Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 26/KH-UBND

Bình Định, ngày 19 tháng 02 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

XÂY DỰNG ĐỀ ÁN THU PHÍ SỬ DỤNG CÔNG TRÌNH KẾT CẤU HẠ TẦNG, CÔNG TRÌNH DỊCH VỤ, TIỆN ÍCH CÔNG CỘNG TRONG KHU VỰC CỬA KHẨU CẢNG BIỂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Thực hiện Kết luận số 298-KL/TU ngày 20/12/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc xây dựng Đề án thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn tỉnh; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch Xây dựng Đề án như sau:

I. CÁC CĂN CỨ

- Luật phí và lệ phí ngày 25 tháng 11 năm 2015;

- Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật phí và lệ phí;

- Thông tư số 85/2019/TT-BTC ngày 29 tháng 11 năm 2019 của Bộ Trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố thuộc trung ương.

II. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH KẾ HOẠCH.

Tỉnh Bình Định thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung, là đầu mối quan trọng trên trục hành lang Đông Tây, là cửa ngõ ra Biển Đông của tiểu vùng sông Mê kông (gồm Đông Bắc Thái Lan, Nam Lào và Đông Bắc Campuchia). Bình Định xác định cảng biển là một trong những thành tố phát triển 5 trụ cột tăng trưởng chính đó là: Công nghiệp; du lịch; dịch vụ cảng và logistics (bao gồm cảng biển và cảng hàng không)… và đặt ra mục tiêu đến năm 2025, Bình Định trở thành trung tâm trung chuyển và dịch vụ cảng biển, logistics, vận tải, dịch vụ xuất - nhập khẩu, công nghiệp chế tạo, chế biến khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Trong những năm qua, tỉnh đã ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông kết nối cảng biển với khu vực nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển, tăng năng lực thông hành qua cảng như: tuyến đường Quốc lộ 19 mới từ cảng Quy Nhơn đến QL1; tuyến đường phía Tây tỉnh kết nối Khu công nghiệp, Đô thị và Dịch vụ Becamex-Vsip Bình Định; tuyến đường trục Khu kinh tế nối dài; Nâng cấp tuyến đường ven biển... Tuy nhiên, với sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển ngày càng tăng đã tạo áp lực rất lớn lên kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng khu vực cửa khẩu cảng biển, như tuyến Quốc lộ 19 mới vừa được đầu tư xây dựng, đưa vào khai thác phục vụ chính cho nhu cầu giao thương hàng hóa thông qua cảng biển hiện đang có mật độ giao thông, tải trọng lớn. Bên cạnh đó, hệ thống các kho bãi, bãi đậu xe,… phục vụ nhu cầu đậu đỗ của các phương tiện vận tải vẫn chưa được đầu tư hoàn chỉnh. Sự bất cập về hạ tầng hiện nay có ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động giao nhận hàng hóa trong khu vực cảng, tăng chi phí logistic, hạn chế phần nào năng lực cạnh tranh và sự phát triển của thành phố Quy Nhơn nói riêng và tỉnh Bình Định nói chung.

Hiện nay, có 02 địa phương: thành phố Hải Phòng (thu từ năm 2013), thành phố Hồ Chí Minh (thu từ năm 2022) thực hiện việc thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển, với nguồn thu này đã đóng góp tích cực vào việc đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ cảng biển, góp phần cho việc lưu thông hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng được nhanh chóng, thuận lợi, giảm các chi phí có liên quan (vận tải, lưu kho, nhân công…). Với tình hình khó khăn của ngân sách tỉnh hiện nay, trong khi nhu cầu đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ cảng biển ngày càng cấp thiết, thì việc lập Đề án thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn, nhằm đẩy nhanh tiến trình đầu tư, nâng cấp cải tạo, bảo trì hệ thống hạ tầng giao thông đáp ứng năng lực khai thác cảng biển, góp phần tăng trưởng hàng hóa xuất nhập khẩu qua hệ thống cảng biển trong thời gian đến.

