Xác định cụ thể các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để các cấp, các ngành và địa phương trong tỉnh triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thông minh, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao, xây dựng và phát triển các chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2022 - 2030.
2. Yêu cầu
- Tổ chức quán triệt nội dung của Kế hoạch tới các cơ quan Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp để nắm chắc quan điểm, mục tiêu, chủ trương, định hướng và các giải pháp thực hiện.
- Xây dựng các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách cần ưu tiên thực hiện đối với từng lĩnh vực trong ngành nông nghiệp giai đoạn 2022 - 2030, từ đó phân công trách nhiệm cụ thể cho các sở, ngành, đơn vị liên quan triển khai thực hiện.
- Bảo đảm sự thống nhất, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan có liên quan trong quá trình triển khai thực hiện các nội dung của Kế hoạch.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thông minh, hình thành các vùng sản xuất tập trung, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa quy mô lớn, có chất lượng cao; gắn với hình thành các chuỗi giá trị trong sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo vệ môi trường, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
2. Mục tiêu cụ thể
2.1. Các vùng nông nghiệp tập trung quy mô lớn
a) Đến năm 2025:
- Trồng trọt: xây dựng hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao, trong đó: vùng lúa gạo 75 nghìn ha, vùng cây ăn quả tập trung 18 nghìn ha, vùng ngô 20 nghìn ha, vùng rau 14,3 nghìn ha gieo trồng/năm, vùng mía nguyên liệu 16,5 nghìn ha, vùng cây gai xanh 6,5 nghìn ha.
- Chăn nuôi: phát triển chăn nuôi công nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao trên các đối tượng: bò thịt 120 nghìn con, bò sữa 50 nghìn con; đàn lợn 1,54 triệu con; đàn gia cầm 13 triệu con.
- Thủy sản: phát triển diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao 700 ha; sản lượng 20.000 tấn.
- Lâm nghiệp: Diện tích rừng gỗ trồng sản xuất đạt 125 nghìn ha, trong đó, rừng trồng gỗ lớn 56 nghìn ha; ít nhất 90% diện tích rừng được trồng từ giống cây đã được công nhận; năng suất rừng trồng thâm canh trung bình 20 m3/ha/năm.
b) Đến năm 2030:
- Trồng trọt: ổn định quy mô diện tích các vùng sản xuất trồng trọt tập trung đối với lúa gạo, mía, ngô, gai xanh, cây ăn quả, rau, đồng thời phát triển thêm một số vùng trồng hoa, cây cảnh, cây dược liệu.
- Chăn nuôi: tiếp tục mở rộng quy phát triển chăn nuôi công nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao trên các đối tượng: bò thịt đạt 176 nghìn con, bò sữa đạt quy mô từ 75 nghìn con; đàn lợn 1.870 triệu con; đàn gia cầm 16,8 triệu con.
- Thủy sản: diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng 1.000 ha ứng dụng công nghệ cao; sản lượng 25.000 tấn.
- Lâm nghiệp: ổn định diện tích rừng gỗ trồng sản xuất 125 nghìn ha, trong đó rừng gỗ lớn 56 nghìn ha; phấn đấu ít nhất 90% diện tích rừng được trồng từ giống cây lâm nghiệp đã được công nhận; năng suất rừng trồng thâm canh giống mới trung bình 22 m3/ha/năm vào 2030.
2.2. Về ứng dụng công nghệ cao, thông minh và giá trị
a) Đến năm 2025:
- Trồng trọt: diện tích quy mô lớn, đạt tiêu chuẩn công nghệ cao là 4.100 ha, trong đó diện tích sản xuất ứng dụng công nghệ số, thông minh đạt 1.000 ha trở lên, giá trị đạt từ 500 triệu đồng/ha/năm trở lên. Diện tích quy mô lớn, theo hướng công nghệ cao đạt 49.700 ha, giá trị từ 400 triệu đồng/ha/năm trở lên.
- Chăn nuôi: có 1,54 triệu con lợn, 75% trang trại chăn nuôi gà, 75 nghìn con bò thịt, 40 nghìn bò sữa nuôi đạt tiêu chuẩn công nghệ cao, trong đó 20 nghìn con bò sữa ứng dụng công nghệ số, thông minh; có 660 nghìn con lợn, 25% trang trại chăn nuôi gà, 105 nghìn bò thịt, 10 nghìn bò sữa chăn nuôi theo hướng công nghệ cao.
- Thủy sản: diện tích để phát triển sản xuất nuôi trồng thủy sản quy mô lớn, đạt tiêu chuẩn công nghệ cao 210 ha, giá trị sản xuất đạt từ 3.000 triệu đồng/ha/năm trở lên. Diện tích để phát triển sản xuất nuôi trồng thủy sản quy mô lớn, theo hướng công nghệ cao đạt 490 ha, giá trị sản xuất đạt từ 2.000 triệu đồng/ha/năm trở lên. Có 379 tàu cá khai thác xa bờ công suất lớn, ứng dụng các thiết bị công nghệ cao, sản lượng khai thác ước đạt 27.955 tấn.
- Lâm nghiệp: tập trung phát triển rừng trồng sản xuất theo hướng công nghệ cao 13.000 ha, tre luồng 1.100 ha, quế 300 ha, cây trồng khác 545 ha; giá trị sản xuất đạt 100 triệu đồng/ha/chu kỳ sản xuất trở lên đối với kinh doanh gỗ nhỏ và từ 200 triệu đồng/ha/chu kỳ sản xuất trở lên đối với kinh doanh gỗ lớn; phấn đấu có 11 hệ thống camera quan sát lửa rừng.
b) Đến năm 2030:
- Trồng trọt: có 50% diện tích sản xuất tập trung được ứng dụng công nghệ cao, trong đó 2.500 diện tích sản xuất ứng dụng công nghệ số, thông minh, giá trị sản xuất đạt từ 600 triệu đồng/ha/năm trở lên. Có 50% diện tích tập trung được sản xuất theo hướng công nghệ cao, giá trị sản xuất đạt từ 400 triệu đồng/ha/năm trở lên.
- Chăn nuôi: có 1,87 triệu con lợn, 95% trang trại chăn nuôi gà, 75 nghìn con bò thịt, 65 nghìn bò sữa nuôi đạt tiêu chuẩn công nghệ cao, trong đó 20 nghìn con bò sữa ứng dụng công nghệ số, thông minh; có 330 nghìn con lợn, 5% trang trại chăn nuôi gà, 145 nghìn bò thịt, 10 nghìn bò sữa chăn nuôi theo hướng công nghệ cao.
- Thủy sản: diện tích quy mô lớn, đạt tiêu chuẩn công nghệ cao là 500 ha, giá trị sản xuất đạt từ 3.000 triệu đồng/ha/năm trở lên, trong đó ứng dụng công nghệ số, thông minh 25 ha. Diện tích quy mô lớn, theo hướng công nghệ cao đạt 500 ha, giá trị sản xuất đạt từ 2.000 triệu đồng/ha/năm trở lên. Có 613 tàu cá khai thác xa bờ công suất lớn, ứng dụng các thiết bị công nghệ cao, sản lượng khai thác ước đạt 31.020 tấn.
- Lâm nghiệp: phát triển rừng trồng sản xuất theo hướng công nghệ cao 32.500 ha, tre luồng 1.100 ha, quế 300 ha, cây trồng khác 545 ha; giá trị sản xuất đạt 120 triệu đồng/ha/chu kỳ sản xuất trở lên đối với kinh doanh gỗ nhỏ và từ 250 triệu đồng/ha/chu kỳ sản xuất trở lên đối với kinh doanh gỗ lớn; phấn đấu có 11 hệ thống camera quan sát lửa rừng.
2.3. Về phát triển các chuỗi giá trị
a) Đến năm 2025:
- Trồng trọt: lúa gạo 43 chuỗi quy mô 41.400 ha/năm; cây ăn quả 35 chuỗi quy mô 4,36 nghìn ha; mía 01 chuỗi, quy mô 8.600 ha; cây gai xanh 01 chuỗi, quy mô 6.500 ha; rau 63 chuỗi, quy mô 1.570 ha/năm.
- Chăn nuôi: lợn 61 chuỗi quy mô 222 nghìn con; gà 61 chuỗi, quy mô 3,8 triệu con/năm; bò 12 chuỗi quy mô 45 nghìn con.
- Thủy sản: tôm thẻ chân trắng 19 chuỗi, quy mô quy 700 ha; khai thác xa bờ 23 chuỗi, quy mô 27.955 tấn/năm.
- Lâm nghiệp: trồng rừng gỗ lớn 10 chuỗi, quy mô 13.000 ha, tre luồng 02 chuỗi quy mô 1.100 ha, quế 02 chuỗi quy mô 300 ha.
b) Đến năm 2030:
- Trồng trọt: lúa gạo 65 chuỗi quy mô 45.000 ha/năm; cây ăn quả 42 chuỗi với tổng quy mô 5.550 ha/năm; mía 02 chuỗi, quy mô 14.000 ha/năm; cây gai xanh 01 chuỗi, quy mô 6.500 ha/năm; rau 70 chuỗi, quy mô 1.800 ha/năm.
- Chăn nuôi: lợn 74 chuỗi quy mô 517,1 nghìn con; gà 75 chuỗi, quy mô 4,111 triệu con/năm; bò 5 chuỗi quy mô 26,1 nghìn con;
- Thủy sản: tôm thẻ chân trắng 26 chuỗi, quy mô quy 1.000 ha, sản lượng 25.000 tấn/năm; khai thác xa bờ 26 chuỗi, quy mô 31.020 tấn/năm.
- Lâm nghiệp: trồng rừng gỗ lớn 19 chuỗi, quy mô 32.000 ha, sản lượng 500.000 m3/năm, tre luồng 2 chuỗi quy mô 1.100 ha, quế 2 chuỗi quy mô 300 ha.
III. NHIỆM VỤ VÀ CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Nhiệm vụ
1.1. Xác định đối tượng cây trồng, vật nuôi và ứng dụng công nghệ cao cho các vùng sản xuất
1.1.1. Trồng trọt
- Vùng sản xuất lúa gạo: tập trung trên vùng thâm canh lúa năng suất chất lượng hiệu quả cao với tổng diện tích 75 nghìn ha. Công nghệ ứng dụng trong sản xuất lúa gạo tập trung vào 2 nhóm đối tượng là: sản xuất giống lúa với quy mô từ 3.500 - 4.000 ha/năm, sản xuất lúa thương phẩm chất lượng cao, ứng dụng công nghệ hữu cơ, các quy trình VietGAP để tạo ra sản phẩm chất lượng cao.
- Vùng sản xuất cây ăn quả tập trung: tổ chức sản xuất các loại cây có múi (cam, bưởi, chanh leo), xoài, dứa, ổi, vải, thanh long, chuối. Thực hiện sản xuất theo quy trình công nghệ cao và hướng công nghệ cao, sản phẩm đạt tiêu chuẩn từ VietGAP trở lên.
- Vùng rau an toàn: tiếp tục mở rộng diện tích được ứng dụng công nghệ cao trên diện tích đủ điều kiện sản xuất rau an toàn đã được quy hoạch; tập trung vào các đối tượng rau quả có thị trường lớn và tiềm năng xuất khẩu như: cải bó xôi, đậu tương rau, ớt, dưa các loại, khoai tây...
- Vùng mía nguyên liệu: tập trung ứng dụng công nghệ nâng cao năng suất và sản lượng mía, đáp ứng cho 2 nhà máy đường trong tỉnh hoạt động đảm bảo thời gian (100 - 110 ngày ép/niên vụ) và công suất thiết kế.
- Vùng cây gai nguyên liệu: đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng gai nguyên liệu; đầu tư thâm canh nâng cao năng suất và sản lượng gai, đảm bảo nguyên liệu cho nhà máy sợi dệt An Phước.
- Các đối tượng cây trồng khác: tùy điều kiện, lợi thế của từng địa phương, xác định loại cây trồng có khả năng ứng dụng công nghệ cao với quy mô tập trung, hình thành các chuỗi giá trị sản xuất, chế biến, tiêu thụ; trong đó lưu ý một số loại cây trồng như: cói (Nga Sơn, Quảng Xương, Nông Cống), hoa cây cảnh (Triệu Sơn, Thành Phố, Đông Sơn...), chè (Triệu Sơn, Như Xuân)...
1.1.2. Chăn nuôi
- Các huyện Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa, Bá Thước, Lang Chánh, Thường Xuân, Như Xuân: đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ (trâu, bò thịt, dê) và con nuôi đặc sản (vịt Cổ Lũng, vịt bầu cổ xanh, lợn mán, gà đồi,…), từng bước hình thành và phát triển trang trại chăn nuôi tập trung an toàn sinh học, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường gắn với cơ sở giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Riêng đối với huyện Mường Lát tập trung các con nuôi đặc sản (lợn mán, vịt cổ rút, gà mông,..).
- Các huyện Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Thạch Thành, Như Thanh: đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung quy mô lớn đảm bảo an toàn sinh học, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường gắn với cơ sở nhà máy giết mổ, chế biến, chế biến sâu và tiêu thụ sản phẩm, bảo vệ môi trường.
- Các huyện đồng bằng: giảm chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ và trang trại quy mô nhỏ trong khu dân cư; phát triển hợp lý các trang trại chăn nuôi quy mô lớn, tập trung xa khu dân cư, các trang trại đã và đang hoạt động đảm bảo các điều kiện về chăn nuôi theo quy định, đặc biệt là chăn nuôi bò sữa.
1.1.3. Thủy sản
- Đầu tư, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng và dịch vụ hậu cần nghề cá phục vụ phát triển thủy sản; hình thành các trung tâm nghề cá lớn tại các vùng trọng điểm trong tỉnh.
- Nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh, ứng dụng công nghệ cao: đến năm 2025 đạt 700 ha và tăng lên 1.000 ha vào năm 2030. Diện tích nuôi tập trung tại các huyện: Hoằng Hóa 500 ha, Hậu Lộc 195 ha, thị xã Nghi Sơn 105 ha, Quảng Xương 100 ha, Nga Sơn 70 ha, Nông Cống 22 ha...
1.1.4. Lâm nghiệp
- Xây dựng vùng sản xuất gỗ lớn có quy mô hàng hóa tập trung; tăng tỷ trọng các sản phẩm chế biến sâu; tập trung phát triển các mặt hàng sản phẩm có ưu thế cạnh tranh cao và bền vững, như: đồ gỗ nội thất, đồ gỗ ngoài trời, đồ mộc mỹ nghệ và sản phẩm tinh chế từ lâm sản ngoài gỗ, lâm sản ngoài gỗ.
- Tỷ lệ che phủ rừng đạt 54,5%; tiếp tục bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng tự nhiên, từng bước ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác QLBV, PCCCR, sâu bệnh hại rừng nhằm phát hiện sớm lửa rừng, mất rừng, suy giảm tài nguyên rừng.
- Tập trung phát triển và hình thành chuỗi giá trị đối với các sản phẩm lâm nghiệp chủ lực, lợi thế của tỉnh: chuỗi sản phẩm tre luồng, chuỗi sản phẩm quế ngọc Thường Xuân, chuỗi sản phẩm nguyên liệu giấy (keo, luồng, nứa...)
1.2. Ứng dụng các tiêu chí về ứng dụng công nghệ cao và công nghệ thông minh trong sản xuất
- Căn cứ các tiêu chuẩn, điều kiện, tiêu chí về ứng dụng công nghệ cao, hướng công nghệ cao đã được Chủ tịch UBND tỉnh ban hành tại Quyết định 4145/QĐ-UBND, ngày 10/10/2019; ngoài ra, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Khoa học công nghệ và Môi trường đã ban hành điều kiện, tiêu chuẩn ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh trong sản xuất nông nghiệp cho nhiều đối tượng cây trồng, vật nuôi; các địa phương, các chủ dự án lựa chọn phù hợp công nghệ để áp dụng.
- Đối với những đối tượng cây trồng, vật nuôi có điều kiện, tiềm năng xây dựng thành các vùng sản xuất quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao và hình thành các chuỗi giá trị nhưng chưa được xây dựng ban hành các quy trình, công nghệ cụ thể, giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì phối hợp với các ngành, địa phương tham mưu xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành làm cơ sở thực hiện.
1.3. Xây dựng các chuỗi giá trị
Xác định rõ các khâu, đối tác tham gia thực hiện, từ đó xây dựng được bộ quy tắc cơ bản trong hoạt động của chuỗi; trong đó thể hiện rõ được vai trò chủ thể là các doanh nghiệp, hợp tác xã, với sự tham gia của nông dân, các tổ chức dịch vụ công, vai trò định hướng quản lý của Nhà nước và các mắt xích trong chuỗi. Đồng thời cần phải thể hiện rõ được mức độ, tỷ lệ đóng góp, chia sẻ hài hòa lợi ích cũng như rủi ro một cách công khai, công bằng.
2. Các giải pháp
2.1. Công tác tuyên truyền
- Thực hiện tốt công tác truyền thông thông tin, nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị của tỉnh, toàn thể Nhân dân tham gia thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp theo nội dung Kế hoạch.
- Đổi mới về hình thức nội dung thông tin tuyên truyền cho phù hợp, dễ tiếp cận và phù hợp với đặc điểm sản xuất của từng địa phương, tận dụng được các nguồn lực sẵn có để thực hiện. Tăng cường sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng để thông tin tuyên truyền.
- Tổ chức các phong trào thi đua phát triển sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh truyền thông về các mô hình, điển hình tiên tiến trong phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh, các chuỗi giá trị hoạt động hiệu quả; từ đó thúc đẩy sản xuất, tạo động lực cho doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và người sản xuất mạnh dạn đầu tư, phát triển các sản phẩm lợi thế của mỗi địa phương.
2.2. Giải pháp về khoa học công nghệ
- Tập trung tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất; ưu tiên trên một số lĩnh vực: giống, vật tư, công nghệ sinh học, quy trình sản xuất thực hành nông nghiệp tốt; bảo quản, chế biến sản phẩm nông sản, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, thông minh.
- Nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh trong trồng trọt, chăn nuôi có hiệu quả đã được khẳng định; … đẩy mạnh sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản theo hướng an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ trong nước và nước ngoài (JAS, IFOAM)… nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.
- Xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ trong chế biến, bảo quản nông sản, xử lý môi trường và phát triển bền vững; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, sản xuất nông nghiệp; tập trung nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trên các lĩnh vực, bao gồm:
+ Lĩnh vực trồng trọt: đẩy mạnh nghiên cứu chọn tạo, du nhập giống mới và ứng dụng giống theo hướng tăng tỷ lệ giống có năng suất, chất lượng cao, có khả năng chống chịu sâu bệnh và điều kiện bất thuận, phù hợp thị hiếu, thích ứng biến đổi khí hậu. Thực hiện các giải pháp khuyến khích mô hình tưới tiết kiệm nước phục vụ các khu nông nghiệp công nghệ cao; đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất; ứng dụng các công nghệ mới của cách mạng nông nghiệp 4.0 trong quản lý, giám sát, điều khiển tưới nước, bón phân, phòng trừ sâu, bệnh; quản lý sản phẩm theo chuỗi giá trị; truy xuất nguồn gốc.
+ Lĩnh vực chăn nuôi: du nhập, sản xuất các giống có chất lượng và khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu tốt vào trong chăn nuôi; đẩy mạnh chuyển giao nhanh và đồng bộ các tiến bộ KHKT, tạo ra các sản phẩm năng suất, chất lượng góp phần nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm; ứng dụng khoa học công nghệ để xử lý chất thải, chăn nuôi sử dụng đệm lót sinh học, chế phẩm men vi sinh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
+ Lĩnh vực lâm nghiệp: tập trung chuyển giao ứng dụng tiến bộ, khoa học công nghệ, khuyến khích đổi mới, sáng tạo để tạo ra các sản phẩm mới; bảo tồn đa dạng sinh học; dịch vụ môi trường rừng; chất lượng rừng trồng và công nghệ chế biến lâm sản; bảo đảm cả nghiên cứu cơ bản và ứng dụng; xây dựng các chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học, công nghệ, ưu tiên các lĩnh vực: chọn, tạo giống cây lâm nghiệp chất lượng cao, thâm canh rừng trồng sản xuất, công nghệ chế biến lâm sản, sản phẩm phụ trợ thay thế hàng nhập khẩu, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ sinh học trong quản lý và bảo vệ rừng, phát triển nông lâm kết hợp, lâm sản ngoài gỗ; thúc đẩy hiện đại hóa công nghiệp chế biến lâm sản, khuyến khích áp dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, chế biến sâu, tiết kiệm nguyên liệu; khuyến khích phát triển các vật liệu mới thay thế gỗ, kết hợp gỗ nhựa, gỗ kim loại.
+ Lĩnh vực thủy sản: tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận VietGAP để nhanh chóng tiếp cận thị trường và đáp ứng yêu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng; ứng dụng công nghệ cao nuôi tôm thẻ chân trắng trong nhà bạt, nhà kính. Ứng dụng công nghệ vệ tinh, viễn thám, GIS, GPS… vào quản lý, kiểm soát khai thác; nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ kỹ thuật mới trong khai thác và bảo quản sản phẩm trên tàu khai thác để nâng cao giá trị sản phẩm khai thác, có sản phẩm chất lượng cho phục vụ chế chế biến và xuất khẩu. 100% các tàu khai thác hải sản xa bờ hoạt động dài ngày trên biển và các tàu thu mua có hầm bảo quản bằng vật liệu cách nhiệt, lắp máy cấp đông hoặc máy phả lạnh, công nghệ bảo quản mới nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch.
- Chuyển đổi số: đẩy mạnh chuyển đổi số trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ và phát triển thị trường, ứng dụng công nghệ thông tin đối với việc triển khai các biện pháp kỹ thuật cao và quản lý các vùng sản xuất; theo từng đối tượng cây trồng, vật nuôi, vùng sản xuất có các phương án chuyển đổi số một cách phù hợp, trong đó đặc biệt ưu tiên đầu tư các khâu: hạ tầng phục vụ chuyển đổi số, nhân lực chuyển đổi số, quy trình chuyển đổi số.
- Thiết lập và quản lý mã vùng trồng, vùng nuôi, vùng khai thác phù hợp với các quy định, hàng rào kỹ thuật của thị trường trong nước và xuất khẩu của từng nước khác nhau, đảm bảo điều kiện và tạo cơ hội để nông sản của tỉnh mở rộng, phát triển thị trường xuất khẩu và nội địa.
2.3. Phát triển doanh nghiệp và hợp tác xã, đổi mới phương thức sản xuất, hình thành chuỗi giá trị
- Tập trung đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng phát triển hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác và người dân trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp để đẩy mạnh liên kết phát triển vùng nguyên liệu cung cấp cho doanh nghiệp chế biến, tạo thành các chuỗi giá trị sản xuất, chế biến và tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp. Khuyến khích thành lập mới các HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; HTX gắn với sản xuất các sản phẩm OCOP.
- Xây dựng và nhân rộng các mô hình HTX nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao, tham gia các chuỗi liên kết sản xuất có hiệu quả cao đã và đang thực hiện thành công trên địa bàn tỉnh. Hỗ trợ và tạo điều kiện cho các HTX, cơ sở, làng nghề xây dựng thương hiệu sản phẩm, xây dựng chỉ dẫn địa lý, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu.
- Rà soát các cơ chế, chính sách về hỗ trợ cho phát triển doanh nghiệp như tiếp cận đất đai, đổi mới khoa học công nghệ kỹ thuật, liên kết, tiêu thụ sản phẩm,… tạo môi trường thông thoáng cho doanh nghiệp và doanh nhân phát triển. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản tham gia các chương trình xúc tiến thương mại sản phẩm nông, lâm, thủy sản như: hội nghị, hội thảo, hội chợ, phiên chợ, Tuần lễ nông sản an toàn để quảng bá, kết nối các cơ sở sản xuất với các cơ sở chế biến, tiêu thụ nông sản, thực phẩm trong và ngoài tỉnh, thúc đẩy phát triển các chuỗi cung ứng tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn. Đẩy mạnh phát triển thị trường xuất khẩu, mở rộng thị trường xuất khẩu chính ngạch.
- Thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với thu hút doanh nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm, thủy sản; hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị trong các ngành, sản phẩm thuộc lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, từ cung ứng đến sản xuất, bảo quản, bao tiêu sản phẩm, hàng hóa.
2.4. Đầu tư cải tạo, nâng cấp hạ tầng phục vụ sản xuất
Rà soát, lồng ghép các chương trình, dự án, đặc biệt là Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới để hoàn thiện các công trình về thủy lợi, điện, giao thông nội đồng…. Quan tâm đầu tư cho các vùng sản xuất hàng hóa trọng điểm và vùng khó khăn; thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa đầu tư, nhằm huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp, tổ chức và người dân đầu tư vào nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, trong đó:
- Tập trung vào hoàn thiện hệ thống giao thông nội đồng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung và hệ thống giao thông đến các vùng sản xuất; hoàn thiện hệ thống thủy lợi nội đồng đáp ứng yêu cầu sản xuất, ưu tiên đầu tư các vùng đất chuyên canh.
- Đầu tư hạ tầng cho khu trang trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn, gồm: đường giao thông, đường điện, hệ thống cấp thoát nước đến chân tường rào cho các khu trang trại chăn nuôi tập trung.
- Tăng đầu tư cơ sở hạ tầng cho nuôi trồng thủy sản tập, hệ thống cảnh báo và giám sát môi trường, hệ thống quản lý dịch bệnh thú y và thủy sản; tiếp tục đầu tư sắp xếp quy hoạch các dự án cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão.
- Xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đài trạm thông tin ven biển phục vụ tàu thuyền đánh bắt hải sản, chủ động ứng phó với các cơn bão, sóng thần và các tai nạn, rủi ro trên biển, tăng cường bảo vệ, hỗ trợ đảm bảo an toàn cho ngư dân hoạt động trên biển, nhất là ở các khu vực xa bờ.
- Tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng cơ bản tạo kết nối đồng bộ, nhất là kết nối liên xã, liên huyện; đầu tư hệ thống thu, mua, kết nối, cung ứng nông sản hiện đại, cơ sở hạ tầng thương mại gắn với vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn.
- Đổi mới thiết bị, công nghệ, đầu tư, nâng cấp các nhà máy chế biến nông sản để tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường. Thu hút đầu tư phát triển hạ tầng logistic, hạ tầng kho bãi phục vụ phát triển sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản.
2.5. Giải pháp về phát triển nguồn nhân lực, đào tạo, tập huấn và khuyến nông
- Đẩy mạnh chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, lựa chọn trọng tâm, trọng điểm vào kỹ thuật sản xuất cây trồng, vật nuôi chủ lực, có lợi thế sản xuất hàng hóa, hình thành các chuỗi giá trị. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuẩn cho các cán bộ quản lý hợp tác xã, tổ hợp tác; phát hiện, tổng kết các mô hình thực tiễn về kinh tế hợp tác, hợp tác xã, tổ chức, liên kết sản xuất để phổ biến, nhân rộng thông qua các chương trình bồi dưỡng, tập huấn phù hợp. Xây dựng đội ngũ chuyên gia và nhà khoa học giỏi trong từng lĩnh vực.
- Khuyến khích các cơ sở đào tạo tham gia nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ thông qua việc đẩy mạnh phương thức đặt hàng giao trực tiếp trong lĩnh vực khoa học công nghệ, ưu tiên tạo ra sản phẩm, quy trình công nghệ cao phục vụ phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực.
- Tổ chức rà soát hệ thống khuyến nông từ tỉnh đến huyện, xã; đào tạo tập huấn để nâng cao trình độ cán bộ khuyến nông; xây dựng mạng lưới khuyến nông tham gia trực tiếp vào chuyển giao khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật gắn với đào tạo nghề cho nông dân trên sản phẩm có lợi thế của vùng.
- Nâng cao năng lực cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản: tập huấn, hướng dẫn cho doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh trong chuỗi giá trị về sản xuất thực phẩm đa dạng, an toàn; hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở tham gia chuỗi áp dụng các chương trình quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm tiên tiến (VietGAP, GlobalGAP, HACCP, ISO…).
2.6. Xây dựng thương hiệu, thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại và phát triển thị trường
- Tăng cường liên kết chế biến gắn với vùng nguyên liệu tại các địa phương, đặc biệt là các vùng có sản lượng nông sản lớn, thuận lợi giao thông, lao động, logistics, có tiềm năng trở thành động lực tăng trưởng cho cả khu vực. Lựa chọn các doanh nghiệp chế biến nông sản “đầu tàu” có đủ năng lực về vốn, khoa học công nghệ thiết bị và thị trường để dẫn dắt chuỗi giá trị, vận hành một cách thông suốt, hiệu quả.
- Duy trì tổ chức Hội nghị kết nối cung - cầu, kết hợp trưng bày giới thiệu sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn, tỉnh Thanh Hóa hàng năm để thúc đẩy kết nối các cơ sở sản xuất với các cơ sở tiêu thụ trong và ngoài tỉnh, hình thành các chuỗi cung ứng - tiêu thụ nông sản thực phẩm; xây dựng Bản tin sản xuất, thị trường tiêu thụ nông sản tỉnh Thanh Hóa hàng quý, nhằm cung cấp kịp thời thông tin cho các địa phương, doanh nghiệp nắm bắt để có kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp với nhu cầu của thị trường.
- Tăng cường quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông sản thực phẩm của Thanh Hóa đến các kênh phân phối, nhằm mở rộng thị trường, nâng tầm giá trị, từng bước tiếp cận với nền tảng thương mại số, hợp tác liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, chuyển đổi số trong nông nghiệp, đồng thời tạo thuận lợi cho việc xây dựng thương hiệu sản phẩm.
- Triển khai thực hiện có hiệu quả các Hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký với các nước (CPTPP, EVFTA...) để khai thác và phát triển mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản.
2.7. Triển khai thực hiện tốt các cơ chế chính sách
- Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương và của Tỉnh đã ban hành đang còn hiệu lực trong giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 để khuyến khích, tạo động lực cho phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh nói chung, phát triển sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh nói riêng.
- Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì phối hợp với các đơn vị, địa phương có liên quan rà soát, điều chỉnh, bổ sung, xây dựng mới các cơ chế chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao tỉnh đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh trình duyệt theo quy định; trong đó, tập trung hỗ trợ xây dựng hạ tầng cho vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, công nghệ cao và theo hướng công nghệ cao, thu hút các dự án đầu tư vào chế biến sản phẩm nông nghiệp chủ lực tại vùng sản xuất tập trung, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp chủ lực.
2.8. Các dự án ưu tiên đầu tư: (chi tiết có Phụ lục kèm theo)
3. Kính phí thực hiện
Thực hiện đa dạng nguồn vốn huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để triển khai thực hiện Kế hoạch.
1. Nguồn ngân sách nhà nước cấp hàng năm (chi đầu tư phát triển, đầu tư cơ sở hạ tầng, chi thường xuyên) theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.
2. Kinh phí lồng ghép trong các chương trình, đề án, dự án đầu tư công giai đoạn 2021 - 2030.
3. Kinh phí vận động, huy động từ các nhà tài trợ nước ngoài, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước và kinh phí hợp pháp khác.
4. Nguồn tài chính khác theo quy định của pháp luật.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Là cơ quan đầu mối tổng hợp, đôn đốc, kiểm tra trong việc thực hiện Kế hoạch này, định kỳ tổng hợp báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện hàng năm và theo yêu cầu.
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện kế hoạch; xây dựng chỉ tiêu, mục tiêu và các giải pháp cụ thể từng năm; chủ động hoặc đề xuất lồng ghép các mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch này với các chương trình và các đ ề án của tỉnh.
- Chủ trì, phối hợp với với các đơn vị có liên quan đề xuất điều chỉnh, bổ sung, xây dựng mới cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích thực hiện đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch; hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hiệu quả, đạt kết quả cao; hàng năm xây dựng kinh phí để phục vụ công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các sở, ngành, đơn vị có liên quan thực hiện Kế hoạch trình duyệt, theo quy định.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan cân đối, bố trí kinh phí lồng ghép thực hiện các chương trình, dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư công, Ngân sách nhà nước và hướng dẫn việc lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện đảm bảo hiệu quả đầu tư.
3. Sở Tài chính
Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT và các ngành có liên quan tham mưu, báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét bố trí kinh phí thực hiện các cơ chế, chính sách của tỉnh về phát triển ngành nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, thông minh, gắn với việc phát triển các chuỗi giá trị.
4. Sở Khoa học và Công nghệ
Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT và các đơn vị có liên quan tham mưu trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các nhiệm vụ nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, phục vụ phát triển ngành nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, thông minh; gắn với việc phát triển các chuỗi giá trị trong các chương trình khoa học và công nghệ cấp nhà nước, cấp bộ và cấp tỉnh.
5. Sở Công Thương
Chủ trì, nghiên cứu các chính sách thương mại, các hàng rào kỹ thuật và điều hành hoạt động xuất, nhập khẩu; xúc tiến thương mại, liên kết, tìm kiếm các nhà phân phối hỗ trợ tiêu thụ nông sản.
6. Sở Tài nguyên và Môi trường
Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và các địa phương xác định diện tích đất nông nghiệp được phân bổ chỉ tiêu trong quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và theo nhu cầu sử dụng đất của cấp huyện, cấp xã đưa vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện làm căn cứ giao đất, cho thuê đất thực hiện các dự án phát triển nông nghiệp theo quy định.
7. Sở Thông tin và Truyền thông
Chỉ đạo Đài phát thanh và truyền hình tỉnh, Báo Thanh Hóa và các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, tạo chuyển biến sâu sắc về nhận thức của cán bộ đảng viên và Nhân dân trong tỉnh về các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp theo Kế hoạch. Lập chuyên trang, chuyên mục để kịp thời thông tin về các mô hình tốt, các điển hình tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng cao, thông minh, để các địa phương, doanh nghiệp, người dân học tập, làm theo.
8. Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh
Chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn về Chương trình OCOP. Hỗ trợ phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh để sản xuất các sản phẩm truyền thống, đặc trưng, có lợi thế của địa phương theo hướng quy hoạch vùng sản xuất tập trung, ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; phát triển theo chuỗi giá trị.
9. Liên minh Hợp tác xã tỉnh
Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, các cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ thành lập mới, nâng chất lượng, hiệu quả hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; hỗ trợ phát triển mô hình hợp tác, liên kết doanh nghiệp, hợp tác xã, nông hộ trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
10. Các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan
Căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và PTNT, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo, triển khai thực hiện kế hoạch đảm bảo hiệu quả.
11. Đề nghị Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh
Tăng cường vai trò của Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội trong việc thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội; tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt nội dung Kế hoạch; lựa chọn, xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả để vận động đoàn viên, hội viên tích cực hưởng ứng tham gia thực hiện.
12. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
- Xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, thông minh trên địa bàn quản lý; gắn với việc phát triển các chuỗi giá trị; trong đó, xác định rõ vị trí, quy mô, đối tượng, chủ thể thực hiện, xây dựng cụ thể các giải pháp đảm bảo mục tiêu đề ra; đồng thời phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có lợi thế, sản phẩm OCOP của địa phương gắn với xây dựng thương hiệu, thị trường tiêu thụ.
- Triển khai rà soát, điều chỉnh cơ cấu sản xuất theo hướng tập trung phát triển cây trồng, vật nuôi chủ lực của địa phương, có khả năng cạnh tranh phù hợp với định hướng phát triển của ngành và nhu cầu thị trường; nghiên cứu, xây dựng mô hình sản xuất và các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển phù hợp, hiệu quả.
- Vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách của tỉnh để khuyến khích đầu tư phù hợp với tiềm năng, lợi thế và nhu cầu của địa phương để thu hút vốn đầu tư xã hội cho phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn.
- Lồng ghép các chương trình, dự án để khai thác tốt nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, khuyến khích và chỉ đạo tổ chức thành lập các hợp tác xã, kêu gọi doanh nghiệp nông nghiệp đầu tư trên địa bàn.
- Phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và PTNT và các sở, ngành trong công tác xây dựng kế hoạch chi tiết, tổ chức thực hiện, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện theo quy định.
13. Đề nghị các doanh nghiệp và các hiệp hội
Đề nghị các doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng nêu cao tinh thần trách nhiệm, vì cộng đồng, vì sự phát triển của ngành nông nghiệp Thanh Hóa, tăng cường nghiên cứu, lựa chọn đối tượng, phương thức phù hợp, đầu tư sản xuất kinh doanh, ứng dụng công nghệ cao, hình thành các chuỗi giá trị, xây dựng nhãn hiệu, phát triển thị trường, tạo thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp của Thanh Hóa./.
| KT. CHỦ TỊCH |
PHỤ LỤC:
CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ
(Ban hành kèm theo Kế hoạch số: 260/KH-UBND ngày 07 tháng 11 năm 2022 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa)
TT | Tên dự án | Địa điểm xây dựng | Quy mô/công suất đầu tư | Giai đoạn đầu tư | Tổng nguồn kinh phí đầu tư (tỷ đồng) | Ghi chú |
| Tổng |
|
|
| 34.335,206 |
|
I | Lĩnh vực Công nghệ cao |
|
|
| 3.115 |
|
1 | Dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn - Sao Vàng | Huyện Thọ Xuân | 800 - 1.000 ha | 2021 - 2025 | 1.000 | QĐ 3416/QĐ- UBND ngày 01/9/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh |
2 | Dự án đầu tư xây dựng vùng nông nghiệp công nghệ cao các huyện dọc đường Hồ Chí Minh | Huyện trung du, miền núi | Mía thâm canh 7.000 ha; rau an toàn 1.000 ha; 02 trang trại bò thịt chất lượng cao, qui mô 3.000 con/trang trại; khu liên hợp sản xuất thức ăn chăn nuôi kết hợp nuôi lợn hướng nạc, quy mô 70 nghìn con,... | 2021 - 2025 | 2.115 | QĐ 3416/QĐ- UBND ngày 01/9/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh |
II | Lĩnh vực Trồng trọt |
|
|
| 5.000 |
|
1 | Đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gạo xuất khẩu gắn với phát triển vùng lúa thâm canh năng suất chất lượng cao | Tại các huyện: Thọ Xuân, Yên Định, Nông Cống, Hoằng Hóa, Quảng Xương. | 10.000 ha/dự án công suất 100.000 tấn/năm/nhà máy | 2021- 2030 | 1.000 | QĐ 3416/QĐ- UBND ngày 01/9/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh |
2 | Dự án đầu tư xây dựng nhà máy chế biến và xuất khẩu rau, quả (10 dự án) | Các huyện: Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Nga Sơn, Thọ Xuân, Yên Định, Thiệu Hóa, Nông Cống.... | 2.000 ha/dự án; công suất 50.000 tấn rau, quả/năm/nhà máy | 2021- 2030 | 2.500 | QĐ 3416/QĐ- UBND ngày 01/9/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh |
3 | Đầu tư xây dựng hệ thống tưới mía thâm canh công nghệ cao | Các huyện: Thọ Xuân, Thạch Thành, Nông Cống, Bá Thước, Ngọc Lặc, Như Thanh, Như Xuân, Triệu Sơn | 7.000 ha - 13.000 ha | 2021- 2025 | 1.500 | Đề xuất Dự án mới |
III | Lĩnh vực Chăn nuôi |
|
|
| 22.900 |
|
1 | Dự án khu liên hợp sản xuất, chăn nuôi, chế biến thực phẩm công nghệ cao Xuân Thiện Thanh Hoá tại huyện Ngọc Lặc, Lang Chánh và huyện Cẩm Thủy. | Các huyện: Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Lang Chánh | 45.000 lợn nái, 315.000 lợn thịt/năm | 2022- 2025 | 22.000 | QĐ 3416/QĐ- UBND ngày 01/9/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh |
2 | Các dự án đầu tư chăn nuôi gà thịt công nghệ cao, để cung cấp nguyên liệu cho nhà máy giết mổ, chế biến xuất khẩu thịt gà VietAvis. | Các huyện trung du, miền núi thấp, đồng bằng | 10 chuồng/khu dự án, quy mô 26.000 gà thịt/chuồng | 2022- 2030 | 550 | QĐ 3416/QĐ- UBND ngày 01/9/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh |
3 | Nhà máy giết mổ, chế biến, bảo quản, tiêu thụ thịt gia súc gắn với chuỗi cửa hàng cung cấp thực phẩm an toàn. | Các huyện: Yên Định, Thạch Thành, Ngọc Lặc, Như Xuân, thị xã Nghi Sơn | 12-15 tấn thịt gia súc, gia cầm/ngày | 2022- 2030 | 350 | Quyết định số 3416/QĐ- UBND ngày 01/9/2021 |
IV | Lĩnh vực lâm nghiệp |
|
|
| 1.380,206 |
|
1 | Dự án nâng cao năng lực cho lực lượng Kiểm lâm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng | Các huyện, thị xã, thành phố | Dự án nhóm C | 2023- 2025 | 28,820 | Quyết định số 177/QĐ-TTg ngày 10/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 67/QĐ-UBND ngày 07/01/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh |
2 | Nhà máy ứng dụng công nghệ cao sản xuất sản phẩm tre luồng | Thị trấn Lang Chánh, huyện Lang Chánh | Diện tích: 15 ha; công suất: 80 triệu cây tre, luồng/năm. | Hoàn thành đi vào hoạt động quý III/2023 | 298 | Quyết định 2146/QĐ- UBND ngày 19/02/2021 của UBND tỉnh |
3 | Nhà máy chế biến nông lâm sản và sản xuất viên nén mùn cưa Minh Ngọc | Khu công nghiệp Ngọc Lặc | Diện tích: 6,87 ha; công suất: 48.000 tấn sản phẩm/năm | Thời gian hoàn thành đưa dự án vào sử dụng Quý III/2021 | 74,386 | Quyết định số 3329/QĐ- UBND ngày 04/9/2018 của UBND tỉnh Thanh Hóa |
4 | Nhà máy sản xuất viên nén gỗ | Khu kinh tế Nghi Sơn | Công suất: 200.000 tấn sản phẩm/năm | Đang đề xuất chủ trương |
| Dự án đề xuất mới |
5 | Nhà máy chế biến gỗ công nghệ cao | Khu kinh tế Nghi Sơn | Công suất: 50.000 tấn sản phẩm/năm | diện tích khoảng 7 ha. | 935 | Dự án đề xuất mới |
6 | Vườn ươm giống cây trồng lâm nghiệp và cây dược liệu kết hợp cho giá trị kinh tế cao | Khu kinh tế Nghi Sơn | Diện tích khoảng 22 ha; công suất: khoảng 7 triệu cây (2 triệu cây trồng lâm nghiệp, 5 triệu cây dược liệu). |
| 44 | Quyết định Số: 1551/QĐ- UBND ngày 09/5/2022 của UBND tỉnh |
V | Lĩnh vực Thủy sản |
|
|
| 1.940 |
|
1 | Đầu tư phát triển hạ tầng nuôi trồng thủy sản (tôm nước lợ) | Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương | 1.346 ha | 2022- 2026 | 135 | Dự án “Phát triển thủy sản bền vững”, vay vốn WB |
2 | Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng khai thác hải sản | Cảng cá Lạch Hới, Sầm Sơn; cảng cá Lạch Bạng, Nghi Sơn; cảng cá Hoằng Trường, Hoằng Hóa; cảng cá kết hợp KNĐ tránh trú bão huyện Hậu Lộc | Nâng cấp, mở rộng cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao hiệu quả khai thác, giảm tổn thất sau thu hoạch | 2022- 2026 | 665 | Dự án “Phát triển thủy sản bền vững”, vay vốn WB |
3 | Dự án NTTS bằng lồng, bè trên vùng biển đảo Hòn Mê | thị xã Nghi Sơn | Quy mô 88 ha (nuôi tôm hùm 15 ha, nuôi cá biển 73 ha). | 2022- 2026 | 240 | QĐ 3416/QĐ- UBND ngày 01/9/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh |
4 | Đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thủy sản | TP Sầm Sơn, thị xã Nghi Sơn, huyện Hậu Lộc | Công suất 20.000 tấn/năm | 2022- 2030 | 900 |
- 1Quyết định 358/QĐ-UBND năm 2021 phê duyệt Đề án Cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, đặc sản theo chuỗi liên kết bảo đảm chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 do tỉnh Tuyên Quang ban hành
- 2Nghị quyết 21/2022/NQ-HĐND sửa đổi Nghị quyết 29/2015/NQ-HĐND về phát triển khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Hà Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2050
- 3Kế hoạch 208/KH-UBND năm 2022 về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp theo hướng hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2025
- 4Nghị quyết 45/2022/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2022-2030 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long
- 5Kế hoạch 17/KH-UBND năm 2023 thực hiện chương trình khoa học và công nghệ để chuyển đổi mô hình sản xuất hàng hóa phục vụ Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) của tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2022-2025
- 6Quyết định 4537/QĐ-UBND năm 2023 về Danh mục định hướng vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung trên địa bàn thành phố Hà Nội
- 1Quyết định 4145/QĐ-UBND năm 2019 Bộ tiêu chí về sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025
- 2Nghị quyết 13/NQ-CP năm 2021 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 58-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Chính phủ ban hành
- 3Quyết định 67/QĐ-UBND năm 2021 về Phương án Phòng cháy, chữa cháy rừng tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025
- 4Quyết định 358/QĐ-UBND năm 2021 phê duyệt Đề án Cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, đặc sản theo chuỗi liên kết bảo đảm chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 do tỉnh Tuyên Quang ban hành
- 5Quyết định 3416/QĐ-UBND năm 2021 phê duyệt Đề án phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030
- 6Quyết định 177/QĐ-TTg năm 2022 phê duyệt Đề án nâng cao năng lực cho lực lượng kiểm lâm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng giai đoạn 2021-2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7Nghị quyết 21/2022/NQ-HĐND sửa đổi Nghị quyết 29/2015/NQ-HĐND về phát triển khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Hà Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2050
- 8Kế hoạch 208/KH-UBND năm 2022 về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp theo hướng hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2025
- 9Nghị quyết 45/2022/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2022-2030 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long
- 10Kế hoạch 17/KH-UBND năm 2023 thực hiện chương trình khoa học và công nghệ để chuyển đổi mô hình sản xuất hàng hóa phục vụ Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) của tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2022-2025
- 11Quyết định 4537/QĐ-UBND năm 2023 về Danh mục định hướng vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung trên địa bàn thành phố Hà Nội
Kế hoạch 260/KH-UBND năm 2022 về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thông minh; hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao và phát triển các chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2022-2030
- Số hiệu: 260/KH-UBND
- Loại văn bản: Kế hoạch
- Ngày ban hành: 07/11/2022
- Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa
- Người ký: Lê Đức Giang
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 07/11/2022
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định