Với khối lượng công việc xây dựng Đề án rất lớn, đặc biệt phải xem xét kỹ lưỡng các tác động của việc thu phí (tác động dịch chuyển hàng hóa; tác động xã hội; tác động về mặt kinh tế; sự phù hợp về mặt pháp luật…) từ đó đánh giá tính hiệu quả, khả thi của Đề án. Để có cơ sở tham mưu đề xuất cho UBND tỉnh xin ý kiến Bộ Tài chính trước khi báo cáo báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho Chủ trương tổ chức thực hiện, thì việc ban hành kế hoạch triển khai cụ thể, chi tiết để đảm bảo huy động các cấp các ngành có liên quan của tỉnh tham gia với tinh thần trách nhiệm cao nhất trong xây dựng Đề án đáp ứng mục tiêu, tiến độ đề ra là rất cần thiết.

III. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

- Huy động, phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành có liên quan trong việc triển khai đồng bộ các công việc của việc xây dựng Đề án. Tạo sự thống nhất và phối hợp nhịp nhàng giữa các chủ thể tham gia nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện đáp ứng yêu cầu đề ra.

- Quán triệt tư tưởng của các chủ thể tham gia dự án cần xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cần tập trung thời gian, trí tuệ, bố trí sắp xếp nhân vật lực để tham gia tích cực, chủ động với tinh thần trách nhiệm cao.

- Cụ thể hóa nội dung, tiến độ triển khai đối với từng công việc liên quan đến chức năng nhiệm vụ của các Sở, ban ngành và các đơn vị liên quan và thành viên của Tổ công tác (Quyết định số 07/QĐ-UBND ngày 02/01/2024 của UBND tỉnh) để triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ và chất lượng, đúng mục tiêu đề ra.

IV. KẾ HOẠCH THỰC HIỆN.

1. Xây dựng dự thảo Đề án: Trong Quý I/2024.

2. Lấy ý kiến các đơn vị liên quan để chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện và Báo cáo UBND tỉnh: trong tháng 4/2024.

4. Tổng hợp xin ý kiến Bộ Tài chính: trong tháng 5/2024

5. Tổng hợp Báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy: trong tháng 6/2024.

6. Trình HĐND tỉnh phê duyệt: kỳ họp gần nhất trong năm 2024.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Trên cơ sở nội dung Kế hoạch đề ra, các Sở, ban, ngành có liên quan và thành viên Tổ công tác tập trung triển khai thực hiện kế hoạch; tích cực, chủ động trong việc giải quyết các khó khăn, vướng mắc theo chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị có liên quan trong quá trình triển khai thực hiện đảm bảo chất lượng, tiến độ và hiệu quả. Nhiệm vụ, cụ thể như sau:

1. Giao Sở Giao thông vận tải

- Là cơ quan chủ trì xây dựng Đề án, chịu trách nhiệm phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai xây dựng Đề án đảm bảo chất lượng và kế hoạch đề ra. Theo dõi, đôn đốc các Sở, ngành và các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công tại kế hoạch này.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan phân tích, đánh giá tác động dịch chuyển hàng hóa; tác động xã hội; tác động về mặt kinh tế; sự phù hợp về mặt pháp luật và các tác động khác của Đề án (nếu có).

- Thực hiện một số nhiệm vụ khác theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

2. Giao Sở Tài chính

- Phối hợp với Sở Tư pháp và các Sở, ban, ngành liên quan đánh giá sự phù hợp về mặt pháp luật theo quy định tại Luật phí và lệ phí của Đề án.

- Phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng mức thu phí và tổng hợp tham mưu cơ quan có thẩm quyền ban hành quy định về phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn tỉnh.

- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Cục Hải quan, Cục Thuế tỉnh nghiên cứu xây dựng các giải pháp phần mềm thu phí bảo đảm có sự kết nối đồng bộ thông tin với Hải quan và các đơn vị liên quan đến thu phí.

- Phối hợp với các đơn vị có liên quan chuẩn bị các tài liệu cần thiết để đề xuất cho UBND tỉnh xin ý kiến Bộ Tài chính.

- Thực hiện một số nhiệm vụ khác theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

3. Giao Sở Thông tin và Truyền thông

- Phối hợp với Sở Tài chính, Cục Hải quan Bình Định, Cục Thuế tỉnh nghiên cứu xây dựng các giải pháp kỹ thuật phần mềm thu phí bảo đảm có sự kết nối thông tin với Hải quan và cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin (đường truyền, sever, phần cứng…) để đảm bảo hệ thống thông tin điện tử hoạt động thông suốt, liên tục (24/7).

- Phối hợp với các đơn vị có liên quan tham gia phân tích, đánh giá tác động về mặt xã hội của Đề án.

- Thực hiện một số nhiệm vụ khác theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

4. Giao Sở Tư pháp

- Phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị có liên quan trong việc phân tích, đánh giá sự phù hợp về mặt pháp luật của Đề án.

- Phối hợp với các Sở Tài chính và các đơn vị có liên quan trong công tác hoàn thiện tính pháp lý về Đề án thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định.

- Thực hiện một số nhiệm vụ khác theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

5. Yêu cầu Cục Hải quan Bình Định

- Phối hợp cung cấp thông tin, số liệu về hàng hóa thông qua các cảng trên địa bàn tỉnh Bình Định để phục vụ cho công tác xây dựng Đề án.

- Phối hợp với các Sở, Ban, ngành có liên quan tham gia phân tích, đánh giá tác động dịch chuyển hàng hóa; tác động xã hội; tác động về mặt kinh tế; sự phù hợp về mặt pháp luật …của Đề án.

- Làm đầu mối làm việc với Tổng cục Hải quan để xây dựng cơ chế chia sẻ dữ liệu về tờ khai và hàng hóa thông qua cảng trên địa bàn tỉnh Bình Định khi triển khai thu phí. Tham mưu, hỗ trợ thiết kế hệ thống thu phí đảm bảo có thể đối soát thông tin qua hệ thống 24/7 của ngành Hải quan.

- Thực hiện một số nhiệm vụ khác theo chức năng, nhiệm vụ khi được UBND tỉnh đề nghị.

7. Yêu cầu các doanh nghiệp Cảng

- Cung cấp số liệu về hàng hóa thông qua cảng và dự báo mức độ tăng trưởng của từng loại hàng hóa thông qua cảng biển để làm cơ sở xây dựng Đề án.

- Phối hợp với các Sở, Ban, ngành có liên quan tham gia phân tích, đánh giá tác động dịch chuyển hàng hóa; tác động xã hội; tác động về mặt kinh tế; sự phù hợp về mặt pháp luật …của Đề án.

- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng các giải pháp phần mềm bảo đảm có sự kết nối đồng bộ thông tin với Hải quan và các đơn vị liên quan đến thu phí.

- Thực hiện một số nhiệm vụ khác khi được UBND tỉnh yêu cầu.

8. Yêu cầu các Sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố có liên quan

- Trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được giao, phối hợp cung cấp các số liệu, nội dung có liên quan đến việc xây dựng Đề án và tham gia đánh giá các tác động của Đề án khi có yêu cầu.

UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các cơ quan ban, ngành của tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố có liên quan tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả Kế hoạch này. Trong quá trình tổ chức thực hiện có khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền giải quyết hoặc cần thiết phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp cần chủ động báo cáo, đề xuất UBND tỉnh (thông qua Sở Giao thông vận tải tổng hợp báo cáo) giải quyết một cách kịp thời, không để ảnh hưởng đến tiến độ chung của xây dựng Đề án./.

 


Nơi nhận:
- Thường trực Tỉnh ủy (báo cáo);
- Đoàn ĐBQH tỉnh (báo cáo);
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành liên quan;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- LĐVP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, K19.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Tự Công Hoàng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 26/KH-UBND năm 2024 triển khai xây dựng Đề án thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn tỉnh Bình Định

  • Số hiệu: 26/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 19/02/2024
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Định
  • Người ký: Nguyễn Tự Công Hoàng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản